Chương 14

    
rước khi mùa hè tàn tạ cùng với mọi loài hoa cuộc sống trong căn lều chấm dứt khác hẳn so với những gì họ tưởng. Một hôm Goldmund  đi dạo đã lâu trong vùng với chiếc ná trên tay, mong kiếm được một con gà gô hoặc một con thịt nào khác, bởi vì thực phẩm đã trở nên khá hiếm hoi. Lene cùng đi, đang đứng gần đo, mót một ít quả dâu tằm. Đôi lúc thoáng qua, cậu nhìn thấy đầu nàng nổi lên trên các bụi cây với chiếc áo sơmi vải và chiếc cổ màu nâu hoặc nghe nàng hát. Có lần, cậu đến kề bên nàng nhấm nháp vài quả dâu tằm rồi lẩn đi xa một hồi lâu mất hút nàng. Goldmund nghĩ đến Lene, với tấm lòng trìu mến nhưng cũng có chút oán hận: Nàng lại nói về mùa thu và tương lai, ngụ ý rằng mình đã có thai và không muốn để cho cậu ra đi. “Này đây lúc kết thúc đến gần, cậu tự nhủ - chẳng bao lâu nữa, thế cũng vừa, bấy giờ mình lại ra đi một mình, mình cũng chia tay với Robert. Sang mùa đông, mình muốn trở lại thành phố lớn bên thầy Niklaus, ở lại đó cả thời gian thời tiết xấu; cho đến mùa xuân sẽ mua một đôi giày mới, lại lên đường tìm về Mariabronn về với tu viện của chúng mình, gặp thăm Narcisse. Thế mà đã mười năm rồi mình không thấy mặt bạn. Mình cần phải tìm gặp lại, cho dù trong một hai hôm”.
Một âm thanh chưa từng nghe bao giờ bỗng nhiên dứt cậu ra khỏi các suy nghĩ; cậu nhận thấy các ý nghĩa và mong ước của mình đã kéo cậu đi xa nơi vừa rồi. Cậu lắng tai nghe, tiếng thét lạc giọng lại vang lên. Tưởng chừng nhận ra giọng của Lene, cậu liền đi về phía ấy mặc dù cậu không thích nàng gọi. Không bao lâu, cậu đến khá gần - đúng là giọng của Lene và nàng gọi tên cậu, như thể nàng đang gặp phải một hiểm họa ghê gớm. Cậu nhanh chân bước đến vẫn hơi tức giận, nhưng các tiếng thét lập lại, lòng trắc ẩn và lo âu trội lên. Rốt cuộc, cậu trông thấy nàng đang ngồi bệt trên mặt đất, áo sơ mi rách tươm, la hét và chống lại một người đàn ông muốn ra tay dùng bạo lực với nàng. Goldmund nhảy thốc tới mấy bước với tất cả cường lực. Mọi bực bội, lo lắng và buồn phiền trong người cậu bỗng chuyển thành một sức mạnh điên cuồng chống lại kẻ đang gây tội ác. Lúc hắn vừa ghì Lene xuống đất, phanh bộ ngực của nàng bị thương đầy máu me, và thèm thuồng ôm lấy nàng, cậu liền chộp lấy hắn, hai bàn tay gầy căng đầy hờn căm bóp chặt cổ hắn dưới bộ râu mềm mại. Cứ thế, cậu say máu thít càng dữ dội, cho đến lúc tên kia phải buông cô gái và đành chịu phép, bất lực. Cậu tiếp tục bóp cổ và kéo lết hắn đi; kẻ gây tội ác không thể chống trả được, kiệt sức, nằm gần chết bên mấy mỏm đá màu nâu trồi trên mặt đat. Tại đây, với tất cả trọng lượng của hắn, cậu xốc nách hắn tung lên và cho rơi xuống đất hai ba lần rồi đập đầu hắn vào một mỏm đá.
Vẫn chưa nguôi căm giận, cậu còn muốn hành tội hắn lâu hơn nữa, rồi vứt thi thể hắn ở đó, để lộ mấy chiếc xương sườn gãy nát.
Lene nhìn, mặt mày hớn hở. Nhưng ngực cô gái chảy máu ròng ròng, toàn thân run rẩy. Cố lấy lại hơi thở cô đứng lên; vẻ vui thích và ngưỡng mộ, cô nhìn người bạn trai dũng mãnh đã trừng trị đích đáng tên đàn ông quái ác. Cái xác không hồn của  hắn nằm đó, như một con rắn đã bị giết chết, nhiều khớp xương gãy nát, mềm nhũn, bộ mặt với râu ria xồm xoàm và bộ tóc rủ ngật ra phía sau một cách thảm hại. Với cảm giác chiến thắng, Lene nhào đến ôm chầm lấy ngực Goldmund; nhưng nàng bỗng tái mặt, các nỗi lo âu khắc khoải vẫn còn đó, kiệt sức, nàng ngã khuỵu xuống giữa bụi cây mía. Nhưng rồi nhờ có anh bạn, dìu nàng sớm về lại căn lều. Goldmund rửa sạch ngực nàng, một bầu vú còn mang dấu răng cắn của quái nhân.
Rất bồn chồn, Robert say sưa hỏi lại từng chi tiết trong cuộc đấu ấy.
- Bạn nói sao? Gãy ở gáy ư? Quả là một chiến công rực rỡ! Goldmund, bạn là một người quyết đấu đáng gờm!
Nhưng Goldmund không thích kể nhiều hơn. Nay cậu đã bình tĩnh lại. Rời xa cái xác chết cậu không khỏi nghĩ đến Víctor, kẻ vô lại đáng thương và cậu tự nhủ đã có hai người chết dưới bàn tay mình. Để đẩy Robert đi, cậu tuyên bố:
- Bây giờ về phần anh, anh rất có thể làm gì đó. Vậy anh hãy đi nhặt cái xác chết. Nếu đào một huyệt quá khó đối với anh thì hãy đem hắn vứt xuống hồ nước có các đám lau sậy, hoặc chèn đất đá lên trên.
