ai cha con ngồi bên bếp lửa nhỏ. Sáng mùa đông ở miền Trung trời rất lạnh, ông trùm đầu bằng một chiếc khăn lông màu trắng đã cũ, ông nhắc lại những kỷ niệm về mẹ tôi, về ông cố tôi là cụ Đào Doãn Địch một lãnh đạo lỗi lạc của phong trào Cần vương tại tỉnh Bình Định, được vua Hàm Nghi sắc phong Phụng Nghị Đại Phu năm 1885, cũng năm ấy ông bị thương nặng trong một trận đánh lớn với quân Pháp tại huyện Tuy Phước. Ông phải rút quân về An Khê cố thủ, nhưng vì vết thương quá nặng nên đã qua đời tại đó. Trước khi mất ông giao binh quyền lại cho Mai Xuân Thưởng. Tôi ngồi nghe, thương cha già yếu, nhưng trong đầu tôi không hề có ý nghĩ rằng đó là buổi gặp gỡ cuối cùng. Hôm trở về, tôi mang tặng cha một chai rượu. Một người bạn cùng cơ quan nói đó là rượu nho do người nhà cô cất. Hồi đó nhu yếu phẩm rất hiếm nên có được chai rượu làm quà, tôi rất mừng. Cha tôi nói để khui ra uống thử. Nhưng đó chỉ là một chai nước lã có màu. Đó là món quà đầu tiên trong đời làm con của tôi tặng cho cha ruột của mình. Ngoài ra không hề có gì cả dù chỉ một đồng bạc. Tôi mang nỗi ân hận về chai rượu ra đi. Hai cha con chở nhau trên chiếc xe đạp từ trong làng đi ra quốc lộ 19. Gần đó có một cái đồi trọc, hai cha con dẫn xe lên đồi ngồi chờ xe đò. Chiếc xe cũ kỹ chạy bằng than đá lạch bạch đi qua. Chúng tôi chia tay nhau. Không khóc, không ôm nhau, nhưng lòng tôi tràn ngập nỗi buồn. Hồi ấy tôi nghèo quá, cha tôi còn khốn cùng hơn. Ông gầy yếu đen đúa và run rẩy. Ông đứng trên đồi nhìn theo tôi, không vẫy tay, không một tiếng nói, ông đứng như pho tượng đá ngóng nhìn vào hư vô. Một chút sương sớm phảng phất trên mái tóc bạc. Nắng chưa lên và một chút gió vẫn còn hiu hắt. Chiếc xe đò mang tôi đi. Tại sao tôi lại phải đi? Cũng như những đứa con khác trong cuộc mưu sinh khốn nạn của kiếp người, tôi đã phải ra đi. Giờ đây tôi có thể ra phố mua một trăm chai rượu, nhưng đâu còn cha. Mà nếu có còn thì chắc ông cũng không cần những thứ ấy. Ông chỉ cần sự có mặt của tôi bên cạnh, ít ra thì cũng trong giờ phút lâm chung. Nhưng điều đó vĩnh viễn đã không bao giờ có được. Giờ đây tôi về quê để thăm những nấm mồ. Những nấm đất hiu quạnh, những bia mộ cũ kỹ, xám xịt, rêu phủ. Tôi về đây, ngồi trong bóng tối của căn phòng ngày xưa, nằm trên chiếc võng gai cha tôi thường nằm gảy đàn Nguyệt. Có lẽ không mấy người biết cây đàn Nguyệt. Trong tay cha tôi, nó như một linh hồn. Nó nói bằng giai điệu của sâu thẳm, bằng tiếng buồn của thiên thu, bằng cơn nấc nghẹn của kiếp người. Nó là cây đàn kỳ lạ nhất của nhân loại, nó không phải là một nhạc cụ, nó là một linh vật. Một vị thần. Những năm sau ngày thống nhất, tôi có ý định về quê đem cây đàn Nguyệt và những bút tích của cha vào Sài Gòn nhưng đã chậm một bước. Một cơn lũ lớn đã quét ngang căn nhà, xoáy thành một cái hố sâu và cuốn tất cả trôi theo dòng sông Kôn. Tôi tiếc cây đàn Nguyệt của cha tôi. Nó biết nói tiếng người. ° Rồi những lớp người cứ nối tiếp nhau ra đi. Và không trở lại. Cái chết buồn và đáng sợ vì cái sự không trở lại ấy. Nhưng không ai cứu vãn được. Tôi cũng vậy. Lúc sống thì phải sống chung với lũ ruồi nhặng mà mình căm ghét. Lúc chết thì phải xa lìa nhưng người mình thương yêu. Đó là bi kịch lớn của nhân loại. Nhân loại có những bi kịch mà không ai thay đổi được. Sống và chết là một bi kịch. Nghèo và giàu là một bi kịch. Đẹp và xấu là một bi kịch. Bi kịch luôn đứng giữa hai cực mâu thuẫn nhau. Nhưng sự mâu thuẫn cũng chính là động lực của mọi sáng tạo và phát triển. Vì thể nhân loại vừa rất vĩ đại vừa rất nhảm nhí. Và đó chính là bản chất của loài người. ° Hiểu được bản chất đó tôi biết mình đang sống. Giữa trưa một mình bơi ra biển. Lặng thinh lẩn khuất vào sóng nước. Nổi trôi bềnh bồng, phiêu bạt như chiếc lá mỏng. Biển nâng đỡ, ve vuốt, rồi vùi dập. Nước vây bọc xung quanh như căn phòng xanh bằng thủy tinh ngời sáng. Rồi vỡ tung tóe. Mặt trời sáng lòa. Tôi chỉ nhìn thấy đám mây nhỏ trong vài giây rồi lại bị nhận chìm xuống, lăn lóc trong cơn xoáy. Tôi nằm ngửa, duỗi dài, buông thả, nhìn ngắm thân thể trần truồng của mình lấp lóa nắng. Cái dương vật dài, suôn, rập rềnh theo mảng lông đen ngời như rong rêu. Tôi không còn là một ông già sáu mươi tuổi mà là một con cá voi nhỏ đang thưởng thức sự cường tráng của mình. Tôi đang sống. Đang hòa nhập. Đang hóa thân. Đang vô danh. Và tôi đang hạnh phúc. Quá khứ đã qua rồi. Quá khứ đã chết và tương lai không hiện hữu. Chỉ có hiện tại là có thực, là sống. Tôi đang hòa nhập với sóng. Đang đánh mất mình trong vô định. Đang rỗng không. Chỉ có tôi một mình với sóng. Sóng che lấp núi non, những tàn cây và những ngôi nhà trong phố. Sóng che lấp bầu trời. Che lấp cuộc đời. Sóng che lấp bản ngã tôi. Dường như tôi đã chết. Nhẹ như một chiếc lá. Tan biến như một gợn sóng. Cái dương vật vẫn rập rềnh. Dường như tôi đã ngủ thiếp đi cùng với sự rập rềnh ấy trong trí nhớ. Trôi đi, trôi đi thật xa. Hãy rời bỏ loài người, hãy đến chỗ của vô tận, chỗ của phi thời gian…