Dịch giả: Vũ Kim Thư
Hai mươi hai

     ác tù chất cao hàng đống. Xe chở xác không thấy tới. Bui mưa đóng trắng xóa trên tóc và chân mày họ. Những tiếng ầm ì ở chân trời không còn nghe thấy nữa. Tù nhân còn trông thấy lửa lóe lên từ họng súng và còn nghe tiếng nổ cho tới nửa đêm, rồi tất cả đều yên lặng.
Mặt trời đã lên. Nền trời trong xanh và gió nhẹ mang hơi ấm tới. Trên những xa lộ bên ngoài thành phố cũng chẳng thấy được gì, không cả bóng dáng của dân tỵ nạn. Thành phố nằm đó, cháy đen. Con sông chảy ngang qua, uốn khúc như một con rắn khổng lồ đang cố nuốt xác chẽt của thành phố. Binh sĩ cũng vắng bóng.
Trong đêm, trời mưa khoảng một tiếng đồng hồ nhưng không lớn lắm, bây giờ còn lại đôi vũng nước. 509 ngồi bên một vũng nước mưa, tình cờ trông thấy mặt mình phản chiếu. Hắn khom xuống sát hơn. Hắn không còn nhớ lúc nào là lần cuối cùng soi mặt trong gương, rất có thể là đã quá nhiều năm. Thời gian bị giam giữ, hắn chưa hề soi mặt vì chẳng có gương. Do đó, bây giờ hắn không nhận ra khuôn mặt từ dưới nước nhìn sững hắn.
Tóc hắn chỉ còn là một chùm lưa thưa bạc xám. Trước ngày vào trại, tóc hắn dày rậm và hung đen. Hắn đã biết tóc đổi màu từ lâu vì nhiều lần trông thấy những lọn rơi xuống đất vào dịp được cho hớt tóc. Nhìn những mớ tóc rơi vãi trên mặt đất, lắm lúc hắn có cảm tưởng đó không phải là tóc của mình.
Trên khuôn mặt dưới nước hắn cũng chẳng nhận ra nét nào là của mình nữa, ngay cả đôi mắt cũng thế. Hai vật nhấp nháy từ hai lỗ trũng nằm trên hai cánh mũi phồng to và cái miệng mất quá nhiều răng chỉ là một cái gì để phân biệt hắn với một xác chết.
- Mình đó sao?
Hắn lại nhìn sững vào khuôn mặt trong vũng nước. Hắn từng nghĩ là mình cũng tương tự với hình dáng của bao nhiêu người khác ở chung quanh, nhưng hắn không đặt thành vấn đề. Năm này qua năm khác, hắn cứ phải nhìn thấy họ và để ý xem họ thay đổi ra sao, nhưng rồi cứ nhìn thấy nhau mỗi ngày, hắn không còn để ý nhiều nữa để rồi bây giờ hắn ngạc nhiên nhìn thấy chính mình lần đầu tiên sau quá nhiều năm.
Tóc bạc màu chẳng làm hắn nghĩ ngợi bao nhiêu nhưng chính những nét già nua vượt ra ngoài tưởng tượng khiến hắn bị xúc động.
Một lần nữa, 509 nhìn xuống vũng nước. Hắn nghĩ đó là mắt của mình. Hắn khom mình xuống sát hơn nữa để nhìn cho rõ. Hơi thở nặng nề của hắn làm mặt nước nhăn nheo và hình ảnh rung mờ trong chốc lát. Hắn lại nghĩ, đó là phổi của mình, và nó vẫn còn bơm hơi. Hắn thò tay khuấy nước và nghĩ tiếp: đó là bàn tay của mình - bàn tay có thể hủy diệt hình ảnh của mình.
Hủy diệt, hắn lặp lại trong đầu. Nhưng còn xây dựng thì sao? Và thù hận? Chỉ có sự thù hận thôi thì nhỏ bé quá. Muốn sống, con người còn cần nhiều thứ hơn là thù hận.
