ỗi năm thành phố Pari vứt xuống sông hai mươi lăm triệu. Đó là nghĩa đen chứ không phải là bóng gió ví von gì. Vứt như thế nào? Vứt ngày vứt đêm. Với mục đích gì? Chẳng có mục đích gì cả. Nghĩ thế nào mà vứt như thế? Chẳng nghĩ gì cả. Để làm gì? Chẳng làm gì cả. Vứt qua bộ phận nào? Qua ruột nó. Ruột nào là gì? Là hệ thống cống ngầm của nó. Hai mươi lăm triệu, đó là con số ước lượng thấp nhất của ngành khoa học chuyên trách. Sau khi đã mò mẫm rất lâu, khoa học ngày nay biết rằng thứ phân bón tốt nhất, có hiệu quả nhất là phân người. Người Trung Hoa biết điều đó trước chúng ta, chúng ta đành chịu xấu hổ mà thừa nhận việc ấy. Ếchcơbe nói rằng không có một người nông dân Trung Hoa nào đi tỉnh mà lúc về không gánh về ở hai đầu đòn gánh tre, một đôi thùng đầy cái thứ mà chúng ta cho là đồ dơ uế. Nhờ phân người, đất cát ở Trunh Hoa vẫn màu mỡ như ở thời nguyên thủy và gieo lúa mì thì cứ một giống ra một trăm hai mươi thóc. Không có thứ cứt chim nào sánh nổi với phân rác của một thủ đô. Một thành phố lớn là một mỏ phân sản lượng cao nhất. Dùng đô thị để bón phân cho nông thôn, chúng ta sẽ thu kết quả chắc chắn. Nếu vàng đáng coi như cứt thì ngược lại, cứt là vàng. Người ta đã sử dụng thứ vàng ấy như thế nào? Người ta quét nó xuống hố. Người ta tốn vô số tiền bạc từng đoàn tàu đi nam cực nhặt cứt chim hải âu, chim cánh cụt, thế mà cái nguồn kho vô tận ở bên mình, người ta lại đổ xuống biển. Loài người bỏ phí không biết bao nhiêu là phân người, phân thú; nếu không đem khối lượng phân ấy ném xuống nước, nếu mang nó trở về cho đất, thì nó đủ nuôi sống loài người. Những đống rác rưởi bên vệ đường, những xe bùn sền sệt đêm đêm lạch cạch lăn qua đường phố, những thùng chứa ghê tởm của sở vệ sinh, những dòng nước lầy hôi thối chảy khuất dưới mặt đường, các bạn có biết là gì không? Đó là đồng cỏ lên hoa, là cỏ non xanh mởn, là cỏ ống, cỏ voi, cỏ mật, đó là thú rừng, là thú nhà, đó là tiếng rống thoải mái của mấy con bò mộng về chiều, đó là cỏ khô thơm phức, đó là hạt lúa vàng tươi, đó là sức khỏe, là vui tươi, là sức sống. Luật sáng tạo huyền bí đã muốn rằng ở dưới đất thì có sự biến thể mà ở trên trời thì có sự biến hình. Hãy mang những thứ ấy trả lại cho lò tạo hóa, nó sẽ đem sung túc lại cho các anh ngay. Đất có cái ăn thì trở lại nuôi người. Các anh cứ việc vứt bỏ thứ quí ấy và hơn nữa, cư việc cười tôi là lố bịch. Nếu thế thì đó là kiệt tác của sự ngu dốt của các anh. Khoa học thống kê đã tính ra rằng riêng một mình nước Pháp mỗi năm đã do miệng sông ngòi mà tiến cống cho Đại Tây Dương nửa tỉ. Cần nhớ là với nửa tỉ ấy, có thể đài thọ một phần tư các khoản chi trong ngân sách quốc gia. Thế mà người ta thích vứt năm trăm triệu đó xuống nước hơn thì thực là khôn khéo! Cái mà cống