Đến khoãng bốn giờ chiều, tình hình đạo quân Anh nghiêm trọng. Hoàng thân Orăng chỉ huy mặt giữa. Hin cánh phải, Pietơn cánh trái. Hoàng thân rối trí nhưng dũng cảm, thét lên động viên liên quân Hà – Bỉ: “Nátxô! Bơrăngguych! Nhất định không lùi!” Cánh quân của Hin đã núng thế, Hin phải đến tựa vào Oenlinhtơn. Còn Pietơn thì đúng vào lúc quân Anh cướp được của quân Pháp lá cờ của quân đoàn số 105, quân Pháp đã bắn chết ông ta bằng một viên đạn xuyên qua đầu. Oenlinhtơn có hai điểm tựa: Hugômông và He Xanh – Hugômông thì còn giữ được nhưng bốc cháy, còn He Xanh thì đã mất. Ở đấy, cả một tiểu đoàn Đức chống giữ, chỉ có bốn mươi hai người sống sót, tất cả sĩ quan đều bị giết hoặc bị bắt, chỉ còn năm người. Ba nghìn binh sĩ đã chém giết nhau trong cái kho thóc ấy. Một đội trưởng cận vệ Anh, chính là tay vô địch quyền Anh, nổi tiếng trong quân ngũ là bất khả xâm phạm, đã bị một chú thiếu niên lính kèn Pháp giết chết ở đấy. Bêrin bị tống ra, Onten bị chém chết cũng ở đấy. Rất nhiều lá cờ của tiểu đoàn Luynơbua mà người cầm là một hoàng thân xứ Đơpông. Quân Êcốt xám không còn một ai, đoàn kỵ binh hộ pháp của Pônxônbi bị vằm nát. Họ khá dũng cảm nhưng đã bị kỵ binh giáo dài của Bơrô và kỵ binh thiết giáp của Tơrave đè bẹp. Trong số một nghìn hai họ chỉ còn sáu trăm; trong số ba trung tá, hai đã tử trận: Hamintơn bị thương, Matơ bị giết. Còn Pônxônbi cũng bị ngã, bị đâm đến bảy nhát giáo. Goócđơn chết, Mácsơ cũng chết. Hai sư đoàn năm và sáu bị tiêu diệt. Sau khi Hugômông bị lấn và He Xanh bị mất thì chỉ còn một mắt cứng nữa là mặt giữa. Mắt cứng ấy giữ vững Oenlinhtơn tăng quân củng cố, gọi Hun từ Mécbơren, gọi Sátxê từ Bơren Lalơ về. Mặt giữa quân Anh; đóng thành vành hơi lõm, hàng ngũ đông đặc, ở vào một địa thế vững chãi. Nó chiếm cả cao nguyên Mông Xanh Giăng, đằng sau là làng xóm, trước mặt là sườn dốc hồi bấy giờ còn khá ngược. Nó tựa lưng vào một ngôi nhà vững chắc – bấy giờ là tài sản của quận Niven, nằm giữa ngã ba đường. Ngôi nhà này xây từ thế kỷ mười sáu, toàn bằng đá, làm nên một khối rất vững, đạn pháo bắn vào chỉ xước qua chứ không suy suyển nổi. Chung quanh cao nguyên, quân Anh đã cắt xén các hàng giậu, phát những lỗ trống trong các chòm hoa dại, giấu một họng đại bác giữa hai cành cây, biến các bụi gai thành công sự đặt súng. Pháo binh của họ đều phục như vậy trong bụi bờ cả. Công việc lừa gạt ấy được phép đem dùng vì trong chiến tranh có thể dùng cạm bẫy. Có điều họ làm khéo quá đến nỗi, Napoleon hồi chín giờ sáng, đã cho Haxô đi trinh sát pháo địch, chẳng trông thấy gì cả và trở về báo cáo là không có gì trở ngại cả, trừ hai chiến lũy chắn ngang các con đường đi Niven và Giơnáp. Bấy giờ lúa cũng đã tốt; men theo bờ cao nguyên, quân Anh cũng đã cho tiểu đoàn 95 của lữ đoàn Căm, trang bị bằng súng nhẹ và nhanh, nằm phục sẵn trong lúa. Sau khi đã chống đã chèn một cách bảo đảm như vậy, mặt giữa của đạo quân Anh – Hà coi như ở vào thế khá vững