òn lại một mình với Giave, Giăng VanGiăng cởi cái dây buộc ngang thân hình tên tù binh vào dưới bàn. Xong ông ra hiệu cho hắn đứng dậy. Giave làm theo, trên môi hắn vẫn giữ cái nụ cười khó tả, nụ cười kiêu hãnh của uy quyền bị trói buộc. Giăng VanGiăng nắm cái dây đai buộc Giave lôi đi như người ta nắm đai cổ một con ngựa kéo. Hai người đi ra khỏi quán, đi rất chậm, vì Giave còn bị buộc ở chân, phải nhích từng bước ngắn. Tay Giăng VanGiăng vẫn lăm lăm khẩu súng ngắn. Hai người cứ thế vượt khoảnh đất hình thang nằm giữa hai chiến lũy. Nghĩa quân chuyên chú đề phòng cuộc tấn công sắp nổ nên quay lưng về phía họ. Duy một mình Mariuytx đứng nghiêng ở mút trái chiến lũy là trông thấy họ. Hình ảnh kẻ tội nhân và người đao phủ thoáng qua mắt chàng dưới ánh sáng của cái chết đang chiếm cứ tâm hồn chàng. Giăng VanGiăng phải khó nhọc mới đưa được Giave qua khỏi chiến lũy nhỏ, vì Giave bị trói. Lúc nào ông cũng giữu rịt tên tù. Leo khỏi chiến lũy nhỏ thì đầu ngỏ Môngđêtua, ở đấy tuyệt đối không còn ai ngoài hai người. Không ai trông thấy họ được nữa. Họ đứng khuất góc phố, nghĩa quân không nhìn thấy. Cách vài bước, những xác người từ trong chiến lũy từ trong mang ra chất thành một đống rùng rợn. Trong đám xác chết có một gương mặt tái nhợt, một mớ tóc sổ sung, một bàn tay thủng và một bộ ngực phụ nữ nửa che nửa lộ. Đó là Êpônin. Giave nhìn nghiêng người chết rồi lầm bầm, rất bình thản: - Ta biết con điếm này thì phải. Hắn quay lại phía Giăng VanGiăng. Giăng VanGiăng cắp súng vào nách nhìn chằm chặp Giave. Không cần lời, cái nhìn ấy vẫn nói rõ: - Ta đây! Giave, đã biết chưa? Giave đáp: - Mày trả thù đi. Giăng VanGiăng thò tay vào túi quần lấy một con dao, mở ra. Giave buột miệng: - Dao à!....Phải rồi. Dao mới hù hợp với mày. VanGiăng cắt cái dây đai buộc cổ Giave, cắt luôn sợi dây buộc cổ tay, xong ông cúi xuống cắt nốt cái dây trói chân. Rồi ông đứng lên bảo hắn: - Anh được tự do. Giave không phải là người dễ ngạc nhiên. Tuy vậy hắn không thể nén xúc động mặc dù hắn rất tự chủ. Hắn há hốc mồm đứng nguyên một chỗ. Giăng VanGiăng nói tiếp: - Tôi không tin rằng tôi thoát khỏi chốn này. Nhưng nếu vạn nhất tôi sống sót thì tôi ở phố Lomácmê, số bảy, với cái tên giả là ông Phôsơlơvăng. Giave nhăn mặt nhếch mép như một con cọp dữ và nói lầm bầm: - Liệu hồn! - Anh đi đi,- VanGiăng bảo. Giave hỏi gặng lại: - Mày nói phố Phôsơlơvăng, phố Lomácmê? - Số bảy. Giave lẩm bẩm lặp lại: - Số bảy. Hắn cài cúc áo, rướn vai lấy lại cái dáng cứng cáp của nhà binh, quay nửa vòng, khoanh tay trước ngực, đưa một bàn tay nâng cằm, và đi về hướng khu Chợ. Giăng VanGiăng nhìn theo. Đi được mấy bước Giave ngoái lại bảo VanGiăng: - Này, anh làm phiền tôi lắm. Giết tôi đi thì hơn. Giave đã bỏ lối xưng hô mày tao với VanGiăng, nhưng chính hắn cũng không nhận thấy. VanGiăng nói: - Đi ngay đi. Giave bước chầm chậm đi xa dần. Một lát sau hắn sẽ qua phố Pơrêsơ. Khi Giave đã đi khuất, VanGiăng nâng súng nâng súng bắn một phát lên trời. Rồi ông trở vào chiến lũy và nói: - Xong rồi. Trong lúc VanGiăng làm những công việc ấy thì trong chiến lũy xảy ra việc như sau: Trước đấy Mariuytx chú ý tình hình động tĩnh ở bên ngoài hơn là công việc bên trong, nên không nhìn kỹ tên gián điệp bị trói ở trong góc phố phòng mờ tối. Khi hắn ra