Theo tôi nhận xét, thuở đó lính không quân có mấy dạng người khác nhau, tôi nói là trái ngược nhau. Có loại người hãnh tiến với binh chủng mình mang sắc áo và có loại ngưòi, ăn chơi hết mình để được tiếng là hào hoa. Đồng thời có người không thất vọng mà nghĩ đến một tương lai khác ngoài binh nghiệp. những người này cắm đầu học hành. Tôi đã nhìn thấy sự thành công ở nhiều người sau này. Lính không quân thuở đó có quyền xin lãnh đủ số lương để tự mình lo đời sống. Cấp binh nhì lương 916$50 một tháng. Năm hào cắc lẻ không bao giờ được lãnh. Tôi không biết nó đi đâu, nhưng vì ăn tiêu nhiều nên chẳng một ai đặt vấn đề. Lính trong phi đoàn tôi hầu hết lãnh trọn số lưong, không ăn cơm quân đội. Họ đi làm như công chức, sáng đi, chiều về. Có người thì hẳn pở trong trại tự nấu nướng lấy ăn, chắt bóp dành dụm số lương ít ỏi. Không hẳn là trại gia binh, nhưng lính độc thân đều có nơi riêng ở. Tôi có nhà một bà dì ở ngoài cổng trại một khúc đường, con đường Chi Lăng thuở ấy; xom Cống Bà Xếp, nên góp gạo nấu cơm chung cũng tiện. Buổi tối tôi đi học tư, hy vọng mình giật lấy mảnh bằng cấp sau những năm bỏ dở dang. Tôi không còn hy vọng vào binh nghiệp. Tôi vẫn mang chỉ số tạm 4 số 9. Nghĩa là muốn đưa đến đâu cũng được. Tôi bị điều về kho nhiên liệu ở phi đoàn, hằng tháng lái xe tracteur đi lãnh đồ bên kho nhiên liệu bên bộ tư lệnh. Chủ yếu là xăng, dầu, nhớt, cả xi măng, sơn, mọi thứ văn phòng dành cho phòng hành chánh, cho các ban ngành khác. Công việc chán ngấy trong những bản báo cáo dài dằng dặc mỗi tháng, sự hao hụt hơi quá đáng, vì xăng dùng cho máy bay thì ít mà phục vụ cấp trên thì nhiều. Lệnh của cấp trên cứ " thi hành trước, khiếu nại sau ". Cấp trên của tôi tìm cách vẽ ra những bản báo cáo hợp tình hợp lý. Vô tình tôi tiếp tay cho kẻ ăn cắp, hàng vài chục tấm tôn, hàng tấn xi măng, hàng trăm lít xăng bay đi, nếu chuyện đổ bể tôi là người chịu trách nhiệm. Tôi trở thành con chốt thí. Tội tham những không phải là nhẹ, điêù đó có ghi trong quân luật. Điều này tôi mang than phiền với trung sĩ Hạnh, trưởng phòng phi trang. Trung sĩ Hạnh là em của đại uý Hân mà tôi quen biết từ hồi tản cư lên vùng Vĩnh Phúc yên ở miền bắc. Tôi là học trò của thầy giáo bố của anh Hân anh Hạnh. Anh Hân hơn tôi chừng gần chục tuổi, trai Hà Nội, đàn giỏi hát hay. Anh dậy tôi những nốt nhạc đầu tiên, anh Hạnh còn chạy dong chơi với tôi những đồi sim cạnh cổng đồn huyện Đa Phúc. Khi tôi gia nhập không quân, về phi đoàn này tôi gặp lại anh Hạnh. Anh hạnh đùa tôi: Nhà binh không có chuyện thân tình, ê thằng lính ghẻ kia nghiêm chỉnh chào thầy đội đi, hà cớ gì mày được hỏi đến bố của quan ba Hân. Quân này hỗn quá, làm thân với tao để móc nối làm chuyện bậy bạ phải không? Khai thật đi, đọc số quân đàng hoàng thầy đội tha cho. Có tiền không, xuống câu lạc bộ mua cho thầy đội mấy điếu thuốc Ruby hút cho đỡ vã. Được, cái giống anh quyền chú bếp ( binh nhất ) như mày còn biết đến tình nghĩa thì thầy đội sẽ cất nhắc cho. Có gì thì cứ lên đây thầy sẽ chỉ vẽ đường đi nước bước. Anh Hạnh nói hệt giọng điệu của loại lính khố xanh khố đỏ hồi xưa. Nhưng rồi anh cười ngay, vỗ vai tôi thân mật: - Chiều nay tớ chở cậu về thăm thầy, anh Hân không ở SG, anh ấy làm huấn luyện viên ở Nha Trang, chừng nào có dịp, có chuyến máy bay tớ sẽ đưa cậu ra thăm anh Hân. Anh ấy cứ nhắc đến thằng Long thuở nào ở phố Nỉ, thời tản cư, cũng mười mâý năm rồi đó, chóng thật....Bao nhiêu là thay đổi. - Sao anh không đi học sĩ quan như anh Hân? - Tao ấy hả? Không đâu, sức khoẻ tao không bình thường. - Em thấy anh có gì đâu.... - Vậy mà tao có bệnh đó, bệnh điên, không nặng lắm nhưng man mát. Cái này thì mày thấy rõ rồi.... Tôi cười với anh: - Thôi đúng rồi, bởi vậy người ta không cho anh đụng vào cái máy bay. - Không cho tao cooi kho bom đạn mà đưa tao về phòng phi trang này. nhớ nhé mày phục vụ quân đội có điều gì bất mãn cứ lên tao, tao giải quyết cho. Một chai bia thôi, tao giải quyết bằng cách ngồi nghe mày nói điều bất mãn thoải mái. Tao như cái thùng rác, muốn đổ bao nhiêu rác cũng được. Ngày hôm nay tôi lại mang những điểu bực bội đó lên nói với trung sĩ Hạnh. Anh ngồi nghe tôi nói, dáng người lười biếng trên cái ghế của phi công, tháo ra từ máy bay hỏng của chiếc trực thăng H 19, từ thời Tây để lại. Trước mặt anh là cái