Dịch giả: Trịnh Huy Ninh và Bùi Chuẩn
Chương 2
MÈO MÙ VỚ CÁ RÁN

Thuyền trưởng Blood thường nhắc đi nhắc lại rằng người ta ăn nhau không phải ở chỗ biết trù tính những công việc lớn lao mà ở chỗ biết nhận ra thời cơ thuận lợi và kịp thời lợi dụng nó.
Chiếm được con tàu "Cinco Llagas" tuyệt vời của Tây Ban Nha, Blood đã chứng minh rằng chàng có cái tài ấy, và một lần nữa lại khẳng định nó qua lần chàng đập tan âm mưu của tên cướp biển bỉ ổi Easterling, không cho hắn chiếm đoạt con tàu quý giá đó, tuy nhiên, sau bận chàng và con tàu của chàng suýt chết, mọi người đều thấy rằng vùng biển Tortuga rất bất an đối với họ. Ngay hôm ấy một cuộc họp đã được triệu tập ngay trên boong giữa và tại đây Blood đã phát biểu một triết lý giản đơn như sau: khi bị tấn công, người ta hoặc phải đánh trả, hoặc phải chạy trốn.
- Nhưng vì chúng ta không thể đánh trả khi bị tấn công, mà chắc chắn là sẽ bị tấn công rồi, cho nên ba mươi sáu chước ta đành phải chọn chước chuồn là hơn, miễn sao giữ được mạng sống để sau này mà chứng minh lòng dũng cảm của mình.
Tất cả đều tán thành. Tất cả đều đã nhất trí rằng phải chạy trốn ngay không chậm trễ, còn chạy đi đâu thì sau sẽ bàn. Hiện thời cần phải tránh cho xa Tortuga và Easterling, chắc chắn đang có những manh tâm ác độc đối với họ.
Thế rồi vào giữa đêm tịch mịch, trời đầy sao nhưng không trăng, chiếc tàu ba cột buồm kỳ vĩ, một thời đã từng là niềm kiêu hãnh của các âu tàu xứ Cadiz, đã lặng lẽ nhổ neo, giương buồm đón gió thuận, theo con nước ròng tiến thẳng ra khơi. Dù tiếng kẽo kẹt của trụ tời neo, tiếng loảng xoảng của xích neo và tiếng ken két của ròng rọc dây buồm vọng đến tai Easterling lúc đó đang đứng trên boong "Bonaventura" nằm cách đấy không xa thì hắn cũng không thể làm gì để cản trở Blood được.
Có đến ít nhất là ba phần tư đám hải tặc của hắn đang say sưa trên bờ, Easterling không thể giở trò áp mạn với những tên cướp còn lại trên tàu dù chúng có đông gấp đôi số thủy thủ của "Cinco Llagas" đi nữa. Nói thế thôi chứ dù hai trăm tên cướp của hắn có đủ mặt trên tàu Easterling cũng không việc gì phải ngăn trở thuyền trưởng Blood ra khơi cả. Hắn đã định thử cướp "Cinco Llagas" trong hải phận Tortuga bằng gian kế rồi, nhưng ngay cả với sự ngang ngược trắng trợn, hắn cũng phải chịu bỏ ý nghĩ cưỡng đoạt công khai con tàu ngay trong bến này, hơn nữa, hình như thống đốc d'Ogeron có vẻ có cảm tình với Blood cùng các bạn tù trốn của chàng.
Ngoài khơi mọi việc sẽ khác, xong xuôi đâu đó hắn sẽ bịa ra một câu chuyện ly kỳ về việc bằng cách nào "Cinco Llagas" lại rơi vào tay hắn mà ở Cayona không ai lật tẩy dược hắn.
Thế là Easterling để mặc cho Peter Blood yên ổn rời khỏi bến và thậm chí còn mừng vì cuộc tháo chạy của chàng. Hắn không vội đuổi theo ngay để khỏi lộ ý đồ. Thậm chí hắn còn dềnh dàng chuẩn bị mãi và đến chiều hôm sau mới nhổ neo. Hắn chắc mẩm đã đoán đúng lộ trình Blood sẽ đi, còn ưu thế và tốc độ của "Bonaventura" cho phép hắn hy vọng rằng sẽ đuổi kịp con mồi trước khi Blood kịp đi xa. Tính toán như thế là hoàn toàn có lý. Hắn biết rằng "Cinco Llagas" không có đủ dự trữ cho một chuyến đi dài, vì vậy Blood chưa thể sang thẳng châu Âu được.
Trước hết Blood cần phải bổ sung dự trữ lương thực, nhưng vì chàng không dám vào một bến của Anh hay của Tây Ban Nha nào nên chàng chỉ còn có một cách là thử vận may ở một thuộc địa nào đó của nước Hà Lan trung lập. Mặt khác, không có một hoa tiêu từng trải, chưa chắc chàng đã dám len lỏi đưa tàu qua những dải đá ngầm nguy hiểm của quần đảo Bahamas. Vì vậy chả khó gì mà không đoán được rằng Blood sẽ đi phía quần đảo Dưới Gió để ghé vào Saint Martin, Saba hay Saint Eustacia. Thế là, tin chắc rằng sẽ đuổi kịp Blood trước khi chàng kịp đến bến gần nhất trong các thuộc địa Hà Lan nằm cách Tortuga khoảng năm trăm hải lý ấy, Easterling đưa tàu về phía Đông, dọc theo bờ bắc xứ Hispaniola.
Thế nhưng mọi việc không phải suôn sẻ như tên cướp biển toan tính. Gió mới đầu thì thuận, nhưng đến chiều lại chuyển gió Đông rồi qua đêm đã mạnh lên đến mức rạng sáng hôm sau - một buổi mai ráng đỏ đáng sợ hắt lên những tảng mây giăng - "Bonaventura" không những không tiến thêm được mà còn bị thổi dạt khỏi hướng đi mất mấy dặm. Đến gần trưa lại chuyển gió, bây giờ thì gió bắc, càng mạnh hơn trước bội phần. Bão tố cuồn cuộn nổi lên trên biển Caribe và ròng rã một ngày trời "Bonaventura" quay cuồng trong những cơn gió giật phải hạ hết buồm và đóng kín các cửa khoang, còn những cơn sóng dữ thì từ phía sau chồm đến hắt con tàu từ đỉnh sóng này sang đỉnh sóng khác như cái nút chai.
Tuy vậy, Easterling không những chỉ là một chiến binh lì lợm mà còn là một thủy thủ lão luyện. Nhờ tài cầm lái của hắn mà "Bonaventura" không hề hấn gì lắm, rồi khi cơn bão vừa dịu đi và nhờ gió Tây Nam ổn định, chiếc "Bonaventura" lại giương hết buồm lao như bay trên mặt sóng vẫn còn khá mạnh sau cơn bão, đuổi theo con mồi.
