Có một phần chú bé ấy trong Pôcơlanh (Poquelin: tên thực của Môlie), đứa con của chợ Paris và một phần trong Bômácse. Tính nhóc con là một sắc thái của tinh thần Gôloa. Nó làm cho người biết phải trái có thêm sức mạnh cũng như cồn làm rượu vang thêm mạnh. Đôi khi cái tính ấy cũng là một khuyết điểm, Hôme cũng có lúc rườm rà, đúng và có thể nói là Vonte cũng “nhóc”. Đêmulanh là dân ngoại ô. Săngpiône, người vẫn đả kích những phép mầu của thánh, cũng từ hè phố Paris sinh ra; ngày bé, ông đã từng tè trên các cửa nhà thờ Xanh Giăng đơ Bôve và Xanh Têchiên duy Mông; ông đã nhạo báng khá nhiều lần cái hòm thánh tích của nữ thánh Giơnơvievơ cho nên sau này có thể ra mệnh lệnh cho cái lọ đựng máu của thánh Giăngviê. Chú nhóc Paris biết tôn kính, biết mỉa mai và biết ngỗ ngược. Răng của chú rất tởm vì chú ăn đói và đau dạ dày, nhưng chú có đôi mắt đẹp vì chú thông minh. Ngay cả trước mặt Chúa trời Giêôva, chú cũng có thể nhảy lò cò trên những bậc thềm đưa đến thiên đường. Chú có những cái đá khá mạnh. Lúc nào chú cũng có thể trỗi dậy, lớn lên. Chú lê la ở cống rãnh, nhưng vùng đứng lên ngay khi có cuộc khởi nghĩa, chú vẫn ngỗ ngược cả trong mưa đạn, lúc nãy là một thằng nhãi, bây giờ là một anh hùng! Như em nhỏ thành Tebơ, chú dám vuốt râu sư tử, Bara đánh trống là một nhóc của Paris. Chú hô to: Tiến! Như con ngựa của Kinh thánh nói: Đi! Và trong một phút từ một trẻ nhỏ chú đã trở thành một người khổng lồ. Đứa con của vũng bùn này cũng là đứa con của lý tưởng. Bạn hãy đo cái tầm rộng đôi cánh từ Môlierơ đến Bara (Bara: thiếu niên anh hùng trong cách mạng Pháp 1789. Một mình bị vây, bị buộc phải hô: “Nhà vua muôn năm” nếu muốn được tha, em đã hô “Cộng hòa muôn năm” và bị giết chết). Nói tóm lại, để rút tất cả vào một câu, chú nhóc là một trẻ nhỏ vui đùa vì chú nghèo khổ.X PARIS ĐÂY, NGƯỜI ĐÂY Cũng để tóm tắt tất cả một lần nữa, chú nhóc của Paris, ngày nay, cũng như chú Graquyluyxơ thành Rômơ xưa, đó là hình ảnh nhân dân trẻ con mang trên trán vết nhăn của thế giới già cỗi. Chú nhóc là một vẻ đẹp của quốc gia nhưng cũng là một bệnh tật. Bệnh tật này phải chữa. Chữa cách nào? Bằng ánh sáng. Ánh sáng làm cho mọi vật lành mạnh. Ánh sáng làm cháy sáng. Tất cả những ánh sáng tốt lành của xã hội đều bắt nguồn từ khoa học, văn học, nghệ thuật, giáo dục. Hãy đào tạo những con người. Hãy làm cho họ sáng lên để họ tỏa hơi nóng làm ấm chúng ta. Sớm muộn vấn đề giáo dục toàn dân rực rỡ sẽ được đề ra với uy lực không gì cản nổi của chân lý tuyệt đối, thực sự và lúc bấy giờ những kẻ lãnh đạo, dưới ánh sáng của tư tưởng Pháp sẽ phải chọn một trong hai điều này: những thiếu niên của nước Pháp, hay những nhóc của Paris, những ngọn lửa trong ánh sáng hay những bóng ma trơi trong đêm dày. Chú nhóc biểu hiện Paris và Paris biểu hiện thế giới. Vì Paris là một số tổng hợp, Paris là đỉnh của loài người. Tất cả cái thành phố kỳ diệu ấy là một sự rút ngắn tất cả những nếp sống đã chết đi và những nếp sống hiện hành. Ai nhìn Paris tưởng nhìn thấy cả những tầng sâu của tất cả lịch sử và giữa những tầng