Dịch giả: Vương Quỳnh Ngân
Chương II
Mỹ nhân

Việt vương cho dời kinh đô từ Gia Lãm sang Hội Kê.
Năm xưa, Ngô - Việt giao binh dưới núi Hội Kê chứ nay thì ở đó có vô số kiến trúc mới mẻ. Câu Tiễn chọn vùng bằng phẳng ở lưng chừng núi kiến lập cung điện tráng lệ để cho sứ Ngô quốc đưa sang giám thị cư trú.
Trong hai năm, thành Hội Kê trước đây đã khuếch đại bằng hai.
Câu Tiễn tỏ ý cho sứ thần Ngô quốc biết: Việc kiến đô ở Hội Kê sn là để không quên ân đức của Ngô vương. Nhưng với từng người dân nước Việt thì đều biết mục đích thiên đô là để nhớ mãi mối nhục bại binh ở Hội Kê.
Đúng vậy, Câu Tiễn vĩnh viễn không quên lần bại trận ở Hội Kê và cũng không một giây phút nào quên được những ngày tháng bị cầm tù ở Ngô quốc. Mỗi đêm, Câu Tiễn ngủ trên chiếu gai để tự luyện thân thể. Mỗi sáng tinh sương, Câu Tiễn dùng lưỡi liếm mật đắng treo ở đầu giường rồi tự hỏi trước gương đồng:
- Câu Tiễn! Người quên mối nhục ở Hội Kê chăng?
Một hôm, sau khi tiến hành nghi thức nếm mật nghiêm túc như một giáo lễ, Câu Tiễn thư thả bước ra đại điện. Văn Chủng bước tới nghênh đón Việt vương và mật báo trước đôi điều.
- Nghe nói hôm nay Phạm Lãi về, phải không? (Câu Tiễn lấy từ trong áo ra một ống trúc đồng) Phạm đại phu nói, Trần Âm ở Đông Dưng đã nhận lời dạy binh sĩ của chúng ta bắn tên. Phạm đại phu còn nói đã phái hai trăm người đi học rồi.
- Ô, Trần Âm à?... Phạm Thiếu Bá có bản lĩnh nên mới vời được người ấy.
Câu Tiễn hỏi dồn:
- Muôn tâu, hạ thần đã sớm biết người ấy... Một người lông trắng khắp mình, tài bắn cực cao, gần như bá phát bá trúng. Trước đây, hạ thần phái mười mấy danh xạ thủ đến cầu học nhưng người tài cổ quái ấy từ chối tất cả. Không hiểu sao bây giờ Thiếu Bá lại thuyết phục được Trần Âm?
Câu Tiễn hài lòng mỉm cười:
- Thiếu Bá đã về chưa?
- Thưa rồi. Trước khi trời sáng, Thiếu Bá đã về đến kinh đô, có viết mấy chữ để lại cho hạ thần bảo là cần đến Sơn Âm xem binh tình, phải tối một chút mới triều kiến quân vương được.
Câu Tiễn gật đầu, dường như nghĩ ngợi điều gì. Khá lâu sau, nhà vua mới thư thả hỏi:
- Hôm nay có việc gì đặc biệt không?
- Thưa không. Mỹ nữ các nơi gửi về đã được huấn luyện năm tháng. Đại vương phán, sau năm tháng huấn luyện thi tuyển lại một lần để sa thải bớt, nay đến lúc tuyển chọn.
Câu Tiễn sờ cằm:
- Số mỹ nhân ấy có thật đẹp không?
- Nghe nói thì họ thuộc hàng đệ nhất cả. Trong số đó có một người tên là Tây Thi, một người tên Trịnh Đán nổi bật hơn hết. Chẳng những đẹp nhan đẹp sắc, tư chất các cô còn khá thông minh. Năm tháng qua, các cô học được khá nhiều thứ.
Câu Tiễn ra chiều thất vọng:
- Chỉ được có hai cô sao?
- Muôn tâu, tất cả có bốn mươi tám nhưng hạ thần đơn cử hai nàng xuất sắc nhất.
- Nói thế thì khanh cứ tuyển chọn rồi đưa vào cho ta xem. Nhãn quang của Ngô vương Phù Sai tương đối cao minh, mỹ nữ Cô Tô đài cũng không ít...
Nói đến đây, Câu Tiễn chợt dừng lại, nghĩ đến một chuyện lúc ở thành Cô Tô. Lúc ấy, nhà vua quỳ bên đường nghênh đón Ngô vương. Bao mỹ nữ theo hầu Ngô vương đi qua, Câu Tiễn chỉ nhìn thấy đôi chân và ngửi được mùi hương của họ. Chưa bao giờ Câu Tiễn được nhìn rõ mặt gái trong cung Ngô, nay nhân tuyển chọn mỹ nữ, Câu Tiễn mới nhớ ra và nảy ý hận.
Văn Chủng hiểu lòng quân vương lắm. Cứ mỗi lần có nhắc đến Cô Tô thì đôi mắt của Việt vương luôn nhìn chết một chỗ. Tình thân đó biểu lộ lòng thâm hận đó. Vì vậy, Văn Chủng trở giọng hòa hoãn tâu nhỏ:
- Đại vương, xin thượng triều thôi!
Mỗi sáng lâm triều, Việt vương chỉ giải quyết vấn đề nội chính và sinh sản. Vấn đề quân sự không bao giờ được đem ra thương nghị giữa triều đường. Bởi vì sứ thần của nhà Ngô cử ra giám thị lúc nào cũng có thể vào triều nên tất cả những vấn đề quan trọng đều được Việt vương mật bàn với quần thần và bí mật quyết định.
Buổi lâm triều sáng nay chỉ kéo dài một lúc không lâu rồi kết thúc. Câu Tiễn quay vào nội đình, cởi đai, bỏ trường bào bước vào một cung sáng lập riêng biệt phía dưới đống gạch đá. Ở đó, có hai tên thị vệ cường tráng đang chờ.Ở đó, nhà vua nắm chặt hai tay đấm vào bao cát, rút trường kiếm trên tường đâm chém các bia cây. Mỗi hôm Câu Tiễn đều luyện tập như thế để có đủ sức khỏe dồi dào. Để báo thù, Câu Tiễn hy vọng mình có được một khí lực sung mãn có thể tiên phong xông vào trận mạc.
Luyện tập trong thạch thất hơn nửa giờ, Câu Tiễn mới lau sạch mồ hôi, mặc trường y mềm mịn. Bấy giờ, Văn Chủng đưa lại bốn mỹ nhân chờ nhà vua chính mắt trông qua.
Bốn người đẹp do nội thị báo tên là: Tây Thi, Trịnh Đán, Di Quang, Triền Ba.
Câu Tiễn không phải là một nam nhân biết thưởng lãm nhan sắc. Nhà vua nhìn bốn cặp sóng mắt long lanh thì có phần bối rối, xoa xoa tay, không tự nhiên lắm hỏi về lai lịch của Trịnh Đán đang đứng gần nhà vua nhất.
Trịnh Đán thẳng thắn đáp:
- Muôn tâu, tiện nữ là người bản địa, được tuyển chọn trong một cuộc thi tuyển. Lần ấy, chính đại vương và quân phu nhân đều có dự.
- A...
