i thêm được dăm chuyến nữa thì bắt đầu có chuyện. Không phải chuyện đường dài càng lúc càng nảy nòi ra lắm cửa, cửa nào cũng chật chội khiến cho doanh số đi buôn cứ thấp dần, thấp gần đến không, đang chán; cũng chẳng phải cái chuyện sắc lệnh sắc giới chó khỉ gì như “mắt rắn” cảnh báo mà là sự giở dói không thể hiểu được của cánh kiểm lâm, những ông thần rừng, những vị chúa tể quyền sinh quyền sát của rừng. Tự nhiên đang yên đang lành lại có lệnh cấm thu mua với lý do cần phải bảo vệ môi trường. “Môi trường con mẹ họ". Nó muốn giành độc quyền cho những kẻ ăn cánh với nó, tốt lễ với nó, thế thôi.” Gã mắt rắn, cũng bị bật ra rìa như tôi một lần đã chửi váng lên. Chửi thì chửi cho thông hầu mát họng chứ đứng trước mặt cánh này, rõ khổ cho cái kiếp con buôn, gã lại im phắc, hai lỗ mũi chỉ phì phì, khịt khịt đúng như rắn. Mắt rắn vốn đã bị cuộc đời dần cho nhừ xương cốt, gã có thể im nhưng tôi phải lên tiếng. Tối ấy tôi có nhã ý mời vị trạm trưởng kiểm lâm vốn là một viên chức của chính quyền bên kia thời còn bom đạn nổi tiếng là nguyên tắc cứng nhắc mà tôi cũng có biết sơ sơ ra ngoài nhà hàng đãi một bữa thịnh soạn có rượu loại đầu bảng, gái Ca ve cũng đầu bảng để chuyện trò tìm cho ra lẽ. Lão ra nhưng không ăn không uống cũng không một lần mò mẫm bàn tay chuối mắn lên đùi non con bé ngon như một thanh sô cô la ngồi bên cạnh. Nhà đương chức bày tỏ thái độ bằng cách biểu diễn sự trong sạch liêm khiết đây. Vậy thì không cần vụ hồi, tôi chơi vỗ mặt luôn: Tại sao xếp lại cấm thu mua, kẹt cho anh em quá! Cấm là cấm, vậy thôi. Nhưng làm gì cũng phải có nguyên do chứ ạ? - Tôi cố mềm giọng. Nguyên do à? - Bàn tay chuối mắn vung lên chém xuống mới khiếp - Bởi vì các cậu vô nguyên tắc, các cậu làm hư thị trường bằng những hành vi phá giá không chấp nhận được. Còn nguyên do nào khác hơn không? - vẫn mềm giọng Đồng chí (Bỏ mẹ, lão nhầm với một cuộc họp nào đó rồi, mà một thằng vốn ở phía bên kia sao lại dám đồng chí với mình kia chứ? Nhưng kệ, lâu lắm, từ ngày ở lính mới được nghe lại hai từ thân thiết này) hỏi cung tôi đấy à? Đâu đám! Là cũng hỏi cho biết và để coi nếu trong cách ứng xử có điều gì không đẹp thằng em xin sửa liền. Ví như... Thôi đi! - Những quả chuối mắn đập mạnh xuống mặt bàn làm rung cả ly cốc - Cái gì mà không đẹp? Cậu tính hối lộ à? Các cậu nghĩ tôi là loại người gì mà tính làm điều đó? Loại uống nước uống cả cặn chứ còn loại gì nữa. Câu nói ấy đã đùn ra tận chóp lưỡi nhưng đã kịp cuộn lại, nuốt xuống cái ực. Được rồi - Vị thần rừng đứng dậy, bụng căng phình như đàn bà đã có chửa bảy tháng - Cậu đã muốn biết thì cho biết luôn: mấy người ở đâu thì nên trở về chỗ đó đi! Mảnh đất