Phần II

Mưa kéo những sợi chỉ bạc ròng qua khung cửa. Cuối xuân, có những cơn mưa lạ lùng như cuộc hôn phối giữa thứ mưa phùn ngày Tết Nguyên Đán và những cơn mưa rào hối hả đầu hè. Hai vợ chồng Nguyên ngồi đối diện nhau ua chiếc bàn làm việc. Bé Hương Ly đã được gửi về ông bà nội chiều qua. Cả hai đều im lặng. Họ đã nói với nhau nhiều ngày đêm, chẳng còn điều gì để nói thêm, nhưng cũng chưa đi đến sự ngã ngũ cuối cùng.
Người chồng đã vun đầy một đống tàn thuốc. Ngón tay anh thâm xì, đầu lưỡi đắng nghét không còn cảm giác mùi vị. Anh lắng nghe mưa rơi, lần trở lại mùa mưa dầm trước ngày cưới... Ngày đó ngâu kéo dài tuần nọ qua tuần kia. Đường lầy khủng khiếp. Khu học xá lại càng tồi tệ hơn. Vậy mà anh chẳng có lấy một chiếc ấo mưa cho ra hồn. Đi đón Linh, anh trùm một tấm ni lông rách mép. Dạo đó, họ còn quá trẻ, và tình yêu xoá đi hết thảy những khó khăn. Chỉ cần vài chiếc bánh bao không nhân cũng đã là một bữa tiệc ngon lành. Linh may quần áo gia công để bà dì trả lễ cho gia đình chàng hôn phu cũ. Cô dành dụm được ít tiền, nhưng lại bị mất cắp trước ngày cưới vài tuền. Mất món tiền, Linh lao vào làm ngày làm đêm đến mức lăn ra ốm.
“Nấu cháo hoa cho em ăn với đường. Mẹ em còn sống thích nhất là cháo trắng...”
Linh bảo anh như thế. Cô nằm trên giường, gương mặt trắng như mỡ đông. Nguyên se lòng, anh tìm cà mèn, gom nhặt tiền đi mua phở cho cô. Lúc đi, anh quên đem ni lông theo. Nửa đường, trời đổ mưa to. Khi chạy được tới cửa hàng, người anh ướt như chuột lột. Hàng phở ấy treo một tấm gương, tuy đã ố nhưng còn soi khá rõ hình ảnh đám khách ăn trong đó. Vô tình, Nguyên nhìn thấy mình giữa bọn họ. Một chàng trai gày còm, trắng xanh, bận quần vá đúng và áo sơ mi lỗi mốt. Từng món tóc ướt bết vào trán anh, nước nhỏ ròng ròng. Anh móc nắm tiền lẻ, đếm mãi. Lão chủ quán hất hàm: Bỏ cả mèn ra... Cái nhìn của gã khinh thị. Mặt Nguyên nóng ran, anh bỏ cà mèn xuống. Bọn người xung quanh không để ý tới anh, họ đang mải ăn xì xụp. Tuy nhiên, Nguyên có cảm tưởng rằng hàng chục cặp mắt mọc phía sau gáy họ đổ dồn vào nhìn mình. Đám người ấy đều béo tố, ăn mặc bảnh choẹ hơn anh. Đấy là khoảnh khắc đầu tiên, anh hiểu được nỗi đau đớn của sự nghèo nàn. Và anh đã ra lệnh cho mình: Không bao giờ được lâm vào cảnh nghèo túng... Anh đã cố gắng, đã làm hết sức mình để kiến tạo cái tổ ấm êm này... Làn da mịn màng kia, đôi má hồng hào tươi mát kia, làn tóc óng ả kia... cả cái dung nhan ngời ngợi của cô, anh đã cố công gìn giữ... Giờ đây tất cả trôi tuột khỏi tay anh, cũng chính bởi sự gắng gỏi đó. Tại sao đời sống lại hàm chứa những bất công tàn bạo như thế? Tại sao niềm hạnh phúc nhỏ nhoi của con người lại tạo dựng lên trên những nghịch lý không thể dung hoà?... Trời ơi, giá như anh cứ cam chịu tuân theo cái nguyên tắc đã thờ phụng hồi còn trai trẻ?... Anh có thể làm những gì? Chỉ là những mẩu đưa tin vắn tắt, chung chung, nhạt nhẽo. Thỉnh thoảng mới có thể đưa vào đó một bài in có chất lượng: Sự trung thực cho phép. Phải tới một giai đoạn nào đó, người ta mới chấp nhận được những bài báo loại đó. Và tới giai đoạn ấy, đời sống của anh, của cả gia đình anh sẽ trôi dạt tới đâu?... Không, không, anh không thể đơn độc tồn tại, anh không thể tuân theo lý tưởng một cách mù loà. Một con người làm sao có thể tách khỏ quá trình vận hành chung của xã hội...
