ột hôm, trong lúc bà dì Gilơnormăng xếp gọn chai lọ, cố tách trên mặt tủ ô kéo, thì lão Gilơnormăng cúi xuống Mariuytx, lấy giọng hết sức dịu dàng bảo cháu: - Mariuytx con ạ, con xem, nếu ông mà như con thì nay ông ăn thịt, chứ không ăn cá nữa. Lúc còn dưỡng bệnh thì nên ăn cá thờn bơn rán, nhưng con muốn dậy được thì phải cố ăn ít sườn chứ. Mariuytx bây giờ đã hầu như bình phục hẳn, chàng lấy hết sức ngồi dậy, hai bàn tay bíu chặt lấy cái khăn trải giường. Rồi chàng nhìn thẳng vào mặt ông chàng, giọng nói hung hãn: - Nhân thể, tôi muốn nói cái này. - Cái gì cơ? - Là tôi muốn cưới vợ. - Ông đã biết mà. Nói xong lão phá lên cười - Biết là biết thế nào? - Được, ông đã dự kiến rồi. Con sẽ lấy con bé ấy. Mariuytx sửng sốt đến choáng cả lên chân tay run lẩy bẩy. Lão Gilơnormăng nói tiếp: - Được, con sẽ lấy con bé ấy, con bé kháu khỉnh ấy. Ngày nào cô ấy cũng đội một lốt ông già đến thăm tin con. Từ ngày con bị thương, lúc nào cô ấy cũng khóc và ở nhà làm băng cho con. Ông đã điều tra. Cô ấy ở phố Lomácmê, số 7. Đấy, được rồi, con thích thì con sẽ được! Con tiu nghỉu rồi chứ gì. Con đã bố trí một âm mưu nho nhỏ, con tự bảo con: - Để rồi mình bảo thẳng cho cái lão già ấy, cái xác ướp thời nhiếp chính, thời đốc chính ấy, cái anh chàng trai lơ ngày xưa cái anh thanh niên công tử nay hóa ông cụ tai ác, phải bảo thẳng cho lão ấy biết. Xưa kia lão chơi bời chán, nào tình nhân vụng trộm, nào gái lẳng lơ, lão cũng có những cô Côdét của lão, lão đã diện chán, lão cũng đã bay lượn, đã nếm cái vị xuân tình. Những cái ấy lão phải nhớ chứ. Để rồi xem. Giao chiến thôi. Thế là con cầm đằng đuôi đứt đi rồi. Được. Ông bảo con ăn thịt thì con trả lời lại: “Nhân thể tôi muốn lấy vợ”. Chuyển đề hay quá! Con nhất định gây chuyện chứ gì! Con không biết là ông rất nhát gan ư? Kết quả như con nghĩ thế nào? Con bực tức hắn? Con không ngờ ông lại ngốc hơn con, thế là cụt hứng, cái bài diễn văn của ông trạng sư thế là mất toi, ức thế. Đã thế, mặc kệ, cứ khùng lên con muốn gì, ta cũng ừ, thế là hết cả khùng đồ nỡm! Con nghe đây này. Ông đã cho đi dò hỏi: ông, ông cũng tinh quái lắm chứ. Con bé ấy dễ thương, ngoan nết lắm; câu chuyện thằng kỵ binh là câu chuyện láo, cô ta cắt cả một đống băng, thương con ra trò. Com mà chết thì hóa ba người chết: quan tài cô ta sẽ đi theo quan tài của ông. Từ khi con khá hơn, ông vẫn có ý định hôm nào đặt quách cô ấy ngồi sừng sững ngay đầu giường con. Nhưng chỉ trong tiểu thuyết mới thấy người ta đưa các thiến nữ đến bên giường những chàng trai xinh đẹp đang bị thương, những chàng trai mà các cô