Nhưng lời đề nghị ấy liền bị gạt đi. Robert  không muốn đụng đến các thây ma. Làm sao biết được người ta chẳng mang trong người các mầm bệnh dịch hạch.
Lene nằm ngủ trong lều. Vết cắn trên bầu vú làm cho cô đau buốt, tuy nhiên sớm cảm thấy dễ chịu hơn, cô ngồi dậy đi nhóm lửa, nấu sữa ăn buổi chiều. Cô cảm thấy tinh thần phấn chấn, nhưng anh bạn hối cô đi ngủ sớm. Rất ngưỡng mộ Goldmund, nàng nghe theo như một chú cừu non. Nhưng cậu cứ lặng lẽ và rầu rầu; Robert hiểu, biết cần để cho cậu được yên. Đã khuya, cậu vào ổ nằm, nghiêng người trên mình Lene, lắng tai nghe, nàng đang ngon giấc. Cậu đâm ra lo âu, nghĩ đến Victor cậu càng kinh sợ,  cảm thấy bức xúc lại phải nay đây mai đó; Cậu có ấn tượng rõ là cuộc sống vui thú ở nhà đã kết thúc. Nhưng có một điều khiến cậu phải đặc biệt suy nghĩ. Cậu đã bắt gặp thoáng qua cái nhìn của Lene khi cô trông thấy cậu bế xốc cơ thể tên khốn nạn vứt ra đằng xa. Một cái nhìn kỳ lạ; cậu biết được mình không sao quên được cái nhìn ấy: Trong đôi mắt mênh mông đầy khủng khiếp và mừng vui của nàng, ánh lên một niềm tự hào, một chiến thắng, một thích thú cùng chia xẻ trả thù và hành động giết người mà cậu chưa hề trông thấy cũng như chưa bao giờ ngờ đến trong gương mặt một phụ nữ. “Không có cái nhìn ấy, cậu nghĩ, - có lẽ một ngày nào đó mình sẽ quên bộ mặt của Lene. Cái nhìn ấy đã khắc họa trên khuôn mặt thôn nữ trẻ trung của nàng cái vẻ cao quí, thanh nhã và khủng khiếp, đã qua bao nhiêu tháng điều mắt mình chẳng trông thấy thì nay bật lên ở mình điều ước vọng: “Đây là một chi tiết cần phải vẽ!” trước cảnh tượng ấy, với một cảm xúc sợ sệt, cậu lại cảm thấy muốn bỏ qua ý thích ấy.
Không ngủ được, cuối cùng cậu đứng lên, bước ra khỏi căn lều. Bên ngoài, khí trời mát mẻ; gió nhẹ thổi qua rặng cậy bạch dương. Cậu đi bách bộ trong đêm tối, rồi ngồi ghé một hòn đá, chìm trong các suy nghĩ và một nỗi cô  quạnh đến tuyệt vọng. Lòng buồn trĩu nặng bởi tại Victor và bởi tại kẻ cậu vừa giết chết hôm nay, cậu khóc cho sự vô tội của mình đã mất đi đồng thời với tính trong sáng thơ trẻ của tâm hồn mình. Có phải vì thế mà cậu đã trốn khỏi tu viện, rời bỏ Narcisse, làm tổn thương thầy Niklaus và từ chối với Lisbeth? - để cắm lại ở đây trên một vùng đồng đất, rình mò đàn gia súc sổng chuồng và giết chết kẻ ngu đần đáng thương ấy tại đằng kia, trên các mỏm đá? Tất cả những gì ấy có ý nghĩa, có đáng để sống trải qua không? Tim cậu thắt lại với ký ức về những điều ngu ngốc ấy. Cậu cảm thấy chán chường với bản thân mình. Cậu quay người lại, nằm ngửa, nhìn lên các đám mây tái xám ban đêm; cac ý nghĩ của cậu miên man lạc lối trong cuộc chiêm ngưỡng dài lâu ấy, cậu không còn biết nữa đó có phải là mây trời hay nỗi buồn trong tâm tư mình hiển hiện ra như thế. Bỗng nhiên trong khi ngủ thiếp đi bên mỏm đá, cậu thấy xuất hiện giữa các đám mây bồng bềnh, lóe lên như một ánh chớp bộ mặt to lớn tái xanh, bộ mặt của Eva với cái nhìn nặng trĩu che mờ: Bỗng nhiên bà mở to mắt, đôi mắt mông mênh, độc ác và vui thú. Goldmund ngủ thiếp cho đến khi sương sớm rơi xuống, đánh thức cậu dậy.
Hôm sau, Lene ngã bệnh, nằm nghỉ. Hai người đàn ông có khối công việc phải làm: Từ sáng sớm Robert gặp trong khu rừng nhỏ hai con cừu, chúng liền chạy toán loạn trước mặt anh ta. Goldmund được báo, đã cùng với Robert bỏ hơn nửa buổi bắt được một con. Chiều lại, họ trở về với con cừu, rất mệt mỏi; Lene nằm đó, vật vã với cơn bệnh. Goldmund nhìn nàng, sờ vào người thấy nổi lên các hạch chỉ báo là Lene vẫn đang ốm, cậu không nói ra điều mình vừa phát hiện. Robert ngờ vực, không ở trong lều, liền tìm bên ngoài một góc để ngủ; anh ta muốn đưa con dê theo với mình, theo anh ta nghĩ, cũng để tránh nó khỏi bị lây bệnh.
