Chương 21
Củng Cố Lực Lượng

    
ết thúc mùa 1986-1987, Alex bắt đầu cuộc “đại thanh trừng”: Terry Gibson, John Sivebaek, Frank Stapleton, và Gary Bailey đều phải ra đi. Peter Barnes và Mark Higgins thậm chí bị thanh lý từ đầu năm. Bán nhiều thì phải mua để thay thế, nhưng trong việc mua cầu thủ, Alex gặp nhiều khó khăn. Thấy United là CLB lớn, các đội khác đều hét giá cầu thủ trên trời, còn chính các cầu thủ thì đòi hỏi lương cao mới chịu. Họ không biết rằng United lớn thì có lớn, nhưng chủ tịch Martin Edwards lại vô cùng keo kiệt. Alex dự tính mua tám cầu thủ mới cho mùa 1987-1988, nhưng Edwards cương quyết không chi tiền. Ông buộc phải bước chậm lại: Mỗi mùa chỉ thực hiện hai ba vụ chuyển nhượng quan trọng thôi. Ban đầu, ông đưa về Brian McClair, Steve Bruce, và Viv Anderson, mùa sau mua thêm Lee Sharpe, học trò cũ Jim Leighton, và đưa Mark Hughes trở lại Old Trafford.
Hè 1989, doanh nhân Michael Knighton ra giá muốn mua Manchester United từ tay Martin Edwards. Hai bên thỏa thuận xong xuôi, việc Knighton trở thành ông chủ mới của Old Trafford tưởng như chỉ còn là vấn đề thời gian. Edwards cũng nghĩ như thế, nên ông mở quỹ cho Alex Ferguson tiêu xài xả láng: Bây giờ mình nghỉ rồi, còn lo gì, có lỗ lã thì gã Knighton phải gánh. Được hưởng lộc trời cho, Alex bỏ ra 7 triệu bảng mua về 10 cầu thủ, trong đó có Mike Phelan, Neil Webb, Gary Pallister, và Paul Ince[1]. Sau cùng, vụ mua United đổ bể, do Knighton không chồng đủ tiền. Edwards ngậm đắng nuốt cay, nhưng hối thì đã muộn.
Trong những thương vụ kể trên, thành công nhất có lẽ là Steve Bruce và Gary Pallister. Họ sẽ hợp cùng nhau trở thành cặp trung vệ số một giải ngoại hạng Anh. Mark Hughes thì đã nổi tiếng từ thời Ron Atkinson, nay trở lại United, anh như cá về với nước. Brian McClair trong suốt 11 năm ở Old Trafford hầu như không bao giờ chấn thương. Thời gian đầu, anh giữ vai tiền đạo, sau được rút xuống hàng tiền vệ, nhưng dù chơi ở vị trí nào cũng tận tụy cống hiến 100% sức lực. Paul Ince là lá phổi của tuyến hai United trong những năm đầu thập niên 1990. Lee Sharpe cũng một thời tung hoành, được coi là một trong những tài năng trẻ xuất sắc nhất Anh Quốc.
Bên cạnh việc mua những cầu thủ đã thành danh, Alex Ferguson không quên tạo cơ hội cho các tài năng trẻ. Cánh nhà báo dùng cụm từ “Nhi Đồng Fergie” (Fergie’s Fledglings) để chỉlứa cầu thủ trẻ được Alex sử dụng trong đội hình một vào những năm cuối thập niên 1980. Lứa này gồm những người trưởng thành từ đội trẻ United, hoặc được mua về ngay khi mới 16-17, như Gary Walsh, Lee Martin, Tony Gill, David Wilson, Russell Beardsmore, Deiniol Graham, Mark Robins, Jules Maiorana, và Lee Sharpe (đã nhắc đến ở trên). Tuy nhiên, so với “Đồng Ấu Busby”, “Nhi Đồng Fergie” chỉ là cái bóng mờ. Trong thế hệ này, chỉ duy nhất Lee Sharpe đạt đến đẳng cấp quốc tế. Sharpe giành danh hiệu Cầu Thủ Trẻ Xuất Sắc Nhất Nước Anh mùa 1990-1991, được gọi vào ĐTQG, và trụ lại được ở MU cho đến tận năm 1996. Lee Martin và Mark Robins cũng có những đóng góp nhất định.
Trong số những tên tuổi lớn rời Old Trafford trong khoảng 1987-1989 có Norman Whiteside, Paul McGrath, Arthur Albiston, Jesper Olsen, và Gordon Strachan[2]. Strachan là học trò cũ của Alex ở Aberdeen, hiểu thầy nhất không ai bằng anh, nhưng chính vì quá hiểu nên anh thấy chán. “Tôi biết quá nhiều về thầy”, Strachan nói, “Thầy cũng biết quá nhiều về tôi”. Chẳng còn gì mới lạ nữa!
