Người dịch: HUỲNH LÝ, VŨ ĐÌNH LIÊN, LÊ TRÍ VIỄN, ĐỖ ĐỨC HIỂU
G.S HUỲNH LÝ người xem lại toàn bản dịch
Chương III & IV
MARIUYTX TRƯỞNG THÀNH

Bấy giờ Mariuyt hai mươi tuổi. Anh đã xa rời ông anh ba năm. Quan hệ giữa hai người không có gì thay đổi, không ai nghĩ đến chuyện hòa hợp, đến chuyện tìm gặp nhau. Vả lại gặp nhau để làm gì? Để rồi lại xung đột hay sao? Ai sẽ thắng ai? Mariuyt là cái lọ đồng, nhưng lão Gilơnormăng là cái bình sắt.
Nhưng phải nói là Mariuyt không hiểu lòng ông anh. Anh cho rằng ông anh chưa bao giờ yêu anh, cái con người cộc lốc, phũ phàng, cười cợt, luôn mồm văng tục, la hét, giận dữ, luôn luôn giơ gậy chực đánh người ta, chỉ có thể có cái cảm tình hời hợt và khắc khổ của những lão Giêrôngtơ hài kịch. Nhưng Mariuyt lầm. Có những người cha không yêu con, không có người ông nào không yêu cháu.
Thực ra, như chúng tôi đã nói, lão Gilơnormăng yêu say mê Mariuyt nhưng yêu theo cái lối của lão: vừa yêu vừa mắng mỏ, có khi đánh đập nữa. Đứa cháu đi mất, lão thấy trong lòng một lỗ hổng tối đen. Lão cấm không ai được nói đến thằng cháu ấy, nhưng lão lại tiếc là mọi người tuân lệnh lão triệt để quá. Lúc đầu lão nghĩ rằng cái thằng tín đồ của Buyônapáctơ ấy, cái thằng Giacôbanh, cái thằng khủng bố, cái thằng sát nhân tháng chín ấy sẽ trở lại. Nhưng hết tuần này đến tuần khác, hết tháng này đến tháng khác, hết năm này đến năm khác, lão Gilơnormăng thất vọng thấy cái thằng khát máu không trở về. Lão bảo: “Ta cũng không thể nào không đuổi nó đi được” và lão tự hỏi: “Nếu phải làm lại như thế, ta có đuổi nó nữa không?”. Lòng tự ái bảo ngay lão: đuổi; nhưng cái đầu bạc phơ của lão lắc bảo: không. Nhiều lúc lão thấy chán nản. Lão thiếu Mariuyt. Người già cần sự trìu mến quấn quít như cần ánh nắng. Sự trìu mến cũng nóng ấm. Mặc dầu bản chất lão vững chãi, sự vắng mặt của Mariuyt cũng làm lão thay đổi trong người. Lão thề nhất định không tự mình dịch đến cái “thằng nhãi kỳ quặc” ấy, nhưng lão đau khổ. Lão không hỏi thăm tin tức cháu, nhưng lão luôn nghĩ đến cháu. Càng ngày lão càng sống riêng lẻ, xa mọi người, trong cái nhà ở xóm Mare. Lão vẫn vui tính và vẫn cộc cằn như xưa, nhưng cái vui của lão có cái gì cứng rắn bất thường như bên trong có lẫn đau khổ, giận dữ và mỗi khi gắt gỏng xong lão lại chán nản, âm thầm. Thỉnh thoảng lão nói: hừ nếu thằng nhãi ấy mà về đây thì phải xem cái tát của ta.
Còn bà dì, bà này có suy nghĩ gì đâu mà biết yêu cho lắm. Đối với bà, Mariuyt chỉ còn là một cái bóng đen mờ mờ, bà nghĩ đến con mèo, con vẹt mà chắc bà có nuôi, nhiều hơn là nghĩ đến Mariuyt.
Mối đau buồn kín đáo của lão Gilơnormăng càng tăng vì lão chất chứa bên trong, không để lộ cho ai biết tí gì. Nỗi buồn của lão như những cái lò mà người ta mới chế, đốt luôn cả khói. Thỉnh thoảng có người quan tâm một cách vô duyên nhắc đến Mariuyt và hỏi: ông cháu cụ bây giờ ra sao, hay bây giờ làm gì? Ông lão tư sản già ấy gặp lúc đang buồn thì thở dài mà trả lời, gặp lúc muốn ra vẻ vui thì vừa búng tay áo vừa nói: - Ngài nam tước Pôngmecxi đang làm thầy cò thầy kiện ở một xó nào đấy.