thích. Còn ngoài thì chả thấy ai làm thế bao giờ. Vả lại rồi dì con lại nói. Suốt ngày đêm, con chẳng mấy lúc mặc quần áo. Cứ hỏi Nicôlét mà xem, chị ấy chẳng rời con chút nào, thử hỏi xem có cách nào đem phụ nữ đến trước mặt con lúc ấy không.Thế rồi còn thầy thuốc nữa. Một cô gái đẹp thì chữa khỏi sốt sao được. Thôi, được, chẳng phải nói thêm nữa đã định rồi, đã xong rồi, nhất định rồi, con cứ việc cưới về. Đấy, ông dữ tợn như thế đấy. Con xem, ông biết là con chả yêu ông, ông vẫn bảo: biết làm thế nào để thằng súc sinh ấy yêu được mình? Ông lại bảo: này nhé mình đã nắm con bé Côdét trong tay, để rồi mình cho hai đứa lấy nhau, lúc ấy nó sẽ yêu mình một tý, không thì nó nói tại sao chứ. Úi chào, con tưởng rằng lão già này sẽ quát tháo lên, la rầm lên, thét: “Không được” rồi giơ gậy gộc ra trong cái cảnh bình minh này? Không phải đâu. Côdét: được. Yêu nhau: được. Ông chẳng mong gì hơn nữa. Thưa ngài ngài chịu khó lấy vợ cho con. Con ạ, ông chỉ mong con được sung sướng. Nói xong, lão già nức nở khóc. Lão ôm đầu Mariuytx, hai tay ghì chặt vào cái ngực già nua của lão; cả hai người cùng òa lên khóc. Thật là một hạnh phúc tuyệt vời, Mariuytx kêu lên: - Cha ơi! Lão già nói: - Trời! Thế ra con yêu ông ư! Cái phút ấy sao mà khó tả. Cả hai người cùng nghẹn ngào, không nói nên lời. Cuối cùng lão già nói lắp bắp: - Thế nó đã cởi mở rồi. Nó đã gọi ta là cha. Mariuytx gỡ đầu khỏi tay ông và nói: - Cha ạ, bây giờ con khỏe rồi, con có thể gặp cô ấy được chứ? - Vẫn định thế rồi, ngày mai con gặp. - Cha ơi! - Gì cơ? - Thế thì hôm nay. Đồng ý hôm nay. Con đã nói ba lần “Cha ơi”, thì đáng được thế lắm. Để rồi ông liệu. Sẽ đưa cô ấy đến đây. Đã bảo là định thế từ trước rồi cơ mà! Chuyện này đã ghép thành thơ rồi mà! Đây là đoạn kết thúc hận ca Chàng trẻ ốm của Ăngđơrê, người bị cắt cổ bởi bọn sát…- à, bọn những người khổng lồ 93. Lão Gilơnormăng tưởng như thấy Mariuytxhơi cau mày lại: nhưng thật ra Mariuytx tâm hồn đang bay bổng trong niềm vui sướng, chẳng thiết nghe gì nữa. chàng nghĩ nhiều đến Côdét hơn là đến 1793. Lão già run sợ lên vì đã nói tới Ăngđơrê Sêniê không đúng chỗ, lão vội vàng nói tiếp: - Cắt cổ thì không phải. Sự thật thì những nhà cách mạng thiên tài cũng chẳng độc ác gì, điều ấy đã dĩ nhiên rồi, họ là những vị anh hùng… hừ! Họ thấy Ăngđơrê Sêniê làm phiền họ một chút nên đem xử ch…- nghĩa là ngày 7 tháng nắng, những con người vĩ đại ấy, vì nhiệm vụ cứu nước, đã mời Ăngđơrê Sêniê quá bộ đi… Lão Gilơnormăng nghẹn họng vì câu nói của mình, không biết nói gì thêm. Lão chẳng biết nên nói tiếp như thế