Chơi chán ở núi yên ngựa, họ nghĩ đến cơm chiều và cả bọn tám người xem chừng đã mệt giạt vào quán Bôngbacđa. Quán này là chi nhánh đặt ở Săng Êlidê của chủ hiệu ăn nổi tiếng Bôngbacđa có cửa hàng chính ở phố Rivôli bên cạnh ngõ Đơlócmơ. Một căn buồng rộng, xấu xí, trong cùng có ngăn kê giường. Chủ nhật quán đông nghịt, cả bọn đành phải bằng lòng một chỗ nghỉ chân vậy. Buồng cũng có hai cửa sổ có thể đứng ngắm cảnh bến sông bên kia rặng cây. Ánh hè rực rỡ phớt qua khung cửa. Hai cái bàn, một cái để mũ nón đàn ông, đàn bà lẫn lộn với các bó hoa sặc sỡ chất cao như núi, một bàn bày loạn xạ nào thức ăn, nào đĩa không, nào chai cốc, nào cốc bia, hồ rượu. Bốn cặp ngồi chung quanh. Trên bàn hơi lộn xộn, dưới bàn cũng chút ít rối ren. Đúng như lời thơ Môlie:Dưới bàn ăn có tiếng gì kinh quá Chân này đạp, chân nọ khoèo, loạn xạ!Âu, tới bốn giờ rưỡi chiều thì cuộc vui diễn bắt đầu từ năm giờ sáng đã đưa đến chỗ đó. Trời về chiều, mọi người bụng đã no nê. Quảng trường Săng Êlidê đầy nắng, người qua lại như mắc cửi, đúng là vinh quang, chỉ gồm có bụi và ánh sáng. Mấy con ngựa cẩm thạch của Macli như đang hí và lồng lộn trong bụi vàng. Xe tứ mã qua qua lại lại. Một đội vệ binh quân phục rực rỡ, kèn đồng dẫn đầu, rẽ đường xuống đại lộ Nơidi. Lá cờ trắng, phơn phớt hồng trong ánh hoàng hôn, phấp phới trên vòm nóc cung Tuylơri. Quảng trường Hòa hợp nay lại lấy tên cũ là quảng trường Lui XV, người đi dạo đông nghịt. Nhiều người ra vẻ đắc chí, lủng lẳng chiếc hoa huệ bằng bạc dính vào một cái dải bằng sa trắng gợn vân. Cái dải trắng này mãi đến năm 1817 hãy còn thấy lác đác ở cúc áo một số người. Đây đó một nhóm người qua đường dừng lại, vây quanh một toán em gái nhỏ đang múa hát và vỗ tay tán thưởng. Các em gửi vào gió một điệu hát nổi tiếng hồi bấy giờ của người phái Buốcbông dùng để mạt sát cái chính quyền Bách nhật mà điệp khúc là: Trả cho ta bố xứ Găng của ta Trả cho ta bố ta(Bố xứ Găng tức là Lui XVIII. Trong thời kỳ bách nhật, Lui XVIII trốn ở Grand, một thành phố thuộc nước Bỉ) Từng đám đông dân ngoại ô súng sính quần áo ngày lễ, có người đeo cả hoa huệ như bọn thị dân, tản mát khắp các khu vườn hoa, chơi trò phi ngựa giật vòng hoặc ngồi quay trên lưng ngựa gỗ. Nhiều kẻ khác đang đánh chén. Một số là thợ nhà in đang học việc, mũ giấy đội đầu, từ xa đã nghe tiếng họ cười. Tất cả đều hớn hở. Thật là một đời thái bình thịnh trị. Chính hồi này quận trưởng cảnh sát Ăngơlet, trong bản mật tấu đặc biệt lên nhà vua về tình hình các vùng ngoại ô Paris, đã kết thúc bằng những lời lẽ như sau: “Xét cho kỹ, tâu bệ hạ, bọn người ấy chẳng có gì đáng sợ cả. Chúng nó vô lo và uể