Người dịch: HUỲNH LÝ, VŨ ĐÌNH LIÊN, LÊ TRÍ VIỄN, ĐỖ ĐỨC HIỂU
Chương III
MẸ INÔXĂNGTƠ

Mười lăm phút trôi qua. Mẹ nhất trở lại phòng, ngồi trên chiếc ghế.
Trong cuộc đối thoại, hai người đều có vẻ lo âu. Chúng tôi xin cố gắng ghi đúng câu chuyện trao đổi như sau:
Lão Phôvăng ạ.
Bẩm mẹ dạy gì?
Lão biết nhà nguyện chứ?
Hàng ngày con vẫn được lên cái buồng nhỏ để nghe kinh và xem lễ.
Thế lão có vào sàn hát bao giờ không?
Bẩm, con có vào vài ba lần.
Phải bẩy một tảng đá.
Bẩm có nặng không ạ?
Tảng đá bên cạnh bàn thờ.
Bẩm tảng đá đậy cái hầm ấy à?
Phải.
Giá được hai người đàn ông thì tốt quá.
Mẹ Atxăngxiông sẽ giúp lão một tay, bà ấy khỏe chẳng kém gì đàn ông.
Đàn bà thì chẳng bao giờ khỏe bằng đàn ông.
- Chúng ta chỉ có một phụ nữ để giúp lão thôi. Bà ấy sẽ cố gắng, làm được chừng nào hay chừng ấy. Linh mục Mabiông kể bốn trăm mười bảy thư của thánh Bécna, còn Méclônuyt Hoócchiuyt chỉ được có ba trăm sáu mươi bảy, không vì thế mà tôi coi nhẹ Méclônuyt Hoócchiuyt.
Con cũng vậy.
Làm hết sức mình là đáng quí rồi. Nhà tu đâu có phải là công trường.
Và đàn bà cũng chẳng phải là đàn ông. Chú em tôi nó khỏe lắm.
Lão còn có đòn để bẩy kia mà.
Vâng, phải có thứ chìa khóa ấy mới mở nổi cái loại cửa ghê gớm kia.
Tảng đá còn có cái vòng sắt nữa.
Con sẽ luồn đòn bẩy qua cái vòng ấy.
Và tảng đá xoay được.
Bẩm mẹ, được. Con sẽ mở hầm.
Có bốn mẹ sẽ đỡ việc lão.
Thế mở xong thì làm gì ạ?
Rồi phải đóng lại.
Thế là xong ạ?
Chưa.
Bẩm mẹ, xin mẹ cứ dạy.
Lão Phôvăng ạ. Các mẹ tin lão lắm.
Con xin làm tất.
Và phải giữ kín tất.
Bẩm vâng.
Mở cửa hầm xong…
Con sẽ đóng lại.
Nhưng trước đó…
Gì cơ ạ?
Phải đưa xuống hầm một cái gì.
Im lặng một lát. Mẹ nhất, hơi bĩu môi dưới ra như ngập ngừng, rồi nói:
Lão Phôvăng ạ.
Lão biết là có một mẹ vừa qua đời sáng nay chứ?
Bẩm không.
Thế lão không nghe thấy chuông báo à?
Ở cuối vườn chỗ con, chẳng nghe thấy gì hết.
Thật à?
Con nghe được hồi chuông gọi con cũng đã khó nhọc lắm.
Mẹ ấy tịch lúc sáng sớm.
Vả lại sáng nay, gió không thổi về phía con.
Đó là mẹ Cơruyxiphixiông. Mẹ là một bậc thánh.
Mẹ nhất ngừng lại nói, môi hơi mấp máy như để khẽ cầu nguyện, rồi lại tiếp:
- Ba năm trước đây, chỉ thấy mẹ Cơruyxiphixiông cầu kinh thôi mà bà Đơ Bêtuym phải cải quy đạo Cơ đốc, trước bà ta theo phái Giăngxênit!
- Ái chà! Bẩm mẹ, bây giờ con mới nghe thấy chuông báo tử.
- Các mẹ đã khiêng mẹ Cơruyxiphixiông sang buồng nhà xác, thông với nhà thờ.
- Bẩm vâng.
- Ngoài lão ra, không một người đàn ông nào được vào buồng ấy. Lão phải trông chừng đấy, một người đàn ông nào vào thì chả ra làm sao đâu!