Trong khi ông lão hối tiếc thì Mariuyt lại vui thích. Đối với những con người tốt, sự đau khổ làm cho lòng bớt hờn oán. Anh nghĩ đến ông mà không giận, nhưng anh đã quyết định không nhận một xu nào của con người đã xử tệ với cha anh. Cái phẫn uất lúc đầu của anh đã dịu đi chỉ còn thế thôi. Hơn nữa, anh thấy vui thích trong sự đau khổ và muốn đau khổ hơn nữa. Đau khổ vì cha anh. Anh thỏa mãn và thích thú sống kham khổ như vậy. Anh vui vẻ, tự nhủ rằng thế là còn ít đây: rằng đó là một cách chuộc tội và nếu không chịu đau khổ như vậy, thì sau này anh sẽ bị trừng phạt cách khác vì anh đã thờ ơ bội bạc với cha anh, một người cha như vậy. Không lý nào cha anh phải chịu tất cả đau khổ, còn anh thì thảnh thơi sung sướng! Việc làm của anh, sự thiếu thốn của anh thấm vào đâu so với cuộc đời anh dũng của cha anh? Chỉ có một cách gần gụi được tâm hồn của cha anh, giống cha anh, là dũng cảm chống với nghèo khổ như cha anh đã anh dũng chống kẻ thù. Chắc cha anh cũng đã nghĩ như vậy khi giối lại cho anh: con tôi sẽ xứng đáng. Những lời nói ấy, Mariuyt vẫn mang ở trong lòng, tuy anh không đeo ở trên ngực cái bút tích của cha anh đã bị mất.
Cái ngày ông anh đuổi anh, anh còn là một đứa trẻ, bây giờ anh đã là người lớn. Anh cảm thấy như thế. Sự nghèo khổ đã giúp ích cho anh. Nghèo khổ trong tuổi trẻ có cái tốt là hướng tất cả nghị lực vào sự cố gắng và làm cho tâm hồn vươn lên. Nghèo khổ bóc trần cuộc sống vật chất ra trước mặt, làm cho người ta khao khát cuộc sống lý tưởng. Người thanh niên giàu có sẵn trăm trò tiêu khiển sang trọng và thô bỉ: đua ngựa đi săn, nuôi chó đẹp, hút thuốc lá cờ bạc, tiệc tùng và tất cả những cái khác nữa, thỏa thích cái phần thấp kém của tâm hồn và làm hại cái phần cao quý thanh tao. Anh thanh niên nghèo khổ kiếm bữa ăn đã nhọc nhằn, ăn xong chỉ còn có cái thú mơ mộng. Anh đi dự những cuộc giải trí mà Chúa cho không phải mất tiền: anh nhìn trời xanh, không gian, trông sao, ngắm hoa, nhìn những đứa trẻ thơ, nhìn loài người trong đó có anh đau khổ, nhìn thiên nhiên trong đó anh được thảnh thơi. Nhìn mãi nhân loại thấy được lòng người, nhìn mãi thiên nhiên thấy được Chúa. Anh mơ mộng và cảm thấy mình lớn lao, anh lại mơ mộng nữa và cảm thấy lòng dạt dào tình cảm. Từ cái ích kỷ của người đau khổ anh tiến lên chỗ cảm thông của người suy tưởng. Một mối tình cảm cao quý nảy nở trong tâm hồn anh: quên mình và thương xót mọi người. Anh nghĩ đến những thích thú vô cùng mà thiên nhiên dành cho, phung phí cho những tấm lòng rộng mở và không ban cho những tâm hồn khép kín và người triệu phú tinh thần ấy đâm ra thương hại những kẻ triệu phú tiền bạc, ánh sáng tràn vào trí tuệ đến đâu thì căm hờn tan dần đến đấy. Vả lại anh có khổ thật không? Không. Cái cảnh nghèo khổ của một thanh niên không bao giờ là sự khốn khổ đáng thương, bất cứ một người trai trẻ nào