đó là những bầu trời và những ngôi sao. Paris có đền Capitolơ, tòa thị sảnh, có một đền Péctênông, nhà thờ Đức bà, có một đồi Avăngtanh, ngoại ô Xanh Ăngtoanơ, có một Adinariom, một trường Xoócbon, một đài phong thần Păngtêông, một con đường Thiêng, tức đại lộ Italiêng, một Phong tháp tức là dư luận quần chúng: và Paris thay cái tội bêu thây bằng cái lố bịch. Anhmagiô (chàng công tử Tây Ban Nha), của Paris là chàng pharô (chàng công tử Paris), người tơrăngxtêvêranh (dân ngoại ô thành La Mã) là dân phôbuariêng, anh haman (phu khuân vác ở các nước Hồi giáo) của nó là chú phođơlanhan (phu khuân vác ở chợ Paris), anh ladarônê (dân lang thang, lưu manh ở Ý) là bọn pegơrơ (dân lưu manh du côn ở Paris), chàng cócnây (hạng ăn chơi ở thành Luân Đôn) là cậu găngđanh (chàng công tử bột ở Paris). Tất cả cái gì ở xứ khác có, Paris cũng có. Chị hàng có poaxécđơ của Đuymácse có thể sánh với chị hàng lá của Ơripiđơ; anh ném đĩa Vêgianuyxơ sống lại với anh leo dây Phômôdô; Têrapôngtigơnuyxơ Milexơ có thể khoác tay anh lính thủ pháo Vađơbôngcơ; Đamadipơ với gánh hàng tạp hóa của anh sẽ sung sướng ngồi cùng các hàng xén. Lâu đài Vanhxen có thể giam Xôcơratơ, như Agôragiam Điđơrô, Grimô đơ la Râynierơ đã nghĩ ra món thịt bò rán mỡ như Quyêctuyxơ món thịt dím quay. Chúng ta thấy xuất hiện lại dưới mái Ac đơ Lêtoilơ anh đu dây của Pơlôtơ; gã ăn gươm ở Pơxilơ mà Apuylê gặp, thì bây giờ là gã nuốt kiếm trên Pôngớp; cháu ông Ramô và Quayrơquyliông ăn bám là một cặp đôi rất tương xứng; Ecgađilơ có thể nhờ Đêgơrơphơi giới thiệu đến gặp Căngbaxêrex; có bốn chàng Muyxcađanh ở Rômơ: Anxêmacxuyxơ, Phơđơrômuyxơ, Điabôluyxơ và Acgiripơ từ trên Lacuuốctiơ đi xuống trong chiếc xe trạm của Labatuy; Ôluygielơ cũng chẳng đứng lâu trước Cônggriô hơn là Saclơ Nôđiê trước Pôlikinen; Máctông không phải là một con hổ cái nhưng Pacdalixca cũng không phải là một con rồng; anh hề Păngtôlabuyxơ nói nhạo chàng ăn chơi Nômăngtanuyxơ ở tiệm cà phê Anh: Ecmôgienơ là ca sĩ giọng cao ở Săng Êlidê và bên cạnh chàng, Tơradiuyxơ khố rách, mặc như anh hề Bôbesơ cầm rá xin tiền. Anh chàng quấy rầy níu khuy áo bạn trước cung Tuylơri làm bạn phải nhắc lại sau hai nghìn năm câu hỏi của Texpơriông: “Tôi đang vội, ai níu áo tôi?” Rượu vang ở Xuyrexnơ nhại rượu vang ở Anbơ. Cái ly đỏ vành của Đêdôgiê cân xứng với cái cốc lớn của Balatơrông. Nghĩa trang Perơ Lasedơ trong đêm mưa bốc lên những ánh ma trơi như nghĩa trang Exkili và cái hố của người nghèo mua năm năm cũng ngang với chiếc quan tài thuê của người nô lệ. Bạn thử xem có cái gì ở trên đời mà Paris không có. Cái thùng rượu của Tơrôphôniuyxơ không chứa đựng cái gì mà cái thùng của Mexme không có Ecgaphilaxơ sống lại với Cagơliôxtơxơ; thầy tu Vadaphăngta hiện hình với bá tước Xanh Giecmanh; nghĩa trang Xanh Mêda cũng có nhiều phép mầu nhiệm như chùa Hồi giáo ở Đamaxơ. Paris có một Edôpo là Mayơ, một Căngđidơ là tiểu thư Lơnoócmăng. Paris cũng sửng sốt như Đenphơ trước những cảnh ảo hóa hiện ra trước mắt chói lòa; nó cũng làm bàn quay như Đôđonơ làm quay những chiếc ghế ba