rãnh nôn thảm hại từng giọt ra sông, mửa thành dòng cuồn cuộn ra biển, chính là chất máu thịt của nhân dân. Mỗi rảnh cống ựa một cái là mỗi lần chúng ta mất đi một nghìn quan. Kết quả là đất thì ngày càng nghèo đi mà nước thì nhiễm độc, đói khát chòi ra từ luống cây, bệnh hoạn xông lên từ sông biển. Chẳng hạn như lúc này, ai cũng biết rằng sông Tamidơ đương đầu độc thành phố Luân –đôn. Còn Pari thì những năm gần đây, chúng ta đã phải dời phần lớn các miệng cống xuống hạ lưu, phía trước cái cầu cuối cùng của thành phố. Một hệ thống ống máng kép có nắp van, có ngăn chắn nước, vừa hút vừa lùa, một bộ máy trổ nước sơ đẳng đơn giản như buồng phổi con người, bên Anh ở nhiều xã người ta đã làm như thế. Một hệ thống dẫn nước kiểu ấy rất thích hợp để đem nước làng ở đồng quê về thành phố, và gửi nước màu mỡ thành phố về đồng quê. Cách trao đổi giản đơn nhất thế giới như thế sẽ có khả năng giữ lại cho ta năm trăm triệu mỗi năm, không cho tuôn bừa ra biển. Thế mà người ta mưu nghĩ chuyện khác. Phương pháp hiện hành muốn làm lợi cho người ta lại hóa ra làm hại. Dụng ý thì tốt nhưng kết quả đáng buồn. Tưởng tẩy uế được cho thành phố lại hóa ra làm cho dân thành phố héo hon. Cống ngầm là một sự lầm lẫn. Bộ máy dẫn thủy hai công dụng, có lấy đi có trả lại, như đã tả ở trên, phải thay thế bộ máy cống ngầm chỉ biết đội quét của cải mà thôi. Công trình ấy đi đôi với những điều kiện mới của một nền kinh tế xã hội đổi mới, sẽ làm cho đất ruộng sản xuất mười lần bội hơn và nạn nghèo đói được giảm nhẹ lạ thường. Nếu lại giải quyết luôn được nạn ngồi không ăn bám thì nó sẽ được thanh toán hoàn toàn. Trong khi chờ đợi, tài sản công cộng cứ thế chảy ra sông, thật là lãng phí. Phải nói lãng phí mới đúng nghĩa. Châu Âu suy yếu vì hao mòn như thế. Về nước Pháp thì chúng ta đã tính nó mất mát bao nhiêu rồi. Pari chứa một phần hai mươi lăm triệu trong tổng số năm trăm triệu nước Pháp lãng phí hàng năm là ước lượng còn dưới sự thực. Đem hai mươi lăm triệu ấy tiêu dùng vào việc cứu tế xã hội và giải trí thì Pari còn hoa lệ gấp đôi. Thế mà Pari lại mang hai mươi lăm triệu ấy mà tiêu trong lỗ cống! Bởi vậy, người ta có thể nói rằng cái xa xỉ nhất của Pari, cái hội hè hoang phí, cái cuồng loạn say sưa, cái vung phí tiền ròng bạc chảy nhất của Pari là cống rãnh ấy. Quản lý kinh tế nhà nước mà đui mù, thì làm cho phúc lợi của mọi người trôi theo dòng nước và chìm xuống vực sâu như thế đấy! Phải có những lưới vớt đối với tài sản công cộng. Về phương diện kinh tế, có thể tóm tắt sự kiện này trong một danh từ: Pari, giỏ thủng đáy. Pari là một thành phố điển hình, là khuôn mẫu cho các dân tộc khác rập để xây dựng thủ đô, là tổ quốc của lý tưởng, của văn minh, của mọi khởi phát và thể nghiệm là trung tâm của