Sau Chiến tranh thế giới lần thứ II, quân Pháp trở lại và muốn đánh đuổi Cộng sản đi. Chúng tôi lúc nào cũng nơm nớp lo sợ. Chúng tôi biết hết mọi việc xảy ra chung quanh. Nước Pháp mới, như chúng tôi vẫn gọi, không hiểu Việt Minh. Không phải lúc nào họ cũng cảnh giác như chúng tôi, và thế là đêm 19 tháng Mười Hai, 1946, Cộng sản đã xuất kích… Ông nội của Elyette Bruchot tới Việt Nam vào cuối những năm 1880. Ông nằm trong số những người thực dân đầu tiên tới xứ này. Ông từ Burgundy tới và được đào tạo thành luật sư, nhưng theo lời mô tả của Elyette, là một người phiêu lưu đi lập nghiệp. Ông đã lập ra một đồn điền cà phê rộng khoảng bốn trăm héc-ta, gần thành phố Vinh, về phía biên giới Lào, một vùng cũng không có gì đặc biệt. Bà ngoại Elyette là một người Việt Nam. Bà không có hôn lễ chính thức và cũng như hầu hết những cô tình nhân đã làm, đã bỏ đi khi mẹ Elyette được sinh ra năm 1904. Mẹ của Elyette học trong một trường dòng. Khi ông ngoại của Elyette chết trong một tai nạn lúc đi săn, bà mẹ lúc đó mười sáu tuổi đã cai quản đồn điền với sự giúp đỡ của một người bạn của ông ngoại và một đốc công người Nhật, trong Thế chiến II đã trở lại với quân hàm đại tá trong quân đội Nhật. Mẹ Elyette lại lấy một con người phiêu lưu khác từ Pháp đến, một kỹ sư tên là Bruchot, đi tìm quặng mỏ trên các ngọn núi ở Đông Dương để khai thác. Họ lấy nhau và sinh ra Elyette vào năm 1929. Tính trai gái lang nhăng của ông kỹ sư này đã đưa đến ly dị. Mẹ Elyette lại chọn một người Pháp chín chắn hơn, ông Charles Dufour, sinh ở Lille, tốt nghiệp trường Đại học Thượng mại Paris, một trong những trường giỏi nhất của Pháp. Dufour là một người tinh hoa trong đám thực dân, giám đốc Phòng thương mại, đồng thời là Chủ nhiệm Câu lạc bộ thể thao ở Hà Nội, một trong những câu lạc bộ thượng lưu nhất ở Đông Dương. Cũng như hầu hết những nước thuộc địa khác, những người đầu tiên đặt chân tới Việt Nam là những người đi biển và các nhà truyền giáo. Mặc dầu còn chưa rõ ai là người đầu tiên tới đây, nhưng trong số đó có lẽ người quan trọng nhất là Alexandre de Rhodes, một linh mục Pháp ba mươi lăm tuổi, đến đây truyền bá đạo Thiên chúa vào giữa những năm 1800. Ông là người đã đặt ra chữ Quốc ngữ theo vần La-tin. Vì đây là một tiếng nói trầm bổng, mà ý nghĩa thay đổi theo giọng nói nên ông đã đặt ra nhiều dấu để phân biệt. Và đây là một ngôn ngữ phương Đông duy nhất có vần như tiếng Pháp và tiếng Mỹ. Tiếng Việt đơn giản, động từ không biến cách, và chỉ có ba thì quá khứ, hiện tại và tương lai tuy nhiên sáu dấu của nó có phần khó đọc đối với người Tây phương. Nhưng vần quốc ngữ làm cho người Việt Nam học tiếng Pháp dễ hơn người Hoa. Cánh cửa từ đó đã mở rộng để đón nhận ảnh hưởng của Tây phương. Việc làm của Alexandre de Rhodes tượng trưng cho lý do người ta thường nêu ra để chinh phục Đông Dương. Không có một cường quốc thực dân nào chịu thừa nhận rằng mình bóc lột cả. Người Anh nói rằng họ mang sự cai trị và pháp luật tới cho những người không biết tự cai trị, và đó là trách nhiệm của người da trắng. Người Pháp lại nói rằng họ có sứ mạng đi khai hoá những dân tộc còn kém mở mang. Ông Jules Ferry, người kiến trúc sư của