bàn rộng cực dài để xếp dù. Xung quanh chỗ anh ngồi lỉnh kỉnh đồ phi trang, những áo phao, những pháo cứu sinh cho phi cống, những bộ combinaison de vol, mũ phi công. Chỉ mình anh trong phòng rộng rãi ấy, không có một phụ tá nào khác. Anh có vẻ cô đơn trong phòng phi trang dài bằng một dẫy nhà. Anh nói: - Tao xin một thằng lính phụ tá, sai vặt mãi không được. Tao có lần xin đích tên mày, thằng lính không số, mà họ không cho. Ở phòng này không có gì bán được hết, xuất kho phải có lênh đàng hoàng chứ không phải " thi hành trước, khiếu nại sau " như kho nhiên liệu của mày. Đâu vào đấy hết, không có nhập nhèm. Tao hiểu mày, ở đây chẳng có gì xái được, như xăng dầu, xi măng, tôn....Thôi đừng than phiền nữa. Một là mày đồng loã ăn cắp, hai là mày câm họng, cứ thi hành lệnh cấp trên cho được việc. Ba là mày tạo ra một giấc mơ thấy mày là đại tướng ký giấy giải ngũ cho mình, từ bỏ lý tưởng nếu mày có. Hồi trước tao cũng mang một đầu lý tưởng như mày, chả ra làm sao hết. Trung sĩ Hạnh cười ruồi: - Tao chỉ là cái thùng rác, tao chứa hết, tao không thể có lời khuyên nào được coi là chính đáng cho mày. Tao khuyên mày không nên ăn cơm lính nữa, cứ xin lãnh trọn lương ra ngoài thuê nhà và ăn cơm tiệm, chịu khó mà học hành nếu mày coi là đời mày chưa hết. Còn mày cờ bạc hoặc ăn chơi tự tàn phá đời mình là chuyêncụa mày. Lính không quân là lính hào hoa, cứ việc đánh bạc, nhẩy đầm, cầm cạc lương như nhiều đứa đã làm, có chỗ để mày cầm cạc lương đấy, chắc mày biết rồi, tao khỏi phải chỉ. Tôi nghe trung sĩ Hạnh nói mà thấy lạnh cả người. Thì ra lời tuyên truyền tốt đẹp nào cũng giả đối, có che đậy sự xáo trá và âm mưu. như thế này thì tôi chung thân bất mãn mất thôi, mà đời thì còn dài dài...Nếu tôi còn một gia đình để trở về? tôi không có gì cả. cả ăn cả ở trọ tôi mới hết phân nửa số lương. Nơi ấy lại gần nhà các bạn tôi ở trên đường Chi Lăng có thể tôi gần gũi với những người bạn văn nghệ. Căn nhà của các bạn tôi thuê ở góc đường nguyễn Huệ giáp với đường Chi Lăng. Trần Dạ Từ ( hoài nam ) và Nhã Ca ở nhà đó chung với Viên Linh, nguyễn Khắc Giảng, Phạm Hoán em ruột của họa sĩ Phạm Tăng cũng lui tới đó thường ngày. Tất cả số anh em đó đều là những người chưa có công việc làm chính thức, mà chỉ cầm chừng trong nghiệp văn nghiệp báo. Sự thiếu thốn theo đưởi họ ngày đêm, tôi cũng chẳng hơn gì. Đời sống của vợ chồng Trần Dạ Từ và Nhã Ca trong sự thiếu thốn đó rất là can đảm, thỉnh thoảng có sự gấu ó nhau vì htiếu thốn. Nhất là Nhã Ca, những cơn nổi điên của cô ta đang từ đời sống bình thường của một nữ sinh thành một người thiếu thốn trăm bề. Phía trước nhà có một bụi tre gai, nhưng cơn điên của Nhã ca, cô ta nhẩy lao đầu vào bụi tre, Viên Linh là người phải gỡ bụi tre lôi Nhã Ca ra. Tôi phải nói thật rằng đời sống chúng tôi hồi đó thê thảm. Tôi không thể quên được suốt mấy chục năm trời. Trước căn riêng của vợ chồng Trần Dạ Từ và Nhã ca, một người bạn nào đó nghịch ngợm viết một hàng chữ " Porte de l'enfer ". Tôi không rõ người bạn có ác ý hay vì htời thượng thuở đó SG đang chiếu phim nổi tiếng của Nhật là " địa ngục môn ". Nếu là sự đùa cợt thì là sự đùa cợt hơi quá đáng trong hoàn cảnh thê lương, chẳng ai có thể cười được. Hằng ngày tôi vẫn đi làm đều đặn ở phi đoàn. bên kia hàng rào dây thép gai của phi đoàn giáp với trại nhảy dù Hoàng Hoa Thám. Có một con đường mở để lính dù có thể sang bên phi đoàn trực thăng rất gần. Mặt trạn giải phóng miền Nam lúc này hoạt động hơi mạnh, đã có vài ba trận đánh lớn, lính Dù và bộ binh thường mở những cuộc hành quân. những nhà tù mà hồi đó gọi là trung Tâm cải Huấn, chật cứng tù VC và tù chính trị đối lập với chính sách gia đình trị của ông NĐD. Miệng bà Trần Lệ Xuân vợ của cố vấn Ngô Đình Nhu quang quác ở quốc hội và cái gọi là Phụ Nữ Liên Đới của bà. Tham nhũng, mua quan bán tước khắp mọi nơi, cơ quan mật vụ là nỗi kinh hoàng với mọi người dân. Bắt bớ giam cầm con người vô tội vạ, thật có tội và không có tội cũng có. Lính đào ngũ nhiều, và nhiều thanh niên tự huỷ hoại thân thể mình để trốn lính. Trong khi chính phủ đang cần đến quân đội. người dân miền nam chán ngán chính quyền. Kẻ có tham vọng cướp chính quyền để thay đổi chính thể, nhưng đã bị bắt ở tù hoặc đầy ra côn đảo. ông NĐD lại có tham vọng nếu không là tổng thống trọn đời thì cũng