ột lần nữa băng tan chảy theo dòng nước, một lần nữa dưới lớp lá mục, các bông hoa tím thoang thoảng toả hương. Và Goldmund lại đi lang thang để cho đôi mắt uống lấy không đã thèm các vùng rừng, các đồi núi và những áng mây, đi từ trang trại này qua trang trại khác, làng nọ đến làng kia, dan díu với một cô gái hoặc một phụ nữ, nhiều bữa ngồi lại hít thở không khí mát mẻ về đêm, trong lòng thấy đau thắt bên một khung cửa sổ, đằng sau đó có ánh đèn chiếu sáng và toả rạng những gì có thể là hạnh phúc, là niềm âu yếm ấm áp, là sự bình yên trên trái đất, nhưng cậu không sao với tới được. Và tất cả những gì cậu tưởng mình biết rất rõ lại trở về, lại bắt đầu xuất hiện, nhưng mỗi lần mỗi khác: Cuộc đi dài ngày qua các đồng ruộng, các vùng đất hoặc trên con đường đá lởm chởm, giấc ngủ trong rừng mùa hạ, cuộc dong chơi ở các làng đằng sau các toán cô gái đi đảo rơm hoặc hái hoa bia tay nắm tay trở về, cái rùng mình lần đầu sang thu những bữa rét cóng đầu tiên, tất cả trở lại, một lần, hai lần; từng dải băng ấy với ngàn sắc màu trải ra vô tận trước mắt cậu. Bao nhiêu mưa, bao nhiêu tuyết đã rơi trên người Goldmund thì một hôm, khi cậu leo lên một đỉnh cao qua một vùng cây sồi rừng đang đâm các chồi con lên xanh, từ trên đồi núi xuất hiện một cảnh quan mới mẻ khiến cậu thấy vui mắt và đánh thức dậy trong tim cậu một luồng ý tưởng mơ hồ với bao ham muốn và hy vọng. Đã nhiều ngày, cậu biết mình đến gần vùng này, và cậu chờ đợi giây phút này. Thì nay cậu bắt gặp cảnh quen ấy vào lúc đúng trưa, và những gì mắt cậu nắm được trong cuộc gặp đầu tiên này đã được khẳng định và càng thôi thúc cậu mong đợi. Giữa các thân cây xám xịt và các tán lá khẽ lay động, cậu nhìn xuống một vùng thung lũng lốm đốm các sắc nâu và lục diệp, giữa đó một dòng sông rộng phản chiếu một làn ánh sáng xanh nhạt như thể của thuỷ tinh. Giờ đây đã chấm dứt lâu dài cuộc đi ở những vùng không có đường sá, qua những dải đất hoang vu và những khu rừng cô quạnh hiếm khi có thể gặp được một trang trại hoặc một xóm nghèo. Dưới chân cậu, con sông băng qua, và cặp dọc theo dòng sông là một trong những con lộ nổi tiếng của đế chế. Nơi đây trải rộng một vùng đất phong phú với tất cả sự giàu có của nó, các đoàn tàu chở gỗ và các con tàu thuỷ đi qua, con đường dẫn tới các làng xóm đẹp đẽ, các toà lẫn pháo đài, các tư viện, và ai muốn thì đều có thể đi lại hằng ngày, hằng tuần lễ trên các con đường ấy, không sợ bỗng nhiên bị lạc lối như ở các nẻo khốn khổ do nông dân xẻ qua một vùng rừng, một đầm lay bất cứ ở đâu. Ở nơi đây có bao điều mới lạ, cậu rất vui với các quang cảnh ấy. Chiều hôm đó, cậu ghé lại một ngôi làng đẹp xây dựng giữa dòng sông và các vườn nho đỏ ối chạy dọc theo con đường lớn. Các nhà đều có những đầu hồi với các hàng cột sơn đỏ xinh xắn, các cửa chính hình mái vòm, và các đường hẻm dẫn lên nhà đều bằng đá xây nhiều bậc. Bên vệ đường, một lò rèn vẫn đỏ lửa, các tia sáng lập loè theo nhịp tiếng búa đập trên đe. Người khách mới đến đi rảo trên các nẻo đường, căng mũi hít lấy mùi rượu vang bốc ra từ các cửa hầm và không khí mát mẻ dọc theo con sông lắm cá. Cậu đi xem nhà thờ, nghĩa địa, để mắt tìm một nhà kho thích hợp cho việc tạm nghỉ chân ban đêm. Nhưng trước hết, cậu muốn thử xin ăn ở nhà cha xứ. Một vị linh mục to béo mặt đỏ gay gặp và cật vấn cậu. Goldmund kể qua đôi nét về cuộc sống của mình, có điều bịa ra và nhiều điều không nói đến. Sau đó, cậu được tiếp đãi niềm nở, dự một bữa ăn ngon có rượu vang với vị chủ nhà, rồi trò chuyện và ngủ đêm lại ở đó. Sáng hôm sau, cậu tiếp tục đi, theo con lộ dọc bờ sông. Cậu bám các đoàn tàu chở gỗ, các tàu vận tải thuỷ, đuổi theo các xe súc vật kéo, có khi được người ta cho ngồi