chủ nghĩa thực dân, vốn là một nhà tư tưởng cấp tiến ở trong nước, ngày nay vẫn được người ta tưởng niệm như người cha đẻ của chế độ giáo dục phổ cập, một chủ trương mà ông đã đề xướng hơn một trăm năm trước đây khi ông còn là Bộ trưởng Giáo dục; tên của ông xuất hiện trên các trường học và đường phố khắp nước Pháp. Ferry cùng bị ám ảnh bởi ý muốn chinh phục Đông Dương khi ông làm Bộ trưởng Ngoại giao sau đó. Ông đã giải thích quan điềm của mình trong một cuộc tranh luận trước Quốc hội năm 1885 như sau: “Các chủng tộc thượng đẳng có nhiều quyền đối với các chủng tộc hạ đẳng. Họ có quyền bởi vì họ có trách nhiệm - trách nhiệm khai hoá tất cả các chủng tộc hạ đẳng”. Lập luận của ông về “sứ mạng khai hoá” đã có tiếng vang trong giới chính khách và tri thức, và đã trở thành lời thanh minh chính thức cho chính sách thực dân của Pháp. Người Pháp đã thực hiện điều đó một cách nghiêm túc. Người Anh có thể là đã làm những con đường tốt hơn ở Á châu nhưng người Pháp đã thành lập nhiều trường học nổi tiếng ở Hà Nội và Sài Gòn. Cũng cần phải nói là người Pháp cũng không phân biệt chủng tộc theo kiểu Anglo-Saxon nghĩa là nhanh chóng phân biệt đối xử theo màu da. Dù cho thực dân Pháp còn lâu mới đối xử bình đẳng với người bản xứ và họ cũng có những hành động đáng trách, nhưng người bản xứ có thể hi vọng một ngày nào đó trở thành người Pháp gốc bản xứ, đó là điều ít khi xẩy ra trong thuộc địa của Anh, nơi người ta còn có những trường riêng, câu lạc bộ riêng, nhà thờ riêng và người ta không cho những người dân thuộc địa đứng gần. Chẳng hạn như Elyette Bruchot là người có một phần tư dòng máu Việt Nam, nếu ở Ấn Độ sẽ bị coi là một người Anh-Ấn, thấp hơn một bậc so với người Anh hoàn toàn, nhưng dưới chế độ của Pháp thì bà được coi là một người Pháp toàn phần, mặc dầu còn có một chữ - métisse (lai) - được dùng để chỉ những người có hai dòng máu. Bà đến học một trường có cả học sinh Pháp và Việt Nam. Hôn nhân giữa hai chủng tộc xảy ra nhiều hơn là giữa người Anh với người dân các nước thuộc địa của họ. Theo luật lệ của Pháp, một người lính có quyền thừa nhận đứa con của mình với một phụ nữ Việt Nam mà không bắt buộc phải cưới người mẹ. Thay vì sinh sản ra một lô đứa con lai, không ai thừa nhận, không thể đi đâu, như sau này lính Mỹ đã làm ở Việt Nam, người Pháp đã sinh ra những đứa con Việt Nam có hộ chiếu của Pháp và tự do được nhập cư ở Pháp nếu có tiền. Sự thừa nhận về mặt chủng tộc đó là khía cạnh khoan dung nhất của chủ nghĩa thực dân Pháp, mặc dầu nó gắn liền với thái độ ít nhiều trịch thượng cho rằng người nào có được quốc tịch Pháp cần phải cảm ơn những gì đã mang lại cho mình sự may mắn đó. Và điều đó là tác động tiêu cực chủ yếu đối với những cố gắng sau này của Mỹ ở Việt Nam. Bởi vì những người bổn xứ muốn vào dân Tây dĩ nhiên không phải là những người nông dân nghèo, mà phải là những người Việt Nam mà học thức và tiền tài cho phép họ vào được những trường học kiểu Pháp - đó là những phần tử lãnh đạo bẩm sinh của xứ sở. Khi người Mỹ tới đây, họ đã phát hiện ra rằng đó là một số ít những người Việt Nam “thuần tuý” không Cộng sản, ngoại trừ những người nông dân mù chữ, cả đời không đi khỏi