ỗi lần xe gặp ổ gà, máu trên tóc Mariuytx lại nhỏ xuống một giọt. Lúc xe đến ngôi nhà số 6 phố Phiơ đuy Canve thì đã tối mịt. Giave nhảy xuống trước tiên; hắn liếc nhìn số nhà trên cổng lớn. Hắn nhắc một cái búa nặng bằng sắt lên, gõ một nhát thật mạnh. Cái búa này chạm theo kiểu xưa, một con dê đánh nhau với thần Xatia[1]. Cổng hé mở, Giave đẩy mạnh. Bác gác ló ra nửa người, miệng ngáp, bộ còn ngái ngủ, tay bác cầm một cây nến. Nhà đã ngủ cả. Ở khu Mare thường người ta đi ngủ sớm, nhất là những ngày bạo động. Cái khu phố cổ hiền lành này thấy cách mạng là hoảng sợ, nên lẩn trốn trong giấc ngủ, cũng như là trẻ con thấy nói ông ba bị đến là vội rúc đầu vào trong chăn. Lúc ấy Giăng VanGiăng và bác đánh xe khiêng Mariuytx ra khỏi xe, Giăng VanGiăng nâng nách còn bác kia đỡ hai chân. Vừa khiên Mariuytx như vậy, Giăng VanGiăng vừa luồn tay dưới làn áo rách bươm của chàng sờ lên ngực, thấy tim vẫn còn đập. Tim có phần lại đập yếu hơn, hình như xe lăn đi khiến anh hồi tỉnh lại được một phần. Giave gọi giật bác gác lại, thật đúng giọng một viên nhà chức nhà nước gọi người gác cổng nhà một tên phiến loạn: - Ai ở đây là Gilơnormăng không? - Có. Ông hỏi gì ạ? - Người ta mang con ông ta về đây này. - Con à? Bác ngây ngô hỏi. - Hắn chết rồi. Giăng VanGiăng rách tả tơi, bỉu thỉu, đi sau Giave; dáng người ông làm cho bác gác cổng kinh tởm. Ông lắc đầu ra hiệu là không phải chết. Bác gác hình như chẳng hiểu tí gì về câu nói của Giave và cũng không hiểu dấu hiệu của Giăng VanGiăng. Giave nói tiếp: - Hắn ta đã ra chiến lũy, và bây giờ hắn đây này. - Chiến lũy ư? Bác gác kêu. - Hắn đi tìm cái chết! Vào đánh thức bố hắn dậy đi. Bác gác không động đậy. Giave bảo: - Đi đi chứ Rồi nói thế: - Mai nhà này có đám ma. Đối với Giave, những việc xảy ra trên đường đất nhà nước bào giờ cũng phải phân loại rạch ròi; đó là bước đầu để phòng xa và kiểm soát; và mỗi việc xảy ra, như được xếp trong những ô kéo và tùy lúc mà chui ra, nhiều hay ít. Việc ngoài phố thì có huyên náo, biến động, hội hè, đám ma. Bác gác chỉ đánh thức lão Bátxcơ. Lão Bátxcơ đánh thức Nicôlét. Nicôlét đánh thức bà dì Gilơnormăng. Còn lão Gilơnormăng thi họ cứ để ngủ yên; mọi người đều nghĩ rằng lão biết sau cũng chẳng muộn gì. Người ta khiêng Mariuytx lên tầng gác thứ nhất trong khi mọi người ở trong nhà không hề hay biết, rồi đặt anh trên một chiếc trường kỷ ở chái bên ngoài buồng ông Gilơnormăng. Trong lúc lão Bátxcơ đi tìm thầy thuốc và Nicôlét mở tủ quần áo, Giăng VanGiăng thấy bàn tay Giave mó lên vai mình. Ông hiểu ngay, vội đi xuống nhà, Giave theo sau bén gót. Bác gác nhìn hai người đi ra, cũng như lúc nãy nhìn hai người vào nhà, vẻ mặt vừa ngái ngủ, vừa kinh hoàng. Hai người lại lên xe, bác đánh xe cũng trèo lên ghế. - Thưa ông thanh tra Giave - Giăng VanGiăng nói – Xin ông một điều nữa. Giave gay gắt hỏi: - Điều gì? - Xin ông cho tôi ghé qua nhà một chốc. Sau đó, ông làm gì tôi cũng xin nghe. Giave im lặng một lát, cằm thụt vào trong cổ áo dài. Rồi hắn hạ cái cửa kính phía trước xuống và bảo: - Bác xe, phố Lomácmê, nhà số 7. XI CÁI TUYỆT ĐỐI BỊ LUNG LAY Suốt dọc đường, hai người