nhiều nhiệm kỳ. Tập đoàn cầm quyền coi dân như loài hạ đẳng, lính tráng coi như tôi tớ, kẻ nịnh bợ nhiều hơn có liêm sĩ trong cái triều đình thối nát, sau khi hạ được một cái triều đình khác tồn tại hàng trăm năm. Miền Bắc chắc cũng không khá gì hơn, một vụ Nhân Văn Giai Phẩm đã nói lên tất cả. Vả lại thỉnh thoảng tại miền Bắc vẫn có người vượt biển hoặc qua sông Bến hải trốn vào miền nam. Miền Bắc lại phát động chiến tranh. Miền Bắc thỉ hô hào giải phóng miền nam. miền Nam kêu gọi Bắc tiến để nhân loại thoát khỏi gông cùm CS, trống đánh xuôi, kèn thổi ngược. Chuyện chính trị của cả hai miền Bắc nam chẳng hơi sức đâu phân tích hoặc tìm hiểu chính nghĩa. Chiến tranh ở miền nam ngày càng trở nên ác liệt hơn, quân đội quốc gia non trẻ tăng quân số, trang bị chiến tranh được viện trợ. không quân được viện trợ những chiếc oanh tạc cơ Skyraider, phi đoàn trực thăng sửa soạn nhận lãnh những chiếc H-34 thay thế cho mấy chiếcH-19 cũ rích từ thời Tây còn sót lại. Lớp lớp sĩ quan, lính không quân được đưa ra nước ngoài học lái máy bay, hoặc chuyên viên. Tôi vẫn là anh lính ghẻ, chỉ số tạm dưới đất, suốt ngày buồn thiu ở kho nhiên liệu đằng sau hangar. Sáng ngày thứ hai, theo như thông lệ sau khi tập họp chào cờ xong, tôi phải tới trình diện sĩ quan trưởng phòng tiếp liệu. Ngồi sau bàn giấy, ông có vẻ tử tế với tôi, ông hỏi tôi: - Anh đã ăn sáng ở câu lạc bộ rồi chứ hả? - Tôi trả lời rồ ạ, ông tiếp luôn: - Vạy thì tốt, anh sẽ nhân cộng tác. Ông không nói là công tác gì, ông có vẻ quan tâm với tôi, ông hỏi chuyẹn gia đình tôi, nhất là mẹ tôi có thường guỉu thư về không, tôi cảm động vì cấp trên có vẻ quan tâm nhiều về mình; ngoài chuyện gia đìnhông lại nói về binh nghiệp của tôi: - Tôi giúp anh, anh sẽ có chỉ số ngành tiếp liệu, anh sẽ được đi học tiếp liêu ở Mỹ. Trước hết tôi sẽ cho anh học một khoá Anh ngữ bên bộ tư lệnh. Đầu năm nay anh sẽ học một khoá ba tháng, khoảng giữa năm anh sẽ được đi du học. Tôi là cấp trên của anh, tôi quan tâm đến tương lại binh nghiệp của anh. Những hạ sĩ quan ngành tiếp liệu đã học ở Pháp đều phải tu nghiệp theo ngành tiếp liêu của Mỹ. Anh chịu khó cố gắng để rồi vươn lên. không lẽ mãi làm lính ghẻ sao? - Cám ơn trung uý! - Khỏi phải cám ơn, đó là bổn phận của tôi, cấp trên anh, bây giờ anh nhận công tác nhé! Tôi đứng nghiêm: - Chấp hành! - Tốt, anh biết nhà tôi rồi chứ? - Báo cáo, biết! - Anh xuất kho mười bao xi măng, năm chục tấm tôn, bốn galons sơn màu xanh, thứ thượng hạng chở về đó cho tôi. - Xin trung uý cho tôi một bông lệnh xuất kho. - Anh cứ mang đi, lấy xe tractuer mà chở, bông tôi sẽ ghi sau. - Báo cáo trung uý, tôi biết điều đó, nhưng tính tôi hay quên, trung uý cứ ghi cho tôi vào một mảnh giấy nào cũng được để tôi làm cho đúng. Ông trung uý hừ một tiếng: - Có thế mà cũng quên, thôi được, mày nhớ đi phải trông chừng, đừng la cà ở đâu rồi bọn an ninh hỏi lôi thôi. Tôi gấp mảnh giấy đút túi: - Báo cáo rõ. Ông trung uý nói cvho tôi yên lòng: - Sẽ có người ký nhận ở nhà tôi, anh an tâm, thằng trưởng toán sửa nhà cho tôi ấy mà. Khi về anh cứ ký vào sổ rồi tôi ký nhận là xong. Nhà ông trung uý ở gần ngoài hàng rào trại, có cửa mở ra đường, cũng gần gũi với nhà dân ngoài Lăng Cha Cả. Tôi chuyển hàng lên xe, chở đi, yên tâm sẽ không có chuyện gì xảy ra rắc rối cho mình. nhưng sao tôi nghi quá, nhà ông trung uý do quân đội cấp phát, làm sao mà phải sửa chữa. Mà lần này là lần thứ mấy rồi ông ta xin đồ về sữa chữa. Tôi lại nghĩ đến phía ngoài đường cạnh nhà ông trung uý, nơi ấy buôn bán sầm uất. Tôi thấy những thùng sơn, những bao xi măng, tôn của quân đội bầy bán ở khắp cửa hàng. Kể cả các bộ quân phục của các binh chủng mới tinh. Buổi sáng trời nắng hanh, tôi lái chiếc xe tractuer ra khỏi cổng phi đoàn an toàn, chiếc xe tôi đi một khúc đường dài ghẹo trái sang bộ tư lệnh cải hối thất nhốt lính phạm kỷ luật ngay trên lối đi. Trước khi đến bộ tư lệnh. Hàng toán lính kỷ luật đang phải làm " cỏ vê " bên rìa đường. Anh hạ sị " cai ngục ' la hét om sòm, tay cầm cái cây sẵn sàng quất bất cứ anh nào ra vẻ chây lười. Một anh, cooi có vẻ lớn tuổi hơn cả bọn tù quân quăng cái xẻng xuống đường hét lên: - Này cái thằng cai ngục kia, mày dám đánh trung sĩ không thì đến đây. Tao trung sĩ Dương Hùng Cường, ba gai số một đây, giỏi thì đụng ông. Anh cai