Linh quá tàn nhẫn và bất công đối với anh. Ngày họ mới cưới nhau, khi Nguyên còn là một phóng viên quèn, cả hai vợ chồng chỉ có ba chiếc áo và đò vật duy nhất trong căn phòng này là chiếc chạn đựng thức ăn bằng gỗ thùng ghép lại. Linh không đòi hỏi gì anh, cố vui vẻ với những bữa cơm chan nước lọc và dăm quả cà muối. Cô bòn nhặt tiền mua vải vụn may quần đùi cho chồng và lấy phần từng điều thuốc lá quấn cho Nguyên trong những buổi họp liên hoan. Linh chưa bao giờ ngỏ với anh một lời ước muốn: dù là một đôi dép, một tấm áo hoa hay một chiếc quần kiểu mới. Trang phục cũ kỹ đối nghịch với dung nhan lộng lẫy của cô. Sinh hoạt tằn tiện làm màu má hồng của cô nhạt dần xuống. Nguyên đã nhận thấy điều ấy rõ nhất khi cô mang thai bé Hương Ly... Anh xót xa, anh không thể viết mãi những bài báo không được duyệt. Anh đầu hàng đời sống, tuân thủ các ước lệ và khi đó, chỉ cần một phần ba trí thông minh sẵn có, anh đã dễ dàng thành đạt... Cuộc sống vật chất của họ thay đổi nhanh như có phép màu. Linh đón nhận cuộc sống đó cũng hồn nhiên như cô đã từng chịu cảnh sống eo hẹp cũ, không mảy may đắn đo ngờ vực. Cô tin anh, nhưng anh đâu phải một vị thần có phép cải tử hoàn sinh, một siêu nhân có khả năng xoay chuyển những thói quen đang ngự trị trong xã hội?... Co vừa cao thượng và thông minh nhưng lại vừa giản đơn đến lạ lùng và tàn bạo. Giờ đây, cô khinh bỉ và kết tội anh, làn môi hồng như môi con trẻ và đôi mắt nâu trong vắt, rọi những tia sáng mê dại lòng người...
Người đàn ông nhìn vợ, thấy ngọn roi bỏng rát quất lên tim. Cô cũng vừa đưa mắt nhìn lại anh, giận dữ và khinh thị. Còn anh, anh yêu cô cồn cào điên dại, yêu từ ngàn xưa và ngay chính khoảnh khắc này...
Linh cũng im lặng suốt cả buổi sáng như Nguyên. Họ đã thức gần trọn đêm qua, nhưng cô không muốn ngủ. Nỗi lo sợ mạnh mẽ hơn, chiếm lĩnh cả con tim lẫn khối óc người đàn bà. Từ lúc nhận ra rằng tình yêu với Nguyên đã chết, Linh cũng thấy ngay một khoảng trống heo hút trong lòng: một ngôi nhà vừa đổ sụp sau cơn bão, một cùng đất sụt lở chỉ còn để lại vực sâu. Thế giới tâm linh của cô như một thành trì đâu đâu cũng có dấu vết của anh. Từ viên đá lát đường tới cây trụ chính, từ mỗi hành lang bí ẩn tới những ụ châu mai... Bố mẹ cô qua đời lâu rồi. Họ chỉ còn là những ảnh hình lãng đãng trong sương mù quá khứ. Cả những niềm ưu ái, cả những nỗi nhớ nhung họ gợi lại trong cô cũng xa xôi như ánh nắng cuối chiều. Còn anh, anh đã sống trong cô, tràn đầy và vang động. Mỗi ánh mắt của anh khiến cô run rẩy, mỗi lời nói của anh, tâm hôn cô vọng lại những hồi âm như vách núi ném vào thung lũng tiếng hú gọi của rừng sâu.
