Thuật đã trở lại với sự yên tâm và vui vẻ. Anh đầy đủ cơ sở để nói cho Trang không phải lo lắng gì về thằng Linh cả. Đọc lá thư của nó chắc cô ấy sẽ xúc động. Vốn cô ấy là như thế, dễ tin, dễ xúc động. Giống như hồi anh hứa giải thoát Công ra khỏi cái chết, cô đã cảm ơn anh rối rít và nhận lời lấy anh ngay. Đây là hành động phiêu lưu, ngược với tính thận trọng của anh....Nhưng tình yêu đã làm cho anh không còn biết sợ nữa. Hồi ấy anh dậy vào lúc một giờ sáng. Mới đầu mùa đông mà trời đã lạnh buốt. Anh co người trong chiếc áo bông dày cộp, mang xà cột vào thẳng nhà giam. Ở đây anh bố trí một cốt cán của anh canh gác. Thật ra nó là một con người đần độn, nói trước quên sau. Anh tính toán, nếu nó thức anh sai nó đi công việc gì đấy....Tất nhiên, nếu có gì, không ai tin cái thằng khố rách ấy. Và nó chắc chắn sẽ vào tù vì can gián vào vụ giải thoát phản động. Và nếu nó ngủ....Quả thật, nó đã nghủ, ngủ rất say, ngáy như...bò rống. Thuật đã mở cửa nhà giam, gọi Công ra, nói thẳng: - Đồng chí đi đi. Đừng bao giờ trở lại mảnh đất này nữa...Trời lạnh đấy, nhưng gắng lội qua bên kia sông, coi như thoát.... Công vẫn chưa hiểu gì cả. Lâu nay anh đang chuẩn bị cho mình một cái chết đúng tư thế của một người cộng sản. - Đây là vì tình bạn, tình đồng đội, tình đồng chí, tớ mong cậu tìm một mảnh đất khác...Tớ quý cậu, thương cậu thật lòng đấy. - Anh không lừa dối tôi đấy chứ, anh Thuật? - Giữa chúng ta đã có bao nhiêu kỷ niệm của một thời lý tưởng. Cậu là người đã cứu sống tớ, ơn tớ không trả, nỡ nào tớ lại lừa dối cậu. Cậu hãy đi đi, đi thật xa, đi đến một vùng rừng núi nào đấy....Hãy tạo lập một cuộc sống khác. Trong đêm tối, bóng Công nặng nề đổ xuống nền nhà giam. Đầu anh cúi xuống, suy nghĩ.... - Cậu vẫn chưa tin tớ ư? Thuật lại rì rầm trong tiếng ngáy ồ ồ của người gác nhà giam. Tớ lừa câu để làm gì? Tội xử tử là hình phạt cuối cùng đối với một con người. Bản án tớ đã thông qua sau một cuộc xét xử của ông bà nông dân hôm nọ, sẽ được thi hành ngay ngày mai. Việc gì tớ phải đi lừa đồng chí... - Cảm ơn anh nhiều lắm anh Thuật ạ. Bây giờ tôi mới hiểu anh là người tốt. Tôi thật có lỗi với anh. Công đã cảm động đến rưng rưng. Sau này anh mới kịp nghĩ con người trong cơn tuyệt vọng, giữa lúc bước sang một thế giới khác, thường có những tâm trạng ngây thơ, dễ tin và dễ xúc động như một đứa trẻ con. - Tớ chúc cậu may mắn. Nhớ đừng bao giờ trở về nữa. - Đúng, anh là vị cứu tinh của tôi....Tôi chỉ có một nguyện vọng là nhờ anh cưu mang giúp vợ con tôi. Tôi tin cô ấy còn thương yêu tôi, chẳng qua vì một nhẽ nào đấy buộc cô ấy phải..... - Thôi, đồng chí lên đường đi. Đừng bao giờ nghĩ đến việc trả ơn. Đồng chí với nhau mà ơn với huệ cái gì. Đồng chí luôn nhớ rằng, lúc nào đồng chí cũng luôn mang bản án....Phải lẩn trốn, phải đổi tên, đổi họ. Khi Công đã đi rồi, anh bấm ổ khóa lại, ngồi xuống bên đống dấm một lúc lâu. Anh cốt nông vẫn ngáy pho pho y hệt ống bễ lò rèn. Anh mỉm cười nửa miệng, nghĩ: Cái đồng chí cốt cán này thật xứng đáng. Loại này làm cách mạng bảo đảm