Mariuytx chẳng viếng thăm một ai nữa, chỉ thỉnh thoảng lại gặp ông cụ Mabớp. Trong khi Mariuytx cứ từng bậc một dần bước xuống cái thang ghê rợn đưa tới những hầm sâu hố tối, ở đấy người ta nghe những kẻ sung sướng như bước đi trên đầu mình, thì đằng cụ Mabớp, cụ cũng xuống dốc như thế. Sách Hoa quả xứ Côtơrê tuyệt đối không còn bán được quyển nào. Cuộc thí nghiệm về chàm không thành công chút nào trong cái mảnh vườn Austéclit thiếu ánh sáng. Cụ Mabớp chỉ trồng được ở đấy một vài thứ cây ưa ẩm và cớm. Mặc dù thế, cụ không thất vọng. Cụ đã xin được một khoảnh đất ở vườn bách thảo, khá thoáng, để lại “bỏ tiền” thí nghiệm về chàm. Cụ đã mang các bản khắc đồng của tác phẩm mình đem cầm để lấy tiền làm việc ấy. Cụ cũng đã rút bữa ăn trưa xuống còn hai quả trứng, nhưng lại để dành cho một bà ở già mà đã mười năm nay cụ không trả tiền công. Thường thường bữa ăn trưa ấy lại là bữa ăn duy nhất trong ngày. Ông cụ không còn giữ cái cười trẻ con nữa, trở nên buồn rầu và không còn muốn tiếp một ai. Mariuytx không còn nghĩ tới việc đến cụ là phải. Đôi khi, trên đường đi đến vườn bách thảo, cụ già lại gặp chàng thanh niên ở phố Ôpitan. Cả hai đều không nói gì, chỉ gật đầu ra hiệu một cách buồn bã. Kể cũng đau lòng thật có lúc cái nghèo làm cho người ta phải xa nhau là thế! Trước khi là bạn bè, bây giờ thì chỉ là khách qua đường thôi. Anh hàng sách Rôian đã qua đời. Cụ Mabớp chỉ cò biết đến mấy quyển sách, mảnh vườn và việc làm chàm của mình. Tất cả hạnh phúc, thú vui, hy vọng của cụ đều thể hiện ra dưới ba hình thái ấy, thế mà cũng đủ cho cụ sống được rồi. Cụ tự bảo: - Bảo giờ mình chế được những viên thuốc nhuộm màu xanh chàm thì nhất định là phú quý; bấy giờ sẽ chuộc các thứ đồ đồng lại, quảng cáo ầm ĩ trên báo chí, dùng cả trống kèn để chiêu khách làm cho cuốn Hoa quả của mình trở lại nổi tiếng như cồng và ta sẽ mua một cuốn kỹ thuật hàng hải có tranh khắc gỗ, bản in năm 1558, mua ở đâu ta biết chỗ rồi. Trong khi đợi thời, cụ cặm cụi suốt ngày ngoài đám chàm, đến tối mới về vườn và đọc sách. Khoảng ấy cụ đã xấp xỉ tám mươi. Một buổi tối, ông cụ thấy tận mắt một sự hiển hiện kỳ dị. Hôm ấy, cụ về đến nhà thì trời hãy còn sáng. Bà Pơluytác trong người khó ở đã đi nằm. Ăn xong miếng bánh mì với một ít thịt còn dính trên mẩu xương, để trên bàn dưới nhà bếp, cụ ra ngồi trên tảng đá dùng làm ghế ngoài vườn. Bên cạnh chiếc ghế đá, như thói thường trong các vườn cây ăn quả kiểu xưa, có một chiếc hòm gỗ mục, hai tầng, tầng dưới là chuồng thỏ, tầng trên là chỗ để trái cây. Thỏ thì không có nhưng lại có mấy quả táo để dành ăn mùa đông còn sót lại. Cụ Mabớp hấp háy đôi kính, vừa giở sách vừa đọc. Tính vốn rụt rè, nên cụ có phần dễ tin nhảm. Có hai cuốn sách cụ rất ham và làm cho cụ phải luôn luôn nghĩ tới. Tuổi tác rồi mà như thế mới nguy chứ! Một là quyển sách có tiếng của Đơlăngcơrơ “Sự biến hiện không ngừng của loài quỷ”. Còn quyển kia là của Rôbuđiê “Nói về lũ quỷ ở Vôve và bọn yêu tinh ở Bievơrơ”. Cuốn sau làm cho cụ càng