- Đời sống có thể là tất cả đối với con người nhưng cũng có thể là những giá trị phù ao. Ngay lúc gã trọc phú say sưa vì ruộng vườn, nhà cao, sân rộng thì cây gậy thần định mệnh đã chỉ ra cái ngày chúng biến thành bụi cát phù du. Không có vương quốc sang giàu nào tồn tại được lâu bèn cũng gió bão của thời cuộc. Và bởi vậy, sự nỗ lực xoay xoả của con người với các tiện nghi vật chất thật tầm thường. Khi đã ý thức rõ điều đó, chúng ta có thể yên tâm với một cuộc sống trọn vẹn, đúng với ước nguyện và lương tâm mình...
- Anh chưa bao giờ tìm cách tự thổi phồng mình trước con mắt mọi người cũng như trước mắt em. Anh không thể đem lại cho em cuộc sống sang giàu, anh cũng không thể đảm bảo cho em những an nhàn thư thái. Đời sống vận động, và tất cả sẽ vận động theo. Nhưng anh sẽ cố gắng để em đặt niềm tin vào lời hứa này: tình yêu và lòng tự trọng...
Trong bóng mát của giảng đường, cô ngả đầu vào vai anh tin cậy. Khoảng không gian và thời gian dài rộng trên cõi đời không còn lạnh lẽo, mênh mông từ ngày cô gặp được anh. Anh, vừa là bến cho thuyền cô thả neo, vừa là đỉnh non cho cô trèo tới. Cái thế giới đẹp đẽ của cao vọng tinh thần anh đã dựng lên trong cô vĩ đại quá, trùng điệp quá. Và bởi vậy, khi đổ vỡ nó cuốn hút một phần đời cô xuống tận đáy sâu...
“Thật điên rồ, mình đã yêu Nguyên đến thế...”
Cơn giận dữ làm sôi sục máu huyết trong tim cô. Nhưng lúc ấy, cô chợt thấy làn gió cuốn lên tấm rèm che cửa và khoảng trời xanh lơ hiện ra, vói làn mây trắng nõn nà. Cái hình ảnh dung dị ấy khiến người đàn bà dịu đi. Tấm rèm cửa lại bay lên cuốn vào song cửa. Tấm rèm ấy, Nguyên mua ở Buycarét, trong một kỳ họp ngắn ngày. Chất vải mịn, màu cẩm thạch, nổi những vân hoa óng ánh như bọt nước. Căn phòng của họ thật thanh lịch với những bức tường cao, quét vôi xanh dịu và tấm thảm rộng trải nền, nổi lên những bông hồng. Chiếc tủ buýp phê lót kính, phản chiếu các viền vàng trên miệng bát, chén, màu duyết dụ của những chiếc cốc pha lê chuyên dùng uông vang, con búp bê Nhật Bản tóc kết hạt cườm, chiếc chìa khoá mạ vàng cắm vào vòng tròn của hộp đồng hồ báo thức... Tất cả những thứ đồ vặt vãnh ấy được đắp đổi dần dà trong một cuộc sống ngày càng trù phú, giống như những hạt phù sa bám vào bờ đất, cho tới lúc nào đó người ta mới nhận ra. Linh giật mình: có lẽ, chính ta thờ ơ quá... Có lẽ, đời sống ngặt nghèo và tăm tối hơn những lý tưởng sẵn có trong bản thân ta... Chiếc đồng hồ treo tường buông hồi chuông thánh thót, con hoạ my thả một tiếng hót dài tiếp theo hồi chuông. Và sau đó, căn phòng lại trở nên yên tĩnh. Người đàn bà ngước nhìn chiếc đồng hồ treo tường cổ mà chồng cô đã đem về sau một chuyến đi Nga. Rồi ánh mắt cô lại lướt qua tấm vải phủ máy thu hình có những hình thêu Udơbếch, qua chiếc cátsét 555 đặt trên nóc tủ sách, qua bức tượng thần Vệ nữ Milô... Dường như tất cả những đồ vật ấy cùng lúc nhìn cô với con mắt chế nhạo và buồn bã: “Thưa bà, cho đến hôm nay bà mới lần tìm xứ sở của chúng tôi.