Hắn ngồi thẳng lên vì vừa thấy Bucher đang đi tới. Bucher hỏi ngay:
- 509, bạn có nghe nói chưa? Lò thiêu xác đã ngưng hoạt động.
- Làm gì có chuyện đó?
- Toán làm việc tại lò thiêu đã bị giết cả rồi. Dường như chúng nó không có ý định chọn toán khác. Có thể...
Cả hai người nhìn nhau.
- Có thể là lò thiêu không còn cần thiết nữa. Chắc bọn chúng đã...
Hắn ngưng ngang. 509 nói tiếp:
- Rút đi?
- Có thể lắm. Sáng nay, chúng cũng không đưa xe tới lấy xác.
Rosen và Sulzbacher đi tới. Rosen nói trước:
- Pháo binh ngưng hoạt động rồi. Chẳng biết việc gì sắp xảy ra?
- Chắc trận tuyến đã bị phá vỡ.
- Hoặc họ bị đẩy lui. Có tin là bọn SS định cố thủ ở đây.
- Chắc tin đồn từ nhà cầu. Cứ năm phút là có một tin đồn. Nếu bọn chúng cố thủ ở đây thì chúng mình sẽ bị ném bom.
509 nhìn lên. Hắn ước gì trời lại tối. Trời tối dễ ẩn núp hơn. Làm sao biết chuyện gì sắp xảy ra? Cả một ngày có tới 12 tiếng đồng hồ trong khi cái chết chỉ cần có vài giây.
Thình lình Sulzbacher hô lớn:
- Máy bay kìa!
Xúc động mạnh, hắn chỉ tay lên trời. Vài phút sau một đóm trắng nhỏ hiện ra. Rosea thì thầm:
- Chắc phi cơ Đức. Nếu không thì đã có còi báo động.
Tất cả vội vàng nhìn quanh tìm một chỗ ẩn núp. Trước đó đã có tin đồn là máy bay Đức được lệnh san bằng tất cả những trại tập trung nào còn sót lại vào giờ chót.
- Chỉ có một chiếc thôi! Đúng một chiếc!
Họ vẫn còn đứng. Nếu là một cuộc ném bom thì phải cần tới nhiều phi cơ hơn chớ không phải một chiếc.
Lebenthal góp ý kiến:
- Chắc là máy bay quan sát Mỹ. Mình không nghe còi báo động.
- Sao bạn biết?
Lebenthal không trả lời. Tất cả đều nhìn chăm chú vào đốm trắng nhỏ đang từ từ lớn thêm ra. Sulzbacher gần như quả quyết:
- Không phải phi cơ Đức.
Lúc này họ đã nhìn chiếc máy bay rõ hơn. Nó đang tiến thẳng về phía trại. 509 cảm thấy dường như có một bàn tay từ dưới đất thò lên nắm lấy đùm ruột của hắn và kéo lôi xuống... dường như hắn đang đứng khỏa thân trên một bục gỗ làm vật tế thần mà không làm sao có thể chạy thoát được. Hắn nhìn thấy những người chung quanh đã nằm rạp xuốngvà không hiểu vì sao mình vẫn còn đứng.
Ngay lúc đó, có một tràng súng nổ. Chiếc phi cơ đổi hướng bay dạt ra rồi quần trên trại. Những phát súng vừa rồi vang lên từ trong trại, đó là tiếng súng máy bắn ra từ phía sau đồn binh của SS.
Phi cơ rà thấp xuống. Mọi người đều chăm chú nhìn lên. Thình lình họ thấy nó nghiêng cánh qua lại dường như ra dấu hiệu. Mới đầu các tù nhân tưởng là phi cơ đã bị trúng đạn, nhưng nó vẫn tiếp tục bay vòng quanh một lần nữa và nghiêng cánh qua lại hai lần, giống như chim vỗ cánh. Sau đó nó lên cao và bay đi luôn.
Nhiều phát súng nổ theo. Lần này có cả tiếng súng nổ từ các chòi canh. Nhưng chỉ trong chốc lát, tiếng súng im bặt, chỉ còn lại tiếng động cơ của máy bay nhỏ dần... nhỏ dần...