tri thức, là thành quốc, là tổ ong của ngày xưa. Thế nhưng về phương diện chúng ta vừa trình bày, thì Pari sẽ làm cho một bác nông dân Phúc Kiến nhún vai khinh bỉ. Nếu anh bắt chước Pari thì anh cũng đến phá sản. Vả lại trong việc phung phí điên dại tự bao giờ đến bây giờ như thế này, Pari cũng chỉ bắt chước thôi. Những cái ngốc lạ ngốc lùng ấy không phải là chuyện mới đâu; cái ngu này không phải là cái ngu trẻ tuổi. Người đời xưa cũng làm như người đời nay. Liebi nói: “Cống rãnh thủ đô La mã đã thủ tiêu cảnh sống no đủ của nông dân La Mã.” Khi nông thôn La Mã bị cống ngầm thành La Mã làm cho phá sản thì nước Ý cũng bị lụn bại theo; khi nước Ý đã chui vào cống thì đảo Xixin, rồi đảo Xácđenhơ, và cả Châu Phi cũng chui theo vào ống. Cống ngầm La Mã đã làm cho nhân loại chìm xuống vực. Nó nhận chìm thành phố, nhận chìm cả thế giới[1]. Urbi et orti[2]. Thành phố trường tồn, cống ngầm vô để. Về việc này ũng như nhiều việc khác, La Mã vẫn làm gương. Pari noi theo gương ấy với tất cả sự ngớ ngẩn của những đô thành văn vật. Để tháo chất bẩn ra sông, như chúng tôi đã giải thích, dưới thành phố Pari, có một thành phố Pari khác, thành phố cống rãnh. Thành phố cống rãnh cũng có phố phường, có ngã tư, có quảng trường, có ngõ hẻm, có đường sá, có giao lưu, giao lưu của thứ bùn nhơ, duy chỉ thiếu có người. Không nên tâng bốc cái gì cả, dù là tâng bốc một dân tộc lớn. Ở chỗ nào cũng được có đủ cả các thứ, thì cũng có đê hèn bên cạnh cao siêu. Trong Pari có Aten, thành phố ánh sáng, Tia, thành phố hùng cường, Spáctơ, thành phố khí tiết, Ninivơ, thành phố màu nhiệm, thì trong Pari cũng có Luytétxơ[3] thành phố bùn lầy. Vả chăng, dấu ấn hùng cường của Pari cũng là ở đấy, và cái tầng đáy không của Pari thể hiện trong phạm vi kiến trúc cái mẫu mực kỳ dị trong lĩnh vực nhân sinh, thể hiện ở một đôi người như Makiaven, Bêcơn và Mirabô: cái hùng vĩ hạ tiện. Nếu mắt ta trông xuyên mặt đất thì chúng ta sẽ nhìn thấy cái thành phố cống rãnh kia giống như một khối san hô vĩ đại. Thật vậy, khối san hô cũng không có nhiều ngóc ngách, hành lang hơn cái u đất chu vi sáu dặm làm nền tảng cho thành phố ngày xưa. Chưa nói đến các mộ địa làm thành một hệ thống nhà hầm riêng, chưa nói đến những ống dẫn khí thắp chằng chịt, chưa nói đến hệ thống ống dẫn nước bao la đưa nước đến các giếng máy, chỉ riêng hệ thống cống rãnh cũng đã làm nên hai mặt lưới khổng lồ ở dưới đất hai bên bờ sông. Đường cống ở đây chi chít tối tăm như ở trong mê hồn trận, muốn ra chỉ có thể xuôi theo chiều dốc của nó mà ra. Ở đấy, qua sa mù ẩm ướt, xuất hiện con chuột cống, nó như là con đẻ của thành phố Paris II CỔ SỬ VỀ CỐNG RÃNH Hãy tưởng tượng Pari được lật lên như một cái nắp thì hệ thống cống ngầm, từ trên nhìn xuống, sẽ hiện