Tôi không còn muốn nhìn mặt anh nữa. Lene đang chết, tôi cũng vậy, đã nhiễm bệnh rồi. Thật ra đó là một lời nói dối, để đẩy anh bạn đi cho rảnh. Cậu đã chán ngấy chàng Robert ấy; cho dù tốt bụng, anh ta quá hèn và quá bé nhỏ đối với cậu, không giữ được vị trí trong những tình thế khó khăn, dưới các cơn bão táp dường ấy của định mệnh. Robert đi biến, không trở lại nữa. Mặt trời lên, tỏa sáng rạng rỡ.
Khi Goldmund trở lại bên Lene, cô đã ngủ. Cậu cũng ngả lưng xuống, thiếp đi. Trong mộng, cậu thấy lại con ngựa Bless của mình hồi thơ ấu, cây dẻ đẹp của tu viện. Có cảm giác đang ở tại những vùng đất xa xôi và hoang dã, cậu ném một cái nhìn về phía địa đàng thời trai trẻ dịu ngọt của mình đã mất đi; và khi thức giấc, cậu nghe thấy có những giọt lệ lăn trên má, thấm vào bộ râu hoe vàng. Nghe Lene nói với giọng của người sắp chết, cậu tưởng nàng gọi mình, chồm ngồi dậy; nhưng nàng không nói với ai, chỉ thầm thì mấy từ trong  cõi mơ hồ: Những lời âu yếm, các tiếng mắng mỏ, mỉm cười một chút, rồi thở ra và khóc thổn thức, tiếp đó nguôi dần - Goldmund  đứng lên, nghiêng mình trên khuôn mặt của nàng đã biến dạng, tò mó theo dõi các nét đang quằn quại và rối loạn thảm hại dưới hơi thở hủy hoại của cái chết. Tự đáy lòng, cậu thủ thỉ:
- Lene thân yêu, em bé dịu hiền thương mến, em cũng muốn rời anh rồi sao? Em chán anh rồi sao?
Cậu những muốn bỏ trốn. Ra đi, đi, cứ đi, hít thở lấy không khí ngoài trời, làm lụng cho đến rã rời, nhìn thấy các hình ảnh mới lạ, như vậy cậu sẽ thấy dễ chịu hơn, có lẽ vẽ làm khuây khỏa tâm tư cậu đang quá trĩu nặng. Nhưng không thể, cậu không thể bỏ mặc cô bé này chết một mình ở nơi đây. Thỉnh thoảng cậu đánh liều đi ra bên ngoài vài tiếng đồng hồ, hít lấy không khí thoáng đãng. Bởi Lene không chịu uống sữa nữa, cậu dùng cả số sữa vắt được, ngoài ra cũng chẳng có gì để ăn. Nhiều bận cậu dắt con dê cùng đi ra ngoài cho nó gặm cỏ và vận động. Sau đó cậu lại túc trực trên đầu  ổ nằm của Lene, thủ thỉ với nàng những lời âu yếm, đôi mắt dán chặt vào khuôn mặt nàng, quan sát một cách tuyệt vọng nhưng chăm chú từng bước hành trình của cái chết, nàng vẫn hoàn toàn tỉnh táo, đôi khi ngủ thiếp; thức dậy, nàng lim dim đôi mắt dưới các hàng mi đờ đẫn không còn sức mở to. Ở vùng mắt và mũi, từng giờ cô gái có vẻ già thêm trước tuổi. Từ chiếc cổ còn son trẻ của nàng, nay hiện ra một gương mặt bà lão sớm tàn tạ. Không mấy khi nàng thốt ra lời nào, chỉ gọi “Goldmund” hoặc “anh yêu”, gắng gượng thấm lưỡi ở các làn môi sưng phồng và tái xám. Bấy giờ, cậu nhỏ cho nàng mấy giọt nước.
Đêm hôm sau nàng qua đời. Nàng ra đi, không một lời than vãn, chỉ co giật nhẹ rồi hơi thở ngừng bặt, và làn da khẽ rung động. Nhìn cảnh ấy, lòng cậu se lại; cậu nghĩ đến những con cá đang giẫy chết cậu thường thấy và thương xót cho chúng ở các chợ. Cũng giống như thế, chúng tắt lịm sau khi quẫy nhẹ, và một rung động khẽ truyền lên làn da, cuốn theo mất vẻ tươi sáng và sự sống của chúng. Hồi lâu cậu vẫn quì bên nàng, rồi bước ra ngoài ngồi trên đám thạch thảo. Nghĩ đến con dê, cậu vào dắt nó ra. Sau khi quơ ít lá cây vào mồm, con vật nằm trên nền đất. Cậu nằm xuống bên nàng, tựa đầu vào cạnh sườn nàng, ngủ cho đến sáng. Bây giờ cậu vào trong căn lều, nhìn qua vách ngăn một lần cuối cùng nét mặt khốn khổ của người con gái đã qua đời. Để nàng lại đó, cậu cảm thấy ghê rợn. Đi nhặt mấy ôm củi khô, cậu ném vào căn lều và châm lửa. Cậu không mang bất cứ vật gì, trừ viên đá lửa. Trong chốc lát, tấm vách ngăn bằng cây đậu Kim đã khô cháy bùng lên. Đứng ở bên ngoài, cậu nhìn khuôn mặt Lene nám lửa, cho đến khi tất cả cháy bùng lên, các cây sươn nhà đầu tiên đổ xuống. Con dê lo sợ, nhảy lông nhông và kêu the thé. Đập chết con vật và cắt lấy một miếng nướng ăn để lấy sức lên đường hẳn là khôn ngoan, nhưng cậu không thể làm được. Cậu thả con dê, nó vùng chạy trên cánh đồng. Khói từ đám cháy theo cậu cho đến khi vào rừng. Chưa bao giờ cậu lên đường trong tình trạng tuyệt vọng như thế.