giữa ánh sáng leo qua chiến lũy nhỏ để đi thọ hình, thì Mariuytx mới kịp nhận ra mặt hắn. Chàng vụt nhớ lại chuyện cũ. Chàng nhớ ra viên thanh tra phố Pôngtoa và hai khẩu súng ngắn ấy đã trao cho chàng, hai khẩu súng chàng vẫn dùng trong chiến lũy này. Không những chàng nhận ra mặt, chàng còn nhớ tên nữa. Nhưng kỷ niệm này cũng tù mù hỗn loạn như tất cả ý nghĩ của chàng. Chàng không nói chắc được, chàng chỉ tự hỏi: - Người này phải chăng là viên thanh tra cảnh sát đã xưng tên là Giave với mình? Can thiệp cho anh ta có lẽ cũng còn kịp. Nhưng trước hết phải biết chắc có phải là Giave không đã. Ănggiônrátx vừa lên đứng ở đằng kia chiến lũy. Mariuytx gọi: - Ănggiônrátx! - Gì? - Người ấy tên là gì? - Người nào? - Tên cảnh sát ấy mà. Cậu có biết tên nó không? - Hắn chứ. Nó có khai tên. - Thế tên gì? - Giave. Mariuytx ngẩng lên. Vừa lúc ấy, người ta nghe tiếng súng ngắn. Rồi Giăng Vangiăng vào chiến lũy và kêu to: Xong rồi. Mariuytx nghe nhoi nhói một niềm chán chường ngao ngán trong tim. XX NGƯỜI CHẾT ĐÚNG MÀ NGƯỜI SỐNG CŨNG KHÔNG SAI Chiến lũy sắp bước vào giờ phút hấp hối. Tất cả cái gì chung quanh cũng châu vào để làm tăng vẻ tôn nghiêm bi đát của giờ phút tối hậu ấy. Hàng nghìn âm vang huyền bí trong không gian, hơi thở của các binh đoàn đông đặc hành quân trên các nẻo phố không nhìn thấy, tiếng vó ngựa đều đều của kỵ binh, tiếng chuyển động nặng nề của các cỗ đại bác, từng tràng súng, từng loạt đại bác đan chéo nhau trong thành phố quanh co khuất khúc, khói súng các trận giao phong ửng vàng trên mái nhà, những tiếng kêu thét ở đâu xa xôi khủng khiếp, những tia chớp khắp nơi như đe dọa, tiếng chuông báo động ở nhà thơ Xanh Meri thê lương như tiếng nấc, ngày đẹp, mùa xuân êm ái, cảnh trời rực rỡ ánh nắng và những dãy nhà lặng ngắt đáng sợ. Từ tối hôm qua, hai dãy nhà phố Săngvrơri hóa ra hai bức tường thành ghê lạnh. Cửa lớn, cửa sổ, cửa con đều đóng im ỉm. Thủa ấy khác với ngày nay[1]. Thủa ấy khi đã đến lúc dân chúng muốn chấm dứt một tình trạng quá kéo dài, muốn bãi một chính phủ đương vị, một hiến pháp từ trên ban xuống, khi sự căm phẫn đã hòa tan trong không khí, khi đường phố tán thành cho vỉa hè vùng lên, khi khẩu hiện khởi nghĩa rỉ vào tai thị dân làm cho họ mỉm cười đắc ý, lúc ấy người dân phố cơ hồ như thấm nhuần bạo động và hóa ra những kẻ trợ tá đắc lực của các chiến sĩ, và nhà cửa sẽ yểm hộ cho các pháo đài mới cất tựa lưng vào phố. Nhưng khi điều kiện chưa chín muồi, khi nhân dân không đồng tình khởi nghĩa, khi họ không thừa nhận cuộc bạo động, thì các chiến sĩ cũng xong đời. Chung quanh cuộc khởi nghĩa, thành phố sẽ biến làm sa mạc, nhân dân trở thành biển băng, nhà cửa hóa ra vách đá và đường phố hiện thành những hẻm núi để giúp quân đội chính phủ đánh chiếm các chiến khu. Người ta không thể đột ngột bắt ép một dân tộc tiến lên nhanh hơn họ muốn. Ai lôi tay nhân dân tất mang họa vào mình. Một dân tộc không để cho ai dắt đi đâu thì dắt. khi bị cưỡng bức thì họ bỏ mặc cuộc bạo động ra sao thì ra. Lúc ấy họ coi những bạo động như những kẻ mắc dịch hạch. Nhà trở thành vật chướng ngại, cửa là sự từ chối, mặt trước nhà hóa ra tường đá. Tường ấy nghe hết, thấy hết nhưng không muốn. Nó có thể mở ra để cứu anh, nhưng không, tường ấy là một quan tòa: nó nhìn anh và kết án