Lão có những học thuyết của lão. Thí dụ như học thuyết này: “Khi một người đàn ông yêu say mê đàn bà, mà lại có một người vợ mà hắn ít chú ý đến, xấu xí, cáu bẳn, vợ chính thức, đầy đủ quyền hạn, ngồi bệ vệ trên bộ luật và khi cần cũng biết ghen tuông thì chỉ có một cách giải quyết để được yên ổn, là để cho bà vợ giữ tay hòm chìa khóa. Sự thoái vị ấy sẽ đem lại cho hắn tự do. Lúc bấy giờ thì bà vợ sẽ bận rộn, sẽ say mê đếm tiền đế hoen rỉ cả tay, lo đào tạo tá điền, buộc trại trưởng vào khuôn phép, triệu tập các đại tụng, chủ tọa khi họp các viên thừa phát, giải thích cho những phụ tá của thừa phát, thăm các thày cãi, quan tòa, hầu kiện, thảo hợp đồng, quyết định những khế ước, thấy mình là bà chủ toàn quyền, bán, mua, xếp đặt, ra lệnh này, ra lệnh khác, hứa và rút lời hứa, cam kết và hủy bỏ, nhường đi rồi nhượng lại, dàn xếp thứ này, đảo lộn thứ kia, thu vén, phung phí; mụ làm những điều ngu xuẩn mà lấy làm sung sướng, thích thú, thế là mụ được an ủi. Trong khi bị chồng khinh bỏ thì mụ sung sướng phá hoại cơ nghiệp của chồng”. Cái học thuyết ấy, lão Gilơnormăng đã thực hiện cho chính bản thân lão và nó đã trở thành lịch sử cuộc đời lão. Vợ lão, người vợ thứ hai, đã sử dụng cơ nghiệp của lão khôn khéo đến mức khi nào góa vợ, lão chỉ còn vừa đủ để tiêu dùng, bằng cách đem gửi hầu hết gia tài theo kiểu thực lợi chung thân, chỉ được lĩnh khoảng mười lăm ngàn phơrăng lợi tức mỗi năm mà ba phần tư sẽ bị cắt khi lão chết. Lão đã không ngần ngại, vì lão không nghĩ gì đến việc để lại gia tài cho con cháu. Vả lại lão đã thấy rằng những gia tài cũng gặp lắm chuyện bất ngờ, thí dụ đã biến thành của công; lão đã được thấy cái chuyện chiết giảm một phần ba gia tài và lão không tin tưởng lắm ở quyển sổ cái. “Cũng chuyện phố Canhcăngpoa thôi!” Lão thường nói thế. Cái nhà đang ở, trong phố Phiơ đuy Canve, như chúng tôi đã nói, là nhà của lão. Lão Gilơnormăng có hai người ở “một đực và một cái”, khi nuôi một người ở mới, lão có thói quen đặt tên lại, người ở trai thì quê ở tỉnh nào lão lấy tên tỉnh ấy mà gọi, thí dụ như Nimoa, Côngtoa, Poatơvanh, Pica. Người ở trai cuối cùng đương làm cho lão là một người to lớn, sù sì, đã năm mươi lăm tuổi không tài nào chạy được hai mươi bước, nhưng vì hắn sinh ở Bayon nên lão Gilơnormăng đặt tên cho hắn là Batsecơ (Người miền núi Pirênê, phía nam nước Pháp, có tiếng là can đảm, lanh lợi). Còn người ở gái thì ai lão cũng đặt cho một tên duy nhất là Nicôlét (cả mụ Manhông sẽ nói đến sau đây). Một lần một mụ đầu bếp rất lành nghề, dòng dõi gác cổng gia truyền, đến xin việc. Lão hỏi: “Mụ muốn xin mỗi tháng bao nhiêu lương?” – “Thưa ba mươi phơrăng” – “Tên mụ là gì?” – “Thưa là Ôlanhgi” – “Ta cho mụ năm mươi phơrăng và mụ sẽ đổi tên là Nicôlét”. VI THOÁNG BÓNG MỤ MANHÔNG VÀ HAI ĐỨA TRẺ Lão Gilơnormăng khi có gì buồn bực là phát khùng, khi thất vọng thì lão điên tiết lên. Đầu óc lão đầy thành kiến và lão lại rất tự do bừa bãi. Một điều lão thích nhất là làm ra vẻ ta đây vẫn trẻ trai tình tứ và lão muốn mọi người tin như vậy. Lão bảo thế mới là “lừng danh công tử”; cái “lừng danh công tử” ấy cũng lắm lúc làm cho lão mang vạ một cách kỳ khôi. Một hôm người ta vứt vào nhà lão một cái giỏ như giỏ hến, đựng một đứa con trai sơ sinh, khóc oai oái và bọc chặt tã lót mà một mụ người ở bị lão đuổi sáu tháng trước đổ cho là con lão. Lão Gilơnormăng lúc bấy giờ đã chẵn tám mươi tư tuổi. Mọi người xung quanh lấy làm bất bình và la lối: cái con mụ quạ mổ ấy đánh lừa ai được chứ? Sao nó lại táo bạo thế, lại dám vu oan giá họa đểu giả như thế? Lão Gilơnormăng không tỏ vẻ khoái chí và bảo mọi người: “Gì kia chứ? Có gì lạ? Các người ngạc nhiên? Y như những kẻ ngu độn. Công tước Ănggulem, con hoang của Hoàng đế Saclơ IX, tám mươi lăm tuổi còn cưới một cô ả mười tám; ngài Viêcginan tức hầu tước Đaluy, anh em của đức giáo chủ Đơxuốcđi, tổng giám mục xứ Boređo, tám mươi ba tuổi, ngủ với con thị tỳ của bà chánh án Giăccanh, còn sinh được một đứa con trai thật kháu khỉnh và viện trưởng Tabarăng, một vĩ nhân của thời đại, ra đời khi thân phụ ông đã tám mươi bảy tuổi. Những chuyện như vậy có gì là lạ. Còn chuyện trong Kinh thánh nữa! Nhưng về cái ông nhỏ này thì nó không phải là con ta. Tuy vậy cũng phải trông nom cho nó. Không phải lỗi tại nó”. Lão giải quyết một cách thật dễ dàng kẻ cả. Nhưng mụ Manhông năm sau lại gửi đến cho lão một đứa con trai nữa. Lần này lão mới chịu thua. Lão cho đem trả mụ Manhông hai đứa trẻ và hứa gửi cho chúng mỗi tháng tám mươi phơrăng với điều kiện là mụ Manhông không được làm như thế nữa. Lão còn dặn thêm: “Ta muốn mẹ chúng nó phải trông nom chúng nó cẩn thận, thỉnh thoảng ta sẽ đến thăm chúng”. Và lão đến thăm hai đứa trẻ thật. Lão có một ông em, làm linh mục giữ chức giám đốc trường Đại học Poachiê và chết năm bảy mươi chín tuổi. Lão bảo: em tôi mất sớm. Người em lão là một anh hà tiện, nhưng vì làm linh mục, hắn thấy có nhiệm vụ phải bố thí cho người nghèo, hắn chỉ cho những mảnh chinh, mảnh kẽm không tiêu được nữa. Hắn đã tìm được đường xuống địa ngục bằng lối thiên đường. Trái lại lão Gilơnormăng anh thì lại hào phóng, bố thí ra trò, bốc tiền không đếm. Nếu lão giàu có thì lão còn bố thí đế vương hơn nữa. Lão muốn cái gì là lão làm, cái gì dính dáng đến lão cũng phải đường hoàng lớn lối mới được, cả khi người ta đánh lừa đánh cắp của lão. Một lần trong một vụ chia gia tài, lão bị một tên biện sự ăn bớt của lão một cách thô bỉ và vụng về, lão trịnh trọng tuyên bố: “Hừ! Hạng bần tiện quá! Nó làm cho ta cũng phải xấu hổ. Thế kỷ này cũng suy đồi cả rồi, ăn cắp cũng không ra trò nữa. Hừ! Đánh cắp của hạng này thì cũng phải đánh cắp cho ra vẻ chứ! Ta đã bị mất cướp như ở trong rừng, nhưng hắn ăn cướp một cách kém cỏi quá. Sylvoe sinl consule dignoe! Lão có hai vợ, độc giả đã biết: vợ trước sinh được một gái, nay là gái già, vợ sau cũng được một gái đến độ ba mươi tuổi thì chết, cô gái này chẳng biết vì đâu, vì tình yêu hay ngẫu nhiên, đã lấy một anh chàng trong quân đội cộng hòa và đế chế, được tặng huân chương trong trận Austéclit đã được phong đại tá ở trận Oateclô. Lão Gilơnormăng vẫn bảo: “Quả là một sự biêu riếu cho gia đình nhà ta”. Lão nghiện thuốc lá nặng và hay lấy tay vò một cách duyên dáng cái yếm đăng ten trước ngực. Lão không tin Chúa lắm.