Dịch giả: Vũ Kim Thư
Chín

    
rận không tập kế tiếp xảy ra hai ngày sau. Còi bắt đầu rú từ tám giờ tối. Sau đó ít phút, những trái bom đầu tiên rơi xuống. Chúng rơi nhanh như những giọt mưa rào và tiếng nổ chỉ vang to hơn tiếng súng phòng không một ít. Chỉ vào phút cuối cùng mới tới lượt những quả bom nặng.
Tòa soạn nhật báo Mellern phát hỏa. Máy in chảy nhảo ra. Các cuộn giấy nổ răng rắc, bay tung lên và tòa nhà sụp xuống.
Neubauer tính nhẩm, thiệt hại cả trăm ngàn Marks, cả trăm ngàn đồng của mình đã ra tro. Chưa bao giờ hắn thấy hằng bao nhiêu của cải bốc cháy quá dễ dàng. Quân trâu chó! Nếu biết trước, mình đã mua cổ phần ở hầm mỏ. Nhưng hầm mỏ cũng bốc cháy, cũng bị ném bom. Không còn đâu an toàn nữa. Họ bảo là khu vực kỹ nghệ Rurh cũng bị tàn phá. Còn chỗ nào an toàn đâu?
Bộ quân phục của hắn dính đầy tro giấy. Mắt hắn đỏ ngầu vì khói và nước mắt. cửa hiệu xì-gà nằm bên kia đường là của hắn cũng đã đổ nát. Hôm qua, đó là một mỏ vàng, hôm nay là một đống tro than. Lại mất đi ba chục ngàn đồng Marks. Có thể là bốn chục. Người ta có thể mất cả sự sản trong một đêm. Đảng đâu? Mỗi người của đảng đều chỉ nghĩ cho riêng mình. Bảo hiểm đâu? Họ sẽ sạt nghiệp nếu trả đủ tiền bồi thường thiệt hại chỉ một đêm nay thôi. Vả lại, hắn chỉ bảo hiểm với mức quá thấp. Người ta thường nhắc đi nhắc lại khi chiến tranh kết thúc, việc lo bồi thường to tác sẽ bắt đầu, kẻ địch bị thua sẽ phải trả những khoản tiền vĩ đại. Lại một chuyện như có thật! Ngày mai, sẽ còn gì bốc cháy?
Hắn nhìn sững sờ vào các bức tường nứt nẻ của tòa nhà. Năm ngàn điếu xì-gà đã thành than. Cũng vậy thôi. Nhưng hồi đó, mình tố cáo tên Freiberg để làm gì? Bổn phận? Vô lý. Bổn phận làm cháy ra tro. Tất cả, một trăm ba mươi ngàn Marks. Một trận hỏa hoạn nữa, một vài trái hom rơi xuống tòa nhà của Max Blank, một vài trái trên ngôi vườn và trên tư thất hắn - điều đó có thể xảy ra ngày mai - và hắn sẽ trở lại tay trắng. Hoặc không phải thế đi nữa thì tuổi già tới! Càng tệ hại hơn! Nỗi nghi ngờ, mối lo sợ cho tới nay vẫn chưa làm gì được hắn bỗng chốc kéo cả tới ngồi xổm đó, nhìn trợn trừng vào mặt hắn. Chúng ngồi lổm ngổm trên đống gạch vụn của cửa hiệu xì-gà, chúng đi vơ vẩn trên các bức tường xiêu vẹo của nhà báo, chúng nhăn mặt trân tráo với hắn và giương cả móng vuốt ra đe dọa tương lai. Cái cổ mập ú và đỏ hồng của hắn ướt đẫm, hắn bước lui không định hướng. Trong phút chốc hắn không nhìn thấy gì cả mặc dầu đã biết cả rồi mà vẫn chưa chịu nhìn nhận: rằng phe hắn chẳng bao giờ thắng trận được nữa.
Hắn nói lớn một mình:
- Không! Không, không... vẫn còn có lãnh tự... một phép lạ... mặc dầu rằng... dĩ nhiên...
Hắn nhìn quanh. Không một bóng người. Không cả người lo chữa lửa.
Selma Neubauer sau cùng rồi cũng nín khóc. Mặt bà ta như sưng lên, chiếc áo bằng lụa Pháp dính đầy đốm nước mắt trong khi hai bàn tay quá đầy đặn của bà vẫn còn run.
Neubauer nói với giọng không cả quyết:
- Đêm nay chúng không tới nữa đâu. Cả thành phố đã bốc cháy rồi, chúng còn chỗ nào để ném bom?
- Nhà của anh, cơ sở thương mại và khu vườn của anh vẫn còn đứng vững mà.
Neubauer cố dằn cơn giận xuống:
- Vô lý! Bọn chúng đâu phải chỉ nhắm vào đó.
- Còn những căn nhà khác, những hiệu buôn khác. Các cơ xưởng nữa. Bao nhiêu đó cũng đủ rồi.
- Selma...
Vợ hắn cắt ngang:
- Anh muốn nói gì thì nói, tôi vẫn cứ lên đó. Chúng tôi lên trại ở với anh, dầu cho phải ở chung với bọn tù. Tôi không thể ở lại thành phố này nữa. Ở cái bẫy chuột này! Tôi không muốn chết. Anh thì chẳng cần gì miễn là an toàn cho anh. Chúng tôi có chết rục cũng mặc. Anh thì luôn luôn vậy thôi!
Neubauer nóng mặt:
- Tôi mà như vậy hả? Bà nhìn lại quần áo, giày dép của bà xem. Tất cả đều mua từ Ba Lê. Ai mua cho bà? Reng đắt tiền mua tận bên Bỉ. Áo hồ cừu. Mũ lông thú. Phải mua ở Ba Lan. Bao nhiêu thứ chẳng ai có. Còn căn nhà nữa...
- Ông quên mất một thứ. Cái quan tài. Ông còn kịp thì giờ để mua ngay bây giờ. Tới mai thì hòm sẽ lên giá. Cả nước Đức chẳng còn mấy cái đâu. Nhưng ở trên trại, anh có thể bắt họ đóng một chiếc. Người của ông đông lắm mà.
- À, thì ra đây là sự trả ơn của bà. Bà trả ơn cho những sự nguy hiểm mà tôi phải vượt qua.
Selma vẫn không chịu nghe:
- Tôi không muốn bị chết cháy! Tôi không muốn bị nát ra từng mảnh.
Bà ta quay sang cô con gái:
- Freya, mày có nghe ba mày nói không? Cha của mày đó! Mình có đòi hỏi gì hơn là được cho tá túc trong nhà của ông ta trên đó đâu. Đế được sống. Ông ấy từ chối. Lại Đảng nữa. Dietz sắp nói cái gì đây? Dietz nói gì về những trái bom? Những trái bom có dính líu gì tới đảng?
- Im, Selma!
- Mày nghe không, Freya? Im! Đứng yên! Chết lặng câm! Im, Selma... ông ấy chỉ biết bao nhiêu đó.
Neubauer thận trọng từng chữ:
- Năm mươi ngàn dân chúng cùng chung một tình trạng với mình. Tất cả họ...
- Năm chục ngàn người có liên quan gì tới tôi. Năm chục ngàn người đó có cần quái gì nếu tôi chết. Thôi, để dành mấy con số thống kê đó để làm diễn văn cho đảng.
- Trời ơi...
- Trời hả? Trời ở đâu? Các người đã đẩy ông ta đi mất rồi. Đừng nói chuyện trời với tôi...
Neubauer nghĩ thầm, tại sao mình không cho nó một cái tát? Tại sao bỗng dưng mình đâm ra mệt mỏi thế này? Phải tát nó! Để chứng tỏ quyền uy! Một trăm ba mươi ngàn Marks ra tro. Và con đàn bà đang gào thét này! Hãy nắm lấy cơ hội! Phải cứu vãn! Cái gì? Cứu vãn cái gì đây?
