ần đầu tiên trong đời, Ruth Chevenix-Gore bây giờ là Ruth Lake, xuống sớm để ăn sáng. Hercule Poirot đang đứng trong sảnh, kéo cô ra một chỗ lúc cô định đi vào phòng ăn. - Tôi có một điều hỏi cô. - Tôi nghe đây. - Tối qua cô ra vườn. Có lúc nào cô dẫm lên cái dải bồn hoa trước cửa sổ văn phòng ngài Gervase? - Có, hai lần. - A! Hai lần? Sao vậy? - Lần đầu để hái hoa, lúc đó khoảng bẩy giờ. - Sao hái hoa muộn vậy? - Đúng. Tôi đã cắm hoa sáng nay, nhưng sau giờ dùng trà; bà Wanda bảo là hoa trong phòng ăn không còn tươi; vì vậy tôi ra hái. - Đúng là mẹ cô bảo cô đi hái? - Vâng. Vì thế tôi ra vườn trước lúc bẩy giờ một chút. Tôi hái ở cái bồn hoa đó, vì chẳng mấy khi có ai đi vòng quanh nhà ở phía ấy, hái ở đó không ảnh hưởng đến cảnh quan chung. - Tốt, nhưng còn lần thứ hai? Cô bảo còn ra đó lần thứ hai? - Phải, ngay trước giờ ăn, tôi đánh rơi một giọt sáp trên áo, chỗ gần vai. Tôi không muốn đi thay áo, mất thì giờ, đính hoa lên đó thì số hoa trong phòng không có bông nào phù hợp với mầu áo. Tôi đã trông thấy ngoài vườn một bông hồng muộn rất đẹp, tôi chạy ra hái và ghim lên vai áo. Poirot gật gù, ra vẻ hiểu. - Đúng, tôi nhớ có thấy cô gài bông hồng đó tối qua. Lúc cô hái nó là mấy giờ? - Thực ra tôi chẳng nhớ nữa. - Nhưng điều này rất quan trọng. Cô cố nhớ xem. Ruth cau mày, liếc nhìn Poirot rồi lại quay đi. - Tôi không thề nói chính xác, có lẽ vào khoảng tám giờ năm phút, vì lúc đi vòng quanh nhà để về, tôi nghe tiếng cồng và ngay sau đó là tiếng nổ ấy. Tôi rảo bước, vì tưởng đã là tiếng cồng thứ hai. - A! Cô tưởng thế... và cô không cố thử vào bằng cái cửa-cửa sổ của văn phòng ngay chỗ cô đứng ở bồn hoa? - Có, nếu cửa đó mở thì tôi vào cho nhanh. Nhưng cửa đóng. - Như thế là đã rõ. Xin hoan nghênh. Ruth ngạc nhiên: - Ông nói gì? - Rằng cô đã có lời giải thích cho từng việc: vết giầy của cô trong đất mềm của bồn hoa, vết ngón tay cô trên bậu cửa-cửa sổ. Tất cả đều rất hợp lý. Ruth không kịp đáp, vì cô Lingard từ trên thang gác chạy xuống. Má cô đỏ hồng, cô có vẻ sững sờ thấy Poirot và Ruth đứng cùng nhau. - Xin lỗi - cô nói - Có chuyện gì? - Có lẽ ông Poirot này điên - Ruth tức giận đáp. Cô quay lưng, đi vào phòng n. Cô Lingard kinh ngạc nhìn Poirot. Ông lắc đầu: - Sau điểm tâm tôi sẽ giải thích. Tôi muốn mọi người tập hợp trong văn phòng ngài Gervase lúc mười giờ. Vào phòng ăn, ông nhắc lại yêu cầu đó. Susan Cardwell liếc nhìn ông, rồi quay sang Ruth. Đến lúc Hugo mở miệng kêu: "Hề, họp làm gì nhỉ?”, Susan lấy khuỷu tay hích, và anh này im bặt. Điểm tâm xong, Poirot đứng dậy, rút trong túi chiếc đồng hồ quả quýt: - Bây giờ là mười giờ kém năm. Năm phút nữa, mời tất cả mọi người vào văn phòng. Poirot nhìn quanh một lượt, các bộ mặt đều chú mục vào ông. Tất cả đều có mặt, trừ một người, nhưng ngay lúc đó, phu nhân Chevenix-Gore - người còn thiếu - đi vào, dáng vẻ bơ phờ, mỏi