rong những tháng cuối mùa xuân và đầu mùa hạ 1833 những khách qua đường thưa thớt khu phố Mare, những người bán hàng, những người vô công rỗi nghề đứng ngóng ở ngưỡng cửa, đều để ý đến một ông già. Ông mặc bộ quần áo đen, sạch sẽ, ngày nào vào lúc trời tối, đúng giờ ấy cũng ở phố Lomácmê ra đi, đi về phía phố Labơrơtonnơri, đi qua đồn Bơlăng Măngtô đến phố Quyntuya Xanh Catơrin, rồi khi rời Êsacpơ thì rẽ sang tay trái đi vào phố Xanh Luy. Đến đây ông lão đi chậm từng bước, đầu chúi về phía trước, chẳng trông thấy gì, chẳng nghe thấy gì, mắt đăm đăm nhìn một điểm gì trước mặt, một điểm không di dịch, đối với ông thì sáng như sao, nhưng chỉ là một góc phố Phiơ đuy Canve. Càng đến sớm góc phố ấy, mắt ông lão càng sáng ra, hai mắt ngời ngời sung sướng như trong lòng có ánh bình minh, vẻ mặt như bị thôi miên, cảm động vô cùng, môi mấp máy như đang nói với một người nào trông thấy; ông lão mỉm cười mơ hồ và đi rất từ từ, hình như muốn tới nơi mà lại sợ không dám đến gần, khi chỉ còn cách vài nhà là đến cái phố như thu hút ông ấy, thì chân ông bước rất chậm, đến nỗi có lúc người ta tưởng như ông không đi nữa. Cái đầu lắc lư, con mắt đăm đăm chẳng khác gì cái kim nam châm tìm bắc cực. Nhưng dẫu muốn kéo thời gian thế nào, rồi cũng phải tới nơi. Đến phố Phiơ đuy Canve ông lão dừng lại, run lẩy bẩy, e ngại, âm thầm, ông chồm tới quá góc tường cái nhà cuối cùng, nhòm vào trong phố, trong con mắt ông lão như có ánh sáng của một thứ hạnh phúc không sao với được của một cõi thiên đường đã khép chặt cửa. Rồi một giọt nước mắt đọng dần ở góc mi nặng trĩu và lăn ra ngoài, trôi trên má và có khi ngừng lại trên miệng. Ông lão nhấm thấy vị mặn. Ông đứng lặng mấy phút như một pho tượng đá, rồi quay lại đi theo con đường cũ, cũng bước chậm chậm từ từ như trước, càng đi xa, ánh mắt ông càng mờ dần đi. Dần dà ông lão không đi đến góc phố Phiơ đuy Canve nữa, ông dừng lại ở nữa đường, trong phố Xanh Luy, có lúc xa một chút, có lúc gần hơn. Một hôm ông đứng lại ở góc phố Quyntuya Xanh Catơrin và từ đằng xa nhìn về phố Phiơ đuy Canve, rồi lại lắc đầu lặng lẽ, từ trái sang phải, như muốn thôi không làm một việc gì đó và quay trở lại. Chẳng bao lâu, ông lão không đi đến phố Xanh Luy nữa, ông đứng ở phố Pavê lắc đầu rồi quay lại; rồi ông cũng không đi qua phố Tơroa Paviông; và rồi ông cũng không đi qua đồn Bơlăng Măngtô nữa. Chẳng khác gì một cái đồng hồ không lên dây, quả lắc lắc lư một ngày một ngắn cho đến lúc dừng hẳn. Ngày nào ông lão ở nhà ra cũng đúng giờ, cũng vẫn đi con đường ấy, nhưng không đi đến nơi, và như cố tình mỗi ngày một rút ngắn nó lại: “Thôi, ích gì?”. Con ngươi đã tắt, không còn ánh sáng nữa. Giọt nước mắt cũng ráo, không còn đọng lại ở khóe nữa, con mắt tư lự ấy đã khô lệ rồi. Cái đầu ông lão vẫn chúi về phía trước, cằm thỉnh thoảng cử động, những nếp nhăn răn trên cổ gầy gò trông thật thảm hại. Đôi lúc, khi trời xấu, ông lão cắp nách một chiếc ô nhưng không mở. Những mụ đàn bà bình dân trong xóm bảo nhau: “Ông lão lú lẫn”. Trẻ con chạy theo ông cười reo.