- Hơn thế!
- Cái gì?
- Hơn thế.
- Lão nói gì vậy?
- Con bảo: Hơn thế.
- Hơn thế là hơn cái gì?
- Thưa mẹ bề trên, con không nói hơn thế cái gì. Con nói hơn thế.
- Ta chẳng hiểu lão nói gì cả. Tại sao lão nói hơn thế?
- Bẩm mẹ, để nói như mẹ.
- Ta không nói hơn thế.
- Mẹ không nói như thế, nhưng con nói như thế để nói như mẹ.
Lúc ấy chuông điểm 9 giờ.
Mẹ nhất cầu nguyện:
“Chín giờ sáng và tất cả mọi giờ, ngợi khen và thờ lạy thánh thể rất thiêng liêng”.
Amen, Phôsơlơvăng nói.
Chuông điểm đúng lúc, nó cắt đứt cái chuyện “Hơn thế” nếu không thì mẹ nhất và Phôsơlơvăng không làm thế nào gỡ được cái cuộn chỉ rối ấy.
Phôsơlơvăng lau mồ hôi trán.
Mẹ nhất lại lầm rầm khe khẽ trong miệng như khấn vái, rồi mẹ nói to:
- Lúc sinh thời, mẹ Cơruyxiphixiông cải tôn biết bao nhiêu người. Mất đi, chắc hẳn mẹ làm nhiều phép nhiệm mầu lắm.
- Bẩm, hẳn mẹ sẽ làm nhiều phép nhiệm mầu.
Phôsơlơvăng nói theo và cố gắng giữ hết sức để khỏi hớ lần nữa.
- Lão Phôvăng ạ, tất cả giáo hữu đã được ban phúc qua mẹ Cơruyxiphixiông. Nhất định không phải ai cũng được chết như giáo chủ Đơ Bêruyn trong lúc giảng kinh và gửi hồn lên Chúa khi cầu nguyện Hone igitur oblationem (Vậy xin dâng của lễ này). Tuy không được hạnh phúc ấy, mẹ Cơruyxiphixiông cũng chết một cách quí hóa. Cho tới phút tắt thở mẹ vẫn tỉnh táo. Mẹ còn chuyện trò với chị em chúng ta, rồi mẹ còn cầu kinh nữa. Mẹ đã cho chị em chúng ta những mệnh lệnh cuối cùng. Giá lão là người sùng đạo hơn và giá lão cũng được vào buồng mẹ Cơruyxiphixiông lúc ấy, thì mẹ chỉ sờ vào chân lão, lão đã khỏi tật. Mẹ mỉm miệng cười, tựa như phục sinh trong lòng Chúa. Thật như có thiên đường trong cảnh chết ấy.
Phôsơlơvăng tưởng như nghe thấy bài kinh cầu siêu chấm dứt. Lão nói:
Amen.
Lão Phôvăng ạ, người chết muốn sao, ta phải làm như vậy.
Mẹ nhất lần tràng hạt. Lão Phôsơlơvăng im lặng.
Bà lại tiếp:
- Về vấn đề này ta đã xin ý kiến nhiều vị giáo sĩ phục vụ và lo về cuộc sống trong đạo và đã đạt được những kết quả rất tốt đẹp.
- Thưa mẹ bề trên, ở đây nghe rõ tiếng chuông báo tử hơn là ở ngoài vườn.
- Vả chăng mẹ Cơruyxiphixiông không phải là một người quá cố bình thường, mẹ là một vị thánh.
- Bẩm cũng như mẹ.
- Từ hai mươi năm nay, mẹ vẫn nằm trong cái áo quan riêng của mẹ do giáo hoàng Pi VII cho phép.
- Người đã làm lễ đăng quang cho Hoàng… Bônapac.
Phôsơlơvăng vốn tinh ranh là thế mà buột miệng nói theo điều ghi nhớ của mình như thế cũng thật rầy. Cũng may mẹ nhất đang bận suy nghĩ không nghe thấy gì.
Mẹ nói tiếp:
Lão Phôvăng.
Bẩm mẹ dạy?
- Thánh Điôđorơ, tổng giám mục Capađôxơ, ngỏ ý muốn người ta chỉ ghi mộ mình một chữ này: Acarú, nghĩa là con giun đất. Người ta đã làm theo ý thánh như vậy, có phải không?
