Giăng VanGiăng đứng trước một khoảng đất sụt. Thời ấy, lớp đất dưới khu Săng Êlidê bị sụt là thường bởi vì nơi ấy khó lòng làm công tác trị thủy, đất lại quá nhão, nên những kiến trúc ngầm khó mà bền được. Đất ở đây còn dễ sụt hơn cả những bãi cát ở khu Xanh Gioóc,- ở Xanh Gioóc, phải xây móng bê tông để khắc phục- và dễ sụt hơn cả những lớp đất sét hôi thối ở khu Máctia, - đất ở đây lỏng quá, phải bắc một cái ống bằng gang mới xây được con đường ngầm dưới đại lộ Máctia. Năm 1836, khi người ta phá hủy cái cống đá ngầm dưới khu Xanh Ônôrê - hiện Giăng VanGiăng đang đứng ở cống này, - để xây lại, vùng cát động kéo dài từ lớp dưới đất khu Săng Êlidê đến sông Xen, đã cản trở công việc rất nhiều, công trình phải kéo dài tới sáu tháng mới xong. Việc này làm cho dân phố hai bên kêu như cháy đồi, nhất là dân có lâu đài, có xe ngựa. Công trình xây dựng không phải chỉ gặp khó khăn, mà còn nguy hiểm nữa. Phải nói thêm dạo đó trời mưa ròng rã bốn tháng rưỡi liền và nước sông Xen lũ đến ba lần. Giăng VanGiăng bị sa lầy, bởi vì hôm trước mới mưa rào. Cát dưới nền không đỡ nổi, nên đường lún xuống và nước ứ lại. Nước rỉ vào, đất sụt xuống. Đường lòng máng nứt ra và lún xuống bùn. Trên một đoạn bao nhiêu? Không thể nói được. Nơi này tối tăm hơn bất cứ nơi nào khác. Rõ là một hố bùn trong một hang tối. Giăng VanGiăng thấy sàn đá dưới chân lẩn đâu mất. Ông bước vào bùn. Trên là nước, dưới là bùn. Thế nào, cũng phải vượt qua nơi này. Không thể quay lại được, Mariuytx sắp chết; còn Giăng VanGiăng thì mệt nhoài. Vả chăng còn biết đi đâu? Giăng VanGiăng tiến lên. Vũng lầy, thoạt bước mấy bước, hình như không sâu lắm. Nhưng càng đi, chân càng ngập sâu thêm. Chẳng mấy chốc, bùn đã đến cổ chân, nước thì lên quá đầu gối. Ông cứ đi, hai tay cố hết sức nâng Mariuytx lên khỏi mặt nước. Bây giờ bùn đã lên đến khuỷu chân, nước đến thắt lưng. Không thể lùi lại được nữa. Càng đi càng thụt xuống mãi. Bùn vừa đủ đặc để chịu sức nặng của một người, tất nhiên không chịu nổi sức nặng của hai người. Nếu là một mình Mariuytx hay Giăng VanGiăng thì may ra có thể thoát được. Giăng VanGiăng cứ tiến lên, tay vác người sắp chết, có lẽ đã chết rồi cũng nên. Nước ngập đến nách. Chìm nghỉm mất! Ngập dưới bùn sâu như thế, ông thấy khó cử động quá đỗi. Bùn đặc đỡ thân người nhưng cũng cản tay chân người. Ông vẫn nâng cao Mariuytx lên, và dốc hết sức lực, ông tiến lên được nhưng lại lún sâu thêm. Chỉ còn cái đầu và hai tay nâng Mariuytx là nhô khỏi mặt nước. Trong những bức tranh xưa vẽ trận đại hồng thủy, thấy có một bà mẹ nâng con như thế. Giăng VanGiăng thụt sâu xuống nữa; ông ngửa mặt lên cho nước khỏi vào miệng và để thở: trong cảnh tối mò mò ấy, ai trông thấy ông chắc sẽ tưởng như thấy một cái mặt nạ lềnh bềnh trôi trên bóng tối. Ông mờ mờ thấy cái đầu lủng lẳng