Easterling khích lệ đồng bọn, nhắc chúng nhớ rằng cơn bão đã giữ chân bọn hắn, chắc chắn cũng giữ chân cả "Cinco Llagas" nữa, còn nếu lưu ý rằng đội thủy thủ của chiếc tàu vốn của Tây Ban Nữa kia chẳng có kinh nghiệm đi biển gì cả thì có lẽ phải nói cơn bão đã tiếp tay cho "Bonaventura" mới đúng. Cơn bão đã sửa soạn cho chúng cái gì thì sáng hôm sau chúng biết ngay. Vừa ngoặt qua mũi Engaño, chúng liền trông thấy một chiếc galleon mà vì ở xa nên lại tưởng là "Cinco Llagas". Nhưng chẳng mấy chốc chúng đã hiểu ra rằng đó là một tàu khác. Chắc chắn đó là tàu Tây Ban Nha không chỉ vì kích thước đồ sộ của nó mà còn vì nó mang cờ Castile phấp phới trên giằng ngang cột buồm giữa nữa. Tất cả buồm giữa đều được cuốn bớt, chỉ để nguyên cái buồm mũi và buồm chót mũi, chiếc galleon vụng về đi ngang gió về phía eo Monna.
Trông thấy chiếc tàu bị bão đánh hư hại, Easterling liền hành động giống như một con chó săn vừa thoáng thấy bóng con hươu. "Cinco Llagas" liền được tạm dẹp sang bên. Ngay trước mặt có con mồi ngon ăn hơn nhiều cơ mà.
Cúi người qua lan can boong sau, Easterling vội vàng ra các mệnh lệnh. Trong chớp mắt tất cả những thứ không cần thiết trên mặt boong đã được dọn sạch và một tấm lưới được chăng suốt từ mũi đến lái để đề phòng trong trận đánh sắp tới, một viên đạn nào đó đập gãy cái xà giằng. Chard, tay thuyền phó thấp lùn to ngang của Easterling, tuy đần độn nhưng điều khiển tàu rất khá cũng như dụng gươm cận chiến vào loại tuyệt luân, liền đứng vào tay lái. Bọn pháo thủ về hết vị trí, mở các nắp chì che lỗ dẫn hỏa, tay lăm lăm bùi nhùi chờ lệnh. Bọn lâu la của Easterling lúc thường dù phá phách và vô kỷ luật đến đâu nhưng khi lâm trận chúng đều chấp hành mệnh lệnh hết sức nghiêm túc.
Tên thuyền trưởng của chúng đứng trên boong thượng chăm chú nhìn chiếc tàu Tây Ban Nha mà chúng đã nhanh chóng đuổi kịp và khinh bỉ theo dõi cảnh nhốn nháo bên ấy. Con mắt sành sỏi của hắn đã biết ngay chiếc galleon kia bị làm sao rồi nên hắn ồm ồm thông báo kết luận của mình cho gã thuyền phó đang đứng lái biết:
- Bọn này đang trên đường về Tây Ban Nha thì gặp bão. Cột buồm giữa sắp gãy, có khi còn bị thêm những hư hại gì đó nữa nên bây giờ chắc phải quay lại Santo Domingo vá víu tạm đã. - Easterling khoái chí cười hềnh hệch, tay vuốt bộ râu đen rậm rì, cặp mắt đen ngạo mạn của hắn lóe lên trên bộ mặt đỏ tía. - Thằng Tây Ban Nha nào mà vội về nhà đều rủng rỉnh cả đấy, Chard. Món này ngon ăn đây. Mẹ kiếp, cuối cùng thì mình cũng gặp may chứ.
Quả là hắn gặp may thật. Từ lâu hắn đã cáu tiết vì cái xà lúp "Bonaventura" của hắn không đủ mạnh để mà đánh cướp một món gì đó thực sự đáng giá trên biển Caribe, chính vì vậy nên hắn mới cố sống cố chết chiếm cho được "Cinco Llagas". Nhưng một chiếc galleon trang bị hoàn hảo thì không đời nào hắn dám đụng vào nếu như những hư hại không làm chiếc tàu Tây Ban Nha kia giảm khả năng vận động và pháo kích.
Chiếc galleon nổ súng trước bằng dãy pháo mạn trái và như vậy là tự tay ký bản án tử hình của mình. "Bonaventura" quay mũi về phía nó thu hẹp mục tiêu nên không bị hư hại gì đáng kể trừ một lỗ thủng ở khoang ngủ. Easterling đáp lại bằng một loạt pháo mũi, nhằm thẳng mặt boong chiếc tàu Tây Ban Nha. Sau đó, "Bonaventura" lại khéo léo đoán trước ý đồ đổi hướng của chiếc tàu galleon và tiếp cận mạn trái của nó lúc nó vừa bắn xong chưa kịp nạp đạn lại. Tiếng va nhau răng rắc, tiếng mạn thúc nhau đánh rầm, buồm dây giằng kéo nhau loạt xoạt, xà ngang, giằng buồm rơi huỳnh huỵch xen lẫn tiếng móc bấu bầm bập, côm cốp vào mạn chiếc tàu Tây Ban Nha. Thế rồi hai chiếc tàu bị móc cứng vào nhau trôi vật vờ theo gió, bọn cướp biển theo lệnh tên hộ pháp Easterling nổ một loạt súng trường và ào sang boong chiếc galleon như kiến cỏ. Cả thảy gần hai trăm đứa - toàn những tên cường đạo mặc quần da rộng thùng thình, vài đứa mặc áo, còn hầu hết là cởi trần trùng trục phơi nước da đen cháy, gân bắp cuồn cuộn trông càng dữ dằn tợn.
Đối thủ của chúng vẻn vẹn có năm chục tên Tây Ban Nha mặc áo giáp da, đầu trùm mũ sắt, đứng sắp hàng trên boong giữa như chuẩn bị duyệt binh. Bọn Tây Ban Nha bình thản nâng súng lên ngắm, đợi lệnh của viên sĩ quan mũi diều hâu đội mũ đính ngù lông phấp phới.
Viên sĩ quan hạ lệnh, loạt súng trường đã ngăn được bọn cướp trong chốc lát. Nhưng ngay sau đó đợt sóng hải tặc đã tràn qua hàng lính Tây Ban Nha chiếm gọn chiếc galleon "Santa Barbara".
Ở vùng biển này, thời đó, có lẽ khó tìm được người nào tàn bạo bằng Easterling, và bọn thủ hạ của hắn cố sức noi theo chủ tướng. Chúng điềm nhiên giết sạch tốp lính Tây Ban Nha quăng xác xuống nước, rồi lại điềm nhiên như thế xuống boong pháo thanh toán nốt bọn pháo thủ mặc dù bọn này đã đầu hàng không hề chống cự, mong giữ được mạng sống.
Mười phút sau khi chiếc galleon "Santa Barbara" bị áp mạn, thủy thủ đoàn chỉ còn sống sót có viên thuyền trưởng là Don Ildefonso De Paiva đã bị Easterling đánh một báng súng ngắn ngất xỉu, viên hoa tiêu và bốn thủy thủ đang ở trên cột buồm lúc trận giáp lá cà diễn ra. Tính rằng họ có thể có ích cho mình, Easterling quyết định tha chết cho sáu người này.