Thưa mẹ vâng.
- Thánh Mêđôcanơ toàn thiện toàn phúc, viện trưởng ở Akila, muốn được chôn dưới một cái giá treo cổ. Điều đó đã được thực hiện.
Thưa vâng.
- Thánh Têrăngxơ, giám mục địa phận Pô trên cửa sông Tibơrơ vùng bờ bể, muốn người ta khắc trên bia mình cái dấu ghi trên mả những đứa giết cha, mong rằng khách qua đường ai cũng nhổ nước miếng trên mả mình. Điều đó cũng được thực hiện. Phải tuân lệnh người chết.
Cầu Chúa cho như thế.
- Thi hài của Bécna Ghiđôni, sinh ở nước Pháp, gần Rôdơ Abây, đã được đưa vào nhà thờ dòng Đôminicanh ở Limôgiơ, theo lệnh của Người và mặc dù vua Caxtiơ phản đối, tuy rằng Bécna Ghiđôni là giám mục Tuy ở Tây Ban Nha. Ai nói trái được.
Nhất định không ạ. Bẩm mẹ.
Điều này đã được Pơlăngtavít Đơ la Phôxơ chứng thực.
Mẹ lại yên lặng lần thêm vài hạt nữa. Rồi mẹ nói tiếp:
- Lão Phôvăng ạ. Phải chôn mẹ Cơruyxiphixiông trong chiếc quan tài mẹ vẫn nằm từ hai mươi năm nay.
- Như thế là phải ạ.
- Vẫn là tiếp tục ngủ thôi.
- Con sẽ đóng quan tài ấy lại?
- Phải.
- Còn chiếc quan tài của sở thì để lại ạ?
- Đúng thế.
- Con xin tuân lời thánh hội muôn vàn tôn kính.
- Bốn mẹ trong ban đồng ca sẽ giúp lão.
- Giúp việc đóng quan tài ấy à? Bẩm mẹ chả cần ạ.
- Không. Là nói giúp việc đưa quan tài xuống cơ.
- Xuống đâu ạ?
- Xuống hầm.
- Hầm nào ạ?
- Hầm dưới điện thờ.
Lão Phôsơlơvăng giật nảy mình:
Cái hầm dưới bàn thờ ấy à?
Đúng, dưới bàn thờ.
Nhưng…
Có cái thanh sắt để bẩy mà.
Vâng, nhưng…
Luồn thanh sắt vào cái vòng mà bẩy.
Nhưng…
- Phải tuân lệnh người đã chết. Mẹ Cơruyxiphixiông Chỉ có một nguyện vọng lớn nhất là được chôn cất ở trong hầm mộ dưới bàn thờ nhà nguyện, không phải nằm nơi trần tục. Mẹ muốn yên nghỉ ở nơi lúc sống mẹ thường vẫn cầu kinh. Mẹ đã nói thế, tức là lệnh của mẹ vậy.
Nhưng, người ta cấm…
Người trần cấm, nhưng Chúa ra lệnh.
Nhỡ lộ việc thì sao?
Chúng ta tin ở lão.
Con thì sẽ lặng thinh như hòn đá trong vách này.
- Hội đồng đã họp. Các mẹ tư vấn đang bàn và ta cũng vừa hỏi ý kiến xong, các mẹ đã nhất quyết chôn mẹ Cơruyxiphixiông trong áo quan của mẹ, ở cái hầm mộ dưới bàn thờ. Lão Phôsơlơvăng này, hãy nghĩ xem, nếu phép nhiệm màu mà diễn ra ở đây thì thế nào? Vinh quang thay cho tu viện ta từ trong lòng Chúa. Phép mầu từ mộ mà lên đấy.
Nhưng, bẩm chỉ sợ nhân viên ban vệ sinh…
- Về việc mai táng. Thánh Bơnoa II đã chống lại hoàng đế Côngstăngtanh Pôgôna.
Thế nhỡ ông cầm…
- Một trong bảy ông vua Đức xâm nhập các xứ Gôlơ dưới triều vua Côngstăng là Cônôdơme đã chính thức công nhận quyền của người tu sĩ được chôn cất trong lòng đạo, tức là dưới bàn thờ.
