- 5 -
PHỎNG VẤN VỀ THỜI CUỘC CỦA BÁO HOÀI BÃO

(Người phỏng vấn: ký giả Lê Phương Chi trong toà soạn Hoài Bão).
 
(Hoài Bão là tờ báo của Hội Ái hữu cựu sinh viên Quốc gia Hành chánh, Sài Gòn)
 
 
Hỏi: Thực trạng chính trị miền Nam hiện nay thật phúc tạp: tranh chấp chính trị, dằng co giữa Chính quyền Dân và Quân sự, Tôn giáo nhập cuộc (bàn thờ Phật xuống đường, tăng ni tuyệt thực, Giáo dân biểu dương lực lượng…); và văn hoá (sáng tác nghèo nàn, tác phẩm đồi truỵ, đời sống văn nghệ sĩ đa số túng quẫn, ngành xuất bản khốn đốn, chế độ kiểm duyệt khắc khe, chính sách văn hoá vá víu v.v…). Có người cho rằng tại dân tộc ta chưa được huấn luyện về chính trị, anh có nghĩ vậy không?
 
Anh Nguyễn Hiến Lê cười:
 
- Những dân tộc Ấn Độ có được huấn luyện về chính trị không, mà sao W.W. Rostow, một nhà kinh tế và xã hội học Mỹ phải nhận rằng chính trị của họ ổn định và dân chủ hơn nhiều nước khác? Á, Phi và cả Âu nữa?
 
Tôi lặng thinh một chặp rồi nói:  
 
- Có người lại cho chúng ta trong hai chục năm nay không có một nhà lãnh đạo có tài, có đức, chỉ có toàn những những bọn “phù thuỷ tập sự về chính trị” do kiếm xôi thịt cho mình và bè đảng của mình…
 
Anh Nguyễn Hiến Lê ngắt lời tôi:
 
- Lời đó đúng. Không phải thời nào, dân tộc nào cũng có những người vừa có tài vừa có đức như Nehru; nhưng hạng người có tài có đức vừa vừa thôi thì tôi chắc nước ta không thiếu. Có điều là trong tình trạng bán thuộc địa (hiện tại) của chúng ta, hạng người đó không làm gì được. Anh thử nghĩ: Pháp thời trước và Mỹ thời nay có thể tin cậy mà ủng hộ những người như vậy không, những người liêm khiết có tinh thần quốc gia tương đối cao, tinh thần dân chủ sáng suốt, tinh thần bền bỉ hi sinh cho dân tộc? Vì những người đó mà cầm quyền thì tất họ không để cho ngoại nhân xen vào nội bộ của mình, giật dây mình mà tất phải đặt điều kiện minh bạch trong sự hợp tác, cả trong chương trình viện trợ nữa. Huống hồ những người đó thế nào cũng có một chính sách xã hội – xã hội chứ không phải Mác xít đâu nhé – mà thực dân Pháp, nhất là chính phủ Mỹ nghe tới danh từ “xã hội” cũng đủ ngán rồi. Không khi nào họ chịu ủng hộ một chính sách xã hội hơi tiến bộ mà dân chúng các nước chậm tiến như nước ta, từ Á tới Phi, đều đòi hỏi gấp chính sách đó.
 
Đến đây anh Nguyễn Hiến Lê nhìn thẳng vào mắt tôi mà cơ hồ không phải nói với tôi:
 
…Tóm lại, hễ còn người ngoại quốc xen vào nội bộ của chúng ta, hễ chúng ta còn tuỳ thuộc mọi phương diện thì chúng ta không thể nào có một chính phủ tốt được… Anh thử đặt vào địa vị người Mỹ: anh bỏ ra mỗi tháng hai tỉ Mỹ kim, đồng bào anh mỗi tháng phải hi sinh vài trăm mạng trên một dải đất nào đó thì ít nhất anh có đòi quyền quyết định về binh bị, ngoại giao, kinh tế, cả về nội trị trên dải đất đó không, và dân chúng trên dải đất đó có còn được chút quyền hành gì không? Tất nhiên anh cũng muốn trên dải đất đó có một chính phủ tương đối trong sạch, được lòng dân ít nhiều; nhưng điều anh muốn trước hết là chính phủ đó dễ bảo đã; nếu họ không dễ bảo thì anh phải tìm cách lật họ chứ, phải không?
 