oải như mèo. Bọn dân đen các tỉnh mới hay rầy rà chứ ở Paris thì không. Bọn chúng bé nhỏ quá thể. Tâu bệ hạ, phải hai đứa chồng lên nhau thì mới cao bằng một anh pháo thủ trong cấm binh. Chẳng phải lo ngại tí nào về phía bọn dân ngu của thủ đô. Rất đáng để ý là từ năm mươi năm nay, vóc người họ cứ thấp dần và ngày nay dân ngoại ô bé nhỏ hẳn đi so với hồi trước cách mạng. Chúng nó chẳng có gì nguy hiểm. Tóm lại cái lũ chó đẻ ấy mà ngoan”. Các ngài quận trưởng cảnh sát thì làm sao mà tin được mèo có thể hóa thành sư tử! Ấy thế mà có thật và đó là phép màu của dân chúng Paris. Còn giống mèo mà bá tước Ăngơlet khinh bỉ đến nước ấy, thật ra lại được các nền cộng hòa thời đó tín nhiệm. Trong mắt họ, mèo là hiện thân của tự do và để cho tượng thần Minecvơ không cánh dựng ở Paris khỏi phải trơ vơ, họ dựng tiếp ở quảng trường Côranhtơ tượng một con mèo khổng lồ bằng đồng hun. Ngành cảnh sát của chính quyền phục hưng kể cũng ngây thơ, họ nhìn dân chúng Paris hơi quá “hồng”. Chẳng phải như họ tưởng, dân chúng Paris không hề là “lũ chó đẻ, mà ngoan”. Dân Aten có vai trò như thế nào trong người Hy Lạp thì dân Paris cũng có vai trò như vậy trong người Pháp. Chẳng ai ngủ bì họ, chẳng ai thật tình phù phiếm và lười biếng như họ, cũng chẳng ra vẻ hay quên bằng họ. Tuy vậy xin ai chớ tin vào đó: họ có vẻ sinh ra để chẳng thèm lưu ý đến bất cứ cái gì, ấy thế mà khi có vấn đề vinh quang nêu cao trước mắt thì họ có thể làm tất cả mọi việc hăng say, không ai sánh kịp. Đưa giáo cho họ, họ sẽ làm nên ngày 10 tháng 8; đưa súng cho họ, họ sẽ có Auxteclit. Napoleon lấy họ làm chỗ dựa. Đangtông coi họ là nguồn lực lượng. Tổ quốc lâm nguy ư? Họ sẵn sàng nhập ngũ. Tự do lâm nguy ư? Họ sẵn sàng cạy đường lấy đá. Coi chừng! Tóc họ có thể vì căm thù mà dựng ngược ; chiếc áo lao động của họ có thể biến thành chiến bào. Hãy cẩn thận, bất kỳ phố xá ngõ ngách nào họ cũng có thể biến thành thiên la địa võng bắt quân thù phải hạ giáp. Cho nên đến lúc cần thì người dân ngoại ô ấy lại lớn lên, con người bé nhỏ ấy lại đứng dậy, mắt họ nhìn sẽ dữ tợn, hơi thở họ sẽ như bão táp và từ lồng ngực mỏng manh của họ sẽ tuôn ra đủ giông tố để xáo trộn từng dòng khe mạch của dãy Anpơ. Chính nhờ người dân ngoại ô Paris mà cách mạng, xen lẫn vào các đạo quân, chinh phục châu Âu. Họ hát, đó là họ vui- Cứ so điệu hát cho vừa tầm với bản chất họ mà xem! Chỉ được lặp đi lặp lại có bài Cácmanhôn thì họ chỉ lật đổ nổi Lui XVI, cho họ hát bài Macxâyde họ sẽ giải phóng cả thiên hạ. Xong mấy lời ghi chú trên đây bên lề bản báo cáo của Ănggơlet, xin trở lại với bốn cặp tình. Như trên đã nói, bữa cơm chiều vừa xong.