Câu Tiễn vẫn xoa xoa tay, nhớ ra. Khoảng đâu tám chín tháng trước, Văn Chủng đã phát động việc tuyển chọn giai nhân trên toàn quốc. Người muốn được tham gia và công cử phải đóng hai thăng thóc. Bấy giờ, hình như thâu được một vạn mấy ngàn thăng và đó là số lương thực rất cần thiết đối với ngân khố quốc gia nên việc tuyển chọn mỹ nhân như thế nào, Câu Tiễn không quan tâm tới. Giờ nghe Trịnh Đán nhắc lại, nhà vua mới nhớ, mỉm cười, gật đầu xoay qua cô thứ nhì.
Câu Tiễn bắt gặp ngay đôi mắt trong suốt như dòng suối lạnh, lòng đen đen tuyền óng ánh phát hào quang, thoáng chốc như hớp hồn nhà vua.
May mà bấy giờ bỗng có tiếng nội thị từ ngoài cửa bẩm vọng vào:
- Đại phu Phạm Lãi đến!
Câu Tiễn hít một hơi dài:
- Thiếu Bá, vào đây!
Phạm Lãi trẻ trung, ngang nhiên khoa chân bước vào, chí thành cúi mình thi lễ.
- Thiếu Bá cực khổ lắm rồi...
Câu Tiễn nói đến đây liền đưa mặt lên có ý muốn cho lui bốn giai nhân. Nhưng rồi, nhà vua có phần nuối tiếc muốn được nhìn thêm. Nhất là nhìn thêm đôi mắt trong suốt như dòng suối lạnh.
Phạm Lãi cũng bắt gặp đôi mắt ấy. Đưa mắt qua bốn nàng, Phạm Lãi dừng mắt nơi Tây Thi, vừa có phần ngạc nhiên, vừa có phần mừng rỡ, gọi nhỏ:
- Cô nương...
- Phạm đại phu!
Tây Thi có phần e lệ, nửa cười nửa không, nói thêm:
- Hai năm không gặp, đại phu còn nhận ra tiện nữ?
Câu Tiễn nhận ra người quen biết với Phạm Lãi đúng là người vừa làm mình chếnh choáng nên càng không muốn cho các nàng lui. Câu Tiễn hỏi:
- Hai người biết nhau?..., Nàng đây là Tây Thi, tuyển từ đâu thế?
- Muôn tâu, ở Gia Lãm.
- Tây Thi? (Gần như mở miệng cùng lượt với Tây Thi, Phạm Lãi nói thêm) Cô nương là cô bé ở Thi gia đổi tên?
Tây Thi hơi giật mình đáp nhỏ:
- Lúc ấy, người nhà gọi tiện nữ như thế, chắc Phạm đại phu còn nhớ?
- Nhớ lắm!... Nhưng tại sao lại gọi Tây Thi?
- Thưa gia đình họ Thi, lại ở phía Tây thôn nên gọi tiện nữ là Tây Thi.
Câu Tiễn cười hỏi chen:
- Vậy thì ở đó có nhiều Tây Thi lắm phải không?
- Muôn tâu, chỉ có môt mình tiện nữ được người trong thôn tuyển ra để tham gia cuộc tuyển lựa ở thành Gia Lãm.
Phạm Lãi nhìn chăm chú, quan sát Tây Thi lúc nàng nói. Tây Thi đang đứng như người ngọc, tuổi trẻ nõn nà... Hai năm trước, lúc từ Ngô quốc về, Phạm Lãi có đến Trữ La thôn thuộc Gia Lãm, quen biết với Tây Thi mấy ngày. Lúc ấy, nàng không cao như bây giờ, cũng không yêu kiều, mỹ lệ như bây giờ.
Bấy giờ, Tây Thi như một đóa hoa còn chớm nụ hàm tiếu, bao nhiêu nét tươi trẻ thanh xuân dường như ẩn hiện trong góc mắt đuôi mày. Mắt nàng trong suốt, mày nàng phương phi, miệng nàng chúm chím, đường nét tạo thành nàng dường như là ảo tưởng.
Phạm Lãi nhớ ra, lúc bấy giờ, sống mũi khả ái của nàng đã hấp dẫn chàng. Bây giờ, chàng thèm được vuốt lại sống mũi ấy quá! Song không phải chỉ vì sống mũi đẹp mà hãy còn bao lực quyến rũ khác.
Lúc Phạm Lãi nhớ lại và thèm thuồng, Câu Tiễn đã hỏi qua xuất xứ của Di Quang và Triền Ba.
- Xong rồi! (Không còn gì để nói, Câu Tiễn liếc qua Phạm Lãi rồi quay bảo các cô) Các người ra ngoài chờ. Chút nữa, Phạm đại phu sẽ có mấy lời với các người.
Mãi trôi trong dòng ký ức, Phạm Lãi không nghe nhà vua nói gì. Đến khi nghe ra tên họ của mình, Phạm Lãi mới “tâu vâng”.
Bốn giai nhân hành lễ, tha thướt đi ra.
Phạm Lãi nói như chỉ để nói với chàng:
- Tây Thi... đã lọt vào hoàn cảnh thế này?
- Văn đại phu tuyển được khá nhiều mỹ nhân ở từng địa phưng, nhân đó thâu được cho quốc gia khá nhiều mễ cốc... Kìa, Thiếu Bá! Thôi chúng ta không nói đến người đẹp nữa. Nhiệm vụ của Thiếu Bá lần này ra sao? Chỉ cần báo cáo về việc ở bên Đông Hải và việc của Trần Âm.
- Muôn tâu, hạ thần đã lập ở ven biển hai xưởng đóng tàu có bốn trăm thợ làm việc. Hạ thần đã vẽ kiểu, bảo họ phải đóng thuyền lớn, đóng theo kiểu thuyền của Dư Hoàng Hiệu bên Ngô quốc.
- Làm sao có thể đóng lớn như thế?
Câu Tiễn rất đỗi ngạc nhiên, bởi thuyền của Dư Hoàng Hiệu bên Ngô lớn nhất thời bấy giờ, ngay cả nước Ngô cũng không dễ dàng đóng được chiếc thứ hai.
- Bây giờ chúng ta chưa đóng nổi, song ba bốn năm nữa thì có thể. Muốn đóng được thuyền như của Dư Hoàng Hiệu thì cần rất nhiều cây lớn và phải hai ngàn tay thợ. Tâu Đại vương, hạ thần đã phát hiện được ở dọc theo Dung Hà có nhiều cây cao lớn, muốn đóng thuyền lớn phải dùng số cây ấy.
Dừng lại một chút, Phạm Lãi tiếp:
- Hạ thần tuyển được ở vùng núi non ba trăm thiếu niên và đưa họ tới miền biển để học thủy chiến. Hn nữa, việc chọn ngựa cho các trại cũng đang tiến hành thuận lợi... Duy có một điều, trẻ con trong nước ốm yếu quá, sau này không đủ vạm vỡ để làm lính. Hạ thần đã căn dặn bọn quan viên ở các địa phương chú ý đến các việc này.
Câu Tiễn gật đầu, thở dài:
- Sự nghiệp của chúng ta có lẽ phải đến mười năm, hay lâu hn nữa. (Đang nói giọng trầm buồn, Câu Tiễn bỗng ngẩng nhìn Phạm Lãi hỏi) Thiếu Bá, tuổi xuân của con gái kéo dài được bao lâu?
Phạm Lãi có phần hoang mang, lúc lâu mới đáp:
- Khó nói lắm! Bởi con người có chỗ kỳ lạ... Thử lấy bốn nàng vừa rồi làm thí dụ thì với riêng Tây Thi, có thể mười năm sau lại quyến rũ hơn bây giờ.
- Mười năm sau lại quyến rũ hơn?