anh. Không gì tăm tối cho bằng những tòa nhà im ỉm ấy! Nó có vẻ chết rồi, nhưng thực thì nó vẫn sống. Cuộc sống ở đấy có ngưng lại nhưng vẫn là cuộc sống. Trong hai mươi bốn tiếng động hồ, không ai ra khỏi nhà, nhưng không một ai thiếu mặt ở trong ấy. Phía sau tường đá, người ta đi lại, người ta nằm, ngồi, người ta sống cảnh gia đình: người ta ăn, người ta uống; người ta sợ hãi, điều này mới ghê gớm! Sợ hãi là lý do của sự vô tình ghê gớm đó; vì sợ nên hoảng, cái đó đáng xét một cách khoan hồng. Một đôi khi, điều này đã xảy ra, sợ hãi đến độ cuồng loạn. Kinh hoàng có thể biến ra cuồng nộ cũng như cẩn thận có thể trở thành điên dại. Do đó mà danh từ sâu sắc: những người ôn hòa điên dại. Có những lúc kinh hoàng cháy bùng lên tột độ và đẻ ra giận dữ, cũng như lửa đẻ ra khói. “Cái lũ ấy muốn gì? Không bao giờ chúng vừa lòng. Chúng làm liên lụy đến những người hiền lành. Chúng làm như chừng ấy cuộc cách mạng chưa đủ! Ai bảo chúng đến đây? Đến đây thì bây giờ tháo đi. Trối thây chúng! Lỗi ở chúng chứ ai! Bụng làm thì dạ chịu. Chuyện này có gì dính dáng đến chúng ta. Coi cái phố tội nghiệp của ta bị đạn bắn loang lổ ra kia! Thật là một lũ vô lại. Nhất định đừng có mở cửa đấy!”. Thế là cái nhà trở thành ngôi mộ lạnh toát. Trước hiên người nghĩa quân thoi thóp; anh thấy đạn rào rào và gươm trần tiến đến; nếu anh kêu thì người ta nghe, nhưng người ta không chạy ra. Ở đây có những bức vách có thể che chở anh, có những con người có thể cứu vớt anh. Vách thì có tai mà lòng người lại lạnh như đá. Lỗi tại ai? Không tại ai hết, và tại tất cả mọi người. Tại thời đại của chúng ta chưa hoàn chỉnh. Khi mơ ước không tưởng biến thành cách mạng, khi sự phản kháng lý thuyết biến thành sự phản kháng vũ trang thì nó phải tự gánh lấy mọi điều nguy hiểm. Một ước mơ không tưởng không kiên trì, hấp tấp bạo động thì ai cũng biết kết quả sẽ thế nào! Thường thường thì nó đến sớm quá. Lúc đó nó cam chịu tai họa thay cho vinh quang một cách anh hùng. Nó phục vụ những người không thừa nhận nó, phục vụ không phàn nàn, không trách móc. Nó quảng đại ở chỗ cam chịu người ta bỏ rơi. Nó không chịu khuất một trở lực nào nhưng lại dịu dàng đối với kẻ vô ơn. Nhưng hãy xem có phải là vô ơn không? Đúng là vô ơn, nếu xét trên quan điểm nhân loại. Không phải là vô ơn, nếu xét trên quan điểm cá nhân. Tiến bộ là một biểu hiện của loại người. Cuộc sinh tồn chung của nhân loại có tên là Tiến bộ, bước đi lên trước của tập thể gọi là Tiến bộ. Tiến bộ đi lên, đó là cuộc hành trình của con người trên quả đất để tiến lên cõi trên, lên thế giới thần tiên. Có lúc nó dừng lại để tập họp đoàn người chậm chạp; có lúc nó lưu lại để suy tưởng ở một đất thánh rực rỡ vừa đột ngột hiện ra; có đêm nó nằm xuống để nghỉ ngơi; đó là lúc nhà tư tưởng đau đớn nhìn thấy bóng tối tỏa lên tâm hồn con người, và sờ thấy Tiến bộ ngủ quên trong đêm dày mà không biết làm sao đánh thức nó dậy. Giêra đơ Nécvan một hôm nói với chúng tôi: Có lẽ Chúa đã chết rồi. Đó là do anh lẫn lộn tiến hóa với Chúa nên nhận lầm thượng đế đã chết khi thấy tiến hóa tạm ngưng. Tuy nhiên thất vọng là không đúng. Chắc chắn có lúc Tiến bộ sẽ tỉnh giấc nồng và lúc ấy người ta sẽ nhận thấy Tiến bộ vẫn đi trong khi ngủ, bởi vì nó lớn hơn xưa. Nhìn thấy nó đứng dậy càng thấy nó cao hơn trước. Tiến