Vì chúng tôi đang kể lại một số chi tiết về lịch sử của tu viện Pơti Pichpuýt và đã mạnh dạn trổ một cái cửa sổ để nhìn vào cái nhà kín đáo này, chúng tôi cũng xin độc giả cho phép kể một chuyện nhỏ nữa, không liên quan đến cuốn sách này, nhưng tiêu biểu và bổ ích vì chuyện ấy cho chúng ta hiểu rằng nhà tu kín này cũng có những nhân vật độc đáo của nó.Ở trong tu viện ngày trước có một bà già một trăm tuổi ở nhà tu Phôngtơvơrô đến. Trước cách mạng bà đã sống trong xã hội thượng lưu. Bà thường nhắc đến ngài Đơ Mirơmexnin, thượng thư bộ Tư pháp dưới triều vua Lui XVI và một bà Chánh án mà bà rất quen thuộc. Điều thích thú và tự hào của bà là luôn nhắc đến hai cái tên ấy trong bất cứ câu chuyện nào. Bà nói rất nhiều điều kỳ diệu về tu viện Phôngtơvơrô, bà bảo nó như là một thành phố và ở trong tu viện có cả những đường phố.Bà nói giọng Pica làm cho các cô lưu trú buồn cười. Năm nào bà cũng khấn nguyện lại một lần và khi làm lễ khấn nguyện, bà nói với vị linh mục chủ lễ: “Đức cha Xanh Phơrăngxoa đã trao cho Đức cha Xanh Giuyliêng, Đức cha Xanh Giyliêng đã trao cho Đức cha Xanh Ơđebơ, Đức cha Xanh Ơđebơ đã trao cho Đức cha Xanh Pơrôcôpơ… và như thế con xin trao cho cha”. Các cô gái lưu trú tha hồ cười, không phải cười thầm, mà cười sau tấm mạng che mặt. Những tiếng khúc khích đáng yêu nén lại khiến các mẹ tư vấn cau mày.Một lần khác bà lão trăm tuổi ấy kể lại chuyện xưa. Bà bảo khi bà còn trẻ, các tu sĩ dòng Becnađanh chẳng chịu thua bọn lính ngự lâm pháo thủ. Thật là một thế kỷ ồn ào, nhưng đó là thế kỷ 18. Bà kể lại tục của xứ Săngpanhơ và xứ Buôcgônhơ uống bốn thứ rượu. Trước cách mạng khi một nhà quyền quí, một vị thống chế, một ông hoàng, một công tước, một ông nghị đi ngang qua một thành phố xứ Buôcgônhơ hay xứ Săngpanhơ, thì phái đoàn thành phố đến chúc mừng và dâng rượu trong bốn cái bát hình con thuyền bằng bạc, đựng bốn thứ rượu khác nhau. Bát thứ nhất ghi Rượu khỉ, bát thứ hai: Rượu sư tử, bát thứ ba: Rượu cừu và bát thứ tư: Rượu lợn. Bốn chữ ghi chú đó nói lên bốn bậc thang mà người say rượu lần lượt tụt xuống. Độ say thứ nhất làm cho người ta vui cười, độ say thứ hai làm cho người ta tức giận, độ say thứ ba làm cho người ta đần độn, độ say thứ tư làm cho người ta hóa súc vật.Bà giấu ở trong một cái tủ luôn luôn khóa một vật bí mật mà bà quí lắm. Kỷ luật nhà tu Phôngtơvơrô không cấm điều đó. Bà không cho ai xem vật quí ấy. Bà đóng cửa phòng, kỷ luật của dòng tu cho phép và bà giấu mọi người, mỗi khi bà muốn ngắm vật ấy. Nếu ngoài hành lang có tiếng người đi, tức thì bà đóng cửa tủ hết sức nhanh với đôi bàn tay già yếu của bà. Nếu ai nhắc đến vật đó, thì bà im lặng ngay, tuy bà xưa nay vẫn hay nói. Những người tò mò nhất cũng đành chịu thua trước sự im lặng của bà và những người bền bỉ nhất cũng phải lùi trước quyết tâm của bà. Chuyện ấy cũng là đầu đề bàn tán của tất cả những ai vô công rồi nghề, hay buồn chán trong tu viện. Vật quí báu và bí mật ấy, cái kho tàng của bà lão trăm tuổi ấy là cái gì? Chắc là một quyển thánh kinh, một chuỗi tràng hạt đặc biệt, một thánh tích nào chăng? Người ta tha hồ phỏng đoán. Khi bà lão chết, người ta chạy vội đến cái tủ, vội vượt cả lễ độ, người ta mở tủ và tìm thấy vật đó, bọc trong ba lần vải như một hình thánh. Nó là một cái đĩa Phaăngđa có vẽ hình những thần ái tình bay bổng lên trời và bị một đoàn dược sĩ đuổi theo những ống tiêm khổng lồ. Cuộc săn đuổi này điểm xuyết không ít vẻ mặt cau có và nhiều dáng điệu khôi hài: một thần ái tình xinh xắn đã bị xiên thủng, giãy giụa, đập đôi cánh nhỏ, cố chạy thoát. Nhưng thằng hề kia cười một cách quỉ quái, ghê rợn. Ý nghĩa: ái tình thua cơn đau bụng. Cái đĩa ngộ nghĩnh này, cái đĩa có lẽ đã gợi cho Môlierơ một màn hài kịch năm 1845, vẫn hay còn bày bán ở cửa hàng bán đồ cũ phố Bômácse.Bà già không muốn tiếp khách nào bên ngoài, bởi vì, theo ý bà, cái phòng tiếp khách buồn quá.