Hắn ngồi xuống một chiếc ghế dựa. Hắn không hiểu đó là chiếc ghế quý giá của xưởng Gobelin nổi danh hồi thế kỷ thứ 18 mà nữ bá tước Lambert đã từng làm chủ... hắn chỉ biết đó là một cái ghế có vẻ sang trọng thôi. Hắn đã mua nó mấy năm trước với một vài món khác của một thiếu tá từ Ba Lê trở về.
- Freya, lấy cho ba một chai bia!
- Freya, lấy cho ông ấy một chai sâm banh! Ông ta cần uống kẻo không nó sẽ bay bổng lên trời. Bốp, bốp, bổp, cho nút chai nổ lên để ăn mừng chiến thắng.
- Im miệng, Selma!
Đứa con gái đi vào nhà bếp. Người đàn bà đứng lên:
- Ông có đồng ý cho tôi lên đó đêm nay không?
Neubauer nhìn xuống đôi giày bám đầy tro. Hắn thong thả nói:
- Nếu mình đi ngay bây giờ họ sẽ đồn đãi này kia. Họ sẽ bảo là tôi lợi dụng chức vu bỏ rơi các chiến hữu lại thành phố. Và thật ra ngay lúc này trên ấy còn nguy hiểm hơn ở đây nhiều. Lần tới, họ sẽ coi trại trên đó là mục tiêu chánh. Ở đó có cơ sở kỹ nghệ chiến tranh.
Kể ra thì Neubauer cũng có vài phần thành thật nhưng lý do từ chối của hắn là muốn được ở riêng. Trên đó hắn có một cuộc sống riêng biệt, theo lời hắn. Báo, rượu cô-nhắc và thỉnh thoảng có đàn bà nhẹ hơn vợ hắn ít lắm là hai chuc kí - một vài người đàn bà biết nghe khi hắn nói, biết ngưỡng mộ hắn như một nhà tư tưởng, một đấng nam nhi, một tay lịch lãm. Ngần ấy thứ là một thú vui vô hại cần thiết sau khi phải chiến đấu vất vả cho cuộc sống còn.
Selma vẫn không đổi ý:
- Họ nói gì mặc họ! Phận sự của ông là lo cho gia đình.
- Được rồi, mình sẽ bàn sau. Bây giờ tôi phải ra trụ sở Đảng xem họ quyết định ra sao. Có thể họ đang chuẩn bị cho di tản dân chúng về thôn xóm, nhất là những người đã tiêu tan nhà cửa. Có thể là em sẽ cũng...
- Không có thể gì hết. Nếu còn ở lại đây, tôi sẽ chạy cùng đường và la to, la to mãi...
Freya mang bia lên. Bia không lạnh. Hắn nếm qua, tự dằn giận và đứng lên. Vợ hắn hỏi mau:
- Được hay không?
- Tôi sẽ trở lại và bàn sau. Trước hết phải biết họ tính gì.
- Được hay không?
Neubauer nhìn thấy Freya đứng sau mẹ đang ra dấu gật đầu. Hắn chán nản bảo:
- Thôi, cũng được.
Selma há miệng ra. Sự uất hận từ trong thoát đi như bong bóng xì hơi khiến bà ta mềm nhũn và ngã vật xuống chiếc ghế dựa. Trong khoảnh khắc người đàn bà chỉ còn là một khối thịt mềm rung động bởi những tiếng khóc nghẹn:
- Tôi không muốn chết... tôi không muốn... với tất cả những vật xinh đẹp này... không thể chết bây giờ...
Neubauer nhìn vợ với vẻ nhờm tởm. Thật là quá dễ. Nó gào thét, kêu la nhưng phần mình có ai biết cho đâu. Hắn phải một mình nuốt lấy tất cả và lặng câm như đá ngầm giữa biển. Một trăm ba mươi ngàn Marks. Nó không hỏi lấy một tiếng.
Hắn xẵng giọng bảo Freya trước khi ra cửa:
- Canh chừng má cho cẩn thận.