Tôi cười rồi hỏi tiếp:
 
- Anh nghĩ thế nào về những vụ bàn thờ Phật xuống đường, Giáo dân biểu dương lực lượng?
 
- Việc Phật giáo vừa rồi đòi hỏi có một chính quyền dân sự là hợp lòng dân. Tôi chắc không một dân tộc nào thích có một chính quyền quân sự, vì có nhiều quyền quá thì dễ hoá ra độc tài, kiêu nhũng. Nhất là thấy chính quyền quân sự trong ba năm nay không được quyết định trong chiến tranh này – leo thang hay không là do Mỹ - cũng không có tiếng nói nào trong cuộc tiếp xúc với đối phương; rồi lại thấy xã hội quá xáo trộn vì sự hiện diện của quân đội Mỹ, cho nên Phật giáo đòi phải có một cuộc bầu cử để thành lập một chính quyền dân sự. Theo tôi sự đòi hỏi đó chính đáng. Tiếc rằng, Phật giáo quá tự tín mà lại chia rẽ, chưa gây được cảm tình của các giáo phái khác, chưa củng cố được nội bộ, lại mắc thêm nhiều nhược điểm nữa, nên thất bại. Người ta chỉ hiểu sức mạnh của đồng tiền mà không hiểu rằng sự khinh rẻ đồng tiền cũng là một sức mạnh. Họ thất bại nặng nề, có thất bại rồi mới thành công, và có những sự thất bại đáng quý hơn nhiều sự thành công…
 
Ít nhất cũng nhờ sự đòi hỏi của họ mà ta mới có cuộc bầu cử vừa rồi. Cuộc bầu cử này chưa làm vừa lòng được nhiều người mà nhiệm vụ của Quốc hội lại hạn chế ở việc Lập hiến. Ngay đến Quốc hội sau cũng chưa chắc làm được khi mà người Mỹ vẫn còn nắm quyền hành ở đây; nhưng dù sao có Quốc hội vẫn còn hơn là tám chục ông bà cố vấn chỉ định như trước đây.
 
Anh Nguyễn Hiến Lê xem lại câu hỏi rồi nói tiếp:
 
Về văn hoá, thực trạng không được tốt đẹp cũng do nguyên nhân trên: chúng ta không được hoàn toàn độc lập, không có chủ quyền, cái gì cũng tuỳ thuộc ngoại nhân. Tại sao mà các trường dạy Anh văn và các trường dạy chương trình Pháp phồn thịnh như vậy? Tại sao ở bậc Đại học chưa hoàn thành việc chuyển ngữ, rồi thêm một trường Y khoa dạy bằng tiếng Mỹ nữa? Tại sao sự kiểm duyệt mỗi ngày một khắc khe? Một chính quyền tốt không bao giờ sợ sự chỉ trích của dân, anh đồng ý chứ? Tại sao chính sách văn hoá lại vá víu? Tại sở Tu thư chỉ soạn những cuốn Vệ sinh lớp 5, toán lớp 4[1], trong khi học sinh thiếu những bộ tự điển Việt ngữ tạm đầy đủ? Tại nhân viên kém khả năng hay tại kẻ viện trợ chẳng hiểu gì về nhu cầu văn hoá Việt Nam? Phân tích kỹ, cuối cùng chúng ta sẽ thấy chỉ có một nguyên nhân kể trên: không có chủ quyền thì không thể có một chính phủ tốt, không có chính phủ tốt thì chính sách văn hoá không thể tốt được.
 