nào, cũng chẳng chối chữa được. Trong khi bà con gái sửa gối cho Mariuytx thì lão hết sức lực đi cho nhanh ra khỏi buồng ngủ, đóng sập cửa lại. Lão đỏ gay mặt, nghẹn ứ hơi, sùi cả bọt mép, hai mắt long lên, chạm trán ngay phải lão Bátscơ thét lên dữ dội: - Mẹ cha cái lũ ăn cướp ấy, chính chúng nó đã giết chết ông ấy. - Thưa cụ, ông nào cơ ạ? - Ăngđơrê Sêniê. - Thưa cụ vâng ạ. Lão Bátscơ kinh khủng trả lời. IV RỐT CUỘC DÌ GILƠNORMĂNG KHÔNG THẤY KHÓ CHỊU KHI ÔNG PHÔSƠLƠVĂNG VÀO NHÀ LẠI ÔM THEO MỘT CÁI GÓI. Côdét và Mariuytx gặp lại nhau. Cuộc gặp gỡ thế nào, chúng tôi miễn tả. Có những thứ người ta không thể cố vẽ lại được; mặt trời là một. Lúc Côdét vào, tất cả gia đình đều tụ họp trong buồng Mariuytx, cả lão Bátscơ và Nicôlét nữa. Côdét hiện trên ngưỡng cửa, như trong hào quang. Vừa đúng lúc, lão Gilơnormăng sắp xỉ mũi; lão đứng ngay lại; mùi soa vẫn ở trên mũi, lão nhìn Côdét, reo lên: - Đáng yêu thật! Thế rồi lão xỉ mũi mạnh. Côdét say sưa, sung sướng, sợ hãi, hồn bay bổng trên mây. Nàng bàng hoàng cả người, đúng như lúc người ta bàng hoàng vì hạnh phúc. Nàng nói năng ấp úng, da tái xanh rồi lại đỏ gay; nàng muốn nhảy xổ vào tay Mariuytx nhưng lại không dám. Yêu đương dưới mắt mọi người nàng thấy xấu hổ. Không có ai thương những cặp tình nhân sung sướng, mọi người cứ đứng lì đấy giữa lúc họ đang khao khát được ngồi riêng với nhau. Nào họ có cần gì đến ai! Vào cùng với Côdét, bước ngay sau nàng, có một ông cụ già tóc bạc, dáng nghiêm nghị nhưng miệng hé một nụ cười phảng phất buồn. Người ấy là “ông Phôsơlơvăng”; người ấy là Giăng VanGiăng. Đúng như bác gác đã nói, ông ăn mặc rất chỉnh tề, quần áo mới tinh, toàn đồ đen, thắt ca vát trắng. Bác gác thật khó nhận ra được ông rằng ông tư sản chững chạc, - có vẻ là một viên thừa phát lại ấy - lại là cái người vác xác chết khủng khiếp ở đâu hiện lên ngay trước cửa nhà bác, đêm hôm 7 tháng sáu. Ngày hôm ấy rách rưới, nhậy nhụa, dữ tợn, mặt bôi đầy máu và bùn, tay đỡ lấy nách của Mariuytx bất tỉnh. Thế nhưng bác gác cổng nhà nghề cũng đánh hơi thấy cái gì. Lúc ông Phơsơlơvăng cùng đến với Côdét, bác đã nói riêng với vợ câu sau này: không hiểu sao tôi cứ ngờ ngợ như trông thấy ông ấy ở đâu rồi. Ông Phôsơlơvăng ở trong cái buồng Mariuytx nhưng như đứng riêng bên cạnh cửa cái. Ông cắp một cái gì na má như một quyển sách khổ giấy gấp tám, bọc trong tờ giấy. Tờ giấy bọc màu xanh nhờ, hình như đã mốc. Bà dì Gilơnormăng vốn dĩ không ưa gì sách vở khẽ hỏi Nicôlét: - Có phải cái lão kia lúc nào cũng khư khư ôm sách như thế không? Lão Gilơnormăng nghe thấy, cũng