trăm phần trăm thắng lợi. Phá gì bọn họ phá không nổi.... Từ đấy anh trở thành ân nhân của Công. Và anh đã thực hiện đầy đủ những gì Công gửi gắm: “Cưu mang vợ con” Công thật lòng. Lúc đầu, quả thật anh cũng chẳng ghét bỏ gì thằng Linh. Tuy không yêu thương nó như con đẻ, nhưng anh cũng đã làm trọn nghĩa vụ của một người cha dượng nuôi nó như một trách nhiệm. Nhưng rồi, càng lớn lên, nó càng làm anh khó chịu. Thật tình cũng không hiểu vì sao càng ngày anh lại càng khó chịu mỗi khi gặp nó hoặc nghĩ đến nó. Cho đến bây giờ, anh vẫn hiểu Trang chưa yêu anh thật lòng. Dường như cô ấy dồn hết tình cảm cho thằng bé. Anh ghen với nó ư? Anh không dám thú nhận điều ấy. Nhưng quả thật anh rất khó chịu khi bắt gặp mẹ con cứ thì thụt, cứ rầm rì to nhỏ. Anh rất bực mình mỗi khi bắt gặp cô ấy gắp thức ăn bỏ cho nó.... Phải thừa nhận rằng cô ấy thương yêu, quý trọng nó hơn chính anh. Hoặc cũng có thể, cái sự khó chịu ấy bắt đầu từ những hồi tưởng của anh về Công, người bố đẻ của chính thằng con riêng ấy. Hồi còn ngồi trên ghế nhà trường ở Hà Nội, Công luôn luôn là một học sinh xuất sắc, một cây văn nghệ nổi tiếng. Ngược lại, Thuật là một cậu bé lười nhác, cứ cầm đến cuốn sách là ngủ gật. Cuối năm bao giờ cũng bị thầy giáo nêu lên làm khuôn mẫu cho sự ngu dốt. Cuối cùng Thuật đành phải bỏ học trở về làng.... Và số phận lại cuốn cả hai vào dòng thác cách mạng. Ở môi trường mới này, Thuật lại phát huy được tất cả mặt mạnh của mình. Anh không ủy mị tiểu tư sản như Công. Anh đoạn tuyệt với thời học sinh xa xôi kia. Anh cứng rắn và luôn nghe theo cấp trên. Anh trở về cái thành phần cố nông cơ bản của anh. Cần đấu gục ai là anh đấu đến cùng. Được cái trời phú cho anh cái thiên bẩm nói không cần sách. Trứơc lính tráng anh nói thao thao bất tuyệt. Ai cũng nghĩ anh là một học sĩ. Anh không học, không đọc bao nhiêu, nhưng anh biết nghe và biết biến những gì nghe được thành của riêng anh. Tất nhiên không phải anh không nhầm lẫn. Ví dụ có lần anh nói cụ Nguyễn Du đã sáng tạo ra cuốn tiểu thuyết Chinh phụ ngâm làm nhụt nhuệ khí chiến đấu của người lính Cách mạng. Nhưng được cái lính ta hồi ấy, trình độ văn hóa kém, có anh còn chưa biết chữ A tròn hay vuông Một đồng chí cấp ủy trình độ văn hóa không hơn gì anh, đã mê cái tài hùng biện của anh và đưa anh về công tác cạnh ông. Bất kỳ ở đâu anh cũng tỏ rõ lập trường giai cấp kiên định của mình và dạy bảo mọi người phải luôn luôn cảnh giác trước kẻ thù giai cấp. Theo anh trí thức là “giai cấp” bấp bênh (anh không hề nghĩ mình nhầm lẫn). Cần phải tẫy não giai cấp này triệt để. Và trong tiềm thức, anh liệt Công vào loại “giai cấp” bấp bênh ấy. Mỗi lần nghĩ đến trí thức, anh thường lởn vởn hình ảnh Công với những ganh ghét của tuổi thơ. Điều anh lo sợ là hai đứa con anh rất quý cu Linh. Anh không để con mình tiêm nhiễm tính xấu của thằng nhóc con ấy. Nghĩ thế, nhưng thực tình anh cũng chưa nhận thức rõ rệt tính xấu của nó là tính gì. Đúng ra, anh rất sợ chia sẻ tình cảm. đối với anh, vợ và con thuộc thế giới riêng biệt của