bộ cũng như dòng sông, không phải tự mình muốn luôn luôn chảy êm đềm mà được. Đừng có dựng đập chắn nước, đừng có vứt núi đá vào lòng sông. Vật chướng ngại sẽ làm cho nước cuồn cuộn lên, làm cho nhân loại sôi sục. Do đó nảy ra những cuộc biến động. Nhưng sau biến động, người ta nhận thấy có một đỗi đường đã vượt qua. Cho đến khi nào trật tự được thiết lập – trật tự đây tức là cảnh thiên hạ thái hòa, - cho đến khi nào quả đất có sự nhịp nhàng và nhất quán, thì con đường đi của tiến bộ có từng trạm: các trạm ấy là những cuộc cách mạng. Vậy Tiến bộ là cái gì? Chúng ta vừa nói đó là cuộc sinh tồn thường xuyên của các dân tộc. Thế nhưng đôi lúc cuộc sống nhất thời của cá nhân làm trở ngại cho cuộc sống vĩnh cửu của nhân loại. Hãy bình tĩnh mà nhận rằng cá nhân có quyền lợi riêng biệt và họ bảo vệ quyền lợi ấy là hợp tình hợp lý. Cuộc sống hiện đại có thể ích kỷ một chừng nào, ta không nên chấp nhất, cuộc sống nhất thời vẫn là cuộc sống, không nên bắt nó cứ phải luôn luôn hy sinh cho tương lai. Cái thế hệ hiện nay đến phiên mình góp mặt với đời không bắt buộc phải rút ngắn phiên và các thế hệ mai sau, các thế hệ ấy xét cho cùng cũng chỉ ngang nó mà thôi. Tiếng nói của cá nhân trong tất cả mọi người thủ thỉ: - Tôi đương sống trên đời. Tôi đương tuổi trẻ, tôi yêu, tôi già rồi, tôi muốn nghỉ, tôi là chủ gia đình, tôi có công ăn việc làm, tôi làm ăn phát đạt, tôi đương phất, tôi có nhà cho thuê, tôi có tiền gửi quỹ nhà nước, tôi sống hạnh phúc, tôi có vợ có con, tôi quí tất cả những thứ ấy, tôi muốn sống, các anh hãy để cho tôi yên. Cho nên đôi lúc dân chúng tỏ ra lạnh như băng đối với đội quân tiên phong hào hiệp của nhân loại. Vả chăng khi lý tưởng nhảy vào vòng chiến, thì lý tưởng cũng mất tính chất quang đãng của mình. Lý tưởng là chân lý ngày mai. Thế mà lý tưởng phải dùng chiến tranh làm thủ đoạn của dối trá hôm qua. Là tương lai mà nó hành động như quá khứ. Là lý tưởng thuần túy mà lại bạo hành. Nó cài vào anh dũng một sự hung bạo và phải chịu trách nhiệm về sự hung bạo đó là đáng. Hung bạo để đối phó, hung bạo tùy cơ, trái với nguyên tắc và không thể không bị trừng phạt. Lý tưởng trong chiến đấu đã dùng quân pháp cũ: nó bắn gián điệp, nó xử tử đứa bội phản, nó kết liễu sinh mệnh người ta, nó vứt người ta vào đêm tối vô danh vô tích. Nó dùng cái chết làm phương tiện, đó là một điều nghiêm trọng. Nó phải dùng những thủ đoạn ấy nghĩa là lý tưởng hình như không tin ở sức truyền bá của mình nữa, tuy sức truyền bá của lý tưởng là một sức mạnh vô địch và toàn diện. Lý tưởng khi bạo động phải đánh bằng gươm. Nhưng không có cây gươm nào là đơn giản. Gươm nào cũng có hai lưỡi: chém người ta bằng lưỡi này thì đứt da thịt mình bằng lưỡi kia. Khi đã nghiêm khắc nêu lỗi lầm ấy xong, thì không thể không khâm phục những con người quang vinh, những chiến sĩ của tương lai, những giáo sĩ của lý tưởng ấy, mặc dù họ thành công hay thất bại. khi họ thua non, họ cũng đáng sùng kính, và có lẽ trong thất bại họ càng lẫm liệt. Đi thuận với quy luật của tiến hóa mà thành công thì đáng được nhân dân hoan nghênh, thất bại anh dũng thì đáng được thương mến. Chiến thắng thì rực rỡ, nhưng thất bại lại kiêu hùng. Với chúng tôi là người quý chuộng hy sinh hơn đắc thắng, Gion Brao[2] vĩ đại hơn Oasinhtơn, và