ngục không vừa, xách cây hầm hầm đi đến: - Ở tù rồi thì thằng nào cũng như thằng nào, bất kể quan quyền. Ở đây tao là người có quyền, cấp bậc trung dĩ của mày không phải là to đâu, anh đánh hết..... Trung sĩ Dương Hùng Cường đứng chống nạnh: - Giỏi thì cứ việc Đám tù đứng xổng người lên, một tay coi có vẻ ngang bướng: - Mày mà đụng vào trung sĩ Cường hay bất cứ thằng nào ở đây nữa, chúng tao làm thịt mày liền. Trung sĩ Ngự từ trong văn phòng cải hối thất đi ra, ô hay sao bây giờ ông ta lại ở đây, ông ta là xếp xòng ở cổng Phi Long kia mà, hắc búa số một, chuyên bắt ne bắt nét những thằng lính khi ra cổng trại, tôi từng bị ông ta phạt kỷ luật vài lần vì quân phục không nghiêm chỉnh. những bộ quân phục nhà kho phát ra thế nào thì tôi mặc thế, không sửa chữa cho vừa vặn. Đôi giầy " săng đá " của Tây để lại tôi không thể đánh bóng soi gương được, hay con kiến bò lên phải trượt ngã. Khoá thắt lưng rỉ sét tôi cũng không đánh bóng nổi. cái mũ tiêu đội trên đầu rúm ró, không đội " kêpi " mũ không quân. Tôi luôn luôn là hiện của chú lính ghẻ. Trung sĩ Ngự hôm nay tù đến cải hối thất. Ông ta can thiệp liền: - Thằng hạ sĩ còi kia, dù sao anh Cường cũng là hạ sĩ quan, mày không nên quá đáng. Thôi được, làm việc đi, anh Cường, tôi với anh là bạn, anh cứ cho nó thi hành nhiệm vụ, riêng với anh hưởng quy chế đặt biêt. - Mày cói chừng, ông tướng kia tao cìn không sợ, " mó dái ngựa " đều đều nên mới vô đây, chúng mày chưa là giống gì..... - Thôi mà đừng nóng! Trung sĩ Ngự nói bằng nụ cười. Chiếc xe tôi cũng vừa tới, đám tù quân nhao nhao xin thuốc lá tôi. Tôi quăng cho chúng cả bao thuốc lá Boston đang hút giở: - Chia nhau mà hút, lát trở về tôi mua một bao nữa cho các anh. Trung sĩ ngự thốt nhiên quay nhìn chiếc xe tôi đang lái, ông ra oai liền: - Ê, thằng lính ghẻ kia, mày lái xe chở hàng đi đâu? Tôi vẫn ngồi trên xe, đưa tay chào: - Báo cáo trung sĩ, tôi sang phía bộ tư lệnh - Báo cáo chính xác mày chở đến đơn vị nào bên bộ tư lệnh. Xuống khỏi xe. Tôi nhảy xuống xe, đứng nghiêm trước mặt trung sĩ Ngự: - Báo cáo, tôi chở những thứ này theo lệnh của trung uý Hiền, trưởng phòng tiếp liệu. - Đi đâu? - Dạ về nhà ổng, cũng ở trong phi trường thôi. - Giấy tờ xuất kho. - Dạ chỉ khẩu lệnh. Trung sĩ Ngự hừ một tiếng: - Lái xe vào bên đường rồi vào văn phòng khai cho thật. Bỏ mẹ tôi rồi, an ninh bộ tư lệnh mó đến tôi. nhưng tôi vẫn phải theo chân trung sĩ Ngự vào văn phòng. Một ông thiếu ngồi lầm lì sau cái bàn rộng nghe trung sĩ Ngự báo cáo. ông nắm nắt vấn đề rất nhanh, nhìn thẳng vào mặt tôi: - Xuất kho mà không có giấy tờ hả? - Dạ khẩu lênh cấp trên. Ông thiếu uý ra lệnh cho trung sĩ Ngự: - Nhốt thằng này vào cải hối thất, để tôi điều tra sau, tôi sẽ gọi điện thoại hỏi trung sĩ Hiền. Tôi ăn liền một cái bạt tai của trung sĩ Ngự, tống cổ vào cải hối thất, cửa khoá tách. Tôi nghe tiếng nói chuyện qua điện thoại của ông thiếu uý ở phòng ngoài, những câu nói ngắt quãng nên tôi không rõ nội dung, tiếng nói của ông thiếu uý mỗi lúc một nhỏ. Một lát sau, một gã binh nhất tới cửa cải hối thất ra lệnh cho tôi: - Đưa chìa khoá xe. Tôi trao lại chìa khoá xe. rồi tôi nghe tiếng tractuer đi về phía bộ tư lệnh. Tiếng động cơ xe máy chạy ngoài đường, tôi biết giờ tan sở đã đến. Bọn tù quân phạm đã vào cải hối thất, mỗi thằng có một ga men cơm với miếng cá mối nấu nát rưới trên cơm. Trung sĩ Dương Hùng Cường cũng vậy, anh nói với tôi: - Mày tù mới nên chưa có cơm, may ăn chung với tao. Tô uể oải ăn từng miếng cơm. Trung sĩ Cường nói: - Mày to gan thật, dám ăn cắp cả một xe đồ, tội nặng đấy, có thể ra toà án binh, rồi tống vào khám chí hoà, ở đó có mấy phòng dành cho quân phạm, tao nghe nói vẫn còn rộng. Tôi la lên: - Tôi có ăn cắp bao giờ, tôi làm theo lệnh cấp trên. - Không tin được, đã xuất kho ít ra phải có giấy tờ gì, nếu không thì mày sẽ kẹt như hôm nay, mày sẽ là thằng ăn cắp, tao nghe ông thiếu uý nói chuyện với xếp mày. Xếp mày không biết chuyện này, cho là thật đi mày vẫn là con chốt thí. Mày chẳng ra gì cả trong quân đội, một hạt bụi, không được bằng hạt cát, thân phận tối đen, tao đã trải qua rồi, tao nổi khùng, tao nói tao chửi toáng lên, sức mạnh của tao là ngòi bút, tao là văn sĩ mày biết không? Tao chống bất công ở bất cứ đâu. - Tôi có đọc " buồn vui phi trường " của trung sĩ. Và