Nhưng trong khu vực văn hoá còn một số cây viết không ở trong chính quyền và có tâm huyết nên vẫn có được ít sáng tác tốt, thơ, tiểu thuyết, ít công trình khảo cứu đứng đắn.
 
Tình trạng hiện nay do chiến tranh mà ra. Hễ còn chiến tranh thì người Mỹ còn phải nắm hết quyền hành ở đây và chính phủ không làm gì được. Vậy:
 
1. Phải chấm dứt chiến tranh càng mau càng tốt;
 
2. Lại phải tranh đấu đòi lại quyền quyết định mọi việc về mình;
 
3. Sau cùng phải có một cuộc cách mạng xã hội để phá bỏ hết những cái cũ thối tha mà xây dựng lại.
 
Phải tịch thu tài sản của bọn phản quốc đã làm giàu từ xương máu đồng bào từ 1945 đến nay. Phải thay đổi guồng máy hành chính thốt nát kinh khủng. Có ai tưởng tượng được không? Một phòng có mười bàn mà chỉ có ba bàn có nhân viên ngồi, một nhân viên đọc báo, một nhân viên học tiếng Anh, nghĩa là mười người chỉ có một người làm việc. Báo Quyết tiến hay Chính luận mới mỉa mai một công sở nọ là trường nữ công vì nữ nhân viên nào cũng ngồi đan áo.
 
Anh thử tưởng tượng gởi thư từ đường này đến đường khác ở Sài Gòn mà mất 7 ngày, điện tín từ Long Xuyên xuống Bạc Liêu mất 4 ngày!
 
Sở Văn hoá mỗi năm ra được mấy số Văn hoá nguyệt san? Và có ai tính thử xem để ra mấy số đó, ngân quỹ tốn mất bao nhiêu, mấy trăn ngàn đồng để nuôi bao nhiêu nhân viên?
 
Từ cấp Đại uý trở lên, ông nào cũng có xe hơi và lính hầu lái xe. Còn dinh một Bộ trưởng ít nhất cũng có 3 hoặc 4 người gác. Tổng thống Israel, Ben Gourion hồi tại chức, trong nhà không có lính, chỉ có một chị ở, tối chị về nhà mình, ông phải pha cà phê lấy để tiếp khách rồi rửa ly lấy. Nhưng Israël là nước có chủ quyền.
 
Còn nạn hối lộ thì khỏi nói. Thiếu tướng Kỳ cũng chịu thua rồi, nên mới dẹp pháp trường cát đi. Sống thời chiến này, chúng ta cũng rút được một số kinh nghiệm là đừng vội tin lời tuyên bố nào cả, chỉ tin mỗi một luật này thôi: không có chủ quyền thì không thể có chính phủ tốt.
 
Bây giờ tôi xin trở lại những vấn đề tôi đã nêu lên khi nãy:
 
1. Chấm dứt chiến tranh. Bourguiba bảo chiến tranh này là chiến tranh giữa Mỹ và Trung Quốc, họ gườm nhau ở Thái Bình Dương này, khi nào họ thấy ngán nhau thì chiến tranh mới hết được. Dân tộc chúng ta ở trong một thế bí. Thế giới cũng chẳng giúp gì được mình cả vì họ gần như bất chấp thế giới; vả lại thế giới cũng chính là họ, có nước nào không đứng về phe này hay phe khác?
 
2. Tranh đấu để đòi lại quyền tự quyết. Còn chiến tranh thì sự tranh đấu này chẳng có kết quả gì nhiều. Phật giáo đã tranh đấu và thất bại.
 