ra ở hai bên bờ sông như một cành cây lớn ghép vào con sông. Ở hữu ngạn, đường cống cái là thân cành, những cống con là những chi nhánh và các ngõ là những que, chạc. Hình ảnh đó chỉ là đại khái và mới chỉ mới đứng nửa chừng bởi vì góc vuông là góc thông dụng nhất trong loại chi nhánh dưới đất đó lại hiếm có trong thực vật. Muốn hình dung cái bình diện hình học lạ lùng đó một cách gần gũi hơn thì nên giả thiết mình được nhìn trên một nền đen tối một loại cổ tự đông phương kỳ quặc, rối rắm, mà các chữ cái gắn vào nhau lôn xộn và như tình cờ, khi thì ở hai đầu. Hầm rác và cống ngầm có vai trò quan trọng ở thời trung cổ, ở Hậu kỳ Đế quốc và ở cái Đông phương cổ xưa ấy. Ôn dịch sinh ra từ đó, bạo chúa chết ở đó. Công chúng kinh sợ những khu vực thối tha, những ổ chết khổng lồ đó. Hố dòi bọ ở Bênarexơ làm cho người ta choáng váng không kém hầm sư tử ở Babylon. Sách thần học Do Thái nói vua Têgla Phalada viện cái hầm rác Ninivơ để nguyền rủa. Giăng đơ Leđơ cho cái mặt trăng giả của mình hiện lên từ cống Munxtơ và kẻ đồng đạo của ông ở phương Đông là Môkana – nhà tiên tri xứ Korátxan – thì lấy cái mặt trời giả của mình từ giếng phân Kếchsép. Lịch sử loài người phản chiếu trong lịch sử hố rác. Những thềm phơi xác tội nhân tử hình kể lịch sử La Mã. Cống Pari đã từng là một thực tế ghê gớm. Nó từng là hầm chôn, cũng đã là hố nấp. Tội ác, trí thông minh, sự phản kháng xã hội, tự do kính ngưỡng, tư tưởng trộm cắp, nghĩa là tất những gì mà luật pháp loài người săn bắt hay đã săn bắt, đều trốn vào hố đó; bọn giặc vồ thế kỷ mười bốn, bọn ăn cắp đêm thế kỷ mười lăm, tín đồ đại Cải cách thế kỷ mười sáu, bọn đồng bóng thế kỷ mười bảy, bọn đốt lò thế kỷ mười tám đều cố nấp ở đó. Một trăm năm trước, lưỡi dao găm ban đêm từ đó vung lên, thằng ăn cắp lâm nguy lánh mình xuống đó; rừng có hang, Pari có cống. Phường ăn mày nòi coi cống là một phân khu của Khu Phép mầu[4] và buổi tối, hung hãn và ngạo nghễ, họ rút xuống lối thoát Môbuyê như về một buồng ngủ. Những ai ban ngày hoạt động ở ngõ cụt Móc-hầu-bao hay ở phố Cắt-cổ thì tự nhiên dùng cái cầu một nhịp ở Đường xanh hay khu đứng gió Huyarơpoa làm chỗ trọ ban đêm. Do đó vô khối kỷ niệm còn lưu truyền. Đủ mọi thứ bóng ma hiện lên ở những hành lang dài vắng vẻ ấy. Thối mục và uế khí khắp cả. Đây đó một lỗ thông hơi mà Viôlông ở bên trong nói chuyện với Rabơle ở bên ngoài[5]. Thời xưa, cống ngầm của Pari là nơi hò hẹn của tất cả những khô kiệt và những thí nghiệm. Ở đó khoa kinh tế học nhìn thấy cặn bã. Cống ngầm là lương tâm của thành phố. Tất cả đều hội tụ ở đấy, đối diện ở đấy. Trong cảnh xám xịt ấy, có bóng tối, nhưng không còn bí mật. Mỗi sự vật mang hình thể thực của nó, hay ít nhất là hình thể hoàn bị. Đống rác rưởi có cái ưu điểm là