nhờ một chặng đường. Ngày tháng mùa xuân trôi qua đầy các hình ảnh; các làng và các đô thị nhỏ tiếp cậu, các cô gái mỉm cười sau tường vây các ngôi vườn, hoặc quì trên nền đất chăm sóc cây, ban đêm rủ nhau hát hò trên các đường hẻm. Lại một cối xay, một cô gái phải lòng cậu, Goldmund quanh quẩn ở đó với nàng hai hôm. Nàng cười vui, trò chuyện với chàng; cậu có ý muốn giá được làm một thợ phụ và sống luôn ở đó. Cậu sống hoà mình với những người đánh cá, giúp những người đánh xe chăm sóc và tắm cho ngựa; đổi lại cậu được họ cho bánh mì và thịt, cho ngồi xe nhờ. Sau những chuỗi ngày cô độc, nay cậu giao tiếp rộng rãi với mọi người trên đường cùng đi; cũng đã qua rồi bao thì giờ nhai lại các ý nghĩ đen tối, nay cậu chia vui với những con người cởi mở và dễ mến; thay vì bụng đói liên miên, nay hằng ngày cậu ăn uống đầy đủ, no nê. Sống dễ chịu cậu sẵn sàng buông theo làn sóng các niềm vui ấy.Nó cuốn hút cậu theo với nó; và càng đến gần thành phố có toà giám mục, con đường càng đông người và có thêm nhiều thú vui. Ở một làng, vào lúc đêm xuống, cậu đi dạo dọc bờ sông, dưới các tán lá cây. Con sông chảy với nguồn lực lặng lẽ của nó, dòng nước xào xạc và rì rào cuộn qua các rễ cây, trăng lên trên đỉnh đồi, toả ánh sáng trên mặt nước và bóng tối dưới các hàng cây. Cậu thấy ngồi ở đó một cô gái vừa có chuyện gây gổ với người yêu. Người con trai kia bỏ đi, để cô gái ngồi lại một mình. Goldmund đến ngồi bên cạnh, nghe nàng than thở và nắm bàn tay nàng vuốt ve trìu mến, tán chuyện và an ủi đôi điều, khiến nàng mỉm cười và nhận một nụ hôn. Nhưng chàng trai người tình trở lại tìm nàng sau khi đã lấy lại bình tĩnh và hối tiếc về vụ cãi cọ. Thấy Goldmund ngồi bên nàng, hắn đâm xổ vào cậu, đấm tấp tới với cả hai nắm tay. Goldmund tự vệ khá chật vật; cuối cùng thì hắn thắng thế và bỏ đi, mồm không ngớt nguyền rủa, cô gái thì biến mất. Nhưng Goldmund không tin vào trạng thái yên bình ấy, liền rời nơi trú ẩn giữa lúc nửa đêm sáng trăng lại lên đường đi qua một vùng cảnh quan yên lặng bàng bạc rất dễ chịu, trả lại sức dẻo dai cho đôi chân, mãi cho đến khi sương khuya ướt đẫm rửa sạch lớp bụi trắng trên đôi giày của cậu, mãi cho đến lúc cậu bỗng thấy mệt nhoài, dừng lại và nằm xuống ngủ bên gốc cây đầu tiên. Trời sáng đã lâu, cậu cảm thấy có ai sờ sẩm trên mặt mình, đang buồn ngủ cậu lại ngủ tiếp, rồi liền được đánh thức dậy cũng bởi đôi bàn tay ấy. Một cô thôn nữ ngồi bên, nhìn cậu tay cầm một cành liễu phe phẩy trên người cậu rồi nhẹ nhàng vuốt ve đầu cậu như với một em bé. Cậu đứng dậy, hơi loạng choạng, họ thông cảm mỉm cười với nhau, rồi nàng đưa chàng vào một nhà kho tìm chỗ ngủ tốt hơn. Họ nằm ngủ bên nhau một chặp, rồi nàng đi và trở lại, xách một xô còn đầy sữa rất nóng. Chàng tặng cô gái một ruy băng xanh để buộc tóc chàng đã nhặt được trên đường trước đó ít lâu. Và họ ôm hôn nhau một lần nữa trước khi chàng lại lên đường. Cô gái tên Francisca; buộc phải xa nàng, chàng rất buồn. Chiều tối hôm ấy, cậu tìm được chỗ nghỉ tạm ở một tu viện; và sáng hôm sau, cậu dự lễ; hàng ngàn kỷ niệm xáo động một cách kỳ lạ trong lòng cậu. Không khí mát mẻ dưới các vòm đá, tiếng dép lê trên đường lát đan ở các hành lang khiến cho tim cậu se lại với bao nỗi nhớ thân quen. Sau cuộc lễ, nhà thờ trong tu viện lại im ắng. Goldmund quì gối, cảm động đến kỳ lạ. Tối hôm ấy, cậu nằm mơ nhiều chuyện. Không hiểu vì sao, cậu thấy phải tìm cách tự an ủi với dĩ vãng của mình và thay đổi cuộc sống; có lẽ kỷ niệm thời ở Mariabronn và tuổi ấu thơ mộ đạo của cậu đã gây ra cái xáo trộn ấy. Cậu cảm thấy cần phải xưng tội, làm cho mình được trong sạch. Có nhiều sai lầm nhỏ, tội lỗi nhỏ, nhưng điều đó nặng hơn cả đối với cậu đó là cái