chân. Nó đặt cô gái lẳng lơ lên ngai vàng cũng như Rômơ đặt kỹ nữ lên ngai vàng và nói chung nếu Lui XV tồi tệ hơn Cơlôđơ thì bà Đuy Bari còn khá hơn Mexalinơ. Paris đã hòa trong một điển hình kỳ dị chưa từng thấy, một điển hình đã sống và chúng ta đã từng sát cánh, cái trần truồng của Hy Lạp, cái ung thối của Hêbrơ và cái trào phúng của xứ Gaxcônhơ. Nó trộn lẫn Điôgen, Giôb và Payaxơ, khoác cho một cái bóng ma những số báo cũ của tờ Lập hiến và thành nhân vật Côđơruych Đuycơlơ. Mặc dù Pơluytacơ nói: “Bạo chúa không già đi”. Rômơ, với Xila cũng như với Đômixiêng, đã phải chịu nhẫn nhại và pha thêm nước cho rượu vang pha loãng đi. Sông Tibơrơ cũng là một sông Lêtê (Tibre: sông chảy qua thành La Mã; Léthé: trong thần thoại Hy Lạp, con sông âm phủ Léthé có nghĩa là “Quên”. Những người chết uống nước sông này, quên hết chuyện cũ trên trần) nếu ta tin lời ca tụng hơi giáo điều của Varuyxơ Vibixquyxơ: “Chúng tôi chiếm sông Tibơrơ chống lại Gơraquyxơ uống nước sông Tibơrơ thì quên đấu tranh chống phiến loạn (Nguyên văn Latinh: Contra Gracchos Tiberim habemus. Bibere Tiberim, id est seditionem oblivisci)”. Paris một ngày uống một triệu lít, nhưng không vì thế mà khi cần, Paris không dóng trống trận và đánh mõ ầm ĩ. Nhưng ngoài những cái đó thì Paris rất hiền lành. Cái gì nó cũng bằng lòng. Paris không khó tính lắm về sắc đẹp. Thần vệ nữ của nó là người da đen; quý hồ làm cho nó vui cười và nó tha thứ hết; xấu làm cho nó vui; quái gỡ làm cho nó cười; cả sự giả dối nữa, cái thứ trắng trợn tối đa ấy, cũng không làm cho nó công phẫn. Nó văn nghệ đến mức không bịt mũi trước Badilơ và lời cầu Chúa của Táctuyphơ không làm cho nó chướng tai, cũng như Hôraxơ không thấy cái nấc của Priapơ là khó chịu. Không có nét nào của bộ mặt loài người lại thiếu trên cái mặt của Paris. Cuộc khiêu vũ Mabiơ không phải là cuộc múa pôlimniêng của Gianiquylơ, nhưng mụ mua bán đồ trang sức cũng nhìn soi mói ả lẳng lơ như mụ mối Xtaphila dòm ngó cô gái trinh nữ Pơlanêdiom. Cửa ô đáng vật không phải là một Côlidê, nhưng người ta cũng hung dữ như có con mắt của Xêda. Mụ chủ tiệm người Xiri có duyên dáng hơn mụ Xaghê, nhưng cũng như Viêcgilơ lui tới quán rượu ở Rômơ thì Đavit Đănggiê, Bandắc và Salê cũng thường ngồi chén chú chén anh ở tiệm rượu Paris. Luôn luôn Paris ngự trị, những nhân tài chói lòa ở đó và những cái đuôi đỏ cũng đầy rẫy ở đó: Chúa Ađônai rong qua Paris trên chiếc xe mười hai bánh sấm chớp; thàn Xilenơ túy lúy bước vào Paris trên thùng rượu khổng lồ. Xilenơ ở đây tức là Răngpônô. Paris đồng nghĩa với vũ trụ. Paris là Atenơ, là Rômơ, là Xibarixơ, là Giêruydalem, là Păngtanh. Tất cả các nền văn minh đều được cô đúc ở đây, tất cả các chế độ mọi rợ cũng ở đây. Paris mà không có một cái máy chém thì cũng sẽ rất bực mình. Có một ít quảng trường Grevơ (một pháp trường ở Paris) cũng tốt. Tất cả cái hội hè đình đám triền miên ấy sẽ là gì nếu không có thứ gia vị kia? Luật pháp của chúng ta đã chuẩn bị chu đáo cho điều đó và nhờ có luật pháp, cái lưỡi dao kia mới rỏ máu trên đám hội ngày thứ ba béo ấy.