không nói dối, nhưng người ta thấy bìa, thấy chỉ buộc, thấy bên trong lẫn bên ngoài và nó được tô bồi một lớp bùn trung thực. Cái mũi giả của Xcapanh ở cạnh nó. Tất cả những dơ bẩn của văn minh khi đã hết tác dụng, đều rơi vào cái hố ngay thật đó: cái mới kết thúc cuộc trượt dốc xã hội rộng lớn; những chất dơ bẩn ấy tụt xuống hố, nhưng phơi trải ra trong đó. Cảnh hỗn độn, ấy là một cuộc xưng tội. Ở đây không có cái dáng bên ngoài giả dối, không có vỏ bọc thanh cao: rác rưởi cởi áo trong; hiện ra hoàn toàn trần trụi; ảo tưởng, ảo hình tan biến; chỉ còn trơ cái thực tại với bộ mặt thảm hại của cảnh kết cục. Cuộc đời thực và sự hủy diệt phơi trần. Ở đây, một đít chai thú nhận tính nát rượu, một quai giỏ kể lại cảnh đi ở; ở đây cái lõi táo đã từng có những đề xướng kia nọ về văn học trở lại là cái lõi táo: ở đây cái mặt vua trên đồng xu đôi gỉ xanh có một cách thực thà, bãi đờm của Cayphơ gặp gỡ chỗ nôn mửa của Phanxtắp, đồng tiền vàng ở sòng bạc ra chạm cái đanh mắc đoạn dây treo cổ, cái bào thai tím ngắt được bọc trong chiếc áo lấp lánh đã nhảy múa ở nhạc kịch viện đêm thứ ba béo vừa qua, cái áo quan tòa đã xử án khối người, lăn lóc bên cạnh một vật thối tha là cái váy của một gái điếm; cảnh này đã vượt tính hữu ái mà đi vào chung chạ thần tình. Cái gì dồi phấn tô son giờ đây nhem nhuốc loang lổ. Cái khăn mỏng cuối cùng đã vứt bỏ. Một cống ngầm là một gã trâng tráo. Cái gì nó cũng nói ra hết. Sự thành thật của rác rưởi dễ ưa và làm cho tâm hồn ta yên tĩnh. Khi suốt ngày trên mặt đất đã phải chịu đựng cái vẻ trịnh trọng kiêu kỳ của những lý do quốc gia, những cam kết, những viễn kiến chính trị, những công bằng xã hội, những trung thực cho nghiệp vụ, những khắc khổ của địa vị, những mặt quan tòa tuyệt đối liêm chính, thì chúng ta thấy nhẹ người khi được đi vào cống ngầm và thấy thứ bùn nhơ thích đáng của những cái ấy. Chúng tôi cũng học ở đấy được nhiều. Chúng tôi vừa nói lịch sử đi qua cống ngầm. Những đêm Xanh Bactêlêmy rỉ ra từng giọt qua kẽ đá. Những vụ ám sát công cộng nổi tiếng, những cuộc tàn sát chính trị và tôn giáo đi qua cái hầm ngầm của văn minh đó và đẩy xác chết vào đó. Trước con mắt của người nghĩ ngợi, tất cả những tay sát nhân lịch sử đều có mặt ở đây, trong ánh nhờ nhờ gớm ghiết, chân quỳ, mình mang chiếc tạp dề cắt trong vải liệm, tay đang lau chùi máu nạn nhân của chúng đổ xuống. Luy XI ở đấy với Tơrixtăng, Phrăngxoa I với Đuypra, Sắclơ IX với mẹ mình, Risơliơ với Luy XIII, có Lơtenliê, có Hêbe và Maia. Bọn họ đang cạo đá mong xóa nhòa dấu vết những hành động của họ. Dưới các vòm cuốn ấy, người ta nghe thấy tiếng chổi của những bóng ma kia. Người ta hít thở xú khí nặng nề của các tai họa xã hội. Người ta nhìn thấy trong các xó tối những gợn hồng lấp