dù nghèo khổ đến đâu, với thân thể cường tráng, lành mạnh, bước chân nhanh nhẹn, cặp mắt tinh ranh, dòng máu sôi nổi, mớ tóc đen nhánh, đôi má mơn mởn, miệng cười hồng tươi, hàm răng trắng ngà của anh, cũng làm cho vị hoàng đế già nua cằn cỗi phải thèm thuồng. Mỗi ngày anh mỗi làm việc để kiếm bữa ăn cho ngày ấy; bàn tay anh càng lao động để có ăn chừng nào thì sống lưng anh càng đứng thẳng lên kiêu hãnh, khối óc anh giàu thêm tư tưởng chừng ấy. Công việc làm xong, tâm hồn anh lại chơi vơi trong nguồn vui vô tận của thiên nhiên, lại mơ tưởng, chiêm ngưỡng những cảnh đẹp, lòng vui không tả được. Chân anh bước trong đau khổ, khó khăn, trên gạch đá, trên chông gai, có khi trong bùn thối, nhưng đầu anh vươn lên trong ánh sáng. Anh cương nghị, thanh thản, êm ái, dịu hiền, nghiêm nghị, thoải mái, dễ dàng, rộng lượng. Và anh cảm tạ Chúa đã ban cho anh hai nguồn phong phú mà kẻ giàu không có được: lao động làm cho con người tự do và tư tưởng làm cho con người xứng đáng.
Đó là những điều đã xảy ra đối với Mariuyt. Nói cho đúng, anh cũng hơi quá trầm tư. Từ ngày sinh kế của anh đã có phần chắc chắn, anh không làm hơn nữa, anh thấy rằng thiếu thốn một chút cũng hay, anh làm ít đi để suy nghĩ nhiều hơn. Nghĩa là có những khi cả ngày anh tư lự, trầm ngâm để tâm hồn chìm đắm say sưa trong cõi mênh mông của nội tâm. Anh đã đặt vấn đề đời anh như thế này: làm công việc cụ thể ít nhất để làm những việc vô hình nhiều nhất, nói cách khác là chỉ dành cho cuộc đời thực tại vài giờ còn tất cả để mơ tưởng trong vô tận. Anh cho rằng anh không thiếu gì và không nhận ra rằng mơ mộng kiểu như vậy chung qui chỉ là một hình thức lười biếng, rằng anh mới chỉ khắc phục những yêu cầu đầu tiên của cuộc sống, đã muốn nghỉ ngơi sớm quá.
Nhưng đối với tâm hồn cương nghị và giàu tình cảm của Mariuyt, tình trạng ấy chỉ là chốc lát thôi, khi gặp những rắc rối tất yếu của số mệnh, anh sẽ tỉnh dậy ngay.
Tuy là luật sư anh không biện hộ cho ai cả, cũng không làm thầy cung thầy cò cho ai như lão Gilơnormăng tưởng. Anh còn mải mơ mộng. Gặp gỡ bọn thầy cò, ra tòa án, tìm khách hàng, anh chán những việc ấy lắm. Để làm gì? Không có lý do gì để thay đổi công ăn việc làm cả. Cái cửa hàng sách không tên tuổi kia đã cho anh một việc làm chắc chắn, một việc làm nhẹ nhàng mà anh cho là đủ rồi.
Một trong các chủ hiệu sách đã giao công việc cho Mariuyt là ông Maginen, ngỏ ý muốn Mariuyt đến ăn ở nhà ông ta, ông sẽ có công việc đều đặn cho Mariuyt làm và trả một nghìn năm trăm phơrăng một năm. Đành là tốt! Nhưng mất tự do! Làm một anh làm công! Một văn sĩ làm mướn! Mariuyt nghĩ rằng nhận lời thì đời sống sẽ được khá hơn những cũng hèn hơn, thêm no đủ những bớt phẩm giá. Đem cái đời nghèo khổ trọn vẹn và đẹp đẽ mà đổi lấy một cuộc sống lúng túng xấu xa, khả ố; tựa như một người mù mà hóa chột. Anh không nhận.
