Chương 26
Thế Hệ Vàng Alex Ferguson

    
rận mở màn mùa giải 1995-1996, gặp Aston Villa, Manchester United ra sân với bốn cầu thủ tuổi đôi mươi trong đội hình chính thức: Paul Scholes, Nicky Butt, cùng anh em nhà Neville: Gary và Phil. Hai cầu thủ trẻ nữa, David Beckham và John O’Kane, được ra sân từ ghế dự bị. Beckham lập công vào phút 84, nhưng trước đó Villa đã ghi tới ba bàn. Sau trận đấu, bình luận viên Alan Hansen, học trò cũ của Alex Ferguson ở ĐTQG Scotland, nhận xét một câu “để đời”: Toàn nhóc con mà thắng nỗi gì!
Như chạm tự ái, lũ “nhóc con” đá như…nước chảy mây trôi, cùng United toàn thắng năm trận sau đó. Anh em Neville thể hiện phong độ tốt dưới hàng thủ, trong khi Giggs, Beckham, Scholes và Butt liên tục phá lưới đối phương. Sự trở lại của “vua” Eric vào tháng 10 khiến các đàn em càng tự tin hơn. Ngay trận đầu tiên sau án treo giò, Cantona đã đích thân ghi một bàn, và chuyền đường quyết định cho Butt ghi bàn còn lại, giúp Quỷ Đỏ cầm hòa Liverpool 2-2.
Tuy vậy, United gặp phải sự cạnh tranh quyết liệt từ Newcastle. Dưới sự dẫn dắt của Kevin Keegan, “Chim Ác Là” sở hữu một đội hình rất có chiều sâu, với những David Ginola, Pavel Srnicek, Phillipe Albert, Les Ferdinand, Peter Beardsley và…Keith Gillespie. Suốt nửa đầu mùa bóng, các học trò Alex chỉ đứng thứ nhì, không sao vượt nổi Newcastle. Ngay cả chiến thắng 2-0 trước Newcaslte trong mùa giáng sinh cũng chỉ giúp khoảng cách giữa hai đội được thu hẹp xuống còn bảy điểm.
May cho Quỷ Đỏ: Tháng hai, 1996, Kevin Keeganmua về ngôi sao tiền đạo người Colombia Faustino Asprilla. Tưởng đâu có thêm Asprilla, rồng Newcastle sẽ như thêm cánh, chẳng ngờ từ đấy trở đi, rồng lại…lao xuống vực. Đầu tháng ba, United lần thứ hai đánh bại Newcastle, với bàn thắng duy nhất của Cantona. Đến ngày 20 tháng ba, đội giành chiến thắng trước Arsenal, lần đầu tiên lên ngôi đỉnh bảng. Như để bù đắp cho những tháng ngày bị treo giò, Cantona cứ đều đặn mỗi trận ghi một bàn. Trong khoảng mùng bốn tháng ba đến mùng tám tháng tư, anh nổ súng trong sáu trận liên tiếp. Newcastle gắng gượng sức tàn đuổi theo kình địch, song đến chặng cuối thì hết hơi. Họ hòa hai trận cuối cùng, đành chứng kiến United hoàn tất một trong những cú ngược dòng ngoạn mục nhất trong lịch sử.
Vừa ăn xong tiệc mừng vô địch ngoại hạng, United bước vào tranh chung kết Cúp FA với Liverpool. Là kẻ thù “bất cộng đái thiên”, nên cả hai đều hết sức thận trọng, trình diễn một lối chơi vô cùng…buồn ngủ. Phút 85, khi United được hưởng phạt góc, tỷ số vẫn là 0-0. Alex Ferguson cảm thấy rất bất mãn với Beckham, vì từ đầu trận, anh toàn đá phạt góc vào tay David James. “Cơ hội cuối cùng đấy con”, ông thầm nhủ, “Đá hỏng cú này là con ra luôn, khỏi chơi hiệp phụ.”
Rốt cuộc chẳng có hiệp phụ nào. David James một lần nữa xông ra phá đường phạt góc của Beckham, nhưng lần này thay vì bắt dính, anh lại đẩy bóng đến chỗ “hung thần” Eric Cantona. Cantona lạnh lùng quăng chân bắt một cú demi-volley chuẩn xác đến từng ly, kết liễu số phận Liverpool.
Nhạc khải hoàn một lần nữa lại nổi. Manchester United trở thành đội bóng Anh đầu tiên giành hai cú đúp quốc nội (1993-1994, 1995-1996). Alex Ferguson cân bằng thành tích đoạt tám danh hiệu lớn của Sir Matt Busby, dù ông mới ở Old Trafford mười năm. Eric Cantona cũng trải qua một mùa bóng khó quên. Chỉ ra sân từ tháng 10, anh kịp ghi đến 19 bàn, được Hiệp Hội Ký Giả (FWA) trao giải Cầu Thủ Xuất Sắc Nhất Nước Anh[1], và tạp chí uy tín Onze Mondial trao giải Cầu Thủ Xuất Sắc Nhất Thế Giới. Bên cạnh Cantona, các cầu thủ trẻ mới ra ràng thể hiện phong độ trên cả tuyệt vời. Paul Scholes, với 14 bàn, chỉ chịu xếp sau Cantona trong danh sách phá lưới. Ryan Giggs ghi 12 trái, David Beckham tám. Nicky Butt và Gary Neville mỗi người đều đá trên 30 trận, duy có Phil Neville hơi phải chịu lép, vì bị Denis Irwin phủ bóng.