này không phải là tảng thịt bò béo để mấy thằng cha dân Bắc ở đâu đến xà xẻo. Tôi cười lặng. Vậy là rõ rồi. Đây không đơn thuần chỉ là chuyện làm ăn kinh tế,chuyện cửa quyền, phe cánh tiêu cực nữa mà nó còn là cái gì đó thâm căn cố đế hơn nhiều. Tôi cũng đứng dậy, nhìn thắng vào mắt lão, nhấn gằn từng tiếng: Anh có thể nói gì, làm gì, tùy, đó là quyền của mấy anh nhưng tôi cấm anh không được đụng đến ba cái chuyện Nam Bắc. Hồi chiến tranh anh ở đâu, anh làm gì? Anh có nhìn thấy tất cả các nấm mồ trong nghĩa trang liệt sĩ ở đây, chín phần mười là các tỉnh ngoài Bắc không, hả? Biết là đã lỡ lời động chạm đến cái chuyện nhạy cảm rất không nên động chạm, lão bỏ đi ra sau khi ném lại một câu rất yếu: Cà trớn! Cà trớn cái thằng cha mi! Tôi chửi thầm theo một câu, mà dạo này không hiểu sao lại hay sinh tật chửi thầm đến thế, già mất rồi! Rốt cuộc là thế nào? Chỉ đơn thuần là câu chuyện vùng miền muôn thuở hay còn một cái gì sâu xa khác? Một cái gì lờ mờ ai cũng nhận ra nhưng ít ai dám nói ra, câu chuyện về sự thù hận được thua đến tận bây giờ, sau hơn hai chục năm vẫn còn âm ỉ dai dẳng. Đời đểu thật! Kẻ thắng thì biến chất, thằng thua lại muốn chứng tỏ tính chính chuyên. Kệ mẹ nó. Đó là chuyên trên trời, chuyện của tôi là tìm mọi cách để sống và một khi không sống được thì phải bộc lộ thái độ. Tính khí tôi nó thế biết làm sao được. Tức là tôi muốn một phen dằn mặt thằng cha trạm trưởng kiểm lâm giả chuyên chính này. Dễ thôi. Lão có một chiếc xe máy phân khối lớn chuyên dùng để đi từ nhà đến cơ quan trên đoạn đường hai mươi nhăm cây số đoạn đường thỉnh thoảng có những cái cua khá gấp và có những chỗ lên dốc thả dốc tương đối chênh vênh mà đã có không ít những tai nạn xe máy, xe tải xảy ra. Tới lúc này, đúng là cực chẳng đã, tôi mới phải dùng đến cái mặc cảm hàm ơn khổ sở của thằng lái xe. Sau lần ấy, như lời vợ nó nói, thằng chồng có vẻ thay đổi hẳn, tất nhiên cũng phải mất cả tuần tự xích chân như xích chó dại vào cột nhà mặc cho thuốc nó vật lên bờ xuống ruộng. Cai được, tôi lại cho nó lái tiếp, tiền lương tôi trả gấp đôi, gấp ba tuỳ theo lợi nhuận. Tao không trả cho mày, sao lại phải trả khi đáng ra mày phải làm không công cho tao suốt đời, tao trả cho con mày, rõ chưa? Tôi nói với nó thế. Con bé sao rồi? - Tôi hỏi. Dạ, cháu đã đỡ nhiều, bác sĩ nói tuần sau là có thể ra viện chữa trị tại nhà. Tốt! Giờ có việc đây... Dạ, việc chi em cũng mần hết, anh Hai cứ chỉ bảo. Việc này đối với chú là vặt nhưng hơi nguy hiểm. Nguy hiểm cỡ nào em cũng không ngại. Rồi! Có một đứa định rắp tâm cướp bát cơm trên tay anh em mình. Thằng nào ạ? Trưởng trạm kiếm lâm. Em biết con người này, nghe nói hình như