Khi ông bà chủ nghiệm tờ Phù Đổng Thiên Vương lại xin tôi ngỏ ít lời với các bạn trẻ trong số ra mắt của tạp chí, tôi đã cố thoái thác: mấy năm nay vì sức suy nên tôi tự hứa không viết báo nữa; lời của một người già như tôi chắc các bạn không muốn nghe, nhất là viết một bài báo Xuân cho tuổi thanh xuân thì giọng phải vui, mà tôi biết nói gì cho vui trong tình trạng cực kì xáo trộn của quốc gia trong lúc này được? Nhưng bà và cả ông bạn Vũ Hạnh nữa nhất định không cho tôi từ chối, bảo: “thì xin ghi chép vài ý nghĩ về chiến tranh, bất kì là ý nghĩa gì miễn có tiếng nói của ông”. Thế là tôi đành phải viết. Nếu kể từ khi quân đội Nhật vượt biên giới Hoa nam, tiến đánh Lạng Sơn cuối năm 1940 thì tới nay dân tộc ta bị nạn chiến tranh trên một phần ba thế kỉ rồi. Không dân tộc nào trên thế giới bị cái hoạ vừa lớn vừa dài như vậy. Trên ba chục năm đó, gần như năm nào vào những ngày cuối năm như lúc này tôi cũng ôn lại những biến cố lớn trong năm, ước ao một tương lai sáng sủa hơn cho năm sau, và rút một số kinh nghiệm do chiến tranh đem lại, đa số thật chua chát. Những kinh nghiệm lặt vặt về mọi phương diện (chính trị, kinh tế, xã hội, đạo đức, văn nghệ…) đó cũng hơi nhiều và tôi cũng đã lác đác trình bày trong nhiều bài báo và một số tác phẩm của tôi trong khoảng mười lăm năm gần đây. Hôm nay tôi chỉ xin thưa với các bạn về ba kinh nghiệm đáng gọi là khích lệ. Mới từ năm 1945 các ý thức hệ bắt đầu xâm nhập mạnh tâm hồn một phần dân tộc ta. Có lẽ nhờ mình có sẵn những tinh thần của họ Khổng nên các ý thức hệ phương Tây không gây được sự tan rã của gia đình – ít nhất là trong những gia đình nông dân và trung lưu ở miền Nam này. Gia đình nào của chúng ta có người theo bên này hay bên kia; nhưng tôi thấy rất ít gia đình cha con hoặc anh em xung đột nhau vì chính kiến. Mấy chục năm nay tôi mới nghe nói một trường hợp ở Bạc Liêu gần đây em xách súng doạ bắn chị vì chị ủng hộ một phong trào mà em chống; nhưng quân vô loại đó bị mọi người coi là thú vật chứ không phải là người. Trái lại tôi thấy nhan nhản trường hợp những gia đình tuy cha con, anh em khác chính kiến nhau mà vẫn quí mến nhau, cưu mang nhau, hễ gặp mặt thì gạt bỏ chánh kiến đi, chỉ nghĩ tới tình ruột thịt, và trong cuộc kháng chiến chống Pháp, nhiều trường hợp như vậy đã khiến tôi rơi lệ. Có những ông già bà cả nhịn ăn nhịn uống để tiếp tế áo quần, thực phẩm cho con cháu; có những con cháu vượt mọi nỗi hiểm nguy tới tánh mạng đã lẻn về thăm cha mẹ, ông bà trong một đêm. Người ở bên nay, người ở bên kia, súng bắn qua bắn lại mà tình gia đình vẫn nguyên vẹn. Các bạn còn trẻ, không được mục kích những cảnh đó, nhưng cứ thử hỏi những vị lớn tuổi trong nhà, sẽ được nghe nhiều chuyện rất cảm động và thấy lời tôi nói không ngoa. Tình đoàn kết trong gia đình là sức mạnh của dân tộc chúng ta. Cổ nhân bảo gia đình là nền tảng của quốc gia, lời đó thật đúng. Điểm thứ nhì tôi muốn gợi cho các bạn suy nghĩ là sự hi sinh vô biên của các ông già bà cả thời này. Ôn lại lịch sử nhân loại chúng ta thấy hễ thời loạn lạc thì phong hoá suy đồi. Như thời đại Socrates (thế kỉ IV