Trong khi bọn lâu la đang chuyền trên các thanh giằng buồm để gỡ các thứ bị rối vào nhau ra và sửa chữa qua quýt những chỗ hư hỏng, Easterling bèn hỏi cung thuyền trưởng Don Ildefonso trước khi tiến hành khám xét con tàu vừa cướp được.
Anh chàng Tây Ban Nha tái xanh tái xám, trán còn sưng u một cục vì bị báng súng ngắn giáng vào, ngồi trên một cái rương trong gian buồng rộng rãi đẹp đẽ và tuy còn bị trói nhưng vẫn cố giữ vẻ cao ngạo xứng đáng với một đức ông Castile trước mặt tên cướp biển láo xược. Nhưng Easterling đe sẽ cạy răng anh ta bằng được nhờ một phương pháp hết sức giản đơn là tra tấn, sau đó hiểu rằng có chống cự cũng vô ích, Don Ildefonso đành phải hậm hực trả lời những câu hỏi của tên cướp biển. Nhưng câu trả lời cũng như việc khám xét con tàu sau đó đã cho Easterling thấy rằng giá trị của món của cải cướp được thật vượt xa những mơ ước táo bạo nhất của hắn.
Sau một thời gian dài không biết thế nào là may mắn, tên cướp biển này đã vớ được một kho báu mà từ thời Francis Drake đến giờ mọi hảo hán giang hồ từng mơ ước. Galleon "Santa Barbara" rời Porto Bello, chở theo số vàng bạc được đưa từ Panama ra theo các lạch biển.
Chiếc tàu này rời cảng trong đội hình có ba chiến thuyền đi hộ tống và định ghé vào Santo Domingo  để bổ sung dự trữ lương thực trước khi lên đường về Tây Ban Nha. Nhưng cơn bão vừa tràn qua biển Caribe đã đánh chiếc galleon ra khỏi đoàn hộ tống và đẩy nó vào eo Monna với cây cột buồm giữa bị nứt toác. Hiện nó đang quay lại Santo Domingo, hy vọng lại gặp đoàn hộ tống ở đó hoặc chờ nhập vào một đoàn tàu khác để về Tây ban Nha.
Khi con mắt ngầu máu tham lam của Easterling nhìn thấy những thỏi vàng trong hầm tàu “Santa Barbara” hắn ước chừng chỗ báu vật này vào khoảng hai triệu đến hai triệu rưỡi real. Một món bở như vậy cả đời cướp biển may lắm mới vớ được một lần. Thế là từ nay hắn với bọn lâu la phất to rồi.
Nhưng càng lắm của càng sinh lo nên lúc này Easterling chỉ nghĩ có mỗi một điều là làm sao đưa số của cải cướp được về Tortuga cho chắc.
Hắn đưa một toán bốn mươi tên sang tiếp quản chiếc galleon, và vì không đủ sức rời đống của, hắn đích thân sang luôn bên đó. Sửa chữa qua loa những hư hại, cả hai tàu quay mũi trở về. Chúng đi rất chậm vì bị ngược gió, hơn nữa chiếc galleon lại cứ bò lết ra đường, và mãi xế chiều chúng mới lại trông thấy mũi Rafael ở hướng chính ngang. Đi sát bờ xứ Hispaniola như thế Easterling đâm lo, rồi khi hắn đã sắp sửa quay mũi ra khơi thì từ chóp cột buồm có tiếng hò hét và chẳng mấy chốc cả bọn đã trông thấy cái điều khiến tên trực canh cực kỳ khoái chí.
Cách chúng chưa đầy hai dặm, một con tàu đồ sộ đỏ rực vòng qua mũi Rafael và giương hết buồm lao thẳng về phía chúng. Không dám tin ở mắt mình, Easterling vơ vội lấy ống nhòm. Không còn nghi ngờ gì nữa tuy hết sức khó tin: trước mắt hắn chính là "Cinco Llagas" - con tàu hắn đang truy lùng mà có lẽ trong lúc vội vàng hắn đã vượt lên trước.
Thực ra thì "Cinco Llagas" bị mắc bão ở gần Samana nên anh chàng lái tàu Jeremy Pitt đành phải vòng qua mũi đất vào chỗ an toàn để trú tạm cho qua cơn bão rồi sau đó mới đi tiếp.
Easterling không thèm đoán xem vì cớ gì "Cinco Llagas" lại xuất hiện ở đây một cách đột ngột như vậy mà chỉ coi đó là một dấu hiệu nữa cho thấy vận may trước nay vẫn ghét bỏ hắn, bây giờ mới quyết định đền bù đến nơi đến chốn. Bởi lẽ nếu chiếm được con tàu đỏ thắm vững chãi kia và chuyển chỗ của cải ở tàu "Santa Barbara" sang thì hắn lên đường về ngay Tortuga mà chẳng phải lo ngại gì.
Tấn công một con tàu vũ trang rất tốt nhưng chẳng có mấy mống kia thì dĩ nhiên khôn ngoan hơn cả là xông vào áp mạn. Thuyền trưởng Easterling cho rằng chiếc "Bonaventura"chạy nhanh và xoay sở linh hoạt hơn sẽ làm được chẳng khó nhọc gì, hơn nữa hắn tự coi mình là một thủy thủ lão luyện còn đối thủ thì chỉ là một gã ấm ớ chẳng biết gì về nghề biển, một tay lang băm hạng bét.
Vì vậy nên Easterling liền đánh tín hiệu thông báo cho Chard biết ý định của mình, và đang nóng lòng muốn tính sổ với kẻ đã một lần chơi tay trên với cả bọn hắn rồi chuồn mất, để cho cả lũ ngồi trơ mắt ếch, Chard vội vàng ngoặt gấp và ra lệnh cho thủ hạ chuẩn bị chiến đấu.
Bên kia Pitt cũng gọi thuyền trưởng Blood dưới buồng lên. Chàng leo lên boong thượng và qua ống nhòm theo dõi quang cảnh chuẩn bị hối hả trên chiếc tàu của ông bạn cũ - chiếc “Bonaventura”. Chàng thấy ngay ý định của chúng. Quả thật chàng đã từng là bác sĩ trên tàu nhưng hoàn toàn không phải là một gã ấm ớ chẳng biết gì như Easterling tưởng lầm. Đời quân ngũ của chàng trong hạm đội của De Ruyter những năm tuổi trẻ sôi động khi chàng không mấy chuyên tâm với nghề thuốc kia đã giúp chàng học được chiến thuật hải chiến một cách cực kỳ cơ bản mà Easterling còn lâu mới hiểu được. Cả bây giờ chàng vẫn bình tĩnh như không. Chàng sẽ cho bọn cướp biển kia biết rằng những bài học do vị thủy soái xuất chúng truyền lại đã không bị bỏ uổng.