Bucher thở hắt ra:
- Họ ra dấu hiệu.
- Dường như họ muốn ra dấu bằng cách đập cánh, giống như một người vẫy tay.
- Chắc chắn rồi, họ muốn báo hiệu với bọn mình.
- Họ muốn cho biết là đã biết rõ bọn mình đang bị giam ở đây. Thế là đúng rồi. 509, bạn nghĩ sao?
- Tôi cũng cho là như thế.
Đây là lần đầu tiên họ nhận được dấu hiệu của những người bên ngoài trại. Thế là bức tường cô lập quá dầy và ghê gớm bao quanh họ từ nhiều năm qua đã bị chọc thủng. Những người lạ sắp sửa giải thoát họ đã báo hiệu với họ. Họ không còn cô đơn nữa.
Đây cũng là lần đầu tiên, họ đón nhận cái chào mừng của thế giới tự do. Một nhân vật nào đó đã phái phi cơ tới để xác định rằng cả thế giới đã rõ tình trạng họ và sẵn sàng đến cứu. Họ không phải là cặn bã của trái đất, bị khinh khi, bị nhổ nước miếng vào mặt, bị ngồi lên đầu lên cô, bị dẫm quằn quại như giun... họ đã trở lại những con người...
Cái gì vậy? Cái gì làm cho mình thế này? 509 tự hỏi. Nước mắt? Mình? Một kẻ già nua còn có thể khóc được sao?
Neubauer xem xét bộ quần áo. Trước khi bỏ đi, Selma đã mắc bộ quần áo này ngay trước tủ áo của hắn. Một bộ thường phục mà hắn chưa bao giờ mặc từ mười hai năm qua. Một bộ đồ màu xám muối tiêu.
Hắn nhấc bộ đồ lên và nhìn ngắm. Hắn cởi bỏ bộ quân phục rồi đi tới phía trước gian buồng ngủ. Hắn mặc áo vào. Chiếc áo bó sát vào thân khiến không thể gài nút được, mặc dầu hắn cố thót bụng vào. Hắn bước tới trước tấm gương. Hắn trông thấy mình có vẻ buồn cười. Trong thời gian mười hai năm đó hắn đã mập thêm ra khoảng hai mươi kí. Cũng chẳng có gì lạ. Trước năm 1933, gia đình hắn đã phải sống khắc khổ, tằn tiện.
Kể cũng lạ, khi bộ quân phục không còn dính trên người, vẻ oai phong bỗng mất đi. Trông con người nhũn ra. Hắn nhìn lại cái quần, có lẽ nó còn chật hơn chiếc áo. Bây giờ thì muộn quá rồi...
Hắn nghĩ... mình sẽ đầu hàng đúng cách, đúng theo quân cách. Họ cũng sẽ đối xử với hắn đúng theo quân cách. Dầu sao thì hắn cũng là một quân nhân. Một quân nhân thật sự, có quân phục và cấp bậc sĩ quan cao cấp.
Neubauer vươn vai. Chắc họ sẽ quản thúc hắn trong một thời gian ngắn. Chắc có lẽ là trong một lâu đài nào gần đây cùng với những sĩ quan tương đương cấp bậc - Dĩ nhiên là họ phải áp dụng đúng luật nhà binh. Nhất định là mình sẽ không chào theo kiểu Hitler được, hắn tự nhủ. Đưa một cánh tay ra... đó không phải lối chào nhà binh, phải đưa bàn tay lên mũ.
Hắn bước tới vài bước và chào theo lối nhà binh. Chưa được, chưa phải là kiểu chào của một sĩ quan cao cấp. Hắn lại thử chào lần nữa. Kể ra cũng khó khi muốn phối hợp cách chào thế nào vừa đúng cách lại vừa oai vệ. Bàn tay đưa hơi cao. Lại bị ảnh hưởng bởi lối chào Hitler.