tr.C.n ở Hi Lạp), thời đại Auguste (thế kỉ đầu C.n ở La Mã), kẻ giàu thì truỵ lạc, kẻ nghèo thì trộm cướp, phụ nữ say mê tự do, tha hồ li dị, phá thai, gian dâm mà một số triết gia thì nguỵ biện. Thời Chiến Quốc ở Trung Hoa cũng đại khái như vậy, mà bọn Trúc Lâm thất hiền Lục triều thì nổi tiếng cực kì phóng túng, say sưa tối ngày, hồi đó chưa có bạch phiến, nếu có thì chắc họ cũng “phi” như một số hippi ngày nay. Ở nước ta thời cuối Hậu Lê có một môn đồ cửa Khổng sân Trình mà bán đứng thầy “để vinh thân phì gia” (ngày nay chúng ta cũng có một trường hợp tương tự), còn nạn tham nhũng mua quan bán tước thì chắc lớn lắm nên mới có những “sính đồ (tức tú tài) ba quan”. Vậy chúng ta không nên ngạc nhiên rằng Sài Gòn hiện nay có những “bụi đời”, thanh niên xì ke, nhiều trộm cướp, đĩ điếm, nhiều buổi “nhạc sở thú”… Trái lại tôi rất phấn khởi mà cũng rất cảm động khi thấy những ông lão sáu bảy chục tuổi lưng khòm, mắt mờ, lụm cụm làm mọi công việc từ dạy học đến việc bán gạo, bán khoai, lượm đồ phế thải trong các đóng rác mà chỉ lại gần thôi tôi cũng đã nhức đầu, buồn nôn, như vậy để tiếp tế cho con cháu ngoài mặt trận, để giúp đỡ cho công dân goá bụa, để nuôi con cháu mồ côi cả cha lẫn mẹ, có khi cho chúng tiền phi xì ke nữa. Lại có những cụ lọm khọm xách giỏ thức ăn chầu chực ngày này qua ngày khác để thăm con cháu trong khám. Chiến tranh còn thì các cụ còn phải cực khổ đến hơi thở cuối cùng. “Trẻ cậy cha, già cậy con”; ngày nay các cụ đã không cậy được con mà vẫn phải nuôi con, cả những con làm quân nhân hay công chức vì đa số không đủ sống. Khắp thế giới không có dân tộc nào cực khổ như dân tộc ta, hi sinh nhiều cho con cháu như các cụ già của chúng ta. Điều đó các bạn cứ nhìn chung quanh, có khi ngay trong gia đình các bạn nữa thì sẽ thấy. Còn những bà vợ nữa chứ. Tôi không nói những bà goá chồng, ngay nhiều bà có chồng hiện làm quân nhân hay công chức cũng lam lũ mà đảm đang vô cùng. Tôi biết một số lớn học trò của tôi dạy học mà phải làm thêm một nghề khác như may vá, nấu cháo nấu xôi bán để kiếm ít tiền giúp chồng cũng công chức, nuôi con ăn học. Họ làm việc suốt ngày, tới khuya mà vẫn thiếu thồn, ăn rau ăn ốc hay tép, quanh năm không được hưởng một lạc thú nào cả, ngoài cái vui thấy con khoẻ mạnh, học hành tấn tới. Nếu con họ hư hỏng thì tôi không hiểu làm sao họ sẽ chịu nổi. Hạng người đó cũng nhan nhản trong xã hội chúng ta, nhưng chỉ ở trong giới bình dân hoặc trung lưu, nhiều nhất là ở các tỉnh nhỏ. Trên kia tôi đã nói gia đình là nền tảng của quốc gia, tôi có thể nói thêm phụ nữ bình dân trung lưu là nền tảng của gia đình, là nguồn hi vọng của dân tộc. Dân tộc ta sau chiến tranh này mà thịnh lên, hùng cường lên chính là nhờ họ. Rồi đây, mươi năm nữa, các bạn lớn lên sẽ nhận thấy lời của tôi đúng. Sau cùng, điều thứ ba tôi muốn kể với các bạn là khi toàn dân cùng nghèo thì người ta càng thương yêu nhau, càng đoàn kết. Chỉ trong một xã hội kẻ giàu người nghèo cách biệt xa nhau quá thì mới có sự sung đột nhau. Luôn luôn thời nào cũng vậy, quyền lợi là nguyên nhân của sự chia rẽ. Tôi nhớ những năm tháng