Tuy vậy, những gì đang chờ đợi cậu còn tồi tệ hơn là cậu có thể nghĩ đến. Bắt đầu từ các trang trại, các làng gặp đầu tiên, rồi cậu càng đi tới, tình hình càng trầm trọng. Cả vùng, cả xứ này đều phủ dưới đám mây của sự chết chóc, một tấm mạng khủng khiếp và lo âu làm cho các tâm hồn trở nên u ám; và điều tồi tệ không phải chỉ  có những ngôi nhà hoang vắng, chó chết thối rữa hàng loạt, mà còn có bao nhiêu người chết không ai chôn cất, trẻ con đi ăn xin, các hố chung trước thành phố. Điều tồi tệ là những người còn sống bị nỗi kinh hoàng và lo lắng chết chóc đè nặng, dường như chẳng còn trông thấy gì, hồn xiêu phách lạc. Ở đâu đâu khách đi đường cũng gặp những chuyện kỳ lạ và khủng khiếp. Có những người làm cha làm mẹ đành lòng lìa bỏ con cái, chồng bỏ vợ khi họ ngã bệnh. Các phu dọn xác chết và trợ lý ở các bệnh viện ngự trị không khác gì bọn đao phủ ra tay hôi của ở các nhà không chủ, tùy nghi bỏ mặc người chết không được chôn, kéo lê những người còn sống ra khỏi giường trước khi họ tắt thở, vứt họ lên các xe xác. Những người trốn thoát hốt hoảng, đi lang thang cô độc, trở nên hoang dã, lẩn tránh  mọi quan hệ giao tiếp, luôn bị nỗi lo chết chóc đuổi theo. Những kẻ khác tức giận và kinh sợ, thúc đẩy bởi ước mong sống còn, tập hợp vời nhau thành từng nhóm, lao vào tiệc tùng và nhảy nhót, mua  vui trong các lễ hội yêu đương mà thần chết là nhạc công kéo đàn vĩ cầm cho họ. Những người khác, bị tàn phá và buồn đau, đôi mắt lơ láo, ngồi xổm trước các nghĩa địa hoặc trước các ngôi nhà của họ vắng vẻ hơn trước. Và điều tồi tệ hơn cả, mỗi người tìm lấy một kẻ bung xung cho nỗi khốn khổ không sao có thể chấp nhận được của mình. Mỗi người cho rằng mình biết kẻ thủ phạm, nguyên nhân của nạn dịch bệnh hoặc những kẻ đã gây ra tội ác. Như người ta nói, có những kẻ yêu ma lấy làm khoái trá trước cảnh khốn khổ chung, đã cố tình gieo tai họa bằng cách đi lấy chất độc gây nhiễm bệnh trên các xác chet vì dịch hạch, rồi đem quét lên các tường nhà, các chốt cửa ra vào, bỏ vào bồn nước, cho vào thức ăn gia súc để giết hại chúng. Kẻ nào gánh chịu điều nghi ngờ như vậy, nếu không được báo cho biết và trốn đi thì hết đời, bị công lý hoặc dân chúng đưa đi hành hình. Những kẻ giàu có gây ra các tội ác đối với những người nghèo khó, và ngược lại; hoặc nữa hẳn đó là các cư dân Do thái, hay là người ngoại quốc, hoặc các thầy thuốc. Trong một đô thành, Goldmund uất nghẹn vì điên giận, đã nhìn thấy cả một đường phố người Do thái bị đốt trụi hết nhà này đến nhà khác, dân chúng bâu quanh la hò hoan hỷ và dùng vũ khí đuổi dồn những người chạy trốn đang hét thất thanh vào các đám lửa cháy. Trong cơn hoảng loạn và nổi giận điên cuồng ấy, ở đâu người ta cũng giết, cũng đốt, hành hạ bao nhiêu kẻ vô tội. Xót xa thương tâm, Goldmund nhìn các quang cảnh ấy; cả thiên hạ dường như rung động và bị đầu độc. Người ta bảo với nhau đâu còn nữa mảnh đất của niềm vui, của sự vô tội cũng như tình yêu. Cậu thường chạy bám theo các lễ hội ăn chơi buông thả của những kẻ ham sống. Đâu đâu cũng âm vang tiếng vĩ cầm của thần chết. Cậu sớm nhận ra điệu nhạc của mình, thường tham dự các bữa tiệc tùng của những con người tuyệt vọng, chơi đàn luých hoặc khiêu vũ ở đó dưới ánh sáng các ngọn đuốc, trải qua những đêm ấy bừng bừng lên cơn sốt.