Alan Hansen đã có câu trả lời: Đúng là nhóc con chẳng thắng được gì, chỉ thắng nổi…cú đúp thôi!
Với cú đúp trong tay, Alex Ferguson trở về thế thượng phong trong cuộc đàm phán hợp đồng với BLĐ United, giữa những tin đồn các ĐTQG Ireland và Anh đang đánh tiếng mời ông. Thế nhưng, BLĐ nắm được “thóp” của Alex. Họ biết ông đã quá gắn bó với CLB, họ biết Manchester United đã trở thành một phần máu thịt của ông. Họ tin chắc: Một khi đã đổ mồ hôi sôi nước mắt gầy dựng nên cả một thế hệ vàng, ông sẽ không thể bỏ tất cả mà ra đi. Alex cuối cùng phải thỏa hiệp, đồng ý bản hợp đồng mới bốn năm, lương 650 000 bảng đồng niên.Lương thấp hơn, thời hạn hợp đồng cũng ngắn hơn so với kỳ vọng, nhưng lỡ “yêu” rồi, đành chịu thiệt thòi đôi chút.
Khác với Alex, Steve Bruce không gian hạn hợp đồng với United. Đã 36 tuổi, anh chọn Birmingham City làm nơi dưỡng già. Birmingham chỉ là đội hạng nhất mà chịu chơi như…con ma trơi, sẵn sàng trả cho Bruce một triệu bảng mỗi năm. Cùng ra đi với Bruce có Lee Sharpe. Sharpe nổi danh sớm hơn Ryan Giggs, song giờ đây không cạnh tranh nổi với cả cầu thủ măng sữa David Beckham. Dù vậy, Leeds United vẫn bỏ ra 4.5 triệu để mua anh. Họ hớ nặng, vì trong ba năm ở Elland Road, Sharpe chẳng đóng góp được bao nhiêu.
Không còn Steve Bruce, Alex cần bổ sung thêm một hậu vệ. Ông cũng toan tính việc tăng cường hàng công, bởi United vẫn thiếu một người đá cặp với Cantona. Thế hệ vàng tuy tài không đợi tuổi, nhưng gồm toàn hậu vệ và tiền vệ. Giggs và Scholes có thể đá tiền đạo, song về bản chất vẫn là cầu thủ tuyến hai. Tiền đạo thực thụ như Andy Cole thì chơi rất thất thường, trong khi Brian McClair chỉ còn đủ sức đá dự bị. Giải pháp của Alex là mua cặp cầu thủ người Na Uy: trung vệ Ronny Johnsen từ Besiktas, và tiền đạo Ole Gunnar Solskjaer từ Molde. Thêm vào đó, ông đưa về Old Trafford hai ngôi sao vừa tỏa sáng tại Euro 1996: Karel Poborsky của CH Czech, và Jordi Cruyff của Hà Lan, con trai huyền thoại Johan. Thật trớ trêu, chính hai anh chàng Na Uy còn khá vô danh mới trở thành những yếu nhân ở United, còn hai ông sao kia chẳng để lại được dấu ấn gì[2].
Hai gương mặt nổi bật nhất của United trong mùa 1996-1997 là David Beckham và Ole Gunnar Solskjaer. Ngay ở trận khai mạc giải ngoại hạng, Beckham đã ghi vào lưới Wimbledon bàn thắng mà cho đến nay vẫn là đẹp nhất trong sự nghiệp của anh, với một cú bấm bóng từ phần sân nhà, cách khung thành đối phương đến…50 mét. Bàn thắng này đưa Beckham từ một cầu thủ triển vọng lên địa vị ngôi sao thực thụ. Kết thúc mùa bóng, Beckham lập công tổng cộng 12 lần, đa phần từ những cú sút phạt vòng cung siêu đẳng. Không ai xứng đáng với danh hiệu Cầu Thủ Trẻ Xuất Sắc Nhất Nước Anh hơn anh.Về phần Solskjaer, anh đến Old Trafford khi mới 22 tuổi, khuôn mặt trông búng ra sữa, nhưng khả năng chớp thời cơ đã ở mức “lư hỏa thuần thanh”. Rất nhanh chóng, Solskjaer chiếm suất đá chính bên cạnh Cantona, và được người hâm mộ tặng cho biệt hiệu “sát thủ mặt trẻ thơ”. Các fan còn chế lời ca khúc You Are My Sunshine thành You Are My Solskjaer, giành tặng chàng tân binh Na Uy. Vua phá lưới của United mùa đó không phải “vua” Eric, mà là Solskjaer, với thành tích 19 bàn.