kháng Pháp, chúng tôi bỏ hết đồ đạc lại Sài Gòn, chỉ xách một va li quần áo để đi tản cư, trong túi còn ít trăm đồng. Mà hầu hết các người ở thành thị tản cư tình cảnh cũng như chúng tôi, không hơn gì. Ai có được ít tư trang vàng bạc, nếu không bị giặc Pháp, giặc Miên cướp giật thì tiêu dần cũng hết. Rốt cuộc người nào cũng chỉ còn hai bộ quần áo với hai tay không. Phải kiếm cách sinh nhai, đổ mồ hôi ra lấy chén cơm. Cơm ăn với muối hoặc vài con ốc, con cá, lá rau, thèm thịt và thèm đường. Cà phê là gạo rang. Những năm đó chúng tôi thiếu thốn hơn những người nghèo ngày nay nhiều, nhưng không thấy khổ. Trái lại ăn ngon, ngủ ngon, khỏi phải uống thuốc tiêu thực và an thần như ngày nay, và có thể nói là khoẻ mạnh vui vẻ nữa. Quí nhất là tình đồng bào. Tản cư tới đâu cũng được tiếp đón niềm nở, cho mượn giường mượn chiếu, mượn chén mượn đũa, mượn gạo mượn muối, mà thường những phòng tốt nhất, những món ăn ngon nhất, được chủ nhà nhường cho. Không còn ai nghĩ tới giai cấp nữa. Ông đốc cùng với chú lao công nằm chung nhau, tâm sự với nhau, kể hết tin tức bộ đội rồi tới cả chuyện tiếu lâm cho nhau nghe. Vậy nghèo không nhất định là khổ, và một xã hội nghèo nhưng quân bình nghĩa là không có kẻ giàu quá, không có những đám cưới trên cả trăm triệu nhưng cũng có những kẻ phải lượm đồ phế thải ở đống rác để kiếm tiền mua gạo nấu cháo, một xã hội như vậy theo tôi còn đẹp hơn một xã hội tham nhũng, kẻ mạnh bóc lột kẻ yếu. Khắp thế giới đang bị một cuộc khủng hoảng kinh tế mà có người đoán sẽ không kém cuộc khủng hoảng 1930, vậy khi hoà bình trở lại, chúng ta cũng không mong gì được nhiều ở sự viện trợ của các cường quốc mà có được sự viện trợ thì cũng phải chịu vô số sự nhục nhã đau khổ như chúng ta đã thấy trong mấy chục năm nay. Chúng ta phải chuẩn bị sống một đời sống giản dị, và mong làm sao cho các nhà cầm quyền của ta sau này trong sạch, đủ sáng suốt và nghị lực để san bằng những bất công quá tàn nhẫn đi, theo tôi đó là con đường duy nhất để tạo sự an ổn cho xã hội và hạnh phúc cho quốc dân. Muốn vậy chúng ta phải bỏ tinh thần vựa vào ngoại nhân, đừng để ngoại nhân xen vào nội bộ của chúng ta. Trên ba chục năm nay, bao nhiêu đau khổ của dân tộc đề do ngoại nhân gây ra cả. Ngoại nhân dù mạnh tới mấy cũng không thể giải quyết những vấn đề của chúng ta được. Nhờ tinh thần gia đình, nhờ tinh thần hi sinh của ông già bà cả và tinh thần tháo vát tận tuỵ của phụ nữa, nhờ tinh thần đoàn kết của toàn dân trong cảnh nghèo chung, tôi tin rằng chúng ta sẽ giải quyết được mọi vấn đề khi mà bọn thực dân không còn xen vào việc riêng của chúng ta, chia rẽ chúng ta nữa. Đầu năm tôi không có một chuyện vui xuân để tặng các bạn, chỉ xin gởi các bạn một NIỀM TIN đó mà thôi. Mà niềm tin nào cũng là một niềm vui. Xin chúc các bạn TIN và VUI.
Sài Gòn 15.12.1974
(Phù Đổng Thiên Vương số 1 – 30.1.75)
Tết Ất Mão
Khi tôi viết bài này ai cũng biết rằng chiến tranh sắp chấm dứt, nhưng tôi không ngờ lại chấm dứt mau như vậy. Như có một linh cảm mơ hồ tự tiềm thức gì chăng, sao mà lời khuyên thanh niên hợp với thời mới thế. (ghi thêm 1977)HẾT