1831 và 1832, hai năm gắn liền với cách mạng tháng Bảy cũng là những năm đặc biệt và lạ lùng nhất của lịch sử. Giữa những năm trước đó và những năm sau đó, hai năm này như hai ngọn núi. Chúng mang tầm thước cách mạng. Chúng có những vực thẳm. Những tầng lớp xã hội, những nền móng của văn minh, cái khối chắc nịch những quyền lợi chồng lên nhau và gắn bó với nhau, những hình nét truyền thống của cấu trúc dân tộc, tất cả đều từng lúc hiện ra rồi lặn mất giữa những mây mù của các chủ nghĩa, học thuyết và dục vọng. Người ta gọi những hiện tượng ẩn hiện đó là đối kháng, là vận động. Từng lúc người ta thấy từ trong đó lóe ra chân lý, cái ánh sáng của linh hồn. Thời kỳ đáng chú ý đó có giới hạn khá rõ và đã cách chúng ta khá xa, cho nên giờ đây ta có thể nắm được những nét chính. Chúng tôi thử cố gắng vạch ra xem sao. Thời Quân chủ phục hưng là một giai đoạn quá độ khó đặt tên: thời ấy có mệt nhọc, có lao xao, có rì rầm, có mê ngủ và có cả náo động, những biểu hiện của một dân tộc lớn đã đến trạm nghỉ chân. Những thời đại như thế rất kỳ lạ và thường lừa những chính khách muốn đầu cơ mình. Ban đầu, dân tộc chỉ có một yêu cầu là nghỉ; chỉ có một thèm khát: hòa bình; chỉ có một tham vọng: làm người nhỏ bé. Giải thích ra thì là: muốn yên thân. Những đại biến cố, những đại ngẫu nhiên, những chuyện đại mạo hiểm, những nhân vật vĩ đại, lạy Chúa, chúng tôi xin đủ, chúng tôi đã ngập cổ, ngập đầu. Chúng tôi sẵn sàng đánh đổi Xêda lấy Pruyxiat, Napoleon lấy tiểu vương “Ivơtô” (César: nhà độc tài La-mã, nổi tiếng về tài quân sự và chính trị, đã mở rộng đế quốc La-mã. Pruyxiat: tiểu vương không có sự nghiệp gì. Ivơtô: tiểu vương hiền hậu và vô sự, đã đi vào dân ca Pháp). Ôi! Nhà vua bé nhỏ hiền hậu quá!” Người ta đã đi từ tinh mơ, bây giờ vào chiều tối một ngày dài vất vả. Đoạn đường đầu, người ta đã đi với Mirabô, đoạn thứ hai với Rôbétxpie (Mirabeau: nhà hùng biện, bênh vực quyền lợi đệ tam đẳng cấp buổi đầu cách mạng 1789. Robespierre: nhà độc tài liêm chính và cương quyết, cầm đầu phái Giacôbanh, đã chặn đứng ngoại xâm và trấn áp phản cách mạng thắng lợi. Bị bọn phản động và bọn ôn hòa lật đổ và xử tử 1794), đoạn thứ ba với Bônapác. Mệt nhoài rồi. Mỗi người cần một cái giường. Những người tận tâm mệt mỏi, những vị anh hùng già nua, những tham vọng no nê, những gia tài đồ sộ, tất cả đều tìm, đòi, thỉnh cầu cái gì đây? Một nơi trú ngụ. Họ đã có. Họ đã chiếm lĩnh hòa bình, yên tĩnh và nhàn hạ. Thế là họ bằng lòng. Tuy nhiên, trong lúc đó có những sự kiện khác xuất hiện, làm cho người ta nhận diện ra nó và gõ cửa để đi vào. Những sự kiện đó từ cách mạng, từ chiến tranh đẻ ra. Chúng tồn tại, chúng sống, chúng có quyền lập gia cư trong xã hội và đã làm như vậy. Thường thường những sự kiện đó giống những hạ sĩ quan và lính hậu cần đến trước dọn trại cho các nguyên lý. Và các triết gia chuyên về chính trị học nhận ra điều