Trận Oateclô là một điều khó hiểu. Đối với người thắng cũng như đối với kẻ bại, nó đều mù mờ. Trong trí Napoleon đó là một phút hoảng loạn (“Một trận đánh đã kết thúc, một ngày đã qua, một số chủ trương sai lầm đã sửa đổi, nhiều thắng lợi to lớn hơn đã chắc chắn giành được cho tương lai. Vậy mà tất cả đều hỏng hết chỉ vì một phút hoảng loạn.” Napoleon đọc cho người chép ở Xanh Hêlen – chú thích ở nguyên tác); Bơluyse mù mịt; còn Oenlinhtơn cũng chẳng hiểu sao. Hãy đọc các báo cáo mà xem. Những bản tin rối mù, những lời bình luận lúng túng. Kẻ ấp a, người ấp úng. Giômini thì phân trận đánh ra làm bốn bước; Mơpphơling thì cắt làm ba giai đoạn; chỉ có Sarát, tuy ở một đôi điểm cách đánh giá có khác chúng tôi, nhưng đã nắm được trong một cái nhìn cao điệu những nét lớn, tiêu biểu của cuộc đổ vỡ này, cuộc đổ vỡ của thiên tài con người đối chọi với ngẫu nhiên của trời đất. Còn tất cả các nhà sử học khác đều như bị lóa mắt, cho nên phải mò mẫm. Sự thật đó cũng là một ngày sấm chớp, một ngày mà bá quyền quân sự đổ và cuốn theo các ngai vàng khác khiến cho vua chúa sửng sốt; đó là ngày sức mạnh phải nhào đổ vào chính chiến tranh lại bại trận. Trong sự kiện lịch sử này, dấu ấn của siêu phàm rất đậm, nên phần của con người thật chẳng có ý nghĩa gì. Cất cái vinh quang chiến thắng Oateclô đối với Oenlinhtơn và Bơluyse thì nước Anh, nước Đức có mất gì không? Không. Nước Anh danh tiếng cũng như nước Đức tôn nghiêm, không nước nào liên quan trong vấn đề Oateclô. Ơn trời, các dân tộc được vĩ đại không phải là nhờ những phiêu lưu quân sự, thê thảm. Nước Đức, nước Anh, nước Pháp, chẳng nước nào vận mệnh lại nằm trong một vỏ gươm cả. Ngay thời mà gươm đao khua vang ở Oateclô, trên Bơluyse nước Đức có Gớt và trên Oenlinhtơn nước Anh có Bairơn. Thời đại chúng ta đánh dấu bằng một cuộc trỗi dậy rộng lớn về tư tưởng và nước Anh, nước Đức đều có phần ánh sáng rực rỡ của mình trong buổi bình minh ấy. Các dân tộc ấy uy nghi vì những tư tưởng của họ. Trình độ văn minh được nâng lên và đóng góp của bản thân, do sức họ làm ra chứ không phải nhờ một chuyện ngẫu nhiên. Thế kỷ mười chín, họ có lớn lên được chỗ nào thì đó không phải bắt nguồn từ Oateclô. Chỉ có những dân tộc dã man mới nổi lên đột ngột sau một trận chiến thắng. Nhưng đó chẳng qua là cơn nước lũ sau trận mưa dông, khoa trương ồn ào trong chốc lát. Còn những dân tộc văn minh, nhất là trong thời đại ngày nay, thì không bao giờ vì sự rủi may của một tướng cầm quân mà giá trị mình lại tăng lên hay giảm xuống. Vị trí của họ trong nhân loại được qui định bởi một cái gì khác hơn một cuộc chiến đấu. Danh dự của họ, phẩm chất của họ, ánh sáng tài ba trí tuệ của họ, ơn Chúa! Đâu phải là những quân bài mà kẻ anh hùng, người chinh phục đem đặt vào cuộc đỏ đen của các trận đánh. Nhiều lúc trận mạc thì thua, mà văn minh lại có tiến bộ. Vinh quang có giảm, nhưng tự do được tăng. Trống trận im lặng, thì lẽ phải