anh, tất cả một mảnh tâm hồn bé nhỏ đến những tình cảm lớn lao. Đối với vợ con anh, anh là thần tượng chứ đâu phải thằng Linh. Anh rất khó chịu mỗi lần nghe cu Nhân hay cái Oanh thỏ thẻ kể lại bằng sự khâm phục thực sự về anh Linh của nó leo tít trên ngọn xoan, ngọn mít nhà ai đấy bắt xuống cho chúng nó một tổ chim hay hái trộm ở vườn nhà Bận cho chúng mấy quả ổi chin thơm lừng. Điều quan trọng là anh tự điều chỉnh được tình cảm mình trước vợ con anh. Anh vẫn tự hào về tính tình kín đáo, điềm đạm, tự tin của mình. “Muốn làm được việc lớn là phải biết giấu mình trước đối phương”. Anh lấy câu của đồng chí cấp ủy nọ làm phương châm sống và làm việc của mình. Và điều rõ ràng là anh đã thành công, chưa một lần thất bại. Chiều hôm ấy anh trở về, vẻ mặt buồn. Trang ra tận cổng đón chồng. - Sao....anh không đưa được con về ư? Cả ngày hôm nay chị nóng ruột và hy vọng.....Chị chưa thể nào tin được cái điều người ta quy tội con chị. Anh nhìn vợ với đôi mắt như van lơn, như xin lỗi. Anh đưa chị vào nhà, nghẹn ngào nói: - Em thông cảm, anh đã không làm được điều em mong muốn. Em khổ tâm, đau đớn lắm. anh biết thế, nhưng anh cũng nát ruột ra ấy chứ vui vẻ gì. Em đừng bắt anh làm cái gì anh không thể làm được. - Nhưng mà nó như thế nào? Chị sốt ruộc hỏi chồng một câu tưởng như vô nghĩa. - Nó như thế nào thì em đã biết rồi. - Em biết thì em đã không nhờ đến anh. - Người ta trình bày cho anh xem toàn bộ hồ sơ...Nói chung người ta đã không bắt oan con chúng ta. - Có nghĩa nó là một thằng ăn cắp, một tên ăn trộm? - Thôi em đừng hỏi dồn em nữa, khổ anh lắm...Anh hy vọng.... - Hy vọng cái gì bây giờ nữa? - Hy vọng ở đấy nó cải tạo tốt. Học tập và lao động của chúng nó được tổ chức khá nghiêm túc. Chắc chắn nó sẽ trở nên một người có ích. Anh dừng lại một lúc, rồi sẽ sàng tiếp: - Chắc chắn nó sẽ về sớm hơn cái thời hạn ba năm của nó. - Ba năm! - Em đừng sốt ruột. Anh tin chắc hai năm nó sẽ về. Nhanh thôi em à. - Nhanh là đối với những người sung sướng, mãn nguyện như anh, còn những người ở trông tù, ba năm là nửa cuộc đời, là 30 năm đấy. - Có thư của con đây. Em xem đi. Nó đâu đến nỗi khổ như em tưởng. Đêm ấy, anh lại tiếp tục động viên, an ủi chị. Anh phân tích cho chị rõ đấy không phải là nhà tù như chị nghĩ. - Đấy là một trường học – vừa học vừa làm – dành cho những đứa trẻ mà do hoàn cảnh nào đấy thiếu sự chăm sóc, giáo dục chu đáo của cha mẹ, và nhà trường. Xem thư nó, em thấy rồi đấy. - Anh đúng là một nhà tuyên truyền. Sao nói cũng hay. Nhà tù, trại giam mà cũng như thiên đường. - Em đừng nói thế. Sống với anh hai mặt con rồi, chẳng nhẽ em không hiểu được tấm lòng của anh ư? Nhưng....hoàn cảnh nó thế, biết làm sao bây giờ...Em thông cảm, quả thật anh bận quá, suốt ngày đêm.... - Anh chỉ biết lo cho cái ghế của anh thôi. - Mình là đầu não một huyện. Chuyện lớn chuyện bé gì lại không để tai mắt vào...