cũng đọccả những sách của ông Toàn Phong. - Trái ngược hẳn nhau đấy mày ạ! Giữa sách tao với sách ông toàn Phong! Nhưng tại sao mày lại đọc. - Tôi yêu vă nghệ, trước đây tôi cũng có vài ba bài được đăng báo Trung sĩ Dương Hùng Cường cười, đưa tay bắt tôi: - Thì ra mày là thằng " mơ làm văn sĩ ", không biết giấc mơ của mày có bền không. riêng tao có lẽ suốt đời. Tô nắm chặt bàn tay Dương Hùng Cường: - Tôi cũng muốn như vậy trung sị ạ! Dương Hùng Cường lắc tay tôi: - Cú gọi tôi là Dương Hùng Cường hay Dê Húc càn cũng được, d8ừng gọi tao là trung sĩ, khi nào " ra khỏi tù " tao với mày sẽ gặp nhau, liên lạc vớinhau qua báo Lý Tưởng. Mà cũng không biết được, có thể người ta sẽ tống tao đi nơi khác, ngồi như khỉ ở đài kiểm soát, như hồi nào tao ở Pleiku. Mày phải tìm cách thoát khỏi cái tội ăn cắp này đi, có bằng chưang gì không, rằng mày không ăn cắp. Tôi chợt nhớ ra có một mảnh giấy viết tay của trung uý trưởng phòng. Rất may là tôi không vo viên vất đi, nó vẫn còn ở trong túi áo tôi. Tôi lấy ra đưa cho Cường coi: - Thôi cũng được, đáng lẽ là cái phiếu xuất kho. nhưng đồ ăn cắp mà, đúng chữ của xếp mày chứ! - cam đoan! - Tao sẽ làm chứng cho mày rằng mày đã đưa trình tài liệu này cho ban an ninh phi trường. Mình phải làm ngay. Trung sĩ Dương Hùng Cường đứng dậy đập cửa tù, một thằng lính an ninh thò cổ trước song sắt hỏi: - Chuyện gì đó? - Tao cần gặp thiếu uý trưởng phòng. - Ổng đi nghỉ rồi, ổng nằm võng ngoài hành lang. - Kêu ổng dậy, nói có Dê Húc Càn cần nói chuyện. Tôi không biết cái uy của trung sĩ Dương Hùng Cường to đến đâu. Ông thiếu uý đi vào, ông nhận mảnh giấy của Dương Hùng Cường đưa, quay sang nói với tôi: - Sao không đưa ngay mảnh giấy này, thôi được, không cần điều tra nữa, mai anh sẽ ra về nhớ trình diện xếp của anh. Xếp anh còn nói giam anh vài ba ngày, nhưng nể tình anh Cường, mai tôi thả. Nhưng dù sao tôi vẫn phải ghi tội anh vào quân bạ, đó là nguyên tắc..... Trung sĩ Dương Hùng Cường hăng hái: - Tôi làm chứng cho binh nhì Long, rằng đã đưa mảnh giấy này cho thiếu uý. Ông thiếu uý cười: - Tôi không thủ tiêu đâu, nếu có thủ tiêu thì Dê Húc càn có đưa lên báo đơn vị không? - Có chứ sao không, còn những bao bến ngoài đơn vị nữa kìa, tôi chống đối tất cả mọi chuyên hiếp đáp con người. Thiếu uý thấy tôi đã sợ ai chưa? - Bởi vậy anh mới vô đây. Tuy nói vậy, nhưng ông thiếu uý vẫn đưa ra điếu thuốc mời DHCường. nhưng Cường túm lấy cả gói: - Cám ơn thiếu uý, thiếu uý có thể đi mua gói thuốc khác, bọn này ở đây vả thuốc lắm. Ông thiếu uý lắc đầu đi ra. Tôi nghe tiếng ông thiếu uý loáng thoáng nói chuyện trong điện thoại, sao lại sơ xuất thế....mai tớ phải thả nó ra thôi. không hkép tội được...cậu thông cảm cho tớ...tớ đã lo cho cậu cả rồi. Được rồi, tớ không bắt nó đi làm cỏ vê đâu, để nó không lộ mặt..... DHCường kéo tôi về chỗ nằm, anh chia đều những điếu thuốc cho tất cả các bạn. Trong khói thuốc mù mịt ở cải hối thất, DHCường nói với tôi: Chúng nó âm mưu với nhau ăn cắp đấy, chuyện này chưa bị lộ nên chúng nuốt trôi cả rồi. Mày là lính mấy năm rồ, có chỉ số chưa? - Chưa gì cả, chưa lên nổi cái binh nhất, vẫn lính ghẻ! Vậy thì đường binh nghiệp của mày coi như tắc nghẽn, đen như miệng cống vì mày đã phạm kỷ luật, mày ở tù, dù là chỉ một ngày tù oan uổng. Sẽ không đi học ở bất cứ đâu, nói chi đi Mỹ. Tao gia nhập không quân từ thời Tây, ở ngoài Bắc, rồi đi học Marakech. sang chính phủ quốc gia tao lên được trung sĩ rồi đứng nhuyên ở đó đến bây giờ. Bạn bè tao lên quan cả rồi. Tao ngành không lưu khí tượng, nhưng tao lại làm nghề viết văn làm báo, thỉnh thoảng tao nóng máu làm thịt bậy một ông xếp của tao, tao được vào cải hối thất nằm nghỉ ngơi. Trong quân bạ của tao ghi đầy tội danh, nhưng cần quái gì, binh nghiệp của tao, coi như plafond rồi....Chúng nó vẫn ngán tao vì tao có sách có báo in ngoài quân đội. Kỷ luật quân đội không bịt được miệng tao. Mọi chuyện bất công ở bất cứ đâu là đề tài cho mình viết dài dài, không sợ cạn nguồn. Tôi cũng kể cho DHCường nghe về những người bạn làm văn nghệ của mình còn ở ngoài quân đội, họ đến tuổi nhập ngũ cả rồi nhưng không ai chịu đi quân dịch, có lẽ họ trốn llính. DHCường phang luôn một câu: - Chính nghĩa quốc gia hay giải phóng miền Nam chỉ là chuyện bố láo. Chiến tranh dân mình khổ thôi. Tôi không ngờ lần gặp