Mariuyt sống cô đơn. Anh vốn thích không dính líu đến cái gì và cũng vì bị bất ngờ, bỡ ngỡ, anh quyết định không gia nhập nhóm Ănggiônrátx. Nhưng họ vẫn là những người bạn tốt sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau. Mà cũng có thế thôi. Mariuyt có hai người bạn thân: một trẻ là Cuốcphêrắc, một già là ông Mabớp. Anh ưa ông Mabớp hơn. Nhờ ông mà có sự biến đổi cách mạng trong người anh, nhờ ông mà anh biết và yêu cha anh. Anh bảo rằng Mabớp đã chữa anh khỏi bệnh thong manh.
Cái ông quản lý nhà chung ấy đã thực sự có tác dụng quyết định.
Tuy nhiên ông cũng chỉ là con người thừa hành bình thản, yên lặng, ý đồ của thượng đế. Như một cái đèn có người mang đến, ông đã soi cho Mariuyt thấy những điều đó mà ông không ngờ; ông là cái đèn chứ không phải là người cầm đèn.
Còn sự biến đổi chính trị trong con người Mariuyt ông Mabớp không thể hiểu được, ông cũng không thể muốn được như vậy và lái đi như vậy.
Sau này ta còn gặp ông Mabớp, cho nên cũng cần nói vài lời về ông ta.
IV
ÔNG MABỚP
 
 
Cái ngày ông Mabớp bảo Mariuyt: “Chắc chắn là tôi tán thành những xu hướng chính trị” ông đã nói thật cái tâm trạng ấy của ông. Ông bàng quan với tất cả xu hướng chính trị, ông tán thành tất cả, không phân biệt gì, quý hồ là ông được yên tĩnh, cũng như những người Hy Lạp xưa gọi các vị nữ thần Phẫn nộ là những thần Ơmêniđơ, nghĩa là những “nữ thần đẹp tốt và xinh”. Còn xu hướng chính trị của ông Mabớp là yêu say mê cây cối và nhất là yêu sách. Ông cũng có cái hậu tố Ixtơ, không có nó thì không ai có thể sống được trong cái thời đại của ông, nhưng ông không phải là royalixia (bảo hoàng) không phải là bônapáctixtơ (phía bônapactơ theo Napoleon) không phải là sactixtơ (phái hiến chương), cũng không phải là oóctêanixtơ (phái bảo hoàng theo dòng họ Oóclêăng); ông là bukinxtơ (theo nghĩa của tác giả muốn giữ cái hậu tố iste; phái yêu sách vở).
Ông không hiểu được vì sao con người ta có thể căm thù nhau vì những chuyện viển vông như là hiến chương dân chủ, chính thống, quân chủ, cộng hòa… trong khi trên đời có bao nhiêu loài rêu, loài cỏ, loài cây để cho người ta ngắm nghía và bao nhiêu sách in gấp 2 đến gấp 32, mà người ta có thể giở. Nhưng ông luôn muốn làm được việc có ích: giữ sách nhưng mà cũng đọc sách, là nhà thực vật học, nhưng vẫn làm vườn khi quen ông Pôngmecxi, giữa ông và ông đại tá, có một mối đồng cảm vì ông Pôngmecxi chăm các cây hoa, còn ông thì chăm các cây quả. Ông Mabớp đã trồng được những cây lê giồng hạt mà quả ngon như lê Xanh Giécmanh; nhờ ông phối hợp cây mà đã tạo được giống mận mùa hè. Ông đi lễ Chúa vì ưa thích sự êm dịu hơn là vì mộ đạo, cũng bởi vì yêu nét mặt con người, nhưng ghét tiếng ồn ào của họ, chỉ có ở nhà thờ ông mới thấy người tập họp đông mà im lặng.