mệt. Poirot đưa ghế mời bà. Bà ngồi xuống, nhìn tấm gương vỡ, rùng mình và hơi xoay ghế lại. - Gervase hãy còn đây - bà nói - Tội nghiệp ông... Rồi ông sẽ phiêu diêu tự do. Poirot đằng hắng, lấy giọng. - Tôi mời mọi người họp mặt tại đây để nghe những sự việc liên quan đến vụ tự tử của ngài Gervase. - Đấy là mệnh - phu nhân nói - ông Gervase nhà tôi mạnh, nhưng mệnh trời mạnh hơn. Đại tá Bury ghé tai bà, thì thầm: - Thôi... Wanda... Bà mỉm cười, cầm tay đại tá, nói: - Có ông, tôi được an ủi rất nhiều. Ruth sốt ruột: - Ông Poirot, có phải ông đã xác định chắc chắn nguyên nhân khiến cha tôi tự tử? - Không, thưa bà. - Thế thì, cái trò này là nghĩa lý gì? Poirot vẫn bình tĩnh. - Tôi không biết lý do tự tử của ngài Gervase, vì ngài không tự tử. Có người đã ám hại ngài, giết ngài... - Giết? - Nhiêu tiếng ồ lên, tất cả đều hướng về Poirot. - Bị giết? Ồ, không! - Phu nhân Chevenix-Gore khẽ nói. - Ông nói là bị giết? - Hugo lại hỏi - Vô lý, lúc chúng ta phá cửa vào, không có người nào ở trong phòng. Các cửa - cửa sổ đều đóng, cả cửa chính cũng vậy, và chìa khóa nằm trong túi áo của cậu tôi. Làm sao ông ấy bị giết được? - Ấy vậy mà bị giết đấy. - Và hung thủ chạy trốn chui qua lỗ khoá, hoặc thăng thiên lối lò sưởi? - Đại tá Bury kêu. - Hung thủ ra bằng cửa sổ kia - Poirot nói - tôi sẽ chỉ các vị xem. Ông làm lại cái điều ông đã làm trước mặt Susan. - Các vị thấy chưa? Hắn làm như thế đó! Ngay từ đầu tôi đã thấy giả thuyết tự tử là vô lý. Một người có cái tật tự mãn, tự đại như ông không tự giết mình. “Và còn nhiều thứ khác nữa! Thoạt nhìn, ta nghĩ trước khi chết, ngài Gervase ngồi vào bàn, viết hai chữ xin lỗi lên tờ giấy rồi tự bắn vào đầu, nhưng trước khi bắn, không hiểu tại sao ông lại xoay ghế sang một bên so với bàn. Tại sao? Phải có lý do. Tôi bắt đầu hiểu rõ hơn khi thấy một mẩu gương nhỏ dính dưới đế một cái tượng bằng đồng rất nặng... “Tôi tự hỏi làm sao cái mảnh kính ấy lại tới tận chỗ đó, và câu trả lời hình thành trong óc tôi. Tấm gương không bị đạn bắn vỡ, mà bị cái tượng này đập vào. Gương được cố tình làm vỡ. "Tại sao? Tôi lại tự hỏi. Tôi trở về gần bàn, nhìn chiếc ghế, và sự thật hiện lên không khớp tí nào. Người định tự vẫn không khi nào xoay ngang ghế, ngả người sang bên rồi mới bắn. Tất cả chỉ là sự dàn cảnh. Một cách nguy trang khéo léo. «Rồi đến một tình tiết quan trọng: lời chứng của cô Cardwell. Cô Cardwell nói đã vội vã xuống gác tối qua vì tưởng nghe thấy tiếng cồng thứ hai. Có nghĩa là cô nghĩ mình đã nghe tiếng thứ nhất. «Ta thử suy nghĩ xem: nếu ngài Gervase ngồi ở bàn trong tư thế bình thường mà bắn vào đầu, thì viên đạn sẽ đi ra đâu? Bay thẳng, nó sẽ đi qua cửa, nếu cửa mở và cuối cùng đập vào cái cồng, và tất nhiên cồng sẽ vang lên. "Như vậy trường hợp ngài Gervase tự tử là không thể có. Người chết không thể đứng dậy, đi ra đóng cửa rồi trở về ngồi ở tư