Khi rời Aberdeen, Strachan ký thỏa thuận với Cologne, sau đó lật kèo chuyển sang Manchester United, dẫn đến vụ kiện tụng ba bên. Tới lúc rời United, anh lại tiếp tục gây nên sóng gió bằng tính khí thất thường của mình. Mới hôm trước, Strachan đồng ý với chủ tịch Martin Edwards về việc gia hạn hợp đồng, thì hôm sau, anh đến gặp Alex, thông báo sẽ qua Pháp chơi cho Lens. Alex sốt tiết, và từ đó trở đi, hoàn toàn mất lòng tin vào Strachan. Đàm phán giữa Strachan và Lens cuối cùng không thành, nhưng giữ anh lại cũng không ích gì. Thầy đã không còn tin trò, mà trò thì cảm thấy xấu hổ, càng đá phong độ càng tệ. Tháng 3-1989, Strachan được bán cho Leeds United.
Có người trách Alex sai lầm khi bán Strachan, vì sau này, Strachan góp công lớn giúp Leeds vượt mặt United, giành chức VĐQG mùa 1991-1992. Nhưng nếu như thế, Leeds còn sai lầm gấp 10 lần, bởi sau khi đăng quang, họ để Eric Cantona sang Old Trafford!
Cũng trong khoảng 1987-1989, Alex mua hụt mất Peter Beardsley, Stuart Pearce, John Barnes, và Paul Gascoigne (Gazza), trong đó vụ Gascoigne làm ông tiếc ngẩn ngơ. Alex bắt đầu ấn tượng với Gascoigne từ trận Manchester United – Newcastle vào cuối năm 1987. Trận đấy, hàng tiền vệ United gồm Bryan Robson, Norman Whiteside và Remi Moses bị chàng trẻ Gascoigne quần cho tơi tả. Sau một lần “xỏ kim” Moses, Gascoigne còn quay lại…vỗđầu đàn anh. Tức giận trước hành vi kẻ cả của Gazza, Alex nhảy bật khỏi ghế, ra lệnh cho học trò: “Chặn ngay thằng lỏi đó!”. Nhưng chẳng ai chặn nổi. Đến tốc độ nhất đội như Robson vẫn bị “thằng lỏi” cho ngửi khói suốt 90 phút.
Trọng tài vừa nổi còi hết trận, Alex gọi ngay Martin Edwards “Đừng về vội, ông qua bên kia nói chuyện với chủ tịch Newcastle đi. Tôi phải có thằng nhóc đó. Bao nhiêu năm rồi mới lại thấy một cầu thủ chơi hay như vậy.”
Và Alex đã…suýt có được Gazza. Mùa hè năm 1988, khi chuẩn bị đi nghỉ mát ở Malta, ông nhận được điện thoại từ Gascoigne: “Bố Ferguson à? Đi nghỉ thoải mái nhé. Khi bố về, con sẽ ký hợp đồng với Manchester United.”
Thế là Alex Ferguson yên tâm đi Malta, vừa tận hưởng khí hậu Địa Trung Hải, vừa mơ về bộ ba hoàn hảo Robson-Hughes-Gascoigne, cho đến khi ông nghe thông báo từ chủ tịch Edwards: Gazza đã sang Spurs. Thì ra, tận dụng lúc Alex vắng mặt, HLV Tottenham, Terry Venables, thừa cơ đến thuyết phục Gascoigne. Theo một số nguồn tin, Gascoigne tới White Hart Lane vì phía Tottenham hứa hẹn mua cho cha mẹ anh một căn nhà.
Gascoigne được cho là có tiềm năng trở thành một Maradona, nhưng với lối sống buông thả, anh không những chẳng bao giờ phát huy được hết tiềm năng, mà còn dần trở nên thân tàn ma dại. Có lẽ cuộc đời Gazza đã rất khác, nếu như anh gia nhập Old Trafford. Người khác không trị được Gascoigne, không có nghĩa là Alex Ferguson không trị được. Chẳng phải Alex đã “thuần hóa” thành công Cantona đó sao?
Trong giai đoạn củng cố lực lượng, Manchester United chưa đạt được thành tích như ý. Những bản hợp đồng mới đã tỏa sáng: Brian McClair ghi được 24 bàn tại giải VĐQG 1987-1988, trở thành cầu thủ United đầu tiên kể từ George Best ghi hơn 20 bàn trong một mùa giải. Một năm sau, Mark Hughes được Hiệp Hội Cầu Thủ (PFA) trao tặng danh hiệu Cầu Thủ Xuất Sắc Nhất Nước Anh. Tuy vậy, tập thể đội bóng lại thi đấu khá thất thường. Mùa 1987-1988, United đứng hạng nhì, kém Liverpool chín điểm, nhưng bỏ xa đội hạng ba Nottingham Forest. Song đến mùa kế, khi mọi ngườikỳ vọng Quỷ Đỏ tiếp tục thăng tiến, giành lại ngôi vô địch sau 22 năm trắng tay,họ lại rơi xuống tận vị trí 11. Sức kiên nhẫn của fan hâm mộ bắt đầu cạn: Lượng khán giả đến sân ngày càng giảm, và cầu thủ bị la ó ngay tại Old Trafford. Đâu đó đã vang lên những lời kêu gọi “lấy đầu Ferguson”.