DHCường ấy, sau đó chúng tôi trở nên thân tình trong tình đồng nghiệp kéo dài mấy chục năm trời, đến khi nghe tin anh chết trong trại tù, lúc tôi đang là anh thợ sửa xe đạp ngồi ngoài lề đường. Tôi nhớ mãi hình ảnh nghênh ngang của anh, chẳng biết sợ chi ai. Cái sĩ khí của anh ở đó trong giấc mơ làm văn sĩ lỡ làng và ngắn ngủi. Ly rượu " nước mắt quê hương " tràn đầy cụng nhau ở quán 12 bến nước đường Trương Minh Giảng khi chúng tôi là kẻ ngã ngựa. Tôi trở về phi đoàn ngay sáng hôm sau. Tôi trình diện trung uý trưởng phòng, ông nói: - Lần sau thì cậu phải cẩn thận, đừng có la cà để an ninh nó ótm được, may mà lần này dàn xếp cũng xong. - Báo cáo trung uý, sẽ không có lần sau với tôi, xuất kho phải có chứng từ, nếu không tôi lại thằng ăn cắp. Ông trung uý nhìn sững tôi. Mâý ngày sau tôi đi khỏi kho nhiên liệu để làm thứ lính tạp dịch trong phi đoàn. Tay hạ sĩ thay thế chỗ tôi có vẻ ăn nên làm ra, hắn cvó tiền cho vay lời " xanh xít đít đui ". Kho nhiên liệu trở thành một cây xăng, giá một lít có hai đồng bạc, rẻ hơn xăng ngoài cổng trại. Hắn biết kinh doanh và và biết điều với những xếp cấp trên. Trông cái mặt gà mái của nó tôi không ưa. Tôi đập một trận với nó bằng cây bù loong, khi nó gọi tôi là thằng lính ghẻ. Tôi ba lô lên vai vào cải hối thất đi làm cỏ vê, còn thằng hạ sĩ sang bệnh xá vá da đầu. Ký thi năm đó tôi không đi thi được vì tôi bận làm cỏ vê do cái hối thất giao phó. Tôi nổi tiếng với biệt hiệu " Long bù loong. Quân bạ của tôi ghi đầy những ngày tù quân, vi phạm quân phong quân kỷ, ưa đập sảng vì đầu óc không bình thường. Lý tưởng tôi về quân đội bị tiêu diệt thảm hại. Tôi chỉ là một thằng lính hạng bét, thừa thãi trong quân đội. Tôi nổi khùng nhiều khi đến độ liều lĩnh. Tôi thuần tuý là một thằng lính ba gai..... Phải chăng tôi đã làm hỏng đường binh nghiệp của mình? Tôi biết uống rượu, nổi nóng dễ đập lộn. nhưng chưa, tôi chưa mất hẳn, tôi vẫn thường gặp những người bạn văn nghệ của tôi, các anh đủ tuổi lớn để vào nghiệp cầm bút, tuy rằng có ngưòi vẫn còn sống với nghiệp văn thơ nhưng tạm bợ. Tôi vẫn còn long đong và thấy rằng mình vẫn chưa sống thật, sống hẳn để có đầy đủ tư liệu khi cầm bút. Một ngày kia, tô nhận được thư của Trần Cang, mấy chữ vắn tắt báo tin Nguyễn Bá Bằng bạn của chúng tôi hồi học ở Mỹ Thuật, bị bệnh nặng từ ngoài Huế vào nằm bệnh viện Chợ Rẫy chờ chết. Sao lại thế? Có lẽ đúng, vì Bẳng khi nộp đơn vào lính không quân với tôi đã bị loại vì lý do không đủ sức khoẻ. Ngày chủ nhật tuần đó tôi và Trần Cang vào bệnh viện thăm Bá bằng anh nằm trên giường bệnh không nói được nữa, anh nhìn chúng tôi khóc, anh viết nguệch ngoạc trên một mảnh giấy: tao chết mất, chúc chúng mày ở lại tốt lành. Tao bị bệnh hoại huyết, ung thư máu, tao loại máu O nên không có máu tiếp. Tao cũng chả có ai thăm non, chết vô thừa nhận Tôi bật khóc, không hiểu tại sao nữa. Tôi ôm lấy bạn, người bạn từ hồi còn ấu thơ. Hơi thở của bạn bây giờ tanh tưởi mùi máu, vì máu của bạn chảy ri rỉ không ngừng từ mủi, tai, kẽ răng, có thể cả lỗ chân lông: - Không Bằng ơi! Mày không thể chết được còn tao, tao loại máu O như mày, tao sẽ tiếp máu cho mày. Nhìn tấm thẻ bài đeo ở cổ tay này, có phải loại máu O không? Tôi theo cô ý tá đến ngân hàng máu của bệnh viện. Ở đây rút máu tôi ra, tôi thấy trên kệ xếp nhiều loại máu, có cả loại máu O trong bao ni lông ướp lạnh. Tôi hỏi: - Tại sao có máu O đó không tiếp cho bạn tôi? - Máu nào cũng có hết, nhưng không thể cho không những bệnh nhân thí. Máu phải mua, mà anh cũng không thể cho mãi được, anh sẽ kiệt sức mà chết. Đúng vậy, tôi không được hưởng bưẵ ăn cho lại sức. khi người ta tiếp máu cho Bá Bằng, tôi với Trần Cang yên tâm rủ nhau ra về. Trần Cang nói với tôi: - Tớ còn đủ tiền cho cậu ăn miếng bí tết, húp quả trứng gà và uống ly sữa cho lại sức. Tôi cay đắng nghĩ đến thân phận bạn, nếu anh phải chết thì anh chế trẻ quá. Tôi tiếp máu cho Bằng được ba lần rồi nghe tin anh chết. ngưòi tôi suy nhược trông thấy. người anh ruột của Bằng là giáo sư dậy học ở Long Xuyên không một lần về thăm em. Có lẽ thân xác Bằng bị đưa xuống nhà xác, nằm trong chiếc áo quan đóng đơn sơ bằng 6 tấm ván mỏng vênh hở mà tôi đã thấy. không một nén nhang cho kẻ chết vô thừa nhận. Tôi cũng không biết anh được chôn ở đâu.....Lần đầu tiên tôi mất một