khe khẽ trả lời: - Này, ông ấy là một nhà bác học đấy. Thế thì sao? Lỗi tại ông ấy à? Trước, ta có quen ông Eula, ông ấy cũng thế, chẳng đi đâu mà không có quyển sách; ấy, lúc nào cũng ôm quyển sách trước ngực. Rồi lão ngả người chào, cất giọng nói to: - Thưa ông Tơrăngsơlơvăng[1]… Lão Gilơnormăng không định tâm gọi như vậy nhưng, cái lối không chú ý đến tên họ người ta ở lão vốn là một thói quen quí phái. - Thưa ông Tơrăngsơlơvăng, tôi lấy làm dinh dự dạm hỏi tiểu thư cho cháu trai tôi là nam tước Mariuytx Pôngmécxi. “Ông Tơrăngsơlơvăng” nghiêng mình. Lão Gilơnormăng nói: Rồi quay lại phía Mariuytx và Côdét, lão giơ hai tay làm dấu cầu phúc cho hai con, rồi reo lên: - Từ nay các con được phép tha hồ yêu nhau. Hai cô cậu không phải đợi phải giục lần thứ hai. Mặc kệ tiếng ríu rít bắt đầu. Họ khe khẽ nói chuyện với nhau. Mariuytx tựa khuỷu tay xuống ghế dài, còn Côdét đứng bên cạnh. Côdét thì thẩm bảo chàng:- Trời ơi! Em lại thấy ông! Ông đây rồi! Sao lại đánh nhau như thế! Tại sao cơ chứ? Khiếp quá! Sống mà như chết, ròng rã bốn tháng trời. Trời ơi, ai lại tàn nhẫn thế, ai lại đi lao vào cuộc đánh nhau ấy bao giờ! Em đã làm gì ông nào? Thôi, em bỏ qua cho ông, lần sau đừng làm thế nữa. Lúc nãy, khi có người đến gọi em đến đây, em vẫn cứ tưởng là em sắp chết nhưng chết vì sung sướng. Trước lúc ấy em buồn lắm. Chẳng kịp trang sức nữa, ông trông em có gớm không này. Cái cổ áo nhàu quá đi mất, không biết gia đình ông có nói gì không. Ông nói đi chứ! Cứ để em nói một mình mãi. Bố con em vẫn ở phố Lomácmê. Vai ông người ta bảo trông khiếp lắm cơ, cho nắm tay vào cũng lọt. Với lại, hình như phải lấy kéo mà cắt thịt. Đau quá nhỉ. Em khóc mãi bây giờ nhòe cả mắt. Sao khổ đến thế được, khỉ thật. Ông ngoại trông có vẻ hiền lành lắm nhỉ. Thôi, ông nằm xuống, đừng tì khuỷu tay như thế nữa; không khéo lại đau. Trời ơi, em sung sướng quá. Thế là hết khổ rồi. Em hóa ngốc mất. Em định nói với ông những gì, bây giờ chẳng nhớ nữa. Ông vẫn yêu em chứ? Bố con em ở phố Lomácmê. Không có vườn. Lúc nào em cũng làm băng. Đây, ngài trông đây này, ngón tay em có chai, tại ông đấy. Mariuytx nói: ôi! Thiên thần! Tiếng ấy là tiếng độc nhất trong ngôn ngữ không bao giờ cũ đi cả. Không tiếng nào khác khỏi sáo mòn khi được các đôi tình nhân dùng chán chê như thế. Rồi, vì ở chỗ đông người, họ im bặt, không nói gì nữa, se sẽ mân mê tay nhau. Lão Gilơnormăng quay lại phía sau mọi người trong buồng kêu to: - Còn các ông, các bà nói to lên đi chứ. Làm ầm lên đi chứ, các người ở hậu trường! Nào, ầm ĩ lên một tí nào! Để cho hai trẻ nó