Đấy em xem, còn chút thì giờ nào anh đều dành trọn vẹn cho em và cho con.... Chị hiểu anh yêu chị chân thành. Gần như anh không để chị phải lo thiểu thốn một điều gì. Những hôm chị ốm đau, anh bồn chồn, lo lắng, chạy hết thầy này thuốc kia, thậm chí anh còn bắt cả bác sĩ trên phòng y tế về trực tiếp săn sóc cho chị. Anh lo cho chị từng hạt gạo thơm đến mảnh vải hoa mà anh thấy đẹp. Nhiều bữa anh xách cả nước cho chị tắm, và đứng hồi lâu nhìn qua khe cửa chiêm nghiệm cái thân thể đẹp đẽ, hấp dẫn đến mê mẩn của chị. Chưa một lần anh chán chị. Còn chị, chị cũng đã cố gắng hết sức đến với tình yêu của anh. Nhưng không hiểu sao cái khoảng cách ấy không ngắn lại mà ngày càng xa thêm. Càng ngày anh càng bộc lộ cái mặt bên trong ra trước chị. Hình như, ở con người mà chị đang chung đụng này đây, có một cái gì đó hết sức khó hiểu, nó vừa thật, rất thật, nhưng lại vừa giả, giả đến thành đểu. Anh song phẳng, nhưng lại thâm hiểm đến tàn bạo. Anh yêu chị một cách ích kỷ và căm thù tất cả những ai chia sẻ tình yêu đấy. –Kể cả đứa con riêng người đồng chí của anh. - Anh biết em chưa tin tưởng những gì anh nói. Biết làm sao, cái dở là anh chưa đủ chứng lý để thuyết phục em....Thôi được, anh sẽ cho các đồng chí ở trại mang hồ sơ của nó về để em tận mắt xem. Ba hôm sau, đi về vẫn gương mặt ít xúc cảm ấy, lặng lẽ anh đưa cho chị tập hồ sơ về “phạm nhân” – Vũ Linh. Cầm tập giấy có đóng dấu tuyệt mật ở ngoài bì, chị ngao ngán. Hết hồ sơ về chồng lại đến hồ sơ về đứa con riêng. Không có gì đau xót bằng phải nhìn rõ tận mắt những tội lỗi của chồng con mình. Lần đầu chị định không xem. Đằng nào thì nó cũng đi tù rồi. Đằng nào cũng hai ba năm nữa nó mới về. Nhưng rồi trí tò mò bắt chị không dừng được. Chị ngạc nhiên khi hiểu rằng người ta đã hiểu nó hơn chị. Từng dòng một ghi rất rõ ngày giờ nó mở khóa, cạy tủ lấy tiền nhà ông Bân. Cầm số tiền ấy nó ra chợ định mua gì thì bị bắt...Dần dần chị nhận ra rằng, chị chưa hiểu gì về nó cả. Cũng như bố nó, chị chỉ hiểu nó qua cảm nhận của tình thương. Từ tình thương, chị hình thành trong tâm khảm mình những hình ảnh hết sức tốt đẹp. Bây giờ thì chị bị đổ vỡ hoàn toàn.... Những lúc ấy, Thuật là người hiểu được tâm tư, tình cảm cùng những khát vọng của chị. Anh lại đến với chị, vực chị dậy bằng chính tình yêu chân thành của mình. Mãi hơn một tuần sau chị mới hồi phục. Chị thật sự biết ơn Thuật. Nhưng dường như tình cảm của chị cũng chỉ dừng lại đến đấy. Chị sống với anh chân tình hơn. Chị bớt đi những đòi hỏi mà anh không làm nổi. Khi anh đi làm về vất vả, chị săn sóc anh như một người vợ yêu thương và thông cảm chồng. Nhưng, đấy cũng chỉ là bề ngoài. Toàn bộ trái tim mình, chị vẫn hướng về Công với những nỗi vui – buồn, đau khổ, thất vọng....Đêm đêm sau những chịu đựng chung đụng với anh, những dòng hồi ức về mối tình cũ lại trỗi dậy, dày vò chị. Dường như mỗi lần như vậy, đôi mắt Công – đôi mắt đằm thắm, ngọt ngào và trung thực lại hiện về trong ký ức chị. Đôi mắt ấy không cho phép chị nghi ngờ bất kỳ điều gì về anh, kể cả lòng chung thủy. Nhưng tại sao....Chị nghĩ trong hai người bạn, hai người đồng chí ấy phải có một người trung thực và một tên đểu giả. Mỗi lần nghĩ về Thuật, chị lại