làng tới năm cây số, sẵn sàng tin vào những lời tuyên truyền thô sơ nhất của Cộng sản. Hơn nữa, do tính chất nói trên của chủ nghĩa thực dân Pháp, người Việt có học vấn thường mắc phải những khía cạnh xấu nhất trong tính cách dân tộc của Pháp, chẳng hạn như nhiều lúc tỏ ra nhỏ nhen đê tiện đến bực mình, hoặc là thói sùng bái những hình thức quan liêu bàn giấy, hoặc là thói thích cho mình là hơn người. Không giống như chính quyền thuộc địa Anh, nơi mà một người sau này trở thành nhà văn nổi tiếng như George Orwell đã làm cảnh sát ở Miến Điện, bộ máy chính quyền thực dân của Pháp đã thu hút những người xin việc từ những người nghèo nhất và thất học nhất ở miền Nam nước Pháp và ở đảo Corse, nơi mà địa vị một quan chức thuộc địa được coi là một bước tiến lớn trên bậc thang kinh tế và xã hội. Cùng đến Đông Dương với những công chức này là những nhà kinh doanh đầu cơ, gần như hầu hết là những người Corse bần cùng hoá, những người được mô tả bằng những từ ngữ tàn nhẫn nhưng chính xác của Faulkner là bọn cặn bã da trắng. Cũng có những người có giáo dục và có học vấn như ông Charles Dufour, ông bố dượng của Elyette Bruchot, đang quản lý hệ thống xe điện của Hà Nội. Nhưng trong cái nhóm nhỏ những luật sư kỹ sư và nhà trồng trọt này, người ta cũng có ý thức quá đáng về thân phận ưu tú của mình. Xã hội thuộc địa ở Hà Nội và Sài Gòn quây quần chung quanh mấy Câu lạc bộ Thể thao, giống như các Câu lạc bộ ngoài trời ở Mỹ, nhưng người ta không đánh gôn mà chỉ chơi ten-nít với bơi lội. Câu lạc bộ Thể thao Hà Nội có một phòng nhảy lớn mở ra sân nhìn xuống hồ bơi, và bơi lội trở thành một giải trí số một ở Hà Nội (Elyette là một nhà vô địch ở đây) sau đó mới tới ten-nít. Còn ở Câu lạc bộ Thể thao Sài Gòn nơi có cái sân nhìn xuống các sân đánh ten-nít thì ngược lại người ta đánh ten-nít nhiều hơn bơi lội. Thức ăn và rượu ở đây rất ngon, nhờ những chuyến bay hàng ngày từ Paris tới. Những buổi khiêu vũ được tổ chức vào những ngày nghỉ của Pháp. Ông bố dượng của Elyette thích chơi bài brít-giơ nhưngthường họ cũng chơi bài cào. Là chủ nhiệm Câu lạc bộ, ông chỉ cho những người chọn lọc trong các giới nghề nghiệp và thương mại mới được vào cổng Câu lạc bộ. Trong giới quân sự, các sĩ quan Pháp có thể được nhận làm hội viên; và một số ít người Việt Nam cũng được phép vào. “Nhưng anh phải thuộc vào một tầng lớp nào đó”, Elyette nói. Và có khả năng đóng hội phí cho Câu lạc bộ. “Nhưng không phải là người Pháp nào cũng được nhận vào. Rất khó được vào, bố dượng tôi rất nghiêm ngặt, rất tư sản, và rất chơi sang. Thật là kinh khủng. Nhưng, anh biết không, tất cả bọn họ đều thích làm sang. Ông ấy cũng vậy. Tuy nhiên, ông ấy là một người tốt”. Những người thực dân này phát triển thành một thứ dân tộc tính lai, ít có quan hệ với mẫu quốc Pháp của họ: “Năm một nghìn chín trăm bốn mươi bảy, chúng tôi về Pháp trong sáu tháng”, Elyette Bruchot nói. “Mọi người đều hỏi chúng tôi có phải ở Việt Nam cọp đi ở ngoài đường không. Họ muốn biết chúng tôi ăn bằng gì. Họ cứ tưởng chúng tôi đều là triệu phú cả. Nếu không thì sang Đông Dương để làm gì? Chúng tôi phải cẩn thận khi mua quà cho bạn bè ở Paris, bởi vì nếu quà không