chết của Victor do chính cậu đã sát hại bằng hai bàn tay mình. Cậu tìm một cha xứ để xưng tội, thú nhận với vị linh mục chuyện này chuyện khác, nhất là về các đòn dao đâm vào cổ và lưng của Victor. Đã lâu lắm cậu không làm lễ xưng tội! Số lượng và tính chất nghiêm trọng của các tội lỗi của cậu đối với cậu dường như không nhỏ, cậu sẵn sàng chịu một hình phạt nặng để đền tội, nhưng vị linh mục có vẻ biết rõ cuộc sống của những kẻ đi lang thang, đã không tỏ ý bất bình; ông nghe, bình tĩnh và trang nghiêm như thể một người bạn; ông quở và khích lệ, không hề nghĩ đến lên án cậu. Goldmund đứng dậy nhẹ nhõm, theo cách cha trừng phạt, cậu cầu nguyện trước bàn thờ rồi rời khỏi nhà thờ trong khi mặt trời lên, một ánh nắng xuyên vào qua cửa sổ. Nhìn theo làn ánh sáng, tại một gian nhà thờ bên cạnh cậu trông thấy một pho tượng. Hình hài ấy nói nhiều với con tim cậu, cuốn hút cậu đưa mắt hướng về đó tràn đầy tình yêu, và cậu trầm tư chiêm ngưỡng với một xúc cảm sâu lắng. Đó là khuôn mặt Đức Mẹ của Chúa bằng gỗ ân cần nhìn nghiêng với một thái độ đầy âu yếm. Chiếc áo choàng xanh của bà buông xuống từ đôi bờ vai gầy, một ban tay trinh nữ đưa lên dịu dàng, và bên trên khuôn miệng đau đớn và dưới vầng trán tinh anh, đôi mắt ấy nhìn bạn, tất cả đều rất sống động, đẹp đẽ đầy sức sống nội tâm, đầy tâm hồn mà chưa bao giờ cậu được trông thấy như thế. Cậu không chán ngán nhìn khuôn miệng, nét uyển chuyển thanh tú quen thuộc trên chiếc cổ. Cậu có cảm giác thấy trở thành hiện thực ở đó những gì đã bao lần cậu trông thấy và đoán thấy trong các giấc mộng, tim cậu từng khao khát bao nhiêu: Nhiều lần cậu đã quay lưng để đi thì hình ảnh ấy lại luôn luôn cuốn hút cậu đến với bà. Cuối cùng, vào lúc cậu sắp ra đi, vị cha đã nghe cậu xưng tội bước đến đứng đằng sau cậu. - Con thấy tượng Đức Mẹ đẹp phải không? - Ông hỏi rất nhân từ. - Chúa cha, đẹp không thể tả được, - Goldmund đáp. - Nhiều người cũng nói thế, - vị linh mục lại nói - rồi có những người khác cho rằng đây thực sự không phải là một Đức Mẹ Đồng Trinh, pho tượng trông quá hiện đại và thế tục, tất cả ở đó đều bị thổi phồng và sai lạc. Người ta tranh luận nhiều về điều ấy. Với con, pho tượng làm cho con hài lòng, cha thấy vui sướng. Nhà thờ ta rước về chỉ mới một năm nay, do một nhà hảo tâm hiến. Thầy Niklaus đã khắc pho tượng ấy. - Thầy Niklaus? Thưa là ai vậy? Ông ấy ở đâu? Cha có quen biết ông ta không ạ? Ôi, con mong nghe cha nói chuyện để con được biết về ông ấy! Hẳn đó là một con người tuyệt vời, được Chúa phú cho nhiều tài nghệ mới có thể làm nên một tác phẩm như vậy. - Cha không biết nhiều lắm về ông ta. Ông ấy là một nhà điêu khắc làm ra các hình ảnh cho toà giám mục, ở cách đây một ngày đường, một nghệ sĩ rất nổi tiếng. Thường thường các nghệ sĩ không phải là những vị thánh, hẳn ông ta cũng không phải là thánh, nhưng đó là một con người thông minh và có một tầm cao về trí tuệ. Nhiều bận, cha có gặp ông ta… - Ôi! Cha đã gặp ông ấy! Ông ta thế nào, thưa cha? - Con trai của ta, dường như ông già ấy đã hoàn toàn quyến rũ con. Vậy thì con hãy đi gặp ông ta, và hãy chuyển lời chào của cha Boniface với ông ấy. Goldmund nói cả tràng, ngỏ ý cảm ơn cha. Vị linh mục mỉm cười quay đi, nhưng về phần mình, cậu còn mãi đứng đó trước khuôn mặt bí ẩn ấy, tưởng chừng bộ ngực ấy đang thở và trên nét mặt khắc hoạ bao đau khổ và bao dịu hiền, cả bức tượng khiến cho tim cậu thắt lại. Rời khỏi nhà thờ, cậu đổi khác hẳn, các bước chân đưa cậu sang một thế giới chuyển biến khác hẳn. Từ lúc ấy, trước pho tượng gỗ dịu hiền và thánh thiện Goldmund có được những gì cậu chưa hề có, những gì cậu thường chế giễu hoặc thèm muốn ở những người khác một mục đích. Cậu đã có một mục