VIỆT NAM QUANG PHỤC HỘI VÀ VUA DUY TÂN. Khi vua Thành Thái bị đày ở Vũng Tàu, vua Duy tân vô cùng đau khổ, ước mong sao cho nước nhà độc lập. Tư tưởng chống Pháp manh nha từ thuở nhỏ, giờ đây càng ngày càng nảy nở. Nhưng thực lực chống Pháp ở đâu? Quan lại triều đình như Nguyễn Hữu Bài làm sao tin tưởng được? Nhà vua trong tay không có một chút quyền lực nào! Thời cơ đã đến khi Việt Nam Quang Phục Hội, mà lãnh tụ là Thái Phiên và Trần Cao Vân, đặt kế hoạch tiếp xúc với ông vua có tư tưởng chống Pháp này. Để có điều kiện liên lạc với nhà vua, Hội Quang Phục bỏ ra một món tiền rất lớn thương lượng với người lái xe ô tô của vua Duy Tân, yêu cầu người này tự xin thôi việc và giới thiệu Phan Hữu Khánh vào thay,Khánh là hội viên Quang Phục Hội, Thương lượng có kết quả. Thế là người của Quang Phục Hội đã hằng ngày ở cạnh ông vua yêu nước. Một hôm, nhà vua ngự du cửa Tùng, Phan Hữu Khánh dâng lá thư của Quang Phục Hội. Nội dung là thư nói về sự cơ cực, lầm than của nhân dân, thảm học của quốc già, dân tộc, và nêu lên ý định phục quốc của nhân dân. Lời lẽ trong thư có nhiều đoạn thật hào hùng, cảm động: " Kia Mỹ quốc dòng giống rợ đen năm mươi năm còn có thể tự cường, huống dân ta con cháu nhà vua, 25 triệu nỡ đành hèn yếu. Trời sinh vua thông minh, chánh trực, có chí cử binh chống Pháp. Đất sinh người tài giỏi, có quyền đuổi giặc thương dân! Đức vua cha là vua Thành Thái, vì tội gì bị đày? Lăng tẩm vua Dực Đức ( vua Tự Đức ) vì cớ gì mà bị bới? Xem xong thư, vua Duy Tân rất cảm động, tha thiết nói với Khánh cho gặp gấp người đã gởi phong thư. Phan hữu Khánh sung sướng quỳ xuống bái tạ và xin sẽ tổ chúc cuộc gặp mặt. Vua Duy Tân thoát đứng dậy cầm vai Khánh nâng lên: -Đáng lẽ ta phải tạ ơn nhà ngươi, sao nhà ngươi lại bái lạy ta, thương mến ta thì hãy giúp ta!" ( Theo Yhái Văn Kiểm ) NHỮNG NGÀY KHỞI NGHĨA Sau cuộc gặp gỡ lịch sử bên hồ Tịnh tâm với Thái Phiên và Trần Cao Vân, nhà vua lặng lẽ trở về Hoàng Cung. Các lãnh tụ Quang Phục Hội trở lại đất Quảng khẩn trương vạch kế hoạch để đón thời cơ khởi nghĩa. Sau nhiều ngày hội hợp bí mật, một kế hoạch khởi nghĩa đã được thông qua. Thái Phiên được bầu làm chủ tịch, Trần Cao Vân làm quân sư. Theo Trần Cao vân, dịch số ấn định cuộc khởi nghĩa sẽ nổ ra vào một ngày giờ nào đó mới mong thành công. Ngày giờ đó ông truyền đi đến các tỉnh ẩn trong bài thơ sau: Một mối xa thư đã biết chưa? Bắc- Nam hai ngả gặp nhau vừa Đường rầy đã thẳng thang mây bước Ống khói càng cao ngọn gió đưa Sấm dậy tứ bề trăm máy chuyển Phút thâu muôn dặm nửa giờ trưa Trời sai ra dọn xong từ đấy Một mối xa thư đã biết cchưa? ( Hỏa xa Huế - Hàn ) Ngày giờ hẹn ước là giờ ngọ, tháng ngọ và ngày ngọ ( phút thâu muôn dặm nửa giờ trưa ) Nhưng vì tình thế bức bách, hàng ngàn lính tùng chinh sắp xuống tàu đi Tây, nếu không khởi nghĩa sớm thì mất một lực lượng lớn nên phải thuận theo yêu cầu của vua Duy Tân khởi nghĩa sớm hơn, tức là ngày 03 - 05 - 1916 Vào đêm 03 rạng