Trong khu vườn sau nhà, hai tù binh Nga còn đứng đó. Trời đã sẫm tối nhưng họ vẫn chưa ngừng tay. Đó là lệnh của Neubauer. Hắn muốn họ làm một số luống thật gấp để trồng uất kim hương. Uất kim hương, ngò tây và húng quế cùng một vài loại rau khác. Hắn rất thích các loại rau cải và đồ gia vị. Ý muốn của hắn mới bắt đầu được thực hiện có mấy ngày qua mà bây giờ dường như đã lâu hàng thế kỷ. Bây giờ chẳng lẽ hắn trồng những điếu xì-gà cháy, những miếng chì chảy của máy in báo.
Hai người tù binh chống tay lên cán xuổng trong lúc Neubauer ra tới.
- Đứng trợn mắt ngó hả?
Thình lình, cơn giận dồn nén bốc lên. Một tù binh trả lời gì đó bằng tiếng Nga. Hắn chửi to:
- Quân trâu chó! Đứng lỏ mắt ra hả? Đồ vô lễ! Chắc tụi mày hài lòng lắm khi thấy nhà cửa dân chúng vô tội bị tàn phá, phải không?
Người Nga không dám nói nữa. Hắn quát lên:
- Làm việc mau! Đồ chó lười biếng!
Hai tù binh không hiểu hắn nói gì. Họ nhìn sững hắn để mong tìm hiểu. Tức giận, Neubauer vung chân đá vào bụng một tù binh. Hắn ngã té rồi lồm cồm chống xuổng đứng lên, cán xuổng còn ở trong tay. Neubauer nhìn thấy ánh mắt của người tù và cái cán xuổng trong tay anh ta. Hắn bỗng nghe nhói ở da dày như bị dao đâm, vội rút súng ra.
- Đồ tap chủng. Kháng cự hả?
Hắn quật bá súng vào giữa trán người tù Nga. Người tù té nhào và không đứng lên được nữa. Hắn gầm thét:
- Tao bắn mày chết luôn cũng được. Muốn nổi loạn à? Định dùng cán xuổng đập tao sao? Đáng bắn lắm. Gặp đứa khác là mày chết rồi.
Hắn nhìn sang tên lính gác đang đứng gần đó:
- Có phải vậy không? Nó toan đưa cán xuổng lên, phải không?
- Thưa Đại tá, phải.
- Được rồi, cho xối lên đầu nó một thùng nước.
Neubauer quay nhìn người Nga thứ hai. Người này đang khom thật thấp trên cán xuổng. Mặt anh ta trắng nhợt. Từ xa có tiếng chó sủa như điên dại. Neubauer cảm thấy miệng khô quánh. Hắn bỏ đi, hai bàn tay vẫn còn run. Chuyện gì vừa xảy ra. Hắn nghĩ thầm. Sợ chăng? Mình mà sợ sao? Không thể sợ một tên tù binh ngu đần được. Vậy là cái gì? Phải chăng vì mình quá lịch sự? Chắc thế. Nếu là Weber thì hắn dần tên kia cho tới chết. Dietz thì bắn bỏ ngay tại chỗ. Mình làm không được. Đa cảm, thật là phiền. Phiền đủ mọi thứ, cả với Selma nữa.
Chiếc Mercedes đậu bên ngoài. Neubauer sửa bộ ngay ngắn lại và ra lệnh cho tài xế:
- Tới trụ sở Đảng, Alfred. Đường từ đây tới đó có trống không?
- Đi vòng thì tiện hơn.
- Thì đi vòng vậy.
Xe bắt đầu chạy. Neubauer quan sát mặt người tài xế:
- Có chuyện gì đó, Alfred?
- Mẹ tôi chết.
Neubauer bức rức. Lại thêm chuyện! Một trăm ba mươi ngàn Marks, Selma gào thét, và bây giờ lại phải an ủi kẻ khác:
- Xin chia buòn với chú. Đúng là bọn sát nhân vô lại, giết cả đàn bà và trẻ con.
Hắn cố nói thật gọn theo kiểu nhà binh để mau xong chuyện. Alfred nhìn thẳng phía trước:
- Mình cũng ném bom họ. Lần đầu, tôi chứng kiến ở Warsaw, Rotterdam rồi tới Coventry. Trước khi tôi bị thương.