Pixacan vĩ đại hơn Garibandi[3]. Phải có kẻ bênh vực cho kẻ chiến bại. Người ta thường bất công với những trang hiệp sĩ muốn đem tương lai về, khi họ thất bại. Người ta buộc tội những người cách mạng đã gieo rắc kinh hoàng. Mỗi chiến lũy đều bị coi như là một vụ mưu sát. Người ta chỉ trích lý thuyết của họ, nghi ngờ mục đích của họ, đề phòng ẩn ý của họ, lên án lương tâm họ. Người ta đã trách họ đã chồng chất, đã dựng đứng một đống đau khổ, bất công, tuyệt vọng và qui trách nhiệm cho nề nếp xã hội hiền lành; đã móc từ dưới cặn đáy lên từng mảng đen tối để nấp vào, tựa vào mà chiến đấu. Người ta mắng họ: các anh giở địa ngục lên! Họ có thể trả lời: chính vì vậy mà chiến lũy của chúng tôi là một chiến lũy của những ý định tốt. Đành rằng giải pháp hòa bình là giải pháp tốt nhất. Nói chung, phải nhận rằng khi người ta thấy hòn đá thì nghĩ đến con gấu[4] và xã hội lấy làm lo ngại về cái thiện ý kia. Chỉ có xã hội mới cứu được nó thôi, chúng tôi kêu gọi thiện ý của chính nó. Không cần phương thuốc kịch liệt nào. Phải hòa nhã nghiên cứu bệnh tình, chẩn đoán rồi điều trị. Chúng tôi mời xã hội làm cái việc đó. Dẫu sao, dù là ngã quị, họ là những người cao quí, những người ấy, những người ở khắp thế giới đăm chiêu nhìn về nước Pháp mà chiến đấu cho sự nghiệp lớn với cái logic cứng rắn của lý tưởng: họ cống hiến đời họ cho tiến hóa một cách thuần túy vô tư; họ thực hiện ý muốn của Thượng đế; hành động của họ là một hành động sùng đạo. Đến giờ qui định, cũng hoàn toàn không tính toán như người diễn viên đến lượt mình đối đáp, họ cứ tuân theo kịch bản nhà Trời mà chui vào mồ. Và cuộc chiến đấu không hy vọng, sự hy sinh anh hùng đó, họ gánh lấy để đưa cuộc vận động nhân bản vô địch bắt đầu ngày 14 tháng bảy năm 1789 đến những hậu quả rực rỡ và cao vời của họ. Những chiến sĩ đó là những giáo sĩ. Cách mạng Pháp là một hành vi của Chúa Trời. Tuy nhiên – và chúng tôi thấy cần sự phân biệt này vào mấy phân biệt đã nói ở một chương khác - có những cuộc khởi nghĩa được thừa nhận, gọi là cách mạng và những công cuộc cách mạng bị bác bỏ, gọi là bạo khởi. Một cuộc khởi nghĩa nổ ra tức là một chính kiến dự thi trước hội đồng giám khảo nhân dân. Nếu nhân dân cho điểm xấu, thì chính kiến đó là kết quả khô, cuộc khởi nghĩa là giặc cỏ. Nhân dân không muốn hễ có thách thức là phải gánh, cũng không muốn hễ có lý tưởng muốn là mình phải lao vào chiến tranh. Không phải dân tộc nào cũng có và lúc nào cũng có máu anh hùng, có gan tử vì đạo. Họ thực tế lắm. Thoạt tiên họ gườm bạo động: lẽ thứ nhất vì nó thường kết thúc bằng một thảm họa, lẽ thứ hai vì xuất phát điểm của nó trừu tượng. Bởi vì, và điều này thật đẹp! Ai xả thân đều luôn luôn xả thân vì lý tưởng. Khởi nghĩa là do hào khí. Hào khí có thể phẫn nộ, do đó mà có bạo động vũ trang. Nhưng mỗi cuộc khởi nghĩa nhằm lật một chính phủ hay một chế độ thật ra đều nhằm một cái gì cao hơn. Chẳng hạn, phải nói rõ điểm này, những người cầm đầu cuộc khởi nghĩa năm 1832 đặc biệt là những chàng trai hào hùng ở phố Săngvrơri không hẳng đánh vào Luy Philíp. Số đông trong bọn họ, khi nói chuyện cởi mở, vẫn thừa nhận những tính tốt của vị vua ở giáp ranh cách mạng và quân chủ đó; không ai thù ghét ông. Nhưng họ đánh vào quyền truyền tử lưu tôn, nói là do Chúa ban, ở chi thứ mà