này: Trong khi người mệt mỏi yêu cầu được nghỉ ngơi thì những việc đã thành cũng đòi hỏi được bảo đảm. Bảo đảm cho việc cũng như nghỉ ngơi cho người. Đó là cái mà nước Anh yêu cầu ở dòng họ Xtuya sau khi Huân tước phụ chính chết (Cách mạng tư sản Anh thế kỷ XVIII đã xử tử vua Sáclơ I thuộc dòng họ Xtuya, thiết lập chế độ cộng hòa và tôn người cầm đầu cách mạng là Crômuen làm Huân tước bảo hộ nền cộng hòa, gọi là Huân tước Phụ chính), người Pháp yêu cầu ở dòng họ Buốcbông sau thời đế chế. Những bảo đảm đó là điều cần thiết đối với thời đại. Bắt buộc phải chuẩn y. Tiếng thì nói rằng do vua “ban bố”, nhưng thực thì do tình thế đem lại! Đây là một chân lý sâu sắc, biết thì có lợi, nhưng dòng họ Xtuya năm 1660 không ngờ tới, mà năm 1814 dòng họ Buốcbông cũng chẳng thấy. Sau khi Napoleon sụp đổ, các hoàng tộc nhờ phúc ấm mà trở về đứng đầu nước Pháp lại ngây thơ tưởng là chính mình ban cho và đã cho thì có quyền lấy lại: dòng họ Buốcbông nghĩ rằng ngôi vua là sở hữu của họ do trời ban, chứ nước Pháp không có gì cả; rằng quyền lợi chính trị do bản Hiến chương của vua Lui XVIII (Họ Buốcbông là dòng vua chính thống nước Pháp từ xưa. Cách mạng 1789 đã xử tử vua Lui XVI và thiết lập chế độ cộng hòa 1792. Sau đó, tướng Bônapác tự xưng hoàng đế và thiết lập đế chế 1804. Khi Napoleon sụp đổ, em Lui XVI trở về làm vua, Lui XVIII, và ban bố một hiến chương xác định nền quân chủ lập hiến 1815) nhân nhượng chẳng qua là bộ phận của thiên quyền được tách ra, được dòng họ Buốcbông có nhả ý ân tứ cho dân chúng cho đến ngày nhà vua không thích nữa. Vừa ban bố vừa bực mình, đó là dấu hiệu chứng tỏ cái của mang ra cho kia không phải là của mình, thế mà dòng họ Buốcbông vẫn không cảm thấy. Ở thế kỷ XIX, dòng Buốcbông hay gắt gỏng lắm. Nó sầm mặt mỗi khi dân tộc có một nẩy nở. Dùng tiếng tục, nghĩa là tiếng bình dân, tiếng đúng, thì phải nói nhà vua càu nhàu. Và dân chúng trông thấy. Dòng Buốcbông tưởng mình mạnh vì đế chế đã bị dọn đi trước mặt họ. Họ không nhận thấy rằng chính họ cũng được dọn đến như người ta bị dọn đi. Họ không biết rằng họ cũng ở trong chính bàn tay đã cất Napoleon đi. Họ tưởng họ có gốc rễ bởi vì họ là quá khứ. Họ lầm. Họ là bộ phận của quá khứ, còn tất cả quá khứ là nước Pháp. Gốc rễ của xã hội Pháp không ở nơi dòng họ Buốcbông, mà ở nơi dân tộc. Chùm rễ hèn mọn, đầy sức sống đó không tạo nên đặc quyền cho một dòng họ nó tạo nên lịch sử của một dân tộc. Nó ở khắp nơi, nhưng không ở dưới ngai vàng. Dòng họ Buốcbông là một cái nút đẫm máu và bất hủ trong lịch sử nước Pháp nhưng không còn là yếu tố chính đối với vận mệnh quốc gia và cũng không phải là cơ sở cần thiết trong đường lối chính trị của nó. Người ta có thể không cần đến dòng họ Buốcbông; trên thực tế người ta đã không thấy sự cần thiết của nó trong hai mươi hai năm qua; đã từng có gián đoạn như vậy rồi. Thế mà dòng họ Buốcbông không hề hay