chú ý mảnh vườn nhà lá nơi trước kia yêu tinh thường hay lui tới. Hoàng hôn xuống dần. Mọi vật trên cao nhuộn màu trắng nhạt, dưới thấp bóng tối đen thẫm lại. Cụ vừa đọc sách vừa ngắm cây trong vườn, đặc biệt nhìn một cây sơn lựu xinh đẹp mà cụ coi là mối an ủi tuổi già. Bốn ngày vừa qua, toàn nắng và gió, không có lấy một giọt mưa. Cành cây nghiêng ngả, nụ hoa rũ rượi lá rụng rơi, cần phải tưới nước, nhất là cây sơn lựu trông càng tiều tụy. Cụ là người coi hoa lá có linh hồn như người. Mặc dù cả ngày đã mệt nhoài với các luống chàm, cụ vẫn cố đứng dậy, đặt sách xuống ghế và lom khom, khập khiễng đi đến giếng nước. Nhưng nắm được dây mà không còn sức kéo khỏi móc. Cụ quay lại ngẩng đầu nhìn lên vòm trời đầy sao, cặp mắt thất vọng. Trời trong vắt, cái trong trẻo này có dáng như một niềm vui độc ác và trường cửu làm cho người đau khổ càng thêm đau khổ. Cứ kiểu này thì đêm rồi cũng như ngày khô cháy thôi. - Sao chi chít! – Cụ nghĩ bụng – một gợn mây cũng không có, một giọt nước cũng không! Cụ thôi ngẩng nhìn trời, đầu cúi rũ xuống. Một chốc lại ngước lên, nhìn trời lẩm bẩm: - Lạy trời thương, rưới cho một giọt lệ sương cũng được. Cụ lại cố kéo dây lần nữa, nhưng đành chịu. Vừa lúc ấy cụ nghe có tiếng nói: - Cụ Mabớp, cụ có muốn tôi tưới giúp vườn cho cụ không? Trong hàng giậu nghe sột oạt như có tiếng động của thú dữ đi qua. Một cô gái, người cao gầy, từ đám cây gai rậm rịt bước ra, đến trước mặt, nhìn thẳng vào cụ. Ông cụ có cảm tưởng đó mà không phải là một con người bằng xương bằng thịt mà là một bóng ma vừa hiển hiện trong hoàng hôn. Ông cụ vốn là người yếu bóng vía, rất dễ kinh hoàng, thế mà cụ chưa kịp mở miệng nói nửa lời, bóng ma ấy đã mở dây, thả gầu xuống nước, múc nước lên đổ đầy thùng tưới, thoăn thoắt, vội vàng một cách kỳ dị. Rồi cái bóng ma đi chân đất, quần áo rách tươm ấy lại chạy từ luốn này qua luống khác phát sự sống cho cây cối chung quanh mình. Tiếng nước rơi trên lá làm cho cụ hả hê. Cụ nghĩ rằng cây sơn lựu chắc là sung sướng lắm. Tưới xong thùng đầu, cô gái múc một thùng khác, rồi một thùng khác nữa. Cô tưới cả vườn. Bóng cô đen thẫm đi lại giữa các luống hoa, hai mối khăn chùm rách tươm phất phơ trên hai cánh tay gầy guộc trông có vẻ như một con dơi. Cô vừa tưới xong đâu đấy, cụ Mabớp sung sướng đến chảy nước mắt, tiến sát đến gần, đặt tay lên trán cô: - Chúa sẽ ban phúc cho cô, cô săn sóc hoa, hẳn cô là một thiên thần. Cô gái trả lời: - Không, tôi là quỉ sứ thôi, nhưng cái ấy cũng chả sao. Ông lão không đợi đáp, cũng không nghe câu đáp, vội kêu lên: - Cô khổ, tôi nghèo nàn, khổ sở quá, chả biết đáp ơn cô bằng cách nào! - Cụ ơi, có cách đấy. - Cách gì? - Cụ làm ở bảo giùm cháu, ông Mariuytx nhà ở đâu? Ông lão không hiểu gì cả. - Ông Mariuytx nào? Cụ ngước cặp mắt đục lờ lên, như tìm một hình ảnh đã xóa mờ. - Anh thanh niên hay đến đây dạo trước ấy mà. Ông lão đã lục lọi khắp trí nhớ, bỗng cất tiếng: - À, phải rồi… tôi hiểu cô nói gì rồi. Cô thư thả nhé! Ông Mariuytx, nam tước