chãi. Chỗ hở của trận địa này là khu rừng Xoanhơ, liền sát với chiến trường nhưng có các đầm nước Gơrônăngđaen và Boapho cắt ngang. Nếu phải lùi vào đó thì dù một quân đoàn cũng khó mà không tiêu tan, vì các trung đoàn lập tức vỡ nát ngay, còn pháo thì chết chìm trong các đầm nước. Rút lui vào đó, theo ý kiến của nhiều người trong nghề - đành rằng có kẻ khác bác bỏ - chỉ là một cuộc tháo thân, mạnh ai nấy chạy mà thôi. Oenlinhtơn rút từ cánh phải một lữ đoàn của Sátxô từ cánh trái một lữ khác của Uyncơ và sư đoàn Cơlintơn về tăng cường cho mặt giữa, phụ lục hai bên là bộ binh của Bơrăngguych, của Nátxô, quân Hanôvơrơ và quân Đức. Như vậy là Oenlinhtơn nắm trong tay hai mươi sáu tiểu đoàn. Và, như Sarát nói, cánh phải của đạo quân đã bẻ cụp lại đằng sau mặt giữa. Ở chỗ ngày nay gọi là “Bảo tàng Oateclô” là một khẩu đội pháo khổng lồ che khuất sau một đống bao đất. Ngoài ra, Oenlinhtơn còn có sau một nếp đất cao, đội kỵ binh cận vệ của Xômơcxet gồm một nghìn bốn trăm ngựa, phân nửa của đoàn kỵ binh Anh nổi tiếng. Phần của Pônxônbi đã bị tiêu diệt, nhưng đoàn của Xômơcxet hãy còn đó. Khẩu đội pháo nếu bố trí xong xuôi sẽ có thể hầu như là một công sự. Nó được đặt sau một bức tường thấp trong vườn, phủ vội lên một lớp bao cát và đắp nhanh một vành đất rộng và cao án ngữ. Công sự này chưa hoàn thành, vì không còn đủ thì giờ để rào ngăn chung quanh nữa. Oenlinhtơn trong lòng băn khoăn nhưng không để lộ ra nét mặt. Suốt ngày ông ngồi trên mình ngựa, luôn luôn trong một tư thế không thay đổi, trước cái cối xay cổ của Mông Xanh Giăng, dưới bóng một cây du. Cối xay này hiện nay hãy còn, duy cây du thì một người Anh, vào loại những kẻ phá hoại mà tưởng mình nhiệt tình với lịch sử đã bỏ ra hai trăm phơrăng để mua, rồi cưa và đem đi. Oenlinhtơn đứng đó, anh dũng một cách lạnh lùng. Chung quanh, đạn pháo tới tấp như mưa. Goócđơn, viên sĩ quan phụ tá nữa ngã xuống bên cạnh. Hin trỏ một quả tạc đạn đang nổ, hỏi: “Thưa tướng quân, nếu ngài có mệnh hệ nào thì ngài định chỉ thị như thế nào và ra lệnh ra làm sao cho chúng tôi?” Ông ta đáp: “Cứ làm như tôi”. Ông cũng nói vắn tắt với Cơlintơn: “Giữ chỗ này đến người cuối cùng!” Thế trận xấu đi trông thấy. Ông ta nhìn vào các chiến hữu của mình ở Talavêra, ở Vittôria, ở Xalamăng trước kia và lớn tiếng kêu gọi: “Này các cậu! Làm thế nào mà nghĩ đến chuyện rút lui cho được? Phải nghĩ đến tổ quốc Anh lâu đời của chúng ta chứ!” Khoãng bốn giờ chiều, bên trận tuyến quân Anh thấy có chuyển dịch về phía sau. Đột nhiên trên ngọn cao nguyên Mông Xanh Giăng chỉ thấy có pháo binh và các tốp lính bắn lẻ, còn tất cả đều mất hút. Thật ra bị pháo binh quân Pháp đập đuổi, họ phải lùi xuống một nếp đất sâu, chỗ có con đường ra vào của nhà trại ở Mông Xanh Giăng cắt ngang, đến nay hãy còn trông thấy. Một sự vận động chuyển về sau xuất hiện, trận tuyến quân Anh đã lẩn tránh mặt trước. Oenlinhtơn đã lùi. Napoleon reo lên: “Bắt đầu rút lui rồi!”