đại biểu là Luy Philíp, cũng như trước đó họ đánh chi trưởng mà đại biểu là Sáclơ X[5]. Và cái mà họ muốn đánh đổ trong khi đánh đổ quân quyền ở nước Pháp, chúng tôi đã giải thích, chính là sự tiếm vị của con người đối với con người, và của đặc quyền đối với quyền lợi trên khắp thế giới. Pari không vua sẽ dội nên cảnh thiên hạ hết bạo chúa. Họ lý luận như vậy. Mục đích của họ xa vời hẳn rồi, mơ hồ có lẽ là lui về sau trước sự cố gắng, nhưng mà lớn lao. Như thế đấy. Và họ hy sinh cho những ảo ảnh đó, những ảo ảnh luôn luôn là ảo tưởng đối với kẻ hy sinh nhưng lại mang cả lòng tin của con người. Người nghĩa quân thi vị hóa và mỹ hóa khởi nghĩa. Họ lao vào thảm kịch say sưa với những việc họ sắp làm. Biết đâu đấy? Có thể họ thành công. Họ là số ít: cả quân đội chống họ; nhưng họ bảo vệ chính nghĩa, luật thiên nhiên, chủ quyền của mỗi người, một chủ quyền không thể phế bỏ, bảo vệ công bằng, chân lý và nếu cần thì họ hy sinh như ba trăm chiến sĩ thành Xpáctơ thủa xưa. Họ không tự liên hệ với Đông Kisốt mà với Lêôniđát. Họ cứ đi tới và khi đã tham chiến thì họ không lùi nữa, họ cúi đầu lao tới trước, đặt hy vọng ở một chiến thắng phi thường rồi cách mạng sẽ hoàn tất, tiến hóa được giải phóng, nhân loại mở rộng, tất cả đều được cởi bỏ xiềng gông. Còn không thì như ở hẻm núi Técmôpilơ là cùng. Những cuộc chiến vì tiến hóa đó thường thất bại, chúng tôi đã nói vì sao. Quần chúng không ưa những cuộc tập dượt của các hiệp sĩ. Những khối nặng là các đám đông, chính vì nặng nề mà thành dễ vỡ, những khối đó sợ phiêu lưu, mà trong lý tưởng thì luôn có phiêu lưu. Vả chăng phải nên nhớ rằng còn có quyền lợi, Mà quyền lợi thì ít chịu kết thân với lý tưởng và tính chất. Một đôi khi dạ dày làm cho quả tim bại liệt. Nước Pháp lớn lao và đẹp đẽ ở chỗ ít béo bụng hơn các dân tộc khác; nó dễ dàng thắt lưng buộc bụng. Nó dậy trước thiên hạ, ngủ sau thiên hạ. Nó luôn tiến lên phía trước. Nó tìm tòi. Là vì nó nghệ sĩ. Lý tưởng chỉ là điểm cao nhất của luân lý, cũng như cái đẹp là đỉnh của cái chân. Những dân tộc nghệ sĩ cũng là những dân tộc nhất quán. Yêu cái đẹp là mong ánh sáng. Bởi thế cho nên ngọn đuốc châu Âu, tức là đuốc văn minh thoạt đầu do Hy Lạp cầm, rồi Hy- lạp chuyển cho Ý và Ý chuyển cho Pháp. Ôi! Những dân tộc hưởng đạo thần tiên! Vilae lampada tradunt[6]. Điều rất đẹp, chất thơ của một dân tộc là nhân tố của sự tiến bộ của nó. Lượng tưởng tượng đong được bao nhiêu thì lượng văn minh đo được bấy nhiêu. Duy một dân tộc đi khai hóa cho người vẫn là một dân tộc cứng cỏi. Nghệ sĩ như Côranhtơ[7] thì nên, ủy mị như Xybarít[8] thì không được. Ai phụ nhân hóa thì cũng thoái hóa. Không nên là tài tử, cũng không nên là tài hoa, nhưng nên là nghệ sĩ. Nói về văn minh thì không nên gạn lọc, phải nên tinh lọc.Với điều kiện ấy, người ta biến cho nhân loại cái hình mẫu của lý tưởng. Lý tưởng hiện đại có điển hình của mình trong nghệ thuật và phương tiện của mình trong khoa học. Người ta sẽ thực thi cái ảo ảnh cao quí của các thi nhân, tức là cái đẹp xã hội, bằng khoa học. Người ta sẽ làm lại cái cảnh Êđen[9] từ những bước bắt đầu. Văn minh ngày nay đã đến độ mà chính xác là một yếu tố cần thiết cho huy hoàng và thẩm mỹ quan phải được cơ quan khoa học phục vụ, hơn nữa, hoàn thiện; mơ mộng cũng phải biết tính