- Nàng bây giờ hãy còn chưa thành thục, mà người con gái đẹp nhất là ở lúc vào lứa tuổi từ hăm lăm đến ba mươi. Đó là thời kỳ lên chót đỉnh, khi vượt qua là xuống dốc. Tây Thi... hạ thần nhớ đâu nàng chưa tới mười sáu!
- A... (Câu Tiễn sờ râu ngắn) Sao Thiếu Bá biết?
Phạm Lãi có phần bối rối:
- Cái đó... hạ thần đoán mò vậy thôi.
Câu Tiễn nhẹ nhõm, phát ra tiếng cười... Về nước hai năm rồi, nhà vua chưa bao giờ cảm thấy nhẹ nhàng như vậy. Ý chí phục thù đè nặng đôi vai, hai năm qua, Câu Tiễn để cho người khác thấy ở mình sự nặng nề và đầy dẫy ý hận.
Phạm Lãi xoay đề sang khía cạnh quân sự:
- Tâu đại vương! Sáng sớm, hạ thần đã đến Sơn Âm xem qua, ở đó có một trăm người lái chiến xa được huấn luyện rất đầy đủ, đúng cách.
- Huấn luyện theo phưng pháp của Ngũ Tử Tư đó. Mấy tháng trước, trẫm cũng có đến xem một lần, so với nước Ngô thì không đến nỗi thua kém bao nhiêu.
- Hạ thần tin tưởng là họ có thể hơn. Nhưng bây giờ, việc huấn luyện của chúng ta bị phân tán mỏng, mong sớm có cơ hội tập trung.
- Phi. Đợi sứ thần Ngô quốc đi rồi, chúng ta sẽ tự do hoạt động. Chứ như bây giờ, họ đang kiểm soát chặt chẽ.
Câu Tiễn thở dài tiếp:
- Còn gì nữa không? Trẫm muốn đến viếng xưởng chế tạo võ khí.
- Thưa hết. - Phạm Lãi tỏ ra mệt mỏi.
- Khanh có thể nghỉ ngơi hai ngày, ngày mai không cần phải gặp trẫm.
Lúc từ giã bước ra đi theo hành lang phía Tây, Phạm Lãi chợt bắt gặp bốn mỹ nữ còn chờ trong nội thất. Chàng dừng lại ở hành lang, hỏi vọng qua cửa sổ:
- Các nàng chưa về à?
Tây Thi đứng lên đáp:
- Quân vương boả chị em tiện nữ chờ Phạm đại phu đến nói vài câu...
Phạm Lãi không biết tác dụng nuôi dưỡng các mỹ nữ này. Về trực giác, chàng hiểu rõ cuộc tuyển lựa giai nhân chưa kết thúc. Hn nữa, chàng còn võ đoán Văn Chủng sẽ dùng các cô đi quyên tiền trong dân chúng. Vì vậy, chàng thấy không có gì để nói nên mỉm cười, lắc đầu.
Tây Thi quay nói với Trịnh Đán:
- Thế thì chúng ta về!
Nhưng, lúc Tây Thi vừa bước ra khỏi phòng, Phạm Lãi bỗng cảm thấy hứng thú. Công việc hoàn thành, thời gian dùng để nghỉ ngơi gần như chàng chưa có cách tiêu pha.
Phạm Lãi cất tiếng gọi Tây Thi, ranh mãnh nói:
- Cô nương lớn rồi... Càng lớn càng đẹp!
- Thật không? Cám ơn đại phu!
Tây Thi cười yêu kiều, tiếp tục đi tới.
Phạm Lãi lại gọi:
- Bé con! Bé không nghĩ đến việc nói chuyện với ta sao? Nói như hồi đó...
- Kìa, tại đại phu không thích nói chuyện với bọn tiểu nữ đó! Sao lại đi trách tiểu nữ?
Tây Thi quay lại, chúm chím môi vẻ phụng phịu. Phạm Lãi đáp:
- Không phải ta đã nói qua rồi sao? Chúng ta là bạn thân cũ, bé...
- Đừng gọi tiểu nữ là bé con nữa, khó nghe lắm!
- Vậy gọi... Tây Thi!
Phạm Lãi cười thoải mái. Di Quang thấy thế liền thúc thúc Tây Thi, bảo:
- Tây Thi! Chị và Phạm đại phu ở đây nói chuyện, chúng tôi xin về trước.
- Văn đại phu không cho phép chúng ta tùy tiện đi riêng.
Tây Thi tỏ ra hiểu biết cách xử sự trong hoàn cảnh của nàng. Nhưng tuy nói thế, nàng vẫn không đi theo các bạn. Di Quang ranh mãnh nói vọng lại:
- Đâu có sao! Đây là quân vương triệu kiến mà!
- Bây giờ thì không phải. Bây giờ là do Phạm đại phu triệu kiến!
Tây Thi đảo mắt long lanh, nói giọng reo vui khiến Phạm Lãi cũng cười:
- Bé con ranh mãnh lắm!
Cả hai thư thả rời cung đình, đi sang con đường bên cửa trái tức là con đường ăn thông đến Hội Kê sơn.
Tây Thi bỗng mỉm cười, hỏi:
- Thật không? - Nàng hờn dỗi - Đại phu cảm thấy thế à?
- Thật chứ! Nói thật là đẹp, đẹp đến khiến người không dám gần.
- Đại phu nói gì, tiểu nữ không hiểu.
- Cái đẹp của Tây Thi như lóe hào quang, như thái dương. Nhất là thái dương vào lúc sáng chói nhất, đâu có ai dám nhìn rõ mặt thái dương!
- Đại phu nói không khác mấy cô mẫu của tiểu nữ đã nói.
Phạm Lãi reo lên:
- A, phải rồi, ta gặp Tây Thi nhân lần cô nàng vu quy.
- Bẩm phải. Đó là lần thứ nhất đại phu gặp tiểu nữ, nhưng lại là lần thứ ba tiểu nữ gặp đại phu.
- Nói thế là sao?
Tây Thi ngập ngừng:
- Bấy giờ... Lúc Đại phu từ Ngô quốc trở về Gia Lãm, biết bao nhiêu người tranh nhau nhìn rõ mặt anh hùng! Tiểu nữ là một trong số người ấy, tiểu nữ đã nhìn thấy Đại phu, mà lẽ đương nhiên Đại phu không sao nhìn thấy lại tiểu nữ chỉ là một trong đám người lúc nhúc! Lần thứ hai, lúc tiểu nữ giặt lụa bên sông, Đại phu đi thuyền qua... Đại phu đứng trước mũi thuyền, đưa tay chỉ vẽ...
Tây Thi phát cười ra tiếng. Chuyện ngày qua trong thoáng chốc ấy chợt quay trở lại...
Sau khi cùng quân vương sang Ngô chịu đày ải, dân chúng nước Việt đã xem Phạm Lãi như vị anh hùng. Chàng đi đến đâu đều có dân chúng tập hợp ngắm nhìn. Lúc ấy, Tây Thi đã có tư tưởng sùng bái anh hùng nên chen trong dòng người nhìn cho rõ mặt. Theo tưởng tượng của nàng thì Phạm Lãi phải là một người đứng tuổi, to lớn oai phong. Nhưng sự thật trái lại, chàng là một thanh niên rất trẻ, dáng người có cao lớn đó, song không có vẻ thô kệch chút nào. Hn nữa, chàng lại đẹp nét anh tuấn.
