- 21 -
Chia tay

    
ó những cuộc chia tay không buồn không vui. Những cuộc chia tay mệt mỏi.
Đó là cuộc chia tay với báo Tuổi Trẻ, với nữ nghệ sĩ Hột Xoàn và với những “đồng chí” trong phong trào Sinh viên thời chống Mỹ. Chia tay không vì bất đồng, không vì ghét bỏ thù hận, không vì tiền tài địa vị.
Chia tay vì quá hiểu nhau.
Tôi biết nói sao về một tờ báo thuộc vào loại lớn nhất nhì trong nước khi mà có những nhà lãnh đạo khen là trung thực, có những nhà văn cây đa cây đề cỡ như NN ca ngợi là “đứng về phía nhân dân”? Nhà văn ấy không hề biết rằng trước năm 1975 ở Sài Gòn có 36 tờ nhật báo nhưng chỉ có duy nhất một tờ báo của nhà nước. Đó là tờ Tiền Tuyến. Tờ báo đó không ai đọc và chỉ phát không cho lính.
Ngày nay chúng ta chỉ toàn báo nhà nước, sao nhà văn lại nói lời ngây ngô đến vậy?
Tôi làm việc ở báo Tuổi Trẻ dưới triều của nhiều ông tổng biên tập. Có người là bạn tôi, rất thân thiết như anh 7C, anh 3K anh 6Q. Đó là những anh lãnh đạo biết khiêm nhường vì biết sức của mình.
Vũ Lành không biềt mình là ai nên phong cách của anh có khác. Trong những buổi họp anh hay bắt chước Lênin, chắp tay sau đít đi đi lại lại, thỉnh thoảng lại đưa ngón tay trỏ ra chỉ vào khoảng không, điệu bộ cũng không khác Lênin là mấy.
Có lần nhìn tôi dắt chiếc xe đạp từ ngoài cổng vào cơ quan, anh ta hỏi:
-Ông dắt xe trông dễ dàng quá. Sao tôi dắt thấy lướng vướng. Không thăng bằng.
Tôi đưa xe cho anh ta dắt thử. Rồi tôi nhận xét:
-Ông nên đứng bên trái của chiếc xe thì ông sẽ dắt đi dễ dàng.
Anh ta bèn đổi bên, và ngạc nhiên thấy mình đã có thể dắt xe đi một cách thoải mái. Rồi cứ thế, anh ta dắt chiếc xe đạp của tôi vào thẳng trong nhà xe.
Tôi đứng im, nhìn ngắm niềm vui hồn nhiên của anh ta và tự nhủ:
-Nếu muốn làm một nhà lãnh đạo như Lênin thì ít ra bạn cũng phải biết cách dắt một chiếc xe đạp chứ.
°
Hồi đó phi công Phạm Tuân, được Liên Xô chọn làm phi hành gia cùng với Viktor Gorbatko được phóng vào không gian trên tàu Soyuz 37 vào ngày 23 tháng 7 năm 1980. Tôi có mặt trong đoàn nhà báo ra phi trường đón anh khi anh từ Liên Xô trở về sau chuyến bay. Nhà báo lúc đó thì nhiều nhưng chắc chỉ có mình tôi biết chi tiết này: Lúc Phạm Tuân và Bùi Thanh Liêm (người cùng được đào tạo với Phạm Tuân tại Liên Xô, sau này đã tử nạn máy bay) đi diễu qua đám đông thì có một nhân viên mật vụ nào đó đến giữ tay Bùi Thanh Liêm lại và nói: “Xin đồng chí đừng đi cùng với đồng chí Phạm Tuân.” Bùi Thanh Liêm ngạc nhiên hỏi: “Sao vậy? Lâu nay chúng tôi vẫn đi cùng nhau mà. Kể cả bên Liên Xô.” Nhưng rồi Liêm vẫn phải tách khỏi Phạm Tuân vì anh hiểu ra rằng mình không phải là “anh hùng.”
Vụ can thiệp thô bạo đó làm tôi sốc. Tôi không muốn viết bài nữa. Tuy nhiên tôi cũng đưa một cái tin ngắn về cuộc họp báo sau đó. Trong bài viết tôi gọi Phạm Tuân là “người Việt Nam đầu tiên bay vào vũ trụ.”
