Trước khi kể tiếp, cũng nên nhắc lại có chi tiết một chuyện lạ lùng xảy ra ở Môngphecmây cũng dạo ấy; câu chuyện này có lẽ không phải là không ăn khớp với mấy điều phỏng đóa của viện công tố. Ở vùng Môngphecmây có một điều mê tín từ lâu đời, kỳ thú và quí báu bởi vì một điều mê tín dân gian tồn tại ở gần Paris cũng hiếm có như cây cúc mốc ở Tây-bá-lợi-á. Chúng tôi thuộc hạng người quí trọng tất cả những gì như loại cây hiếm có. Cho nên cái điều mê tín ở Môngphecmây là thế này: người ta cho là từ đời hồng hoang, quỉ sứ đã chọn rừng để giấu của. Những bà cả tin nói quyết rằng nhiều lần người ta bắt gặp lúc hoàng hôn, ở những quãng vắng trong rừng, một người đen đủi, có vẻ là một anh đánh xe tải hay một anh đốt than, đi guốc, mặc quần áo vải, rất dễ nhận diện vì đầu chẳng có mũ nón gì, chỉ có hai cái sừng dài. Đúng là dấu hiệu đó dễ nhận ra thật. Người ấy thường mãi đào lỗ. Gặp vậy, có ba lối thoát. Cách thứ nhất là đến hỏi han người ấy. Bấy giờ sẽ nhận thấy đó chỉ là một nông dân, đen đủi vì lúc ấy trời nhá nhem; y không đào lỗ mà chỉ cắt cỏ cho bò; cái tưởng là sừng thì chỉ là một cái chĩa hai để xới phân đeo ở sau lưng; hai cái răng sắt như từ đầu mọc lên vì nhìn trong bóng tối. Thế là khi về nhà, người ta chết nội trong tuần lễ. Cách thứ hai là cứ quan sát, chờ cho nó đào lỗ xong, lấp lại và đi khỏi. Bấy giờ hãy chạy nhanh đến lỗ, bới đất lên và cuỗm ngay cái kho của mà con người đen đủi tất phải chôn. Trường hợp này, người gặp sẽ chết trong tháng. Cách thứ ba là đừng nói năng gì với nó hết, đừng nhìn nó, cứ việc vắt chân lên cổ mà chạy tránh. Như thế thì sẽ chết trong năm. Vì ba phương pháp đều lưu hại cả nên người ta thường chọn cách thứ hai vì ít ra nó cũng mang đến cho vài cái lợi, đặc biệt là cái lợi có một kho của, dù chỉ có tạm trong vòng một tháng. Vì thế, những người bạo gan chỉ thích thử thời vận, nghe nói họ thường bới cái hố của người đen đủi ra và thử đánh cắp quỉ sứ. Hình như kết quả cũng tầm thường thôi. Ít ra, đó cũng là điều mà truyền thuyết khẳng định. Đặc biệt người ta thấy ý nghĩa đó trong hai câu thơ bí ẩn bằng tiếng Latinh cổ lỗ do một tu sĩ hổ mang kiêm phù thủy xứ Nócmăngđi tên là Tơriphông để lại. Mộ tên Tơriphông ấy ở tu viện Xanh Giórgiơ Bôsecvin, gần thành Ruăng. Cóc sinh sôi trên mộ ấy. Người ta hì hục – những hố quỉ chôn của ấy thường sâu lắm – người ta đổ mồ hôi, người ta đào bới, người ta vất vả trọn một đêm – công việc ấy làm vào đêm thôi – người ta làm, ướt cả sơ-mi, hết cả nến, mẻ cả cuốc. Cuối cùng, khi đào đến đáy hố, khi với tới “kho của”, thì người ta tìm thấy gì? “Kho của” quỉ sứ là gì? Một đồng xu, đôi khi một đồng êquy hoặc một hòn đá, một bộ xương người, một xác chết còn chảy máu; có khi đó là một con ma gấp tư như một tờ giấy gấp để trong ví da, cũng có khi không có gì cả. Đó là những cái mà mấy câu thơ của Tơriphông