đích và có lẽ cậu sẽ đạt tới, có lẽ cuộc đời cậu, cuộc sống phóng đãng của cậu, rồi sẽ tìm ra được một ý nghĩa và một giá trị. Cảm xúc mới mẻ ấy làm cho cậu thấm vui và lo sợ, và như trao thêm cho cậu đôi cánh. Con đường cậu đang đi trở nên đẹp và vui bao nhiêu, không còn như hôm qua nữa. Nó không còn chỉ mở ra những cuộc tranh luận của một cư dân vui vẻ, nó không chỉ là một nơi người ta vui thích nán lại; đó là con đường của thành phố, con đường đến nhà thầy giáo. Sốt ruột, cậu nhanh chân chạy, trước chiều tối thì đến nơi. Đằng sau các bức tường thành, các ngọn tháp vút lên cao; trước cửa các nhà có treo các huy hiệu chạm và các gia huy sơn màu. Thở phập phồng, cậu bước qua ngưỡng cửa, nghe thoang thoảng có tiếng ồn và đám đông đi lại vui chơi. Ở các phố, các hiệp sĩ thì cưỡi ngựa, ngoài ra có các loại xe ngựa. Các hiệp sĩ cũng như xe cộ, thành phố cũng như vị giám mục, đối với cậu đều không quan trọng. Với người đầu tiên gặp ở dưới cổng, cậu hỏi thăm thầy Niklaus ở đâu, người ấy đáp lại không hề biết, cậu rất thất vọng. Cậu đến một quảng trường chung quanh là những ngôi nhà lộng lẫy, phần nhiều được sơn hoặc trang trí tạo hình. Trước cửa một ngôi nhà, có dựng lên tấm hình cao lớn và rực rỡ một lính đánh thuê sơn bằng nhiều màu sắc sặc sỡ với dáng vẻ tươi cười. Tuy không đẹp bằng pho tượng ở nhà thờ của tu viện, nhưng nó đứng đó, dáng dấp độc đáo, căng các bắp chân, phó bạnh chiếc cằm đầy râu; Goldmund tự bảo tuy vậy có thể chắc hẳn cũng do ông ấy vẽ. Cậu bước vào nhà, gõ cửa, lên cầu thang, cuối cùng gặp một người đàn ông mặc áo măng tô dạ quàng cổ lông thú. Cậu hỏi, mong có thể được gặp thầy Niklaus, thì người ấy hỏi lại: Cậu muốn gì ở ông ta? Goldmund cố trấn tĩnh, chỉ nói là cậu có việc cần nhờ ông ấy. cậu phải hỏi nhiều lần, khi ông ta chỉ cho cậu đường phố thầy ở, cậu đến nơi thì trời đã tối. Trong lòng phập phồng nhưng rất sung sướng, cậu đứng trước nhà thầy ngước mắt nhìn lên các cửa sổ, có ý muốn vào ngay. Nhưng cậu nghĩ đã muộn rồi, người cậu nhễ nhại mồ hôi và bụi bặm sau cả ngày đường. Cậu cố kiềm chế và chờ đợi, đã khá lâu vẫn đứng trước nhà. Cậu thấy một cánh cửa sổ bừng sáng và đúng vào lúc sắp đi thì cậu trông thấy một bóng người ra phía cửa sổ; một cô gái trẻ tóc hoe vàng rất đẹp, ánh sáng dại của cây đèn đặt ở phía sau chảy loang loáng trên suối tóc nàng. Sáng hôm sau, khi thành phố trở lại nhộn nhịp và ồn ào, ở lại tu viện cậu xin ngủ đêm, cậu thức dậy, rũ sạch áo quần và lau đôi giày sạch bụi rồi quay lại con đường hẻm đêm hôm qua, gõ cửa ngôi nhà. Một bà đầy tớ đi ra, không muốn đưa cậu vào gặp thẳng thầy giáo, nhưng cậu thuyết phục được bà già để cho cậu vào. Trong một căn phòng nhỏ, xưởng của thầy, ông đang đứng đó trong chiếc áo choàng làm việc. Theo như Goldmund nhìn, ông cao lớn và nhiều râu, chừng bốn -năm mươi tuổi. Mở to đôi mắt xanh và sắc như người lạ, ông hỏi khô khốc cậu muốn gì. Goldmund chuyển lời chào của cha Boniface… - Chỉ có thế thôi hả? - Thưa thầy, - Goldmund nói, trong cổ thấy nghẹn, - ở đằng tu viện, con có thấy một pho tượng Đức Mẹ Đồng Trinh. Ôi xin thầy đừng nhìn con với vẻ mất cảm tình, chính vì lòng kính trọng mà con đến xin gặp thầy. Con không có tính rụt rè, con đã sống nhiều ngày lần hồi trên đường, băng rừng lội tuyết, trải qua đói ăn, không ai có thể làm cho con sợ sệt. Nhưng với thầy, con sợ. Con chỉ có một mong muốn lớn, lòng con, đang nghẹn ngào nên con khó thốt ra lời. - Mong muốn của anh, là gì vậy? - Thưa, con muốn được làm thợ học việc của thầy và được đào tạo bên cạnh thầy. - Chàng trai, anh đâu phải là người duy nhất có mong muốn ấy. Nhưng tôi không muốn lấy người học việc; hiện nay tôi đã có hai thợ bạn rồi. Chứ anh