Lời tác giả

    
 ác giả Đào Hiếu sinh năm 1946 tại Tây Sơn, tỉnh Bình Định, 1968 vào Đảng Cộng sản Việt Nam, 1970 là binh nhì sư đoàn 22 Quân lực Việt Nam Cộng hoà, sau 1975 làm việc tại báo Tuổi Trẻ và Nhà xuất bản Trẻ. Hiện sống và viết tự do tại Sài Gòn.

DaoHieu.jpg
Tác phẩm:
Truyện dài và tiểu thuyết: Giữa cơn lốc, nxb Thành phố Hồ Chí Minh 1978; Một chuyến đi xa, nxb Măng Non 1984, nxb Trẻ 1994; Qua sông, nxb Văn Nghệ 1986; Vùng biển mất tích, nxb Đồng Nai 1987; Vượt biển, nxb Trẻ 1988, 1995; Vua Mèo, nxb Trẻ 1989; Người tình cũ, nxb Văn Nghệ 1989; Kẻ tử đạo cuối cùng, nxb Trẻ 1989; Thung lũng ảo vọng, nxb Trẻ 1989; Hoa dại lang thang, nxb Văn Học 1990; Trong vòng tay người khác, nxb Tác Phẩm Mới 1990; Kỷ niệm đàn bà, nxb Văn Nghệ 1990; Nổi loạn, nxb Hội Nhà Văn 1993. Thơ: Đường phố và thềm nhà, nxb Trẻ 2004. Truyện ngắn và tạp văn: Bầy chim sẻ, nxb Văn Nghệ 1982; Những bông hồng muộn, nxb Trẻ 1999; Tình địch, nxb Trẻ 2003.
°°°
 
 Mùa Thu năm 2007 tôi gặp nhà văn Nguyễn Mộng Giác tại Hoa Kỳ. Tôi khoe với anh là mình đang viết hồi ký. Anh nói: viết hồi ký cũng giống như quay phim đám cưới. Phim quay xong, người trong cuộc ngồi xem rất thích thú nhưng người ngoài chỉ liếc mắt ngó qua rồi đi, vì đám cưới ấy chẳng dính dáng gì tới họ.
Anh nói nghe rất có lý.
Hơn nữa tôi không phải là một nhân vật quan trọng nào đó mà chỉ là một anh Việt cộng nằm vùng không mấy người biết đến.
Nhưng tôi tin rằng hồi ký của gã vi-xi vô danh ấy sẽ thu hút người đọc và biết đâu sẽ gây tiếng vang lớn.
Tôi bắt đầu viết hồi ký này giữa năm 2006, viết được hơn một nửa thì tôi sang Mỹ và hoàn tất nó vào mùa Thu năm 2007 tại thành phố Lake Forest và quyết định gọi tên nó là “tự truyện Lạc Đường”.
Đầu năm 2008 tôi về Việt Nam, đưa bản thảo cho vài người bạn. Và nó đã được đón nhận rất ồn ào. Từ vài ba người bạn thân, nó lan truyền trong giới nhà văn nhà báo và họa sĩ. Đáng ngạc nhiên nhất là giới luật sư đọc rất nhiều.
Biết rằng tự truyện này không thể xin giấy phép in công khai được, tôi bèn gởi nó cho trang web Talawas. Mười ngày sau tôi nhận được thư của chị tổng biên tập Phạm Thị Hoài. Chị nói: “Tôi sẽ đích thân biên tập tác phẩm này.” Rồi tự truyện Lạc Đường xuất hiện trên Talawas. Hai mươi bốn giờ sau, chị Hoài lại viết cho tôi: “đã có 15.333 lượt người đọc”.
Mấy hôm sau, buổi tối, khi tôi đang nằm coi TV thì nhận được cú điện thoại từ đài BBC. Lê Hải gọi tôi. Anh nói: “Tôi đã đọc xong tự truyện Lạc Đường của anh và rất khâm phục. Xin chia vui cùng anh. Anh có thể cho đài BBC một cuộc phỏng vấn không?”
Đó là cuộc phỏng vấn dài 20 phút phát sóng sau đó mấy ngày và được phát lại lần thứ hai cách nửa tháng.
Tôi rất cám ơn Talawas và đài BBC vì nhờ các phương tiện truyền thông này mà tự truyện Lạc Đường đã được hàng vạn người biết đến. Dạo ấy mỗi ngày tôi nhận được rất nhiều thư độc giả từ khắp Việt Nam và khắp nơi trên thế giới gởi về qua địa chỉ E.mail của tôi. Tôi biết mình đã thành công ngoài dự kiến và điều mà anh Nguyễn Mộng Giác lo ngại đã không xảy ra.
Ở lần tái bản này tôi đã sửa chữa và bổ sung một số thiếu sót. Những chuyện được kể trong tác phẩm này là sự thật mặc dù đôi khi, do không kiềm chế nổi sự ngông cuồng của mình, tôi đã thể hiện nó như một tiểu thuyết.
ĐÀO HIẾU