Hiểu rằng phải có chức vụ gì của Nhà nước, ông đã chọn cái chức vụ quản lý nhà thờ. Và ông cũng không bao giờ yêu được một người đàn bà bằng một củ tuylipơ, hay một người đàn ông bằng một cây endêvia. Ông đã quá sáu mươi tuổi từ lâu, khi có người hỏi ông: - Ông đã lấy vợ bao giờ chưa? – Tôi quên mất rồi – ông đáp. Cũng có đôi khi – ai chẳng có lúc ước mơ như vậy – ông ước: - Giá ta giàu có! Ấy không phải là lúc ông đang nhòm một cô gái xinh, như lão Gilơnormăng, nhưng là đang ngắm một cuốn sách quí giá. Ông sống một mình, có một người ở gái già. Ông mắc bệnh thống phong tuy nhẹ. Khi ông ngủ những ngón tay già tê thấp của ông còng khoằm dưới tấm chăn ông đắp. Ông đã soạn và in được một bộ “Thực vật vùng Côtơrê”, với những tranh phụ bản in màu khá được người đọc ưa thích, bản khắc đồng ông giữ và sách tự ông bán lấy. Một ngày hai ba lần có người đến kéo chuông nhà ông ở phố Mêdiê để mua sách. Mỗi năm ông thu được hai ngàn phơrăng cũng là gần tất cả gia tài của ông. Tuy nghèo, nhưng với thời gian, với sự kiên trì, thắt lưng buộc bụng, ông đã tập hợp được một tủ sách quí đủ loại. Ông ra phố bao giờ cũng cắp trong tay một quyển sách và khi về thường cắp hai. Chỗ ở của ông gồm bốn gian buồng ở tầng nền với một mảnh vườn. Vật trang trí chỉ có những tranh bách thảo lồng khung và những bức danh họa cổ. Nhìn thấy một thanh gươm, một khẩu súng làm ông đủ lạnh toát người. Suốt đời ông không đến cạnh một cỗ đại bác, dù là đại bác trưng bày ở điện Anhvalit. Ông có một bộ máy tiêu hóa bình thường, một người anh là cha xứ. Tóc ông đã bạc, không còn răng trong mồm và trong trí tuệ, người lúc nào cũng run run, giọng nói xứ Pica, một nụ cười của trẻ con, ông dễ sợ hãi và hiền như một con cừu già. Ngoài ra ông không có bạn bè không có chỗ quen nào khác trong xã hội người sống, trừ một ông lão bán sách tên là Roayônở cửa ô Xanh Giắc. Ông mơ ước du nhập giống cây chàm vào nước Pháp. Người ở gái già của ông cũng là một loại người ngây thơ nữa. Bà già ấy vẫn là cô gái đồng trinh. Con mèo của bà, bà gọi là Xuyntăng, nó có thể meo meo bản “Xin thương” của Alêgi ở nhà nguyện Xichxtin, đủ chiếm tất cả trái tim bà và thỏa mãn tất cả yêu cầu tình cảm của bà. Tất cả những ước mơ của bà chưa bao giờ bà vượt quá con mèo của bà. Bà cũng có râu như con mèo đó. Tất cả tự hào của bà là ở cái mớ mũ chụp của bà, lúc nào cũng trắng tinh. Ngày chủ nhật đi lễ về, bà kiểm điểm lại quần áo dài bà mua, những cái áo đã cắt nhưng chưa bao giờ đưa may. Bà biết đọc. Ông Mabớp đã đặt tên cho bà là mụ Pluytác (nhà viết sử nổi tiếng của Cổ Hy Lạp, thế kỷ thứ nhất sau công nguyên).
Ông Mabớp ưa Mariuyt vì Mariuyt trẻ và hiền, làm cho tuổi già của ông thêm ấm áp và cái tính nhút nhát của ông không bị kinh động. Tuổi trẻ và tính hiền dịu đối với ông già như ánh nắng mà không gió. Khi Mariuyt đã ngợp cả lòng về chiến công, vinh quang, thuốc súng, hành quân tới lui và tất cả những trận đánh kỳ diệu mà cha anh đã giáng và bị trả những nhát kiếm ghê gớm thì anh đến thăm ông Mabớp và ông Mabớp kể chuyện người anh hùng trong việc trồng hoa.