3. Còn chiến tranh thì không làm cách mạng xã hội được vì người ta sẽ đàn áp thẳng tay. Khoa học tiếng bộ thì sự đàn áp của chính quyền càng tiến bộ. Chính quyền nước nào cũng vậy, có cả ngàn phương tiện vô cùng hữu hiệu để đàn áp, cá nhân thành con số không. Cho nên thời này không còn anh hùng cá nhân nữa, anh hùng cá nhân tất phải chết; đại chúng phải tổ chức, kết hợp nhau lại hơn hồi xưa. Khoa tâm lý quần chúng phát triển vì vậy, chiến cuộc bất bạo động phát triển vì vậy, mà khoa tuyên truyền phát triển song song cũng vì vậy; không có chính quyền nào không “vider la foule”; dân chúng Pháp không muốn có chiến tranh ở Việt Nam, ở Algérie, mà chính quyền vẫn bắt họ phải đổ máu vì hai cuộc chiến tranh đó.
 
Như vậy giới trí thức khó làm gì được lúc này trong ba việc tôi nêu trên. Chỉ có thể dự bị tiếp xúc với đồng bào, gây ảnh hưởng, truyền bá những tư tưởng tiến bộ trong mọi giới và giúp đỡ mọi người rồi sẽ có một lúc toàn dân giác ngộ và đoàn kết. Tôi nghĩ giá có một đảng hay một giáo phái nào thuyết phục đảng viên hay tín đồ giúp được những việc nhỏ nhặt cho dân – chẳng hạn hốt những đống rác ở đường phố Sài Gòn này đi – anh có thấy Sài Gòn lúc này như một con vật khổng lồ đương thối rã không? – Trừ được bọn cao bồi, dạy dỗ trẻ em trong giới lao động để chúng khỏi lêu lỗng… làm những công việc như Donilo Dolci làm ở đảo Sicile thì trong năm mười năm phong trào đó lan tràn khắp xứ mà đảng đó, hay giáo phái đó tự nhiên được quốc dân đưa vào Quốc hội hoặc giao cho quyền hành lãnh đạo, chẳng phải tranh giành với ai hết. Không có công lao với quốc dân thì đừng hòng lãnh đạo dân.
 
- Riêng bọn cầm bút chúng ta có thể làm được gì theo ý anh?
 
- Tranh đấu cho Việt ngữ được dùng trong các phân khoa Đại học, cho các loại sách báo, phim, tuồng đồi truỵ bị cấm, truyền bá những kiến thức mới trong dân chúng – dân mà thiếu học thì khó giác ngộ, dễ bị tuyên truyền lừa bịp – nhất là tranh đấu cho tự do ngôn luận.
 
Chỉ tranh đấu cho những cái nhỏ mọn đó thôi mà mười năm nay chúng ta vẫn chưa được một thắng lợi nào cả: Việt ngữ vẫn bị khinh, ở bậc Đại học vẫn dạy bằng ngoại ngữ, sách giáo khoa Đại học vẫn chưa có, sở kiểm duyệt mỗi ngày một gắt gao. Còn tranh đấu mười năm, hai mươi năm nữa.
 
Philippe Semmelweiss, một y sĩ Hung Gia Lợi chiến đấu hơn mười năm để đòi nhà cầm quyền bắt các y sĩ khử độc bàn tay trước khi đỡ đẻ - một việc rất hợp lý và dễ dàng – mà rốt cuộc ông thất bại đến nỗi buồn rầu quá hoá điên rồi tự tử. Còn Florence Nichtingale phải chiến đấu ba mươi năm, nhà cầm quyền Anh mới chịu tổ chức lại các nhà thương trong quân đội. Trừ được cái xấu không phải là dễ. Nếu ba mươi năm mà thành công được cũng là may rồi. Phải kẻ trước người sau tiếp tục hoài mới được.
 
- Với hiện trạng đất nước ta, nên đặt tin tưởng vào lứa tuổi nào, thành phần nào trong xã hội?
 