từ đâu đến và cha mẹ ở đâu? - Con không có cha mẹ, không biết rõ gốc gác thế nào. Con đã từng đi học ở một tu viện, học tiếng Latinh và tiếng Hy Lạp, nhưng rồi con bỏ đi, nhiều năm con lang thang cho đến nay. - Nhưng tại sao anh muốn thành nhà điêu khắc? Anh có thử làm chưa? Anh có các bức đồ hoạ không? - Con vẽ nhiều, nhưng hiện giờ không còn bản nào cả. Vì sao con muốn học nghệ thuật ấy, con có thể thưa rõ với thầy. Con có những ý tưởng nung nấu, con đã trông thấy nhiều gương mặt và suy nghĩ nhiều về họ. Có một số trong những gương mặt ấy luôn trở đi trở lại trong tâm trí con khiến cho con day dứt băn khoăn, không để cho con được yên. Con lưu ý thấy rằng trong một con người, có một hình dáng, một đường nét nào đó tái hiện ở khắp nơi, vầng trán có liên quan với đầu gối và vai, với háng, và tất cả những cái ấy về thực chất giống với bản chất sâu kín, với tâm hồn của mỗi cá nhân, mà đầu gối, trán, vai được thành tạo như thế. Còn có một điều nữa khiến con lưu ý, con đã phát hiện ra nó trong một đêm hẳn là con đã có ích bên một phụ nữ đang sanh đẻ: Đó là nỗi đau tuyệt đỉnh và niềm khoái cảm tuyệt đỉnh biểu hiện ra hoàn toàn theo cùng một cung cách. Ông thầy nhìn thẳng vào người lạ với đôi mắt sắc: - Anh có hiểu rõ điều anh nói đó không? - Vâng, thưa thầy, đúng thế đấy. Vì niềm vui lớn nhất của con và với sự ngạc nhiên vô cùng thật trọn vẹn chính con đã trông thấy sự biểu cảm ấy trên pho tượng Đức Mẹ Đồng Trinh của thầy, và chính vì thế con tìm đến đây. Nỗi đau đớn trên gương mặt thanh tú và nhân hậu ấy, và đồng thời toàn bộ nỗi đau ấy như thể biến thành niềm hạnh phúc thuần khiết và nụ cười mỉm. Khi con trông thấy điều đó, như thể có một ánh lửa xuyên qua người con; mọi ý nghĩ, mọi ước mơ con mang trong người mình từ bao nhiêu năm qua được khẳng định, chúng không hề vô bổ nữa. Con nhận biết ngay những gì, con cần phải làm và đi đâu. Thầy Niklaus kính mến, với tất cả lòng tha thiết, con xin thầy, hãy cho con được học việc bên thầy. Không tỏ ra dễ mến hơn, Niklaus nghe rất chăm chú. - Anh bạn tre, - ông nói lại -, những gì cậu vừa nói đó về nghệ thuật là đúng. Ta ngạc nhiên với điều ấy, ta cũng lấy làm lạ là con rất trẻ, cậu đã nói ra một cách sâu sắc đến như thế về niềm khoái cảm và nỗi đau đớn. Ta sẽ thú vị trò chuyện với cậu chiều hôm nay về cái điều ấy trước một cốc rượu vang. Nhưng cậu biết đó, trò chuyện với nhau thú vị và thông tuệ, còn sống và làm việc với nhau nhiều năm, là hai sự việc. Cậu ở đây trong một xưởng mà người ta làm việc chứ ở đó người ta không chuyện trò; và điều đáng kể nơi đây không phải là cái ý nghĩa của mỗi người có được và diễn đạt mà chỉ là những gì mỗi người có thể sáng tạo bằng hai bàn tay mình. Con có vẻ có thái độ đúng đắn trong cách nhìn sự vật, cho nên ta không muốn bảo con ra khỏi cửa một cách giản đơn. Ta sẽ xem con có khả năng làm được gì. con đã từng nặn đất sét hoặc sáp chưa? Goldmund nhớ lại ngay một ước mơ từ lâu có lần cậu đã nghĩ đến: Bằng đất sét, tạo hình những gương nho nhỏ, chúng sẽ đứng thẳng và trở nên khổng lồ. Thế nhưng cậu không nói và đáp là cậu chưa hề có dịp làm thử. - Được vậy thì cậu hãy vẽ một cái gì đi. Có bàn đây, giấy và chì than, cậu ngồi xuống và vẽ đi. Cứ tuỳ ýsử dụng thì giờ cậu có thể ngồi đến trưa hoặc thậm chí đến chiều hôm nay. Có lẽ bây giờ ta có thể thấy cậu làm được cái gì đó nên thân. Vậy đó. Bây giờ đã nói nhiều rồi, ta đi làm việc của ta, cậu làm việc của cậu. Goldmund ngồi xuống chiếc ghế thầy Niklaus chỉ cho cậu chiếc bàn. Cậu không vội vã bắt tay vào công việc. Như một học sinh có tính rụt rè, điềm tĩnh, cậu bắt đầu bằng cách chờ đợi, tò mò và âu yếm nhìn ông thầy hơi quay lưng về phía mình tiếp tục gia công