Người anh ông, linh mục Mabớp chết hồi 1830, tức thì như khi đêm đến, cả chân trời tối sầm lại trước mắt ông. Viên chưởng khế của ông vỡ nợ, thế là ông mất hết cả món tiền mười nghìn phơrăng gia tài của anh ông và của ông góp lại. Cách mạng tháng bảy đưa ngành sách vào một cuộc khủng hoảng. Trong thời kỳ eo hẹp kinh tế, sách Thực vật là loại hàng người ta ít mua nhất. Tập Thực vật vùng Côtơrê ế hẳn. Hàng tuần không có một khách hàng mua. Đôi khi ông Mabớp rùng mình sung sướng nghe thấy tiếng chuông. Mụ Pluytác buồn bã bảo: “Thưa ông người gánh nước đấy ạ”. Rốt cuộc, một hôm ông Mabớp rời cái phố Mêdie, từ chức quản lý nhà thờ, bỏ Xanh Xuynpixơ, bán một phần, không phải sách mà những bức họa của ông – cái mà ông thiết tha ít hơn – và đến ở một cái nhà ở đại lộ Môngpácnaxơ. Ông cũng chỉ ở đấy có ba tháng vì hai lý do: một là cái tầng dưới và cái vườn một tháng phải trả ba trăm phơrăng, mà ông thì không dám chi quá hai trăm vào khoản tiền thuê nhà; hai là nhà ở gần trường bắn Phatu, cả ngày nghe tiếng súng ông không chịu nổi.
Ông dọn quyển thực vật, các bản khắc đồng, các tập bách thảo sưu tầm, các tập tài liệu và sách và đến ở gần khu Xanpêtrie, trong một cái nhà tranh ở làng Austéclit, tiền nhà năm mươi êquy một năm. Nhà có ba buồng, một cái vườn, một hàng rào, có giếng nước. Nhân dịp dọn nhà này, ông bán hết cả đồ đạc của ông. Hôm dọn đến chỗ ở mới này, ông rất vui và chính tay ông đóng lên tường những chiếc đanh treo các bản khắc và các tập bách thảo. Hôm đó còn thì giờ, ông cuốc vườn và buổi chiều thấy mụ Pluytác ủ rũ và nghĩ ngợi, ông vỗ vai, mỉm cười bảo: “Ái chà! Chúng ta có cây chàm kia mà!”.
Chỉ có hai người khách, ông lão bán sách ở cổng Xanh Giắc và Mariuyt, được tiếp ở túp lều làng Austéclit (trận chiến thắng lớn nhất của Napoleon, thắng liên quân Nga – Áo năm 1805), cái tên quá huyên náo làm ông khó chịu.
Vả lại, như chúng tôi vừa mới chỉ ra, những khối óc quá đam mê một đạo đức hay một cuồng vọng, hoặc cũng thường cả hai, thì rất khó thấm những chuyện thực tế ở đời. Cả số phận của họ, họ cũng không để ý tới. Những sự chuyên chú ấy, đẻ ra một thái độ tiêu cực rất giống như là một triết lý sống nếu là có ý thức. Bóng xế dần, xuống dần như nước trôi đi, rồi người ta sụp đổ mà không biết. Cuối cùng thì người ta cũng thức tỉnh, nhưng muộn màng. Trong khi chờ đợi, người ta hình như giữ thái độ trung lập trong cuộc thách thức giữa hạnh phúc của họ và tai họa của họ. Chính bản thân họ là món đặt cược, thế mà họ lại thờ ơ.
Chính vì thế mà trong khi tất cả hy vọng tắt dần trong cái bóng tối bao phủ xung quanh ông, ông Mabớp vẫn bình thản, cái bình thản có vẻ ngây ngô những rất sâu sắc. Nếp sống tinh thần của ông đều đặn như cái quả lắc đồng hồ đung đưa; khi một ảo tưởng đã lên giây cái đồng hồ thì quả lắc cứ chạy rất lâu, cả khi ảo tưởng đã mất. Đồng hồ không đứng lại tức khắc khi người ta đánh mất cái chìa khóa.
Ông Mabớp có những sự giải trí ngây thơ, những giải trí rẻ tiền và bất ngờ, do những chuyện tình cờ mang đến. Một hôm mụ Pluytác đọc một quyển truyện trong một góc buồng. Mụ đọc to, y như đọc to thì hiểu hơn ấy. Đọc to tức là khẳng định cho mình là mình đọc đây. Có những người đọc rất to như cam đoan với mình những điều mình đang đọc.
Mụ Pluytác đang đọc với tất cả cái năng lực ấy cuốn truyện mụ cầm trên tay. Ông Mabớp nghe lơ đãng.