Nếu ông thanh tra quận…
- Trước thánh giá, người trần tục không có quyền gì hết. Máctanh, giáo trưởng thứ mười một dòng tu Sáctơrơ, đã nêu cái phương châm này cho dòng tu của mình: Stat crux dum volvitur orbis (Tiếng Latinh: cây thánh giá đứng yên trong lúc trái đất xoay vần).
Phôsơlơvăng cầu:
Amen.
Đó là đối phó bất di bất dịch của lão mỗi khi nghe ai đọc tiếng Latinh.
Đối với một người đã im lặng quá lâu thì gặp bất cứ ai cũng là một dịp để nói hết những điều muốn nói. Nhà hùng biện Gimnatôrát hôm ở tù ra, trong người đầy ắp những lưỡng đoạn luận và tam đoạn luận bị nén, đứng lại trước gốc cây đầu tiên gặp trên đường và đem tất cả tài hùng biện ra để thuyết phục gốc cây đó. Mẹ nhất thường ngày bị kỷ luật im lặng khống chế, bụng đầy những giáo điều, đứng dậy nói thao thao như mở cống:
- Bên phải ta là Bơnoa, bên trái là Bécna. Bécna là ai? Là tu viện trưởng đầu tiên của Cơlécvô. Phôngtenơ đơ Buôcgônhơ là cái xứ sở được phúc Chúa vì là sinh quán của ngài. Cha ngài là Têxơlanh và mẹ ngài là Aletơ. Ngài đã bắt đầu ở Xitô và sau ở Cơlécvô. Ngài đã được phong viện trưởng do giám mục Ghiômơ đơ Săngpô địa phận Salông suya Xônơ, ngài có bảy trăm tu sĩ tập sự và đã dựng 160 nhà tu. Người đã đánh gục Abêla ở hội nghị Xăngxơ năm 1140 và Pierơ đơ Bơruy và Hăngri môn đệ của Pierơ đơ Bơruy và một loại lầm đường khác, bọn Apôxtôlic; ngài đã khuất phục Acnô đơ Bơrexơ, quật ngã như sét đánh linh mục Raun; tên đồ tể giết dân Do Thái; ngài khống chế cả hội nghị Ranhxơ năm 1184, ngài làm cho Ginbe đơ la Pôrê, giám mục Poachiê và Eông đơ Lêtôalơ bị kết án; ngài dàn xếp xích mích của các vua chúa, chỉ bảo cho vua Lui Lơ Giơnơ, làm cố vấn cho giáo hoàng Ơgienơ III, ghép vào quy chế giáo hội Lơtăngpơlơ, kêu gọi thập tự viễn chinh, làm 250 phép màu trong đời mình và có lần 39 phép màu trong một ngày. Bơnoa là ai? Là thánh tổ của Mông Caxanh, là người sáng lập thứ hai của Tính thiêng của tu viện, là Badilơ của giáo hội phương Tây. Dòng đạo của người đã sản sinh 40 giáo hoàng, hai trăm giáo chủ, năm mươi thánh tổ, một nghìn sáu trăm tổng giám mục, bốn nghìn sáu trăm giám mục, bốn hoàng đế, mười hai đế hậu, bốn mươi sáu vua, bốn mươi mốt hoàng hậu, ba nghìn sáu trăm vị được phong thánh và tồn tại từ một nghìn bốn trăm năm nay. Một bên thánh Bécna, một bên viên chức vệ sinh; một bên thánh Bơnoa, một bên viên thanh tra lục lộ. Nhà nước, sở lộ chính, sở tang tế, luật lệ cơ quan hành chính, chúng ta không biết. Bao nhiêu người sẽ phẫn nộ trước sự đối xử với chúng tôi. Họ tước cả của chúng tôi các quyền hiến dâng cát bụi của chúng tôi cho Giêsu Cơrít! Vệ sinh của các anh là một bịa đặc của cách mạng. Chúa trời phụ thuộc viên cảnh sát trưởng! Thời thế như thế đấy. Im đi thôi, lão Phôvăng!