Cậu không biết sợ. Có một lần, vào một đêm đông, dưới các cây lãnh sam, nếm mùi vị lo âu của cái chết, khi Victor bóp cổ cậu với các ngón tay của hắn, rồi nữa trong giá tuyết và tình trạng đói ăn trải qua bao ngày đi đường vất vả. Đó là một cái chết mà chống lại nó, người ta có thể đấu tranh và đặt mình vào thế tự vệ, và cậu đã tự vệ, bàn tay và bàn chân run rẩy, bụng trống rỗng, các chi kiệt quệ, cậu đã tự vệ và đã thắng, thoát hiểm. Nhưng với nạn dịch hạch khốn đốn này, không thể đấu tranh được, người ta chỉ có thể chờ cho nó hết cơn giận dữ, người ta chỉ có thể chịu đựng, và từ lâu Goldmund đã chịu đựng. Cậu không sợ; dường như cuộc sống đối với cậu không còn có giá nữa từ khi cậu bỏ lại Lene trong chiếc lều bốc cháy, từ khi ngày này qua ngày khác cậu bước tới trên vùng đất đang bị cái chết tàn phá. Nhưng cậu được thúc đẩy bởi sự hiếu kỳ mông lung vốn giữ cậu trong trạng thái tỉnh táo: Cậu không mệt mỏi nhìn Tử Thần phạt lưỡi hái giết người, nghe khúc hát cám cảnh phù du. Không lẩn trốn bao giờ, với đôi mắt mở to, cậu luôn luôn mang nặng niềm say mê góp mặt và đi trên con đường qua địa ngục. Cậu ăn bánh mì mốc trong các ngôi nhà đã vắng bớt người, hát và nốc cạn các cốc rượu vang ở các bữa tiệc của bọn điên rồ, đưa tay ra hái cành hoa chóng tàn không còn đem lại thú vị, đưa mắt đăm đăm nhìn vào các con mắt đăm đăm và say sưa của phụ nữ, đăm đăm nhìn vào các con mắt đăm đăm và ngu ngốc của bọn say rượu, đăm đăm nhìn vào các con mắt tàn lụi của những người sắp chết, thích thú với niềm thất vọng đang lên cơn sốt của phụ nữ, giúp bón một thìa cháo để thắng cái chết, bỏ ra hai đồng tiền giúp lấp đất lên cảnh lõa lồ của các tử thi. Cuộc sống sinh ra ủ ê và hoang dã, cái chết thét lên khúc hát của nó, Goldmund cứ nghe, đôi vành tai mở rộng với một niềm say sưa ngấu nghiến.
Mục tiêu của cậu là thành phố của thầy Niklaus, tiếng gọi từ con tim cậu thu hút cậu về nơi ấy. Đường đi dài dằng dặc, đầy những cảnh hấp hối, chết chóc, đau buồn. Cậu cứ đi, ủ ê buồn trong niềm say mê khúc hát của thần chết, khát khao với nỗi đau đang gào thét của thiên hạ, ủ ê buồn nhưng hăng say, mọi giác quan đều thức tỉnh.
Tại một tu viện, cậu trông thấy một bức tranh tường người ta vừa mới vẽ. Dừng lại hồi lâu, cậu ngắm nhìn. Một cuộc khiêu vũ chết chóc rùng rợn đã được họa trên một bức tường ở đó. Bộ xương người tái xám vừa nhảy múa vừa kéo theo một đám người vào ngôi mộ; đức vua, vị giám mục, vị tu viện trưởng, ngài bá tước, trang hiệp sĩ, người thầy thuốc, anh nông dân, anh lính, ngôi mộ đón vào tất cả; trong lúc ấy, các bộ xương nhạc công thổi sáo với các ống xương rỗng. Đôi mắt tò mò của Goldmund uống lấy uống để hình ảnh ấy. Này đây một bạn đồng nghiệp chưa được biết tên đã rút ra bài học từ quang cảnh nạn dịch hạch đen anh ta đã chứng kiến và thét lên vào tai bạn lời thuyết giáo chối tai của anh ta về cái chết không sao tránh khỏi. Hình ảnh này hay bài thuyết giáo này hay; người bạn họa sĩ chưa biết tên đã không nhìn nhầm và phản ánh sai sự vật; bức họa phát ra âm vang của các đốt xương cọ xát vào nhau, làm dựng tóc gáy. Tuy vậy, không phải Goldmund đã thấy, đã sống trong điều thực tại ấy. Chính là tính định mệnh của cái chết trong sự nghiêm ngặt không thể tránh trớ của nó đã được khắc họa trong bức tranh này. Về phần mình, hẳn cậu đòi hỏi khác kia. Khúc hát hoang dã của sự chết chóc với cậu có một âm vang khác. Nó không hề làm cho người ta nghĩ đến tiếng va chạm khô khốc và gay gắt của các đốt xương, nó dịu hơn, quyến rũ hơn, như một bà mẹ đang gọi con đến với bầu vú của mẹ. Ở nơi nào cái chết sờ đến sự sống, không phải chỉ có những tiếng chối tai và gây chiến mà còn có một nhạc điệu sâu lắng, êm ái, một nhạc điệu của mùa thu và sự dồi dào; trong bóng đen của cái chết, chiếc đèn con của sự sống cháy lên sáng hơn và gần gũi hơn. Đối với những người khác: một chiến binh, một quan tòa, một kẻ đao phủ, cái chết có thể trình diễn dưới vẻ ngoài một người bố nghiêm khắc; đối với cậu, cái chết cũng là một bà mẹ và người yêu, lời gọi của nó là một cử chỉ trìu mến lôi cuốn, bàn tay nó đặt lên người ta đem lại rung động của tình yêu.
Sau khi ngắm bức họa cuộc khiêu vũ của sự chết chóc và lại lên đường, Goldmund cảm thấy càng cuốn hút về với thầy Niklaus và sự sáng tạo nghệ thuật không thể cưỡng lại được. Nhưng ở đây đó, cậu phải dừng lại trước những hình ảnh mới và kinh nghiệm mới. Thở phập phồng, cậu hít lấy không khí tràn ngập sự chết chóc; lòng trắc ẩn và tính hiếu kỳ giữ chân cậu lại một giờ, có khi cả một ngày. Ba hôm liền, cậu cùng đi với một thằng bé nông dân, một đứa trẻ khóc nhè mới năm sáu tuổi đang đói lả; hằng giờ cậu cõng nó trên lưng, khiến nó đau mỏi nhưng cậu không nỡ rời bỏ nó. Sau cùng, cậu giao nó cho bà vợ một người bán than củi đã góa chồng đang cần có một đứa trẻ ở bên mình. Nhiều hôm một con chó vô chủ lẽo đẽo đi theo cậu, nó ăn trong lòng bàn tay cậu và ban đêm cậu ủ cho nó ấm áp, nhưng rồi một sáng nó ra đi. Cậu buồn lòng về việc ấy, đã quen chuyện trò với nó, có khi liền nửa tiếng đồng hồ gởi gắm với nó các câu chuyện lắng sâu tự đáy lòng mình về tính tàn ác của con người, về sự tồn tại của chúa trời, về nghệ thuật, về các bầu vú và chiếc eo của cô con gái hiệp sĩ có tên Julie mà trước đây hồi còn trẻ tuổi cậu từng quen biết. Bởi lẽ hiển nhiên là Goldmund có phần hơi điên loạn sau khi trải qua cuộc viễn du ở xứ sở của cái chết, cũng như bao người khác. Chắc hẳn cậu cũng điên điên một chút, với Rébecca, cô gái Do Thái xinh đẹp có mái tóc đen và đôi mắt nồng nhiệt, cậu ở nán lại hai hôm.