Nét anh tuấn con trai của một người không liên quan gì vẫn có thể bị kéo dây vào cuộc sống tâm linh của một thiếu nữ. Nhưng phải đợi đến khi sang nhà cô dự lễ vu quy, chính thức gặp Phạm Lãi, Tây Thi mới được gần gũi với chàng, xem chàng là người tình trong tưởng tượng của nàng. Hơn nữa, nàng còn dùng tư thế bé con để gợi sự chú ý của chàng, tìm cách gần gũi để được chàng vuốt mũi!
Bấy giờ, nàng còn chưa nẩy nở, nhưng tư thái của nàng rất dễ nhìn. Bấy giờ, Phạm Lãi cũng đã dùng trái mai chưa chín để so sánh với nàng... Trên cành cây, trái mai chưa chín vẫn đẹp ở màu sắc và dáng vẻ tuy chưa phải lúc hái...
Bấy giờ, Tây Thi không chịu nhận nàng là trái mai chưa chín trên cành. Nàng tự cho nàng đã chín muồi như bao nhiêu cô gái khác. Vì thế, nàng tỏ ra bất mãn và nghĩ rằng chàng xem thường nàng. Dầu vậy, tấm lòng nàng kính mến anh hùng Phạm Lãi vẫn sâu đậm. Mấy ngày chàng ở chơi tại thôn Trữ La, nàng mượn rất nhiều cớ để được gần chàng, cùng chàng dạo bước trên bờ suối, đưa chàng lên đỉnh núi ngắm mây!
Nàng còn nhớ... Có một hôm, vào lúc trời gần hoàng hôn, nàng xắn quần lên đi len trong loạn thạch giữa lòng suối để bắt cá. Bước không cẩn thận, nàng bị trượt đến trầy chân và chàng đã bồng nàng đặt trên đá tảng, xoa bóp chân nàng... Cảnh thực như mộng ấy ngọt ngào làm sao trong dĩ vãng!
Đi dưới bóng cây râm mát trên đường triền lên núi, nghĩ đến chuyện ngày qua, Tây Thi mỉm cười một mình khiến Phạm Lãi hỏi:
- Cô bé cười gì thế?
- Tiểu nữ cười chuyện của mình. Ơ, mà Đại phu làm sao rồi? Tiểu nữ không thích nghe gọi mãi bé con, cô bé. Nàng đứng tựa một cành tùng, chu miệng nói.
- Được rồi, ta sẽ nhớ sửa. Tây Thi nhớ không, lần thứ nhất gặp nàng, ta đã gọi nàng là một tiểu cô nương mỹ lệ. Lúc ấy, nàng đỏ mặt!
Tây Thi hơi ngẩng mặt, tỏ ra vui vui phủ nhận.
- Mấy hôm quen biết qua mau quá! Lật bật mà đã hai năm rồi!
Phạm Lãi thoắt thở dài. Hai năm qua, chàng đi sang Đông, chạy sang Tây, không có lấy một chỗ ở nào nhất định.
- Thời gian qua mau quá! (Tây Thi lập lại cách kiêu kiêu rất hay. Và nàng cũng không một chút che giấu niềm nuối tiếc trong nàng) Hai năm rồi, đại phu không một lần trở lại thăm tiểu nữ, dầu lúc tiểu nữ tiễn chân, Đại phu có hứa ba tháng sẽ quay về.
- Tây Thi biết không, ta bận vô cùng! Hai năm qua, ta đi khắp vùng nước Việt, từ biển đến núi, từ rừng rậm đến đồng bằng, thật tình ta bận quá!
- Tiểu nữ biết...
Nàng sáng mắt nhìn ngay Phạm Lãi, ẩn hiện nét ưu sầu không phải ở lứa tuổi của nàng.
Chàng mỉm cười, đưa tay nắm lấy cánh tay nàng.
Nàng hơi lách tránh nhưng không thật sự muốn tránh.
Phạm Lãi rút tay về, rùn vai:
- Hai năm không gặp, lạ rồi!
Tây Thi cố ý nói:
- Lạ à? Hai năm trước đây, chúng ta cũng xa lạ đấy!
- Nhưng lúc bấy giờ, ta nắm tay nàng nào nàng có trách. Thậm chí, ta còn cầm chân nàng... nàng còn có nhớ?
- Lúc ấy, Đại phu xem tiểu nữ là con nít... bảo tiểu nữ là trái mai trên cành. Lúc ấy, Đại phu còn buộc tiểu nữ phải gọi Đại phu bằng Phạm thúc thúc! Nhưng, tiểu nữ không thèm...
- Ô, nàng nhớ rõ quá! Bấy giờ, nàng gọi ta là đại ca ca...
Nàng đỏ bừng mặt. Việc của hai năm trước trở lại tỉ mỉ từng chút một. Và từng tình tiết một đều gây xao xuyến lòng nàng.
Phạm Lãi chợt hỏi như thật như đùa:
- Tây Thi, có thật nàng muốn xa lạ với ta?
- Ai nói? Đại phu muốn làm mặt lạ với tiểu nữ thì có!
- Bây giờ...
Chàng lại nắm tay nàng. Nàng hơi co rút, cúi gầm, hai má đỏ bừng sau ba tiếng: “Phạm đại phu”!
- Nên gọi đại ca như ngày xưa! (Chàng nhích người đến gần nàng hơn) Bé con! Lần ấy, nàng tiễn ta đi, chuyện đời xưa ta kể cho nàng nghe hình như chưa hết.
Nàng chớp chớp mắt, lẩm bẩm vẫn trong dáng cúi xuống:
- Đại ca còn nhớ?
Trong dáng cúi xuống, đôi hàng mi dài của Tây Thi uốn cong nét đặc biệt, khả ái đặc biệt. Ý niệm của nàng lại khởi chạy trên cnh giới mênh mông, chìm vào miên man.
Hai năm trước, chàng đã hướng về một đóa hoa búp để kể chuyện đời xưa, thứ chuyện đời xưa tùy ý tự tạo ấy chưa hết. Bây giờ là hai năm sau, đứng trước giai nhân như hoa mới nở, chàng lại muốn tiếp tục câu chuyện đời xưa dang dở ấy. Nhưng, hai năm không gặp, lòng chàng đã khác đi rồi. Bởi vì dáng vẻ của nàng ngày nay đã khác hẳn hai năm về trước.
Nàng cúi đầu, nói nhỏ:
- Chuyện đại ca kể lúc ấy, mãi đến bây giờ tiểu muội vẫn nhớ... Đại ca kể chuyện một nam nhân lớn tuổi yêu một người con gái xuân xanh...
Phạm Lãi bỗng thu hết can đảm nói:
- Người lớn tuổi ấy là đại ca, cô gái xuân xanh ấy là tiểu muội!
Dường như vượt ra ngoài ý liệu, Tây Thi có phần giật mình. Thẹn thùng, reo vui và bối rối cùng lúc tấn công nàng.
- Tây Thi có yêu người lớn tuổi ấy không?
Phạm Lãi sấn tới, người đang mệt mỏi bỗng trở nên hứng khởi khiến chàng can đảm và xúc động. Tây Thi cố hết sức nói:
- Đại... ca... ca!
Chàng vụt ôm choàng nàng, lần ôm thứ nhất sau khi nàng là thiếu nữ. Nàng cố dẫy dụa trong tay chàng, song là cách dẫy dụa có chừng, không mảy may cầu mong vuột thoát.
- Đại... đại ca, buông tiểu muội ra!
- Cô bé ưng đại ca đi thôi! Đừng làm người đẹp gì hết! Để cho mọi người nhìn ngắm không có giá trị gì hết! Hãy để cho một mình đại ca ngắm nhìn... Có phải hơn không?