Mariuytx Pôngmecxi chứ gì! Anh ta ở… đúng hơn là anh ta không còn ở… À, tôi không biết rõ gì về anh ta cả. Ông lão vừa nói vừa cúi sửa một cánh sơn lựu, rồi tiếp: - À, này, bây giờ tôi nhớ ra rồi. Anh ta thường qua lối phố lớn và đi về phía phố Cơrulơ Bácbơ, chỗ đồng Sơn ca ấy. Cô đi về lối đó thì gặp anh ta cũng dễ thôi. Khi ông cụ đứng thẳng người dậy thì không còn ai trước mặt cả, cô gái đã biến đâu mất. Ông cụ thấy hơi rờn rợn trong mình. Cụ nghĩ thầm: - Tưới cả vườn đây này, nếu việc không sờ sờ như thế thì chắc mình phải tin là ma hiện hình. Một giờ sau, đi ngủ, cái việc đó lại hiện ra trong trí cụ. Đó là cái lúc chập chờn mà trí óc dần dần đi vào cõi mộng để xuyên suốt giấc ngủ, cũng như con chim thiêng trong thần loại đã hóa cá để vượt đại dương. Cụ mơ màng nói: - Thật ra, cũng giống hệt như chuyện Rubôđiê kể về lòai yêu tinh. Hay cũng là một con yêu tinh đó?IV MARIUYTX CŨNG THẤY MA Mấy hôm sau ngày “bóng ma” đến thăm cụ Mabớp bữa ấy là sáng thứ hai, như thường lệ Mariuytx vay Cuốcphêrắc một đồng trăm xu cho Tênacđiê. Bỏ xong tiền vào túi, Mariuytx dạo một vòng trước khi mang lại phòng lục sự của nhà ngục. Chàng định bụng may ra như thế lúc trở về sẽ có thể làm việc được. Kể ra bữa nào cũng thế cả. Vừa ngủ dậy, chàng đã đem sách giấy ra để trước mặt dịch nguệch ngoạc một vài dòng. Lúc ấy chàng đang dịch ra Pháp văn những bài trong cuộc tranh luận của người Đức, cuộc tranh luận giữa Găngxơ và Xavinhi. Chàng cầm đến Găngxơ, rồi cầm đến Xavinhi đọc bốn dòng, thử viết ra một dòng, nhưng ngòi bút kéo không ra chữ, còn con mắt thì thấy hiện một ngôi sao. Chàng bỏ ghế đứng dậy. Đi dạo một chút để lấy đà mới được. Và chàng đến cánh đồng Sơn ca. Đến đấy chàng lại thấy ngôi sao rõ mồn một, còn sách của Găngxơ và Xavinhi thì quên đâu mất cả. Chàng trở về, cố làm việc nhưng không được. Bao nhiêu sợi dây đã đứt đoạn trong óc chàng! Một sợi cũng không cách gì nối lại được! Chàng tự bảo: - Thôi mai ta không đi chơi nữa. Đi chơi chả làm việc được. Nhưng rồi ngày nào chàng cũng cứ đi. Chàng ở cánh đồng Sơn ca nhiều hơn là ở nhà Cuốcphêrắc. Đúng ra địa chỉ của chàng là phải thế này: Đại lộ Xăngtê, gốc cây thứ bảy, kể từ phố Cơrulơ Bácbơ. Sáng hôm ấy, chàng rời gốc cây ấy đến ngồi trên bệ gạch, dọc bờ sông Gôbơlanh. Mặt trời tươi tắn xuyên vào các chòm lá non sáng ngời. Chàng mơ màng nghĩ dến “nàng” rồi dần dần lại tự mình trách mình. Chàng đau lòng nghĩ đến sự lười biếng hàng ngày làm chàng tê liệt tâm trí chàng và cảm thấy trước mắt mình đêm tối mỗi phút một dày thêm đến nỗi không còn nhìn thấy mặt trời nữa. Khó nhọc lắm chàng mới biết mình đang nghĩ những gì lờ mờ. Năng lực của chàng sa sút đến nỗi chàng không nghĩ được thành lời để mình tự bảo mình và cũng không có sức để mà buồn bực. Tuy vậy trong cơn mơ mộng rầu rầu ấy, cảm giác từ sự vật bên ngoài vẫn dội đến tâm trí chàng. Chàng nghe sau lưng, dưới chân mình, tiếng thợ giặt ở hai bên bờ sông đập áo và trên đỉnh đầu tiếng chim reo hót trong rặng cây. Một