một khuôn mặt nhỏ bằng thạch cao. Cậu chăm chú ngắm nhìn con người ấy, với cái đầu nghiêm nghị và bộ tóc đã chuyển sang màu muối tiêu đôi bàn tay thợ thô nhám nhưng thanh cao và đầy cảm hứng, toát ra một sức mạnh như những nguồn lực thần kỳ. Ông không giống với những gì Goldmund đã tưởng tượng. Trông ông già hơn, khiêm tốn hơn, không mấy rạng rỡ và dễ mến, và không hề được hạnh phúc. Cái nhìn của ông sắc sảo có vẻ không thương cảm và xuyên sâu, đang tập trung vào tác phẩm của ông, nay không đè nặng lên người cậu nữa cho nên Goldmund có thể hình dung chính xác toàn bộ con người của thầy. “Con người này,- cậu tự bảo, cũng có thể lắm là một nhà thông thái, một ngày nghiên cứu thầm lặng và nghiêm khắc, hiến mình cho một công trình đã được nhiều người đi trước bắt đầu rồi và nay cứ ngày này sang ngày khác ông bỏ công sức với sự đòi hỏi khó tính và dài hơi, thậm chí không cùng, mà lẽ ra nhiều thế hệ phải dốc hết các nỗ lực và lòng tận tuỵ để làm. Ít ra thì đây cũng là những gì nhà quan sát đọc được trên các đường nét của thầy: Giàu tính bền bỉ, khả năng nghề nghiệp và tư duy rất khiêm tốn, hiểu được những gì có thể tranh cãi trong bất cứ công việc nào của con người, nhưng cũng đặt niềm tin vào công việc của mình, các tính cách ấy đều được khắc hoạ ở đó. Các bàn tay của thầy nói ra với một ngôn ngữ khác. Các ngón tay cần mẫn sử dụng chất liệu thạch cao, với một cử chỉ chắc chắn tạo nên một hình thù đầy xúc cảm. Như thể của một người tình đối với cô bạn yêu dấu đang dâng hiến cho mình: “Xao xuyến với các xúc cảm yêu đương, với một niềm âu yếm không phân biệt giữa nhận và cho, tính nhục cảm và tính tôn quí dung hoà với nhau, và các ngón tay ấy có vẻ làm chủ và nắm chắc trong các cử động với một sự từng trải sâu sắc và cũng già như thế gian”. Goldmund hân hoan, mến mộ nhìn các bàn tay được ban phúc lành ấy. Không có sự xung đột làm ông tê liệt giữa trí óc và các bàn tay, đây là một gương mặt ông đã thích thú tạo nên. ° ° Sau khi cậu bỏ cả giờ đồng hồ quan sát người thầy làm việc, không hề lo nghĩ gì khác, để cho mọi suy tư của mình tìm hiểu kỹ càng điều bí ẩn của con người ấy, một hình ảnh khác bắt đầu nổi lên ở cõi sâu thẳm trong bản thân cậu và trở nên hiển thị qua tâm hồn cậu, hình bóng của con người mà cậu hiểu rõ, tự lòng mình rất mực yêu thương và mến mộ, các hình ảnh ấy không hề rạn nứt và hoàn toàn hoà hợp mặc dù nó cũng chứa đựng những đường nét rất đa dạng và gợi nhớ lại cho cậu mọi cuộc chiến đấu của mình. Đó là chân dung anh bạn Narcisse của cậu. Mỗi chốc nó hiện ra như cả một khối, như một tổng thể; quyền lực sâu kín của con người yêu thương ấy luôn hiển hiện ra càng sáng tỏ hơn trong hình ảnh của bạn, chiếc đầu cao quý được nặn ra bởi trí tuệ, cái khuôn miệng thanh tú càng căng thẳng và ngời phẩm hạnh, một lòng phụng sự Chúa và tuân thủ kỷ luật, cũng như cái nhìn bộc lộ một nỗi buồn vô cảm, các bờ vai gầy gò, chiếc cổ dài và đôi bàn tay tinh tế, dịu dàng biểu trưng cho cuộc đấu tranh tự giải phóng không vướng bận với vật chất. Từ khi rời tu viện, chưa bao giờ cậu có được một cái nhìn sáng tỏ như thế về anh bạn của mình. Như thể trong mộng, tuân theo không hề cưỡng lại một thứ nhu cầu mà cậu là kẻ nô lệ dễ bảo, Goldmund vẽ các ngón tay với tấm lòng tôn trọng và âu yếm, phác thảo ra các đường nét xác định của hình ảnh đang ở trong tim cậu: Dựng lên hình ảnh anh bạn của cậu để bảo tồn nó như nó đang sống trong tâm tư cậu. Không ngừng tay với ý nghĩ ấy, cậu cảm nhận điều mình đang làm là để thanh toán một món nợ, biểu thị lòng biết ơn của mình. Niklaus bước lại gần chiếc bàn nơi cậu đang ngồi vẽ, ông nói: - Trưa rồi, ta sắp dùng bữa đây, cậu có thể đến cùng ăn với ta. Để cho ta