Trái với fan hâm mộ, vốn chỉ nhìn vào kết quả bề ngoài, ban lãnh đạo United là người trong cuộc, hiểu rõ nhất về nội tình đội bóng. Các vị giám đốc cảm nhận được hiệu quả của những công cuộc cải tổ do Alex Ferguson phát động, họ thấy tận mắt hệ thống đào tạo trẻ đang ngày một tốt hơn lên. Nhìn vào những cầu thủ trẻ như Ryan Giggs, họ dự báo trước một tương lai xán lạn. Tóm lại, bất chấp các vấn đề tạm thời, họ biết rằng CLB đang đi đúng hướng. Chính vì thế, họ không những không mất niềm tin, mà còn mời Alex gia hạn hợp đồng thêm ba năm, với mức lương tăng lên 100 000 bảng một năm.
Nhưng ngay cả ban lãnh đạo cũng bị thử thách dữ dội trước phong độ thê thảm của United trong mùa 1989-1990. Nỗi đau lên đến đỉnh điểm khi CLB bị đại địch Manchester City hạ nhục 5-1. Hôm ấy, khi về đến nhà, Alex như không nghe không thấy bất cứ điều gì. Ông vào phòng, đóng cửa, vùi đầu vào gối, hy vọng sẽ ngủ một giấc thật dài, mãi không tỉnh dậy. “Thật tình tôi chỉ muốn đút đầu vào bếp lò”, Alex nhớ lại, “Mà nếu tôi làm thật, chắc không ít người tình nguyện vặn ga hộ!”
Từ bốn phía, những lời chỉ trích tới tấp bay đến. Người ta đọc thấy trên mặt báo những lời hô hào như “Biết điều thì từ chức ngay”, “Ba năm rồi, toàn là rác rưởi, đừng kiếm cớ nữa”, “Đội bóng quá lớn, mà HLV quá bé”, “Thật phí cả tiền! Fergie cút xéo!”…Huyền thoại George Best tuyên bố không thèm đến sân xem United đá, trong lúc một bộ phận người hâm mộ kêu gọi đánh đổ Alex, đưa Bryan Robson lên nắm quyền. Thủ thành Jim Leighton, sau vài màn trình diễn kém cỏi, cũng trở thành vật tế thần. Tạp chí Red Issue vẽ hình Leighton đang cầm…bao cao su, cùng lời quảng cáo “BCS Leighton, bảo đảm chụp gôn không dính trái nào, chắc chắn cầm gì cũng tuột!”
Steve Bruce và Brian McClair nhớ lại: Giữa thời khắc khó khăn ấy, trong các cuộc họp báo, Alex không một câu đổ lỗi cho học trò. Ông là vậy, có thể “sấy” cầu thủ tới bến trong phòng thay đồ, nhưng luôn bảo vệ họ tới cùng trước mặt người ngoài. Khi Bruce lo lắng, sợ thầy không chịu nổi áp lực, Alex chỉ cười “Em cứ vui đi, không việc gì phải lo cho thầy.”
Dư luận cho rằng: Số phận Alex Ferguson sẽ được định đoạt sau trận đấu vòng 3 Cúp FA trước Nottingham Forest. Nếu United lại thua, sẽ không ai còn cứu nổi ông.

Lee Sharpe (ảnh: Milkcapmania.co.uk)

[1] Alex phải dùng 7 triệu để mua 10 cầu thủ, trong khi năm 1990, Roberto Baggio chuyển từ Fiorentina sang Juventus với giá 8 triệu. Có thể thấy: Ngay khi Martin Edwards chịu mở hầu bao, United cũng không cạnh tranh nổi với các đại gia khác trên trường chuyển nhượng.
 
[2]Không kể những người bị bán đi do xung đột với HLV, Alex Ferguson luôn giữ mối thân tình với học trò cũ. Peter Davenport cònnhớ Alex đã gọi điện chúc may mắn trước khi Sunderland của anh gặp Liverpool trong trận chung kết Cúp FA năm 1992. Lúc ấy, anh đã rời United được bốn năm. "Một cử chỉ nhỏ thôi, nhưng nói lên nhiều điều về ông ấy", Davenport nói, "Tôi mãi không quên cử chỉ đó."