đằng là tiếng reo của tự do, vô tư sung sướng, của lũ chim thong thả rảnh rang; một đằng là tiếng lao động. Cả hai thứ tiếng đều vui vẻ, làm cho trí óc chàng càng mơ tưởng sâu hơn, gần như là suy nghĩ. Thình lình giữa cơn mơ, chàng nghe một tiếng người quen thuộc: - Kìa, anh chàng đó rồi! Chàng ngước mắt và nhận được Êpônin, cô gái lớn của Tênacđiê, cô bé khốn khổ đã đến nhà chàng một buổi sáng trước đây. Lúc này thì chàng đã biết tên cô. Điều lạ là cô bé trông nghèo hèn đi nhưng lại đẹp thêm lên. Cô đã tiến thêm hai bước, một bước về phía ánh sáng và một bước về phía ngặt nghèo. Cô vẫn đi chân không và ăn bận rách rưới như hôm cô quả quyết bước vào phòng chàng. Nhưng quần áo rách nát của cô hai tháng nay đã cũ thêm: các lỗ thủng rách toạc ra to hơn, các mảnh vải càng xấu xí đi. Vẫn giọng nói khàn khàn ấy, vẫn vầng trán xám mà nóng gió làm cho nhăn nheo, vẫn làn mắt nhanh nhẹn, lấc láo. Ngoài ra còn có cái gì khác hơn là gương mặt thêm vẻ gì hoảng hốt, thảm hại đúng là của người nghèo đói lại vừa ở tù ra. Mấy cọng rơm lẩn trên mái tóc của cô bé. Không phải như Ôphêlia đã điên dại vì lây cái điên dại của Hămlét, nhưng chỉ vì cô đã ngủ ở một đống rơm chuồng ngựa nào đó. Với tất cả hình dung như thế, cô bé vẫn đẹp. Ôi! Tuổi xuân sao mà thần tiên đến thế! Cô bé dừng lại trước Mariuytx. Nét mặt nhợt nhạt hơi tươi lên mà trên môi thoáng như có một nụ cười. Cô bé đứng im một lúc như nói không ra lời nữa, mãi sau mới nói: - Rồi cũng phải gặp ông chứ lị! Ông cụ Mabớp nói không sai mà, chính trên đại lộ này đây! Trời! Em tìm ông đến hết hơi, ông có biết đâu đấy nhỉ! Ông biết không? Em bị giam mất mười lăm hôm, chúng nó mới tha đấy! Lý do là chả có tang chứng gì trên người em cả. Với lại, em còn là tuổi vị thành niên, thiếu hai tháng nữa. Trời! Em tìm ông hết nơi hết chốn! Đã sáu tuần rồi đấy! Ông không còn ở chỗ ấy nữa à? Mariuytx đáp: - Không. - À, em hiểu rồi. Vì cái chuyện ấy chứ gì. Cái trò ăn cắp ấy khó chịu lắm. Ông không chịu được nên đã dọn đi mà. Này! Sao ông lại đội những thứ mũ dúm dó như thế kia? Thanh niên như ông phải có quần áo đẹp chứ. Ông Mariuytx, ông có biết không? Ông Mabớp ông ấy gọi ông là nam tước, nam tiếc gì chứ? Nam tước là những ông già kia, thường mò đến chỗ có nhiều ánh sáng nhất trong vườn Luxembourg, đọc tờ Hàng Ngày một xu một số kia. Có lần em mang thư cho một nam tước loại đó. Ông ta có tuổi đến hơn trăm kia đấy! Ông Mariuytx, bây giờ ông ở đâu? Mariuytx không đáp, cô bé nói tiếp: - Ồ, áo ông rách một lỗ, để rồi em vá lại cho mới được. Giọng cô bé dần dần trở nên buồn: - Hình như gặp em ông không bằng lòng thì phải? Mariuytx không nói gì; cô bé cũng lặng im một lát rồi nói to: - Em mà muốn thì em bắt ông tỏ vẻ bằng lòng được ngay. Mariuytx hỏi: - Sao? Cô nói gì thế? Cô bé dằn lại: - À! Trước đây ông gọi em là em kia. - Ừ, thế thì em nói thế nào? Cô bé cắn chặt môi, không nói. Hình như đang có cuộc xô xát gì trong lòng. Sau cùng, cô có vẻ quả quyết: - Thôi, mặc kệ, cũng chả