Bây giờ hắn nhận ra sao kiểu chào gì lại trẻ con đến thế, à... giống với hướng đạo sinh chớ không phải của sĩ quan. Vậy mà từ lâu mình vẫn chào như thế!
Hắn lại tập chào kiểu nhà binh. Phải từ từ! Nhanh quá không được. Hắn nhìn mình trong gương, lùi ra vài bước rồi bước tới:
- Thưa Đại tướng, tôi chấp nhận đầu hàng...
Hắn lại thử bước tới vài bước. Không nên gần lắm, phải cách khoảng vài thước.
- Thưa Đại tướng...
Hay có thể gọi “Thưa Bạn”. Nhưng... không gọi như thế được đối với một tướng lãnh. Chỉ cần chào đúng cách, vỗ tay vào đùi. Gọn và đứng đắn. Không cố bắt tay. Dầu sao thì cũng vẫn còn sự tương kính giữa hai đối thủ. Giữa sĩ quan với sĩ quan. Mình chỉ thua trận sau khi đã anh dũng chiến đấu. Phải có sự kính trọng đối với kẻ thua trong danh dự.
Trong một thoáng, Neubauer sực nhớ tới con người thư ký bưu điện của mình trước đây. Chỉ có những phút nguy ngập hay chán đời hắn mới nhớ ra dĩ vãng.
Có thể là sẽ có một bữa ăn chung xã giao như đã đọc thấy trong sách về trường hợp đối xử của các hiệp sĩ với nhau. Rất tiếc là không biết tiếng Anh. Cũng chẳng sao, còn cả lố thông dịch trong số các tù nhân.
À, mới đây mà chào đã khá thuần thục rồi! Nói cho đúng, mình có phải là một đảng viên Quốc Xã cuồng tín đâu. Cũng không phải là một viên chức hy sinh hết mình cho Tổ quốc. Weber và những kẻ như hắn, Dietz và bè đảng của hắn, đó mới là bọn Quốc xã.
Hắn lục tìm xì-gà. Trong thời gian chờ đợi chắc hút hết bốn hay năm điếu còn lại. Có cần để dành biếu cho đối phương không? Một điếu xì-gà quý có thể làm dịu được tình hình.
Hắn hút luôn mấy hơi thuốc. Nếu họ muốn viếng trại thì sao? Cũng được. Nếu họ thấy có gì không thích hợp thì mình cho sửa đổi ngay. Tuy có hơi chạm tự ái. Cũng không sao. Đã là quân nhân thì đó là chuyện dễ thông cảm. Nhưng...
Đột nhiên, hắn nghĩ tới một việc: thực phẩm. Phải cho những món ngon và nhiều hơn. Đúng thế. Đó là chuyện mà đối phương lưu ý trước tiên. Vậy là phải ra lệnh ngay gia tăng khẩu phần. Có hành động như thế mới chứng tỏ rằng mặc dầu không có ai nhìn ngó hay chỉ trích, hắn vẫn lo đến sức khỏe của tù nhân.
Trước hết là phải gọi hai đại diện trại tới thông báo cho họ. Họ cũng là tù nhân. Về sau, khi cần, họ sẽ làm chứng tốt cho mình.
Buổi chiều kéo dài ra. Rõ ràng là bọn SS không có ý định lên trại. Mặc dầu không hề hay biết về việc một số tù nhân đã được bí mật võ trang nhưng đó không phải là lý do khiến chúng e ngại.
Dầu cho có gấp trăm lần số súng lục đang cất giấu, tù nhân cũng không thể công khai chiến đấu với súng máy. Chính cái khối người quá đông đảo bỗng nhiên khiến cho chúng ngại ngùng.
Đúng ba giờ trưa, máy phóng thanh gọi tên hai mươi người tù và ra lệnh cho họ phải tập trung tại cổng trong vòng mười phút.
Điều này có nghĩa là dấu hiệu chẳng lành. Ban điều hành mật của trại lập tức đưa hai mươi người bị gọi tên ra khỏi lao xá. Trong số này có bảy người ở Tiểu trại.