Thưa bà, chắc chắn người ta không thể kiếm chúng tôi như nhặt mấy mảnh vỏ sò trên bờ biển. Thưa bà...”
Linh thấy lòng se lại vì xót thương. Phải chăng cái tổ ấm này được tạo dựng chính vì cô, và bé Hương Ly? Nguyên đâu phải thứ đàn ông bị những ham muốn tầm thường chế ngự?... Bao năm gần gũi anh cô hiểu rằng trong cõi đời loại đàn ông như anh không phải là dễ kiếm. Chưa lần nào cô nhìn thấy gương mặt anh nở nang, mãn nguyện trước một chiếc xe máy, một chiếc đài truyền hình tối tân hay một bữa tiệc sang trọng dư thừa... Không, tất cả tiện nghi của cái đời sống này đối với anh chỉ là phương tiện, anh cần có chúng để tìm được tiếng cười của cô, để giữ màu hồng trên má cô, để tiếng reo đùa của đứa con nhỏ vang lên ròn rã... Cô hình dung lại những lần anh trở về, sau các chuyến đi xa, nụ cười dịu dàng trìu mến của anh, dáng vẻ điềm tĩnh có đôi phần mệt mỏi khi anh trao cho cô những quà tặng... đó là dáng vẻ của một con chim mẹ tha mồi về tổ. Thật độc ác và bất công nếu cô kết tội con người vị tha ấy...
Những cơn nức nở âm thầm dâng. Nước mắt trào qua mi người đàn bà, lặng lẽ rơi từng giọt.
Nguyên buông điếu thuốc vừa rút chưa kịp châm, tới bên vợ:
- Nín đi Linh, em muốn gì?
- Em không biết.
- Em từ bỏ anh?
- Không, nhưng em không còn yêu anh nữa.
- Vậy chúng ta sẽ sống ra sao?
-...
- Anh yêu em. Bao giờ anh cũng yêu em.
- Nhưng em không còn yêu anh được.
-...
- Từ bây giờ, chúng ta chỉ có thể coi nhau như những người quen.
- Còn con?
- Nó sẽ ngủ với em. Mẹ con em trải chiếu ở góc phòng.
- Không, anh sẽ ngủ ở đó. Mẹ con nằm trên giường.
- Em không ngủ trên chiếc giường mua bằng những đồng tiên dơ dáy.
Nguyên âm thầm nhìn vợ nghĩ:
“Em là kẻ cuồng tín. Em là tín đồ trung thành và quyết liệt của những lý tưởng thời niên thiếu, không tha thứ, không khoan nhượng bất kỳ ai...”
Anh thu dọn đồ đạc, trải chiếu vào góc nhà. Xong anh kéo tậm nệm trên giường xuống. Nhưng cô đã bảo anh:
- Bỏ tấm nệm đó ra, em không cần.
Giọng nói nghiệt ngã của cô khiến anh tái người. Nhưng ngay lúc đó, anh cũng biết rằng anh yêu cô cuồng dại. Đặt hai chiếc gối xuống chiếu, anh xoa tay đờ đẫn. Anh nhìn cặp đùi tròn đầy, đều đặn của Linh dưới làn lụa mỏng. Anh thèm được gối đầu lên đó, tìm cảm giác thanh thản và ấm áp của người thuỷ thủ bị đầy ra hoang đảo vừa được trở về...