thế bất tiện? «Có ai đó đã nhúng tay vào, vậy không phải tự tử, mà là án mạng. Ai đó rất thân thuộc với ngài Gervase đã đến bên cạnh ngài. Có thể ngài đang viết? Hung thủ dí súng vào thái dương bên phải và bóp cò. Thế là xong. Rồi hung thủ nhanh nhẹn xỏ găng tay, khóa cửa hai vòng rồi bỏ chìa khóa vào túi ngài. Nhưng, giả thử mọi người đã nghe tiếng cồng, ai nấy sẽ nghĩ là lúc súng nổ, cửa mở chứ không đóng. Hung thủ liền xoay ghế, để cái xác ngả bên, đặt ngón tay người chết lên khẩu súng và cố ý đập vỡ tấm gương. Rồi hắn ra ngoài qua chiếc cửa - cửa sổ, đóng lại và đập vào kê-môn như tôi làm lúc nẫy rồi chạy trốn, không dẫm lên cỏ, mà chạy qua bồn hoa, nơi sau này dễ xóa đấu vết. Rồi hắn đi vòng qua nhà và đường hoàng đi vào phòng khách. Ông dừng một lát rồi nói tiếp: - Một người duy nhất có mặt trong vườn hoa lúc nổ súng. Người đó để lại vết chân trong bồn hoa và vết ngón tay trên bậu ngoài cửa sổ. Ông lại gần Ruth: - Và có lý do, có phải không? Cha cô vừa biết cô bí mật kết hôn và chuẩn bị tước quyền thừa kế của cô. - Nói bậy! - Ruth kêu lên, giọng coi thường - Ông toàn dựng chuyện nói bậy! - Thưa bà Lake, chứng cứ chống lại bà rõ ràng. Ra toà, họ có tin cô không, tôi không biết, chứ tôi thì chịu. - Ruth không việc gì phải ra toà! Mọi người quay đầu lại, kinh ngạc. Cô Lingard đứng đó, mặt dúm dó, toàn thân run rẩy. - Tôi giết đấy! Tôi xin nhận! Tôi có lý do để giết ông ta... và đã chờ có dịp. Ông Poirot nói đúng. Tôi đã theo ông Gervase đến đây, lấy trước khẩu súng trong ngăn kéo. Tôi đứng cạnh ông ta, nói chuyện về cuốn sử... và tôi bàn. Vừa vặn tám giờ, đạn đập vào cồng, tôi không thể ngờ đạn lại xuyên qua đầu từ bên này sang bên kia như vậy. Tôi không có thì giờ ra nhặt viên đạn, ra khóa cửa, bỏ chìa vào túi ông ấy. Rồi tôi xoay chiếc ghế, đập vỡ gương, viết chữ xin lỗi lên giấy, rồi ra bằng cửa sổ, đóng cửa sổ bằng cách mà ông Poirot đã chỉ. Tôi qua bồn hoa, nhưng đã xoá vết chân bằng một cái cào đã sắp sẵn từ trước. Tôi đi vào phòng khách, vẫn để cửa sổ phòng này mở. Không ngờ cô Ruth ra theo lối ấy chắc cô đi vòng nhà ở phía trước trong khi tôi đi vòng phía sau, vì tôi còn phải đem cái cào cất vào kho dụng cụ. Tôi chờ ở phòng khách cho đến khi nghe có tiếng người đi xuống và Snell sắp đánh cồng, rồi... Cô Lingard nhìn Poirot. - Rồi ông không biết sau đó tôi làm gì? - Ồ! Có! Tôi đã thấy cái túi giấy trong bồ rác. Đó là một ý kiến rất thần tình, cô làm như bọn trẻ thường nghịch thổi phồng lên rồi đập bẹp đánh bốp, nghe giống như tiếng nổ, cô vứt cái túi vào bồ rồi chạy ra sảnh. Như vậy là cô đã định giờ cho vụ tự tử... lại tạo ra trường hợp ngoại phạm cho bản thân. Nhưng cô còn lo lắng về một tiểu tiết: chưa kịp nhặt viên đạn rơi đâu đó gần cồng... mà nhất thiết cần phải để người ta tìm thấy viên đạn ngay trong văn phòng, gần tấm gương. Tôi không rõ lúc nào thì cô