Neubauer nhìn sững người tài xế. Chuyện gì đã xảy ra hôm nay? Trước tiên là Selma và bây giờ là tên tài xế. Có phải là mọi việc đã đổ vỡ hết rồi không?
- Đó là chuyện khác, Alfred. Hoàn toàn khác xa. Chúng ta dội bom là do nhu cầu chiến thuật. Còn bọn chúng chỉ cố sát hại thôi.
Alfred không trả lời. Hắn nghĩ tới bà mẹ, tới Wersaw, Rotterdam, Coventry và ông Thống chế Đức phì nộn. Hắn cho xe quặt nhanh ở góc đường.
- Đừng nên nghĩ như thế, Alfred. Đó là tư tưởng phản nghịch. Dĩ nhiên là tôi thông cảm với chú trong khi vừa mất bà cụ. Chú đừng nên có ý nghĩ ấy nữa. Lệnh là lệnh cứ biết thế là đủ với lương tâm. Kẻ hối hận không phải là người Đức. Nghĩ sái quẩy cũng vậy. Lãnh tụ của mình biết chắc chắn là ông cần phải làm gì. Chúng ta chỉ cần tuân lệnh. Lãnh tụ sẽ bắt chúng đền tội về những vụ tàn sát tập thể này. Gấp đôi hay gấp ba! Với võ khí bí mật. Ta sẽ bắt chúng quỳ xuõng. Bọn Anh đã bị ăn hỏa tiễn V1. Với võ khí mới ta sẽ làm cho hòn đảo của chúng biến thành tro bụi. Cả bọn Mỹ nữa. Chúng phải trả nợ máu. Gấp đôi, gấp ba, gấp đôi, gấp ba!
Neubauer lặp lại những tiếng sau cùng và chợt thấy đầy tin tưởng gần như tất cả những gì vừa nói đều là sự thật.
Hắn lấy một điếu xì-gà trong túi da. Hắn muốn tiếp tục nói. Bỗng nhiên hắn cảm thấy cần phải nói... nhưng nhìn thấy đôi môi mím chặt của Alfred, hắn không nói nữa. Hắn nghĩ thầm, chẳng còn kẻ nào chú ý tới mình sao? Phải tới khu vườn ngoài thành phố. Ở đó có những con thỏ lông mịn màng, mắt đỏ. Lúc nào cũng thế, như khi còn bé, hắn muốn nuôi thỏ, nhưng ông thân hắn không cho. Bây giờ, hắn làm chủ một bầy thỏ. Ở đó có mùi rơm, có lông mịn và lá cây tươi. Đó là sự an toàn của kỷ niệm ấu thời. Những giấc mơ chìm trong quên lãng. Đôi khi con người bỗng trơ trọi một cách thảm hại. Một trăm ba mươi ngàn Marks. Lúc nhỏ, lần có tiền nhiều nhất chỉ là bảy mươi lăm pfennigs. Hai hôm sau, món tiền tí hon của hắn bị đánh cắp.
Từng cụm lửa nổi tiếp bốc lên cao. Thành phố cũ kỹ bốc cháy như ngọn đuốc, như những mảnh bùi nhùi. Hầu hết nhà cửa ở đó đều xây bằng gỗ. Mặt sông phản chiếu ánh lửa trông như chính con sông cũng đang phát hỏa.
Nhóm Lão Làng đi lom khom trong bóng tối bên ngoài lao xá. Dưới ánh sáng đỏ đục, họ nhận ra các trạm canh có súng máy đều trống trơn. Bầu trời trông có vẻ lạ kỳ với các lởp mây ngời chiếu màu hồng của loài hồng hạc. Lửa chiếu hắt cả từ trong ánh mắt của những xác chết đang chồng chất lên nhau.
Một tiếng động nho nhỏ bỗng làm 509 chú ý. Khuôn mặt Lewinsky như từ dưới đất nhô lên. 509 thở một hơi sâu vào rồi đứng lên. Hắn đã đợi Lewinsky mãi cho tới lúc này từ khi đã lấy lại đủ sức để bò. Hắn vẫn có thể ngồi nhưng hắn muốn đứng lên để chứng tỏ với Lewinsky rằng hắn vẫn đi đứng được chớ chưa phải là kẻ tàn phế.