Dưới trận mưa rào ấy, Phôsơlơvăng rất lúng túng. Mẹ nhất nói tiếp:
- Ai mà chối cãi được quyền chôn cất tu sĩ của các tu viện? Chỉ có bọn tà đạo và bọn lạc đường phủ nhận nó thôi. Chúng ta đang sống trong một thời đại hỗn loạn ghê gớm. Người ta không biết những điều phải biết mà lại biết những điều không nên biết. Ngu muội và vô đạo. Trong thời đại này có những người lầm vị thánh Bécna tối cao tối đại với Bécna gọi là “Bécna của những người Giatô nghèo”, một giáo sĩ hiền từ ở thế kỷ XIII. Có kẻ phỉ báng đến nỗi liên hệ máy chém chém Lui Xvi với thập tự giá đóng đinh Giêsu Cơrít. Lui XVI chỉ là một ông vua. Phải coi chừng Chúa. Không còn cái gì công bằng, cái gì là bất công nữa. Người ta biết tên Vonte mà không biết tên Xêda đơ Buy; thế mà Xêda đơ Buy là một bậc hằng phúc, còn Vonte thì là một tên khốn khổ. Vị tổng giám mục cuối cùng, giáo chủ Pêrigo, không biết cả rằng Sáclơ đơ Gôngđơren đã kế tục Bêruyn, Buôcgoanh đã kế tục Gôngđơren, Giăng Phơrăngxoa Xơnôn kế tục Buôcgoanh và cha Xanhà tuơ Máctơ kế tục Giăng Phơrăngxoa Xơnôn. Người ta nhớ tên linh mục Côtông, không phải vì ông là một trong ba người đã góp phần sáng lập dòng Oratoarơ, mà là vì vua đạo cải cách Hăngri IV đã hay văng tục với cái tên ông ấy. Còn Xanh Phơrăngxoa đơ Xan người đời thích vì ngài ấy hay gian lận trong cờ bạc. Người ta đả kích tôn giáo. Vì sao? Vì đã có những linh mục xấu, vì Xagite, giám mục Gap là anh em của Xalôn, giám mục Ăngbơren và cả hai đã đi theo Mommon. Điều đó có làm sao? Có phải vì thế mà Máctanh đơ Tua không phải là Thánh và không cắt đôi tấm áo khoác cho một người nghèo? Người ta khủng bố các vị thánh, người ta nhắm mắt trước chân lý. Đêm tối đã thành thói quen. Những con thú dữ tợn nhất là những con thú mù. Chẳng ai nghĩ đến địa ngục! Ôi! Cái quần chúng xấu xa độc ác! Lệnh vua bây giờ là lệnh của cách mạng. Người ta không còn biết phải làm gì cho người chết. Cấm không được chết một cách tinh thành. Mồ mả là chuyện hành chính. Ghê tởm quá. Giáo hoàng Xanh Lêông II đã gửi thông điệp đặc biệt, một cho Pierơ Note, một cho vua của người Vidigốt, để phản đối và bác bỏ quyền hành của quan thái thú và quyền vô thượng của Hoàng đế trong vấn đề tang lễ. Côchiê, giám mục Xalông về vấn đề này đã đương đầu với Ôtông, công tước Buôcgônhơ. Các vị thẩm phán xưa cũng đồng tình. Ngày xưa chúng tôi có quyền phát biểu về cả việc đời. Viện trưởng tu viện Xitô, trưởng dòng, là thẩm phán chỉ định của tòa thượng thẩm Buôcônhơ. Chúng tôi được toàn quyền xếp đặt những người chết của chúng tôi. Cả thi hài của thánh Bơnoa chẳng chôn ở tu viện Phơlơry, còn gọi là Xanh Bơnoa Xuya Loarơ ở đất Pháp là gì, mặc dù ngài chết trên đất Ý, ở Mông Caxanh, ngày thứ bảy 21 tháng 3 băm 543? Tất cả những sự việc ấy là hiển nhiên không chối cãi được. Ta ghét những kẻ cầu nguyện giả dối, ta thù những quân tà đạo, nhưng ta còn thù ghét hơn kẻ nào nói trái những điều đó. Chỉ cần đọc lại Acnun Viêng, Gabơrien Buyxơlanh, Tơritemơ, Môrôliquyt và Luych Đasơri.
Mẹ nhất nghỉ để thở, rồi quay lại bảo Phôsơlơvăng:
Lão Phôvăng, thế là được chứ?
Bẩm mẹ, vâng, được ạ.
Trông cả ở lão được chứ?
Con xin tuân lệnh.
Tốt lắm!
Con xin hết lòng với tu viện.