người bạn. Nếu có linh hồn thì nhiều năm liền anh là cô hồn vất vưởng. Cuộc đời sao mà bạc bẽo thế? Tôi ghi nhận vào trong đầu. Tôi chán đời, bao nhiêu là chuyện bất hạnh ở đời. Tôi thầm nguyện một ngày nào đó tôi cầm lại cây bút, tôi phải viết lên những điều đó, như một tên có máu du đảng, thề một ngày náo đó cầm nổi con dao nó sẽ làm gì với con dao ấy. Trả thù đời không? Không đúng, tôi làm khác, cách của tôi. Thì giờ rảnh rang tôi vùi đầu vào đọc sách, sách đủ loại. Tôi chán ngấy chủ nghĩa Nhân Vị của ông NĐDiệm, thuyết cần lao...Toàn chuyện bố láo, đất nước này đâu thiếu gì những kẽ hoạt đầu. Những buổi chiều, sau giờ tan sở, nếu tôi không đi thăm thằng em ở nhà LĐĐiểu thì cũng đi tìm bạn bè. Thằng bé mới ngày nào nhỏ xíu, nay đã là một thanh niên, học những năm cuối bậc trung học. Mẹ tôi sợ phiền gia đình Điểu nên có dự tính mang em tôi về ở trọ bên ngoại, bà dì bà mợ nào đó, hoặc ông chú ruột tôi từng nuôi tôi ngáy nào. Bệnh tật em tôi cũng đã hết, bây giờ nó trở thành một thanh niên cường tráng. Mẹ tôi cũng mấp mé viết thư về nà nói bà sẽ trở về, nhưng chuyện đó chưa biết bao giờ mới thực hiện được. Tôi vũng không ở trọ nhà bà dì nữa, tôi trở vào trại ở một căn phòng chung với một thằng bạn, trước kia hắn là học sinh Chu Văn An. Thằng Phúc, tướng tá nó trông có vẻ hào hoa phong nhã, oai phong như một sĩ quan cấp tá, không có vẻ gì một anh " lính ghẻ ". Đàn giỏi, hát hay, nhẩy đầm giỏi, lắm đào, nên mọi ngưòi đạt cho hắn một cái tên là " thiếu tá bình dân " tức ( commandant popolaire ) Hắn có một cô nhân tình bán hàng thịt ở chợ Trương Minh Giảng, hắn lôi thôi là ăn dao mổ heo. Hắn đành trốn vào trại ở chung với tôi, khi ra ngoài trại hắn thường nhờ tôi ra dò đường, xem có bóng " nàng " thấp thoáng không rồi mới dám ra. vậy mà cũng có lần không thoát, hắn lãnh một nhát dao vào trán, mang thẹo suốt đời. Dù sau này hắn làm tài tử " xi la ma ". Trong đơn vị tôi, xung quanh tôi biết bao nhiêu chuyện bồn cười. Tôi không hiểu vì sao DHCường viết được " buồn vui phi trường " bối cảnh là phi trường Biên Hoà và xóm chơi bời dốc Sỏi ở đó. những tiếng cười dậy lên trong nỗi buồn. Tôi đọc nhiều hồi ký, phóng sự, truyện ngắn, truyện dài của những người không quân viết mà tôi thấy không bằng bút pháp của DHCường, cái được, cái thực ở đó. Tôi vẫn sống, vẫn rong chơi và vẫn suy nghĩ đến sống xã hội diễn ra xung quanh mình. Tôi hy vọng tìm riêng cho mình môt lối viết. Những buổi chiều tôi đạp xe đi chơi lang thang, hang cùng ngõ hẻm nào cũng nên vào. Đời sống có nhiều điều lạ lẫm quá. Tôi giống như một con nai đã có sừng và ngứa sừng húc vong mạng. Trong trại tôi tự nấu cơm lấy ăn, nhưng vẫn thích cảnh cơm hàng cháo chợ. khi dủng dỉnh tí tiền thế nào tôi cũng xà vào hàng cơm bình dân ở bất cứ con đường nào tôi đi qua. Tôi gặp lại Hoàng Bình Sơn, nhà thơ trữ tình thuở nào, là người bạn ở trại học sinh Phú Thọ. Anh ta gầy yếu hom hem, mặc dù chưa lớn tuổi lắm. Trước đây tôi đã từng đến căn gác gỗ anh ta thuê ở đường Bắc Hải trông sang nghĩa địa Đô Thành, nhấp nhô mồ mả. Anh ta thích thơ Quang Dũng và thường đọc thơ Quang Dũng cho tôi nghe, người xứ Sơn Tây cùng quê hương với anh. Anh luôn sống một mình, bằng nghề dạy học tư gia. Hình như anh cũng có anh chị ở SG, người anh ruột anh theo đảng phái nào đó nên đã bị chính quyền NĐDiệm bắt bỏ tù nhiều năm, đến nay vẫn chưa thả. Tôi bưng dĩa cơm sang ngồi chung với bàn Hoàng Bình Sơn. Tôi hỏi: - Hồi này cậu ra sao? - Vẫn sống bằng nghề dạy học.... - Có làm thơ không? - Vẫn làm, nhưng thấy chẳng ra gì, tớ phải chuyển hướng thôi, tớ thấy mình hợp với loại htơ trào phúng như Tú Xương, Tú Mỡ. Mà thôi, mình sẽ về nhà nói chuyện văn nghệ, chuyện thơ.... HBSơn gầy mà ăn rất khoẻ, anh gọi thêm chén cơm không để ăn nốt phần thức ăn còn dư. Tôi hỏi: - Cạu thuê nhà gần đây à? - Bên kia đường, vào trong hẻm, con hẻm trông sang đường tàu hoả nguyễn Thông, ngay cạnh ga Hoà Hưng. Tôi không lạ gì xóm này, nơi đây là một xóm đĩ điếm trước mặt quân khu thủ đô, bên cạnh là quân vụ thị trấn. Trước hàng chục con hẻm dẫn vào xóm có cắm bảng " cấm hành quân " mà như lời mời gọi. Trong đó dẫy đầy quân nhân chơi bời hoặc bảo kê cho các ổ điếm. HBSơn nhìn tôi bằng đôi mắt tinh quái: - Cậu cũng là lính phải không, nếu sống ở đó cậu có nhiều đồng đội, có thể