chuyện trò, ríu rít với nhau cho thỏa. Rồi lão lại gần Mariuytx và Côdét, khẽ nói thầm: - Các con cứ gọi nhau là anh em đi, đừng ngượng gì cả. Bà dì Gilơnormăng sững sờ nhìn thấy cái ánh sáng ấy đột nhập vào cõi lòng già cỗi của mình; nhưng sững sờ mà chẳng hằn học. Chẳng có tí gì là con mắt cú mèo phẫn nộ, thèm thuồng nhìn đôi chim câu gù; ấy là con mắt đần của một người đàn bà thơ ngây năm mươi bảy tuổi đầu, lỡ làng duyên phận, nhìn một cuộc đời đắc thắng vì tình yêu. Lão Gilơnormăng nói với con gái: - Cô ả này ta đã bảo là thế nào con cũng có ngày như thế này. Sau một lát im lặng lão lại nói: - Con nhìn hạnh phúc của người khác mà coi. Rồi lão quay về phía Côdét: - Con bé xinh tệ, xinh lắm. Như hệt một bức tranh của Gơrơđơ[2]. Thằng ranh, thế là mày chiếm lấy món quà của quý ấy một mình đấy nhé. Gớm thật, thằng nhãi thế mà thoát được tay tao; tao mà trẻ đi mười tuổi thì thế nào tao với mày cũng đấu gươm một phen để xem ai chiếm được cô nàng. Ấy, tiểu thư ạ, tôi cảm tiểu thư quá đi mất. Có gì lạ đâu. Đó là quyền của cô. Ôi, đám cưới phải biết là hay nhé. Làm lễ cưới ở giáo trường Xanh Xacơrơmăng thì đúng địa hạt ta, nhưng thôi, tôi sẽ xin miễn, để cưới ở XanhPôn. Nhà thờ ở đấy hơn. Nhà thờ ấy của người Giêđuýt xây. Diện hơn. Ở trước bồn nước dinh giáo chủ Biragơ. Còn kiệt tác của nền kiến trúc Giêđuýt thì ở Namuya. Gọi là Xanhlu. Cưới xong, thế nào cô cậu cũng phải đến nơi mà xem. Đáng công đi lắm. Thưa cô, tôi hoàn toàn thuộc phái của cô; con gái sinh ra thì phải lấy chồng chứ. Tôi chỉ muốn cái bà thánh Catơrin ấy xổ tóc. Ở vậy thì khá đấy nhưng lạnh lẽo lắm. Thánh kinh chả nói: “Hãy sinh sản đi” là gì. Phải có bà Gian Đa cứu nước; nhưng muốn có dân lại cần đến mụ Gigônhơ. Thế cho nên các cô, các cô cứ lấy chồng đi. Thật tôi thấy đàn bà ở vậy chẳng có lợi gì. Tôi cũng biết là những trinh nữ độc thân có một phòng nguyện riêng trong nhà thờ, và có giáo đoàn Đức Mẹ đồng trinh để gia nhập. Nhưng, mẹ cha nó chứ, một người chồng xinh xắn, giỏi trai, thế rồi một năm sau, một thằng cu béo tốt hồng hào cứ sùng sục bú ti, đùi nó núng nính những mỡ, hai bàn tay nó hồng hồng cứ thọc bừa vào ngực mình mà nghịch ngợm, miệng nó cười như buổi bình minh, thế chẳng gấp nghìn vạn lần là cứ tay cầm mẩu nến, miệng tụng Tarris eburea[3]. Lão già xoay như con quay trên gót chân tuổi tác của mình, rồi lại cất tiếng nói, như chiếc lò xo bật ra: Thế rồi mơ mộng, thôi thôi nhé! Anxíp ngày mai sẽ lấy chồng. - À này! - Gì cơ cha? - Hình như con có một người bạn thân? - Có ạ, anh Cuốcphêrắc. - Anh ấy bây giờ ở đâu? - Chết rồi