Lời Nói Đầu

    
ăm 1986 là năm đầy rẫy những sự kiện thể thao đáng nhớ: Diego Maradona đưa Argentina lên đỉnh cao thế giới tại mùa hè nóng bỏng Mexico; Steaua Bucharest bất ngờ đánh bại Barcelona, lần đầu đem Cúp C1 về Đông Âu; Tay vợt 18 tuổi Boris Becker đăng quanh tại Anh, trở thành nhà vô địch Wimbledon trẻ nhất trong lịch sử. Đó cũng là năm huấn luyện viên (HLV) người Scotland Alex Ferguson[1] lần đầu đặt chân đến Old Trafford, Nhà Hát Những Giấc Mơ.
26 năm trôi qua, giấc mơ của Alex Ferguson vẫn chưa chấm dứt. Tại giải ngoại hạng Anh, nơi nổi tiếng là cỗ máy xay chuyên “xay” các HLV, Ferguson là biểu tượng của giá trị vĩnh hằng, bất biến. Với các cổ động viên (CĐV) Manchester United sinh vào khoảng giữa thập niên 1980, khi họ chào đời, Ferguson đã ở đó; họ lớn lên, cắp sách đến trường, ông vẫn ở đó; họ lập gia đình, sinh con, ông cũng vẫn còn; con họ sinh ra, bắt đầu biết xem bóng đá, vẫn thấy ông trên băng ghế huấn luyện!
26 năm qua, dưới quyền Alex Ferguson, Manchester United từ chỗ lao đao sắp xuống hạng, trở thành CLB giàu có và được hâm mộ nhất trên toàn cầu. Một mình Ferguson đối đầu với 17 đời HLV Manchester City, 17 đời HLV Chelsea, và tám đời HLV Liverpool. HLV đến rồi đi, các thế lực mới đến rồi đi, riêng Ferguson còn ở lại. Có Ferguson, United lật đổ ngôi vương của Liverpool, và từ đó đến nay, thống trị làng bóng nước Anh. Theo thời gian, không ít CLB lăm le chiếm đoạt ngai vàng Quỷ Đỏ: Newcastle, Arsenal, Chelsea, song tất cả đều thất bại. Ở tuổi ngoài 70, Ferguson vẫn dẻo dai lạ thường, đang ra sức quyết đấu với kẻ giành ngôi mới nhất: Manchester City.
Tuy nhiên, nhắc đến Alex Ferguson, không thể chỉ nói về Manchester United. Ferguson là HLV vĩ đại nhất trong lịch sử United? Đúng, song ông cũng là nhà cầm quân vĩ đại nhất của Aberdeen. HLV thành công ở hai CLB thì rất nhiều, nhưng hiếm ai đạt đến địa vị huyền thoại ở cả hai. Ngoài Ferguson ra, có lẽ chỉ còn Hertbert Chapman (1878 -1934).
Cá tính mạnh mẽ, nóng nảy, Alex Ferguson là nhân vật gây nhiều tranh cãi. Vậy nhưng, dù yêu dù ghét, nếu nhìn nhận một cách khách quan, không ai có thể phủ nhận thiên tài huấn luyện của Ferguson, cũng như vị trí độc nhất vô nhị của ông trong lịch sử nền túc cầu thế giới. Cũng hơi lạ khi ở Việt Nam, một đất nước đam mê bóng đá cuồng nhiệt, với lực lượng CĐV Manchester United vô cùng hùng hậu, cho đến ngày nay vẫn chưa ai viết một chuyên khảo dài hơi về Alex Ferguson. Thật là một thiếu sót! Đợi các bậc cao minh thì chưa biết đến lúc nào, nên chúng tôi tuy năng lực giới hạn, xin mạn phép đóng góp chút hiểu biết của mình, hy vọng có thể tạm thời bổ khuyết cho thiếu sót ấy.
Để viết sách này, chúng tôi dựa vào hai tư liệu chủ yếu: Hồi Ký của Sir Alex Ferguson, Managing My Life, ấn bản có bổ sung năm 2000, và cuốn tiểu sử The Boss – The Many Sides of Alex Ferguson của Michael Crick, ấn bản bìa mềm năm 2003. Managing My Life do Sir Alex tự thuật, đương nhiên có giá trị cao nhất. Tuy vậy, đã là hồi ký thì không thể khách quan tuyệt đối, nên khi sử dụng tư liệu trong đó, chúng tôi đều đối chiếu kỹ càng với thông tin trong sách của Crick. The Boss là tiểu sử dày dặn và công phu nhất về Alex Ferguson, những sách về sau chưa cuốn nào vượt được.
Hồi Ký kết thúc vào năm 2000, còn The Boss dừng lại ở thời điểm 2003. Để viết về giai đoạn 2003 – 2012, chúng tôi dựa trên hai cuốn: Football – Bloody Hell! The Biography of Alex Ferguson của Patrick Barclay (2011) và Sir Alex Ferguson: The Official Manchester United Story of 25 Years at The Top của David Meek và Tom Tyrrell (2011). Cuốn đầu tuy sơ lược hơn nhiều so với The Boss, nhưng có nhiều chi tiết mới lạ; cuốn sau là sách lịch sử viết theo kiểu “chính thống”, nên khá khô khan, song cung cấp những số liệu giá trị.
This is the One: Sir Alex Ferguson – The Uncut Story of a Football Genius của Daniel Taylor (2008) là “biên niên sử” chép những chuyện xảy ra trong hai mùa 2005-2006, và 2006-2007. Khi viết về hai mùa này, chúng tôi dùng nhiều chi tiết trong sách trên. Ngoài ra, trong danh sách tham khảo còn có Squeaky Bum Time: The Wit, Wisdom and Hairdryer of Sir Alex Ferguson, cũng của Daniel Taylor (2011): một “ngữ lục”, tập hợp những câu phát ngôn nổi tiếng của Sir Alex, và Fergie’s Proteges của James Mackie (2010): Sách thuật chuyện các học trò của Sir.
Bên cạnh đó, chúng tôi không bỏ qua tài liệu mạng. Số liệu trong sách một phần không nhỏ được lấy từ trang RSSSF của Sáng Hội Thống Kê Bóng Đá, và từ mục số liệu thống kê của trang Red11. Trong những năm 2004-2005, trên cương vị biên tập cho trang nhà Hội Cổ Động Viên Manchester United ở Việt Nam (MUSVN), chúng tôi từng viết rất nhiều bài về United. Sách này cũng sử dụng lại tư liệu từ các bài viết ấy.
Người viết vốn không phải nhà viết tiểu sử chuyên nghiệp, sách viết ra ắt hẳn còn nhiều hạn chế, thiếu sót. Rất mong được các độc giả chỉ bảo thêm cho.

Adelaide, Australia 2012

MinhNguyen

(http://www.facebook.com/huuminh.ng)

[1] Viết theo lối Scotland là Alec Ferguson.