- Được rồi. Lão đóng quan tài. Các bà khiêng quan tài vào nhà nguyện. Cầu kinh xong họ trở lại nhà tu. Khoảng giữa mười một giờ và nửa đêm, lão sẽ mang thanh sắt đến. Việc gì cũng tiến hành hết sức bí mật. Ở nhà nguyện chỉ có bốn mẹ trong ban đồng ca, mẹ Atxăngxông và lão thôi.
Và bà xơ đứng cọc.
Bà ấy sẽ không quay mặt lại.
Bà ấy sẽ nghe thấy.
Bà ấy không lắng tai nghe. Vả lại điều nhà tu kín biết thì người đời không biết.
Mẹ nhất nghỉ một lần nữa rồi mới nói tiếp:
Lão sẽ cởi bỏ chiếc nhạc. Không cần để cho bà đứng cọc biết là có lão ở đấy.
Bẩm mẹ rất kính…
Gì thế?
Ông y sĩ đến khám chưa ạ?
- Bốn giờ rưỡi chiều hôm nay. Đã có hiệu chuông cho người đi báo. Thế ra lão không nghe tiếng chuông hiệu lệnh nào cả ư?
Con chỉ chăm chú nghe hiệu chuông gọi con thôi.
Cái đó tốt, lão Phôvăng ạ.
Bẩm mẹ chắc phải kiếm cái đòn dễ đến vài mét.
Kiếm đâu được?
Có song sắt làm rào là có đòn. Ở góc vườn, con có chất cả một đống.
Khoảng mười một giờ mười lăm tối nay, chớ có quên.
Bẩm mẹ rất kính…
Gì?
- Nếu có công việc khác như thế này nữa thì chú em con rất khỏe. Khỏe như vâm!
Lão phải lo làm hết sức nhanh, càng nhanh càng hay.
- Con không làm nhanh lắm được. Con có tật. Vì vậy nên cần có người giúp. Con thọt.
- Thọt không phải là một tội lỗi. Có khi là một điều phúc cũng nên. Hoàng đế Hăngri II, người đã chống lại ngụy giáo hoàng Gơrêgoa và khôi phục Bơnoa VIII có hai biệt hiệu Vua thánh và Vua thọt.
Phôsơlơvăng tai hơi nghễnh ngãng, lẩm bẩm:
Đến hai áo khoác, tốt quá nhỉ.
- Lão Phôvăng này, ta đã nghĩ. Cho trọn một giờ đi. Không đến nỗi nhiều quá đâu. Lão hãy có mặt bên cạnh bàn thờ chính với cái thanh sắt vào 11 giờ. Buổi lễ bắt đầu lúc 12 giờ đêm. Mười lăm phút trước là phải xong xuôi hết cả.
- Con sẽ làm hết sức để tỏ lòng nhiệt thành của con với tu viện. Dứt khoát như thế. Con đóng nắp áo quan. Mười một giờ đúng con sẽ ở trong nhà nguyện. Các mẹ trong ban đồng ca ở đấy rồi. Mẹ Axăngxiông cũng có mặt. Giá được hai người đàn ông thì hay hơn. Nhưng thôi được, con sẽ mang thanh bẩy. Chúng con sẽ mở hầm mộ, đưa áo quan xuống, rồi đậy lại nắp nhà mồ. Thế là xong, không còn dấu vết gì nữa. Chính phủ sẽ không nghi ngờ gì. Thôi mẹ tôn kính, thế là xong xuôi cả phải không ạ?
Không.
Còn cái gì nữa ạ?
Còn cái quan tài trống.
Ngừng một lát. Phôsơlơvăng nghĩ ngợi. Mẹ nhất nghĩ ngợi.
Lão Phôvăng này, làm thế nào với cái quan tài ấy?
Cứ việc mang đi chôn.
Khiêng trống không à?
Lại im lặng. Lão Phôsơlơvăng vẫy vẫy bàn tay trái như muốn xua đuổi một ý nghĩ gì làm cho lão lo sợ.
- Bẩm mẹ, tay con đã đóng quan tài ấy lại; có ai được vào đấy đâu; thế rồi con cứ phủ tấm vải che lên trên.
- Thế còn bọn phu đòn, lúc họ khiêng quan tài lên xe, rồi lúc hạ huyệt, họ thấy nhẹ không.