Nếu "Bonaventura" tính chiếm thượng phong bằng cách áp sát lại gần để áp mạn thì "Cinco Llagas" phải trông chờ tất cả vào những khẩu pháo của mình. Vì trong tay chỉ có vẻn vẹn hai chục người Blood không thể hy vọng chơi ngang với một địch thủ mà theo tính toán của chàng có số lượng đông gấp mười lần. Vì vậy chàng ra lệnh cho Pitt cố đưa tàu đi gần về hướng gió để rồi sau đó giữ cho nó đối diện với mạn "Bonaventura". Chàng phái ngay cựu pháo thủ Hải quân Hoàng gia Ogle xuống boong pháo, cắt anh ta chỉ huy toàn đội thủy thủ trừ sáu người làm nhiệm vụ điều khiển buồm.
Chard tiên đoán ra ngay ý định của chàng và rít lên chửi. Gió sẽ tiếp tay cho Blood chiếm lĩnh vị trí. Hơn nữa Chard lại không được tự do hành động. Vì hắn muốn chiếm được "Cinco Llagas" nguyên vẹn không sứt mẻ nên không thể bắn pháo trước khi xông vào áp mạn được. Mặt khác hắn còn hiểu rất rõ nếu bên "Cinco Llagas" người ta biết sử dụng đúng cách những khẩu pháo lớn tầm xa của họ thì sẽ nguy hiểm cho "Bonaventura" thế nào. Mà xem cung cách này thì dù kẻ đang chỉ huy con tàu kia là ai cũng không thể nói người đó kém tài năng và thiếu quả đoán được.
Trong lúc đó khoảng cách giữa hai tàu nhanh chóng rút ngắn và Chard hiểu rằng hắn phải xử trí ngay, nếu không "Cinco Llagas" sẽ chiếm được vị trí khai hỏa vào mạn phải tàu hắn mất. Hắn không thể giữ tàu về gần hướng gió hơn được nên đành phải ngoặt sang hướng Đông Nam, định vận động theo một đường tròn rộng và tiếp cận "Cinco Llagas" từ hướng trên gió.
Đứng trên boong tàu "Santa Barbara" Easterling theo dõi những đường vận động ấy, không hiểu đầu cua tai nheo ra sao, luôn mồm gọi Chard là thằng ngu. Hắn càng chửi rủa tên kia bằng những lời khủng khiếp hơn khi thấy "Cinco Llagas" bất ngờ ngoặt trái như muốn bám đuôi "Bonaventura". Nhưng Chard thì hài lòng với thủ pháp này và liền thả buồm để mặc địch thủ đến gần. Sau đó "Bonaventura" lại căng buồm theo hướng gió chéo mũi lao tới trước định vẽ thành đường tròn như dự tính.
Blood đoán ra ý đồ của hắn và cũng thả buồm và chiếm ngay vị trí chờ "Bonaventura" vòng lên hướng bắc là nó chìa mạn cho chàng ngay đúng tầm pháo lớn của "Cinco Llagas". Để tránh được điều đó Chard lại buộc phải quay tàu xuống phía Nam.
Easterling theo dõi hai đối thủ quần nhau, kéo tàu hắn đi mỗi lúc một xa và đùng đùng nổi giận, dậm chân kêu trời chửi đất. Hắn không tài nào tin được mắt mình: Chard mà lại phải chạy cái tay ẩm ương kia mới lạ! Nhưng Chard không định chạy. Hắn tỏ ra hết sức bình tĩnh và tự chủ chờ cơ hội để lao vào áp mạn. Còn Blood cũng tỏ ra bình tĩnh và gan lì không kém, kiên quyết không để hắn có cơ hội ấy.
Vì vậy kết quả trận đấu sẽ được quyết định bởi cái sai lầm mà một trong hai đối thủ phạm phải. Kẻ phạm sai lầm đó chính là Chard. Chỉ lo sao không chìa mạn ra đúng tầm pháo mạn của chàng, hắn quên bẵng mất những khẩu pháo mũi của chiếc tàu chiến ba cột buồm và trong khi vận động đã đặt tàu mình vào tầm của chúng. Hắn hiểu ra sai lầm của mình đúng vào lúc hai khẩu pháo bất thần gầm lên sau lưng và những viên đạn xuyên thủng buồm của hắn. Cái đó đã làm Chard điên tiết và vì đang điên nên hắn ra lệnh bắn trả một loạt pháo đuôi. Nhưng những khẩu này lại quá nhỏ nên bắn không tới. Thế là quá giận mất khôn, Chard quay tàu "Bonaventura" nằm ngang ra để bắn dọc thân tàu địch, xé rách buồm nó. Được thế thì hắn sẽ nắm chắc phần thắng bởi vì một khi đã bị mất cơ động, "Cinco Llagas" sẽ lọt vào kế áp mạn của hắn. Tuy nhiên, phần vì sóng lớn, phần vì quá xa, ý đồ của hắn đã thất bại, loạt pháo bắn vào khoảng trống chỉ để lại một màn khói giữa hắn và tàu "Cinco Llagas". Blood lập tức xoay tàu và nổ một loạt hai chục khẩu pháo mạn trái của mình vào làn khói kia, hy vọng sát thương được bên mạn đã không còn gì che chở của "Bonaventura". Đòn này của chàng không đưa lại kết quả gì, song nó đã cho Chard thấy hắn đang phải đối đầu với ai và hiểu ra rằng với kẻ địch thế này không thể đùa được. Tuy thế Chard vẫn cố đấm ăn xôi thêm lần nữa và lại tìm cách tiếp cận, tính rằng màn khói đang lơ lửng kia sẽ che mắt địch thủ và hắn sẽ kịp đánh phủ đầu "Cinco Llagas". Nhưng muốn thi thố được thủ đoạn ấy cần quá nhiều thời gian. Khi "Bonaventura" chuyển hướng xong thì màn khói đã gần tan hết, Blood kịp đoán ra ý đồ của Chard và "Cinco Llagas" lại nhờ gió mạnh bây giờ mà cắt sóng nhanh gấp đôi "Bonaventura " lúc đó đang bị ngược gió.
Chard lại ngoặt gấp và lao tới đón đầu địch thủ từ hướng trên gió. Nhưng Blood sau khi đã bỏ xa được hắn khoảng một dặm có đủ thời gian để quay tàu và chờ lúc thuận tiện sẽ tung hỏa lực mạn phải của mình ra. Chard lại phải ngoặt xuống hướng Nam để tránh, chỉ chìa đuôi về phía họng pháo của Blood.
Rốt cuộc hai tàu dần dần tách xa hẳn chiếc "Santa Barbara", bỏ mặc Easterling tha hồ gầm thét trên đó, cuối cùng nó chỉ còn là một chấm nhỏ ở chân trời phía Bắc, thế mà hai tàu vẫn chưa thực sự giao chiến.
Chard chửi gió vào hùa với thuyền trưởng Blood, nguyền rủa Blood khéo sử dụng lợi thế. Tay lang băm ấm ớ kia xem ra nắm rất vững diễn biến trận đánh và với sự sắc sảo gần như siêu nhiên đã tìm ra đối sách cho mỗi thủ đoạn của kẻ thù. Thỉnh thoảng hai bên lại bắn nhau vài loạt pháo mũi hay pháo đuôi, nhằm lên cao gây thiệt hại cho buồm của đối thủ, nhưng khoảng cách quá xa nên những loạt đạn đó đã không đưa lại kết quả gì.