Cậu gặp cô gái bên ngoài một hành phố nhỏ, ở vùng nông thôn bên một đống các mẫu vụn đốt cháy đen thành than. Cô gái ngồi xổm, kêu khóc, vật vã đánh vào mặt và kéo giật các mớ tóc tối sẫm của mình. Các mái tóc mới đẹp làm sao; cậu mềm lòng, giành lấy hai bàn tay vung vẩy giữ trong lòng bàn tay mình và lựa lời an ủi cô gái. Cậu nhận ra gương mặt và cơ thể nàng cũng rất đẹp. Cô than khóc ông thân sinh của mình, theo lệnh các nhà cầm quyền, đã bị thiêu sống cùng với mười bốn bà con Do Thái khác. Cô đã có thể trốn đi nhưng tuyệt vọng, cố tìm về đây; cô tự trách mình đã không để bị thiêu cùng với những người khác. Kiên nhẫn, cậu giữ chặt đôi bàn tay ấy không ngớt giãy giụa, dịu dàng thuyết phục cô gái, có phần la rầy với giọng đầy trắc ẩn và tinh thần bao bọc, tỏ ý muốn giúp đỡ. Cô gái yêu cầu cậu giúp chôn cất ông bố: trong đám tro còn nóng, họ tập hợp tất cả các đốt xương, mang đến một nơi kín đáo, vùi lấp dưới đất. Bấy giờ đã về chiều, Goldmund tìm nơi để họ co thể ngủ lại. Cậu chuẩn bị ổ nằm cho cô gái trong một khu rừng sồi, hứa trông nom, bảo vệ, để ý nghe cô tiếp tục khóc và thổn thức cho đến khi cô nằm xuống ngủ hẳn. Sau đó cậu cũng ngủ một ít, và sáng ra cậu thử tìm cách chinh phục: giải thích là cô không thể sống một mình như  vậy; ngươi ta nhận ra cô có gốc Do Thái, sẽ sát hại cô, hoặc bọn vô lại sẽ ức hiếp cô, thêm nữa trong rừng còn có lũ chó sói và bọn Tzigan. Về phần mình, cậu ngỏ ý muốn đưa cô cùng đi, bảo vệ cô chống lại các bất trắc, bởi vì cậu thương cô, có lòng yêu quí cô. Cậu không thể chịu được để cho các làn mi và bờ vai quyến rũ ấy bị các dã thú cào xé hoặc thiêu cháy trên giàn hỏa. Cô gái ủ rũ ngồi nghe, rồi đứng lên, chạy trốn. Cậu buộc lòng phải đuổi theo và giữ lại trước khi cô ta có thể vùng bỏ chạy.
- Rébecca, - cậu nói, - em biết đó, anh đâu có làm gì tổn thương em. Em buồn rầu, em nghĩ đến bố; lúc này, em không quan tâm đến tình yêu. Nhưng ngày mai, ngày kia hoặc sau đó nữa, anh lại sẽ nêu vấn đề với em. Và ở đây, anh bảo vệ em, anh kiếm cái ăn cho em, anh không đụng đến em. Em cứ buồn, dài lâu bao nhiêu tùy. Bên anh, em có thể buồn hoặc vui, em chỉ làm những gì theo ý thích của em.
Cũng bằng cuốn theo chiều gió. Co cứng và tức giận, theo như cô ta bảo, cô không muốn làm gì để được vui vẻ, cô muốn làm những gì đem lại sự đau khổ, cô chẳng bao giờ còn nghĩ đến điều chi giống với thú vui nữa cứ để cho chó sói nó vồ, nó ăn thịt cô, như thế còn hơn đối với cô. Còn đối với cậu, - cô bảo, - cậu chỉ việc ra đi, người ta đã nói quá nhiều những lời vô bổ, chẳng được tích sự gì.
- Nào, em không thấy ở khắp nơi là cái chết; ở mọi nhà, mọi thành phố người ta đang tiêu vong; và đâu đâu cũng lâm vào cảnh tuyệt vọng sao? Tình trạng cuồng loạn hoang dã của những kẻ ngu ngốc đã thiêu cháy ông thân sinh em, tự nó cũng chẳng khác gì nỗi khốn cùng và tuyệt vọng, nó chỉ phát sinh từ một nỗi đau đớn cùng cực. Em thấy đó, không lâu nữa, cái chết cũng mang chúng ta đi, và lũ chuột chũi sẽ gặm xương chúng ta. Từ nay đến đó, còn sống,  chúng ta hãy ăn ở tốt với nhau giữa những người này và những người khác. Thật là đáng tiếc cho cái cổ trắng ngần tuyệt đẹp và đôi bàn chân bé nhỏ của em! Em gái xinh đẹp và thân mến, đến với anh đi, anh không đụng vào em đâu, anh chỉ muốn được nhìn và săn sóc em.
Cậu van lơn hồi lâu, và bỗng nhiên cảm thấy mình có muốn tranh thủ cô gái bằng những lời lẽ cũng vô ích. Cậu không nói nữa, chỉ buồn bã lặng nhìn cô gái. Bộ mặt tự hào vương giả của cô gái đông cứng lại trong thái độ một mực từ chối.