và gương mặt tái nhợt của Mariuytx. Ông gắng sức một cách tuyệt vọng và đưa mạnh chân tới; chân ông đụng phải một vật gì răn rắn. Một chỗ đứng được. Vừa kịp. Ông gượng vùng lên, còng người lại bám chặt, bíu riết chỗ rắn ấy một cách điên cuồng. Ông cảm thấy như chỗ ấy là bậc thang đầu tiên để trở về cuộc sống. Chỗ rắn chìm dưới bùn sâu mà Giăng Vangiăng vấp phải lúc nguy nan nhất, chỗ ấy chính là chỗ lòng cống lại bắt đầu nhô lên ở phía bờ bên kia; lòng cống không gẫy, nó chỉ uốn cong xuống như một tấm ván, vẫn liền một tấm. Những nền lát đá tốt oằn xuống mà vẫn chắc như vậy. Đoạn móng cong này tuy ngập nước một phân nhưng chắc chắn; nó làm thành như một bậc thềm, đã đứng lên đó được thì chắc sống. Giăng VanGiăng trèo lên đường dốc đó và đến được bên kia bờ vũng bùn. Ra khỏi vũng nước, ông vấp phải một hòn đá, ngã quỵ xuống. Ông thấy quỵ xuống như thế là phải, ông quỳ một lát, tâm hồn chìm đắm trong một lời cầu nguyện Thượng đế. Ông đứng dậy, rét run cầm cập, cứng đờ ra, hôi thối, người sắp chết đè trĩu còng lưng, người bê bết bùn từ đầu đến chân nhưng tâm hồn chói lọi một thứ ánh sáng lạ lùng. VII CÓ KHI TƯỞNG CẬP BẾN LẠI HÓA MẮC CẠN Giăng VanGiăng lại bắt đầu đi nữa. Dù ông không bỏ mạng trong vũng bùn, nhưng hình như ông đã trút hết cả sức lực xuống đó. Sự gắng sức phi thường ấy đã làm cho ông kiệt sức. Ông mệt nhọc quá nên cứ đi ba, bốn bước là phải tựa vào vách để thở. Một lần, ông ngồi bệt xuống thành cống để đổi tay ôm Mariuytx, và tưởng phải ngồi vĩnh viễn ở đấy, không đứng lên được. Tuy không còn sức nữa, nhưng ông vẫn còn nghị lực. Ông lại đứng dậy. Ông bước đi, tuyệt vọng, cố gắng bước nhanh. Ông đi như thế được độ trăm bước, đầu cúi gầm xuống, hầu như cố nhịn thở mà đi bỗng vấp phải bức tường. Ông đến chỗ cống ngoặt, vì cúi gằm nên đâm phải bức vách. Ông ngẩng lên nhìn thấy ở phía đầu cống đằng kia, xa, xa lắm, phía trước mặt, có ánh sáng. Lần này không phải là thứ ánh sáng kinh khủng, nhưng là thứ ánh sáng trắng tốt lành. Ánh sáng ban ngày. Giăng VanGiăng thấy lối thoát. Một tội nhân dưới âm ty đang đứng giữa đống lửa rực đỏ mà bỗng thấy cửa địa ngục mở, có cảm giác như thế nào thì lúc ấy Giăng VanGiăng cũng cảm thấy như thế. Người ấy sẽ vẫy đôi cánh cháy cụt mà cuống cuồng bay về phía cửa địa ngục. Giăng VanGiăng không thấy mệt mỏi nữa; ông không thấy gánh nặng trên vai nữa; bắp chân ông trở lại nữa là bắp chân thép. Ông bước nhanh như chạy. Càng đến gần, lối ra càng rõ ràng. Đó là một nhịp cuốn hình bán nguyệt, thấp hơn cái vòm trần cống; trần cống đã mỗi lúc thấp xuống; lối đi cũng hẹp hơn lòng cống; lòng cống đã mỗi lúc một hẹp lại, cũng như vòm cống càng hạ thấp xuống. Cái hầm thuôn thuôn như lòng phễu; kiểu kiến trúc như thế thật thất sách; nó rập theo lối cổng vào nhà tù. Xây như thế thì hợp với nhà