Peter Blood đứng tì vào lan can trên boong thượng trong bộ áo giáp tuyệt đẹp và mũ sắt bằng thép Damas đen trũi trước đây của viên thuyền trưởng tàu "Cinco Llagas" người Tây Ban Nha. Chàng đang vừa mệt mỏi vừa lo. Hagthorpe đứng bên chàng cũng trong bộ võ phục như vậy. Lão Wolverstone không kiếm đâu ra một bộ áo giáp vừa khổ người, và Pitt đang đứng bên tay lái. Tất cả đều nhận thấy vẻ lo âu trong giọng nói khi chàng lại lên tiếng hỏi họ:
- Cái trò đuổi bắt này không biết còn kéo dài đến bao lâu đây? Và dù nó có kéo dài đến đâu cái kết cục vẫn chỉ là một. Sớm hay muộn gió hoặc sẽ yếu ớt hoặc sẽ đổi chiều, hoặc cuối cùng ta sẽ kiệt sức và trong bất kỳ trường hợp nào ta cũng sẽ rơi vào tay thằng khốn kia thôi.
- Nhưng biết đâu lại còn những chuyện bất ngờ, - anh chàng Pitt non trẻ nói.
- Phải, đúng thế, cảm ơn cậu đã nhắc tôi nhớ chuyện đó, Jerry. Thế thì ta cứ đặt hy vọng vào một chuyện bất ngờ nào đó, nhưng thực tình tôi chưa hình dung nổi chuyện bất ngờ kia nảy ra từ đâu.
Nhưng cái bất ngờ ấy đã đến gần và thậm chí đến rất chóng vánh nhưng chỉ một mình Blood biết và chỉ biết khi nó đã đến rồi. Giữ mãi hướng Tây họ đã đến gần bờ, đúng lúc ấy từ sau mũi Espada, cách họ chưa đến một dặm, bỗng xuất hiện một con tàu đồ sộ trang bị toàn pháo hạng nặng đang đi ngược gió, tất cả hai mươi cửa pháo mạn trái mở toang. Trên đỉnh cột buồm của nó phấp phới một lá cờ Castile. Nhác trông thấy một kẻ tử thù nữa Wolverstone bật lên chửi đổng nhưng nghe cứ như tiếng than thở.
- Cái kết thúc đã đến nơi rồi kìa. - lão thốt lên.
- Còn tôi thì nghĩ rằng đó mới là khởi đầu thì đúng hơn - Blood đáp lại, giọng chàng mới đây mệt mỏi âu sầu là thế bây giờ lại nghe có pha thêm tiếng cười. Chàng nhanh chóng ra một mệnh lệnh cho thấy rõ chàng đang có ý định gì. - Nào, kéo cờ Tây Ban Nha lên và bảo Ogle lúc tàu bắt đầu chuyển hướng thì bắn cho "Bonaventura" một loạt pháo mũi.
Pitt đè lái và trong tiếng dây nhợ căng bần bật, tiếng ròng rọc rít ken két, "Cinco Llagas" từ từ quay mũi, trên cột buồm lái phấp phới trong gió lá cờ Castile màu vàng đỏ. Chớp mắt sau hai khẩu pháo trên mũi gầm lên, tuy không trúng mục tiêu nhưng lại đạt được mục đích khác. Loạt súng này đã cho chiếc tàu Tây Ban Nha thấy rằng đây là một chiếc tàu Tây Ban Nha đang giao chiến với một tàu cướp biển Anh.
Sau đây chắc chắn còn phải bịa ra lý do gì đó để giải thích nhất là nếu bọn Tây Ban Nha đã được biết về chuyện xảy ra với "Cinco Llagas". Tuy nhiên có giải thích gì thì phải để hỏi tội "Bonaventura" xong đã, mà bây giờ Blood chỉ lo có mỗi một chuyện ấy thôi.
Trong lúc đó chiếc tàu tuần duyên Tây Ban Nha từ cảng Santo Domingo đang đi tuần tiễu thì nghe trên biển có tiếng pháo. Nó vòng qua mũi Espada và đã hành động một cách đúng đắn. Không cần thấy cờ, ngay hình dáng và trang bị của "Cinco Llagas" đã cho thấy rõ nó là tàu Tây Ban Nha, mặt khác cũng rõ là nó đang giao chiến với một chiếc tàu Anh. Chiếc tàu Tây Ban Nha không chút chần chừ nhảy ngay vào cuộc, nã luôn một loạt pháo mạn vào "Bonaventura" đúng vào lúc Chard đang quay mũi để tránh cái hiểm họa không biết từ đâu lù lù xuất hiện ấy.
Khi chiếc xà lúp rung lên trong tiếng va đập từ đằng mũi đến đằng lái và đoạn xà mũi gãy nát quấn trong đám dây nhợ rối tung, Chard chợt nổi khùng. Hắn điên cuồng ra lệnh bắn trả, gây cho chiếc tàu Tây Ban Nha ít nhiều thiệt hại nhưng không làm giảm được sức cơ động của nó. Chiếc tàu Tây Ban Nha say đòn liền quay lại nã pháo mạn phải vào chiếc xà lúp. Chard, lúc ấy điên quá không còn biết trời đất gì nữa, cũng xoay tàu để trả đòn hoặc thậm chí còn ra đòn trước.
Và mãi đến khi đã thực hiện xong đường vận động đó hắn mới chợt hiểu ra rằng hắn đã chìa bên mạn đã bắn hết đạn không còn gì chống đỡ ra cho "Cinco Llagas" mặc sức tấn công. Vì đã thấy được cơ hội thuận lợi đó, Blood lập tức xoay mạn sang chiếc xà lúp và nổ một loạt trọng pháo. Loạt súng từ cự ly khá gần này đã quét sạch mặt boong "Bonaventura", đập vụn các cửa mạn trên mớn nước và một viên đạn may mắn đã xuyên thủng mũi chiếc xà lúp ngay sát vạch mớn nước và sóng bắt đầu trùm lên lỗ thủng.
Chard hiểu rằng số phận hắn đã được định đoạt. Cơn giận âm ỉ trong lòng càng trở nên nhức nhối khi hắn hiểu ra nguyên nhân của tai họa này chỉ là một tiểu tiết chẳng đáng gì. Hắn trông thấy lá cờ Tây Ban Nha phần phật trên cột buồm tàu "Cinco Llagas" và cười gằn trong cơn giận dữ bất lực.
Nhưng trong đầu hắn lại nảy ra một ý đồ tuyệt vọng. Hắn bèn hạ cờ tỏ ý xin hàng. Chard tính liều rằng vì không biết hắn có bao nhiêu người chiếc tàu Tây Ban Nha sẽ đến cập mạn để sang tiếp quản và nếu hắn đánh bất ngờ thì hắn sẽ làm chủ được tình thế. Chiếm được một con tàu như vậy, hắn sẽ thoát nước bí một cách may mắn và vinh quang.