Lệnh gọi được lặp lại lần thứ hai. Tất cả những kẻ bị gọi đều là tù nhân chánh trị.
Qua mười phút, không một bóng người nào tới cổng. Đây là lần đầu tiên, tù nhân công khai chống đối.
Vài phút sau, máy phóng thanh truyền lệnh cho toàn thể tù nhân tập hợp tại sân điểm danh. Ban điều hành mật lập tức phái người len lỏi tới tất cả các trại dặn chớ nên ra. Tập trung tại sân điểm danh sẽ dễ dàng bị đàn áp.
Weber nóng tiết định cho nổ súng máy nhưng không dám vì làm như thế là chống hẳn lại Neubauer. Theo tin tức từ văn phòng Bộ Chỉ huy tiết lộ thì đây là ý riêng của Weber chớ không phải lệnh của Neubauer.
Xuyên qua máy phóng thanh, Weber tuyên bố là toàn trại sẽ bị cúp khẩu phần nếu tất cả tù nhân không chịu ra sân điểm danh và hai mươi tù nhân chánh trị kia không chịu trình diện tại cổng.
Bốn giờ, lệnh của Neubauer cho gọi hai đại diện trại tới gặp hắn ngay. Hai người ra đi. Toàn trại hồi hộp chờ họ trở về.
Họ về trại nửa giờ sau. Neubauer đã cho họ xem tận mắt lệnh của cấp trên về việc phát lưu tù. Đây là lệnh thứ hai. Căn cứ theo lệnh mới này thì hai ngàn tù nhân phải rời khỏi trại trong một tiếng đồng hồ. Tuy nhiên, Neubauer cho biết hắn sẵn sàng dời cuộc phát lưu tới sáng mai.
Lập tức ủy ban điều hành mật được triệu tập tại một căn phòng trong bệnh xá. Sau phiên họp, việc trước tiên của họ là thuyết phục y sĩ Hoffmann - đã ngã về phe họ - hãy dùng ảnh hưởng riêng để nói với Neubauer hoãn gọi hai mươi tù nhân chánh tri cho tới hôm sau và hủy bỏ việc điểm danh. Vấn đề thứ hai là cho rút lại lệnh cúp khẩu phần. Hoffmann ưng thuận và đi ngay.
Vẫn theo quyết định của ủy ban điều hành mật thì dầu ở bất cứ trường hợp nào cũng nhất định không để cho bất cứ ai bị phát lưu vào sáng hôm sau. Nếu bọn SS đàn áp thì mọi người chạy ngay ra khỏi sân điểm danh chui vào lao xá. Cảnh sát đoàn của trại - một tổ chức gồm toàn tù nhân - hứa sẽ tiếp tay.
Theo sự ước tính của ủy ban thì hầu hết bọn SS - ngoại trừ khoảng một chục tên - đều không muốn tận tình nhúng tay vào vụ này. Nhờ tin tức lấy được của Đội trưởng Bieder nên họ tin như thế vì Bieder là cảm tình viên của ủy ban.
Cảm động nhất là quyết định hy sinh của hai trăm người tù Tiệp Khắc. Họ tuyên bố sẵn sàng tình nguyện chịu phát lưu để cứu hai trăm người đồng hương của họ đang ở trong tình trạng đau yếu, không thể chịu nổi một chuyến đi đày ải.
Tại khu sưng màng óc, Werner mặc y phục bệnh nhân, thì thầm với những người xung quanh:
- Một ngày là đủ lắm rồi. Chúng ta đang tính từng giờ. Hoffmann còn ở lại với Neubauer hả?
- Còn.
- Nếu hắn không thành công thì tới lượt chúng mình xoay xở.
- Bằng võ lực?
- Không chỉ một phần võ lực thôi. Nhưng phải chờ tới sáng mai. Ngày mai chúng mình sẽ khỏe gấp đôi.