đắt tiền thì họ sẽ giận chúng tôi. Pháp là một nước rất đẹp nhưng quê hương tôi là ở Việt Nam”. Một số nhà văn, phần lớn là người Pháp, kể cả Bernard Fall nói quan niệm của phần lớn người Mỹ cho rằng chủ nghĩa thực dân của Pháp chỉ có bóc lột trên quy mô lớn là không đúng. Bernard Fall đã chỉ ra rằng trong những năm đầu, buôn bán với Đông Dương chỉ chiếm có 10 phần trăm tổng ngạch ngoại thương của Pháp, tức là chỉ có 3 phần trăm tổng sản lượng quốc dân. Theo Fall gợi ý, vấn đề có phần phức tạp hơn là phần đông người Mỹ có thể thừa nhận Đông Dương chiếm một phần rất nhỏ trong đời sống của đa số người Pháp. Nếu người Pháp trung bình ủng hộ một cách chung chung những cố gắng quân sự để giành lại sự kiểm soát ở đó bởi vì anh ta tin rằng một cường quốc không thể bỏ cái đế quốc của mình được (cũng như sau này người Mỹ đã nói về sự “tin cậy” của thế giới đối với Mỹ vậy), chứ không phải vì những mất mát kinh tế. Người Pháp càng nhạy cảm trong vấn đề này vì họ vừa bị thất bại trong Chiến tranh thế giới thứ II. Cũng có những người sợ mất mát về kinh tế, đó là những công ty như công ty đã thuê bố dượng của Elyette Bruchot, và họ đã hình thành một nhóm gây áp lực tuy nhỏ nhưng dữ tợn liên kết với phe quân sự để trở lại đánh nhau ở Đông Dương. Thế là chiến tranh nổ ra. Elyette hiểu những danh từ quân sự có liên quan đến chiến lược của Pháp - vết dầu loang, càn quét, bình định. Nhưng người ta chỉ đánh nhau ở nông thôn, cuộc sống trong thành phố vẫn vui vẻ, hấp dẫn. Elyette nhận làm một chiêu đãi viên cho hãng Air France ở Hà Nội. Bốn mươi tám hành khách trên chuyến bay hàng ngày từ Sài Gòn đi Paris trong một chuyến bay bốn ngày thì có quyền chọn thực đơn riêng cho mình và Elyette phải thức dậy từ năm giờ sáng để đảm bảo người nào món nấy, sau đó lại mặc bộ đồng phục sạch sẽ làm cho gương mặt cô thêm đẹp, nhảy lên xe buýt chạy khắp để đón hành khách đưa họ ra sân bay Gia Lâm. Những buổi chiêu đãi được tổ chức vào buổi tối để đón tiếp các vị tướng và quan chức cao cấp đi kinh lý qua đây, và Elyette thường được mời để phô trương nhan sắc và duyên dáng của cô. Sau khi mẹ cô chết vì bịnh ung thư, cô trở thành bà chủ nhà và bố cô cũng cho phép cô mỗi tuần một lần họp mặt ăn uống và nhảy nhót với bạn bè. Cô đã nhắc lại những gì đã xảy ra: có một người bạn gái đã hai lần hứa hôn và hai lần đều mất người chồng tương lai của mình ngoài mặt trận: anh phi công thích nhảy theo bài hát của Glenn Miller một đêm nọ không thấy tới. “Chúng tôi đã gặp bạn bè rồi sau đó không còn gặp được họ nữa”,, Elyette nói. “Chúng tôi không bao giờ nói tới chiến tranh. Chiến tranh ở ngay chỗ chúng tôi” Trần Ngọc Châu nói rằng nền giáo dục của Pháp đã tạo ra một nghịch lý cho ông và anh em ông. Họ càng học, càng khâm phục nền văn hoá của Pháp, càng yêu mến lịch sử và triết lý của Pháp bao nhiêu thì họ càng ghét người Pháp thuộc địa bấy nhiêu. Họ thấy tự do, bình đẳng, bác ái không áp dụng với người Việt Nam và người Pháp thực dân gọi họ bằng một từ thân mật tu (mày) chẳng có liên quan gì với ông Montesquieu mà họ kính trọng. Ngoài ra, họ rất tự hào về lịch sử của họ mà phần lớn là đấu tranh gìn giữ độc lập chống nạn ngoại xâm - hai ngàn năm xâm lăng, bao vây, chiếm đóng, và nổi dậy cứ liên tục như vậy. Vì vậy mà Châu nằm trong số những người đầu tiên nghe theo tiếng gọi của Việt Minh. Không giống như nhiều người khác trong giai cấp của ông, Châu vẫn giữ gốc của mình, nghĩa là trở lại với cố đô Huế và với Phật giáo. Tổ tiên của ông đã phụng sự các hoàng đế nhà Nguyễn mấy đời. Ông nội ông là thành viên trong nội các và bố ông là một quan toà. Đó là một gia tộc có ít tài sản mà nhiều danh vọng. Sau này, khi Ngô Đình Diệm, người cầm đầu chính phủ Sài Gòn, cũng gốc Huế, muốn được gặp bố của Châu, Châu phải thuyết phục ông cụ mãi mới chịu. Bố Châu cho rằng vị thế của Diệm thấp hơn ông. Hơn nữa, ông cụ nói, gia tộc ông trung thành với Tồ quốc hơn gia đình Diệm, bởi vì gia đình Diệm đã cải giáo mà theo đạo Thiên chúa - đạo của Pháp - và sống theo phong tục phương Tây. Chính trong niềm tự hào mạnh mẽ về dân tộc như vậy mà Châu và bốn anh em trai, và hai chị em gái đã trưởng thành bên bờ sông Hương ở Huế. Niềm tự hào ấy lại được củng cố với sự khác biệt địa phương. Trong lịch sử Việt Nam đã bị chia thành ba kỳ riêng biệt - Bắc (Bắc Kỳ), Trung (Trung Kỳ) và Nam (Nam Kỳ) với phong tục ngôn ngữ, cách ăn uống mỗi nơi một khác - nghi ngờ lẫn nhau. Người Pháp lợi dụng sự khác biệt địa phương đó để thực hiện chính sách chia để trị. Theo thuyết về khí hậu và độ màu mỡ của đất người miền Bắc sống cực khổ hơn người miền Nam cho nên họ lanh lợi và năng nổ hơn. Nhưng chưa có ai giải thích một cách thoả đáng xem vì sao hầu hết những nhà lãnh đạo quốc gia Việt Nam lại sinh trưởng ở miền Trung, trong đó có Ngô Đình Diệm, Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, mặc dầu đã có thuyết cho rằng vì miền Trung là miền nghèo nhất nước nên đã thành một mảnh đất màu mỡ sản sinh ra những nhà cách mạng. Dù sao đi nữa thì Châu, một hướng đạo sinh vào năm 1942, đã được nhận vào Việt Minh do một vị giáo sư vốn là một người hoạt động nổi tiếng của phong trào hướng đạo quốc tế. Nhưng Châu không biết rằng vị giáo sư nọ đang tổ chức những đơn vị Việt Minh bí mật cho ông Hồ Chí Minh. Tổ chức hướng đạo, cũng như tổ chức Câu lạc bộ Thanh niên và Văn hoá do người Pháp thân Vichy tổ chức đã cung cấp những nhà hoạt động cho Việt Minh, bởi vì vào thời đó không người Việt Nam nào được huấn luyện quân sự, trừ phi làm việc cho Pháp. Sau khi Chiến tranh thế giới thứ II kết thúc, người Pháp đã trở lại tất cả anh em Châu, trừ người em út, đều theo Việt Minh vào rừng để kháng chiến chống thực dân. Đó là một thời kỳ rất lộn xộn. Huấn luyện trong ba mươi ngày: hai mươi ngày học tập chỉnh trị, mười ngày huấn luyện quân sự. Tiểu đội của Châu chỉ có sáu khẩu súng, hai của Pháp, phần còn lại là của Đức và Nhật. Một thanh niên đã chết vì không biết sử dụng súng. Họ thiếu những kiến thức quân sự đến nỗi một người hướng đạo sinh ở Huế, đã được huấn luyện trong năm tháng và được phong làm người lãnh đạo Chiến khu Năm của Việt Minh, khu vực chạy dài từ Đà Nẵng về phía nam tới Phan Thiết, một khu vực rộng đến nỗi trong cuộc chiến tranh của Mỹ, đã được chia thành ba quân khu. Hiền, người anh lớn hơn Châu một tuổi đã được bổ nhiệm làm người phụ trách tình