Chương 1

Chi Lan thấy đã sáu giờ chiều mà Phong - người yêu của nàng - chưa đến. Không có gì sốt ruột cho bằng sự chờ đợi! Hay là anh ấy gặp bạn rủ đi uống bia? Hoặc kẹt xe? Hoặc cảm cúm bất thình lình? Bao nhiêu lý do tự đưa ra để giải đáp thắc mắc của mình nhưng Lan Chi vẫn lo lắng.
Phong là người con trai đầu tiên và cũng là người cuối cùng mà Lan Chi yêu. Vì hai người sắp làm đám cưới vào tháng 12, mà bây giờ là tháng 10 rồi. Nam nay 30 tuổi, Phong có dáng dấp cao ráo, khoẻ mạnh.
Nghề nghiệp văn phòng của một cong ty trách nhiệm hữu hạn bắt buộc Phong lúc nào cũng áo quần lịch sự, mái tóc bồng bềnh giống nghệ sĩ. Chi Lan nhận xét người yêu nàng thật tuyệt vời.
Quen Phong trong lần đám cưới cô bạn gái, ngồi chung một bàn. Chi Lna thấy người nóng bừng khi nói chuyện và Phong đề nghị đưa nàng về nhà.Từ đó, hai người thường xuyên gặp gỡ, nảy nở tình yêu.Trong suốt thời gian ấy, Phong không có điểm nào đáng chê trách cả. Chàng đoán ý Chi Lan, chiều chuộng từng chút, lấy lòng cả ba mẹ nàng là ông bà Thành nữa. Đã hai năm trôi qua,từ ngày họ quen nhau và bây giờ hai gia đình cùng nhất định tiến tới cho tốt đẹp mọi bề. Nghĩ đến ngày cưới, Chi Lan thấy lo lo. Đời người con gái chỉ một lần lên xe hoa, làm rạng rỡ cho gia đình, ba mẹ cũng mát mặt.Phong còn hứa sẽ lo đầy đủ. Nhưng chính nỗi lo của Chi Lan là ở đây. Nhà nàng không giàu có như nhà của Phong.Tuy có nghề may, nhưng may trong xóm, đa số là bà con lao động, lại nuôi ba mẹ, nen Chi Lan chưa sắm sửa gì cho mình được nhiều. Có nhiều nhà đông con, Chi Lan thấy tội nghiệp. May xong mấy bộ, nàng không tính tiền, họ năn nỉ mãi, nàng nể lời lấy tiền chỉ mà thôi. Phong thấy lúc nào người yêu của mình cũng có hàng để làm thì yên chí rằng Chi Lan kiếm được cũng khá.
Tiếng xe ngừng trước nhà làm Chi Lan nhìn ra, tim đập nhanh khi thấy Phong bảnh bao ngồi trên chiếc dream màu nho. Vuốt tóc lại, Chi Lan chạy ra đón người yêu, giọng giận dỗi:
- Sáu rưỡi rồi.
Phong mĩm cười:
- Cho anh xin lỗi, kẹt xe gần chân cầu chữ Y, len mãi, anh mới đến đây vào giờ này, chứ không thôi còn trể nữa.Đừng sụ mặt xấu lắm, tươi lên mới đẹp, Chi Lan à!
Chi Lan tươi nét mặt. Phong thật là khéo ăn nói. vả lại ai có thể giận chàng được lâu kia chứ! Vòng tay ôm lưng Phong, Chi Lan ngả người nhẹ vào chàng, để Phong rồ ga im như ru. Hàng xóm chung quanh đều vui vẻ khi thấy hai người đi với nhau. Chi Lan ăn ở có tình có nghĩa giống như ba mẹ nàng, ai nấy đều thương. Tóc dài bay bay theo gió, Chi Lan khẽ nhắm mắt lại.
Phong hỏi nàng muốn đi đâu?
- Đi đâu yên tĩnh một chút, để tụi mình còn bàn chuyện hai đứa, đựơc không anh?
- Vậy mình phải tìm một quán nào không có nhạc, à phải rồi, ra Thanh Đa uống nước dừa, nếu họ có mở nhạc thì mình đem bàn xich ra ngoài một chút.
Gió từ sông thổi lên mát rượi, người bán hàng nhanh nhẹn phục vụ theo yêu cầu của khách, đặt hai ly nước dừa lên bàn, ông ta rút lui vào trong quầy, để cho khách tự nhiên hơn.