nẩy ra ý lấy cái bút chì của đại tá Bury. - Đúng vào lúc chúng tôi từ sảnh đi vào đây. Tôi bất ngờ thấy Ruth trong phòng khách và hiểu là cô từ ngoài vườn vào bằng chiếc cửa-cửa sổ. Tôi thấy trên bàn chơi bridge chiếc bút chì của đại tá Bury và bỏ nó vào túi xắc, để sau này có ai nhìn thấy tôi nhặt viên đạn, thì tôi sẽ bảo là nhặt bút chì. Thực tế thì có lẽ không ai nhìn thấy tôi nhặt viên đạn và tôi bỏ nó gần tấm gương trong lúc các ông xem cái xác. Lúc các ông hỏi tôi về chuyện này, tôi rất mừng đã nghĩ ra lấy cái bút. - Quả là khôn ngoan. Điều đó đã làm tôi bị lạc hướng. - Tôi sợ có ai nghe thấy tiếng súng thật nhưng tôi biết mọi người đang thay quần áo trong các phòng và gia nhân thì ở dưới khu phục vụ. Người duy nhất có thể nghe là cô Cardwell, nhưng cô cho đó là tiếng nổ xe hơi. Cái cô nghe là tiếng cồng... Tôi tưởng... tôi tưởng mọi việc đã suôn sẻ… Ông Forbes thong thả, trịnh trọng tuyên bố: - Thật là một chuyện kỳ dị, dường như chẳng có động cơ gì. - Có động cơ đấy - cô Lingard chậm rãi đáp - Nào, đợi gì nữa, gọi cảnh sát đi chứ? - Cô cao giọng, gần như gắt. Poirot ôn tồn: - Tôi yêu cầu mọi người ra hết. Ông Forbes, nhờ ông điện gọi thiếu tá Riddle đến. Tôi sẽ ở tại đây chờ ông ấy. Lần lượt mọi người ra khỏi phòng, người nào người nấy kinh ngạc, sững sờ, quay lại nhìn trộm người phụ nữ tóc hoa râm chỉnh tề đứng thẳng người ở giữa phòng. Ruth ra sau cùng. Cô dừng lại ở bậc cửa, quay lại nhìn Poirot với vẻ thách thức, nói giận dữ: - Tôi không hiểu ra sao. Mới lúc nãy, ông còn bảo tôi là thủ phạm! - Không, không - Poirot đáp - tôi không hề có ý ấy. Ruth từ từ đi ra. ° ° ° Poirot ở lại một mình với người đàn bà vừa thú nhận đã giết người một cách tinh vi, khôn khéo. Người đó nói: - Ông không tin Ruth là thủ phạm, nhưng cứ kết tội để buộc tôi phải lên tiếng. Phải không nào? Poirot nghiêng đầu. Cô Lingard nói tiếp: - Trong khi chờ đợi, ông nói xem, vì sao ông nghi ngờ tôi. - Nhiều dấu hiệu. Trước tiên, những thông tin cô cung cấp về ông Gervase. Một người kiêu hãnh như ông không bao giờ nói xấu cháu mình như thế với người lạ, nhất là người ở vị trí như cô. Cô muốn củng cố thêm giả thuyết tự tử. Cô cũng đi quá xa khi gợi ý rằng có chuyện ô danh gì đó về phía Hugo Trent khiến ông phải tự tử. «Đấy cũng là điều mà ông Gervase không thể để lộ trước người lạ. Rồi có cái vật cô nhặt trong hành lang, rồi một sự việc rất có ý nghĩa là cô lờ đi chuyện Ruth từ ngoài vườn vào phòng khách. Cuối cùng tôi tìm thấy cái túi giấy, một vật không thể có được trong bồ rác phòng khách trong một tòa nhà luôn được giữ ngăn nắp như Hamborough Close! Cô là người duy nhất có mặt ở phòng khách lúc nghe thấy "tiếng nổ". Cái trò thổi vào túi giấy thường chỉ có trong ý nghĩ của phụ nữ. Thế là mọi thứ ăn khớp: cô cố hướng sự nghi ngờ vào Hugo để tách anh ta ra xa Ruth. Cách phạm tội... và động cơ là như