báo của Khu Năm. Lúc đó có nhiều người tình nguyện đi theo Việt Minh đến nỗi họ không đủ gạo nuôi quân. Họ được mời tới dự một cuộc mít-tinh, tại đó người ta kêu gọi những ai thiếu sức khỏe, hãy tạm thời về nhà, chờ đến khi nào có thêm tiếp tế lương thực và vũ khí. Châu thì ở lại hàng ngũ vì tự cho là khỏe mạnh và không muốn rời bỏ lý tưởng. Châu đã sớm được đề bạt làm tiểu đoàn trưởng. Việt Minh đã triển khai một chu kỳ trong đó một sĩ quan sẽ trở về căn cứ để được huấn luyện thêm sau một thời gian chiến đấu. Do sự luân phiên như vậy mà thời gian chiến đấu đã bị giảm bớt nhưng thương vong cũng rất cao, và Châu cũng đã ba lần bị thương. Ông đã chuẩn bị để hiến dâng cuộc đời của mình cho đất nước. Ông có nghe nói về Cộng sản nhưng ông hiểu họ rất ít và cũng không quan tâm mấy tới chính trị. Ông sẵn sàng đi theo bất cứ ai lãnh đạo Việt Minh đánh thắng thực dân Pháp. Con đường giác ngộ chính trị của Châu là một con đương vòng. Trong mỗi đơn vị quân sự lớn của Việt Minh có một chính trị viên bên cạnh một chỉ huy quân sự. Chỉ huy quân sự chịu trách nhiệm về chiến thuật và chiến đấu. Còn chính trị viên chịu trách nhiệm về giáo dục và động viên chiến sĩ. Mặc dầu nhiều việc còn tuỳ thuộc vào phẩm chất và khả năng của hai người nhưng thường thì chính trị viên có vẻ như quan trọng hơn chỉ huy quân sự. Anh có thể là một chỉ huy quân sự tốt mà không cần có nhận thức chính trị nhưng chính trị là nhân tố quyết định trong tổ chức của Việt Minh, đi từ cơ sở của hệ thống chỉ huy lên tới ông Hồ Chi Minh. Những kỹ thuật tổ chức của Cộng sản mà Châu học được tỏ ra rất có ích cho ông sau này khi ông áp dụng để đánh lại họ, nhưng vào lúc đó, Châu thấy buồn bực, chán nản và khó chịu khi bị điều về Ban Tổ chức Cán bộ mà chẳng có nhiệm vụ gì cụ thể. Cuộc sống trong rừng rất gian khổ, Châu và các bạn chiến đấu được ăn uống rất ít, cắt vỏ xe hơi làm dép, ỉa chảy, ngủ trên võng trong mưa gió v v Nhưng họ là một gia đình. Châu cảm thấy thiếu họ. Ông cảm thấy mình như người trốn trách nhiệm. Ông đến gặp người thủ trưởng, nói với ông ta rằng ông muốn có công tác, ông không thể ở Bộ chỉ huy lâu hơn nữa. Thủ trưởng khuyên Châu kiên nhẫn. Nhưng Châu vẫn không được giao việc. Sau cùng, thủ trưởng nói rằng Châu có thể làm quan sát viên đặc biệt khu vực Đà Nẵng. Châu sẽ đi lại khắp trong vùng để quan sát và làm báo cáo để dùng vào mục đích huấn luyện. Đây chẳng qua là một chức vụ và một công tác đặt ra cho có vậy thôi, nhưng Châu đã chớp ngay lấy cơ hội, với ý định biến nó thành công việc có lợi cho mục đích đấu tranh của mình. Lần đầu tiên trong nhiều năm, Châu mới được đi đây đi đó và nói chuyện với nhân dân bên ngoài, đọc báo và nghe đài. Những gì ông nghe được, thấy được quả là một cú sốc. Nước Anh đã trao trả độc lập cho Ấn Độ. Mọi dấu hiệu cho thấy chủ nghĩa thực dân đã tới đoạn cuối. Pháp hình như cũng chịu nhượng bộ. Hoàng đế Bảo Đại lưu vong đã được Pháp đưa về nước và làm ra vẻ như trao cho ông ta trách nhiệm lãnh đạo Việt Nam. Gia đình của Châu đã từng phục vụ hoàng đế, Châu cho đây là một điềm tốt - Châu quá ngây thơ về chính trị để có thể hiểu rằng việc phục vụ Bảo Đại chỉ là một mánh khóe của Pháp để