- Nước dừa ngọt ghê, em uống đi cho mát.
Bưng ly nước lên, Chi Lan uống nhỏ nhẹ, thấy đúng như lời Phong nói - Nhìn cách uống của nàng giống chú mèo con, Phong châm thuốc hút, chàng hỏi:
- Áo của em định may hay thuê?
Chi Lan ngẫm nghĩ một chút:
- Áo dài thì em sẽ may, còn anh có thích em mặc soirré không? Nếu thích thì em sẽ thuê một bộ.
- Sao lại một bộ? Anh nghĩ rằng đời có một lần đám cưới, thì em phải mặc thay đổi cho anh chừng ba, bốn bộ gì đó! Để chụp hình và quay phim cho nổi.
Chi Lan nhìn Phong:
- Tại em nghĩ đã mặc áo dài lúc đón dâu, thì lúc đãi khách em mặc một bộ được rồi, thuê chi cho nhiều tốn kém lắm, nhất là vào mấy tháng cuối năm như vầy.
Phong lắc đầu:
- Anh lại thích thấy em thay đổi quần áo, cho tất ca mọi người, cha mẹ họ hàng bạn bè của chúng mình nhìn vào, mình đâu có phải nghèo mà em sợ!
- Em muốn tiết kiệm được cái nào hay cái đó, còn đế dành những lúc sau này, nhỡ có chuyện gì...
Phong vỗ về:
- Em đừng lo mấy vụ áo cưới, có bao nhiêu so với toàn bộ chi phí dành cho ngày vui của chúng mình. Anh muốn em đẹp hẳn lên, tụi bạn anh vẫn ghen với anh đó, nó bảo em đẹp hơn những cô bạn gái của nó, ông giám đốc cũng khen nữa! Em có nhớ mấy lần đến công ty tìm anh có việc cần không, ông giám đốc thấy, bảo anh là em nhìn thật hiền lành, đẹp nữa. Vì vậy, anh nhất định cái ngày vui ấy em phải thật rực rỡ, mà rực rỡ thì phải son phấn và thay đổi nhiều đồ trên người.
Chi Lan định nói để người yêu hiểu thêm là không phải cứ thay nhiều áo là đẹp, và bớt khoản tiền thuê áo mình sẽ sắm sửa được đồ dùng cần thiết hơn. Nhưng nghe giọng nói và nét mặt của Phong, nàng thấy không hy vọng và tự an ủi: Anh ấy muốn mình đẹp và không quê với bạn bè. Xong vụ áo, đến những giai đoạn khác trong ngày cưới mà ai cũng phải có: Tiệc đãi khách, nữ trang, quay video, có bao nhiêu thứ mà cái nào Phong cũng muốn thật nhiều, thật đẹp.
- À, mai mốt em khỏi mang máy may về, mẹ đã mua cho em một cái tốt rồi đó.
Chi Lan sung sướng:
- Thật hả anh? Như vậy có lẽ tốn của mẹ lắm.
- Ôi chao, tốn gì không biết nữa, mẹ thương thì mẹ lo cho con dâu của mẹ, mẹ nói mai mốt em về may vá cho đỡ buồn, nhà cửa vắng vẻ quá, với lại phải mau có cháu cho bà ẳm nữa.
Chi Lan đỏ au hai gò má:
- Thôi, mới lấy nhau mà có con, người ta cười chết. Em nghĩ rằng hai đứa mình nên dành dụm một chút ít, sau đó hãy có con.
Phong nói:
- Tụi mình thì sao cũng được, chỉ sợ mẹ không chịu. Nhà anh và nhà em, đều giống nhau một điểm là chỉ có mình là con, khác cái là ba anh mất lúc anh còn nhỏ, anh nghĩ vài tháng nữa là đến phiên ba mẹ bên em buồn đó.
Chi Lan thấy lời Phong nói thật đúng. Ban đầu nàng tưởng cưới xong, buổi sáng nàng sẽ về nhà mẹ để may đồ cho khách quen, chiều trở lại bên chồng. Nhưng ý bà Tuyền - mẹ Phong - muốn con dâu ở cạnh cho vui, nên lo mua sẳn máy may cho nàng. Và mai mốt ba mẹ nàng không thấy cảnh con gái ngồi đạp máy chắc buồn lắm!
