au 30 tháng 4/75 Dã Nhân cởi áo tràng, bỏ chùa đi bụi đời. Dù vậy tôi vẫn coi ông như sư phụ của mình vì ông rất uyên bác về Phật học và nhiều vấn đề xã hội khác. Ông thường hay la cà với đám thợ hồ, thợ mộc và phu xích lô, chiều chiều lai rai ở mấy cái quán cóc trong xóm lao động. Nhiều khi say quá mà không chịu về, ông thường ngồi một mình, mắt mờ đi, nhìn hoàng hôn tím sẫm sau những mái tôn nám khói. Khi tiên sinh trở về thì đã chạng vạng tối, có lần sẩy chân lọt xuống sình. Chòm xóm đến kéo lên, dội nước cho sạch bùn rồi cõng về nhà. Lại có khi đi ăn giỗ về, quá chén, vừa bước qua cổng nhà đã ngã vô bụi ớt nằm bất động mê man đến nỗi kiến lửa cắn nát cánh tay vẫn không hay. Khi đưa vô bệnh viện thì da tay giộp lên những bong bóng nước chi chít, còn đầu thì rỉ máu. Mấy hôm nay tâm trí Dã Nhân thường bất ổn Tôi chơi nhạc Trịnh cho ông nghe. Có một dạo bị mất ngủ, tôi phải nằm điều trị ở bệnh viện Y học Dân tộc. Sếp ở đây là bác sĩ Trương Thìn, anh có một phòng riêng nơi đó. Mỗi sáng anh thường đến bệnh viện vào lúc 9 giờ và tôi mò đến chơi với anh. Anh có cây ghita rất tốt và tôi đã chơi nhạc Trịnh theo lối cổ điển cho anh nghe. Anh nói: -Mình lấy làm lạ tại sao ông bị stress. Một người có ngón đàn như thế không thể bị stress được. Tôi tin đó không phải là một lời khen suông để lấy lòng vì thế tôi vẫn đàn cho Dã Nhân nghe mỗi khi ông bất an. Tôi muốn đem lại sự thanh thản cho ông bằng những lời thủ thỉ: Suối đã từng bàn chân em qua… Và tiên sinh đã thiếp ngủ. Tôi đặt cây đàn xuống. Đêm tràn qua cửa sổ. Tôi vẫn ngồi cho đến khi không còn nhìn thấy hai bàn tay mình đang đặt trên đầu gối. Dã Nhân cũng chìm khuất, hòa lẫn trong biển im lặng. ° Nửa đêm tiên sinh gọi tôi dậy: -Ngươi có biết triết học bắt nguồn từ sự sợ hãi không? -Biết. Tư tưởng Phật giáo bắt nguồn từ sinh, lão, bệnh, tử. Đó là sự sợ hãi. -Không phải chỉ Phật giáo. Mọi hệ thống triết học đều bị ám ảnh bởi cái chết và cố gắng vượt qua nó. Tâm hồn Dã Nhân giờ đã lắng xuống như ly nước để qua đêm. Trên mặt thì trong sạch tinh khiết nhưng dưới đáy ly vẫn còn bụi bặm của cả một đời người. Cái cặn ấy không đổ đi được, không lọc sạch được và sẵn sàng bị khuấy động. Tiên sinh không thể ngồi thiền. Tâm của ông không ở với thân. Nó như con khỉ nhảy nhót không ngừng, nó như con ngựa chạy. Phật giáo gọi trạng thái này là “tâm viên ý mã.” Vì thế mà ông thay thiền bằng rượu. Tôi hỏi tiên sinh: -Thầy nghĩ gì về Eckhart Tolle? -Đời ta có hai lần hạnh phúc. Lần thứ nhất là năm ta mười tám tuổi, đọc Nam Hoa Kinh của Trang Tử và lần thứ hai năm ta sáu mươi tuổi đọc “The power of Now” của Eckhart Tolle tiên sinh. Đó là những cuốn sách làm ta sững sờ kinh ngạc. Tôi nói: -Thực ra Eckhart Tolle cũng chỉ diễn đạt tư tưởng của Phật Thích Ca. -Không sai. Nội dung của cuốn The power of Now là sự hiện đại hóa pháp môn Chánh Niệm, một nội dung rất quan trọng của Bát Chánh Đạo. Ông đã dùng ánh sáng luận lý của triết học Tây Phương để quảng diễn một cách sâu sắc và cụ thể pháp môn