lên tiếng. Ở đây người thua lại là người được. Cho nên phải nói về Oateclô từ cả hai phía với cái nhìn thật khách quan. Cái gì thuộc về ngẫu nhiên, xin trả về cho ngẫu nhiên, cái gì của Chúa, xin dâng lại Chúa. Vậy Oateclô là gì? Một chiến thắng? Không. Một số độc đắc. Châu Âu trúng số độc đắc, nước Pháp là người trả tiền. Đặt một con sư tử vào đấy để làm gì! Oateclô chỉ là một cuộc gặp gỡ kỳ lạ bậc nhất trong lịch sử. Napoleon và Oenlinhtơn, hai người ấy không phải là kẻ thù, mà là những người trái ngược nhau. Trên trời vốn thích đối chọi, nhưng chưa bao giờ làm được một sự đối lập sắc sảo, một sự đối chiếu lạ lùng như thế. Một bên là cái gì cũng chính xác, cũng đoán trước nhìn sau, cũng ngang ngay sổ thẳng, cũng thận trọng, cũng cẩn mật tính chuyện tiến thoái an toàn, cũng dè dặt sử dụng lực lượng dự bị. Thêm vào đó là một nghị lực sắt đá, một ý thức phương pháp không lay chuyển, một chiến lược khéo léo biết lợi dụng địa thế địa hình, một chiến thuật biết quân phân các đội ngũ. Rồi đến chém giết cũng là kẻ mực giăng dây, chiến đấu mà tính toán từng giờ từng phút, chẳng chịu bỏ sót chút gì cho rủi may. Đó là tinh thần dũng cảm cổ điển, sự đúng đắn tuyệt đối. Còn bên kia là trực giác, là thần đoán, là kỳ tài quân sự, là linh khiếu siêu phàm, là con mắt nảy lửa, là cái nhìn sắc như chim ưng và giáng mạnh như sấm sét. Kèm theo là một nghệ thuật tuyệt vời, một tác phong sôi nổi coi thường mọi khó khăn, tất cả những bí ẩn của một tâm hồn sâu sắc, một uy quyền tuyệt đối như điều khiển cả chiến trường, lôi cả số mệnh, núi sông, đồng bằng, rừng rậm về phía mình, buộc chúng phải tuân theo và cuối cùng là lòng tin ở thời vận cộng với khoa học quân sự, làm cho khoa học này thêm lớn lên nhưng đồng thời cũng làm cho nó thêm băn khoăn. Tóm lại Oenlinhtơn là một chiến trường mực thước, sách vở, còn Napoleon lại là một nghệ sĩ thiên tài trong nghệ thuật chiến tranh. Và lần này, con người thiên tài đã bị con người tính toán đánh bại. Bấy giờ cả hai phía đều đợi viện binh. Napoleon đợi Gơrusi, Gơrusi không đến. Oenlinhtơn đợi Bơluyse, Bơluyse đến kịp thời. Người tính toán giỏi đã thắng. Oenlinhtơn đã giành lại thế thắng cho chiến tranh cổ điển. Hồi mới xuất hiện, Bônapac đã gặp nó ở Ý và đã đánh bại nó một cách oanh liệt. Voi non ra mặt, trâu già chạy dài. Chiến thuật cũ như bị sét đánh, mất tinh thần. Cái anh chàng người Coócxơ hai mươi sáu tuổi ấy, cái chú dốt kiêu hùng ấy là quái gì mà dám đem một nhúm người không lương thực, không đạn dược, không trọng pháo, không giày dép, chẳng ra quân đội binh lính gì, cứ thế tay không nhảy vào hàng trận đầy đủ mọi thứ của tất cả châu Âu liên kết lại. Thế mà anh ta đã chiến thắng vô lý trong những điều kiện không sao có thể chiến thắng được, làm cho người ta không tài nào hiểu nổi. Cái anh chàng cuồng tử ấy lại cùng với nhúm người đó, chẳng kịp nghỉ ngơi gì, liên tiếp nghiền nát năm đạo quân của hoàng đế