Hắn nhìn ra cửa sổ, sắp đặt chương trình. Hắn lẩm bẩm:
- Số bánh mì dự trữ còn đủ sống đến bốn ngày nếu mỗi ngày chỉ ăn một khẩu phần. Bột mì, lúa mạch, bột ống...
- Được rồi, thưa bác sĩ. Tôi sẽ chịu trách nhiệm. Hẹn gặp lại ngày mai.
Nhìn Hoffmann bước ra, Neubauer huýt sáo miệng nho nhỏ, đầy vẻ đắc ý. “Lại có thêm một ông bạn đứng về phe mình. Được lắm, càng nhiều càng tốt. Người này biện hộ cho người kia”.
Hắn cất kỹ lệnh phát lưu vào hồ sơ riêng. Bằng một máy đánh chữ nhỏ, hắn đánh chỉ thị đình hoãn lệnh phát lưu. Hắn mở tủ sắt, cho hồ sơ riêng vào và khóa lại. Không ngờ cái lệnh khẩn cấp ấy lại tạo cho hắn một dịp may.
Vừa rung đùi, hắn vừa đánh máy thêm một khoản nhật lệnh hủy bỏ lệnh trước của Weber về vấn đề cúp khẩu phần cho tù nhân. Hắn lại còn ghi chú là khẩu phần chiều phải được phát nhiều hơn thường lệ.
Bucher vừa nhìn vào các tháp súng máy vắng bóng lính canh vừa nói với các bạn:
- Hơn một tiếng đồng hồ rồi.
Lính gác mãn giờ đã bỏ đi và không có ai tới thay. Việc này thỉnh thoảng vẫn xảy ra nhưng nhiều lắm cũng không quá nửa giờ, và chỉ riêng tại các chòi canh bên Tiểu trại thôi. Bây giờ thì khác hẳn. Tất cả các chòi canh đều trống rỗng.
Ngày dường như kéo dài ra đến năm mươi tiếng đồng hồ nhưng đồng thời cũng như thâu ngắn trong ba giờ. Mọi người đều mệt lả đến nỗi không buồn nói.
Thoạt tiên họ chẳng chú ý mấy đến sự vắng trống tại các tháp súng. Rồi Bucher nói ra. Hắn còn cho biết thêm là cũng không có lính gác trên các chòi canh bên trại lao tác.
- Chắc bọn chúng rút hết rồi.
- Chưa đâu. Lebenthal bảo là chúng vẫn còn.
Họ tiếp tục chờ. Lính đổi gác vẫn không tới.
Họ phái người đi lấy thực phẩm. Những người này trở về cho biết bọn SS vẫn còn. Tuy nhiên, dường như bọn chúng đang sửa soạn rút đi.
Phần ăn vừa bắt đầu chia thì hỗn loạn ngay. Các bộ xương rỗng ruột xáp tới bị đẩy lui. 509 nói lớn:
- Đồ ăn còn nhiều! Mỗi người sẽ được phần khá hơn thường lệ! Nhiều lắm! Các bạn hãy giữ trật tự!
Những tù nhân khỏe nhất được cắt đặt đứng thành vòng tròn quanh các thùng đựng thức ăn trong khi 509 chia phần. Berger vẫn còn lẩn tránh trong bệnh xá.
Ông lão Ahasver tròn mắt ngạc nhiên:
- Coi kia! Có cả khoai tây! Lại có xương sụn nữa!
Ngoài món súp đặc và nhiều gấp đôi, bành mì cũng được phát bằng hai khẩu phần thường ngày.
Bucher tỏ ra thạo tin:
- Chính Neubauer đích thân xuống nhà bếp giám thị. Đây là lần đầu tiên tôi chứng kiến chuyện hi hữu.
- Hắn đang tìm cách gỡ tội.
Lebenthal trề môi:
- Nó tưởng bọn mình câm.
509 đặt cái vá không xuống:
- Cũng không phải vậy đâu. Chúng không hề bận tâm nghĩ đến mình. Chúng nó cho là muốn biến mình thành cái gì cũng được. Ở đâu chúng cũng làm thế. Chúng biết mọi thứ và luôn luôn là những thứ tốt hơn. Chính vì vậy mà chúng bại trận. Chúng biết mọi thứ tốt hơn về Mỹ, về Anh, và Nga.