lao nhưng không hợp với đường cống ngầm. Sau này, người ta đã sửa lại. Giăng VanGiăng đến cửa hầm. Đến đây, ông dừng lại! Đích thị là cửa ra, nhưng không ra được. Một cánh cửa sắt lù lù đóng kín; trông thì hình như họa hoằn lắm cửa mới mở, bản lề rỉ cả rồi. Cánh cửa đóng chặt vào cái khung đá bằng một cái khóa nặng nề rỉ đỏ cả ra, trông như một hòn gạch tướng. Trông thấy cái lỗ cắm chìa khóa, cả cái mỏ khóa kiên cố cắm sâu vào lỗ khóa. Thật rõ là cái khóa đã được vặn hai vòng. Loại khóa ấy là loại khóa các cửa địa ngục, thành phố Pari xưa không thiếu gì. Bên kia cửa là không gian rộng rãi, là con sông, ánh sáng, cái bãi cát rất hẹp nhưng thừa sức để đi thoát, là những bến xa xa, là Pari, cái vực thẳm rát dễ lẫn trốn, là chân trời thênh thang, là tự do. Ở bên phải, phía dưới dòng sông, thấy cầu Iêna; bên trái phía bên dòng sông, là cầu Anhvalít. Nơi ấy thật thuận lợi để chờ đến đêm mà trốn đi. Nơi ấy là một nơi vắng vẻ nhất Pari; cái bãi này đối diện với Gơrô Cayu. Ruồi bay vào bay ra giữa các chấn song sắt. Lúc ấy đã đến tám rưỡi tối. Ngày sắp tàn. Giăng VanGiăng đặt Mariuytx nằm xuống nơi khô nhất trên mép máng dọc theo vách, rồi tiến ra phía cửa, lấy hai bàn tay nắm chặt chấn song cửa. Tay ông lắc lư điên dại, nhưng cửa không nhúc nhích. Giăng VanGiăng nắm từng song sắt, hy vọng có thể nhổ được thanh yếu nhất, rồi dùng thanh ấy mà bẩy cửa ra hoặc cạy gãy khóa. Không lay được một cái chấn song nào hết. Không có đòn bẫy thì đừng hòng mà cạy được. Cái trở ngại này không thể vượt qua. Không có cách nào mở được cửa. Đành chịu chết à? Làm thế nào bây giờ? Rồi sẽ ra sao? Quay trở lại ư? Lại bắt đầu đi trở lại con đường khủng khiếp vừa đi qua? Không còn sức mà đi nữa. Vả lại, lúc nãy có qua được vũng bùn là chuyện thần kỳ, chứ bây giờ biết làm thế nào! Bên kia vũng bùn, chẳng có bọn cảnh binh tuần tiễu là gì? Thoát được một lần chứ thoát sao được hai lần? Rồi còn biết đi đâu? Đi về hướng nào? Đi theo dốc, tất không thể tới đích. Mà có thấy lối ra thì lối ra cũng đóng nắp hay bịt cửa. Chắc chắn là mọi cửa cống đều đóng kín như thế này. Tình cờ mà cái cửa Giăng VanGiăng chui xuống lúc nãy mở, chứ dĩ nhiên là tất cả mọi miệng cống khác đều đóng cả. Vừa qua, ông trốn thoát, nhưng lại trốn vào trong một ngục tù. Thế là hết, Giăng VanGiăng làm gì cũng vô hiệu. Chúa không chịu. Cả hai người cùng sa vào lưới chết mênh mông tăm tối. Giăng VanGiăng như trông thấy có nhện kinh khủng đang chạy trên những sợi dây đen run rẩy trong bóng đêm. Ông quay lưng ra cái cửa sắt, không phải ngồi mà ngã vật xuống nền, ngay bên cạnh Mariuytx im lìm. Đầu ông gục xuống giữa hai gối. Không có lối ra. Không còn gì hãi hùng hơn! Trong lúc lòng ông xót xa như vậy, ông nghĩ đến ai? Ông không nghĩ đến ông, cũng không nghĩ đến Mariuytx. Ông nghĩ đến Côdét.