nghĩ về cái tập hồ sơ với những chứng cứ rất cụ thể, cùng tình yêu chân thnàh của anh. Dòng suy tư lại bắt chị hướng tìm một người thứ ba nào đấy, đã dựng lên một bản án để phá hoại hạnh phúc và tình yêu của chị. Con người thứ ba ấy chị đã dò tìm bao năm tháng, nhưng không có cách nào tìm được. Cuối cùng cấu hỏi thật – giả lại trở về với Công, người mà chị đã nhận, lần đầu tiên trong đời người con gái mối tình nồng nàn, mối tình tưởng không có gì phá vỡ nổi. Lần cuối cùng Công ôm chị trong căn nhà trước đây mẹ anh đã sinh ra anh, ngập ngừng nói: -....Anh cảm thấy hình như chúng mình sắp phải xa nhau. - Sao thế anh? Chị ngạc nhiên hỏi lại. Anh thở dài: - Anh cũng không hiểu vì sao anh lại suy nghĩ như thế.... - Tính anh hay lo xa, hay nghĩ ngợi... - Không phải thế đâu em à....Anh lại thở dài và tiếp, - Mọi linh cảm đều có tính dự báo. Chị còn nhớ, chính vào lúc ấy chị đã ôm chặt lấy anh như sợ ai cướp đi của chị người chồng yêu thương nhất mực. - Không việc gì cả, đừng suy diễn. Chị nói cứng. - Anh muốn chuẩn bị trước cho em.... - Chuẩn bị cái gì? - Nếu mọi sự êm đẹp thì đấy là điều may mắn. Còn nhỡ có việc gì bất trắc...thì chúng mình cũng đầy đủ bình tĩnh mà đón nhận. Em không nghe khắp nơi người ta đưa bao nhiêu đồng chí và gia đình đồng chí mình ra đấu tố, và hành quyết đấy ư? Anh không hiểu sao ta lắm kẻ thù giai cấp thế không biết nữa. Có điều gì làm anh ngờ ngợ. - Em hỏi thật, anh có làm điều gì sai trái không? Anh im lặng nhìn chị, vẫn cái nhìn trung thực và gương mặt thông minh ấy, nhưng hơi buồn. - Anh nói đi. Chị sốt ruột. Đừng giấu em nữa... - Anh hơi ngờ ngợ anh Thuật...Chính anh ấy đã khuyên anh về thăm em và anh ấy hứa sẽ ém lại chờ anh. Anh ấy đã không giữ lời hứa....Hồi bé, mẹ nuôi anh vất vả lắm. bà đã đi coi số cho anh. Ông thầy nói số anh sẽ bị bạn phản. Hồi ấy và cả những năm sau này, bà luôn căn dặn anh cẩn thận với bạn bè. Anh không tin. Nhưng giờ thì....anh nghĩ có thể ông ấy nói đúng....Em biết đấy, Vũ Thuật bây giờ là đội trưởng một đội cải cách ruộng đất. - Muốn bắt người đâu phải dễ, phải đầy đủ hồ sơ, chứng cứ... - Khi người ta đã nắm quyền lực, cái gì mà họ không tạo ra được. Ông chủ tịch xã bên, bạn anh đấy. Nằm hầm, ăn cơm vắt, lăn lộn suốt cuộc kháng chiến, cuối cùng phải chịu chết trứơc bà con nông dân của mình, những người đã từng vì họ mà anh chiến đấu. - Thế thì đời này loạn! Em không tin, em không tin...Thôi anh đừng nói nữa. Nghĩ chuyện lành không nghĩ, cứ nghĩ cái chuyện dữ....Không ai bắt được chúng mình phải xa nhau cả. Ngủ đi anh. Chị xốc năm ngón tay lên mái tóc cắt ngắn của anh ngãi ngãi như ru anh vào giấc ngủ. Nhưng anh vẫn không ngủ đựơc. Anh lại ôm ghì lấy chị như sợ ai đấy rứt anh ra khỏi tình yêu đang bị thử thách. Và hôm ấy, lần đầu tiên, chị bắt gặp ở anh những dòng lệ ấm nóng, nó như từ một nguồn suối của tình cảm đang nứt rạn, tràn ra. Chị còn nhớ như in, trong cuộc chia tay lần ấy, chị ở lại Hà Nội, anh lên chiến khu, chị đã không kềm được tiếng khóc. Không hiểu sao chị lại khóc như đứng