Cuối cùng, cô lên tiếng, giọng nói đầy hận thù và khinh bỉ:
- Các người, tín đồ Kitô giáo các người đều thế cả! Ông bắt đầu bằng cách giúp một người con gái chôn cất cha do đồng loại ông đã giết hại, mà cái móng tay cuối cùng cũng đắt giá hơn ông, rồi cô gái phải thuộc về ông, đến ngủ với ông! Các người thế đó! Lúc đầu, tôi cứ tưởng ông tốt bụng. Nhưng làm sao ông có thể tử tế được? Các người là đồ con lợn!
Trong khi Rébecca nói, Goldmund nhìn thấy đằng sau nỗi hận thù ánh lên một cái gì đó khiến cậu xúc động, đến thẳng với con tim cậu và làm cho cậu thấy xấu hổ. Điều cậu nhìn thấy trong đôi mắt của cô gái, không phải là tính định mệnh của cái chết mà là ý chí đón nhận hiểm họa, tùy nghi chọn sự chết chóc, thái độ phục tùng thầm lặng và chịu đựng đối với lời gọi của Bà Mẹ trái Đất.
- Rébecca! - Cậu hạ giọng. - Có lẽ em đúng. Anh không tốt bụng mặc dù anh muốn điều tốt lành cho em. Hãy tha thứ cho anh; anh chỉ mới vừa hiểu em.
Ngả mũ thấp, cậu chào cô gái như với một nàng công chúa, rồi quay gót ra đi, lòng trĩu nặng. Cậu buộc phải để cô đón nhận lấy cái chết. Nhiều ngày, cậu day dứt sầu não, chẳng buồn nói với ai. Cho dù họ rất khác biệt nhau, cô gái khốn khổ và tự hào này, cô Do Thái này làm cho cậu liên tưởng theo một cách nào đó đến Lydia, con gái vị hiệp sĩ. Tình yêu của những người đàn bà kiểu ấy là cội nguồn những đau khổ. Nhưng trong chốc lát, cậu thấy dường như mình chưa hề yêu ai ngoài hai người: Lydia khốn khổ hay xao xuyến lo âu và cô gái Do Thái trong nỗi đau xót xa dữ dội ấy.
Nhiều hôm sau đó, cậu mải nghĩ đến cô gái nhiệt thành có mái tóc đen, nhiều đêm cậu mơ màng vẻ đẹp nóng hổi của hình hài dong dỏng cao ấy, mà dường như sinh ra để nở rộ trong hạnh phúc, thế nhưng lại bị gán cho cái chết. Ôi! Các làn môi và bầu ngực ấy sẽ làm mồi cho “những con lợn” và thối rữa trên các cánh đồng sao? Không có sức mạnh nào, sức quyến rũ nào có thể cứu vớt những đóa hoa quí báu ấy sao? Có chứ, có sức quyến rũ ấy. Các đóa hoa ấy vẫn sống động trong tâm hồn cậu, cậu có thể xác định hình dáng của chúng, tạo cho chúng tính vĩnh cửu. Với nỗi sợ hãi,với niềm vui thích, cậu nhận biết tâm hồn mình tràn đầy các hình ảnh, và cuộc hành trình dài ngày qua xứ sở của cái chết đã khắc họa trong đó hàng nghìn bức vẽ. Tâm hồn cậu căng đến vỡ tung, khao khát tập trung vào các hình ảnh ấy, để cho chúng chảy ra ngoài, chuyển hóa thành những tác phẩm tồn tại lâu dài. Càng hăng say, càng háo hức, cậu luôn bước tới, đôi mắt mở to, các giác quan đều đánh thức dậy tính hiếu kỳ; cần có cho cậu giấy, bút chì, thạch cao, gỗ, một xưởng điêu khắc và công việc làm.
Mùa hè trôi qua. Nhiều người cho rằng sang thu, hay ít ra vào đầu mùa đông, nạn dịch sẽ chấm dứt. Mùa thu ấy không có chút niềm vui nào. Goldmund đi qua các vùng, chứng kiến cảnh tượng chẳng có ai thu hoạch, các loại quả cứ rụng xuống quanh gốc cây và thối ruỗng trong cỏ dại. Ở những vùng khác thì từng đàn người man rợ từ các thành phố kéo đến thẳng tay cướp bóc và tàn phá mọi thứ.
Dần dần Goldmund đến gần với mục đích của mình. Gần đây, một lần nữa cậu sợ nhiễm bệnh dịch hạch trước khi đạt đến đích và chết ở một chuồng bò nào đó. Bây giờ cậu không muốn chết, không muốn chết trước khi có được niềm vui lại làm việc ở một xưởng điêu khắc và say sưa dâng hiến mình cho nghệ thuật sáng tạo. Lần đầu trong đời, cậu nhận thấy thế gian quá rộng và cõi thiên đường quá bao la. Không một thành phố nhỏ xinh đẹp nào nay có thể giữ chân cậu lại để ngơi nghỉ, không cô thôn nữ tươi đẹp nào cầm cậu lại được quá một đêm.