Vũ Lành giãy nảy lên:
-Sao lại là người Việt Nam đầu tiên!? Phải viết là người châu Á đầu tiên chứ!
Tôi nói:
-Người châu Á đầu tiên thì cũng đúng. Nhưng tôi nghĩ mình nên khiêm tốn một chút. Vì phi thuyền là do người ta chế ra. Điều hành chuyến bay là do các nhà khoa học của người ta, trạm không gian Salyut 6 cũng do người ta lắp đặt trên quỹ đạo. Nói chung mình chỉ là người “quá giang” lên trời. Thế thì mình cũng không nên khoa trương quá đáng. Trung Quốc, Ấn Độ, nhất là Nhật Bản… họ cười cho!
Vài tuần sau Ba Hưng, một sếp hạng ba của tòa soạn bảo tôi:
-Trên Quân khu 7 có bốn gương điển hình tiên tiến, ông đi viết đi. Hay đấy!
Tôi hỏi:
-Sao hay?
-Bốn anh bộ đội này đến ngày phục viên nhưng làm đơn tình nguyện ở lại phục vụ trong quân ngũ.
Tôi đi gặp bốn anh bộ đội trẻ. Họ nói:
-Anh ơi! Đừng viết.
-Tại sao?
-Tụi em không muốn giải ngũ vì về nhà không biết làm gì. Sợ thất nghiệp, trở thành gánh nặng cho gia đình. Có vậy thôi. Anh viết bài, bạn em nó chửi em chết.
Tôi đem chuyện đó thuật lại, và từ chối viết bài. Ba Hưng nói:
-Tôi đề nghị đồng chí làm nhiệm vụ.
Bình thường tôi và anh ta vẫn xưng hô mày tao với nhau nhưng khi trở mặt thì người ta thường gọi nhau là “đồng chí.” Tôi mệt mỏi. Và tôi ngủ.
Ba ngày sau cũng đếch có chữ nào!
Ba Hưng điên lên:
-Tôi ra lệnh…
Anh ta chưa nói hết câu thì ba cú đấm liên tiếp từ bàn tay rất yểu điệu của tôi, bàn tay xưa nay chỉ biết chơi đàn… đã bay thẳng vô mặt anh ta. Ba Hưng thét lên:
-Các đồng chí ơi! Nó đánh lãnh đạo! Nó đánh lãnh đạo!
Tôi cũng không ngờ lúc đó tôi lại dữ đến như vậy. Nhiều người trong tòa soạn bu lại coi như coi đá gà. Tôi bỏ ra ngoài.
Đột nhiên Vũ Lành ở đâu chạy về. Anh ta la lớn:
-Tại sao các đồng chí lại đứng khoanh tay nhìn? Tại sao lại cười? Tại sao không có ai kêu công an đến còng tay anh ta lại?
Vũ Lành không thể ngờ rằng ngay hôm sau, trong buổi họp kiểm điểm tôi, chị Trần Thị Xuyến đã phát biểu:
-Tôi nghĩ anh ĐH đánh anh Ba Hưng là phải. Bởi vì nếu không đánh tại cơ quan thì ra ngoài đời anh Ba cũng bị người ta đánh.
Ba Hưng ơi, thật tình tôi cũng không muốn nhắc lại chuyện cũ. Nhưng khi viết cuốn hồi ký này tôi không thể bỏ qua nó vì, khổ thay, lúc đó ông điển hình cho một nền báo chí áp đặt, muốn bóp méo sự thật để phục vụ ý đồ chính trị của mình, còn tôi lại là điển hình cho lớp nhà báo trẻ không cam tâm làm bồi bút. Vì thế cuộc “đụng độ” giữa chúng ta không còn là chuyện giữa hai cá nhân mà nó mang một ý nghĩa khái quát rất cao. Thôi, đành vậy, Ba Hưng ạ.