Đây là chuyện một sĩ quan khinh kỵ binh với một cô gái. Mụ Pluytác đọc đến câu này: “…người yêu phật ý và sĩ quan đầu rồng”… (chữ dragon trong quân đội Pháp chỉ binh chủng khinh kỵ binh, lại có nghĩa thường là con rồng). Rồi mụ ngừng đọc để lau kính.
Ông Mabớp nhắc lại nho nhỏ:
- Phật và rồng, đúng rồi, ngày xưa có một con rồng, từ đáy hang của nó phun lửa ra đốt cháy cả trời. Nhiều ngôi sao đã bị thiêu cháy. Con quái vật này lại có vuốt như vuốt hổ. Phật đã vào trong hang con rồng và đã giác ngộ được con quái vật. Mụ đang đọc một quyển sách hay đấy, mụ Pluytác ạ. Chẳng có chuyện thần thoại nào hay hơn.
Thế rồi ông để trí ông chìm đắm trong một giấc mơ êm ái.

Truyện Những Người Khốn Khổ (2) LỜI GIỚI THIỆU PHẦN THỨ NHẤT - QUYỂN I Chương II Chương III Chương IV Chương V Chương VI Chương VII Chương VIII Chương IX Chương X Chương XI Chương XII Chương XIII Chương XIV QUYỂN II - Sa Ngã - Chương 1 Chương 2 Chương 3 Chương 4 Chương 5 Chương 6 Chương 7 Chương 8 Chương 9 Chương 10 Chương 11 Chương 12 Chương 13 QUYỂN III- TRONG NĂM 1817-Chương I Chương II Chương III Chương IV Chương V Chương VI Chương VII Chương VIII Chương IX QUYỂN IV -GỬI TRỨNG CHO ÁC- Chương 1 Chương 2 Chương 3 QUYỂN V -XUỐNG DỐC -Chương I Chương II Chương III Chương IV Chương V Chương VI Chương VII Chương VIII Chương IX Chương X Chương XII Chương XII Chương XIII QUYỂN VI - GIAVE -Chương 1 Chương 2 QUYỂN VII - VỤ ÁN SĂNGMACHIƠ -Chương I Chương II Chương III Chương IV Chương V Chương VI Chương VII Chương VIII Chương IX Chương X Chương XI QUYỂN VIII- Hậu Quả -Chương I Chương II Chương III Chương IV Chương V PHẦN THỨ HAI - CÔDÉT
QUYỂN I - OATECLÔ- Chương I
Chương II Chương III Chương IV Chương V Chương VI Chương VII Chương VIII Chương IX Chương X Chương XI Chương XII Chương XIII Chương XIV Chương XV Chương XVI Chương XVII Chương XVIII QUYỂN II -CHIẾC TÀU ÔRIÔNG -Chương I Chương II Chương III QUYỂN III- GIỮ LỜI HỨA VỚI NGƯỜI ĐÃ KHUẤT -Chương I Chương II Chương III Chương IV Chương V Chương VI Chương VII Chương VIII Chương IX Chương X Chương XI QUYỂN IV-CĂN NHÀ NÁT GORBÔ - Chương I Chương II Chương III Chương IV Chương V QUYỂN V - Chương I Chương II Chương III Chương IV Chương V Chương VI Chương VII Chương VIII Chương IX Chương X QUYỂN VI - Chương I Chương II Chương III Chương IV Chương V Chương VI Chương VII Chương VIII Chương IX Chương X Chương XI QUYỂN VII - Chương I Chương II Chương III Chương IV Chương V Chương VI Chương VII Chương VIII QUYỂN VIII - Chương I Chương II Chương III Chương IV Chương V Chương VI Chương VII Chương VIII Chương IX PHẦN THỨ BA - MARIUYTX
QUYỂN I -Chương I & 2