Phong thấy người yêu ngẩn ra thì đoán biết tâm trạng, liền bảo:
- Em đừng buồn, anh đi làm, chủ nhật được nghỉ, em muốn về thăm nhà, anh sẽ đưa em đi, chịu không? Anh cứ nghĩ đến cảnh buổi sáng anh đi làm, mẹ và em ở nhà cùng nói chuyện, may vá, nấu cơm... trong lòng anh nôn nao cảm giác khó tả. Bức tranh hạnh phúc ấy anh hằng mong có từ lâu và bây giờ anh sắp sửa toại nguyện. Rồi mai đây trong nhà sẽ có tiếng khóc, tiếng cười của trẻ con. Chi Lan à, anh sung sướng vô cùng, em hiểu không.
Chi Lan thấy nét mặt Phong sáng lên khi bàn về tương lai. Mĩm cười nàng nói:
- Em hiểu anh lắm, vì chính em cũng đang mong muốn như vậy mà! Sáng mai anh có đi làm không?
- Có chứ! Chuyện gì quan trọng không mà em lại hỏi anh như vậy?
- Ngày mai, em mua một số đồ dùng như chỉ, ruban, nút kiểu... để may áo cho khách, em nghĩ nếu anh có thể thì đi cùng, anh thích em mặc áo cưới màu gì thì anh chỉ cho em biết, hôm trước anh có bảo mẹ cho tụi mình tùy ý thích mà.
Phong nhớ lại xem sáng mai anh làm nhiều không, thở dài vì thấy công việc bề bộn, Phong bảo:
- Hay là ngày mai khoảng gần trưa, em hãy đi. Ghé ngang qua chỗ anh làm, anh sẽ đưa em đến chợ nào em muốn, mình cùng nhau ăn cơm trưa luôn.
Chi Lan bằng lòng, tuy hơi e dè chỗ làm của Phong có nhiều đàn ông con trai, và ông giám đốc nữa. Tuối tác cúa ông giám đốc còn trẻ so với chức vụ. Nghe Phong nói ông ta chừng 38 - 39, đã có vợ nhưng ly dị mấy năm nay. Bao cô gái mang hy vọng lấy ông, nhưng ông ta vẫn đi một mình. Gặp ông vài lần, Chi Lan chào ông, ông khẽ gật đầu lại, ánh mắt nhìn nàng chăm chú một phút rồi quay đi. Chi Lan nghĩ đến ông giám đốc của Phong là nghĩ về ánh mắt ấy. Nó không sỗ sàng, ra vẻ bề trên, mà trái lại, ánh mắt ấy có một vẻ u buồn nào đó, nàng không thể biết.
Ngày hôm sau, Chi Lan nói với bà Thành là nàng đi mua một số đồ dùng, có lẽ không ăn cơm nhà buổi trưa, ở nhà cứ ăn trước, đừng chờ. Bà Thành dò hỏi:
- Có phải con định cho mẹ quen với sứ vắng mặt trong nhà này của con nay mai chứ gì!
Chi Lan nắm tay mẹ:
- Mẹ à, mẹ từng nói rằng con gái lớn lên là phải đi lấy chồng. Con lập gia đình, nhưng con sẽ dành ngày chủ nhật về thăm mẹ và ba, con ước ao chi lấy chồng xong vẫn được ở đây.
Bà Thành cười buồn:
- Lấy chồng mà đòi ở lại nhà bà mẹ, chẳng thể nào được hai điều kiện đó trong cùng lúc đâu con ạ. Vào lúc mẹ còn con gái ở nhà ngoại, mẹ cũng nghĩ như con, nhưng từ xưa đến nay, con gái là phải đi làm dâu. Nhưng mẹ không lo lắng nhiều khi con lấy Phong, vì mẹ thấy Phong nó yêu con, chăm sóc cho con, vả lại mẹ của Phong là người hiền hậu. Qua mấy lần gặp gỡ trao đổi, mẹ biết bà ấy rất thương con trai và con dâu.
Chi Lan làm bộ:
- Lý do nào mẹ nói mẹ của anh Phong hiền hậu hả mẹ, chỉ gặp gỡ vài lần, làm sao mẹ chắc chắn như vậy?