Vẫn như năm ngoái, đường đến chức vô địch ngoại hạng chứng kiến cuộc đua tài giữa Manchester United và Newcastle, đội vừa phá kỷ lục chuyển nhượng thế giới khi bỏ ra 15 triệu bảng mua Alan Shearer[3]. Và vẫn như năm ngoái, United nóng máy khá chậm. Cuối tháng 10, đội thậm chí rơi vào khủng hoảng, bị thua hai trận vỡ mặt trước Newcastle (0-5) và Southampton (3-6), sau đó thua tiếp Chelsea 1-2, rớt xuống tận hạng năm. Đến cuối tháng 12, Quỷ Đỏ mới bắt đầu vào guồng, đè bẹp Sunderland (5-0), và Nottingham Forest (4-0). Đầu tháng hai 1997, sau trận thắng Southampton 2-1 tại Old Trafford, đội lên ngôi đầu. Ngày 15 tháng ba, họ hạ tiếp Sheffield Wednesday 2-0, khởi đầu cho loạt chín trận bất bại kéo dài cho đến tận cuối mùa giải. Đối với fan hâm mộ David Beckham, ngày này còn mang một ý nghĩa đặc biệt, không liên quan đến túc cầu. Hôm ấy, giám đốc Mike Edelson mời hai nàng Spice Girls Mel C và Victoria Adams đến xem bóng đá, và sau trận đấu, Victoria lần đầu tiên tiếp xúc với Beckham. Phần còn lại của câu chuyện thì ai cũng biết cả rồi.
Không những VĐQG với bảy điểm nhiều hơn Newcastle, United còn thi đấu thành công tại Cúp C1. Trong bảng đấu gồm Fenerbahce, Rapid Vienna, và “ông kẹ” Juventus, họ đứng hạng nhì, giành vé vào tứ kết gặp Porto. Trận tứ kết lượt đi trên sân nhà Old Trafford, Alex Ferguson gây bất ngờ khi sử dụng hàng tiền đạo ba người, với Cantona chơi hơi lùi bên dưới cặp trung phong Cole-Solskjaer. Trong khi đó, Ryan Giggs không bám cánh, mà được dùng như một cầu thủ tự do, nhằm gây rối hàng thủ đội bạn. Chiêu lạ của Alex thành công rực rỡ: United thắng đậm 4-0, khiến trận lượt về trên đất Bồ Đào Nha chỉ còn là thủ tục (hòa 0-0).
Được đánh giá cao hơn đội bóng Đức Borussia Dortmund, nhưng United gây thất vọng tại vòng bán kết. Lượt đi trên sân khách, đội áp đảo từ đầu đến cuối mà không thể ghi bàn, phải trả giá bằng thất bại 0-1. Lượt về, thay vì phục thù tại thánh địa, họ lại tiếp tục thua. Trong trận này, Alex chỉ trích Schmeichel bắt kém, để lọt lưới cú sút của Lars Ricken. Schmeichel bảo anh không thể làm gì hơn, vì bóng trúng chân hậu vệ đổi hướng.
“Chỉ nói láo, bóng có trúng chân ai đâu”. Ông thầy giận dữ
“Có đấy”, Pallister giơ tay, “trúng chân em chứ ai.”
Thế là từ hôm ấy, Alex bắt đầu đeo mắt kính!
Thất bại trước Dortmund, xét cho cùng, chẳng phải thảm họa gì. Vào được bán kết Cúp C1 đã là một điều đáng khích lệ, vì trước đây Alex Ferguson chưa bao giờ đạt đến thành tích ấy. Dục tốc bất đạt, ban đầu hãy tứ kết, bán kết đã, rồi hãy tính chuyện vô địch sau.
Thử thách trước mắt của Alex là làm thế nào lấp đầy khoảng trống do Eric Cantona để lại, bởi ngay sau mùa 96-97, nhà vua người Pháp đã gây chấn động làng cầu thế giới với tuyên bố giải nghệ.

David Beckham bấm bóng từ vị trí cách khung thành 50m, ghi bàn vào lưới Wimbledon (ảnh: Premierleague.com)

[1] Tuy vẫn thường xuyên giành các danh hiệu PFA, cầu thủ United dường như ít có duyên với phần thưởng của FWA. Cantona là Quỷ Đỏ đầu tiên kể từ George Best được FWA vinh danh.
[2] Lúc này, luật hạn chế cầu thủ ngoại đã được dỡ bỏ, nên Alex Ferguson có thể thoải mái trên thị trường chuyển nhượng.
[3] Trong khi United mua một lúc bốn cầu thủ (Poborsky, Cruyff, Johnsen, Solskjaer) chỉ hết 7.6 triệu.