°
Ngày nay, sau gần 30 năm, báo Tuổi Trẻ đã lớn mạnh hơn nhiều, đội ngũ phóng viên trẻ hơn, năng động hơn nhưng báo vẫn là báo của Đảng. Họ chỉ được viết theo chỉ đạo của cấp trên. Hàng ngày họ vẫn chống tiêu cực, chống tham nhũng… nhưng cũng là “chống” theo ý của Đảng. Độc giả bình thường vẫn nghĩ là họ rất “dũng cảm”, “dám nói sự thật.”… và những nhà văn cây đa cây đề cỡ như NN thì vẫn tiếp tục khen tờ báo là “đứng về phía quần chúng.”…nhưng những người có chút suy nghĩ độc lập thì ai cũng biết rằng chuyện chống tham nhũng chống tiêu cực trên báo Đảng chỉ là chuyện màu mè, chỉ là những tiểu xảo “che mắt thế gian” vì thực tế chuyện tham nhũng là chuyện của cả một guồng máy.
Khi có những vụ tham nhũng lớn cỡ như PMU18 hoặc Đề Án 112 thì các quan lớn thường chỉ thị một cách nghiêm khắc là: “Hãy xử đúng người, đúng tội, không được bỏ sót…” nhưng thực tế họ cùng một “băng” với nhau, bao che cho nhau, xử án qua quýt, lòng vòng… rốt cuộc là chìm xuồng hoặc năm bảy năm tù để rồi vài năm sau, nhân lễ Quốc Khánh lại cho về vì “cải tạo tốt.” Đó là những màn trình diễn quen thuộc, rẻ tiền.
Vì thế những bài báo mà người ta vẫn khen là “dũng cảm” là “đứng về phía nhân dân” thực chất chỉ là những tiểu phẩm hài trơ tráo.
Tội nghiệp biết bao cho những nhà báo trẻ đầy nhiệt huyết vừa rời ghế trường đại học đã phải đi làm bồi bút.
Và họ sẽ làm bồi bút như vậy suốt đời.
°
Cuộc chia tay với nữ nghệ sĩ Hột Xoàn, lặng lẽ hơn, ít kịch tính hơn nhưng lại làm tôi thất vọng.
Ngày nọ chị đến tìm tôi, nhờ tôi viết hồi ký.
Về sau này, khi nghe tôi kể chuyện viết thuê cho Hột Xoàn, Sơn Nam nói anh cũng từng viết thuê như vậy. Rồi nhấp nháy con mắt lem nhem, anh nói: Chơi không được. Có lẽ chỉ mình tôi hiểu được câu nói đó của Sơn Nam.
Lúc đó một anh công chức quèn như tôi lương phạn ít ỏi, được một bà nhà giàu thuê viết hồi ký thì mừng lắm. Mỗi tuần tôi đến nhà chị hai lần. Chị thường làm việc với tôi ở cái phòng khách rộng rãi sang trọng với bộ ghế bành đồ sộ và cây đàn piano lộng lẫy.
Chị kể và tôi ghi chép. Tôi hỏi và chị trả lời. Đôi khi cao hứng chị mời tôi lên phòng riêng, vừa trò chuyện vừa ăn bún bò.
Chúng tôi làm việc với nhau suốt mấy tháng trời, không quản mưa nắng, sớm chiều. Chị đi diễn còn tôi đi làm nên thì giờ cả hai cùng eo hẹp. Rảnh thì phone đến. Bất kể giờ giấc.
Có lần tôi đến, ngồi đợi ở phòng khách khá lâu, uống hết ly đá chanh mà vẫn chưa thấy Hột Xoàn xuất hiện. Buồn tình tôi ngồi lại cây piano. Tôi chơi bản Lac De Côme. Đó là một tác phẩm nổi tiếng của Galas soạn trên cung LA giáng trưởng, với giai điệu thánh thót, diễn tả cảnh thơ mộng khi bơi thuyền trên hồ. Lập tức Hột Xoàn xuất hiện ngay đầu cầu thang. Nhưng chị đứng im và lắng nghe. Đến khi hết bản nhạc thì chị bước chậm rãi xuống, y hệt như trong một vở diễn.
-Thật bất ngờ! Ông mua cây đàn tôi bán cho. Ở nhà có ai đàn đâu.