- Con người ta có thể giả dối lời nói được, nhưng ánh mắt thì làm sao mà dối được! Con tin mẹ đi. Những người xảo trá ánh mắt hay liếc ngang liếc dọc, người ác mắt sắc như dao, chả trách hay có câu " con mắt là cửa sổ tâm hồn ", nhìn vào là thấy trắng đen phân minh rõ ràng. Thôi, mẹ mừng là bà Tuyền không có lòng dạ xấu, con có mua gì thì đi không thì trể mất.
Chi Lan chào mẹ, lấy chiếc nón che đầu, rồi đón xe đến công ty của Phong. Bạn bè người yêu nàng kêu:
- Phong ơi, có ai kiếm.
- Người đẹp đến kìa, Phong.
Phong chạy ra đón người yêu. Chàng hỏi Chi Lan:
- Mình đi bây giờ luôn hả em, đứng đây chờ để anh lấy xe đã nhé.
Chi Lan gật đầu. Trong khi Phong lấy xe, nàng nhìn thấy mấy người bạn của chàng nhìn mình một cách chăm chú. Ngượng ngùng nàng quay ra thì lại gặp Vĩnh Sơn, giám đốc của Phong! Chi Lan vội chào, Vĩnh Sơn đang cầm trên tay xấp giấy tờ gì đó, hơi khựng lại khi thấy Chi Lan.
- Chào cô, Phong đã biết cô đến đây chưa?
- Dạ...
Vừa lúc đó, Phong đã ra bên cạnh, chàng cười:
- Thưa anh, đây là Chi Lan, vợ sắp cưới của em, còn đây là giám đốc của anh, Vĩnh Sơn. Tụi em định đi có chút chuyện, cũng đến giờ nghỉ, anh Sơn cho phép.
Vĩnh Sơn nhìn Chi Lan một thoáng:
- Có gì đâu, giờ nghỉ trưa thì cứ đi lo chuyện riêng của mình. Tôi cũng lên phòng nghỉ đây, hai người đi vui nhé. Khi đã ra ngoài, Chi Lan thắc mắc hỏi Phong là Vĩnh Sơn không về nhà buổi trưa hay sao mà ở lại công ty.
- Anh không rõ, hình như anh ấy sợ phải về nhà thấy khung cảnh trống vắng, ở nhà chỉ có bà vú nấu cơm, chăm sóc cho anh ấy thôi. Khi ly dị xong, anh ấy đổi đến căn nhà hiện nay đang ở, rất tiện nghi dù không rộng lớn bằng căn nàh cũ.
Chi Lan nghĩ thầm, có lẽ anh ta muốn quên đi những gì thuở trước, vật dụng quang cảnh...đều tạo cho sự nhớ nhung. Ờ chẳng lẽ Vĩnh Sơn nhất định ở vậy cho đến già! Nàng hỏi:
- Bộ Vĩnh Sơn không có người yêu, người tình nào sau khi ly dị sao anh?
- À, có chứ, nhưng theo nhận xét của mọi người và cả anh nữa, thì chỉ có mấy cô theo đuổi anh ấy, chứ Vĩnh Sơn không thiết tha gì. Trong số đó có cô thư ký Tuyết Nga là người si mê nhất. Em còn lạ gì chuyện tình cảm giữa những giám đốc và thư ký, nhưng Vĩnh Sơn rất đàng hoàng, tụi anh để ý kỹ lắm, mà chẳng lần nào bắt gặp được sự sai trái cả!
Chi Lan đấm nhẹ lưng Phong:
- Anh thật là... việc gì phải để ý chuyện riêng của người ta, mà người đó lại là cấp trên của mình nữa! Lạng quạng có ngày bị đuổi việc đó nha.
- Anh không chú tâm vào chuyện tình riêng tư của Vĩnh Sơn thì hai tai anh cũng đầy những bàn tán của bạn bè cùng công ty. Không có vợ con thì thật là đáng tiếc!
Chi Lan nghĩ thầm: hoặc Vĩnh Sơn chỉ yêu vợ mình, những ai đến với anh sau này đều bị xem là yêu tài sản, của cải vật chất.
Nhưng làm sao đàn ông đã ly dị một thời gian mấy năm lại giàu có như vậy mà không có người tình hay một đam mê nào! Rồi Chi Lan cố xua đuổi những ý nghĩ về người giám đốc trẻ tuổi ấy ra khỏi đầu óc, để cùng Phong lựa chọn màu áo cưới.
