Loại nhóc con của Paris hình như là một tầng lớp xã hội. Người ta có thể nói: không phải dễ ai cũng được ở trong các tầng lớp ấy. Từ “nhóc con” (gamin) được in trên sách lần đầu tiên và từ ngôn ngữ bình dân bước vào ngôn ngữ văn học năm 1834. Chính trong một quyển sách nhỏ nhan đề là “Côlôđơ, anh nghèo kiết” (“Calude Gueux” nhan đề là một cuốn tiểu thuyết của Victo Huygô xuất bản năm 1834) mà danh từ đó xuất hiện. Việc đó làm nhiều người bất bình nhưng danh từ đó đã lọt. Những yếu tố của sự quý trọng trong giới nhóc con rất đa dạng, phong phú. Chúng tôi đã biết và quen một chú nhóc con rất được kính trọng và khâm phục vì chú này đã được trông thấy một người ngã từ trên tháp của nhà thờ Đức Bà xuống; một chú nữa vì đã lẻn được vào sân sau của điện Anhvailiđơ, nơi mà các bức tường của vòm điện được cất tạm và đã “thó” một ít chì của các tượng đó; một chú thứ ba vì đã trông thấy một chiếc xe hòm chở khách đổ, một chú nữa vì chú này “thân” với một anh lính đã tí nữa chọc thủng mặt một gã tư sản. Vì thế cho nên ta hiểu được câu than thở này của một chú nhóc con Paris, một lời tổng kết sâu sắc khiến người tầm thường cười mà chẳng hiểu gì: “Trời ơi trời! Số mình đen đủi thay! Mình chưa được trông thấy một gã nào ngã từ gác năm xuống hè mới khổ chứ!” Câu nói sau này hẳn là một câu nói ý vị của nông dân: “Này ông kia! Bà nhà ông chết vì bệnh, sao ông không đi mời thầy thuốc cho bà ấy? – Chao ôi! Thưa ngài, những kẻ nghèo chúng tôi chết một mình được”. – Nhưng nếu tất cả bẩm tính thụ động và nhạo báng của nông dân nằm trong câu nói kia thì chắc chắn tất cả cái tự do tư tưởng, vô chính phủ của chú bé ngoại ô lại ở trong câu nói này: một tử tù trên chiếc xe đưa hắn ra pháp trường đang lắng nghe cha giải tội. Chú bé Paris kêu to: “Hắn nói với cha cố của hắn đấy, ôi thằng cáy”. Về mặt tín ngưỡng thì thái độ táo bạo làm tăng giá trị của chú “nhóc con”. Không tín ngưỡng rất là quan trọng. Dự những vụ hành hình là một nhiệm vụ, chúng chỉ máy chém cho nhau xem và cười. Chúng đặt cho nó tất cả các thứ tên cúng cơm: “thế là hết xúp”. “Tên cảu nhảu”, “bà mụ Thiên Thanh”, “Miếng ngoạm cuối cùng”… Để nhìn cho kỹ, không bỏ sót tí nào, chúng trèo tường, leo lên ban-công, trèo lên ngọn cây, đu người trên cánh cổng sắt, bám vào ống khói lò sưởi. Chú nhóc con bẩm sinh là thợ lợp mái cũng như là thủy thủ. Hắn chẳng sợ mái nhà cũng như cột buồm. Không có đình đám nào vui hơn là đến pháp trường Gơrevơ. Xamxông và linh mục Môngtexơ là những cái tên đại chúng nhất. Họ la ó kẻ tử tội để cho hắn bạo hơn. Có khi họ khâm phục tù nhân ấy: chú nhóc Laxơnerơ thấy tên Đôtông ghê gớm chết một cách dũng cảm quá, đã phải thốt lên câu nói chứa đựng cả một tương lai: “Mình ghen với hắn ta”. Cái giới “nhóc con” ấy không biết Vônterơ nhưng mà biết Papavoanơ. Trong những chuyện đặt ra họ để lẫn lộn những “chính khách” với những sát nhân. Họ ghi nhớ và truyền lại về sau các trang phục cuối cùng của các nhân vật đó. Họ biết là Tolôrông đội một cái mũ sốp-phơ, Avơrin có một cái mũ lưỡi trai da rái cá, Luven có một cái mũ tròn, ông già Đơ Lapooctơ hói và đi đầu trần, Caxtanh thì hồng hào và rất xinh, Bơri có một bộ râu rômăngtic (Romantique: Danh từ lãng mạn đi vào ngôn ngữ thông thường của tiếng Pháp), Giăng Máctanh vẫn giữ đai quần, Lơcuphê và mẹ hắn cãi nhau; một chú nhóc con nói xen vào: “Thôi đừng trách móc cái oán giận cái sọt của anh”. Một chú khác bé quá, muốn nhìn rõ Đơbácke khi hắn đi qua, đã chọn được một cái cột đèn treo trên bờ sông và leo lên đó. Một cảnh binh đứng gác chỗ ấy, cau mày trợn mắt nhìn chú. Chú nhóc vội nói: “Thưa ngài cảnh binh, cứ cho tôi trèo” và để cho chính quyền cảm động, chú nói thêm: “Cháu không ngã đâu”. Người cảnh binh trả lời: “Mày ngã thì mặc xác mày chứ việc gì đến tao”. Trong giới nhóc con, một tai nạn lớn lao là một việc rất đáng kể. Người ta sẽ được trọng vọng cao độ nhất nếu đã bị đứt tay, đứt chân đến “tận xương”. Quả đấm không phải là yếu tố tầm thường của sự trọng thị. Một câu mà các chú nhóc thường thích nói là: “Ta cũng khá khỏe đấy chứ!” Thuận tay trái là một điều nhiều chú thèm; lác mắt cũng là một điều quý.