lánh. Những bàn tay đẫm máu đã rửa trong ngòi nước ghê gớm chảy ở đây. Người quan sát xã hội phải vào những vùng tối này. Các vùng đó là bộ phận của Viện khảo sát cứu của họ. Triết học là kính hiển vi của tư duy. Tất cả đều muốn trốn tránh nó, nhưng không gì thoát được. Quanh co là vô ích. Quanh co thì phơi bày khía cạnh nào của con người? Khía cạnh xấu hổ. Con mắt chính trực của triết học theo dõi cái ác và không cho nó lẩn vào hư vô. Nó nhận ra tất, trong cảnh xóa nhòa của những sự vật tan biến. Nó khôi phục hồng bào trên áo rách và người đàn bà trên mụn vải. Nó dựa trên hố xí mà tái tạo thành phố, trên bùn lầy mà tái tạo phong tục. Nhìn mảnh vỡ, nó kết luận là họ cổ hay cái vò. Từ một dấu móng tay trên giấy da bào, nó nhận ra sự khác biệt giữa Do Thái Giuyđăngatxơ và phái Do Thái Ghéttô. Trong những gì tồn lưu, nó tìm ra cái gì đã tồn tại, cái thiện, cái ác, cái giả, cái chân, dấu máu trong lâu đài, vết mực nơi hang hốc, giọt mỡ bò ở thanh lâu, những thử thách trải qua, những cám dỗ đã đến, những bãi nôn mửa qua say sưa chè chén, nếp nhăn của tính cách khi tụt xuống, dấu vết của bán mình ở những người vì thô bỉ mà sa đọa, và trên tấm áo của những phu khuân vác La Mã, dấu tích khuỷu tay rủ rê của hoàng hậu Métxalin.
[1] đế quốc La mã được coi là thế giới văn minh thời cổ, gồm có thành phố La Mã (Rome) là thủ đô nước Ý rồi ác xứ thuộc địa như đảo Xixin, đảo Xácđenhơ, vùng Bắc Phi… [2] Khẩu hiệu hạnh phúc của giáo hoàng, nghĩa: cho thành phố và vũ trụ [3] tên làng chài lưới, ở trên hòn đảo bùn lầy thời cổ đại, sau này trở nên trung tâm thành phố Pari [4] Cour des Micracles là một khu phố thời Trung cổ tụ tập những hành khất nhà nghề. V.Huygo đã diễn tả nơi này trong bộ tiểu thuyết “Nhà thờ Đức bà” [5] Viôlông nhà thơ trữ tình lớn của nước Pháp thế kỷ XV, đã từng đi lang thang và phạm tội trộm cướp xuýt bị treo cổ. Rabơle nhà văn lớn của nước Pháp thế kỷ XVI, tư tưởng khoáng đạt. Tác giả giả thiết thế thôi vì Viôlông chết trước khi Rabơle ra đời
[1] đế quốc La mã được coi là thế giới văn minh thời cổ, gồm có thành phố La Mã (Rome) là thủ đô nước Ý rồi ác xứ thuộc địa như đảo Xixin, đảo Xácđenhơ, vùng Bắc Phi… [2] Khẩu hiệu hạnh phúc của giáo hoàng, nghĩa: cho thành phố và vũ trụ [3] tên làng chài lưới, ở trên hòn đảo bùn lầy thời cổ đại, sau này trở nên trung tâm thành phố Pari [4] Cour des Micracles là một khu phố thời Trung cổ tụ tập những hành khất nhà nghề. V.Huygo đã diễn tả nơi này trong bộ tiểu thuyết “Nhà thờ Đức bà” [5] Viôlông nhà thơ trữ tình lớn của nước Pháp thế kỷ XV, đã từng đi lang thang và phạm tội trộm cướp xuýt bị treo cổ. Rabơle nhà văn lớn của nước Pháp thế kỷ XVI, tư tưởng khoáng đạt. Tác giả giả thiết thế thôi vì Viôlông chết trước khi Rabơle ra đời