- Anh Phong, màu đỏ này thật là đẹp, được không hả anh?
Phong ngắm nghía:
- Đẹp lắm, hợp với nước da trắng của em vô cùng. Em cần may thêm một chiếc áo để hôm nhị hỉ ( lại mặt ) mặc về nhà chào ba mẹ,rồi một số áo đi chào họ hàng, bà con, những người đến giúp đỡ mình vào hôm cưới...
Chi Lan kêu lên:
- Thôi, em không may đâu, như vậy thật tốn kém.
Phong cau mày:
- Tại sao em cứ sợ tốn kém, trong khi vì ngày quan trọng nhất đời mình anh không hề tiếc một chút gì? chẳng lẽ anh lại để cho vợ anh chỉ có một hai chiếc áo thay đi thay lại.
- Phong à, em chỉ nghĩ may xong em mặc một lần, sau đó lại cất đi, vì nghề nghiệp của em đâu có đến cơ quan, xí nghiệp,công ty như các cô gái khác, mà em chỉ ngồi may ở nhà.
Nhưng rốt cuộc Chi Lan đành theo ý của Phong, mua thêm bốn xấp vải khác màu nhau. Người bán vải khen nàng đẹp hẳn nếu mặc những màu áo này (!) làm Phong thích thú trả tiền một cách dể dãi.
Hai người đi ăn cơm trong tiệm gần đó. Nắng tháng 10 không gay gắt lắm, nhưng vì chen chân ở chợ vải nãy giờ, mồ hôi lấm tấm trên mặt. Chi Lan hỏi:
- Buổi trưa có mình mẹ ăn cơm ở nhà thôi hả anh?
- Ừ, mẹ kêu về nhà, nhưng anh thấy chạy xe về hết nửa tiếng, lại đi nửa tiếng, ăn cơm kiểu đó đau bao tử chết! Trong công ty có người lãnh phần giao cơm hộp, nên tất cả mọi người ai cũng đăng ký cho tiện, giá cả cũng vừa phải. Vĩnh Sơn thì không, giám đốc mà có xe đưa về tận nhà tội gì không về nghỉ cho khoẻ.
Rồi Phong nhìn Chi Lan cười:
- Mai này có em về, có người ở nhà ăn cơm chung chắc mẹ vui lắm. Mà cứ nhắc đến chuyện này anh thấy nôn nao làm sao! Mong cho ngày mai là ngày đón em về cho nhanh.
Chi Lan xúc muỗng cơm lên:
- Coi vậy chứ thời gian qua mau lắm anh à, chớp mắt một cái là tới ngày em về với anh bây giờ.
- Dạo này em hơi gầy, em có ngủ được không?
Chi Lan gật đầu:
- Bây giờ thì em ngủ lúc 12giờ khuya, sáng 6 giờ dậy, nhưng ít lâu nữa chắc hàng may nhiều. Gia đình nào cũng may quần áo vào dịp cuối năm cho con cái, rồi mấy cô gái được tiền thưởng trong chỗ làm việc, tha hồ nhờ em may áo đầm, đồ bộ...
Năm ngoái em và mẹ phải làm suốt ngày, đêm chỉ ngủ có vài tiếng. Ba em th`i lo pha cafe, trà để em không buồn ngủ. Hang xóm nhiều lúc đến lấy áo về tự làm nút, làm khuy, họ thương em lắm.
Phong âu yếm nói:
- Còn anh, anh yêu em lắm, Chi Lan ạ. Em dùng thêm món gì nữa nhé?
- Thôi, em no rồi, để em uống nước, mình về kẻo anh trể giờ vào làm.
Phong nhìn đồng hồ đeo tay thấy 1 giờ hơn, chàng gật đầu:
- Ừ, để anh chở em về nhà, sau đó chạy đến công ty.
Chi Lan kêu lên:
- Hay em tự đón xe ngoài được mà!
Phong nhất định đưa Chi Lan về, nàng đứng trước cửa nhà, đợi Phong chạy khuất mới ôm lỉnh kỉnh đủ thứ bước vào.
- Chi Lan, mày đi đâu mới về đó?
Quay lại thấy Thùy Dung, bạn kế bên nhà, Chi Lan đặt tất cả đồ đạc mới mua lên bàn, trả lời:
- Đi mua ít kim chỉ.