- Thanh niên bao giờ cũng hăng hái, nhiều lý tưởng hơn người già. Đặc biệt trong các nước chậm tiến, luôn luôn các sinh viên đóng vai trò quan trọng trong việc cải tiến xã hội. Đọc lịch sử Trung Hoa trong tiền bán thế kỷ này, thấy trong các cuộc vận động Ngũ Tứ, Ngũ táp, sinh viên bao giờ cũng đi tiên phong. Rồi gần đây, thanh niên Ai Cập, Đại Hàn, Tunisie… đều hoạt động mạnh trong công việc cứu quốc. Chính phủ nào cũng đàn áp họ nhưng quốc dân bao giờ cũng ghi công họ.
 
Nhưng muốn làm được nhiệm vụ, thanh niên phải tranh đấu cho quốc gia và dân tộc, không để cho người mua chuột. Tất nhiên họ có thể đứng vào hàng ngũ này hay hàng ngũ khác nhưng luôn luôn phải để quyền lợi của dân trên hết.
 
Họ không nên coi sự hoạt động chính trị là chính, chỉ nên can thiệp khi quốc dân bị đàn áp, khi quốc gia lâm nguy hay bị nhục; như vậy cuộc vận động của họ xuất phát từ lòng công phẫn sẽ có một ý nghĩa cao cả và tất thanh công vì được sự hưởng ứng của toàn dân; còn những chuyện lặt vặt về chính trị họ nên để mặc cho các giáo phái, đảng phái, mà chỉ nhận định, phê bình một cách nhã nhặn và công tâm thôi.
 
Tôi muốn họ nghiêm trang một chút. Thời nay, dù muốn hay không, ai cũng mang một phần trách nhiệm về tương lai của dân tộc, mà quá vui vẻ trẻ trung tới nỗi truỵ lạc, chửi đổng theo kiểu một số môn đệ của Sartre[2], lúc nào cũng làm bộ nôn mửa thì người ta thấy chướng lắm. Xã hội thối nát, phải. Nhưng chúng ta bất lực không làm gì thì cũng đáng tự trách.
 
Tôi tiếc rằng sau ngày 1.11.63, thanh niên Việt Nam hăng say chỉ muốn phục vụ tổ quốc mà các nhà cầm quyền không biết lợi dụng cao trào đó. Rồi gần đây, nghe nói một thanh niên, sinh viên bị mua chuộc, hàng ngũ chia rẽ, suy nhiều. Những kẻ vì tư lợi mà chia rẽ thanh niên, làm cho họ thối nát là những kẻ có tội với quốc dân, giết tương lai của dân tộc. Chỉ nội một việc Mustapha Kémal biết tôn trọng thanh niên, lập ra tuần lễ thanh niên, khuyến khích họ lưu tâm tới việc nước, chỉ nội việc đó cũng đủ cho người ta khen ông rồi.
 
Còn thành phần nào trong xã hội đáng tin, thì tôi nghĩ, nhất định chúng ta không thể trông cậy được một chút gì ở bọn người đã lãnh những nhiệm vụ quan trọng trong chánh quyền từ năm 1945, bọn người mà chủ nào cũng thờ được.
 
Các chánh đảng của chúng ta chỉ có danh mà không có thực, nội bộ nát bét, một số người bị mua chuộc, không được quốc dân tin cậy. Các giáo phái còn có chút uy tín nhưng họ phải bỏ thói chống đối nhau đi, bỏ tư lợi đi, chỉ lo cho dân thôi thì mới hòng nên việc được. Và tuyệt đối không nhận một sự trợ cấp, một ân huệ nào hết.
 
Tại các nước tân tiến, tôn giáo và chính trị là hai khu vực riêng biệt, nhưng ở những nước Á châu mới thoát khỏi ách thực dân như nước ta, có lẽ trong giai đoạn này, tôn giáo phải đứng ra để đoàn kết và hướng dẫn nhân dân, vì các đảng chính trị chưa gây được uy tín.
 
- Anh có tin tưởng xã hội Việt Nam sẽ tốt đẹp hơn không?
 
Anh có hình dung tương lai sẽ đưa chúng ta đi đến đâu không?
 