Đức, đuổi dồn tướng Bôhơ lên lưng tường Avanhdi, xô Uômxơ vào Bôliơ, đẩy Mêlát lên Uômxơ và dồn cục Mắc vào Mêlát (Tên những tướng Áo bị Bônpac đánh bại trong chiến dịch Ý nổi tiếng – 1796) cái anh chàng ấy ở đâu ra thế? Cái anh chàng chân ướt chân ráo trong nghiệp chinh chiến mà sáng rỡ như sao đó là ai? Trường phái cổ điển về khoa học quân sự chịu thua anh ta nhưng chẳng thừa nhận anh ta. Có lẽ từ đó mà những người theo đường lối quân sự cũ, nề nếp, chân phương tính toán, thận trọng, sinh ra căm hờn không đội trời chung với đường lối chiến thuật mới ào ạt, nẩy lửa, linh hoạt, thần tình. Ngày 18 tháng 6 năm 1815, mối căm hờn ấy đã được rửa sạch và dưới Lôđi, Môngtơbenlô, Môngtơnốt, Măngtu, Măngrănggô, Accôn, nó đã ghi chữ Oateclô. Những kẻ tồi đã thắng, đa số lại được yên lòng. Khôi hài thật, nhưng số mệnh lại đồng tình. Vào lúc mạt vận của mình, Napoleon đã gặp lại Uômxơ hồi trẻ. Chỉ cần nhuộm trắng đầu Oenlinhtơn là chúng ta có Uômxơ. Oateclô là một trận đánh vào loại một mà kẻ chiến thắng lại là một tướng cầm quân loại hai. Trong trận Oateclô, đáng khâm phục là nước Anh, là lòng cương nghị Anh, chí kiên quyết Anh, là dòng máu Anh: cái rực rỡ nhất ở đây nói hơi thất lễ, chính là bạn thân nước Anh. Không phải là người chỉ huy, mà là quân đội Anh. Oenlinhtơn, trong một bức thư gửi cho huân tước Bathơi, tuyên bố rằng đạo quân của ông, đạo quân đã chiến đấu ngày 18 tháng 6 năm 1815, là: “một đạo quân đáng ghét”. Không hiểu sao ông lại bạc bẽo kỳ lạ đến thế. Những đống xương vô định còn vùi dưới đồng ruộng Oateclô, đống xương ấy nghĩ như thế nào về câu nói kia? Nước Anh đã quá khiêm tốn. Đề cao Oenlinhtơn đến thế là hạ thấp nước Anh. Ông ta chỉ là một người dũng cảm như muôn nghìn người khác. Những người lính Êcốt quân phục xám, những kỵ binh cận vệ, những trung đoàn Metlen, Mitsen, bộ binh của Pắc, của Căm, kỵ binh của Pônxônbi, của Xômơcxét, những người lính vùng núi thổi kèn dưới lửa đạn, những tiêu đoàn của Pilan, những lính mới vừa biết cầm súng mà đương đầu với đoàn quân già dặn từng đánh nhau ở Etlin ở Rivôli, tất cả những con người ấy mới vĩ đại, Oenlinhtơn được cái kiên trì, cái đó là ưu điểm của ông ta, không bàn cãi làm gì, nhưng bất kỳ anh lính bộ binh nào, anh lính kỵ binh nào cũng đã kiên trì như ông. Quân thép cũng xứng với “quận công thép”. Nhưng đối với chúng tôi, chúng tôi giành cho người lính Anh, cho quân đội Anh, cho nước Anh tất cả lời ca ngợi của chúng tôi. Nếu quả có một giải chiến thắng thì giải ấy phải trao cho nước Anh. Ở đài kỷ niệm Oateclô giá người ta xây tượng một dân tộc, chứ đừng xây tượng một người thì có lẽ đúng hơn. Nhưng nước Anh vĩ đại sẽ phật ý vì điều chúng tôi nói đây. Sau cách mạng 1688 và cách mạng 1789, nước Anh vẫn còn ảo mộng phong kiến. Nó tin tưởng vào dòng giống và tôn ti trật tự. Dân tộc này, không ai qua nổi về mặt vinh quang và quyền lực, tự hào là một quốc gia hơn là tư cách một dân