vậy. Cô Lingard giật mình: - Ông biết cả động cơ? - Tôi nghĩ là biết. Động cơ là: hạnh phúc của Ruth! Tôi cho là cô đã biết tình hình giữa Ruth và John Lake. Cô lại có điều kiện tiếp xúc với các giấy tờ của ngài Gervase, nên phát hiện ra là ông dự định thay đổi di chúc, tước quyền thừa kế của Ruth nếu cô không lấy Hugo. Thế là cô quyết định lập lại công bằng, và lợi dụng việc ngài Gervase viết thư cho tôi. Hẳn cô đã đọc bản sao lá thư ấy. Tôi không rõ ông lo ngại hoặc ngờ vực điều gì khiến ông viết thư ấy, có thể ông nghi Burrows hoặc Lake ăn cắp tiền của ông. «Việc chưa rõ thái độ của Ruth đối với hôn nhân cũng có thể khiến ông muốn có sự điều tra kín đáo. Cô khôn khéo khai thác tâm trạng ấy, nói với chúng tôi rằng Gervase bất bình về một chuyện liên quan tới Hugo Trent. Giờ phút cuối cùng, cô gửi điện mời tôi đến. Rồi cô bịa ra rằng ông Gervase sau khi yêu cầu cử người ra ga đón tôi, đã nói là "muộn mất rồi". - Gervase Chevenix-Gore là một tên thô bạo, tên súc vật, đua đòi học làm sang! - Cô Lingard thét lên giận dữ - Tôi không để cho lão phá hoại hạnh phúc của Ruth. Poirot hiền hòa nhìn cô, hỏi nhẹ: - Ruth là con gái cô? - Vâng. Tôi luôn nhớ nó. Khi biết Gervase cần người giúp viết lịch sử dòng họ, tôi đã chớp lấy cơ hội để được gặp con gái. Chỉ có phu nhân Chevenix-Gore biết mặt tôi, nhưng hồi đó tôi còn trẻ, đẹp, nay tôi già, lại thay đổi tên họ, chắc bà chả nhận ra. Tôi rất quý bà Wanda, song ghét cả cái dòng Chevenix-Gore đã coi tôi không ra sao. Nay lão Gervase chỉ vì tự tôn tự đại lại định làm hỏng đời con gái tôi! «Vì vậy, tôi quyết định nó phải được hạnh phúc. Và nó sẽ hạnh phúc nếu không bao giờ biết gì về tôi. Đó là một lời thỉnh cầu, không phải câu hỏi. - Sẽ không ai biết chuyện này ngoài tôi - Poirot dịu dàng nói. - Xin cảm ơn. ° ° ° Sau này, khi cảnh sát đã dẫn nữ sát nhân đi, Poirot gặp Ruth Lake và chồng ở ngoài vườn. Ruth hỏi: - Lúc đó ông có thực tin tôi là kẻ giết người? - Tôi biết bà không thể là thủ phạm, vì những luống hoa. - Vì hoa? Tôi không hiểu. - Thưa bà, ở đó có bốn vết chân, chỉ có bốn. Nhưng vì bà đã vào đó hái hoa, vết chân phải có nhiều hơn. Như vậy có nghĩa là giữa lần bà vào lần dầu và vào lần thứ hai, có người đã xóa dấu vết của bà. Việc đó chỉ có thể do hung thủ làm. Bốn vết chân lần thứ hai của bà không bị xoá, như thế có nghĩa bà không phải thủ phạm, mặc nhiên bà được minh oan. Mặt Ruth sáng lên. - Mụ đàn bà ấy đã phạm một tội kinh tởm. Nhưng mụ ấy đã thú nhận để tôi khỏi bị oan. Thật là trung thực và can đảm, vì dám chấp nhận bị đưa ra tòa và bị xét xử. - Bà không lo, không đến cái đoạn ấy đâu. Bác sĩ nói với tôi là người đàn bà ấy bị bệnh tim rất nặng, chỉ còn sống được vài tuần. - Thà thế còn hơn - Ruth cúi xuống hái hoa - Tôi còn chưa hiểu hai điều: tại sao bà ta giết Cụ Cố, và tại sao tôi lại thấy thương hại, tội nghiệp cho bà ta?