duy trì quyền kiểm soát thông qua một tên bù nhìn. Châu cảm thấy kiệt sức. Châu đã chiến đấu bốn năm liền, ăn uống kham khổ, và những vết thương chưa bao giờ lành hẳn. Pháp xem ra quá mạnh, không thể địch nổi. Cuộc đổ máu này còn kéo dài và sẽ dẫn tới một sự tàn sát bộ phận tinh tuý nhất trong tuổi trẻ Việt Nam. Châu quyết định rời bỏ Việt Minh. Nhìn lại việc làm của mình, Châu không thể nói rõ lý do nào đã đưa ông đến quyết định đó. Đó là một tập hợp nhiều lý do, trong đó có lý do sức khỏe. Ông nói rằng đột nhiên ông thấy thiếu tin tưởng ở sự lãnh đạo của Việt Minh và cách họ chỉ đạo chiến tranh. Ông bất mãn với sự đối xử của họ, không nhất thiết là ông chống lại chủ nghĩa Cộng sản với tính cách là một cương lĩnh chính trị. Ông vẫn chưa hiểu gì nhiều về chủ nghĩa cộng sản. Châu tỏ ra không được thoải mái khi nói về quyết định của ông, thái độ của ông trái với nhiều sĩ quan của chế độ Sài Gòn, nói rằng họ đã bỏ Việt Minh vì thấy rằng những người Cộng sản và chủ nghĩa Cộng sản là xấu. Đó là một thời kỳ đau khổ đối với Châu. Một người chị và hai người anh, trong đó có Hiền, cũng công tác gần đấy, nhưng Châu quyết định không cho họ biết. Nếu họ có thể tiếp tục tin tưởng ở Việt Minh, ông sẽ không cố gắng làm thay đổi suy nghĩ của họ. Vả lại, ông cũng không chắc có làm cho họ thay đổi lập trường hay không. Thế là một buổi sáng cuối năm 1949, Châu mặc bô quân phục của quân đội chính quy Việt Minh đi tới dinh của tỉnh trưởng bên ngoài Đà Nẵng. Quân lính bảo vệ ngạc nhiên thấy một sĩ quan Việt Minh đi tới. Để trấn an họ, Châu nói rằng ông là một người bà con với tỉnh trưởng - điều này không đúng - và đề nghị cho gặp ông ta. Viên tỉnh trưởng này có quen với bố Châu và tiếp đãi ông ân cần. Người Pháp cũng được báo cho biết vụ đào ngũ này. “Nhà quan sát đặc biệt khu vực Đà Nẵng”, họ nói một cách hoan hỉ. Chức vụ này làm Châu trở thành người Việt Minh cao cấp nhất ra đầu hàng. Người Pháp đối xử với ông một cách thích hợp. Họ dùng máy bay đưa ông về Nha Trang, xa hơn về phía bờ biển, và để ông trong một khách sạn. Ông được cấp một chiếc xe và người hộ tống. Tình báo Pháp tin rằng ông biết hết mọi thứ về tổ chức và chiến lược của Việt Minh. Cuộc hỏi cung bắt đầu. Trong mười ngày, tình báo Pháp đưa ông bay khắp trong vùng và bảo ông chỉ cho họ những chỗ đóng quân của Việt Minh. Ông chỉ cho họ những chỗ mà ông biết chắc là Việt Minh đã bỏ đi. Trong cuộc thẩm vấn, ông không hề nói dối, ông chỉ không nói hết những gì ông biết. Khi kết thúc, đại uý Pháp phụ trách cuộc thẩm vấn đã nói, “tôi tin rằng ông thành thật. Tôi đã tham gia kháng chiến trong Thế Chiến II. Nếu chúng tôi đã chiến đấu cho nền độc lập của mình thì chúng tôi không có lý do gì để chống lại những gì ông đã làm. Không may là thời gian đã thay đổi. Không phải là những người như chúng ta định ra chính sách nữa. Chúng ta cùng đi một đường. Tôi hy vọng ông không coi người Pháp là kẻ thù của ông như trước nữa”. Quan chức Pháp ở Huế biết bố ông Châu, hiện đang sống như một quan toà về hưu, Châu được cho về nhà với yêu cầu phải báo cáo hàng tuần với cảnh sát. Châu cảm thấy như người bị trục xuất. Ông tìm cách để xây dựng lại cuộc đời. Hy