trước cuộc vĩnh biệt....Lúc ấy anh lau nước mắt cho chị và dỗ dành: - Em đừng khóc nữa. Anh không sợ quân thù. Anh không sợ gian khổ. Anh chỉ sợ tiếng khóc người phụ nữ. Tiếng khóc làm anh mềm lại.... Anh là thế. Thuật cứng rắn hơn. Bao nhiêu lần chị bắt gặp những người mẹ, những người chị, những cô em gái đến nhà kêu oan về một điều gì đấy và khóc than cho nỗi tan tác lòng họ, mặt Thuật không một chút xúc cảm, vẫn lạnh băng. Trong một đêm, không ghìm được cơn xúc động chị hỏi anh: - Sao anh không biểu hiện một cảm giác nào trước các cô gái ấy thế? Thuật đã trả lời với chị, rất thật: - Làm thằng đàn ông mà lại đi mủi lòng trước tiếng khóc của các bà, chỉ có là thằng đàn ông mặc váy. .....Chị hòan toàn không ngờ đêm ấy, người ta vào lôi Công đi. Anh bình tĩnh chia tay chị. Ngược lại chị bàng hoàng. Sợ quá. Sợ đến run lên, không dám khóc. Chị giương tròn đôi mắt không một giọt lệ, đôi mắt của thần chết nhìn anh ra đi trong tư thế nhục nhã của một người tù, hai tay bị trói... Không hiểu có sự sắp xếp nào của số mệnh hay không, mà hơn mười năm sau, chị lại như người mất hồn, vẫn đôi mắt khô khốc của thần chết ấy, nhìn đứa con riêng của anh ra đi...Và đằng sau vẫn là hai du kích và một công an ấy. Một lần nữa chị lại có trong tay tập hồ sơ với đầy đủ chứng cứ về tội lỗi của người thân yêu nhất đời chị. Coi như đây là ngươif cuối cùng trong dòng họ anh ấy. Cũng như hồi nằm bên Công, chị lại trăn trở trước một câu hỏi: chẳng nhữ người ta lại dựng ra được một hồ sơ về một vụ án với những chứng cứ cụ thể, rõ ràng như thế ư? Và lần này, chị hỏi thẳng Thuật, người có quyền lực nhất trong cái huyện này. - Anh cứ nói thật, ai đã dựng lên cái tập hồ sơ này? Thuật không trả lời chị ngay. Anh rít cho xong điếu thuốc, ném tàn thuốc vào cái gạt bằng thủy tinh ngoại, điềm đạm trả lời vợ: - Đã là chứng cứ thì làm sao mà dựng lên được. Sao em hỏi kỳ lạ thế? - Quyền lực ở trong tay, cái gì mà các người không dựng lên được....Chị nhắc lại câu chồng trước chị đã tâm sự. - Em ngây thơ quá. Em không hiểu gì cả. Chứng cứ là sự thật. Không có sự thật không lập nên chứng cứ và hồ sơ được. Và lập hồ sơ là do viện kiểm sát, tòa án, công an...Đâu phải một ai....Tập thể em à. - Em không tin cái sự công bằng của các người, em không tin cái tập thể của các người. - Em phải tin sự lãnh đạo của Đảng, chứ em? - Trong huyện này, Đảng là anh chứ còn ai nữa? - Sao mình anh mà thành Đảng. Còn các phó của anh, các đồng chí các ban ngành.... - Họ đều dưới quyền anh....Ai dám không nghe anh.... - Dân chủ mà em, bình đẳng mà em.... - Em còn lạ gì cái dân chủ trong sự lãnh đạo của các anh... - Chỉ vì chuyện thằng con riêng....nhỏ bé thế mà em nói toàn những chuyện như bọn phản động, bọn chống Đảng. Đừng dại dột nói như thế nữa em nhé. Người ta nghe được, không khỏi... - Anh định đưa cái trò chết chém. Ra dọa em chứ gì...Toàn là ảo thuật cả.... Cuộc tranh luận càng lúc càng gay gắt cho đến khi anh chấp nhận cứ ba tháng phải đi thăm thằng con riêng ấy một lần, chị mới chịu yên lặng để anh ngủ.