Bà giáo Phượng, cô ruột Linh, thường quảng cáo quán bún ốc ở phố Lý Quốc Sư ngon nhất Hà Nội. Bà đã đưa cô tới đó vài bận. Tấm biển ghi nguệch ngoạc hai chữ: “Ốc nóng” trước ngôi nhà nhỏ. Không có gì sang trọng hơn. Bàn ghế khấp khểnh, cái thấp cái cao nhưng bún trắng và ốc béo tuyệt trần. Thứ nước dấm chưng ớt mỡ cay sè lưỡi hấp dẫn các bà các cô khắp thành phố. Nhưng hôm nay, hai người không gặp may. Nhà hàng đã treo biển “hết” từ lúc chín giờ sáng.
Bà Phượng bảo:
- Giờ cháu muốn tới đâu?
Linh đáp:
- Đâu cũng được cô ạ. Cháu không đói.
- Thế thì uống một ly ca cao nóng vậy. Có một quán cô quen...
Họ đạp xe song song trên đường. Trời lạnh. Đám con gái choai choai cố trưng diện lần lữa những mốt áo vừa được ném ra hồi mùa đông. Bà Phượng cười mỉm, bảo cháu gái:
- Xem cái lũ công ngu ngốc chưa kìa? Thời cô, người ta cũng đã mặc kiểu áo ấy.
- Vâng.
Linh đáp theo thói quen. Óc cô trống rỗng.
Bà Phượng liếc nhìn Linh:
- Cháu làm sao vậy?
- Thưa cô, không.
Những chiếc lá sấu già rơi xuống. Một thằng cà lơ trạc mười tám mười chín đạp xe vượt lên:
- A, bà già trông cũng còn tươi ra phết. Còn cô em thì xinh tuyệt. Sao nhìn anh lạnh lẽo thế em?...
Linh im lặng. Thằng ranh con ngượng ngùng lẩm bẩm gì đó rồi phóng xe đi. Bà Phượng than thở:
- Thời buổi quái gở, lũ trẻ ranh mất nết nhan nhản đầy đường.
Họ rẽ qua một ngã tư nữa, tới tiệm càphê. Không có biển quảng cáo, cũng không có mũi tên làm tín hiệu. Bà giáo dẫn Linh qua một ngõ hẹp, qua vài quán nước chè, nới túm tụm đám dân ápphe của thành phố. Sau đó họ chui qua cái cổng thấp lè tè kiểu cổ để leo lên một cây cầu thang nhỏ, chênh vênh.
- Vào đây, khéo không ngã.
Bà Phượng gọi. Linh đang đứng trước hành lang. Làn khói xám mờ mờ khiến cô ngạt thở. Khoảnh khắc sau, cô mới quen bầu không khí đậm đặc khói thuốc và khói càphê. Phòng trà này không rộng, nhưng độc đáo. Bàn ghế được thay bằng những gốc cây đánh xi bóng loáng. Bình đựng tàn thuốc rặt một thứ khổng lồ, tráng men nâu. Một tấm tranh sơn dầu trường phái Barôc, rực rỡ man dại. Một đầu nai khô, giương đôi mắt thuỷ tinh lồi nhẵn bóng nhìn thế gian. Hai lọ thuỷ tinh hình bán nguyệt treo áp tường, đối diện qua chiếc đầu nai, trồng vạn niên thanh. Linh ít vào các quán, cô có đủ các thứ nước giải khát trong nhà. Lâu dần, cô có cảm giác ghê sợ khi bắt buộc phải rẽ vào đâu đó để uống một cốc nước chanh hay ăn một tô phở, Linh sợ thiếu vệ sinh, sợ cả cái không khí thường trực ở những nơi người ta tìm đến để trốn tránh cuộc sống gia đình.