có vẻ báo cho bọn hiếu kỳ tò mò biết. Nó đào lên và ở dưới hố tối đen, nó giữ những kho tàng Tiền đồng, tiền bạc, đá, xác chết, tượng và mọi thứ linh tinh. (Nguyên văn: Fodit, et in fossa thesaures condit opaca, As, nummos, lapides, cadaver, simulacra, nibilque)Ngày nay, hình như cũng có khi người ta tìm thấy hoặc một bọc thuốc súng và đạn, hoặc một cỗ bài cũ vàng ố và nhầy mỡ, chắc chắn là của lũ quỉ dùng để chơi với nhau. Tơriphông không ghi hai vật này, vì lẽ dễ hiểu là Tơriphông sinh sống ở thế kỷ XII và không có vẻ gì là quỉ sứ đã tài tình phát minh ra thuốc súng trước Rôgie Bacon, bài Tây trước Sáclơ VI. Cần phải nói thêm là ai đem bài đó ra đánh thì thua tất cả gia tài, còn thuốc súng trong bọc đó, nếu đem bắn thì y như rằng nó làm nổ toác súng vào mặt anh. Ít lâu sau cái ngày viện công tố tưởng rằng tên phạm nhân Giăng VanGiăng trong mấy ngày trốn thoát ra ngoài đã lảng vảng ở quanh Môngphecmây, thì người ta để ý đến, ở ngay làng đó, những hành tung bí mật trong rừng của một người phu lục lộ già tên là Bulatơruyen. Dân chúng có nghe nói tên này trước cũng phải tù, bây giờ vẫn bị cảnh sát theo dõi, nhưng vì hắn không tìm ra việc làm, nên nhà nước phải mượn hắn làm phu lục lộ với đồng lương rẻ mạt để hắn trông nom con đường tắt từ Ganhi sang Lanhi. Cái lão Bulatơruyen ấy không được người địa phương đánh giá tốt. Lão lễ phép quá, khiêm nhường quá, gặp ai cũng giở mũ, đứng trước cảnh sát thì vừa run sợ vừa cười nhăn nhở. Người ta nói lão có chân trong các đảng trộm cướp và nghi lão thường núp rình xó rừng vào lúc nhá nhem. Điều duy nhất có thể thanh minh cho lão là lão nghiện rượu. Đây là những điều người ta cho là đã nhận thấy: Ít lâu nay, Bulatơruyen nghỉ việc hàng ngày rất sớm và vác cuốc đi vào rừng. Người ta gặp lão vào đêm ở những quãng rừng thưa vắng nhất hoặc rậm rạp nhất, dáng bận tìm kiếm một cái gì, một đôi khi đang đào lỗ. Gặp hắn, lúc đầu cá bà tưởng là Bendêbuýt, sau khi nhận ra là Bulatơruyen thì cũng chả yên tâm hơn chút nào. Những cuộc gặp gỡ ấy có vẻ làm cho hắn ta rất khó chịu. Rõ ràng là lão muốn trốn con mắt thiên hạ và trong hành động của lão có cái gì bí ẩn đây. Dân làng kháo nhau: “Rõ ràng là quỉ đã hiện. Bulatơruyen đã trông thấy quỉ cho nên hắn sục sạo. Hiển nhiên là hắn mà ôm được cái kho của Chúa quỉ thì, coi như mệnh hắn đi đứt”. Bọn hoài nghi nói thêm: ‘Chẳng biết ai lừa ai, Bulatơruyen lừa quỉ hay quỉ lừa Bulatơruyen?” Các bà già thì luôn tay làm dấu thánh giá. Nhưng rồi Bulatơruyen cũng thôi không vào ra sục sạo trong rừng nữa và lại làm việc đều đặn. Người ta cũng không bàn tán về việc ấy nữa. Tuy nhiên cũng còn có mấy kẻ tò mò. Họ nghĩ rằng trong chuyện này có lẽ không có những kho của dị thường nói trong truyền thuyết, mà hẳn là một món bở gì thiết thực hơn và đáng giá hơn những giấy bạc của quỉ sứ. Chắc là lão phu chữa