tộc. Là dân tộc thì nó sẵn sàng chịu phụ thuộc và nhận một nhà quí tộc làm thủ lĩnh. Làm thuê thì người ta khinh cũng được, đi lính thì người ta đánh cũng xong. Trong trận Inkécman người cứu nguy cho cả đạo quân hình như là một trung sĩ, điều đó mọi người còn nhớ. Nhưng tên người trung sĩ ấy không hề được huân tước Ragơlan kể ra, vì theo tục lệ thứ bậc trong quân đội, người ta không cho phép tuyên dương trong báo cáo một người anh hùng cấp bậc dưới sĩ quan. Ở một cuộc đọ sức như kiểu Oateclô, trong tất cả mọi sự, chúng tôi khâm phục nhất là những cái ngẫu nhiên sao lại được xếp đặt khéo léo, thần tình đến thế! Mưa suốt đêm, bức tường ở Hugômông, con đường trũng Ohanh, Gơrusi nghe tiếng súng mà như điếc, Napoleon bị hướng đạo lừa, Buylô được hướng đạo chỉ đúng đường, tất cả đều hình như được đạo diễn một cách tuyệt diệu trong cuộc đại biến này. Tính chung, phải nói Oateclô là một cuộc tàn sát hơn là một trận đánh. Trong tất cả các trận đánh có dàn trận, Oateclô là nơi có chiến tuyến ngắn nhất so với số quân tham dự. Bên Napoleon, ba phần tư dặm, bên Oenlinhtơn nửa dặm, mà mỗi bên bảy vạn hai chiến sĩ. Đông đặc đến thế thì tàn sát là dễ hiểu. Người ta đã tính toán và xác định những tỉ số sau đây. Về số tử vong: ở Austelít, Pháp, mười bốn phần trăm; Nga, ba mươi phần trăm; Áo bốn mươi phần trăm. Ở Matxcơva, Pháp: ba mươi bảy phần trăm; Nga và Phổ: mười bốn. Ở Oateclô, Pháp: năm mươi sáu phần trăm; đồng minh: ba mươi mốt. Tổng cộng ở Oateclô, bốn mươi mốt phần trăm. Mười bốn vạn bốn nghìn người chiến đấu, có sáu vạn chết. Ngày nay cánh đồng Oateclô trông chẳng khác gì mọi cánh đồng. Nó vẫn có cái yên tĩnh của đất đai, nguồn nuôi nấng, chở che cho con người, nhưng lạnh lùng trước mọi cuộc bể dâu. Nhưng ban đêm một làn sương mù ma quái như bốc lên từ lòng đất. Bây giờ có khách vãng cảnh nào dạo qua, quan sát, lắng nghe, hoặc mơ màng như Viếcgin trước cánh đồng Philip, chắc chắn người ấy sẽ có cái ảo tưởng thấy hiện lên trước mắt mình bóng ma của trận đổ vỡ năm xưa. Quang cảnh hãi hùng của ngày 18 tháng 6 sống lại. Cái gò giả đắp làm kỷ niệm biến đi, con sư tử vô nghĩa ấy cũng mờ tan và cảnh thực của chiến trường diễn lại. Từng đoàn bộ binh nhấp nhô trên cánh đồng. Nhiều vó ngựa hùng hổ vụt qua chân trời. Và người khách mơ màng như trông thấy gươm vung lấp loáng, lưỡi lê chạm nhau nẩy lửa, đạn pháp sáng lòa sấm chớp đan nhau kỳ quái. Người ấy như nghe có tiếng reo hò xa xôi của trận chiến ma. Đây là bóng ưu binh cận vệ, kia là ánh lửa giáp binh. Bộ xương này là Napoleon, bộ xương kia là Oenlinhtơn. Tất cả chỉ là những bóng ma, nhưng họ vẫn xô vào nhau, đâm chém nhau. Khe sâu đỏ ngầu, ngàn cây rung chuyển, sát khí bừng bừng đến tận mây xanh. Và trong bóng tối, Mông Xanh Giăng, Hugômông, Phơrítsơmông, Papơlốt, Pơlăngxơnoa, hết thảy những ngọn đồi dữ dội ấy đều hiện ra, mờ mờ, đầy dẫy những bóng ma quay cuồng, đâm chém, tiêu diệt lẫn nhau.