- Quán cà phê này có tiếng trong thành phố. Ở đây cháu sẽ gặp những người có tên tuổi.
Bà Phượng ghé tai Linh, thì thào. Rồi bà quay sang tươi cười chào chủ nhân.
- Bà Phượng dùng gì ạ?
Chủ quán tì tay lên tủ kính, nghiêng đầu hỏi. Ông ta trạc tuổi năm mươi, da đen bóng, mắt tinh ranh.
- Xin ông hai tách cacao nóng, thứ kèm bơ.
Chủ quán gật dầu, đoạn quay vào buồng trong:
- Lan.
- Dạ.
- Hai cacao béo.
- Vâng, năm phút nữa sẽ có.
- Bà lấy bánh chứ? – Ông ta hỏi bà Phượng.
- Vâng.
- Vẫn thứ bánh như mọi khi.
- Thứ đó, nhưng bơ có tươi không?
- Bánh hàng tôi bao giờ cũng ngon nhất Hà nội.
Người đàn ông đáp, và thêm:
- Ông bạn của bà vẫn dùng loại bánh đó. Có lẽ, lát nữa ông ấy cũng tới đây.
- Thế à...
Bà Phượng đáp, cổ và hai tai đỏ lựng lên. Lúc đó, cô bé tên Lan vừa bưng ra hai tách cacao bốc khói:
- Cháu uống đi cho nóng – Bà Phượng hối hả giục – Mùi cacao thật dễ chịu.
Chủ quán nói:
- Để có được mùi thơm ấy tôi phải giữ gìn rất công phu. Loại hộp cacao nhôm ngày xưa còn khá. Bây giờ, người ta làm bằng giấy nến, chểnh mảng một tí là mốc, mất mùi ngay. Cứ gì nước ta, cả thế giới này mỗi ngày một phú quý giật lùi.
Bà Phượng cười:
- Chỉ riêng ông là chẳng phú quý giật lùi thôi, đúng không? - Chủ quán cười, vừa đắc ý, vừa giễu cơt.
Một người khách nữa bước vào. Y trạc tuổi chủ quán những còm cõi thất thểu. Bận bộ đồ xơ xác, lem nhem gương mặt dầu dãi, trông y hệt một kẻ quen ngủ trên ghế công viên và ngồi uống bia quanh những mẹt mực nướng, nem chạo đầu chợ.
- A, chào ông bạn.
Y chào chủ quán, ném chiếc tủi thổ cẩm đeo vai xuống sàn và chọn một chiếc ghế sát tường để lấy chỗ tựa.
- Ông chưa đi Sàigon à?
Chủ quán hỏi.
- Chưa. – Y đáp.
- Sao vậy?
- Chán. Không có lý do nào hơn… Mà lạ thật, ai cũng háo hức đi Sài gòn. Chỉ tôi là không. Từ ngày giải phóng tới nay tôi đã đi năm lượt. Quá đủ rồi.
- Nhưng dù sao Sài gòn cũng đẹp gấp trăm lần Hà Nội.
- Ờ, có thể… Nhưng cái đẹp còn tuỳ thuộc vào cảm quan của mỗi người. Ví như cái bình đất nung này ông đặt trên những cái bàn xù xì bằng gốc cây thì tuyệt đẹp, và trong căn phòng này nữa, với những hàng sấu sum xuê ở ngoài kia… Nhưng nếu nhắc chúng sang một chiếc bàn tròn sang trọng của phòng khách nào dó trọng một khách sạn ở Sài gòn thì tức khắc sẽ trở thành lố bịch. Con người cũng thế thôi, cần phải tìm một khung cảnh thích hợp cho mình.
- Tôi như ông, tôi chọn quách Sài gòn làm đất sống. Cả một biệt thự ba tầng. Ở ngoài này, có ngủ mê cũng không thấy.