Tuy nhiên thuyền trưởng Blood đã cảnh giác, tiên liệu được mưu kế ấy và hiểu rằng nếu cứ để Chard giáp mặt viên thuyền trưởng Tây Ban Nha thì bất luận thế nào tình thế của chàng cũng rất hiểm nghèo. Vì vậy, chàng liền cho người đi gọi Ogle và theo lệnh chàng, tay pháo thủ thiện xạ đã tặng "Bonaventura" một viên đạn 12 ký thuốc nổ trúng ngay vạch mớn nước ở phần giữa chiếc xà lúp để nước vào mạnh hơn. Viên thuyền trưởng chiếc tàu tuần duyên Tây Ban Nha chắc sẽ lấy làm lạ thấy người đồng hương của mình còn bắn vào chiếc tàu đã đầu hàng, tuy nhiên điều đó có lẽ không làm gã ngờ vực gì lắm tuy có hơi bực mình vì đã bỏ mất một con tàu mà đáng ra có thể kéo về tâng công.
Còn Chard thì chẳng lòng dạ đâu mà nghĩ ngợi nữa. "Bonaventura" bị nước vào rất nhanh, muốn cứu được mạng mình và mạng bọn thủ hạ hắn chỉ còn mỗi một cách là đưa tàu lên cạn. Vì vậy, hắn bèn quay tàu hướng về phía bãi cạn dưới mũi Espada, cảm tạ trời đất vì lúc này gió thuận. Nhưng tốc độ con tàu giảm đi trông thấy tuy bọn cướp đã vứt hết pháo xuống biển cho nhẹ. Cuối cùng sống đáy "Bonaventura" đã chạm cát lạo xạo, còn sóng thì đã trùm lên boong và boong giữa lúc ấy vẫn còn nhô lên trên mặt nước cùng những dây lèo lủng lẳng trên đó bọn cướp biển đang cố thoát thân. Trong lúc đó thì chiếc tàu Tây Ban Nha đã thả trôi, buồm buông lỏng vật vờ trong gió, viên thuyền trưởng thì ngạc nhiên thấy cách đấy nửa dặm "Cinco Llagas" đã quay mũi lên hướng Bắc và đang mỗi lúc một xa dần. Thuyền trưởng Blood hỏi Pitt xem những kiến thức hàng hải của anh ta có bao gồm cả các tín hiệu của Tây Ban Nha không, nếu có thì anh ta có thể hiểu ý nghĩa của những lá cờ vừa được kéo lên trên chiếc tàu tuần duyên kia không. Gã lái tàu thú thực là không biết và tỏ ra lo lắng không biết có phải họ tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa không.
- Ô hay, sao cậu lại thiếu lòng tin ở nữ thần vận may thế? -Blood đáp. - Chúng ta chỉ cần thả cờ chào để chứng tỏ rằng ta đang đi vội là đủ. Nhìn bề ngoài thì bọn mình đúng là người Tây Ban Nha rồi. Trong bộ cánh này thì có nhìn bằng ống nhòm cũng không thể nào phân biệt tôi và Hagthorpe với dân Castile chính cống được. Mà quả thật đã đến lúc ta phải lại xem công việc của gã Easterling cáo già kia ra sao rồi. Tôi thấy bây giờ đúng là lúc nên tìm hiểu hắn kỹ hơn xem.
Chiếc tàu tuần duyên tuy sửng sốt vì chiếc tàu ba buồm mà nó vừa trợ chiến đã bỏ đi không một lời từ biệt, nhưng cũng không thể nghi ngờ gì được. Thế rồi cho rằng chiếc tàu này đang cần phải đi đâu đó gấp lắm, viên thuyền trưởng tuần duyên cũng vội vàng trở vào tóm cổ bọn cướp biển trên tàu "Bonaventura", nên không ngăn cản gì "Cinco Llagas" cả.
Thế là hai giờ sau, thuyền trưởng Easterling lúc bấy giờ đang sốt ruột đợi Chard ở vùng biển gần bờ giữa mũi Rafael và mũi Engaño bỗng vừa ngạc nhiên vừa kinh hoàng trông thấy con tàu đỏ thắm của Peter Blood đang vùn vụt lao về phía hắn. Nãy giờ, hắn vẫn lắng nghe tiếng súng xa xa, vừa chăm chú vừa hồi hộp, tuy vậy lúc dứt tiếng súng hắn đã kết luận rằng "Cinco Llagas" đã bị bắt. Còn bây giờ, khi trông thấy chiếc tàu ba buồm kia nguyên vẹn, không sứt mẻ tí nào, băng băng cắt sóng phóng đến, hắn không dám tin ở mắt mình nữa. Có chuyện gì với Chard thế không biết? "Bonaventura" chẳng thấy bóng dáng đâu cả. Chẳng lẽ Chard lại phạm một sai lầm chết người nào đó để cho cái tên lang băm kia bắn chìm mất rồi ư?
Tuy nhiên, những ý nghĩ khác còn khó chịu hơn nhiều đang choán hết những lo ngại kia. Cái thằng đốc tờ tù tội khốn kiếp kia đang mưu tính điều gì thế nhỉ? Giá Easterling có thế xáp lại áp mạn thì hắn chẳng lo gì hết bởi lẽ ngay toán tiếp quản tàu "Santa Barbara" của hắn cũng đông gấp đôi đội tàu của Blood rồi. Nhưng làm thế nào mà đưa được cái galleon què dở vào áp mạn tàu "Cinco Llagas" nếu Blood ngăn chặn đây? Còn một khi đã thanh toán xong "Bonaventura", nếu Blood có ác ý gì thì "Santa Barbara" sẽ là miếng mồi ngon cho những khẩu pháo trên tàu "Cinco Llagas" thôi.
Những ý nghĩ khá nặng nề ấy đã khiến Easterling phát rồ lên khi nhớ đến chỗ của cải đang chất trong hầm tàu. Té ra vận may không định ưu ái hắn mà chẳng qua chỉ đùa cợt hắn chơi, để hắn chiếm được cái mà hắn không có cách nào giữ nổi.
Thêm nữa, đúng lúc ấy thì toán tiếp quản lại làm loạn. Một đứa tên Gunning, cũng to xác và ác độc chẳng kém gì Easterling, kích động đám cướp. Bọn này điên cuồng chửi rủa tên đầu lĩnh quá tham lam để đến nỗi khốn khổ thế này. Nguy cơ mất mạng hay bị bắt làm tù binh càng thêm cay đắng khi hắn nhớ lại đống của mới cướp được một cách ngon lành kia. "Easterling không có quyền liều lĩnh - bọn cướp la ó - hắn phải giữ "Bonaventura" để hộ tống chứ sao lại tham lam muốn vơ cả "Cinco Llagas" chẳng chở cái gì". Bọn lâu la mắng nhiếc sỉ vả tên đầu lĩnh thậm tệ. Biết bọn kia có lý, hắn chỉ còn biết chửi lại. Trong khi bọn cướp đang lời qua tiếng lại với nhau thì "Cinco Llagas" đã đến gần lắm rồi. Một tên thủ hạ báo rằng chiếc tàu ba buồm vừa kéo lên những tín hiệu gì đó. Đó là một mệnh lệnh: thuyền trưởng "Santa Barbara" phải sang ngay "Cinco Llagas".