xem một tí nào, cậu vẽ gì đó? Ông đứng sau lưng Goldmund, đẩy xê cậu ra trong khi nhìn vào tờ giấy lớn, rồi thận trọng cầm bản vẽ, giăng rộng giữa hai bàn tay lanh lẹ. Goldmund ra khỏi giấc mơ, ngước mắt nhìn thầy giáo, lo âu và chờ đợi. Đứng thẳng, vẫn giữ bức vẽ giữa hai cánh tay, ông xem xét với một cái nhìn hơi khắc nghiệt từ đôi mắt xanh nghiêm nghị và sáng long lanh. - Cậu vẽ ai đó? - Một lát sau, Niklaus hỏi. - Thưa, một anh bạn của con, một tu sĩ trẻ tuổi, một nhà thông thái. - Tốt, cậu rửa tay đi, ở bồn nước chảy ngoài sân kia. Sau đó chúng ta ăn trưa. Các thợ bạn của ta không ở đây, họ làm việc ở bên ngoài. Goldmund nghe lời, ra sân, đến chỗ bồn nước rửa tay, trong khi suy nghĩ rất nhiều để tìm hiểu ý tứ của thầy. Cậu trở vào, ông đã sang một phòng bên cạnh, ngồi chờ. Ông cũng đã rửa ráy, và thay vì chiếc áo choàng làm việc, ông mặc một bộ đồ da đẹp tạo cho ông vẻ oai nghiêm và uy nghi. Ông đi trước, bước lên cầu thang có tay vịn bằng gỗ bồ đào trang trí những chiếc đầu thiên thần chạm khắc, đi ngang qua phòng ngoài để đầy tượng, rồi vào một gian buồng đẹp, nền nhà, các đồ dùng và trần nhà đều bằng gỗ cứng, chiếc bàn ăn đặt ở một góc bên cửa sổ. Một cô gái bước đến; Goldmund gặp chiều hôm trước và đã biết cô ta. - Lisbeth - thầy giáo bảo -, con lấy ra một bộ đồ ăn, ta có khách. Thật ra, ta chưa biết cậu này tên chi. Goldmund xưng tên. - Vậy thì Goldmund, chúng ta có thể dùng bữa trưa. - Thưa ba, con xong ngay đây. Cô gái thưa, quay gót đi lấy đĩa… rồi trở lại, theo sau là người đầy tớ gái mang bữa ăn đến: có thịt lợn, đậu lăng và bánh mì trắng. Trong bữa ăn, ông bố nói chuyện này chuyện khác với cô con gái. Goldmund lặng lẽ, ăn ít, cảm thấy không được thoải mái. Cô gái rất được lòng cậu, hình dáng đẹp và khoẻ mạnh, trông gần bằng vóc ông bố, nhưng cô giữ thái độ rất đứng đắn và rất xa cách như thể đứng sau một tấm kính, không nói một lời cũng không hề nhìn người khách lạ. Xong bữa ăn, thầy bảo: - Ta muốn nghỉ ngơi nửa tiếng đồng hồ. Cậu xuống dưới xưởng, đi quanh một vòng, sau đó chúng ta sẽ bàn về các dự định của cậu. Goldmund chào rồi ra đi. Qua một tiếng đồng hồ hoặc hơn, thầy giáo đã xem bức vẽ của cậu mà vẫn chưa nói một lời nào về nó. Bây giờ phải chờ thêm nửa giờ. Không thể nào khác được, cậu chờ đợi vậy. Cậu không vào xưởng, cậu không muốn nhìn lại bức vẽ của mình vào lúc này. Đi qua sân, cậu ngồi ở thành bồn nước, nhìn dòng nước chảy không ngừng từ ống dẫn vào chiếc bể bằng đá gây nên các làn sóng lăn tăn và luôn kéo theo vào đáy bồn ít không khí để rồi chúng lại thoát ra như những hạt ngọc trắng. Cậu nhìn thấy hình ảnh của bản thân mình qua tấm gương soi dưới đáy hồ nước và nghĩ rằng chàn Goldmund ấy đang nhìn cậu không phải là bé Goldmund đã từ lâu học ở tu viện hoặc chàng Goldmund của Lydia, và càng không phải là cậu Goldmund đã sống trong rừng. Cậu tự bảo rằng bản thân mình, cũng như mọi người khác, luôn vận động chuyển biến không ngừng để cuối cùng tan biến, trong khi hình ảnh do người nghệ sĩ tạo ra vẫn mãi mãi tồn tại như thế, không thay đổi. Theo cậu nghĩ, có lẽ nguồn gốc của bất cứ nghệ thuật nào và cũng chắc hẳn của bất cứ tư duy nào đều là nỗi sợ hãi về cái chết. Chúng ta sợ cái chết, chúng ta run rẩy trước sự bất ổn của các sự vật, chúng ta buồn rầu nhìn hoa tàn, nhìn lá rụng hàng năm, và chúng ta cảm thấy biểu hiện rõ ràng trong tim mình rằng chúng ta cũng sống ngắn ngủi, và rồi sẽ sớm tàn tạ. Là nghệ sĩ, khi chúng ta tạo ra các hình thù, hoặc là nhà tư tưởng, chúng ta tìm ra các qui luật hoặc công thức hoá các ý tưởng, chúng ta làm việc ấy đễ cứu vãn cái gì đó trong điệu nhảy lớn của tử thần, để định cái gì đó vốn tồn tại trong thời khoảng dài hơn