ngày 04 tháng 5, vua Duy Tân chân đi đất, đầu chít khăn đen, mặc áo cụt đỏ sẫm, quần vải trắng; bí mật ra khỏi Hoàng Thành. Một chiếc thuyền dưới sự điều khiển của Trần Cao Vân đậu chờ vua ở bến Thương Bạc. Người vừa bước xuống thì thuyền quay mũi ngược lên sông đào Lợi Nông. Lúc ấy, trong một ngôi nhà bên bờ sông Lợi Nông, các lãnh tụ cuộc khởi nghĩa họp mặt lần cuối trước lúc hành động. Nơi đây nhà vua đã gặp Nguyễn Đình Trứ, người được chỉ định tấn công vào Mang Cá. Nhà vua tưởng Trứ người tâm huyết nên thổ lộ tâm can với Trứ, khuyến khích Trứ hãy ra sức giết rụi Pháp để trả thù cho nước. Trứ giơ tay tuyên thệ trước đấng Minh Vương. Thay vì đi thẳng xuống mang Cá hành động, Trứ về ngay tòa Khâm Sứ, báo cho Công Sứ biết tất cả bí mật của tổ chức Cách Mạng. Tên Công Sứ báo ngay với Khâm Sứ Trung Kỳ.Khâm Sứ Charles không ngạc nhiên khi nghe vua Duy Tân dám bỏ cung vàng điện ngọc theo đuổi cuộc khởi nghĩa chống Pháp. Charles nghe báo cáo lúc hai giờ sáng, vội vào điện Càn Thành để xem xét, chỉ thấy vài thị vệ đi lại, mặt mày nhớn nhác lo sợ như có một biến cố gì hết sức quan trọng sắp nổ ra. Charles về ngay Toà Khâm, truyền lịnh bằng điện thoại và dùng lính Pháp chạy truyền lịnh chận đứng ngay cuộc khởi nghĩa: Giới nghiêm, bắt bất cứ ai giờ đó còn lãng vãng ngoài đường, thu hết súng ống của lính tùng chỉng đồn trú trong Mang Cá, các đoàn lính Pháp tuần tiễu khắp các nẻo đường. Cuộc khởi nghĩa bị bại lộ. Thuyền chở vua Duy Tân chèo gấp về Hà Trung, dự định sẽ trốn ở đó, rồi dùng ghe bầu bí mật rước vua vào Quảng Nam hay Quảng Ngải. Ở Hà Trung một hôm, dân chúng biết được chạy đến bái yết. Sợ lộ bí mật với dân công giáo vùng Hà Thanh, vua Duy Tân và đoàn tùy tùng phải ngược lên vùng núi phía tạy nam Thừa Thiên. Đoàn trú vào nhà tên Võ Đình Cơ, xóm Ngũ Tây, thôn An Cựu ( xã Thủy An ngày nay). Khi đoàn đến thì ông Cơ đi vắng, bà đội tiếp vua rất nhiệt tình, nấu cháo dâng vua. Nghe lao xao, trùm Tôn, anh ruột đội Cơ ở gần đó, chạy sang. Thấy vua tôi đang húp cháo gà, y chạy một mạch về báo với Toào Khâm. Biết tin, Tòa Khâm chuẩn bị phương tiện đi bắt vua Duy tân. Trong lúc ấy, đội Cơ hay tin vua ngự nhà mình, liền tức tốc chạy về nhà. Thấy dáng điệu hốt hoảng của đội Cơ, vua Duy tân biết là ở đây không ổn, định ra đi thì đội Cơ sụp lạy trước mặt vua và van xin: - Ngài ngự đi, Toà Khâm lên bắt mà không có thì nhà tôi chết hết. - Vua thấy nguy cơ không thể trốn được bèn trở cán quạt nện vào đầu đội Cơ mấy cái và mắng: - Mày ăn cơm ai, mày mặc áo ai, mày lại phản vua của mày. Nói xong, vua Duy Tân nhìn lên trời than: - Cứu dân mà bị dân phản thì chỉ có trời biết! Khoảng 11 giờ trưa, bọn Pháp gồm có Đổng Lý của Toà Khâm Le Folt, chánh mật thám Trung Kỳ Sogny dẫn lính theo trùm Tôn bắt được vua Duy tân. Phần lớn những người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa đều không tránh được bàn tay Sogny. Sự nghiệp cứu nước tan vỡ ( Theo Thái Văn Kiểm và Nguyễn Đắc Xuân )