Easterling sợ quá, mặt hắn đang đỏ bừng bừng bỗng nhợt hẳn ra, môi tím lại. Hắn lầm bầm cầu cho ma quỷ ở đâu đến bắt ngay cái tên lang băm Blood kia đi. Nhưng bọn cướp biển lại hứa hẹn rằng nếu Easterling không tuân lệnh sang ngay lập tức thì chúng sẽ cho chính hắn đi chầu ma quỷ.
 Gunning bảo tên đầu lĩnh rằng Blood không thể biết "Santa Barbara" đang chở gì, vì vậy vẫn có hy vọng tên tù khổ sai kia chịu nghe tán tỉnh mà cho phép chiếc galleon đi thoát.
Một khẩu pháo bên "Cinco Llagas" gầm lên, viên đạn xé gió bay vụt qua mũi tàu, đó là một phát đạn cảnh cáo. Và chỉ cần thế là đủ. Gunning đẩy tên lái tàu ra, đứng thay vào sau tay lái và cho tàu thả trôi chứng tỏ chịu tuân lệnh. Sau đó bọn cướp thả xuồng, sáu tay chèo nhảy xuống, sau đó Gunning rút súng bắt tên đầu lĩnh phải nhảy theo.
Vài phút sau, khi Easterling đã leo lên boong giữa của "Cinco Llagas" thì trong mắt hắn là cảnh địa ngục, còn trong bụng lại đầy hãi hùng. Bước đến đón hắn chính là tên lang băm đáng bỉ, cao dong dỏng trong bộ giáp phục và mũ sắt Tây Ban Nha. Sau lưng chàng là Hagthorpe cộng thêm sáu người nữa. Trên môi Blood thoáng điểm một nét cười giễu cợt.
- Rốt cuộc thì ông cũng được đặt chân lên tàu "Cinco Llagas" như ông hằng mong ước rồi đấy, thuyền trưởng Easterling.
Đáp lại câu nói móc ấy tên trùm cướp chỉ biết tức tối hậm hực trong mồm. Hai nắm đấm to tướng của hắn hết nắm vào lại duỗi ra như thể đang nóng lòng muốn tóm cổ tên Ai-len dám nhạo báng mình. Thuyền trưởng Blood nói tiếp:
- Chớ bao giờ dòm dỏ những thứ răng mình không nhá được, ông thuyền trưởng ạ. Ông không phải là người đầu tiên phải ngậm đắng nuốt cay mà chịu trắng tay đâu. Cái xà lúp "Bonaventura" của ông là một con tàu tốt và chạy nhanh, tưởng ông đã phải hài lòng với nó rồi chứ. Rất tiếc là từ nay nó không còn tung tăng đi lại được nữa bởi lẽ nó đã chìm hay đúng hơn là sẽ chìm khi nước thủy triều lên. - Bỗng chàng giật giọng hỏi: - Ông có bao nhiêu người?
Chàng phải hỏi lại một lần nữa Easterling mới gượng gạo nói rằng trên tàu có bốn chục người.
- Ông có bao nhiêu xuồng?
- Ba, kể cả đang ở đây.
- Thế thì đủ cho các ông rồi. Hãy lệnh cho người của ông xuống xuồng ngay lập tức nếu các ông còn quý mạng sống. Mười lăm phút nữa tôi sẽ cho bắn chìm chiếc tàu. Tôi buộc phải làm như vậy bởi vì tôi không có đủ người để tiếp quản con tàu, còn nếu để nó sống tức là để mặc ông tiếp tục cướp bóc.
Easterling cố sống cố chết vừa phản đối vừa van nài. Hắn ca cẩm nếu bọn hắn mà lên đất Hispaniola thì không biết sẽ nguy hiểm đến thế nào. Nhưng Blood đã ngắt lời:
- Người ta sẽ đối xử với các ông một cách độ lượng như chưa bao giờ các ông đối xử với những kẻ không may lọt vào tay mình. Tôi khuyên ông nên lợi dụng lòng bất nhẫn của tôi. Nếu lên bờ mà được bọn Tây Ban Nha tha chết thì các ông hãy trở về với nghề săn bắn và muối thịt, như vậy sẽ thích hợp với các ông hơn là đi biển đấy. Bây giờ thì mời ông xéo ngay cho.
Nhưng Easterling vẫn chưa chịu rời tàu. Hắn choãi cặp chân mạnh mẽ, bước chao đảo, tay vẫn hết nắm vào lại duỗi ra. Cuối cùng hắn lên tiếng:
- Ông hãy cho tôi giữ lại con tàu, bao giờ về được Tortuga tôi sẽ trả ông bốn trăm ngàn real Tây Ban Nha. Tôi thấy như vậy có lợi cho ông hơn là xua chúng tôi lên bờ cho bõ tức.
- Đi nhanh lên! - Blood chỉ đáp lại có thế, nhưng giọng chàng đã có vẻ đáng sợ hơn nhiều.
- Tám trăm ngàn! - Easterling gào lên.
- Sao không nói tám trăm triệu cho to? - Blood giả vờ ngạc nhiên hỏi lại. - Hứa dễ bao nhiêu thì nuốt lời càng dễ bấy nhiêu. Giá tôi biết ông quả thực có trong tay tám trăm ngàn real chưa biết chừng tôi cũng tin ông đấy.
Cặp mắt cay cú của Easterling nheo lại. Đôi môi dày mím chặt sau bộ râu đen rậm rì, nhưng rồi chúng cũng hơi nhếch lên thành một nụ cười. Không ăn được thì đạp đổ, hắn sẽ không tiết lộ bí mật ra đâu. Nếu hắn đã không giữ được đống của kia thì mặc xác cho Blood bắn chìm đi vậy.
Ý nghĩ ấy thậm chí còn đem lại cho tên cướp một sự thích thú cay đắng.
- Hy vọng chúng ta còn gặp lại nhau, thuyền trưởng Blood, - hắn vờ vịt lịch sự. - Lúc ấy tôi sẽ kể anh nghe một chuyện, chắc anh sẽ hối tiếc việc anh làm hôm nay.
- Nếu có lúc nào tôi với ông còn gặp lại nhau thì cuộc gặp gỡ ấy chắc sẽ gây ra nhiều hối tiếc đấy. Vĩnh biệt ông, ông thuyền trưởng, xin nhớ cho, ông chỉ có mười lăm phút thôi đấy.
Easterling hằn học cười gằn, nhún vai, đoạn quay phắt đi trèo xuống chiếc xuồng đang bập bềnh trên sóng.
Khi nghe hắn nói lại quyết định của Blood, bọn cướp phát điên lên vì ý nghĩ lại từ bỏ miếng mồi béo bở của mình. Những tiếng hò hét man dại của chúng vọng tận tàu "Cinco Llagas" khiến Blood vì không hiểu đầu cua tai nheo ra sao chỉ mỉm cười khinh bỉ.