biết. Họ biết làm sao được, khi mà họ tưởng tượng là Lui XVI trị vì từ ngày mòng 9 tháng Nắng và Lui XVIII trị vì từ ngày chiến thắng Marănggô (Lui XVII, con Lui XVI thực tế chưa làm vua nhưng bọn quý tộc xuất cảnh tôn vương sau khi Lui XVI bị xử tử. Lui XVII chết trong nhà lao sao đó vài năm, lúc 10 tuổi. Theo lịch cách mạng, căn cứ trên thời tiết thì tháng Nắng nằm vắt trên tháng 7 và tháng 8; Marengo: một trận chiến thắng lớn của Bônapác 1800). Từ khi bắt đầu có sử, chưa bao giờ có những vua chúa mù quáng như thế! Mù quáng trước những biến cố, mù quáng trong việc nhìn nhận ý nghĩa phần thiên quyền trong các biến cố. Chưa bao giờ cái tự xưng là vương quyền ở cõi trần lại phủ nhận cái quyền lực của Chúa ở trên trời đến thế. Lỗi lầm căn bản này đã đưa họ Buốcbông đến chỗ thu hồi những bảo đảm “ban bố” năm 1814, mà họ gọi là những nhân nhượng. Thật đáng buồn! Những cái mà họ gọi là những nhân nhượng đó chính là những kết quả chiến đấu của chúng ta. Những cái mà họ gọi là những “lấn tiếm” của chúng ta chính ra là những lợi quyền của chúng ta. Chế độ phục hưng tự cho là mình đã chiến thắng Bônapác, nghĩa là mình mạnh, mình đã mọc rễ trên đất nước, nghĩa là mình có cội gốc sâu bền. Cho nên khi nó nghĩ là đã đến lúc thì nó đột nhiên quyết đoán và liều lĩnh hạ quân cờ. Một buổi sớm, nó đứng lên đối diện với nước Pháp và lớn tiếng từ chối quyền của cộng đồng và quyền tự do của cá nhân. Nghĩa là nó muốn tước cái quyền là dân tộc đối với dân tộc và cái quyền là công dân đối với công dân. Đó là nội dung các văn kiện khét tiếng gọi là những chỉ dụ tháng Bảy. Nền Quân chủ Phục hưng sụp đổ. Nó sụp đổ là đúng! Tuy nhiên cũng nên thừa nhận là không phải nó chống tuyệt đối tất cả những tiến bộ. Nhiều thành tựu lớn đã đạt được với sự có mặt của nó. Thời Quân chủ Phục hưng, dân tộc quen tranh luận trong bình tĩnh, thời cộng hòa không quen như thế: Nước Pháp tự do và hùng cường là một cảnh tượng cổ vũ các dân tộc khác châu Âu. Cách mạng lên tiếng với Rôbétxpie; đại bác lên tiếng với Bônapác. Với Lui XVIII và Sáclơ X, đến lượt trí tuệ lên tiếng. Gió lặng rồi, đuốc lại đốt lên. Ánh sáng rực rỡ của trí tuệ bây giờ chập chờn trên các đỉnh quang mây. Quang cảnh thật lộng lẫy, bổ ích và mê người. Những nguyên lý lớn lao quen thuộc đối với nhà tư tưởng, mới mẻ đối với chính khách phát huy tác dụng một cách công khai trong mười lăm năm, giữa cuộc sống hòa bình: đó là quyền bình đẳng trước pháp luật, là tự do tín ngưỡng, tự do ngôn luận, tự do báo chí, là khả năng chiếm lĩnh tước vị tùy tài năng. Cứ thế cho đến năm 1830. Họ Buốcbông là một công cụ của văn minh từng gãy vỡ trong tay Chúa. Sự sụp đổ của dòng họ Buốcbông dên ra một cách quang vinh, không phải về phần họ mà về phía nước Pháp. Họ rời ngôi trịnh trọng nhưng không có uy thế. Cảnh hạ bệ trong đêm tối của họ không thuộc loại những tan biến long trọng lưu lại trong lịch sử