- Chính thế, người anh em ạ. Với người khác, tôi là một thằng điên. Với tôi, họ là những kẻ khờ. Sài gòn không phải là đất gốc của tôi. Đấy là nơi tôi đến chơi chứ không phải đến ở. Cuộc sống con người không giống con chim định cư. Con chim chỉ cần cái tổ. Con người không thể chỉ cần một căn nhà, dù đó là biệt thự hay lâu đài chăng nữa… Thôi, ông bạn hãy đem quyển sổ nợ của tôi ra đây… A ha, một ngàn tám trăm đồng chẵn… Hôm nay, ghi thêm cho tôi một bao Samít và một chén cà phê đen…
Y bóc bao thuốc, châm một điếu và lim dim nhả khói. Chợt y nhìn thấy Linh, mắt y chợt bàng hoàng. Linh cảm thấy điều đó, cô cúi xuống. Lát sau, khi Linh ngẩng lên, có hai người khách nữa bước vào. Một người đàn ông cao lớn, rất khó định tuổi. Có lẽ ông ta năm mưoi, hoặc hơn nữa. Nhưng cũng có thể ông ta mứoi chỉ ngoài bốn mươi. Cả vẻ mặt lẫn dáng điệu người khách lạ đều biến đổi mau lẹ và đường đột. Ông ta đi với một thiếu phụ trẻ nhưng đã xồ xề, mặt trát đầy phấn, lông mày kẻ chì dài chót thái dương. Vừa bước qua ngưỡng cửa, thấy bà Phượng, người khách lạ sượng sùng dừng lại:
- Phượng, Phượng…
Ông ta lắp bắp:
- Phượng có khoẻ không?
- Cảm ơn, tôi vẫn thường thường.
Bà Phượng đáp lại bằng một giọng nhã nhặn nhưng đầy ẩn ý. Mắt bà lia như chớp, lục soát người đàn bà trẻ đứng trước mặt mình. Từ đôi guốc hia dưới những móng chân sơn đỏ tới chiếc túi khoác vai, từ cặp đùi ngắn dưới lớp vải bò tới cặp môi tô son vụng về nằm giữa gương mặt vuông và ngắn… Môi bà nhếch lên:
- Còn anh? Chắc chắn còn khoẻ chứ?
- Cảm ơn Phượng…
- A, trông anh còn thịnh vượng lắm. Kìa, giới thiệu người quen với chúng tôi đi.
Bà Phượng tươi cười, mắt bà rực lên một thứ ánh sáng lạ lùng. Quay sang Linh, bà tiếp:
- Đay lầ Phương Linh, cháu con ông anh cả tôi. Đây là nhạc sỹ Trần Phương, tác giả những bài hát mà cháu vẫn thích…
Linh giật mình, ngước lên: Té ra đây là con người lừng lẫy, tác giả những bức tranh sơn mài cả châu Á biết tên và những bài hát nổi tiếng.
- Cháu… chào chú.
Cô khẽ nói. Vì từ lúc vào phòng trà người khách lạ cứ cuối đầu nên tới lúc đó ông ta mới nhìn thấy Phương Linh. Gương mặt ảm đạm chợt loé lên. Nhưng rồi lại chìm xuống sau lớp mù vây bọc. Mắt ông ta đẹp, mày rậm, mi dài.
- Chào cô.
- Nhạc sĩ đáp với giọng êm dịu, gần như nhút nhát.
Ông ta chưa kịp nói gì thêm, người đàn bà trẻ đi cùng đã kéo tay áo nhạc sĩ, tự giới thiệu:
- Tôi là Ngọc Minh, phóng viên tạp chí nghiên cứu âm nhạc.
Xong, cô kéo ghế ch nhạc sĩ và cho mình. Trần Phương ngoan ngoãn ngồi xuống.
- Nào, cho chúng tôi một bao ba số và hai càphê. Cô phóng viên quay lại bảo chủ quán – Sao hôm nay ông lừ đừ như say thuốc lào thế?... Này, tôi mới phát hiện ra một hàng bánh ngọt tuỵêt hảo ở Hàng Bông Nhuộm, ông nên tới đấy mà đặt. Trên tài bánh ở dây. Tất cả những ai được quảng cáo đã nếm bánh và cảm ơn tôi rồi đấy.