Ông Phôsơlơvăng bỗng rủa to:
Ôi chao! Qu…!
Mẹ nhất giơ tay làm dấu thánh và đăm đăm nhìn Phôsơlơvăng. Ông nghẹn cổ, nuốt vào cổ mấy âm quỉ sứ.
Ông vội vàng nghĩ ra một mưu kế để đánh lảng câu nguyền rủa:
Bẩm mẹ, con sẽ cho đất vào quan tài. Cũng sẽ nặng nặng như có người ấy.
- Phải đấy. Đất thì cũng như người thôi. Thế là lão sẽ thu xếp cho xong việc cái quan tài rỗng ấy nhé?
Cứ để mặc con.
Nét mặt mẹ nhất từ nãy bối rối, lo âu bỗng trở nên sáng sủa. Bà ra hiệu cho kẻ bề dưới được ra ngoài. Phôsơlơvăng đi ra phía cửa. Ông vừa định bước chân ra, thì bà dịu dàng lên tiếng:
- Lão Phôvăng, tôi bằng lòng lắm. Ngày mai, sau khi đưa tang, lão dẫn em lão đến đây, bảo mang cả con bé lại nữa.

Truyện Những Người Khốn Khổ (2) LỜI GIỚI THIỆU PHẦN THỨ NHẤT - QUYỂN I Chương II Chương III Chương IV Chương V Chương VI Chương VII Chương VIII Chương IX Chương X Chương XI Chương XII Chương XIII Chương XIV QUYỂN II - Sa Ngã - Chương 1 Chương 2 Chương 3 Chương 4 Chương 5 Chương 6 Chương 7 Chương 8 Chương 9 Chương 10 Chương 11 Chương 12 Chương 13 QUYỂN III- TRONG NĂM 1817-Chương I Chương II Chương III Chương IV Chương V Chương VI Chương VII Chương VIII Chương IX QUYỂN IV -GỬI TRỨNG CHO ÁC- Chương 1 Chương 2 Chương 3 QUYỂN V -XUỐNG DỐC -Chương I Chương II Chương III Chương IV Chương V Chương VI Chương VII Chương VIII Chương IX Chương X Chương XII Chương XII Chương XIII QUYỂN VI - GIAVE -Chương 1 Chương 2 QUYỂN VII - VỤ ÁN SĂNGMACHIƠ -Chương I Chương II Chương III Chương IV Chương V Chương VI Chương VII Chương VIII Chương IX Chương X Chương XI QUYỂN VIII- Hậu Quả -Chương I Chương II Chương III Chương IV Chương V PHẦN THỨ HAI - CÔDÉT
QUYỂN I - OATECLÔ- Chương I
Chương II Chương III Chương IV Chương V Chương VI Chương VII Chương VIII Chương IX Chương X Chương XI Chương XII Chương XIII Chương XIV Chương XV Chương XVI Chương XVII Chương XVIII QUYỂN II -CHIẾC TÀU ÔRIÔNG -Chương I Chương II Chương III QUYỂN III- GIỮ LỜI HỨA VỚI NGƯỜI ĐÃ KHUẤT -Chương I Chương II Chương III Chương IV Chương V Chương VI Chương VII Chương VIII Chương IX Chương X Chương XI QUYỂN IV-CĂN NHÀ NÁT GORBÔ - Chương I Chương II Chương III Chương IV Chương V QUYỂN V - Chương I Chương II Chương III Chương IV Chương V Chương VI Chương VII Chương VIII Chương IX Chương X QUYỂN VI - Chương I Chương II Chương III Chương IV Chương V Chương VI Chương VII Chương VIII Chương IX Chương X Chương XI QUYỂN VII - Chương I Chương II Chương III Chương IV Chương V Chương VI Chương VII Chương VIII QUYỂN VIII - Chương I Chương II Chương III Chương IV Chương V Chương VI Chương VII Chương VIII Chương IX PHẦN THỨ BA - MARIUYTX
QUYỂN I -Chương I & 2