- Cha, như vầy mà mày bảo là mua ít kim chỉ! nếu nói đi mua vải thì còn nhiều đến cỡ nào, cho tao xem chút nha, có sợ bay màu không đây.
Chi Lan nhìn Thùy Dung nghiêng đầu ngắm hết cái này đến cái nọ, khen rối rít lên, mà bụng thấy vui vui. Thùy Dung bằng tuổi Chi Lan. Thuở nhỏ hai người hay chơi bán hàng, nấu cơm, trò chơi búp bê, gia đình. Lớn thêm một chút, học cùng trường, bây giờ Thùy Dung đang bán cafe để kiếm tiền nuôi mấy đứa em. Chỗ bán ngay ngoài đường, cách trong ngõ chừng năm thước, buổi trưa về nghỉ ăn cơm. Lát nữa khoảng 2 giờ Thùy Dung lại ra bán cho đến tối khuya.
Chi Lan hỏi:
- Hôm nay mày chưa đi bán hả?
- Sắp rồi, mày không thấy tao sửa soạn đi ra thì gặp chàng đưa mày về, tay ôm một gói lỉnh kỉnh, tao nán lại xem thử, áo cưới phải không?Mày tốt số thật, được một anh chàng yêu hết lòng, giàu có, lo cho mày đủ thứ. Tao cũng phải thèm!
Chi Lan nói:
- Tại mày không chịu yêu, chứ tao thấy ngoài quán có bao nhiêu người uống cafe vì cô chủ quán chứ không phải cafe ngon!
Thùy Dung thở ra một hơi:
- Đừng hiểu lầm, đến quán của tao có nhiều đàn ông thật, nhưng mà toàn là các chàng đã có gia đình, các ông già về hưu, những gã con trai mới lớn... tao chưa hề thấy một bóng dáng đàn ông nào cỡ như người yêu của mày cả. Có cho tao cũng xin kiếu, mấy ông có vợ mà dính vào thì nguy hiểm lắm, lạng quạng có ngày làn da mịn của tao trở thành sần sùi vì acid!
Chi Lan thấy bạn nói một lúc với điệu bộ chán chường thì lại gần an ủi:
- Thôi mày đừng bi quan, tuổi của tao và mày chưa quá 25, tao chưa muốn lấy chồng đâu. Tại bên nhà anh Phong hối thúc...
- Phải, ai hỏi đến thì "em chưa muốn lấy chồng " nhưng thật ra dài cổ đợi xe hoa, đúng vậy không?
Thấy Chi Lan im lặng, Thùy Dung tưởng bạn giận mình, bèn nói:
- Tao đùa có một chút mà cũng giận sao?
- Không, tao đâu có giận, tao đang nghĩ chuyện khác, nhưng không phải chuyện lấy chồng.
- Vậy để tao ra bán hàng, mày ở nhà nhé, ráng dưỡng sức mà lo đám cưới.
Thùy Dung đi rồi Chi Lan mới ngã người nằm nghĩ một chút. Lúc nãy nàng không nghĩ đến chuyện mong ngóng sao cho mau về nhà Phong, chỉ nghĩ ước gì có thêm đứa em gái thì hay biết mấy. Để khi nàng về nhà chồng, có em gái phụ giúp công việc nhà, săn sóc ba mẹ, nhà nàng vắng vẻ quá. Có lẽ vì thể chất không khoẻ nên ba mẹ nàng chỉ sanh có mình nàng là con! Chứ mấy nhà xung quanh, nhà nào có ba mẹ lớn tuổi thuộc thời trước, đều 5-7 người con. Như Thùy Dung cũng vậy, 3-4 đứa em còn đi học.
Chi Lan thở dài, mẹ nàng đã bảo con gái lớn lên là phải theo chồng. Nàng có may mắn gặp Phong là người có việc làm ổn định.Mẹ chồng tương lai hiền hậu, ai cũng khen nàng ăn ở tử tế, tốt bụng bây giờ được đền đáp lại. Nhìn xung quanh chỗ nàng làm việc hàng ngày bàn máy, tủ treo áo đã may xong chờ khách lại lấy, bàn tiếp khách của ba mẹ, cũng là chỗ cắt vải. Những bà con lối xóm hay ra vào hỏi chuyện bà Thành. Con nít chạy khắp ngõ, la hét vang vang... Chi Lan cứ thấy nao nao trong bụng khi nghĩ đến ngày xa rời nơi đây.