Tự Đức I
Bài Thơ Không Đề
Thơ Khiển Trách Quan
Nguyễn Hàm Ninh Làm Thơ Trách Vua
Tài Nghệ Thơ Của Cao Bá Quát

Lại một hôm, Tự Đức muốn thử tài các quan mới nghĩ ra một bài thơ rất hiểm hóc, bảo các quan rằng: " Trẫm vừa làm được một bài thơ hay, chư khanh nên chép lấy để ngâm chơi. Ông không cho biết đầu đề. Bài thơ như sau:
Lâm vũ lâm ly lý lý đường
Minh minh bỉnh chúc chiếu âm dương
Trì khu thướng há công doanh quán
Trử thủ ly bì đắc kỷ cương.
Lần này các quan lại viết sai, vì không hiểu thâm ý của nhà vua, cứ tưởng là một bài ngụ ý cao siêu. Chữ lý đường các quan lại tưởng là nhà Lý, nhà Đường, âm dương là khí dương, khí âm ; trì khu là rong ruổi, kỷ cương là khuôn phép; công là công lao. Thật ra ý Tự Đức chỉ muốn tả việc đi bắt ếch. Bài thơ được dịch nghĩa như sau:
Mưa dầm trầy trợt con đường trong bụi mận
Ngọn đuốc mờ tỏ soi vào những tiếng ỳ ộp
Soi lên soi xuống hết các khu vực, đánh được đầy xâu
Đem về chặt đầu, lột da được chừng độ mấy niêu.
THƠ KHIỂN TRÁCH QUAN
Trong một buổi hội các văn thần để ngâm thơ, xướng họa và bàn luậnvề sử sách, văn chương, vua Tự Đức chợt nghe một viên quan trong hàn Lâm Viện dương dương tự đắc nói mãi về đức thánh Trèm là Lý Trọng Ông ( thật ra tên thật của Thánh là Lý Ông Trọng ) ông làm ngay bài thơ tứ tuyêt chế diễu:
Ông Trọng như hà hoán Trọng Ông.
Chỉ nhân học vấn thiếu phu công
Tư nhân an đắc cư Lân Hàn
Nghi truất Nội Hà tác phán thông.
Dịch thơ như sau:
Ông Trọng sao nay đối Trọng Ông
Chỉ vì học vấn ít phu công
Người này sao ở Lâm Hàn được
Ra Nội Hà ngay làm phán thông
Sau buổi hội thơ, qua Hàn Lâm kia quả, nhiên bị truất chức ra Hà Nội làm thông phán. Tai hại thay, chỉ một sơ suất trong buổi đàm luận văn chương ở chốn cung đình mà người chủ soái lại là Tự Đức!
NGUYỄN HÀM NINH LÀM THƠ TRÁCH VUA
Dưới thời Tự Đức, trong triều xảy ra việc Hồng Bảo mưu toan cướp ngôi, sau đó chết một cách bí ẩn trong ngục. Người đương thời cho là vua Tự Đức mưu giết anh để trừ hậu họa. Sau đó, nhân một buổi ngự thiện, Tự Đức dùng cơm vô ý cắn phải lưỡi, liền lấy đầu đề
" răng cắn lưỡi " ra cho đình thần làm thơ, Nguyễn Hàm Ninh dâng một bài ( 1) tứ tuyệt:
Sinh ngã chi sơ, nhỉ vị sinh
Nhỉ sinh chi hậu, ngã vi huynh
Nhất đường cọng hưởng trân cam vị
Hà nhẫn tương thương cốt nhục tình
Dịch thơ:
Ta ra đời trước, chú chưa sinh
Chú phận làm em, ta phận anh
Ngọt bùi sao chẳng cùng san sẻ
Mà nỡ đau thương cốt nhục tình?
Tự Đức xem thơ, thưởng mỗi câu một lạng vàng vì lời thơ hay, nhưng lại phạt một câu một roi vì ý thơ sâu sắc.
Nhà vua hiểu Nguyễn Hàm Ninh dùng bài thơ này để ám chỉ việc mình ám hại Hồng Bảo.
( 1) Theo Trương Vĩnh ký trong Chuyện đời xưa, tác giả là Nguyễn Đăng Hành, con của Nguyễn Đăng Giai.
 TÀI NGHỆ THƠ CỦA CAO BÁ QUÁT
Nam Tự Đức thứ tư ( 1851), vua Hàm Phong nhà Thanh mất, sứ Tàu sang báo ai ( 1). Tự Đức truyền các quan làm câu đối phúng?
Đình thần nghĩ xong, xin triệu Cao Bá Quát vào để viết, vì chữ ông tốt hơn mọi người. Ông vào triều, trải tấm vóc trên kỷ, một tay cầm bút viết, một tay bưng mũ. Các quan hỏi sao lại kỳ quặc thế, ông đáp:
- Văn này phải viết cách này mới xứng đáng.
Vua Tự Đức nghe lọt, nổi giận phán:
- Nếu vậy Khanh làm câu khác thử coi?
Ông liền xin tấm vóc khác và viết ngay:
Át mật bát âm Đường bạc hải
Bi hào vạn lý Tống thâm sơn
Có nghĩa:
Im bặt bát âm khắp biển nhà Đường ( khi vua Đường Nghiêu mất, bốn biển im tiếng âm nhạc ba năm, để tang vua coi như cha mẹ)
Kêu gào muôn dặm núi sâu nhà Tống ( khi vua Tống Nhân Tông mất, khắp thâm sơn cùng cốc muộn dặm đều gào khóc).
Tự Đức phải chịu là hay.
(1) Báo ai: Báo tin buồn