một niềm xúc động u ám. Ở đây không có cái lặng lẽ âm cảnh của Sáclơ đệ nhất, cũng không có tiếng kêu vang trời của con đại bàng Napoleon. Họ rút đi, thế thôi. Họ đăt cái mũ miện xuống mà không giữ lại vành hào quang. Họ có tư thế nhưng không oai phong. Họ có phần không tương xứng với sự lớn lao của hoạn nạn. Trong hành trình đi Sécbua, Sáclơ X cho cắt một chiếc bàn tròn thành bàn vuông, đã tỏ ra lo đến nghi lễ lâm nguy hơn là triều đại lâm nguy. Sự kém cỏi đó làm phiền lòng những người trung thành nhưng tự trọng và những người nghiêm túc tôn trọng chủng tốc mình. Còn dân chúng thì quả thật đáng khâm phục. Một sớm, tổ quốc bị một cuộc bạo động có thể gọi là một cuộc bạo động quân chủ tấn công. Vì cảm thấy mình thừa mạnh cho nên nó không nổi khùng. Nó tự vệ, nó tự kiềm chế, nó đưa mọi việc trở lại chỗ cũ, chính phủ trở về với pháp chế, họ Buốcbông, hỡi ôi! Trở lại cảnh lưu vong, rồi ngừng tay. Nó bê vị vua già Sáclơ X dưới những chiếc tàn đã che Lui XIV và nhẹ nhàng đặt ngài xuống đất. Nó động tới các nhân vật hoàng gia một cách thận trọng và có cảm hoài. Không phải chỉ có một người, không phải chỉ có mấy người, mà là nước Pháp, cả nước Pháp, nước Pháp thắng trận và say sưa trong chiến thắng, đã nhớ lại và thực hiện, dưới con mắt của nhân loại, những lời Guyôm Đuy Ve nói sau Ngày Chiến lũy: “Đối với những kẻ đã quen hưởng ân sủng của các nhà quyền thế và từng nhảy từ gia thế suy vi sang gia thế phồn thịnh, như con chim nhảy từ cành nọ qua cành kia, thì việc tỏ ra táo bạo chống lại vương phủ cũ của mình trong hoạn nạn là dễ. Nhưng đối với tôi, tôi luôn luôn tôn kính số phận của các vua tôi, nhất là những bậc mắc nạn”. Dòng họ Buốcbông để lại sự kính trọng chứ không để lại luyến tiếc. Như chúng tôi đã nói, hoạn nạn của họ lớn lao hơn chính họ. Họ mất dạng ở chân trời. Cách mạng tháng Bảy có ngay những người bạn và những kẻ thù ở khắp thế giới. Những người này phấn khởi đổ xô tới, những kẻ khác quay mặt đi, tùy tính khí của mỗi người. Các vua chúa châu Âu, như những con cú, con vọ trong cảnh bình minh này, buổi đầu nhắm cả mắt lại vì bị tổn thương và kinh hoàng. Chúng mở mắt lại chỉ là để đe dọa. Kinh hòang có thể hiểu, phẫn nộ có thể tha thứ. Cuộc cách mạng lạ lùng ấy chẳng qua chỉ như một va chạm mạnh. Thậm chí nó không để cho nền quân chủ cái vinh dự được coi đó là thù địch và được đổ máu. Các chính phủ chuyên chế rất thích thú được thấy tự do tự lên án mình, nhưng cách mạng tháng bảy chỉ phạm cái lỗi lầm là vừa dữ dội lại vừa dịu hiền. Phải thừa nhận rằng không ai có âm mưu gì chống nó. Những người bất mãn nhất, những người giận dỗi nhất, những người rung động nhất cũng chào đón nó. Dù có những quyền lợi ích kỷ gì, những hằn thù ghét bỏ gì, người ta cũng cảm thấy có môt niềm kính phục huyền bí đối với những biến cố được sự tham gia của một đấng cao hơn chúng ta. Cách mạng tháng Bảy là sự chiến thắng