này. Phật giáo rất coi trọng “pháp hành” hơn lý thuyết suông. Và Chánh Niệm là phần quan trọng nhất trong pháp hành. Thậm chí ta có thể nói đắc đạo hay không đắc đạo, thành Phật hay không thành Phật, Niết Bàn hay không Niết Bàn… cũng đều nằm trong Chánh Niệm. Và Chánh Niệm chính là cái “hiện tiền phi thời gian” của Eckhart Tolle. Đối với ta, Eckhart Tolle thực sự là một vị A La Hán. -Cuốn The Power of Now đã được dịch ra tiếng Việt dưới nhan đề “SỨC MẠNH CỦA HIỆN TIỀN PHI THỜI GIAN”. Đọc cuốn sách này tôi nhớ mấy câu kệ trong Trung bộ Kinh của Phật giáo Nguyên Thủy. Câu kệ ấy như vầy: Thường sống trong rừng núi Bậc thánh sống phạm hạnh Một ngày ăn một buổi Sao sắc họ thù diệu? Không than việc đã qua Không mong việc sắp tới Sống ngay với hiện tại Nên sắc họ thù diệu. Cái mà Eckhart Tolle nhắc đi nhắc lại trong tác phẩm của ông là “sống ngay với hiện tại”. Nhưng chính Eckhart Tolle cũng nói rằng trên thế giới số người đạt tới cảnh giới ấy không nhiều. Vậy thì tính khả thi của Chánh Niệm, của cái “hiện tiền phi thời gian” là rất thấp và cái chết vẫn còn đó, vẫn treo lơ lửng trên phận người như một nỗi sợ hãi thường trực. Dã Nhân kể một câu chuyện trong Nam Hoa Kinh: -Khi Trang Tử sắp chết, các học trò ông bàn nhau tổ chức đám tang. Ông nói: ”Ta chết đã có bầu trời, mặt đất làm quan quách. Những vì sao và chim chóc đưa tiễn ta. Thế thì các ngươi tổ chức đám tang làm gì?” Học trò thưa: “Chúng con sợ diều, quạ rỉa xác thầy.” Trang Tử nói: ”Các ngươi muốn cướp cái ăn của diều và quạ sao?” Có phải Trang Tử muốn hiểu cái chết như là một sự chuyển hóa năng lượng từ dạng này sang dạng khác, từ sinh vật này sang sinh vật khác không? Tôi nói: -Nhưng để ngộ được như Trang Tử phải tu nhiều kiếp. Vậy mà có một loài vật không cần tu luyện nhưng vẫn ngộ. Dã Nhân với lấy chai rượu nhưng không còn một giọt nào. Ông đưa nó lên ánh đèn lù mù rồi thả nó lăn tròn dưới sàn nhà. Ông hỏi: -Loài vật nào? -Tôi không nhớ nổi cái tên khoa học dài dòng của nó. Chỉ biết là tôi đã xem một chương trình truyền hình. Một con nhện cái màu đen. Nó có cái vòi dài và tự đẻ trứng trên khắp thân thể nó. Hàng trăm cái trứng màu trắng, chi chít, lốm đốm trên lưng, trên cổ, trên bụng nó. Đẻ xong thì nó chết. Ít lâu sau những chú nhện con ra đời và xác của mẹ chúng trở thành kho thực phẩm nuôi chúng lớn lên. Thầy nghĩ thế nào về con nhện đó? Dã Nhân nói: -Nó biết chuẩn bị cho mình một cái chết. Đó là cái chết không sợ hãi, nhẹ nhõm, tự nguyện và tự do. -Triết học Hiện Sinh cũng biện hộ cho một cái chết tự do. -Triết học Hiện Sinh là triết học của sự phi lý (la philosophie de l’absurdité). Tại sao phi lý? Vì mọi người đều là một anh chàng Sisyphe. Cố lăn tảng đá lên đỉnh núi dù biết rằng khi tới đỉnh thì nó lại rơi xuống vực. Và anh ta lại phải tiếp tục lăn tảng đá ấy lên đỉnh núi, để rồi nó lại rơi xuống. Đó là sự phi lý. Giống hệt con người sống để rồi chết, thế mà vẫn phải sống, vẫn phải lặp đi lặp lại hàng ngàn năm như anh chàng Sisyphe nọ. Muốn thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn ấy chỉ còn một con đường là tự sát. Bởi vì khi tôi tự sát có nghĩa là tôi đã tự quyết định. Có nghĩa là tôi tự do! Và tôi chứng minh được rằng tôi hiện hữu. Con nhện không cần triết lý. Nhưng nó đã tự quyết định cái chết của mình, nhẹ nhàng, thanh thản và rất hồn nhiên. Tại sao con người lại không thể chuẩn bị cho mình một cái chết hồn nhiên như vậy? Cái chết của con nhện chẳng phải là nhập Niết Bàn sao? Chẳng phải là đi vào Cõi Trời sao? Giải mã được cái chết của con nhện thì không cần triết học, không cần tôn giáo nữa. Và đó chính là sự Giải Thoát. Tôi im lặng. Tôi chưa hiểu nổi điều mầu nhiệm trong cái chết của con nhện. Và tôi đưa một câu hỏi rụt rè: -Hay con nhện đã hành động theo bản năng? Dã Nhân cả cười: -Bản năng?! Thường thì sinh vật (kể cả loài người) chỉ có bản năng sinh tồn (gồm ăn, uống, tình dục, săn mồi…) chứ không có bản năng hy sinh, không có bản năng quên mình. Vì đó là những phạm trù thiêng liêng chứ không phải bản năng. Và ta cho rằng hiểu được điều mầu nhiệm trong cái chết của con nhện tức là đã trả lời được câu hỏi lớn của nhân loại mà không cần phải tự sát theo kiểu của Camus: Il n’y a qu’un problème philosophique vraiment sérieux: c’est le suicide. Juger que la vie vaut ou ne vaut pas la peine d’être vécue, c’est répondre à la question fondamentale de la philosophie. (Chỉ có một vấn đề triết học thực sự quan trọng: đó là tự sát. Hãy xét xem cuộc đời đáng sống hay không đáng sống, đó chính là trả lời cho vấn đề căn bản của triết học. Trích Le mythe de Sisyphe) Tôi hỏi: -Tiên sinh à! Ông nghĩ gì về cái chết của Albert Camus? -C’est le suicide.( đó là tự sát) -Tự sát sao? Báo chí đưa tin rằng đó là một tai nạn giao thông mà? Dã Nhân uể oải đứng dậy, mở cánh cửa tủ ọp ẹp của ông, lục lọi trong mớ báo cũ. -Cậu đọc đi, ông nói nhưng không đưa tờ báo cho tôi mà lại đeo kính lão vào mắt rồi tự đọc lấy: -La voiture quitte la route et percute un arbre qui la borde. Les journaux de l’époque évoquent une vitesse excessive (130 km/h), un malaise du conducteur ou l’éclatement d’un pneu, mais René Étiemble affirme: « J’ai longtemps enquêté et j’avais les preuves que cette Facel-Vega était un cercueil. J’ai cherché en vain un journal qui veuille publier mon article… » (Chiếc xe đã lạc tay lái và đâm vào một thân cây bên lề đường. Báo chí thời ấy cho rằng xe đã chạy quá tốc độ (130 km/giờ). Tai nạn xảy ra là do lái xe vụng về hoặc do nổ lốp xe, nhưng nhà báo René Étiemble thì khẳng định: ”Trong một thời gian dài, tôi đã điều tra vụ việc và tôi đã có bằng chứng rằng chiếc xe Facel-Vega đã là một cỗ quan tài. Tôi đã cố tìm một tờ báo nào dám đăng bài viết của tôi nhưng vô ích…”) Tôi lắng nghe và ngẫm nghĩ. Rồi tôi hỏi: -Câu nói úp úp mở mở của Étiemble thực ra là gì? -Là gì không quan trọng. Cái quan trọng chính là câu mà Camus đã nói: “Il n’y a qu’un problème philosophique vraiment sérieux: c’est le suicide.” Và chính ông đã giành lại cho mình quyền tự do ấy.