đường đã khám phá được một phần điều bí mật đó. Ông hương sư và anh chủ quán Tênácđiê là những người “băn khoăn” nhất, Tênácđiê thân với tất cả mọi người, kể cả Bulatơruyen. Hắn nói: - Bulatơruyen đã làm khổ sai trên tàu biển ư? Ối dào! Biết ai đã ở đó, biết ai sẽ đến đó! Một buổi tối, ông hương sư nói rằng giá ngày trước thì tòa án đã điều tra xem Bulatơruyen đi vào làm gì trong rừng ấy và chắc là hắn ta phải khai ra. Nếu cần thì người ta tra khảo và hẳn là Bulatơruyen không chịu nổi ngón đòn tàu lặn. - Thôi thì ta dùng đòn rượu đi – Tênácđiê nói. Thế là họ cố chạy vạy để mời rượu lão phu lục lộ già. Bulatơruyen uống rất nhiều mà nói rất ít. Với một nghệ thuật đáng khâm phục, lão điều hòa sự đói khát của một đứa phàm phu với tính kín đáo của một quan tòa, theo một tỉ lệ khoa học. Tuy nhiên, nhờ tấn công ráo riết và đối chiếu, vắt nắn những lời lẽ mập mờ lão buột miệng nói ra, Tênácđiê và ông giáo cũng đoán được những điều sau đây: Một hôm, sáng tinh mơ, Bulatơruyen đi làm như thường lệ, chợt thấy ở một xó rừng, trong bụi rậm, một cái xẻng và một cái cuốc, hình như có ai giấu ở đấy. Song, hắn nghĩ là có lẽ cái xẻng, cái cuốc ấy là của lão gánh nước thuê Xíchphua, nên cũng chẳng để ý làm gì. Nhưng chiều tối hôm ấy, hắn thấy “một người lạ, không phải là người làng, mà hắn thì hắn biết rõ lắm”: người ấy rẽ từ đường đi sâu vào trong rừng nơi rậm nhất; chắc chắn là người kia không trông thấy hắn, bởi vì có một gốc cây che khuất. Người lạ mặt mang một gói gì vuông vuông hình như là một cái hộp lớn hay một cái hòm nhỏ. Bulatơruyen ngạc nhiên hết sức; mãi bảy, tám phút sau hắn mới nảy ra ý nghĩ theo dõi “kẻ lạ”. Nhưng chậm quá rồi; kẻ lạ đã ở trong rừng sâu mà trời lại sập tối, nên theo không kịp. Thế là hắn đành đứng rình ở bìa rừng. Trăng sáng. Hai ba tiếng đồng hồ sau, Bulatơruyen mới thấy kẻ lạ kia từ rừng sâu đi ra, tay xách một xẻng và một cái cuốc chứ không phải cái hòm nhỏ như lúc nãy. Hắn để mặc người kia đi chứ không dám gọi lại hỏi; hắn nghĩ là người ấy khỏe gấp ba hắn, lại có cuốc trong tay, người kia mà nhận ra được hắn và biết mình đã bị lộ mặt thì thế nào hắn cũng bị đánh chết. Nhưng cái xẻng và cái cuốc đã soi cho hắn một tia ánh sáng; hắn chạy đến chỗ bụi rậm ban sáng thì chẳng thấy cuốc với xẻng đâu cả. Hắn kết luận rằng kẻ lạ vào rừng chỉ là để lấy cuốc đào hố chôn cái hòm và lấy xẻng lấp đi. Cái hòm nhỏ quá, không bỏ vừa một xác chết, vậy chỉ là hòm đựng tiền. Thế là hắn ra công dò tìm. Bulatơruyen sục sạo, thăm dò, chui rúc khắp cả khu rừng, chỗ nào đất có vẻ mới đào lên là hắn xục tới. Nhưng không ăn thua gì. Hắn chẳng “kiếm” được gì hết. Ở Môngphecmây, không ai nghĩ đến cái chuyện ấy nữa. Chỉ có vài mụ lắm mồm miệng có gan nói: “Hãy cứ tin rằng cái lão phu lục lộ Ganhi ấy chẳng dại hành thân hoại thể như vậy để mà chơi. Chắc chắn là có quỉ sứ hiện”.