của chính nghĩa đối với hiện trạng. Rỡ ràng thay. Chính nghĩa lật đổ hiện trạng. Do đó mà cách mạng tháng Bảy sáng ngời, cũng do đó mà nó bao dung. Chính nghĩa đã chiến thắng thì không cần kịch liệt. Chính nghĩa là lẽ công bằng và chân lý. Đặc trưng của chính nghĩa là luôn luôn đẹp và trong sáng. Hiện trạng dù có vẻ cần thiết, dù được người đương thời thừa nhận cách thoải mái nhất, nếu chỉ là hiện trạng mà bên trong không có hay có ít chính nghĩa quá thì chắc chắn sẽ cùng với thời gian trở thành dị hình dị tướng, gớm ghiếc, có thể là quái dị nữa. Nếu ta muốn biết ngay là hiện trạng có thể rơi vào xấu xí đến đâu, thì ta hãy nhìn Makiaven (nhà chính trị và nhà sử học Ý nổi tiếng ở thế kỷ XV, XVI. Makiaven chủ trương trên đường chính trị, dùng phương pháp nào cũng tốt cả, miễn là thành công) qua khoảng cách của các thế kỷ. Makiaven không phải là hung thần, không phải là quỉ sứ, cũng không phải là một nhà văn hèn nhát và khốn nạn. Makiaven chỉ là hiện trạng thôi. Và đây không chỉ là hiện trạng Ý, đây là hiện trạng của châu Âu, hiện trạng của thế kỷ XIX. Cuộc đấu tranh giữa chính nghĩa là hiện trạng tồn trạng tồn tại từ buổi đầu của xã hội. Chấm dứt cuộc đấu, hòa hợp ý thức thuần túy với hiện thực nhân gian, làm cho chính nghĩa thấm vào hiện trạng và hiện trạng lồng trong chính nghĩa một cách hòa bình, đó là công việc của những người hiền triết. II VỤNG MAYTuy nhiên công việc của người hiền khác, công việc của người khôn khác. Cách mạng 1830 dừng lại nhanh chóng. Khi một cuộc cách mạng bị nghẽn, thì lập tức bọn khôn ngoan sà vào lợi dung như thể xô vào xâu xé một chiếc tàu bị đắm gần bờ. Những người khôn ngoan ở thế kỷ chúng ta tự phong cho mình cái danh hiệu chính khách, khiến cho cái tiếng chính khách hầu như trở thành một tiếng lóng. Thật vậy, không nên quên rằng chỗ nào chỉ có khôn ngoan mà thôi thì nhất định có nhỏ nhen. Nói: những người khôn ngoan, cũng như nói: bọn tầm thường. Cũng thế, nói: bọn chính khách, cũng bằng nói: bọn phản bội. Nếu tin theo lời bọn khôn ngoan, thì những cuộc cách mạng như cách mạng tháng Bảy là những động mạch bị đứt: phải làm Ga-rô ngay. Chính nghĩa được tuyên bố long trọng quá làm rung động. Cho nên khi đã xác định chính nghĩa thì phảr củng cố nhà nước. Quyền tự do được bảo đảm thì phải lo củng cố uy quyền. Đến đây thì nhà hiền triết chưa tách khỏi người khôn, nhưng họ đã bắt đầu nghi ngại. Uy quyền, đồng ý. Nhưng thứ nhất, uy quyền là gì? Thứ hai, uy quyền từ đâu mà ra? Những người không ngoan có vẻ không nghe thấy lời nhận xét thầm thì đó và cứ tiếp tục hoạt động. Những nhà chính trị này rất thạo việc đeo cho những ảo ảnh mình có thể lợi dụng cái chiêu bài cần thiết. Theo họ thì nhu cầu đầu tiên của một dân tộc sau cách mạng, hi dân tộc đó là thành phần của châu Âu quân chủ, là tìm và suy tôn một dòng vua. Họ nói, bằng cách ấy, dân tộc có thể có hòa bình sau cách