Lewinsky hỏi:
- Tât cả đều bình thường chớ?
- Rất bình thường. Muốn diệt chúng tôi không phải dễ.
Lewinsky gật đầu:
- Có chỗ nào để mình nói chuyện không?
Họ đi sang phía bèn kia đống xác người. Lewinsky nhìn quanh thật mau:
- Bọn lính canh vẫn chưa trở về chỗ...
- Bên này, chúng chẳng cần canh gác mấy. Còn ai đủ sức để trốn...
- Tôi cũng nghĩ vậy. Còn việc kiểm soát đêm?
- Chưa bao giờ có.
- Ban ngày thì sao? Bọn SS có thường lui tới không?
- Gần như chẳng bao giờ. Họ sợ chí rận, kiết lỵ và sốt rét.
- Lao xá trưởng có tới không?
- Chỉ có mặt lúc điểm danh thôi.
- Tên hắn là gì?
- Bolte. Đội trưởng.
Lewinsky tỏ vẻ hài lòng:
- Chắc đại diện lao xá không hề ngủ ở đây? Còn trưởng phòng?
- Bạn đã có lần nói chuyện với ông ấy. Berger. Không ai tốt bằng.
- Có phải ông bác sĩ làm việc ở lò thiêu xác không?
- Đúng. Bạn lấy tin hay thật.
- Chúng tôi cần phải điều tra. Đại diện lao xá là...
- Handke. Tù thường phạm. Vừa mới đá chết một trong những người của chúng tôi cách nay vài đêm.
- Sâu hiểm?
- Không. Chỉ hung tợn. Nhưng hắn không biết rõ tụi này, lại rất sợ bịnh truyền nhiễm. Chỉ biết một vài người. Lao xá trưởng còn biết ít hơn. Phần kiểm soát đều do trưởng phòng. Ở đây muốn làm gì cũng dễ dàng.Có phải bạn cần biết như thế không?
- Phải, đó là điều tôi muốn biết. Bạn rất sành tâm lý.
Vừa đáp, Lewinsky vừa nhìn dấu hiệu hình tam giác đỏ trên chiếc áo tù rộng thùng thình của 509. Hắn vụt hỏi:
- Cộng sản hả?
509 lắc đầu.
- Dân chủ Xã hội?
- Không phải.
- Như vậy là gì? Bạn phải ở trong một tổ chửc nào chớ?
509 nhìn lên. Da mặt quanh mắt hắn vẫn còn xám ngắt vì trận đòn vừa qua. Nhờ thế mà mắt hắn như ngời sáng hơn, chúng chiếu thẳng vào vùng lửa đỏ như không còn thuộc vẻ khuôn mặt đầy thương tích nữa.
- Chỉ là một con người... nếu bạn cho trả lời như thế là đủ.
- Sao?
- Thôi. Chẳng có gì.
Lewinsky như chợt hiểu ra:
- Phải rồi, bạn là một nhà tư tưởng. Như thế càng tốt. Chúng tôi càng thêm tin cậy.
- Bạn có quyền tin cậy. Tin cả nhóm chúng tôi. Những người đang ngồi đằng kia. Họ là những kẻ đã ở đây lâu nhất.
Và 509 cười thiểu não:
- Chúng tôi là nhóm Lão Làng?
- Còn mấy người khác?
- Chẳng sao cả. Toàn người Hồi. Cứ kể như họ chết. Chỉ còn biết tranh nhau đồ ăn thừa thải và chỉ đủ khả năng chết nằm dài. Không còn sức đâu để phản bội.
Lewinsky nhìn thẳng vào mắt 509:
- Như vậy chúng tôi có thể gởi một người qua đây lánh mặt được không? Có ai để ý không? Nhiều lắm chỉ vài hôm.
- Nếu người đó còn mập mạp thì hơi khó.