của bản thân chúng ta. Người phụ nữ nguyên mẫu mà vị thầy đã khắc hoạ thành tượng Đức Mẹ có lẽ nay đã tàn tạ hoặc chết rồi, và không lâu nữa bản thân thầy cũng sẽ chết, những người khác sẽ đến ở nhà của thầy ngồi ăn ở bàn của thầy, nhưng tác phẩm của thầy trong ngôi nhà thờ lặng lẽ của tu viện vẫn ở đó, còn mãi sáng toả đến trăm năm hoặc dài hơn, và nó luôn luôn đẹp, luôn luôn mỉm cười buồn buồn ấy trong suốt tuổi trẻ vĩnh cửu của nó. Cậu nghe tiếng thầy bước xuống cầu thang liền vội đi vào xưởng. Thầy Niklaus đi qua đi lại, chốc chốc lại nhìn bức vẽ của Goldmund, sau cùng thầy dừng lại bên cửa sổ, lên tiếng với một giọng hơi ngập ngừng và khô khan: - Ở đây theo thường lệ thì một người học việc nhập môn nghệ thuật của mình ít ra phải trải qua bốn năm, và thân chinh người ấy phải trả một khoảng tiền nào đó cho thầy giáo. Bởi thầy ngừng nói, Goldmund nghĩ nhà điêu khắc e rằng ông sẽ không nhận được từ cậu số tiền thù lao cho quá trình học nghề. Rút con dao ra khỏi túi, cậu cắt chỗ chỉ khâu giấu đồng tiền vàng và lấy nó ra. Niklaus ngạc nhiên nhìn và cả cười khi Goldmund trao đồng tiền vàng cho ông. - A ha! Cậu hiểu thế ư? - Ông nói - Không đâu, anh bạn trẻ. Cậu có thể cất tiền đi. Bây giờ cậu nghe đây. Ta nói với cậu thông lệ trong phường hội chúng ta. Nhưng ta không phải là một thầy giáo thông thường, cậu cũng không phải là một người học nghề thông thường, thực ra một chú nhóc vào học nghề từ mười ba, mười bốn tuổi, nhiều nhất là mười lăm tuổi thì một nửa thời hạn ấy hẳn chỉ làm những công việc không chuyên môn và khổ sai. Nhưng với cậu, đã là một người đàn ông, theo tuổi cậu thì từ lâu đã có thể là thợ bạn hoặc thậm chí làm thầy. Trong phường hội chưa từng thấy có ai học nghề mà đã có râu. Ngoài ra, ta đã nói với cậu ta không muốn nhận người học nghề trong nhà. Và cậu có vẻ không phải là một kẻ để cho người ta sai bảo và giao làm việc vặt. Goldmund sốt ruột đến tột độ. Mỗi lời nói thận trọng của nhà điêu khắc dằn vặt cậu nghe phát chán ngấy và có vẻ thông thái dỏm. Cậu kêu lên: - Tại sao thầy nói với con tất cả những điều đó nếu như thầy không hề nghĩ đến việc dạy nghệ thuật cho con? Không bối rối, ông tiếp tục cũng với giọng nói khi hồi: - Ta đã suy nghĩ về lời yêu cầu của cậu trong cả tiếng đồng hồ; bây giờ thì cậu có thể kiên nhẫn nghe ta nói. Ta đã giữ lại bức vẽ của cậu. Nó có những khuyết điểm nhưng dù sao vẫn đẹp. Nếu không phải thế thì ta đã cho nửa đồng tiền, đuổi cậu đi và không nhớ đến. Ta khong muốn nói nhiều hơn về công việc của cậu. Ta rất muốn giúp đỡ cậu trở thành một nghệ sĩ. Có lẽ đó là khuynh hướng của cậu. Nhưng cậu không thể làm một người học nghề nữa. Và những ai chưa từng học nghề và không làm các nhiệm vụ của mình trong những năm ấy thì không thể làm thợ bạn, làm thầy trong phường hội. Cậu cần phải biết trước điều đó. Nhưng cậu phải làm thử. Nếu được thì cậu ở lại thành phố một thời gian, có thể đến nhà tôi và học một số điều nào đó. Làm việc không có cam kết và không có hợp đồng cậu có thể ra đi nếu muốn. Ở nhà tôi cậu có thể làm gãy mấy chiếc dao chạm, phá hỏng đôi khúc gỗ, và nếu rõ ra cậu không phải là một người làm điêu khắc trên gỗ thì cậu cần phải xoay qua hướng khác. Cậu có bằng lòng như vậy không? Goldmund nghe, trong lòng thấy xấu hổ và cảm động. - Con hết lòng cảm ơn thầy, - Cậu thốt, - Con là kẻ không nhà, không nơi nương tựa, và con cũng biết đường xoay xở ở thành phố này với loại chất liệu gỗ. Con hiểu được là thầy không muốn chấp nhận các nổi lo âu và trách nhiệm gánh chịu với con như đối với một người học việc. Đây là một cỗ máy lớn cho con để có thể học nghề ở thầy. Với tất cả lòng thành, con đội ơn thầy đã vui lòng làm như vậy đối với con.