Chàng nhìn thấy chúng bỏ xuồng và bỗng ngạc nhiên thấy đám người đang hò hét điên cuồng kia chợt biến đâu mất sạch. Trước khi rời tàu, bọn cướp kéo nhau đâm bổ xuống hầm hàng khuân đi vài thứ trong đống của. Sự chậm trễ ấy đã khiến thuyền trưởng Blood khó chịu.
- Bảo Ogle cho một phát vào mũi tàu đi. Bọn khốn kiếp này phải cho uống nước một trận mới xong.
Tiếng súng gầm lên và viên đạn 11 ký xuyên thủng mạn trên mũi tàu làm bọn cướp cuống cuồng tháo lui. Tuy nhiên, trong lúc lo thoát thân chúng vẫn ít nhiều giữ được trật tự, nếu không thì sóng đang lắc thế này chẳng khó gì mà chả lật xuồng.
Những mái chèo ướt loáng lên dưới nắng, những chiếc xuồng rời khỏi tàu bơi vội về hướng mũi đất cách đó chưa đầy hai dặm. Chúng vừa rời tàu Blood liền ra lệnh nổ súng, nhưng đúng lúc ấy thì Hagthorpe kéo tay chàng.
- Hượm nào! Khoan đã! Trên tàu còn ai kia kìa!
Blood ngạc nhiên nhìn sang tàu "Santa Barbara", sau đó đưa ống nhòm lên mắt. Chàng thấy ở đuôi tàu có một người đầu để trần, mặc áo giáp chân đi ủng, trông không có vẻ cướp biển tí nào. Người kia cởi khăn ra vẫy rối rít. Blood lập tức hiểu ngay đó là ai.
- Có lẽ một gã Tây Ban Nha nào đó mà Easterling quên cắt tiết lúc hắn chiếm được tàu đây.
Blood ra lệnh thả xuồng và cử sáu người sang đón gã Tây Ban Nha, do Dyke, người biết bập bõm vài tiếng Tây Ban Nha, chỉ huy.
Bị bỏ mặc chết chìm theo con tàu tận số, Don Ildefonso đã cố cởi được dây trói và tụt xích neo xuống chờ chiếc xuồng đang đến gần. Ngài mừng run lên, cả ngài lẫn con tàu chở hàng quý của mình đã được cứu sống! Sự giải thoát bất ngờ này quả là một giấc mơ kỳ diệu. Số là cũng như viên thuyền trưởng chiếc tàu tuần duyên, Don Ildefonso dù có không nhận ra hình dáng con tàu kiểu Tây Ban Nha thì vẫn cứ chắc mẩm rằng đây là các đồng bào của ngài đến cứu bởi lẽ trên chót buồm "Cinco Llagas" vẫn phấp phới lá cờ Tây Ban Nha.
Thế rồi, khi chiếc xuồng còn chưa kịp cập sát mạn tàu, viên thuyền trưởng đã hấp tấp kể cho Dyke nghe chuyện gì đã xảy ra với con tàu và nó đang chở cái gì trong khoang hầm. Ngài xin mượn tạm chừng một chục thủy thủ, cùng với sáu người còn đang bị nhốt trong hầm ngầm sẽ cố chở số của báu về đến Santo Domingo an toàn.
Câu chuyện đã làm Dyke kinh ngạc. Tuy nhiên anh vẫn kìm được. Sợ giọng nói của mình để lộ sự tình, anh ta đáp lại hết sức ngắn gọn:
- Bueno, tôi sẽ báo cáo lại thuyền trưởng.
Sau đó anh ta thì thầm ra lệnh cho các tay chèo chèo nhanh trở lại "Cinco Llagas".
Nghe đầu đuôi câu chuyện và sau một lúc bàng hoàng, Blood bật cười ha hả:
- Ra cái thằng khốn kiếp kia định kể cho tôi nghe chuyện này trong lần gặp nhau sắp tới đây! Mẹ khỉ, tôi không thể để hắn mừng được!
Mười phút sau "Cinco Llagas" đã cập mạn "Santa Barbara".
Từ đằng xa Easterling và đồng bọn thấy thế bèn bỏ chèo xem, tức tối cãi nhau ầm ĩ. Chúng hiểu rằng chúng đã mất nốt cái thú cỏn con được thấy thuyền trưởng Blood nhận chìm đống của mà không hay biết gì. Easterling lại lớn tiếng chửi rủa.
- Mẹ khỉ! Tao quên mất thằng quái Tây Ban Nha trong buồng nó lại nói lộ đống vàng mất rồi. Cứ nhân đạo cho lắm vào là thế đấy! Nếu tao cắt tiết nó đi...
Trong lúc ấy, vì rất giống người Tây Ban Nha trừ cặp mắt xanh trên khuôn mặt rám nắng, thuyền trưởng Blood giải thích cho Don Ildefonso đang ngơ ngác bằng thứ tiếng Castile rất chuẩn vì sao chàng cho "Cinco Llagas" cập mạn "Santa Barbara".
Chàng không thể cho mượn thủy thủ được vì bản thân chàng cũng không đủ người. Đã vậy nếu cứ để nó đấy thì thế nào cũng lọt vào tay bọn cướp biển khốn kiếp mà chàng vừa mới đuổi được kia thôi. Vì thế chỉ còn mỗi một cách là chuyển số châu báu mà Don Ildefonso nói rằng đang cất dưới chiếc galleon. Chàng rất vinh hạnh được đón tiếp Don Ildefonso cùng sáu thủy thủ của ngài trên tàu "Cinco Llagas" và đưa họ đến Tortuga; nhược bằng Don Ildefonso không muốn thì thuyền trưởng Blood sẽ tặng họ một chiếc xuồng của mình rồi lúc nào thấy tiện họ có thể rời tàu chèo vào bờ xứ Hispaniola. Tuy hôm ấy đây không phải là lần đầu tiên Don Ildefonso sửng sốt, nhưng mấy câu trên ngài thấy khó tin nhất xưa nay.
- Tortuga! Tortuga! Ông bảo rằng ông đi đến Tortuga! Nhưng để làm gì kia? Trời ơi, ông là ai thế?
- Tên tôi là Peter Blood, còn tôi là ai thì thực tình tôi cũng không biết nữa.
- Ông là người Anh? - gã Tây Ban Nha thất kinh, bây giờ đã láng máng hiểu ra ít nhiều.
- Ô không! Dù sao tôi cũng không phải người Anh. - Thuyền trưởng Blood đàng hoàng vươn thẳng người. - Tôi có vinh dự là người Ai-len.
- Người Ai-len với người Anh thì khác gì nhau!
- Ấy không, khác quá đi chứ.
Gã Tây Ban Nha tức giận nhìn chàng. Mặt gã đỏ tía, mồm nhệch đi một cách khinh bỉ.
- Dù có là Ai-len hay Anh thì mi cũng là một tên cướp biển đê tiện.
Blood sầm mặt lại và thở dài.
- Có lẽ ông nói phải đấy, - chàng gật gù. - Tôi đã cố tránh điều đó, nhưng tôi còn biết làm sao được khi số phận cứ một mực khoác cho tôi vai trò ấy và đã dành cho tôi một khởi đầu hiển hách như thế này để nhập môn?