tuyệt đối không hé răng nói một lời nào nữa. Giăng VanGiăng muốn gì? Làm nốt công việc ông đã bắt đầu; báo tin cho Côdét, nói cho Côdét biết Mariuytx ở đâu; có lẽ bày cho cô điều gì khác có lợi và nếu có thể thì thu xếp mấy điều tối hậu. Còn về phần ông, vầ phần đối với riêng ông, thì xong rồi. Giave đã bắt được ông, ông không kháng cự lại. Một người khác, ở trong trường hợp này, chắc là có thể lờ mờ nghĩ đến cái dây thừng Tênácđiê đã cho mình và những chấn song nhà ngục mình sẽ bước chân vào. Nhưng từ ngày gặp giám ngục, mỗi lần đứng trước một vụ mưu hại nào, dù là đối với bản thân mình, bao giờ Giăng VanGiăng cũng phân vân trong lòng, mối phân vân của kẻ ngoại đạo. Tự vẫn, một sự xúc phạm bí mật vào huyền bí có thể giết chết linh hồn, Giăng VanGiăng không thể làm việc ấy. Xe vừa rẽ vào phố Lomácmê thì dừng lại; phố này hẹp quá, xe không vào được. Giave và Giăng VanGiăng nhảy xuống đất. Bác lái xe khúm núm trình với “quan thanh tra” là tấm nhung Uytơrếch trong xe bê bếch những máu của người bị giết và lấm bùn của thằng giết người. Ấy, bác hiểu như thế. Bác nói thêm là phải bồi thường cho bác. Vừa nói, bác rút ra ở túi một quyển sổ son, xin ông thanh tra làm ơn biên cho bác “mẫy chữ nhận thực làm bằng”. Giave lấy tay gạt quyển sổ của bác đánh xe đưa bảo: - Hết bao nhiêu kể cả lúc đợi và chuyên chở? - Thưa, đi bảy giờ mười lăm phút, còn tấm nhung thì mới nguyên ạ. Thưa ông thanh tra tám mươi phơrăng. Giave móc túi lấy bốn đồng Napôlêông đưa cho bác đánh xe rồi cho bác đi. Giăng VanGiăng nghĩ bụng chắc Giave định dẫn bộ ông về đồn Bơlăng Măngtô hay đồn Ácsivơ ngay gần đấy. Hai người đi vào trong phố. Cũng như thường ngày phố hôm nay vắng vẻ, Giave bước theo Giăng VanGiăng. Đến căn nhà số 7, Giăng Vangiăng gõ cửa. Cửa mở. Giave nói: - Được, anh lên đi. Rồi hắn nói thêm, giọng lạc hẳn đi, nghe rất lạnh lùng, mà hình như phải gắng sức lắm mới nói được. - Tôi chờ anh ở đây. Giăng VanGiăng nhìn Giave. Cái lối làm như thế, thật ít khi Giave làm. Nhưng, ông nghĩ ví dụ bây giờ Giave đối với ông một thứ ngạo mạn đi nữa, thứ tin cậy của con mèo thả con chuột tự do trong tầm móng vuốt của mình, thì ông cũng chẳng để ý làm gì, vì ông đã quyết tâm sẽ nộp mình cho Giave và không còn chờ mong gì nữa. Ông đẩy cửa bước vào trong nhà. Ông bảo bác gác đã buông màn đi ngủ: “Tôi đây mà”, rồi ông lên gác. Đến tầng thư nhất, ông dừng lại nghĩ. Con đường đau khổ nào mà không có những chỗ nghỉ chân. Cái cửa sổ ở chỗ ngoặt trên cầu thang, một kiểu cửa sập lúc ấy mở. Trong những căn nhà lối cổ, cầu thang thường sát ngay đường cho sáng và để nhìn xuống phố. Cái đèn ngoài phố ở ngay trước mặt, soi một chút ánh sáng trên bậc thang, như thế đỡ tốn được món tiền dầu… Giăng VanGiăng nhô đầu ra ngoài, không biết là để thở hay bất giác làm như thế. Ông cúi xuống phố. Phố thì ngắn, cái đèn rủ soi sáng từ đầu phố đến cuối phố. Giăng VanGiăng bỗng rất đỗi kinh dị, sửng sốt; không một bóng người. Giave đã đi mất.
[1] Là tên những thần hạ đẳng mình người, chân dê trong thần thoại Hy, La cổ.
[1] Là tên những thần hạ đẳng mình người, chân dê trong thần thoại Hy, La cổ.