Lewinsky dường như không nghe thấy câu nói đùa chua chát. Hắn xích lại gần hơn:
- Chắc sắp có chuyện xảy ra. Tại nhiều nơi, các đại diện lao xá mang dấu hiệu đỏ đều được thay bởi các tù nhân mang dấu hiệu xanh. Có vài tin nói về các chuyến đi đêm trong sương mù. Bạn hiểu rõ rồi chớ?
- Hiểu. Đó là các chuyến đưa tới trại thủ tiêu.
- Đúng lắm! Lại có tin đồn về những vụ tàn sát tập thể. Người của những trại khác vừa tới đây cho biết như thế. Chúng ta phải thận trọng. Phải tổ chức tự vệ. Không để cho bọn SS muốn làm gì cũng được. Chúng tôi mới vừa nghĩ tới bạn khi có tin như thế... Chúng tôi muốn làm biến mất vài nhân vật quan trọng khi tình thế căng thẳng.
- Ở bệnh xá không còn an toàn nữa sao?
Lewinsky lại nhìn đăm đăm 509:
- Bạn cũng biết nữa à?
- Biết chở.
- Bạn có cộng tác với phong trào chúng tôi bên đó không?
- Khoan đề cập vấn đề đó. Mọi việc hiện ra sao?
Lewinsky đáp bằng một giọng khác hơn:
- Bệnh xá đã không còn sử dụng được nữa. Chúng tôi vẫn còn để vài người tại đó, nhưng bọn chúng dường như đang kiểm soát chặt chẽ hơn.
- Còn khu bệnh sưng màng óc và thương hàn?
- Chúng tôi vẫn nhờ tới nhưng không đủ. Cần có những nơi khác khá hơn để giấu một vài người. Tại lao xá chỉ trốn được một vài ngày là cùng. Bao giờ cũng phải đề phòng những vụ kiểm soát đêm.
- Tôi hiểu rồi. Các bạn cần có những nơi như thế này, luôn luôn hỗn loạn và thay đổi, lại chẳng có nhiều vụ lục xét.
- Rất đúng. Ngoài ra còn cần có người tin cẩn giữ vai trò chánh.
- Vậy bạn có thể tin chúng tôi.
Mình tự quảng cáo như cho một hãng bánh - 509 vừa nghĩ thầm vừa hỏi:
- Bạn muốn biết gì thêm về Berger?
- Về công việc của ông ta tại lò thiêu. Chúng tôi chẳng có ai ở đó cả. Ông ấy có thể cho chúng tôi chi tiết?
- Cũng được, ở đó, ông ta có phận sự nhổ răng xác chết, ký giấy chứng tử. Đã làm việc ở đó hai tháng. Người mà ông ta đến thay đã bị mang đi thủ tiêu.
Lewinsky gật đầu:
- Nếu vậy thì ông ấy sẽ còn làm việc được hai hoặc ba tháng nữa. Còn đủ thì giờ.
- Phải. Hãy còn kịp.
509 ngẩng bộ mặt xanh tái lên. Hắn biết những người được cho làm việc tại lò thiêu xác cứ mỗi bốn hoặc năm tháng là bị thay thế và tống vào các phòng hơi ngạt hoặc các trại tàn sát. Đó là phương cách đơn giản nhất để diệt những chứng nhân đã biết quá nhiều. Như vậy, Berger còn sống nhiều lắm là ba tháng nữa. Nhưng ba tháng cũng còn lâu. Nhiều diễn biến sẽ tới, đặc biệt là nếu có sự tiếp tay của trại lao tác.
509 hỏi:
- Phần chúng tôi, các bạn sẽ giúp được gì?
- Cũng như các bạn giúp chúng tôi.
- Đối với chúng tôi đó không phải là chuyện quan trọng. Hiện thời chẳng có ai cần lánh mặt. Chúng tôi cần thực phẩm.
Lewinsky im lặng một lúc lâu rồi đáp:
- Chúng tôi không thể tiếp tế cho toàn thể lao xá. Bạn cũng biết vậy.
- Không phải thế. Bọn này chỉ có mười hai người thôi.
- Khẩu phần bên đó cũng quá ít. Nếu không thì hằng ngày chẳng có người bị đưa sang bên này.