ạ. - Thế cũng hay. Lão ngồi xuống gần đôi trẻ, bảo Côdét ngồi xuống rồi hai tay răn reo cầm lấy bốn bàn tay họ: - Cô bé xinh lạ, cô Côdét thật là một tuyệt tác. Cô là một cô bé rất bé mà lại có dáng bà lớn rất lớn. Cô mà sẽ chỉ là một bà nam tước thì là hơi thấp đấy. Cô có tướng một bà hầu tước kia. Trông lông mi mà xem! Các con ạ, các con làm phải lắm, các con cứ yên trí như thế. Cứ yêu nhau đi.. Yêu si yêu dại vào. Tình yêu vừa là cái ngu dại của loài người, vừa là cái tinh anh của Thượng đế. Cứ yêu thương nhau cho thắm thiết - bỗng giọng lão ủ ê – nhưng khốn nổi, ông lại nhớ đến điều này. Ông đã gửi quá nửa gia tài để hưởng thực lợi chung thân. Ông còn sống thì còn được, chứ độ hai mươi năm nữa, ông chết đi thì các con không có một đồng xu, khốn khổ quá! Thưa bà nam tước, lúc ấy hai tay trắng muốt của bè sẽ phải quần quật suốt ngày vì túng thiếu. Đến đây, chợt thấy giọng nói trầm tĩnh: - Cô Ơphơrađi Phôsơlơvăng có sáu mươi vạn phơrăng. Đó là tiếng nói của Giăng Vangiăng. Từ nãy ông chưa nói lời nào, cũng không ai biết ông ngồi đấy nữa, ông cứ đứng yên lặng sau những người sung sướng ấy. Lão Gilơnormăng sửng sốt hỏi: - Cô Ơphơrađi Phôsơlơvăng là ai cơ ạ? - Con đấy ạ - Côdét đáp. - Sáu mươi vạn cơ à?- Lão già tiếp. Giăng VanGiăng nói: - Có lẽ kém độ vạn tư, vạn rưởi gì đấy. Nói rồi, ông đặt lên bàn cái gói mà dì Gilơnormăng tưởng là quyển sách. Tự tay Giăng VanGiăng mở gói ra. Một bó giấy bạc. Người ta đếm từng tờ. Có năm trăm tờ một nghìn phơrăng và một trăm sáu mươi tám tờ năm trăm. Cộng tất cả là năm mươi tám vạn bốn nghìn phơrăng. Lão Gilơnormăng bảo: - Cuốn sách hay thật! - Năm mươi tám vạn bốn nghìn phơrăng – bà dì lẩm bẩm. - Được khối việc cô cả nhỉ! – Lão già lại tiếp. Thế là cu cậu Mariuytx vớ được con chim oanh triệu phú trên cái cây xứ mộng. Thế mà bảo mãi bọn trẻ chúng nó chỉ yêu nhau vớ vẩn! Những cậu sinh viên lại tìm được những cô sinh viên có sáu mươi vạn phơrăng! Tiên đồng mà đắc lực hơn Rốtsin[4]. Bà dì Gilơnormăng vẫn khe khẽ nhắc: - Năm mươi tám vạn bốn nghìn phơrăng. Năm mươi tám vạn bốn nghìn phơrăng! Khác gì sáu mươi vạn chứ lị! Trong lúc đó thì Mariuytx và Côdét mải ngắm nhìn nhau; họ chẳng chú ý gì đến chi tiết nọ.
[1] Phôsơ là cắt, tơrăngsơ cũng nghĩa là cắt, nên lão Gilơnormăng nhớ nhầm. [2] Họa sĩ Pháp nổi tiếng thế kỷ XIX [3] Tháp ngà [4] Chủ ngân hàng Pháp giàu nổi tiếng ở đầu thế kỷ XIX
[1] Phôsơ là cắt, tơrăngsơ cũng nghĩa là cắt, nên lão Gilơnormăng nhớ nhầm. [2] Họa sĩ Pháp nổi tiếng thế kỷ XIX [3] Tháp ngà [4] Chủ ngân hàng Pháp giàu nổi tiếng ở đầu thế kỷ XIX