sống được đấy. - Nhưng sao cậu lại thuê nhà ở trong đó? - Gần trường học, nơi tớ phải dậy học mỗi ngày. Lương lậu có báo nhiêu, thuê nhà bên ấy rẻ.... Chúng tôi đã ăn xong, vào đầu xóm ngồi uống cà phê túi, gái và khách làng chơi lượn đầy như đèn cù trước mặt. Trường học nơi HBSơn dậy gồm hai giáo viên, một làm hiệu trưởng, một làm hiệu phó. HBSơn làm hiệu phó. Hiệu trưởng là ông giáo già chủ nhà. Học trò nhiều khi lắm có được vài ba chục mạng, đủ mọi trình độ, hiệu trưởng hiệu phó thầu hết. Chú yếu là trẻ biết chữ, sau này lớn lên có thể đọc thông được cái căn cước ccủa mình. Cái lầu gỗ HBSơn thuê ở khoảng đầu hẻm. Căn gác gỗ đó đã hẹp lại còn chia ra làm hai phần, lối cầu thang gỗ phía ngoài hẻm đi lên và phòng ngoài dành cho mấy cô gái làng chơi thuê làm chỗ ngủ. Phần trong là chỗ ngủ của HBSơn, kê được một cái bàn nhìn ra cửa sổ, một chỗ nằm ngay trên sàn gỗ. Gia đình chủ nhà ở tầng fưới, anh chủ nhà có lẽ là một tay đạo đức giả, nuôi điếm hành nghề ở điểm khác. Trên lầu nhà anh ta chỉ là điểm tập kết. Buổi tối anh ngồi trước bàn thờ Phật tụng kinh gõ mõ. Mở miệng nói ra toàn lời đạo đức, nhưng trì triết từng đồng với những tay em đi khứa, nghe nói anh còn là chủ nợ cho vay tiền lãi cắt cổ. Tôi đến với HBSơn khi anh ta đang ê a tụng niệm, trên mình khoát một cái áo đạo màu xám tro. HBSơn nói với tôi: - Đấy cậu xem, tớ sống giữa cái cảnh như thế này thì làm thơ trữ tình thế chó nào được. Đời sống chúng ta cứ lộn tùng phèo, không có gì là thật. Một đời sống ảo..... Tôi cười: - Như những tấm bảng đề " khu cấm quân nhân " ngoài đầu hẻm. Ngồi trên căn gác HBSơn, tôi còn ngửi thấy mùi son phấn và những tiếng chửi thề vang rân. Tiếng tay ma cô nào đó giới thiệu "món hàng " - Ngon hết xẩy thầy ơi, bảo đảm hàng " olidin " nữ sinh nhẩy dù. Tiếng mời chào co kéo khách tìm hoa. Rồi tiếng hô báo động: - Lính, lính tụi bay ơi! Chạy đi. Tiếng chạy rần rần dưới hẻm. Có mấy cô gái chạy rầm rầm lên gác: - Thầy giáo ơi, cho em trốn với. Một cô xà luôn vào lòng tôi: - Ủa, có một anh lính nè, nếu lính vô đây hỏi, anh nói em là vợ anh nhé, em tên là Nguyễn Thị Lan, 19 tuổi. Vợ chồng anh mới tới thăm thầy giáo.... Hai cô gái khác nói với HBSơn: - Kìa thầy, bầy sách ra cho em học, em xin đền ơn đáp nghĩa HBSơn gắt lên: - Thôi đừng nói nữa, lấy phấn bảng ra đây. Đang lúc đó dưới hẻm báo hiệu cho biết tình hình đã yên: - Ai về chỗ nấy tiếp tục " lao động " ba có gái ùa vào phòng HBS đứng dậy: - May quá anh Ba đã dàn xếp xong với lính kiểm tục, số dách. - Tao đang kẹt, thằng hkứa mới vô phòng, không biết thằng chả có chạy mất tiêu không, tao phải xuống coi..... Phút chốc, cả ba cô gái biến mất. Tôi nhìn HBSơn cười: - Vui nhỉ! bộ thế này hoài sao? - Ngày nào cũng như ngày nấy, vui mà cũng thê thảm lắm, người ta phải bật ra tiếng cười thôi... - Cậu còn dạy học cho cả mấy em này? - Dạy chứ để họ biết chữ ghi số " dù " mỗi ngày đi được. chép hoặc học hát mấy bài ca cải lương nghêu ngao cho đỡ sầu đời. - Họ có trả công cậu không? - Trả hay không không thành vấn đề, tao cứ dạy. Mày đừng hỏi tới nữa, mày đừng hỏi trả bằng cách nào.....Tao không lạ gì lối hỏi móc họng của bọn lính tráng chúng mày. Hai chúng tôi cười rũ. Bưổi tối trở nên vui vẻ dưới nhà lại vang lên tiếng tụng kinh gõ mõ của ông chủ nhà, HBSơn than phiền: - Tội nghiệp thằng cha đó, vê hoài mà vẫn chưa tròn được chữ phúc. Mẹ, sao mà đạo đức giả thế. QWua câu nói của HBSơn, tôi thấy anh có giọng chửi đời. Trời đã muộn, tôi từ giã HBSơn. Anh tiễn tôi ra tận cầu thang: - Tưởng cậu rảnh rang thì ở lại đây với tớ. rảnh thì ra đây chơi, bất cứ lúc nào.....Tớ ở một mình cũng buồn lắm, giữa cái cảnh thế này. mình vẫn là anh giáo xóm giáo làng chán bỏ mẹ, vậy mà cũng còn nặng nợ văn chương. Lại sắp hết một năm nữa rồi. - Ừ nhỉ, chỉ còn vài tháng nữa là tết. - Nhớ nhé, rảnh thỉ ra đây chơi, tết này mày có thể ăn tết với tao, chỉ có hai đứa mình. Cũng sắp đến giờ gác phi đạo của tôi. Tôi về đến trại đi lãng súng là vừa. Tôi nghĩ đến cảnh cô đơn ban đêm ngồi một mình ở phi đạo lộng gió. Tôi sẽ nhớ nhung nhiều lắm, những kỷ niệm xưa reo lên trong đầu như tiếng lau sậy rậm rạp mọc quanh phi trường reo cùng với gió vi vu. Tội gặp lại HBSơn sau hai năm, anh không mang bút hiệu là HBSơn hay Trần Đức Uyển nữa, mà là nhà thơ trào phúng Tú Kếu.