Chương III & IV Chương V Chương VI Chương VII Chương VIII Chương IX, X Chương XI , XII Chương XIII QUYỂN II - NHÀ ĐẠI TƯ SẢN - Chương I & II Chương III & IV Chương IV & V Chương VI & VII QUYỂN III - ÔNG VÀ CHÁU - Chương I & II Chương III & IV Chương V & VI Chương VII & IX QUYỂN IV - NHỮNG NGƯỜI BẠN CỦA NHÓM A.B.C - Chương 1 Chương 3 & 4 Chương 5 & 6 QUYỂN V - NGHÈO KHỔ LẠI HÓA HAY Chương I & II Chương III & IV Chương V & VI QUYỂN VI - HAI NGÔI SAO GẶP NHAU - Chương I & II Chương III & IV Chương V & VI Chương VII & VIII Chương IX QUYỂN VII- PATƠRÔNG MINET Chương I & II Chương III & IV QUYỂN VIII-ANH NHÀ NGHÈO BẤT HẢO- Chương I & II Chương III & IV Chương V & VI Chương VII & VIII Chương IX , X Chương XI, XII Chương XIII, XIV Chương XV , XVI Chương XVII , XVIII Chương XIX Chương XX Chương XX (tt) Chương XXI & XXII PHẦN THỨ TƯ- TÌNH CA PHỐ PƠLUYMÊ VÀ ANH HÙNG CA PHỐ XANH ĐƠNI
Quyển I MẤY TRANG SỬ - Chương I &II
Chương III Chương IV Chương V Chương VI QUYỂN II - Chương I Chương III & IV QUYỂN III- NGÔI NHÀ PHỐ PƠLUYMÊ Chương I Chương II & III Chương IV & V Chương VI & VII Chương VIII QUYỂN IV -NGƯỜI GIÚP MÀ CÓ THỂ LÀ TRỜI GIÚP-Chương I & II QUYỂN V -ĐOẠN CUỐI VÀ ĐOẠN ĐẦU KHÁC NHAU-Chương I & II Chương III & IV Chương V & VI QUYỂN VI -CHÚ BÉ GAVRỐT -Chương I Chương II Chương III QUYỂN VII Chương I Chương II Chương III Chương IV QUYỂN VIII Chương I Chương II Chương III Chương IV Chương V & VI Chương VII QUYỂN IX -Chương I -HỌ ĐI ĐÂU Chương II Chương III QUYỂN X - Chương I - NGÀY 5 THÁNG 6 NĂM 1832 Chương II Chương III Chương IV Chương V QUYỂN XI - HẠT BỤI KẾT THÂN VỚI BÁO TÁP
Chương I & IIche en mảche)
Chương III & IV & V Chương VI QUYỂN XII - CÔ RANH
Chương I
Chương II Chương III Chương IV & V Chương VI Chương VII & VIII QUYỂN XVII - MARIUYTX TRONG BÓNG TỐI -
Chương I & II
Chương III QUYỂN XIV - NHỮNG NÉT VĨ ĐẠI CỦA THẤT VỌNG I
Chương I
Chương III & IV Chương V & VI Chương VII QUYỂN XV PHỐ LÔMÁCMÊ
Chương I
Chương II Chương III &I V PHẦN THỨ NĂM - Jean Valjean- QUYỂN I CHIẾN TRANH GIỮA BỐN BỨC TƯỜNG
Chương I
Chương II & III Chương IV Chương V Chương VI Chương VIII Chương X & XI Chương XII & XIII Chương XIV & XV Chương XVI Chương XVII & XVIII Chương XIX & XX Chương XXI Chương XXII & XXIII Chương XXIV QUYỂN II- RUỘT GAN CON QUÁI KHỔNG LỒ
Chương I & II
Chương III & IV Chương V QUYỂN III - BÙN ĐẤY, NHƯNG LẠI LÀ TÂM HỒN
Chương I
Chương II & III Chương IV & V Chương VI & VII Chương VIII & IX Chương X & XII Chương XIII QUYỂN IV - QUYỂN V - Chương I & II QUYỂN V - Chương III & IV Chương V - VI Chương VII & VIII QUYỂN VI- ĐÊM TRẮNG I
Chương I
Chương II Chương III & IV QUYỂN VII - DỐC CẠN CHÉN TÂN TOAN
Chương I
Chương II QUYỂN VIII- BÓNG NGẢ HOÀNG HÔN I
Chương I
Chương II & III Chương IV QUYỂN IX - ĐÊM TỐI CUỐI CÙNG, BÌNH MINH CUỐI CÙNG
Chương I & II
Chương III & IV Chương V Chương Kết