Lebenthal ợ dài:
- Nghe coi bộ được quá. Lâu lắm rồi chưa có gì để ợ.
Họ bị xúc động và mệt nhoài vì chờ đợi. Họ nói chuyện nhưng gần như không nghe thấy đang nói những gì. Họ nằm trên một hòn đảo vô hình. Chung quanh họ những người Hồi đang lịm chết vẫn cứ chết, dầu khẩu phần súp trội hơn.
Bucher cố bước từng bước chậm và chững chạc đi qua sân điểm danh để tới hàng rào kẽm gai ngăn đôi Tiểu trại và trại đàn bà. Hắn dựa vào rào kẽm:
- Ruth.
Người yêu của hắn đã đứng sẵn bên kia. Nắng chiều làm mặt Ruth ửng lên như khuôn mặt hồng hào của những kẻ ăn uổng đầy đủ. Bucher ngập ngừng:
- Chúng mình đứng đây... Mình đứng đây... không ẩn núp. Lần đầu tiên không lo sợ.
Ruth như có vẻ đang cười:
- Đúng vậy. Đây là lần đầu.
- Em có thấy hàng rào này trông như hàng rào của một khu vườn không? Mình có thể trò chuyện với nhau. Không sợ sệt. Hàng rào của một vườn Xuân.
Tuy nói thế, họ chưa hẳn đã hoàn toàn không sợ. Thỉnh thoảng họ lại liếc nhìn ra sau và lên các chòi canh trống vắng. Cái sợ đã bắt rễ trong họ quá lâu rồi. Không còn sợ là một cái gì quá mới. Nhưng họ bắt buộc phải quen với thái độ mới này. Hai người nhìn nhau mỉm cười và cố giữ thật lâu để khỏi lén nhìn mau sang chỗ khác.
Lần lần, các người khác bắt chước theo. Những người còn đủ sức đứng lên, đi quanh quẩn. Một vài kẻ tới sát bờ rào... sát hơn thường lệ và có thể bị bắn ngay nếu trên tháp súng có lính canh.
Đi đứng như thế làm cho họ vui ra. Điệu bộ của họ trông thật trẻ con, hoàn toàn trẻ con. Có người chưa quen đi đứng nên trông giống như đi bằng chân gỗ. Có người mới đi được vài bước đã lảo đảo, phải vội vàng vịn lấy một nơi nào.
Những cái đầu ngẩng cao, những đôi mắt thôi nhìn xuống hoặc thôi lờ đờ xa vắng đã bắt đầu nhìn rõ ra. Một cái gì từ lâu bị bỏ quên bắt đầu xâm nhập, vào đầu... một cái gì không tên. Họ đi vơ vẩn trên trên sân, đi qua những đống thây người, đi qua những nhóm bạn đồng lao đang lịm chết hoặc đang hôn mê tưởng tượng tới những món ăn.
Trông họ đi giống như một cuộc diễn hành ma quái của những bộ xương người... những bộ xưong nhất định chống đối tử thần.
Ánh nắng đỏ ối buổi chiều đã tắt. Từng khoảnh xanh mờ trải lên thung lũng, tràn ngập các ngọn đồi. Lính canh vẫn không có mặt nơi chòi gác.
Đêm xuống. Đội trưởng Bolte không tới để điểm danh.
Lewinsky mang tin tới. Bọn SS đang chuẫn bị. Quân đội Mỹ sẽ có mặt tại đây trong một hoặc hai ngày. Ngày mai sẽ không có chuyến phát lưu. Neubauer đã xuống phố. Hắn cười nhe răng:
- Chẳng còn bao lâu nữa! Thôi tôi về!
Hắn dẫn theo ba người đã lẩn tránh ở Tiểu trại mấy ngày qua.
Đêm hoàn toàn yên tĩnh, sâu rộng và đầy sao.