-Tôi thấy trong các vở kịch chị vẫn chơi piano mà.
-Chỉ gõ đại khái mấy nốt. Ông mua tôi bán cho.
-Tiền đâu mà mua. Con nhà nghèo.
-Nghèo sao biết chơi piano?
-Khi mới tiếp quản Sài Gòn tôi sống trong các ngôi biệt thự sang trọng. Nhà nào cũng có piano. Tôi cũng chỉ học lóm được mấy bài.
Rồi chị lại kể. Tôi lại ghi chép.
Sau đó tôi phải viết trong nhiều tháng trời mới xong cuốn hồi ký. Tổng cộng thời gian phỏng vấn và thời gian chấp bút, sửa chữa, phải hơn một năm trời.
Cuối cùng chị cầm một xấp bạc cũ rích đưa cho tôi. Tôi không nhớ cụ thể số tiền là bao nhiêu vì thời đó đổi tiền liên tục, nhưng cảm giác khi cầm số tiền thù lao là đau xót. Vì nó chỉ đáng chừng một tháng lương công chức quèn. Lại là mớ bạc cũ, chắc hẳn là tiền lẻ còn thừa sau những đêm diễn.
Tôi nói:
-Tôi làm việc với chị không có hợp đồng. Bản thảo này là do tôi phỏng vấn chị để viết. Nó giống như một bài báo. Vì thế bản quyền thuộc về tôi mặc dù chị đang giữ bản thảo.
°
Mười mấy năm sau, một anh bạn của tôi là Lê Non, chủ biên một loạt sách chuyên đề, báo với tôi là ông Vô Hạnh có xách cái bản thảo Hồi ký Hột Xoàn đền tòa soạn nhờ đăng và nói là hồi ký đó do ông viết.
Chị Hột Xoàn có thể không cho ông Vô Hạnh biết là Đào Hiếu đã viết hồi ký đó, nhưng có điều chắc chắn là ông Vô Hạnh biết mình không phải là tác giả. Làm sao mà một nhà văn có tiếng như ông lại đi làm cái việc đáng hổ thẹn như vậy?
°
Cuộc chia tay thứ ba là cuộc chia tay với những con ruồi.
Dã Nhân hỏi:
-Ngươi không phải là ruồi, sao ngươi có thể chia tay với ruồi?
Đáp:
-Trước đây chúng không phải là ruồi, chúng là bạn tôi. Về sau, vì ăn tạp, chúng bị đột biến gen và hóa thành ruồi.
Thực ra tiền thân của ruồi là một loại sinh vật màu trắng, nhỏ như cọng tăm, không có lông lá, không có tay chân. Dân gian gọi nó là con giòi. Vì giòi không phải làm việc nên không cần tay chân. Chúng chỉ biết ăn nên chỉ cần một cái miệng là đủ. Chúng bò trườn, chúng câm lặng vì “im lặng là vàng”. Chúng lúc nhúc trong đống vàng ấy.
Đầu tiên là một con ruồi cái. Cái mặt nó bự, mắt là một thứ lăng kính nhiều mặt. Tay chân nó đầy lông, bụng nó phình ra như cái trống. Hồi còn là sinh viên tướng tá nó đã ngầu như vậy. Bộ ngực đồ sộ như hai trái bí đao. Khi ở tù nó được tụi cai ngục đặt cho cái hỗn danh là “con Ma Vú Dài khám Chí Hòa”.
Tôi không ở tù chung với nó nên không biết trong tù nó có “ngon lành” không (muốn biết cứ giở những tờ khẩu cung còn lưu trong Tổng Nha thì rõ!) nhưng ngoài đời nó thường ăn nói đốp chát, đanh đá. Chồng của Ma Vú Dài thì tôi biết vì tôi ở tù chung với anh ta. Anh ta thuộc loại “ngon lành.” Nhưng đó là chuyện trong tù, còn chuyện “kinh tế thị trường” thì lại khác. Chẳng biết hai vợ chồng đớp hít vơ vét cỡ nào mà phải bỏ nhiệm sở trốn. Chạy đi cầu cứu hết ông lãnh đạo nọ đến ông kia. Một bữa, Ma Vú Dài tình cờ gặp tôi. Nó nói:
-Mình có cái đồn điền cà phê mấy chục mẫu. Ông mua mình bán cho.