- Ưng... ưng lấy... Nàng gần như tối mặt song lẽ tự nhiên là nàng không thể từ chối. Hai năm trước, nàng đã nuôi mộng được kết duyên với một vị anh hùng!
Trên đường núi, cả hai quên bẵng thời gian.
Mãi đến khi mặt trời chênh chếch về Tây, nàng mới nhớ ra đói bụng. Chàng bật dậy, phủi cỏ lá trên y phục, đoạn kéo nàng đứng lên. Nhân thể chàng bồng xốc nàng đưa lên cao, thành thật khen:
- Tây Thi thật đẹp!
Nàng không thể thừa nhận, cũng không thể phủ nhận, chỉ nhoẻn cười.
- Để ta đưa nàng về. Mà không, chúng ta hãy đi kiếm gì ăn rồi hãy về. Đêm nay, ta sẽ đến thăm nàng!
- Đêm nay? Không được đâu! Các chị em sẽ cười chúng ta.
- À, các cô tập trung lại làm gì? Đại ca quên hỏi.
Nàng nũng nịu:
- Đại ca chỉ nhớ có việc chòng ghẹo tiểu muội mà thôi.
- Đêm nay, đại ca sẽ tới. Cô bé, đại ca không chờ được ngày mai.
Tình yêu trong chàng như sục sôi. Lúc bôn tẩu đó đây, miệt mài làm việc, tình yêu trong chàng như ngâm vào băng tuyết căm căm, những tưởng không có tình yêu. Nhưng bây giờ hoa tình bỗng nở, cuồn cuộn dâng trào, một khắc đợi chờ chàng cũng không chịu nổi.
Nàng tha thiết yêu cầu:
- Ngày mai... Hãy đợi ngày mai đã... Đại ca còn phải nói qua với Văn đại phu một tiếng, hoặc nói với người trông coi chị em tiểu muội một tiếng.
- Đại ca biết. (Chàng lại hôn nàng) Đại ca phải cưới muội. Ta cần phải nói cho mọi người biết, ta cưới nàng!
Trên đường nắm tay nhau tung tăng xuống núi, chàng bỗng hỏi:
- Cô bé, đại ca lại quên nữa, các cô tập trung lại để làm gì?
- Đọc sách, học hát múa, nghe một số quan viên đến nói về chính trị của các nước. Nhiều việc rất thú vị, muội hiểu biết khá nhiều tuy chỉ ở đây có năm tháng.
- Để làm gì mới được chứ?
Ging chính trị, dạy các cô học nhiều như thế, Phạm Lãi không biết để làm gì? Nhưng hỏi không chờ đáp, chàng đã tự nói lảng sang vấn đề khác:
- Văn đại phu hiểu biết phong phú lắm! Đại ca bận quá, còn chưa có dịp hỏi qua người.
- Văn đại phu là người tốt, so ra đàng hoàng hơn đại ca.
- Có mấy lúc đại ca không đàng hoàng? Thế đại ca hôn muội là không đàng hoàng chắc?
- Hứ!... Nàng vùng thoát khỏi tay chàng, chạy bay xuống núi.
Chàng chạy theo nàng mấy mươi bước rồi dần dần chậm chân lại, nhìn nàng đi vào một cánh cổng liền dãy và giáp ranh với cung đình. Lúc chàng rời Hội Kê không có những ngôi nhà này. Chàng bước chắc nịch về hướng đó, mãi đến khi bắt gặp tấm bảng cấm trước cổng, mới quay về nơi chàng cư ngụ.
Đêm ấy, vào đầu giờ tuất, Văn Chủng đến lôi Phạm Lãi dậy. Sau khi chia tay với Tây Thi, Phạm Lãi về ăn một bữa no nê rồi ngủ mê mệt. Mãi đến khi bị dựng dậy, trông chàng vẫn còn ngái ngủ.
Văn Chủng lắc mạnh bạn:
- Tôi tìm anh cả ngày. Anh trốn mất ở đâu thế?
- Quân vương cho tôi nghỉ. (Phạm Lãi vươn vai) Anh tìm tôi có chuyện gì?
- Bến Đương Dương xuất hiện một số dã nhân, (ý chỉ người thiểu số bị xem là man di mọi rợ) tôi phái Tiết Dung đi quan sát, không ngờ số dã nhân ấy đã đánh quan binh một trận tơi tả. Tiết Dung đắc tội, đang chờ ở Sài thị phía Đông Đương Dương, tôi nghĩ việc này cần phải có anh đi một chuyến.
- Ở Đương Dương mà có dã nhân, lại có thể đánh bại quân binh hả? Lạ thật!
- Thì lạ mới cần anh đi xem xét, Đương Dương là một địa phương rất trọng yếu.
Văn Chủng lo ra mặt, nói tiếp:
- Tôi thầm lo, số dã nhân ấy có liên quan với người ngoại quốc.
- Không đâu! Thôi được rồi, hai hôm nữa tôi sẽ đi xem.
- Hai hôm? Trời ơi, tôi muốn anh đi liền đêm nay.
Phạm Lãi kêu lên:
- Không được đâu! Quân vương đã cho tôi nghỉ, tôi cũng mệt muốn chết đây!
- Thiếu Bá! Tôi biết anh mệt lắm nhưng việc này hết sức quan trọng. Ban chiều, tôi đã bảo Gia Kê Dĩnh thay anh tuyển ra một đội binh sĩ và bốn chiến thuyền loại nhỏ.
- Không có chiến trận mà bảo Gia Kê Dĩnh đi làm chi? Hắn là đại tướng đấy!
- Đối phó với dã nhân, không dễ dàng như đánh trận đâu.
Văn Chủng sốt ruột nói luôn:
- Thiếu Bá, anh biết rõ ý tôi mà, anh đừng đôi co với tôi, được không?
- Thôi được, trước trưa mai tôi đi, nhưng đêm nay thì nhất định không được. Buổi sáng, tôi cũng có việc đó, Tử Hội!
Phạm Lãi bỗng nghiêm trang nói:
- Tôi muốn kết hôn. Ô, phải rồi, (Phạm Lãi nói lộn xộn, không đầu, không đuôi) anh bày trò tập trung các cô gái đẹp để làm gì?
Văn Chủng luôn có kế sách, đáp:
- Anh muốn cưới vợ à? Hay lắm! Quân vương khuyến khích mọi người nên cưới vợ sớm để gia tăng dân số. Anh cưới vợ thì có tác dụng làm gương cho cả nước, hay lắm!
- Anh lại bày vẽ nữa! Tôi cưới vợ là vì việc của riêng tôi thôi! (Phạm Lãi nhanh miệng hỏi luôn) Tôi hỏi anh, anh tập trung các cô lại huấn luyện để làm gì?
- Thủng thẳng tôi sẽ nói cho anh biết. Còn giờ, chúng ta nên nghiên cứu về tình hình dã nhân. Theo lời của Tiết Dung thì trong số dã nhân có một người chuyên dùng trường kiếm. Số tùy tùng bản lĩnh cũng rất cao nên đã đánh bại Tiết Dung.
- Giỏi kiếm thuật à... Ô, có thể là số người chiếm giữ ở rừng phía nam. Để tôi đi xem, chắc không có chuyện gì lớn đâu!
- Có anh đi thì chuyện lớn bằng trời rồi cũng xong.
Văn Chủng nở cười, đẩy bạn:
- Việc tôi cần bàn xong rồi, anh ngủ đi!