Một hôm, cậu đi ngang qua một nhà thờ, bước vào cổng có các hốc tường do những chiếc cột nhỏ trang trí chống đỡ, thấy ở đó có nhiều pho tượng bằng đá rất xa xưa: những bộ mặt các thiên thần, các tông đồ và các nhân vật tử vì đạo như vẫn thường thấy ở tu viện Mariabronn thân quen. Trước đây, hồi còn trẻ tuổi, cậu đã thích thú nhìn các pho tượng ấy mà vẫn không thấy hứng thú với chúng. Đối với cậu, dường như chúng đẹp và oai nghiêm nhưng hơi quá trang trọng, có phần cứng nhắc và mang tính gia trưởng. Tiếp sau đó, bước qua khỏi thời kỳ đầu có ý nghĩa to lớn của mình, cậu say mê pho tượng Đức Mẹ Đồng Trinh dịu hiền và u buồn của thầy Niklaus thì nay cậu nhận thấy các bộ mặt bằng đá hoa mỹ của các nghệ sĩ già xứ Franconie quá nặng nề, đông cứng và xa xôi, ở một khoảng cách quá xa. Cậu đánh giá các pho tượng kiểu ấy thấp, và nhận thấy trong phong cách của thầy Niklaus một nghệ thuật sống động và gần gũi hơn, dễ gây xúc động hơn nhiều: Nay trở về từ cuộc hành hương thứ hai, trải qua một thế giới đã cho cậu nhiều cách nhìn và in trong tâm hồn cậu những vết sẹo nóng bỏng cùng với các dấu ấn của bao cuộc phiêu lưu và từng trải, trong cơn khát xót xa được tĩnh tâm và có những sáng tạo mới, các hình ảnh cổ kính và khắc khổ ấy bỗng làm cho cậu xúc cảm với một sức mạnh không sao cưỡng lại được. Cậu trầm tư trước các pho tượng đáng tôn quí ấy, từ đó trung tâm của môt thời đại lâu rồi đã qua vẫn tiếp tục vang vọng, và ở đó các nỗi lo âu và niềm hứng khởi của các thế hệ xa xưa đã mất dạng, đông cứng trong đá vẫn còn lưu mãi sau bao thế kỷ chống chọi với tính bất ổn định của số phận con người. Nơi con tim cậu trở nên hoang dã, cảm nhận về một sự tôn trọng được đánh thức dậy trong một rung động nhún nhường, đồng thời với nỗi gớm ghiếc về cuộc đời mình đã bị hoài phí và suy mòn. Cậu quyết làm những gì mà trải qua một thời gian không cùng cậu đã không làm cậu tìm một phòng nghe xưng tội để thú nhận các lỗi lầm của mình và tự nhận lấy các hình phạt.
Trong nhà thờ có nhiều phòng nghe xưng tội nhưng không có một vị linh mục nào; họ đều đã chết hoặc đang nằm bệnh viện, hoặc nữa đã lẩn trốn vì sợ lây bệnh. Nhà thờ hoang vắng, các bước chân đi dội vang dưới các mái vòm. Cậu quì gối ở một phòng nghe xưng tội trống không, nhắm nghiền mắt và lẩm nhẩm trong miệng qua tấm lưới: “Chúa tôi! Con ra nông nỗi này! Nay con trở về từ một thế giới đã biến con thành một kẻ vô dụng và độc ác. Con đã hoài phí những năm tuổi trẻ của con như một kẻ hư đốn, những gì còn lại với con quả là chẳng được mấy. Con đã giết người, lấy cắp, phạm tội thông dâm, con đã sống vô tích sự và ăn bánh mì cướp của những người khác. Chúa tôi! Tại sao Người tạo ra chúng con như vậy, và tại sao Người dắt dân chúng con theo những con đường như thế? Chúng con không phải là con của Người sao? Con trai của Người chẳng đã chết vì chúng con? Không có các thiên thần và các vị thánh để hướng dẫn chúng con sao? Hay đó chỉ là những câu chuyện hoa mỹ bày đặt ra để kể cho trẻ con và khiến cho bản thân các vị linh mục cười thầm? Chúa tôi, Người làm cho con bối rối! Người làm hỏng sự sáng tạo của Người và không giữ cho thế giới của Người an bài trong trật tự. Con đã trông thấy những ngôi nha và những đường phố đầy rẫy người chết; con đã thấy những kẻ giàu có cố thủ trong nhà họ hoặc trốn đi, và những người nghèo thì bỏ mặc anh em họ chết không được chôn cất, ngờ vực lẫn nhau và giết hại người Do Thái người như những đàn súc vật. Con đã trông thấy bao nhiêu người vô tội bị hành hình và lắm kẻ độc ác tha hồ phè phỡn trong cảnh sung túc. Vậy có phải chúng con đã bị lãng quên và bỏ rơi không? Người hoàn toàn chán ngán chưa với công trình ấy của Người? Có phải Người muốn cho chúng con, tất cả đều chết không?
Sau đó, đi ra cổng, thở dài, cậu ngắm nhìn các pho tượng thầm lặng, các thiên thần và các vị thánh mảnh dẻ, trong các nếp áo cứng đờ, siêu nhân, không động lòng, không thể hiểu thấu được; tuy vậy là do bàn tay và khối óc của con người đã sáng tạo nên. Nghiêm khắc và nặng nề, các pho tượng ấy đứng trên cao, trong các hốc tường chật chội, không sao với đến được bằng bất cứ lời cầu nguyện, bất cứ câu hỏi nào; tuy vậy chúng vẫn tồn tại ở đó trong phẩm giá và vẻ đẹp của chúng, cứ thế trải qua bao thế hệ con người đã mất đi, như thể một niềm an ủi không cùng, một chiến thắng đối với cái chết và nỗi tuyệt vọng. A! Giá mà ít ra, Rébecca tội nghiệp, cô gái Do thái xinh đẹp, Lene khốn khổ chết cháy trong lều, nàng Lydia quyến rũ, và thầy Niklaus, họ cũng đứng đó! Nhưng rồi một ngày kia, họ sẽ được dựng lên vĩnh hằng; cậu, bản thân cậu sẽ làm tượng họ, và các hình dáng ấy nay có ý nghĩa đối với cậu là tình yêu và đau khổ, lo âu và say đắm, chúng sẽ trình diện với các thế hệ tương lai không tên và không lịch sử, là những biểu tượng âm thầm và câm lặng của cuộc sống con người.