mạng, nghĩa là có thì giờ băng bó thương tích, sửa chữa ngôi nhà. Dòng vua che khuất giàn giáo và che chở bệnh viện. Thế nhưng thường không dễ gì kiếm một dòng họ vua. Túng thế thì cái người thiên tài đầu tiên hoặc cái người phiêu lưu đầu tiên ta tìm ra đều có thể đặt lên ngôi vua. Trường hợp thứ nhất là trường hợp Bônapác, trường hợp thứ hai là Ituyêcbít. Nhưng các họ tộc đầu tiên tìm thấy không đủ để làm nên một dòng họ vua chúa. Một dòng họ lớn cần thiết phải có một liều lượng quá khứ nhất định và cái tuổi của một dòng họ là điều không thể giả tạo nên. Theo quan điểm của các “chính khách” – tất nhiên các điều kiện khác đã được tạm gác ra một bên – thì sau một cuộc cách mạng, ông vua xuất hiện từ cách mạng phải có những đức tính gì? Ông vua ấy phải là cách mạng mới có lợi, nghĩa là bản thân ông ta có tham gia cuộc cách mạng, phải nhúng tay vào, phải nổi tiếng hoặc mang tai tiếng trong đó, phải có sờ tới máy chém hoặc có vung gươm. Còn một dòng họ vua thì phải có những tính cách gì? Phải có tính cách dân tộc, nghĩa là cách mạng từ xa, không có hành động cách mạng, nhưng cách mạng về những lý tưởng mà nó chấp nhận. Một dòng họ vua phải vừa có một liều lượng quá khứ và có tính chất lịch sử, vừa có một liều lượng tương lai và gây được cảm tình. Tất cả những cái đó giải thích vì sao những cuộc cách mạng đầu tiên bằng lòng tìm một con người: Crômuen hay Napolen; và những cuộc cách mạng lại cứ đòi hỏi một dòng họ: họ Brônsvic hay họ Orlêăng (Họ Brunswick: một dòng họ công tước lâu đời ở Đức).Họ Orléans: một dòng họ công tước, ông tổ là em vua Lui XIV. Một đại biểu về sau là Philippe Egalitê tham gia cách mạng 1789 một cách tích cực. Con ông ta được tôn lên làm vua sau cách mạng tháng bảy (1830) với vương hiệu Louis Philippe. Những dòng họ vua giống những cây đa Ấn Độ: mỗi cành nghiêng xuống đất, bắt rễ và trở thành một cây đa khác. Mỗi chi trong dòng họ vua có thể thành một dòng họ vua mới. ĐIều kiện duy nhất là phải nghiêng xuống đến tận dân chúng. Đó, lý thuyết của những kẻ khôn ngoan. Và đây là nghệ thuật: Làm thế nào để cho sự thành công và có tiếng ngân vang của một tai họa, để cho những người có quyền lợi trong cách mạng phải run sợ, dưới hãi hùng vào sự việc đã hoàn thành, trình bày bước quá độ thành một sự chậm tiến, làm mờ nhạt bình minh cách mạng, tố cáo những khe khắt do hưng phấn làm nên, gọt giũa góc cạnh và móng vuốt, giảm nhẹ thắng lợi, bọc nhung chính nghĩa, dùng chăn dạ bọc người khổng lồ nhân dân và vội vàng cho đi ngủ, bắt cái sung sức ăn kiêng ăn nhịn, săn sóc Hecquyn như người ốm dây, phá loãng sự kiện lớn trong những biện pháp cơ hội, đối với những người khát khao lý tưởng thì cho uống nước lá dịu dịu, tiến hành những biện pháp để phòng chống sự thành công quá lớn, đem chao đèn đặt lên cách mạng. Năm 1830, người ta áp dụng lý thuyết đó, cái lý thuyết đã áp dụng đối với nước Anh năm 1688. 