Văn Chủng nói dứt, thoăn thoắt bước ra cửa, Phạm Lãi gọi với theo:
- Tử Hội, tôi có việc muốn bàn với anh!
- Xin cáo lỗi, ngày mai tôi có việc phải dậy sớm nên phải về ngủ sớm.
Văn Chủng trả lời song không quay đầu lại, Phạm Lãi vốn muốn hỏi về chuyện các mỹ nhân nhưng lại thêm một lần để lỡ cơ hội.
Dã nhân... chuyên dùng kiếm... là những vấn đề lướt qua lờ mờ trong đầu óc Phạm Lãi. Văn Chủng xem việc ấy quan trọng nhưng chàng thì lại coi thường. Chàng tin rằng, đối với dã nhân thì chỉ cần công bình và nhân từ là sẽ không có vấn đề gì không giải quyết được.
Riêng chuyện Tây Thi lại khiến Phạm Lãi cảm thấy nặng lòng lo, áy náy. Ôm nhau trên triền núi, hôn nhau, thời gian gần gũi tuy chẳng bao nhiêu song ngấn tích của nụ hôn nồng đã khắc ghi ở tận đáy lòng chàng.
- Sáng sớm mai ta đến thăm nàng?
Chàng bật dậy, lẩm bẩm:
- Để đến sáng mai thì chết mất! Bây giờ hãy còn chưa đến nửa đêm, không phải ta hẹn gặp nàng đêm nay sao?
Không có tình yêu, thời gian cứ thư thả trôi qua. Nhưng bây giờ chàng có tình yêu, mỗi phút giây trở thành thúc bách. Tự biết đêm nay không gặp nàng thì chàng không sao chịu đựng nổi nên chàng bước xuống giường, choàng thêm áo ngoài, thoăn thoắt bước đi.
Đường đêm vắng lặng tắm trăng. Trăng soi bóng chàng in trên đất. Chàng đi trên bóng, bóng quyện chân chàng, từng bước, từng bước lê đi về hướng căn nhà có tường vây quanh, có cửa vòng nguyệt. Trong nhà ấy, có lẽ có nhiều phòng lắm và cũng có nhiều cô lắm! Nhưng chàng không quan tâm về các điều ấy.
Chàng chỉ thèm khát được gặp một người: Tây Thi của thôn Trữ La, Tây Thi đại diện cho vùng Gia Lãm.
Chàng đi với chút bồi hồi tự trách: Lẽ ra thì hai năm trước đây, chàng phải cầu hôn với nàng! Lúc ấy nàng còn thơ dại, chưa thể kết hôn song nàng cũng đã lộ nét tươi đẹp. Một con ngựa hay, lúc lên một tuổi cũng trỏ cho thấy nét hay! Một tay thiện chiến, năm lên mười đã có sự hứa hẹn. Huống chi là một mỹ nhân, tuổi khoảng mười ba thì dư sức gây cho người nhìn ấn tượng sâu sắc.
Chàng lẩm bẩm:
- Một người chuyên dụng binh thì vĩnh viễn không được bỏ qua bất cứ cơ hội nào. Song ta đã bỏ qua một cơ hội!
Nhưng khi lời chàng lọt vào tai chàng thì chàng lại thầm cười.
- Nghĩ ngợi lung tung làm gì? Bây giờ và hai năm trước đây cũng vậy thôi. Cầu hôn vào hai năm trước hay cầu hôn bây giờ vẫn hoàn toàn giống nhau như hệt. Bởi vì ban chiều nàng đã nhận lời!
Đến trước cung môn, chàng có phần do dự. Đến viếng người đẹp trong đêm khuya khoắt có hợp thức không? Biết đâu nàng đã ngủ rồi...
- Kính chào Phạm đại phu!
Tên quân giữ cửa cúi rạp mình chào chàng. Chàng thật không hiểu tại sao chỗ ở của người đẹp lại có lính canh phòng cẩn mật. Nhưng chàng không có thì giờ gạn hỏi điều đó. Chàng gật đầu nhận lễ và nghĩ xem nên vào hay rút lui.
- Thưa, Phạm đại phu đến tra xét phải không? (Hỏi không đợi đáp, tên quân canh quay vào trong nói). Phạm đại phu đến!
Bên trong cửa, từ một phòng nhỏ phía trái có một hán tử mặc quân phục đi ra cúi chào khiến Phạm Lãi có phần bối rối. Chàng đến đây là vì việc riêng song được xem như người mang công vụ!
Bấy nhiêu cử động ấy giúp chàng hiểu ra, người đến tuần tra nơi này không phải chỉ có một mình chàng. Chàng nhân thể hỏi:
- Văn đại phu đã đến tuần tra chưa?
- Bẩm, có đến mấy ngày rồi, Văn đại phu không lại. Đêm trước, Quân phu nhân có đến một lần... xem xét tình hình các cô trong đêm. Có nghĩa là xem tư thế nằm ngủ của các cô, xem các cô tỉnh ngủ hay mê ngủ. Phạm đại phu!...
Tên quan mỉm cười nói tiếp:
- Các cô ở đây thật là mỗi người mỗi vẻ, chắc sau này đều có thể làm quan.
Chàng ậm ờ, không muốn hỏi thêm ở tên quan này e uổng phí thì giờ. Nhưng tình thế trước mắt cũng cho chàng biết, chàng khó có thể đơn độc cùng Tây Thi hội diện. Tên quan ấy dẫn đường đi trước, chàng theo sau nhưng lại trù trừ, chuẩn bị rút lui.
Tên quan vừa đi vừa nói:
- Phạm đại phu chắc chưa đến nơi này? Các cô ở đây đều là người đẹp tuyển từ các nơi đưa về. Có phòng ngủ chung bốn cô, có phòng chỉ ngủ có hai... Người đẹp Gia Lãm Tây Thi ngủ chung với Di Quang, có cả Trịnh Đán...
- Ơ..., (không muốn nghe báo cáo thêm, Phạm Lãi khoát tay ngăn). Các cô đều mạnh chứ?
- Bẩm phải.
- Còn Tây Thi...?
- Phòng nàng ở đầu mút phía Tây.
Chợt thấy ở phía đó có ánh đèn le lói chiếu ra, tên quan hơi ngạc nhiên nói thêm:
- Nàng chưa ngủ à? Theo nội quy thì bây giờ phải tắt đèn.
- Có tắt đèn, nàng cũng không ngủ...
Chàng nói như chỉ để nói với chàng, đoạn hướng bước về phía cửa sổ có le lói ánh đèn.
Tên vệ binh sấn lên trước, gọi nhỏ:
- Tây Thi cô nương, có Phạm đại phu đến.
- Phạm đại phu? (Tây Thi ngồi dậy, lấm lét nhìn tên vệ binh đứng ngoài cửa sổ). Tôi ngủ rồi đó!
Phạm Lãi đã đến bên cửa sổ, nhỏ giọng gọi:
- Tây Thi!
Nàng ở bên trong tỏ ra bối rối vô cùng, ấp úng:
- Phạm đại phu!...
Đứng trước tên vệ binh, Phạm Lãi không thể không tỏ ra nghiêm nghị:
- Lẽ ra các cô phải ngủ sớm hơn...
Tây Thi chớp mắt, có phần không hài lòng Phạm Lãi có vẻ lên giọng trách cứ. Nhưng nàng chưa kịp hồi đáp thì chàng đã quay bảo tên vệ binh:
- Người trở về phòng canh, ta ở nơi này nói chuyện với Tây Thi.