Tôi chỉ ngón tay vào giữa hai đùi của mình và nói:
-Làm nhà văn, chỉ có mỗi cây bút bi này, tiền đâu mà mua?
Không biết sau đó nó bán đồn điền cho ai. Nhưng đồn điền cà phê có là cái quái gì với nó. Nó làm sếp tàu biển. Mỗi lần tàu há mồm là nuốt cả xe hơi, biệt thự. Dù nó có bỏ nhiệm sở mà trốn thì cũng đã gởi cả núi tiền ở các ngân hàng Thụy Sĩ rồi!
Thứ hai là một con ruồi đực. Nó cũng từng vô rừng “kháng chiến” đâu bốn năm năm gì đó. Thường mang một cây M16 rỉ sét vì nó không biết tháo ráp để chùi súng. Và dĩ nhiên là chưa hề bắn viên đạn nào.
Năm 1974 tôi gặp nó trong chiến khu Long Khánh. Nó nói:
-Ông sắp về thành phải không? Cho tôi gởi cái thư về nhà.
Nhà của nó ở tận ngoài Đà Nẵng, cách Sài Gòn một ngàn cây số. Vì bạn, tôi đi Đà Nẵng (thư mật, không thể gởi qua bưu điện). Tôi không quen đường sá ở đó nên nhờ Hổ chở xe máy. Qua đường ray xe lửa, xe của Hổ bị sụp lỗ, đẩy nguyên bàn chân phải của tôi vô bánh xe. Máu túa ra đầm đìa. Đưa được một cái thư, lãnh một cái sẹo. Nhưng vì đồng chí mình, một cái sẹo nào có sá gì!
Sau giải phóng nó làm Phó Giám đốc một công ty xuất nhập khẩu quận Một TPHCM. Chuyện nó đớp hít thế nào bố tôi cũng không biết. Chỉ biết mấy năm sau nó bị còng tay, tống vô tù vì tội tham nhũng. Tham nhũng bao nhiêu tiền, bố tôi cũng không biết chỉ biết rằng mấy tháng sau, nhân dịp Quốc Khánh nó thuộc diện “cải tạo tốt” nên cho về.
Nó ra Bắc chơi, ngao du sơn thủy. Thấy cái nhà sàn đẹp, bằng gỗ quý, tận đâu trên Lạng Sơn, Cao Bằng gì đó, nó mua nguyên cái. Thuê người tháo ra từng mảnh nhỏ, đóng gói cẩn thận, lại thuê nguyên một toa tàu chở về Sài Gòn không thiếu một cái chốt.
Nó mua một miếng đất rộng, dựng ngôi nhà sàn ấy lên như món đồ cổ. Nhưng cái nhà sàn đó cũng chỉ là món đồ chơi vậy thôi. Chỉ là cái móng chân của nó. Tài sản mà nó vơ vét khi còn làm quan nó giấu ở đâu? Tẩu tán cho ai? Rửa tiền bằng cách nào? Không ai biết được. Chỉ biết…
Thứ ba cũng là một con ruồi đực. Con ruồi này nó thơm lắm vì nó “ăn” toàn nước hoa của hãng Thanh Hương do cái thằng chó chết có tên là Nguyễn Văn Mười Hai làm chủ. Thằng Mười Hai này “rặn” ra một hãng nước hoa, quảng cáo rùm beng là làm ăn phát đạt ghê gớm. Nó cấu kết với thằng bạn tôi lúc đó đang làm Giám đốc Sở Tư pháp. Nó huy động vốn. Trả lãi mười phần trăm, rồi mười bốn phần trăm một tháng. Thiên hạ rủ nhau đem tiền gởi cho nó để lấy lời. Nó thuê hàng trăm nhân viên để đếm tiền và bỏ tiền vào tủ mỗi ngày. Nó lấy tiền của người này trả lãi cho người kia, tiền của người sau trả lãi cho người trước.