sao. Ông đang có vẻ buồn rầu, mà em thì lại muốn ông được vui lên. Ông hứa với em là ông sẽ cười đi. Em muốn thấy ông cười và nói: “Thế à! Thế thì tốt lắm”. Tội nghiệp ông Mariuytx! Ông biết không! Ông còn hứa ông cho em tất cả cái gì em muốn phải không?... - Ừ, thì em nói đi! Cô bé nhìn thẳng vào mắt Mariuytx: - Em biết địa chỉ rồi. Mariuytx tái người đi. Máu dồn cả vào tim. - Địa chỉ nào? - Địa chỉ mà ông hỏi em! Cô nói tiếp như cố hết sức: - Địa chỉ của… ông biết chứ? Mariuytx lắp bắp: - Ừ! - Của tiểu thư ấy! Nói xong tiếng ấy, cô bé thở ra một cái dài: Mariuytx nhảy từ bức tường xuống, cuống cuồng nắm lấy tay cô bé. - Thế à? Đưa anh đi đi! Chỉ cho anh đi! Em muốn đòi gì anh cũng được! Nào, cô ấy ở đâu? - Đi theo em, - cô bé đáp – Em không biết rõ đường phố và số nhà; ở tận phía bên kia, nhưng em biết rõ nhà. Để em dắt ông đi. Cô bé rụt tay ra, nói tiếp. Giọng cô buồn rầu làm cho người ngoài cuộc, ví như nghe thấy thì phải xúc động lắm, thế mà nó chẳng mảy may nào chạm đến tấm lòng của anh chàng Mariuytx đang mê man, sôi nổi: - Chao! Ông sung sướng quá nhỉ! Một đám mây như thoáng qua vầng trán Mariuytx. Chàng nắm cánh tay Êpônin: - Em thề với tôi một điều! - Thề? Cô nói – thề nghĩa là làm sao? Này! Ông muốn em thề ư? Và cô bé cười. - Êpônin, em hứa với tôi nhé! Em thề với tôi là không nói địa chỉ này với bố em! Cô bé quay sang phía chàng, vẻ kinh ngạc: - Êpônin! Sao ông biết em là Êpônin? - Em hứa với tôi điều tôi vừa nói đi! Nhưng cô bé như có vẻ không nghe gì cả. - Dễ nghe đấy! Ông gọi em là Êpônin được đấy! Mariuytx nắm cả hai tay Êpônin. - Trời ơi! Em trả lời tôi đi. Chú ý lời tôi nói nhé em, thề với tôi sẽ không nói địa chỉ em biết cho bố em đi! - Bố em? Ừ, ừ, bố em! Thế thì ông cứ yên tâm. Ông ấy bị giam rồi. Với lại em có bận tâm gì đến bố em đâu! Mariuytx kêu lên: - Em vẫn chưa hứa với tôi! Cô bé vừa nói vừa phá lên cười: - Buông tôi ra đi! Lay mạnh quá đi thôi! Có! Có! Em xin hứa, em xin thề! Chuyện gì đến mà em không thề! Em không mách địa chỉ ấy với bố em đâu. Như thế được chưa? Được chứ? - Cũng không nói với ai cả! Mariuytx bảo. - Không nói với ai hết. - Thôi bây giờ dắt tôi đi đi. - Đi ngay? - Đi ngay. - Theo em - Chao ôi! Sao mà anh chàng mừng rơn thế! Được mấy bước cô bé dừng lại. - Ông đi sát em quá, ông Mariuytx ạ. Để em đi lên trước, ông cứ đi sau, làm ra vẻ không phải đi theo em. Không nên để người ngoài người ta thấy một thanh niên tử tế như ông lại đi cùng một người đàn bà như em. Không một ngôn ngữ nào có thể nói hết tất cả nghĩa ngụ trong tiếng đàn bà, ở giọng nói cô bé ấy, lúc bấy giờ. Được mươi bước, cô bé dừng lại lần nữa. Mariuytx tiến kịp. Cô đi một bên, cất tiếng hỏi Mariuytx, đầu không quay lại: - Này, ông có nhớ hứa với em một cái gì đấy chứ? Mariuytx sờ tay vào túi áo, chàng chỉ có vẻn vẹn đồng năm phơrăng dành cho Tênacđiê. Chàng cầm lấy đặt vào tay Êpônin. Cô bé mở xòe mấy ngón tay, rơi đồng bạc xuống đát và nhìn chàng vẻ rầu rầu: - Em không muốn lấy tiền của ông đâu!