- Anh muốn nói tương lai gần hay tương lai xa? Gần thì trong năm nay hay sang năm, chắc mỗi ngày càng bi đát hơn. Hơi xa xa khoảng năm mười năm nữa thì không ai đoán được, vì mọi việc tuỳ chiến tranh này mà chỉ có Mỹ và Trung Quốc là quyết định về chiến tranh này thôi.
 
Nhưng nếu xa hơn nữa, khoảng ba chục năm nữa chẳng hạn thì tôi có thể tin rằng tương lai Việt Nam sẽ đẹp. Vào cuối thế kỷ này, Đông và Tây phải giải quyết xong sự xung đột của họ: một là họ khôn mà lại chung sống hoà bình chỉ còn tranh chấp nhau trên khu vực kinh tế, văn hoá; hai là họ dại mà tận diệt nhau bằng bom hạch tâm.
 
Lúc đó, cuối thế kỷ này, Việt Nam sẽ có một địa vị khả quan ở Đông Nam Á. Trong cuốn Một niềm tin (đoạn kết phần II) tôi đã trình bày lý do rồi: dân tộc ta có nhiều đức tín tốt, có đủ điều kiện để trở thành một quốc gia tân tiến, phồn thịnh. Ai Cập có một thần thoại rất đẹp: chim phượng hoàng sống 500 năm thì tự thiêu thành tro rồi từ trong tro đó tái sinh, đẹp đẽ hơn trước, và lần này thì bất tử. Tôi tin rằng dân tộc ta sẽ tái sinh sau chiến tranh này.  
 
Tôi nghĩ rằng chúng ta chẳng cần ganh đua với Âu Mỹ, vì nước mình nhỏ lại tiến sau họ quá xa, chỉ cần sao cho dân chúng đủ ăn, được săn sóc khi đau ốm, được học hành hết bậc trung học, có một nghề, nhất là khỏi tuỳ thuộc nước ngoài về những cái lặt vặt mà được tự chủ, không cần nhiều thứ xa hoa, không cần phim cao bồi, khiêu dâm, nhưng cần có sách để đọc, có nhạc vui để nghe, không có người giàu quá, kẻ nghèo quá, cứ như Thuỵ Điển, Na Uy mà lại hơn là như Mỹ; các tôn giáo hoà hảo với nhau, nhà cầm quyền có tư cách, xứng đáng; tình trong gia đình, học đường, xã hội không nhạt nhẽo như ngày nay.
 
- Thái độ của anh với sự có mặt của người ngoại quốc đang chi phối mọi sinh hoạt quốc gia Việt Nam hiện nay? Nếu anh không chấp nhận sự có mặt của họ, anh đề nghị những biện pháp gì để giải quyết?
 
- Anh cứ mở lịch sử ra thì biết. Dân tộc Việt Nam rất quý những người ngoại quốc đến khai hoá thực tình chúng ta như Nhân Diên, Tích Quang…; chúng ta cũng vui vẻ tiếp đón những thương nhân hoặc nhà truyền giáo của họ, nhưng mỗi khi họ xen vào nội bộ của chúng ta thì dân chúng thù oán họ, thù oán cả kẻ mượn thế lực họ, để lập lại trật tự trong nước. Tôi xin hỏi anh: anh có chê Gia Long không? Có khinh Lê Chiêu Thống không? Có sùng bái Quang Trung không? Tâm lý đó hình như các nước phương Tây vẫn chưa hiểu ta. Bao nhiêu chính sách thực dân từ trước tới nay đều thất bại chỉ tại người ta không thực sự tôn trọng chủ quyền của dân bản xứ.
 
Mỹ đã giúp chúng ta nhiều lắm. Nhưng quân đội của họ cũng làm cho xã hội chúng ta xáo trộn quá lắm. Nhất là họ nắm hết quyến quân sự, ngoại giao, kinh tế, thành thử chúng ta có cảm tưởng rằng chiến tranh này là chiến tranh của họ với Trung Quốc chứ không phải của chúng ta.
 