Giám đốc Sở Tư pháp đã bao che cho nó như thế nào chẳng ai hay, ăn chia với thằng Mười Hai như thế nào chẳng ai biết, chỉ biết ngày nọ nó bị tống vào tù. Nhưng đó cũng chỉ là cái trò che mắt thế gian mà thôi. Lại ngày Quốc Khánh. Lại cải tạo tốt. Lại ra tù. Lại mua nhà. Nhưng thằng này không mua nhà sàn mà mua biệt thự. Hiện nay nó có ba cái biệt thự ở Đà Lạt.
Chúng nó cấu kết với nhau để cướp tiền của nhân dân lao động (trong đó có bà xã tôi, mất tiêu 5 triệu đồng dành dụm trong bao nhiêu năm trời!) nhưng cho đến giờ chúng nó vẫn phè phỡn nhờ số tiền cướp được ấy!
Con ruồi thứ tư là một thằng chủ tịch huyện, nó cũng gốc sinh viên, từng ở chiến khu. Thằng này thì biết tháo ráp, chùi súng. Và hình như cũng đã từng bắn một viên đạn do cướp cò. Thời gian làm chủ tịch huyện nó cũng ăn tạp nhiều quá, phải ngồi tù.
Con ruồi thứ năm là một tổng giám đốc, bỏ trốn ra nước ngoài ngày…
Con ruồi thứ một ngàn là phó chủ tịch quận phụ trách nhà đất, bỏ trốn ngày…
Nhưng những thằng phải đi trốn, những thằng phải ở tù cũng chỉ là những thằng ăn cắp vặt (có nghĩa là vài chục tỉ, vài trăm tỉ). Chính những thằng không đi trốn, không đi tù mà đi xe hơi, đi máy bay riêng mới là những “đại ca” thứ dữ. Tiền chúng nó cướp được không phải là chục tỉ, trăm tỉ mà là ngàn tỉ, chục ngàn tỉ…có như thế chúng nó mới bỏ ra vài triệu đô la để cá độ bóng đá, có như thế chúng nó mới gởi con sang Mỹ ăn chơi đàng điếm.
Năm 2004, nhân một chuyến tham quan Beverly Hill, khu nhà ở sang trọng của các ngôi sao điện ảnh Hollywood, tôi được người hướng dẫn du lịch chỉ cho xem một ngôi biệt thự đồ sộ gần đó và nói rằng đó là nhà của một sinh viên Việt Nam, con của một ông chủ tịch…xã!
Và đâu chỉ thằng chủ tịch xã đó biến thành ruồi. Bạn bè tôi, có thằng nào làm quan mà không trở thành tư sản đỏ, không biến thành ruồi?
Nghĩ thương cho Dã Nhân, chỉ đủ tiền uống xị đế, vậy mà cũng triết lý, cũng dạy tôi nhiều thứ:
“Sự áp bức bất công đã tràn lan như cát trên sa mạc, như rừng trùng điệp, như sóng trên biển cả. Ai thay đổi được, ai chống lại được? Áp bức và bất công đã được toàn cầu hóa. Ngươi là cái gì mà đòi thay đổi. Nếu thay đổi được thì đã không có Bin Laden không có chủ nghĩa khủng bố.”
Cho nên nhân loại đang sống trong tuyệt vọng.
Có người biết điều đó, nhưng cũng có người không biết điều đó. Họ đã quen với áp bức, bất công. Họ đã quen với tham nhũng. Họ coi chuyện giai cấp cầm quyền ăn chặn tiền của họ là chuyện bình thường.
LOÀI NGƯỜI XƯA NAY ĐÃ QUEN SỐNG CHUNG VỚI TRỘM CƯỚP cũng giống như dân đồng bằng sông Cửu Long từ lâu đã quen sống chung với lũ.
Tới kỳ, nước lại dâng lên, sập nhà, mất mùa, chết người, chết gia súc…nhưng bỏ đi đâu bây giờ? Biết làm gì bây giờ? Vì đó là THIÊN TAI, không thể sửa đổi được quy luật của trời đất. Đành phải sống chung với lũ. Đành phải sống chung với trộm cướp…