toán. Nghệ thuật là kẻ chinh phục phải tựa vào khoa học là người vững gối bước lên. Vật để cưỡi vững vàng chắc chắn là điều quan trọng. Tinh thần của thời đại ta làm bằng thiên tài Hy-Lạp chở trên thiên tài Ấn Độ: Alécxăng trên lưng voi. Những chủng tộc cứng đờ trong tín điều hoặc tha hóa vì vụ lợi không có khả năng hướng dẫn văn minh. Quì gối để bước đi và cái ý chí để tiến tới teo lại. Sự chuyên tâm vào lễ bái hoặc lợi nhuận làm yếu sức tỏa sáng của dân tộc, hạ thấp trình độ của nó do đó cũng thu hẹp tầm nhìn và tước mất cái ý thức này khiến cho dân tộc trở thành giáo sĩ. Babilon không có lý tưởng, Cáctagiơ[10] không có lý tưởng. Aten và Rôma[11] không có lý tưởng vẫn giữ hào quang của văn minh qua trường kỳ lịch sử. Phẩm chất của Pháp ngang hàng với phẩm chất của Hy-Lạp và La-Mã. Nó đẹp như Aten và vĩ đại như Rôm. Ngoài ra, nó tốt bụng. Nó tự hiến mình. Nó cũng thường hay có những lúc hứng tận tụy hy sinh hơn các dân tộc khác. Duy những cơn hứng đó có khi đến thì cũng có khi đi. Và đó là mối họa lớn cho những ai muốn chạy đi trong khi nó chỉ muốn đi và những ai muốn đi trong khi nó dừng lại. Nước Pháp cũng có những cơn tái phát của bệnh vật chất; những lúc nào đó, những tư tưởng vướng mắc trong đầu óc cao quí kia chẳng có gì khiến nhớ đến nước Pháp vĩ đại nữa, và chỉ có kích thước của một bang Mýtxuri hay một bang Nam Carôlin. Biết làm sao được? Ông khổng lồ đóng vai chú lùn mà! Nước Pháp mênh mông có những lúc cao hứng thích làm trẻ nhỏ. Chỉ thế thôi. Đã thế thì còn biết nói thế nào. Dân tộc cũng như tinh tú, có quyền ẩn bóng. Vẫn là tốt, miễn là ánh sáng trở lại, sự ẩn thực không biến thành đêm tối trường kỳ. Bình minh và hồi sinh đồng nghĩa. Sự tái xuất của ánh sáng đồng nhất với sự tồn tại của bản ngã. Chúng ta hãy bình tĩnh mà ghi nhận những sự việc đó. Chết trên chiến lũy hay chết trong cảnh lưu vong là trường hợp hy sinh thừa nhận được. Cái tên thật của hy sinh là chí công vô tư. Ai bị bỏ rơi thì cam chịu bị bỏ rơi, ai bị đày ải thì cam chịu bị đày ải, còn chúng ta thì chỉ nên van các dân tộc vĩ đại đừng nên lùi quá xa khi lùi. Không nên lấy cớ là cần phải chăng mà để cho tụt sâu xuống quá. Có vật chất, có giờ phút hiện tại, có quyền lợi, có cái bụng; nhưng không nên chỉ có thứ triết lý của cái bụng. Cuộc sống chốc lát có quyền, chúng tôi thừa nhận, nhưng cuộc sống lâu dài cũng có quyền của nó. Đã lên rồi, chao ôi! Không phải là không thể xuống. Chúng ta thấy hiện tượng này xảy ra trong lịch sử nhiều hơn là chúng ta mong muốn. Một dân tộc đã rực rỡ; dân tộc ấy đã nếm lý tưởng, nhưng sau đó đó ngậm bùn và cho là ngon; nếu ai hỏi nó vì sao nó bỏ Xôcrát mà theo Phanxtap, nó nói: vì tôi thích những chính khách. Hãy nói một điều nữa trước khi trở về cuộc nội chiến. Một trận chiến đấu như chúng tôi diễn tả ra đây rõ ràng là một sự vùng vẫy để trườn lên lý tưởng. Tiến bộ bị cản chân thường hay sinh bệnh, cho nên thỉnh thoảng nó lên những cơn động kinh bi đát như thế. Nội chiến là bệnh của tiến bộ, chúng ta đã từng gặp bệnh ấy trên đường đời. Nội chiến vừa là một màn vừa là khoảng nghỉ cách màn trong tấn bi hùng kịch mà trục là tội nhân xã hội và nhan đề thực sự là Tiến Bộ. Tiến bộ! Tiếng reo ấy choáng tất cả đầu óc chúng tôi. Tư tưởng của bộ truyện bi hùng mà chúng tôi viết