Chương III & IV Chương V Chương VI Chương VII Chương VIII Chương IX, X Chương XI , XII Chương XIII QUYỂN II - NHÀ ĐẠI TƯ SẢN - Chương I & II Chương III & IV Chương IV & V Chương VI & VII QUYỂN III - ÔNG VÀ CHÁU - Chương I & II Chương III & IV Chương V & VI Chương VII & IX QUYỂN IV - NHỮNG NGƯỜI BẠN CỦA NHÓM A.B.C - Chương 1 Chương 3 & 4 Chương 5 & 6 QUYỂN V - NGHÈO KHỔ LẠI HÓA HAY Chương I & II Chương III & IV Chương V & VI QUYỂN VI - HAI NGÔI SAO GẶP NHAU - Chương I & II Chương III & IV Chương V & VI Chương VII & VIII Chương IX QUYỂN VII- PATƠRÔNG MINET Chương I & II Chương III & IV QUYỂN VIII-ANH NHÀ NGHÈO BẤT HẢO- Chương I & II Chương III & IV Chương V & VI Chương VII & VIII Chương IX , X Chương XI, XII Chương XIII, XIV Chương XV , XVI Chương XVII , XVIII Chương XIX Chương XX Chương XX (tt) Chương XXI & XXII PHẦN THỨ TƯ- TÌNH CA PHỐ PƠLUYMÊ VÀ ANH HÙNG CA PHỐ XANH ĐƠNI
Quyển I MẤY TRANG SỬ - Chương I &II
Chương III Chương IV Chương V Chương VI QUYỂN II - Chương I Chương III & IV QUYỂN III- NGÔI NHÀ PHỐ PƠLUYMÊ Chương I Chương II & III Chương IV & V Chương VI & VII Chương VIII QUYỂN IV -NGƯỜI GIÚP MÀ CÓ THỂ LÀ TRỜI GIÚP-Chương I & II QUYỂN V -ĐOẠN CUỐI VÀ ĐOẠN ĐẦU KHÁC NHAU-Chương I & II Chương III & IV Chương V & VI QUYỂN VI -CHÚ BÉ GAVRỐT -Chương I Chương II Chương III QUYỂN VII Chương I Chương II Chương III Chương IV QUYỂN VIII Chương I Chương II Chương III Chương IV Chương V & VI Chương VII QUYỂN IX -Chương I -HỌ ĐI ĐÂU Chương II Chương III QUYỂN X - Chương I - NGÀY 5 THÁNG 6 NĂM 1832 Chương II Chương III Chương IV Chương V QUYỂN XI - HẠT BỤI KẾT THÂN VỚI BÁO TÁP
Chương I & IIche en mảche)
Chương III & IV & V Chương VI QUYỂN XII - CÔ RANH
Chương I
Chương II Chương III Chương IV & V Chương VI Chương VII & VIII QUYỂN XVII - MARIUYTX TRONG BÓNG TỐI -
Chương I & II
Chương III QUYỂN XIV - NHỮNG NÉT VĨ ĐẠI CỦA THẤT VỌNG I
Chương I
Chương III & IV Chương V & VI Chương VII QUYỂN XV PHỐ LÔMÁCMÊ
Chương I
Chương II Chương III &I V PHẦN THỨ NĂM - Jean Valjean- QUYỂN I CHIẾN TRANH GIỮA BỐN BỨC TƯỜNG
Chương I
Chương II & III Chương IV Chương V Chương VI Chương VIII Chương X & XI Chương XII & XIII Chương XIV & XV Chương XVI Chương XVII & XVIII Chương XIX & XX Chương XXI Chương XXII & XXIII Chương XXIV QUYỂN II- RUỘT GAN CON QUÁI KHỔNG LỒ
Chương I & II
Chương III & IV Chương V QUYỂN III - BÙN ĐẤY, NHƯNG LẠI LÀ TÂM HỒN
Chương I
Chương II & III Chương IV & V Chương VI & VII Chương VIII & IX Chương X & XII Chương XIII QUYỂN IV - QUYỂN V - Chương I & II QUYỂN V - Chương III & IV Chương V - VI Chương VII & VIII QUYỂN VI- ĐÊM TRẮNG I
Chương I
Chương II Chương III & IV QUYỂN VII - DỐC CẠN CHÉN TÂN TOAN
Chương I
Chương II QUYỂN VIII- BÓNG NGẢ HOÀNG HÔN I
Chương I
Chương II & III Chương IV QUYỂN IX - ĐÊM TỐI CUỐI CÙNG, BÌNH MINH CUỐI CÙNG
Chương I & II
Chương III & IV Chương V Chương Kết