Chúng ta không thể mời họ về nước ngay lúc này được. Cái gì cũng lệ thuộc họ từ cây đinh tới giọt xăng, cả hột gạo nữa. Đành rằng họ đi thì không thiếu gì các cường quốc sẽ tự nguyện vào thay họ; nhưng cường quốc nào thì cũng như nhau, không có lợi cho họ thì họ tới đây làm gì? Dân tộc Anh, dân tộc Pháp… có thể tốt, nhưng chính phủ Anh, chính phủ Pháp… hay bất kỳ chính phủ nào cũng không thể tốt với một dân tộc nhược tiểu ở dưới quyền hay dưới sự ảnh hưởng của mình được.
 
Không còn chế độ thực dân kiểu tiền chiến nữa. Nhưng vẫn còn tinh thần thực dân, tinh thần bắt buộc các nước nhược tiểu về phe mình, để phe mình mạnh lên mà chống phe đối thủ. Bi kịch của nhân loại thời nay là sự tranh chấp giữa Đông và Tây, và các nước nhược tiểu tuy bề ngoài độc lập mà sự thực là lệ thuộc, không muốn lệ thuộc, họ cũng không cho, họ bắt mình phải là quân tốt trong ván cờ của họ.
 
Đã không thể mời họ về lúc này được thì chỉ còn có thể tỏ rằng họ không được lòng dân ở đây như họ tưởng đâu: tại một tỉnh nọ ở Hậu Giang, nghe tin quân đội Mỹ sẽ tới nhiều, chỉ trừ có một số người có khách sạn, có bar, và một số gái điếm là thích, còn dân chúng thì lo ngay ngáy, vật giá sẽ tăng, con cháu sẽ hư hỏng, xã hội sẽ tan vỡ và bọn quỉ càng lộng hành.
 
Các ông ấy hiểu như vậy thì nên liệu cách rút ra khỏi châu thành sơm sớm, tổ chức sống riêng biệt ở những khu nào đó, bớt tiếp xúc với dân chúng Việt Nam đi, nhất là họ phải lo giải quyết chiến tranh này cho mau mau đi. Nhất định là lúc này họ chưa đánh Trung Quốc đâu, mà cũng không nghĩ chuyện đổ bộ lên miền Bắc vì muốn vậy họ phải dùng tới cả triệu quân, tốn cả chục tỉ Mỹ kim mỗi tháng, mà có dù chiếm được Hà Nội, Hải Phòng, chiếm được hết các châu thành miền Bắc, lập được một chính phủ bù nhìn thì cũng chẳng diệt được Cộng sản, Việt cộng sẽ đánh du kích 10 năm hoặc lâu hơn nữa, vì còn cả cái khối 700 triệu dân ở sau lưng họ. Hiểu như vậy tổng thống Johnson tuyên bố hoài rằng không muốn lật đổ chính phủ Hồ Chí Minh.
 
Đáng buồn rằng là dân tộc chúng ta chẳng được biết chút gì về cuộc trả giá đó.
 

Tháng 9/1966

 

Lê Phương Chi ghi lại[3]

 

°

° °

Chú thích:
[1] Chắc cụ Nguyễn Hiến Lê muốn nói lớp năm, lớp tư (nay là lớp 1, lớp 2)? (Goldfish).
[2] Sartre (1901-1977) tên đầy đầy đủ là Team Paul Sarte, giáo sư, văn sĩ, triết gia Pháp. Ông là cha đẻ triết thuyết hiện hữu (sinh) chủ trương tự do vì xã hội con người đang hiện hữu là “buồn nôn” cả. (BT).
[3] Lê Phương Chi còn có bài phỏng vấn cụ Nguyễn Hiến Lê vào năm 1980: bài “Tâm tình học giả Nguyễn Hiến Lê” (xem Nguyễn Hiến Lê – Con người và tác phẩm, Nhiều tác giả, Nxb Trẻ, năm 2003). (Goldfish).