Bọn con gái còn lại một mình bèn đem nhau ra cửa sổ. Cứ hai người một, họ tì tay lên bậc cửa, cúi nhòm ra ngoài và tán gẫu, nói chuyện truyền từ cửa này sang cửa kia. Họ trông thấy bọn con trai từ quán Bôngbacđa khoác tay nhau đi ra. Chúng quay lại, vẫy tay cười, rồi đi lẫn vào đám đông đầy bụi bặm của những ngày chủ nhật ở quảng trường Săng Êlidê. Phăngtin gọi với theo: - Đừng đi lâu đấy nhé! Dêphin hỏi bạn: - Không biết rồi họ mang cái gì về cho chúng ta nhỉ? - Chắc là đẹp lắm – Đalia bảo. Phavurit thêm: - Tớ thì tớ muốn là một thứ đồ vàng. Rồi họ xao lãng, vì cảnh tấp nập ở phía bờ sông, trông qua màn lá những cây lớn bên đường quá vui mắt. Lúc ấy đương là giờ khởi hành của các chuyến xe thư và hành khách. Hầu hết các xe đi về nam và về tây đều qua Săng Êlidê. Phần lớn chạy dọc bờ sông rồi theo cửa ô Patxy ra khỏi thành phố. Cứ mỗi phút, một cỗ xe lớn sơn vàng và đen chở lặc lè, ầm ầm chạy qua, hình thù méo mó xộc xệch vì mang đầy những hòm, những bọc, những va li, những đầu người thoáng hiện, thoáng khuất. Đá lát đường nát vụn dưới bánh sắt. Cỗ xe dáng giận dữ xông qua giữa đám người, như cả một cái lò bễ tóe lửa và bốc bụi lên như khói. Cảnh huyên náo làm cho các cô thích chí. Phavurit reo: - Nghe loảng xoảng tợn nhỉ! Như từng đống xích sắt tung bay. Có một lúc, các cô trông thấy lờ mờ qua màn lá, một chiếc xe dừng lại một thoáng rồi lại phóng lên. Phăngtin lấy làm lạ: - Lạ chửa! Em cứ tưởng xe chuyến thì chẳng bao giờ đỗ lại. Phavurit so vai: - Cái con bé Phăngtin này thật là kỳ! Tao đến phải đi coi mày như một của lạ. Chẳng có cái gì là không làm cho mày ngạc nhiên. Đây nhé: tao là một hành khách; tao dặn người đánh xe: tôi đi lên trước, tôi đón anh ở đường bờ sông. Xe đi, xe trông thấy tao, xe đỗ lại cho tao lên. Ngày nào mà không có chuyện như thế! Em chẳng hiểu gì việc đời cả, em ạ. Một lát. Bỗng Phavurit như tỉnh giấc: - Ô này, món quà bất ngờ đâu nhỉ? Đalia cũng nói: - Ơ nhỉ! Cái món bất ngờ ghê gớm ấy đâu? Phăngtin: - Các anh ấy đi lâu thế: Phăngtin vừa buông xong tiếng thở dài thì người hầu bàn khi nãy vào, tay cầm cái gì như là một phong thư: Phavurit mau miệng hỏi: - Cái gì thế? - Các ông ấy trước khi đi có để cái giấy này lại cho các bà. - Sao anh không đưa vào ngay? - Vì các ông ấy dặn là phải chờ một tiếng đồng hồ rồi hãy đưa. Phavurit giật tờ giấy trên tay người hầu bàn. Quả là một phong thư: - Ô này! Thư không đề địa chỉ. Nhưng lại có mấy chữ: Đây là món quà bất ngờ Cô vội vàng bóc thư mở ra đọc (cô biết đọc): “Hỡi các em yêu dấu! Các em nên biết rằng các anh có cha mẹ. Nói đến cha mẹ, các em chẳng hiểu là cái gì. Dân luật giải thích ngây thơ nhưng đúng: cha mẹ là cha sinh mẹ đẻ. Ấy, cha mẹ của bọn anh đương than vãn, các ông bà già ấy đương gọi các anh về, những con người chất phác ấy mắng các anh là đồ phá gia chi tử. Các cụ mong các anh về, các cụ hứa mổ bò ăn khao. Các anh vốn là những đứa có hiếu nên phải tuân lời. Lúc các em đọc tờ giấy này cũng là lúc bốn con ngựa hăng máu đang chở bọn anh về với các cụ. Bọn anh dùng chước “thừa cơ lẻn bước ra đi” như nhà thơ đã nói. Các anh đi đây, các anh đi thẳng. Các anh tẩu bằng xe, các anh bay bằng cánh. Chuyến xe Tulu đang kéo các anh ra khỏi vực thẳm, vực thẳm ấy chính là các em, hỡi các cô bé xinh đẹp! Các anh trở về với cha mẹ, với bổn phận, với nề nếp. Các anh phóng nước đại, tốc độ ba dặm một giờ. Tổ quốc muốn rằng các anh phải như thiên hạ, nghĩa là cũng làm quận trưởng, cũng lấy vợ đẻ con, cũng làm lính tuần phòng hay bộ trưởng. Các em nên tôn thờ các anh. Các anh đã tự hy sinh đây. Các em hãy khóc các anh sơ qua một tí thôi, rồi liệu chong chóng tìm người thay chân các anh. Nếu lá thư này vò xé lòng các em thì các em vò xé trả. Thôi, vĩnh biệt nhé. Trong ngót hai năm, các anh đã làm cho các em sung sướng. Vậy đừng nên oán thán các anh. Ký tên: Blasơven Phamơi Lichtôliê Tôlômiet Tái bút: “Bữa cơm đã thanh toán” Bốn cô nhìn nhau. Phavurit lên tiếng trước: - Thế nào! Gọi là một trò hí kịch cũng phải đấy chứ! Dêphin: - Buồn cười thật đấy! Phavurit lại nói: - Đây chắc là sáng kiến của anh chàng Blasơven. Nó làm cho mình càng say mê hắn. Cứ hễ người ta đi thì mình lại đâm yêu người ta, chuyện đời là thế! Đalia cãi: - Không đâu. Chính là ý kiến của Tôlômiet. Khó gì mà không nhận thấy. - Nếu vậy thì – Phavurit lại nói – đả đảo Blasơven, hoan hô Tôlômiet! Cả lũ phá ra cười. Phăngtin cũng cười như các bạn. Một giờ sau, khi về đến buồng riêng, Phăngtin khóc. Đây là mối tình đầu của nàng, ta đã biết. Phăngtin đã hiến thân hoàn toàn cho Tôlômiet như đối với một người chồng và tội nghiệp, nàng đã có con.