- Điều này tôi cũng biết. Chúng tôi không nghĩ chuyện lo cho đầy bụng mà chỉ cần không bị chết đói.
- Hiện chúng tôi đang lo để dành đồ ăn cho những người lánh mặt vì họ không có khẩu phần. Nhưng chúng tôi vẫn cố lo cho các bạn. Như vậy được không?
509 nghĩ thế là được lắm rồi, còn hơn chẳng có gì. Một lời hứa... nhưng ít ra phải đợi tới lúc giúp được người ta trước đã.
- Được lắm.
- Mình nên cho Berger biết. Ông ấy sẽ là liên lạc viên vì chỉ có ông ta mới qua trại chúng tôi được. Bạn lãnh trách nhiệm mấy người kia. Càng ít người biết càng tốt. Chỉ cần một người liên lạc giữa nhóm này và nhóm kia. Và một người để thay thế. Nguyên tắc cũ chắc bạn quá biết.
- Vẫn còn nhớ.
Lewinsky bò vào bóng tối đỏ mờ, xuyên qua các lao xá, tới nhà cầu và chui vào lối ra. 509 dựa ngửa ra. Bỗng nhiên hắn thấy quá mệt mỏi. Hắn có cảm tưởng như đã nói và suy nghĩ quá nhiều. Đầu óc hắn chỉ tập trung vào cuộc hẹn gặp Lewinsky. Bây giờ hắn choáng váng. Thành phố phía dưới cháy rực như một lò lửa khổng lồ. Hắn bò tới chỗ Berger.
- Ephraim, tôi tin là cơ hội sắp tới.
Ông lão Ahasver vừa bò tới:
- Bạn gặp hắn rồi hả?
- Gặp rồi. Họ sẽ cố giúp mình. Và mình giúp họ.
- Mình giúp họ?
509 ngồi thẳng lên, cảm thấy tỉnh táo lạ:
- Phải. Chúng ta sẽ giúp họ. Không ai nhờ ai.
Có một cái gì như kiêu hãnh trong giọng nói 509. Họ không ngửa tay xin, họ trả lại bằng khả năng của họ. Thế là họ vẫn còn hữu dụng, còn có thể giúp ích được cho Đại trại. Một luồng gió mạnh có thể hất tung thân thể xương xẩu, mục nát của họ lên nhưng ngay lúc đó, họ không cảm thấy nhu nhược nữa. 509 nói tiếp:
- Chúng ta đã có lối thoát. Chúng ta sẽ móc nối lại, không còn bị cô lập nữa. Hàng rào y tế đã bị phá vỡ.
Dường như hắn muốn nói: chúng ta không còn bị đày ải cho tới chết, chúng ta vẫn còn dịp may. Đó là khoảng trống vĩ đại giữa tuyệt vọng và hy vọng. Hắn tiếp tục trình bày:
- Từ nay trở đi, mình phải luôn luôn nhớ tới điều đó. Chúng ta phải nhai nuốt nó như ăn bánh mì. Như ăn thịt, sắp tới hồi kết cuộc rồi. Những ngày của thống khổ, của tuyệt vọng đã trôi qua. Bây giờ là hy vọng. Chúng ta phải coi đó là món ăn tinh thần. Nó giống như thịt vậy.
Lebenthal hỏi:
- Hắn có tin tức gì mới không? Một mảnh giấy báo hay...
- Không. Khó lắm. Họ đang làm một máy thu thanh bí mật bằng những bộ phận của máy hư hoặc đánh cắp được. Vài hôm nữa là máy có thể dùng được. Không chừng họ sẽ nhờ giấu ở đây. Lúc đó mình sẽ biết rõ những gì xảy ra.
Nói xong, hắn lấy từ trong túi ra hai miếng bánh mì của Lewinsky trao cho hắn lúc sắp trở về Đại trại. Hắn đưa cho Berger:
- Ephraim, chia giùm cho anh em. Họ sẽ tiếp tế thêm.
Mỗi người lấy một mẩu bánh nhỏ. Họ ăn chầm chậm. Phía dưới họ, thành phố cháy đỏ. Phía sau họ là những người nằm chết.