1830 là một cuộc cách mạng chặn lại ở giữa dốc. Một nửa tiến bộ; gần như là chính nghĩa. Thế nhưng lôgich không hề biết những cái tạm gọi những cái gần gần. Không biết sự thực, như mặt trời không biết nến. Ai chặn những cuộc Cách mạng ở giữa dốc? Giới tư sản. Vì sao? Vì tư sản là quyền lợi được thỏa mãn. Hôm qua là khát khao, hôm nay là đầy đủ, ngày mai là no tràn. Hiện tượng 1814 với Napoleon tái diễn năm 1830 với Sáclơ X. Coi tư sản là một giai cấp thì không đúng. Tư sản chỉ là một thành phần được vừa lòng tỏng nhân dân. Anh tư sản là người giờ đây có thì giờ ngồi. Cái ghế tựa phải đâu là một đẳng cấp. Tuy nhiên, muốn ngồi xuống sớm quá thì có thể cản bước tiến của nhân loại. Đó là lầm lỗi thông thường của giới tư sản. Không phải phạm lỗi lầm mà trở thành giai cấp. Ích kỷ đâu có phải là một sự phân công xã hội! Tuy vậy, cần phải công bình, dù đối với người ích kỷ. Cái trạng thái mà giới tư sản ước ao sau cuộc biến động 1830 đó, không phải là một trạng tháu ỳ có pha biếng lười và lạnh nhạt, thêm một tí hổ thẹn; không phải là một giấc ngủ, ngủ tức là tạm quên và có khả năng thấy chiêm bao. Đây chỉ là một trạm nghỉ chân. Trạm nghỉ chân có hai nghĩa riêng biệt hầu như trái ngược nhau: một nghĩa là hành quân, tức là vận động; một nghĩa là trú quân tức nghỉ ngơi. Nghỉ chân tức là lấy lại sức. Đó là sự nghỉ ngơi tỉnh táo và có vũ trang. Đó là cái-đã-hoàn-thành đặt lính gác và cảnh giác đề phòng. Nghỉ chân hàm cái ý đã chiến đấu hôm qua và còn chiến đấu ngày mai. Đấy là khoảng cách giữa 1830 và 1848. Cái chúng ta gọi là chiến đấu ở đây cũng có thể có tên là tiến bộ. Cho nên đối với giới tư sản, cũng như đối với các chính khách, cần có một người diễn đạt các khái niệm nghỉ chân đó. Một kẻ: “Dù là. Bởi vì” (Nguyên văn: Un Quoique Parceque, phải đọc cả ba chương 1, 2, 3 mới hiểu rõ cách gọi đó). Một nhân vật đa dạng vừa có nghĩa là Cách mạng lại vừa có nghĩa là ổn định, nói cách khác là một người khẳng định hiện tại bằng sự tính toán giữa quá khứ và tương lai. Nhân vật đó “sẵn có”. Tên ông ta là Lui Philip Đorlêăng ( Louis Philippe Orlean). Nghị viện gồm 221 đại biểu suy tôn Lui Philip làm vua. La Fêyet phụ trách lễ đăng quang. Ông ta gọi Lui Philip là “nền cộng hào tốt nhất”. Tòa thị sảnh Paris thay thế nhà thờ lớn Ranhx (Các vua chúa trước làm lễ đăng quang tại nhà thờ Ranhx, nhà thờ cổ kính và tráng lệ nhất nước Pháp. Lui Philip và những người phò tá ông tổ chức lễ đăng quang tại tòa thị sảnh Paris để nêu ý nghĩa ngôi vua do dân tộc Pháp trao cho chứ không phải do Chúa (thiên quyền) ban). Việc thay thế cái ngôi vua hoàn toàn bằng cái ngôi nửa vua đó “sự nghiệp ucar 1830”. Khi những người khôn ngoan làm xong công việc thì giải pháp của họ phơi bày một nhược điểm lớn lao vô cùng. Họ đã hành động không kể đến chính nghĩa. CHính nghĩa thét to: tôi phản kháng! Thế rồi, điều đáng sợ: nó rút vào bóng tối.