Tên vệ binh cúi chào, quay gót. Chàng vội nắm tay nàng gác trên thành cửa sổ, nói nhỏ:
- Tây Thi, ta nhớ nàng quá, không sao ngủ được.
Nàng nở nụ cười, hiểu ra tác dụng lên giọng của chàng vừa rồi. Liền đó, nàng cúi gằm, thở dài đáp nhỏ:
- Nhớ việc ban chiều, thiếp cũng không ngủ được mặc dầu theo lệnh ở đây thì bọn thiếp phẩi ngủ sớm. (Nàng quay chỉ vào trong) Di Quang đã ngủ rồi kia!
Chàng hôn tay nàng:
- Nàng thức để nghĩ gì?
- Thiếp nghĩ... tự nhiên là nghĩ đến chàng!
Nàng e ấp cười khiến chàng cm thấy mát lòng như có gió xuân đưa.
- Kìa! - nàng giật giật tay chàng - Sao chàng không nói gì hết vậy?
- Nhìn nàng, thật không còn lời gì để nói.
Chàng xúc động mãnh liệt:
- Bé con... Mà không Tây Thi, nàng đẹp tuyệt! Dưới ánh trăng, ôi, chưa bao giờ ta bắt gặp ai đẹp được như nàng.
Nàng rút vai, phát ra tiếng xí thật ấm lòng. Chính ở nàng cũng vui niềm vui đầy ảo tưởng về hạnh phúc.
- Tây Thi! (Chàng từ từ đưa tay mặt chỉ lên). Nàng trông, trăng đêm nay sáng quá, sáng rải khắp trời...
Tình yêu hình như không tách rời thơ mà ánh trăng là đại biểu cho ý thơ. Chàng yêu nàng, lòng ngập tình thơ.
Trăng rải đầy đất đầy trời. Trăng soi cành cây quét bóng trên mặt đất. Gió nhẹ đưa, cành cây chao động, bóng cây như chiếc áo phất phơ.
Nàng thì thầm, cũng đầy rẫy tình thơ:
- Trăng sáng nạm vàng mặt sông còn đẹp hơn. ở Trữ La thôn, vào những đêm trăng sáng đẹp, chị em thiếp ra sông giặt lụa...
- Ô, Tây Thi, nàng đừng nói nữa, để cho ta nói!
Chàng cắt lời nàng, như mộng mị tiếp lời:
- Trăng sáng soi mặt sông im, nàng xắn quần, để chân trần ra đứng nơi vùng nước cạn. Toàn thân nàng tắm mát ánh trăng. Trên sông mông lung một màn sương phớt... Tay nàng vẩy lụa, lụa trắng bập bềnh trên sóng nước sông trăng. Bóng nàng cũng bập bềnh trên sóng nước sông trăng! Tây Thi, ôi đẹp quá, nếu ta được nhìn thấy...
- Sau này, thiếp sẽ cho chàng thấy...
- Ta sẽ thấy, phải rồi, ta nghĩ ra rồi! Tây Thi, chân nàng trắng như lụa trắng. Mà không, màu trắng của lụa không hồn, sao bì được với chân nàng.
Tim chàng đập rộn rã.
- Tây Thi, để cho ta nhìn. Tây Thi! Tây Thi!
- Đại ca... chàng!
- Tây Thi!
Nàng không sao ngăn được kêu lên. Và chàng đã hôn nàng qua khung cửa sổ.
Nàng hơi dẫy dụa song rồi mềm nhũn ngã vào vòng tay chàng luồn qua khung cửa.
Sau những nụ hôn nồng tới tấp, chàng nói giọng trầm ấm:
- Tây Thi! Chúng ta cứ ôm nhau trọn đời như thế này thì hay biết bao nhiêu.
- Đại ca!
Nàng gọi như mật rót lòng, ngả tựa đầu vào vai chàng. Chàng hơi nhích ra, đặt gác đầu nàng trong vòng tay để được nhìn đắm vào nàng dưới ánh trăng thanh: Góc trán rộng, sống mũi thon đẹp tuyệt vời, tình tứ biết bao nhiêu ở khuôn miệng. Đôi mắt nàng mở, đẹp nét trong suốt óng ánh đã đành rồi, ngay khi nàng nhắm mắt, mắt nàng vẫn có nét mỹ lệ. Này hàng mi rậm dài, cong ướt, này góc mắt cong cong trong tư thế ngủ giấc hạnh phúc và bình yên... Mặc dầu chàng cũng nghe được tim nàng đang đập rộn rã.
- Tây Thi!
- Tây Thi!
Tiếng gọi của chàng âm vang như tiếng sấm gầm trong đêm mùa xuân. Không còn một chút hi sức đáp lại, xưng cốt trong nàng dường như rời rã.
- Đại ca!
- Tây Thi, ta leo vào!
- Ơ... (Nàng đưa tay ngăn). Đừng!
Chàng tưởng nàng cự tuyệt, gằn giọng:
- Tại sao?
- Di Quang ngủ trong này. Đại ca trông!...
Đèn trong phòng không hiểu đã tắt tự bao giờ. Từ ngoài nhìn vào, nhờ ánh trăng lan, chàng chỉ nhìn thấy lờ mờ dáng nằm của Di Quang. Chàng xoa cằm, nói nhỏ:
- Ta quên sự có mặt của người khác. Vừa rồi ta nghĩ trong trời đất này chỉ có hai ta!
- Thật không? - Nàng kéo dài lời hỏi.
- Giá chỉ có hai ta thì hay biết bao nhiêu!
Dường như hiểu được ý chàng, nàng nhếch cười bí mật:
- Đèn đã tắt rồi mà chúng ta cũng không biết!
Qua phút trào lòng sôi nổi như sóng đập ghềnh rồi lùi lại loãng tan, đầu óc cả hai có phần thanh thản lại. Chàng bắt đầu chú ý đến thời gian, ngước nhìn con trăng tàn sắp lặn, bảo nhỏ:
- Tây Thi, thôi khuya lắm rồi, nàng ngủ đi!
- Vâng.
Nàng ngước nhìn trời. Sao giăng đầy trời. Ngân Hà dằng dặc, vũ trụ đẹp nét âm thầm và êm đềm, nàng có thể ngủ được sao? Nàng có vẻ tiếc rẻ, thì thầm giọng ai oán:
- Sao đại ca có thể nhẫn tâm như thế, bảo muội đi ngủ lúc này!
- Thật lòng... (Chàng lại ôm siết nàng). Thật lòng ta quyến luyến, khó thể rời đi!
Nét buồn tiêu tan, mắt nàng sáng hơn. Nàng không còn cảm thấy có chút mệt mỏi nào hết.
- Đêm nay đẹp quá, đẹp quá!... Đại ca phi ghi lại trên bản trúc để vĩnh viễn không quên.
- Không cần phải ghi trên bản trúc đâu! Tiểu muội đã ghi vào lòng rồi. Vừa rồi... (Dường như nhớ lại, nàng thì thầm như rót mật). Vừa rồi tiểu muội dường như... dường như gì nhỉ? Ô, đại ca, tiểu muội cũng không biết nữa!
Chàng cười, vỗ nhẹ má nàng.
Nàng nói tiếp cảm giác của mình:
- Muội thấy lòng chao động, bềnh bồng. Muội sợ... sợ cho trái tim của muội nhảy vọt ra, trôi dạt đi!
- Trái tim có thể nhảy ra ngoài à? Không đâu!
- Tại đại ca không biết đó!
Nàng nghĩ là chàng không thể hiểu được thứ cảm giác mường tượng như trái tim nhảy phóc ra nên thoáng thấy không vui.