- Vâng, tôi sẽ cảm ơn cô cả trăm lần.
Chủ quán đáp, đích thân bưng càphê với thuộc lá ra. Trần Phương quay ra cửa sổ, nhìn những vòm lá sấu chắc chắn để khoả lấp nỗi ngượng ngùng. Khi nhìn nghiêng hai viền mi ông ta như có màu tím thẫm, và dưới viền mi ấy, rọi chiếu một thứ ánh sáng thăm thẳm cô đơn.
Linh chợt ái ngại: Hẳn ông ấy chẳng vui thú gì khi nghe người đàn bà trát bự phấn son kia thao thao bất tuyệt. Hẳn con người không may mắn này chứa nặng những ưu tư. Cô muốn nói một lời nào đó với ông:
- Cháu thuộc rất nhiều bài hát của chú.
- Cám ơn cô, có đáng gì vài ca khúc bình thường.
Nhạc sĩ đáp, vẻ khiêm nhường. Ông cúi xuống, thận trọng gạt tàn thuốc vào bình. Linh nói tiếp:
- Cả những bức tranh của chú nữa, mặc dù cháu không hiểu biết nhiều về hội hoạ.
- Vâng, mấy bức đó tôi vẽ đã lâu rồi. Nói cho công bằng, xem cũng tạm được…
Trần Phương đáp và nở nụ cười biết ơn. Khi ông ta cười, hai hàm răng đều đặn, trắng như men sé ánh lên khiến người ta ngỡ ông còn là một chàng trai. Bà Phượng không rời mắt nhìn ông:
- Cô cháu tôi và đám thiếu nữ mộ tài của ông lắm. Chắc chắn ông còn gặp nhiều may mắn.
Nhạc sĩ im lặng, hai gò má ửng lên, da mặt ông màu nâu, cạo nhẵn.
Bà Phương bất chợt bảo:
- Tôi còn giữ được một số ảnh lưu niệm ngày trước. Anh nhớ cô bạn Hảo của chúng tôi không?
- Có nhớ, Phượng ạ - Trần Phương đáp nhẹ nhàng – Khi nào gặp, Phượng cho tôi gửi lời thăm Hảo. Chị ấy quả là một con người có ý chí.
- Anh cũng là một người có ý chí đấy.
- Không, tôi chưa dám tự nhận một phẩm chất quý báu như vậy.
- Nhưng anh đã nhận những phẩm chất còn cao quý hơn, phải không?
Bà Phượng nói lấp lưởng, rồi cất tiếng cười. Trần Phương im lặng. Ông có vẻ chịu đựng người đàn bà kiêu kỳ và chao chát này. Phương Linh bỗng dưng khó chịu với cô ruột của mình, cô buột miệng:
- Hôm nay cô lạ thế? Chú Trần Phương hiền thật.
Bà Phượng cười chế nhạo. Nhưng Trần Phương quay sang nhìn Linh với cặp mắt đen dông bão:
- Cô bé thật tốt bụng... Cảm ơn cô.
Nhạc sĩ nói. Lúc ấy, bà Phượng thẫn thờ nhìn cháu. Niềm linh cảm lo âu khiến mắt bà đờ dại:
- Ta phải về thôi cháu... Cô có việc phải đi.
Bà lắp bắp bảo Linh rồi tới trả tiền chủ quán. Góc tường bên kia, người khách đeo chiếc túi thổ cẩm bẩn thỉu rít từng hơi thuốc lớn. Y nhìn Linh với nỗi buồn không che giấu. Cô phóng viên đi đi lại lại trong phòng, hai tay thọc vào túi quần bò, cô đọc:
- Hết ngày dài tới đêm thâu. Chúng ta đi trên đất Phi Châu… Tuyệt thật. Anh Phương, anh có nhớ những câu thơ trong vở Hòn đảo Thần Vệ nữ không?...
Trần Phương không trả lời.