vọng hoà giải những người Việt Nam ở hai phía, ông lập ra một tạp chí tên là Tổ Quốc. Ông chủ trương để cho Việt Nam độc lập theo từng giai đoạn. Tạp chí sống được bốn tháng. Ông thủ hiến Việt Nam gọi Châu lên và biểu Châu thôi ra tạp chí đi. Nó gây ra nhiều dư luận quá. Châu vốn không phải là một người thụ động đóng vai một anh trí thức Tây học, ngồi trong những quán cà phê ở Sài Gòn hay Hà Nội mà phê phán cả hai phía. Đã trở thành một phần tử chống cộng thì điều lô-gíc phải làm là gia nhập quân đội Pháp đánh lại Việt Minh, đồng thời ủng hộ nền độc lập của Việt Nam. Lúc đó vừa thành lập trường võ bị Đà Lạt, Châu được nhận làm học viên khoá đầu tiên của trường. Sau một năm học tập, Châu là một trong hai người được chọn ở lại trường làm huấn luyện viên. Ít lâu sau đó có thêm tám huấn luyện viên nữa tới, trong đó có Nguyễn Văn Thiệu. Thiệu đã qua một trường huấn luyện quân sự địa phương, sau đó đi học bổ túc bên Pháp. Thiệu và Châu đều là thiếu uý. Cả hai cùng mới cưới vợ. Họ bắt đầu nói chuyện với nhau, té ra mới biết là bố vợ của Châu với anh cả của Thiệu là bạn học đồng lớp. Ở Việt Nam, những mối quan hệ gia đình như vậy rất quan trọng. Thiệu và vợ chưa có chỗ ở, còn Châu lại sống trong biệt thự có tới ba phòng. Châu mời Thiệu tới ở chung. Châu và Thiệu sống chung với nhau trong một năm. Hai cặp vợ chồng này trở thành bạn thân. Châu có ấn tượng rất tốt về sự thông minh của Thiệu. Thiệu là sĩ quan giỏi nhất mà Châu được biết, có thể còn lên cao nữa. Không những thế, Thiệu còn là một người vui tính và có vẻ là một người sống có chuẩn mực. Một hôm Châu dạy xong sớm về nhà. Vợ ông đang ngủ trưa trên lầu. Ông nghe có mùi khen khét, ông bước vào nhà tới chỗ nhà bếp tầng trệt nhìn vào. Vì hôm đó trời lạnh nên vợ Thiệu với chị bếp đóng cửa kiếng kín mít nên hai người bị hơi than làm cho ngợp. Châu phải phá cửa để mang hai người bất tỉnh ra chỗ thoáng khí. Ông gọi điện thoại tới trường cho Thiệu báo tin là vợ ông ta đang chết. Vì hai người thường hay nói chơi nên Thiệu đã đáp “Tốt, thì mình lấy bà khác”. Không, đây không phải chuyện chơi, nhưng phải mất một lúc lâu thì mới thuyết phục được Thiệu là Châu không có ý chơi xỏ gì mình, Thiệu bẩm sinh đã là một người hoài nghi và thận trọng. Bác sĩ của trường chạy đến, Thiệu về và hai người kia tỉnh lại. Bác sĩ nói nếu chậm một giờ nữa thì vợ Thiệu đã đi đời. Hai người chẳng bao giờ nói lại sự cố đó nữa, trừ phi để cười chơi với nhau. Cuộc đời sống chung của họ đã chấm dứt khi Châu bắt đầu cãi nhau với một đài uý Pháp trong trường võ bị. Ông này tên là Beauvisage, phụ trách việc phục vu cho trường. Châu nói mỉa mai cay độc rằng đại uý Mắt Đẹp() từ Pháp sang đây chỉ để trông nhà trông cửa mà thôi. Giám đốc trường bắt Châu xin lỗi nhưng ông không chịu. Châu nói với đại tá rằng ông làm huấn luyện viên trái ngược với nguyện vọng của ông và xin chuyển ông tới một đơn vị tác chiến. Mấy hôm sau người ta bổ nhiệm Châu tới một tiểu đoàn không vận, đưa Châu ra đánh nhau với Việt Minh. Chú thích:Pretty Face trong nguyên bản. Ở đây Châu chơi chữ vì trong tiếng Pháp tên Beauvisage, giống như Beau visage, có nghĩa là Bộ Mặt Đẹp, cũng như Pretty Face - N.D