Chương 4

    
ữu đánh răng vội vàng. Người bạn ở chung đã thức dậy và đang ngồi ở bàn học. Ngọn đèn chụp được bật lên, cái gương trước mặt, lọ keo xịt tóc và hộp phấn (loại dành riêng cho các cô) xếp một bên.
Anh ta soi gương, dùng tay đè đè, tém tém, vuốt vuốt mái tóc rồi xịt keo chải lại một lần nữa.
Khi Hữu mặc quần áo xong thì anh bạn đã có một mái tóc thật bóng và đang dùng phấn thoa lên mặt để che dấu cái nước da tái mét cố hữu của mình trước khi đi học bằng chiếc Yamaha đàn ông màu đỏ tía.
Hữu bước ra đường, mua một trái cóc chín to như nắm tay. Anh vừa đi vừa ăn dưới bóng mát của hai hàng cây bên đường, ăn chưa hết trái cốc đã đến trường Luật.
Giảng đường không còn chỗ, anh phải đứng ngoài hành lang, cạnh một cô gái đeo kính trắng và một đám sinh viên khác vừa ghi chép vừa gặm bánh mì. Hữu cũng định lấy giấy ra ghi bài nhưng rồi anh hỏi cô gái:
-Đã có bán bài giảng chưa?
Cô gái đang ghi chép lia lịa nên chỉ gật gật cái đầu. Hữu lách mình một cái đã biến mất khỏi đám đông, chạy xuống cầu thang.
Mua được bài giảng xong anh chạy ra đường nhưng vẫn lỡ một chuyến xe lam. Mười phút sau, một chuyến khác vừa dừng lại thì người trên lề đường đã túa ra từng chùm từng chùm bu lấy chiếc xe nhỏ bé, Hữu bị rớt lại lần nữa. Lần thứ ba anh quyết định không nhượng bộ, không lịch sự với phái nữ nữa.
Chiếc xe lam vừa đậu lại là Hữu bám lấy ngay. Hàng chục bàn tay đàn bà, đàn ông, người già, quân nhân, học sinh đều bám chặt lấy thành xe một lúc. Đàn ông có lợi thế hơn nhờ mang giày và ăn mặc gọn gàng. Đàn bà đi guốc mặc áo dài, lên xe sao bằng đàn ông. Hữu choán ngay một chỗ. Giữ vững vị trí. Chiếc xe đầy nhóc ngay. Nó rú ga, vọt tới như một kẻ thoát thân.
Hữu phải mất hai vòng xe lam và mấy trăm thước đi bộ mới đến được phòng mạch sang trọng của một ông bác sĩ mà theo lời rao thì ông ta đang cần một thơ ký.
Hơn tám giờ bác sĩ đến. Một vài người vào, rồi trở ra, đi vội vàng với một vẻ u buồn hay một nụ cười gượng trên môi. Đến phiên Hữu, bác sĩ hỏi:
-Anh biết đánh máy không?
-Biết.
Bác sĩ chỉ cái máy chữ:
-Anh thử một chút tôi xem.
Hữu ngồi lại bàn. Lóc cóc… Lóc cóc…
-Được rồi, ông bác sĩ hỏi tiếp: anh biết nói tiếng Pháp không?
-Biết. Tôi là sinh viên.
Ông bác sĩ già cười:
-Nhưng mà này, anh có xe gắn máy không?

°
Hữu lại cuốc bộ, lại nhảy lên xe lam đến một địa chỉ khác, tiếp tục cuộc hành trình thất nghiệp của mình. Anh có trong tay hai cái địa chỉ nữa. Một tư thục cần giáo sư và một số ngoại kiều cần người dạy tiếng Việt.
Hữu phải mất gần mười lăm phút đi vòng vòng trong hẻm mới tìm ra được trường trung học nọ. Trường làm anh ngạc nhiên. Trước hết là cái tên, Trường Việt-Mỹ. Một cái tên anh chưa nghe ai nhắc đến bao giờ thế mà phía dưới tấm bảng lại đề một câu “Sáng lập năm 1950” tính ra đến nay đã gần hai mươi năm. Điểm làm Hữu ngạc nhiên nữa là nơi đó không có vẻ gì là một cái trường mà chỉ là một cái biệt thự lớn, cũ kỹ, tường vôi đã loang lổ nhiều chỗ, cửa nẻo đã bị mọt ăn hư hao quá nửa và ngoại trừ những cái cửa lớn, còn tất cả những cửa sổ đều mất cánh. Trường có một cái sân hẹp trồng vài cây nhãn lồng còm cõi, mái lợp ngói vảy và ở một chái nhà rợp bóng chim én bay lượn kêu ríu rít quanh hàng trăm cái tổ của chúng.
Trong văn phòng không có ai cả, Hữu ngồi đợi cạnh bàn giấy. Đó là một cái phòng lớn ăn thông với phía sau. Một lão già mù lòa lần mò đi vào cái cửa sau của văn phòng để sang một cái phòng nhỏ nào đó kế bên, làm gì lục đục bên đó một lúc rồi lại đi ra phía sau cũng bằng cái cửa lúc nãy, một lát lại có một đứa nhỏ chừng bảy tám tuổi cũng đi qua đi lại bằng cái cửa ấy, thỉnh thoảng nó dừng lại, tò mò ngó Hữu rồi nheo mắt một cái và đi mất.
Hữu đến ngồi ở ghế đối diện để khỏi hướng mặt về phía cái cửa ấy nữa. Trước mặt anh một bản đồ thế giới lớn như cái đi-văng treo bên cạnh bảng thời khóa biểu bằng ván ép đóng đinh chi chít và trên những cái đinh ấy gắn đầy những mẩu bìa cứng tròn tròn bằng cái nút quần và đủ màu sắc.
Hữu quay lại khi nghe có tiếng giày. Một người đàn ông ốm nhom như que củi chìa tay ra trước mặt anh. Ông trạc năm mươi, tóc hơi quăn và ăn mặc còn chải chuốt lắm. Ông vào đề ngay:
-Anh xin dạy môn gì?
-Dạ, Anh văn.
-Anh đã dạy ở đâu chưa?
-Dạ có chứ, tôi dạy Anh văn nhiều năm nay.
-Mỗi tuần anh rảnh mấy buổi?
-Dạ chiều thứ hai, sáng thứ tư và chiều thứ sáu.
Ông hiệu trưởng cúi mặt xuống có vẻ nghĩ ngợi một chút rồi ngẩng lên quyết định đột ngột:
-Thôi được, như thế này, trường chúng tôi ít học sinh nên chúng tôi không thể trả lương cao được vậy nếu anh chấp thuận mỗi giờ đệ nhất cấp hai trăm và đệ nhị cấp ba trăm thì mời anh ngày… à… hôm nay hai mươi, mời anh ngày hai mươi lăm đến đây chúng ta họp chút xíu và đầu tháng tới khai giảng.