đây, đến đoạn này còn phải qua nhiều cuộc thử thách nữa mới lộ rõ. Nhưng chúng tôi mạn phép, không phải cuốn cả lên, mà mở hé bức màn để cho ánh sáng lọt ra ngoài rõ rệt. Quyển sách dưới mắt bạn đọc đây mặc dù có những chỗ gián đoạn, những ngoại lệ, những nhược điểm, quyển sách ấy từ đầu chí cuối, từ đại thể đến chi tiết thể hiện cuộc hành trình từ ác đến thiện, từ bất công đến công bằng, từ giả đến chân, từ bóng tối đến ánh sáng, từ dục vọng đến lương tri, từ thối rửa đến sống còn, từ thú tính đến nhân tính, từ địa ngục đến thiên đường, từ hư không đến Chúa. Khởi điểm là vật chất, đích tới là linh hồn. Xà tính lúc ban đầu, thiên thần lúc cuối.
[1]Huygo viết bộ truyện này trong thời kỳ độc tài chuyên chính của Napôlêông III [2] nhà chính trị Mỹ thế kỷ 19, chủ trương hủy bỏ chế độ nô lệ. Ông bị xử treo cổ vì đã kêu gọi nô lệ da đen khởi nghĩa [3] nhà yêu nước người Ý thế kỷ 19, đã chiến đấu vì nền độc lập và thống nhất của Ý [4] tác giả liên hệ một truyện ngụ ngôn của Êdốp mà Laphôngten đã viết lại, đại khái: một con gấu kết bạn với một ông già. Một hôm con gấu ngồi đuổi ruồi cho ông già ngủ, thấy có con ruồi lì lợm đuổi mãi không bay, bèn bê hòn đá ném nó, làm giập đầu ông già [5] Hai chi đều có ông tổ chung là Luy XIII, dòng họ Buốc bông. Chi trưởng gồm có kế tiếp các vua Luy XIV, XV, XVI (bị cách mạng xử tử), sau nền cộng hòa I và đế chế Napôlêông, thì Luy XVIII, Sáclơ IX, Sáclơ X bị cách mạng 1830 đánh đuổi và tôn Luy Philíp ở chi thứ lên lầm vua. Ông tổ chi thứ này là em ruột Luy XIV [6] tiếng Latinh: họ trao lại những ngọn đuốc của cuộc sống [7] một thành phố Hy Lạp mà nhân dân rất nghệ sĩ [8] một thành phố Hy Lạp mà nhân dân ủy mị, biếng lười [9] theo đạo Gia tô, là khu vườn xinh đẹp và đầy đủ mà Chú đã để cho người đàn ông Ađam và người đàn bà đầu tiên Êva ở. Cũng được gọi là “thiên đường trên mặt đất” [10] những thành phố trù phú thời cổ đại, đều ở quanh Địa Trung Hải [11] thủ đô cũ của Hy Lạp và La mã cổ
[1]Huygo viết bộ truyện này trong thời kỳ độc tài chuyên chính của Napôlêông III [2] nhà chính trị Mỹ thế kỷ 19, chủ trương hủy bỏ chế độ nô lệ. Ông bị xử treo cổ vì đã kêu gọi nô lệ da đen khởi nghĩa [3] nhà yêu nước người Ý thế kỷ 19, đã chiến đấu vì nền độc lập và thống nhất của Ý [4] tác giả liên hệ một truyện ngụ ngôn của Êdốp mà Laphôngten đã viết lại, đại khái: một con gấu kết bạn với một ông già. Một hôm con gấu ngồi đuổi ruồi cho ông già ngủ, thấy có con ruồi lì lợm đuổi mãi không bay, bèn bê hòn đá ném nó, làm giập đầu ông già [5] Hai chi đều có ông tổ chung là Luy XIII, dòng họ Buốc bông. Chi trưởng gồm có kế tiếp các vua Luy XIV, XV, XVI (bị cách mạng xử tử), sau nền cộng hòa I và đế chế Napôlêông, thì Luy XVIII, Sáclơ IX, Sáclơ X bị cách mạng 1830 đánh đuổi và tôn Luy Philíp ở chi thứ lên lầm vua. Ông tổ chi thứ này là em ruột Luy XIV [6] tiếng Latinh: họ trao lại những ngọn đuốc của cuộc sống [7] một thành phố Hy Lạp mà nhân dân rất nghệ sĩ [8] một thành phố Hy Lạp mà nhân dân ủy mị, biếng lười [9] theo đạo Gia tô, là khu vườn xinh đẹp và đầy đủ mà Chú đã để cho người đàn ông Ađam và người đàn bà đầu tiên Êva ở. Cũng được gọi là “thiên đường trên mặt đất” [10] những thành phố trù phú thời cổ đại, đều ở quanh Địa Trung Hải [11] thủ đô cũ của Hy Lạp và La mã cổ