- Thôi, ta hiểu ra rồi... - Chàng hiểu ra liền thứ cảm giác nàng muốn nói, một thứ cảm giác kỳ diệu. Tình yêu vốn là thứ cảm giác tuyệt vời ấy!
Cả hai bước vào sự trầm lắng của tình yêu. Sau khi xúc động mãnh liệt, sau khi trải qua giây phút như cuồng phong bạc vũ, tình yêu trở lại bình yên như vũ trụ dung hòa.
Nàng lẩm bẩm:
- Đại ca đã ghi khắc trong lòng muội thứ cảm giác ấy, không sao quên được.
Tiếng chuông sáng làm sực tỉnh cả hai.
Nàng ngạc nhiên nhìn trời:
- Lạ này, đêm nay sao ngắn quá!
- Tại người ta gióng chuông quá sớm,... chớ trời nào đã sáng đâu!
Tiếng chuông báo sáng ở Hội Kê luôn luôn ngân vang trước khi trời sáng. Đêm khuya không ngắn không dài, duy có thời gian yêu đương qua nhanh. Trong tình yêu, không ai còn biết thời gian trôi đi!
Tiếng chuông ban sáng làm rối loạn lòng nàng. Nàng nôn nóng, cau mày:
- Đại ca... chúng ta...
Chàng nhìn nàng đăm đăm, không phản ứng.
Nàng cảm thấy buồn, nàng cảm thấy hốt hoảng và nghĩ đến hôn nhân. Một đêm cách song, tại sao chàng không nhắc đến chuyện này? Nàng ấp úng thắc mắc:
- Sao đại ca không nói với muội chuyện ấy?
- Chuyện gì?
Câu hỏi ấy làm cho nàng bất mãn, rút cổ:
- Chuyện gì giữa chúng ta, bộ đại ca không biết sao?
- Tây Thi! - Chàng vẫn chưa hiểu ra.
- Hừ, thế thì đại ca lường gạt!...
Cảm thấy bị khinh khi, mắt ửng đỏ hoe, nàng nói giọng tức tưởi:
- Trên núi Hội Kê, đại ca đã nói:
- A, việc hôn nhân của chúng ta, phải không?
- Còn hỏi?...
- Chuyện ấy hết sức tự nhiên, chúng ta sẽ kết hôn.
Nàng phụng phịu:
- Cả đêm nay, đại ca không nói, phải đợi tiểu muội nhắc. Hứ, bấy nhiêu đủ thấy đại ca không có lòng chân thành muốn cưới tiểu muội.
- Tây Thi! Đêm nay, trọn đêm nay, ta chỉ biết thân mật với nàng.
Chàng đỡ lấy tay nàng, nói thêm:
- Bé con, có vậy mà cũng giận! Thôi đừng giận. Ta đi Đương Dương một chuyến, khi về báo cáo với quân vương, sẽ báo luôn chuyện ta cưới nàng.
Nàng trề môi, tỏ vẻ còn giận nhưng không phải giận thật.
Chàng lắc lắc nàng:
- Tây Thi, nàng có nghe không?
- Nghe rồi, đại ca lại đi Đương Dương à? Đi làm gì?
- Ở đó một số người man di nổi lên, ta đi xem thử.
Nàng nhìn dán chặt:
- Thế bao giờ đi?
- Lẽ ra phải đi rồi, nhưng vì nàng, ta nán lại... Tây Thi!
Chàng lại choàng ôm nàng. Nàng thắc mắc:
- Sao hôm qua, đại ca không nói? Lúc ở triền núi, đại ca còn bảo chưa vội đi đâu.
- Phải. Mãi đến trước khi đến gặp nàng, ta mới biết việc ấy.
Phạm Lãi kể lại chuyện Văn Chủng đến tìm chàng.
Tiếng chuông lại ngân nga lần thứ hai. Sưng sớm mông lung đã bắt đầu tản mạn, vũ trụ hiện ra toàn một sắc trắng sương.
- Đại ca! (Tây Thi dường như tỉnh mộng). Đại ca đi đi! Chị em sắp thức bây giờ.
- Tây Thi!
- Đại ca! - Nàng có vẻ quyến luyến không muốn rời. Chàng cũng quyến luyến, không muốn đi.
- Tây Thi!
- Trước khi lên đường, đại ca nên tìm cách báo cho tiểu muội biết.
Nàng đẩy chàng đi, bởi vì Di Quang ở phòng trong đã trở mình:
- Bây giờ, ta báo với nàng đây. Bởi vì, ta vừa về, sẽ bị Văn Chủng theo mè nheo nữa. Lên thuyền, ta sẽ đánh giấc cũng không muộn. Ơ, phải rồi, trọn đêm này nàng mất ngủ rồi làm sao?
- Tiểu muội không cần, đại ca cứ yên tâm đi đi! Đại ca!... Chàng đi bao lâu?
- Chắc khoảng nửa tuần trăng.
Chàng bỗng đưa tay vuốt mũi nàng, cười hỉ hả:
- Ta sẽ tìm cách để bọn họ cho nàng ngủ. Tây Thi, ta sẽ bảo với Văn Chủng là xong.
- Ơ, đừng, tiểu muội mắc cỡ. (Nàng đỏ bừng mặt). Đại ca cố tìm mọi cách sớm quay về.
- Ta biết.
Chàng vẫy tay chào. Nàng đứng bên song cửa nhìn theo, nhìn mãi đến khi chàng rời khỏi cửa vòng cung.
Qua đêm tuyệt vời đến sáng tinh sương, hai tay vẫn nắm chấn song, nàng uốn lưng, nhảy mũi, lẩm bẩm:
- Ta được yêu rồi, ta sẽ thành hôn!
Di Quang hãy còn ngái ngủ, kêu hỏi:
- Tây Thi! Chị thức sớm thế à?
- Phải, đêm rồi mình không ngủ được.
- Không ngủ được? Tại sao thế? (Di Quang uốn lưng). Hôm nay có cuộc thi tuyển phải không? Chị làm sao?... Kìa, sửa soạn xong rồi hả?
Tây Thi vẫn đứng tựa cửa nhìn ra bên ngoài. Nàng còn ngâm âm nho nhỏ một bài tình ca nào đó.
Mặt trời nhô lên, một ngày của thành Hội Kê bắt đầu.
Đại phu Phạm Lãi đem binh, cỡi chiến thuyền nhằm hướng Đương Dương, Văn Chủng theo đưa bạn đến bến thuyền song suốt đường đi cứ luôn miệng nói về chính trị, quân sự. Không có lòng dạ nào nghe, Phạm Lãi cứ phải ậm ờ cho qua.
Đến bến thuyền, Văn Chủng không sao ngăn được thắc mắc hỏi:
- Thiếu Bá, tôi bàn biết bao nhiêu việc, sao anh không nói một câu nào?
- Tôi đang nghĩ... Dưới ánh trăng, bên ven sông... Ôi đẹp làm sao một người con gái xắn quần ngâm lộ nửa chân dưới nước...
- Thiếu Bá! Anh bị ma bắt hả?
- Không. Ý tôi muốn nói là tôi muốn thành hôn.
Bấy giờ, tướng quân Gia Kê Dĩnh đã sấn ra đón tiếp. Câu chuyện chuyển sang một hướng khác. Mãi đến lúc xuống xe, Phạm Lãi vòng tay chào từ giã bạn mới nói nhỏ:
- Tử Hội, tôi có nhiều điều muốn nói với anh. Đợi khi tôi về sẽ bàn chuyện sáng đêm.