hắn ta có võ... Tôi phì cười: Thế chú tưởng với bộ dạng của chú tôi bảo chú đi đánh nhau với nó à? Nghe đây, chú biết cái xe đen xì như con trâu càng của nó chứ? Dạ biết. Đó là chiếc Hacley của quân đội Mỹ mà hắn còn giữ lại được, cả vùng này chỉ có một cái, sao ạ? Làm sao cho nó tự lao xuống suối. Nhưng không để chết, chết, phức tạp lắm, chỉ cảnh cáo cho tởn thôi. Ý anh Hai là chăng dây hay đặt đá trên đường? Vớ vẩn! Làm thế, nó chưa bị người khác đã dính rồi. Thằng Hưng nhíu mày một chút rồi nhìn lên: Vậy chỉ còn cách cắt hệ thống phanh. Đúng, nhưng phải cắt thế nào đó để khi xe thả dốc nó mới có hiệu lực. Mới dắt xe ra hay xe đi trên mặt phang, cắt, ăn thua chó gì, chỉ làm trò cười. Nó nhíu mày một chập nữa. Bộ óc thông minh của nó chắc đang vận hành. Vợ nó nói ngày trước khi chưa nghiện nó là một thợ sửa chữa ô tô, xe máy giỏi có tiếng ở vùng này. Đã có cách! - Nó xoa hai bàn tay còn nguyên những vệt dầu mỡ không rửa sạch vào nhau - Em muốn biết ban đêm xe nó để ở đâu? Cái đó tao đã lo và tao sẽ đi cùng bảo vệ vòng ngoài cho chú. Nhưng dặn này, nếu có gì cứ thoát một mình, việc còn lại để tao, chú còn gia đình, tao chả có gì, đời trắng trơn. Nó nhìn tôi. Giây phút đó tôi thấy trong mắt nó phảng phất sự xúc động đau đớn của con người và cả sự trung thành của con vật. ° Cái cách đó, ba ngày sau, vào buổi sáng còn mờ hơi sương cao nguyên, khi gã trạm trưởng phải đi cấp cứu vì gãy bốn xương sườn, nát một chân, đầu bị chấn thương tụ máu do xe mất phanh lao mạnh xuống suối cạn thì tôi mới vỡ lẽ. Rất đơn giản nhưng lại rất tinh vi ít ai có thể ngờ tới: Máy phanh chân ga lỏng lẻo, dây phanh tay chỉ còn một sợi, xe chạy trên đường bằng cả hai phanh vẫn giữ nguyên tác dụng nhưng khi xe lao dốc thì cả hai đều bung ra, đứt lìa. Và đúng như ý định, tay ỷ thế cửa quyền chỉ bị thương nặng chứ không chết. Vậy cũng là đủ để vô hiệu hoá được cái sắc lệnh cấm thu mua con vật quý hiếm kia. Còn tôi, ngày sau nữa, vào lúc nửa đêm, lại chính Mắt rắn chủ động đến tìm, nháo nhác, vẻ nghiêm trọng: “Tao có thằng quen ở sở Công an vừa gặp chiều nay, nó nói cánh hình sự đang vào cuộc để tìm ra nguyên nhân cái tai nạn của lão trạm trưởng, nó có vẻ nghi cho cậu đấy vì trước khi sự việc xảy ra, có người bắt gặp cậu ngồi với nạn nhân và nghe đâu hai người còn to tiếng với nhau. Chuồn đi!” Tôi im lặng. Kể như lúc khác thì tôi cười khẩy, việc chó gì mà chuồn, cứ cho họ vào cuộc đi, thách đấy, thử xem tìm được cái gì là bằng chứng nào, không thể tìm được nhưng ở hoàn cảnh nhạy cảm của tôi bây giờ, cái sảy nảy cái ung, có khi phải chuồn thật. Hơn thế sau một chuỗi ngày bán mua, chui luồn trầy trụa, va đập, giả dối, cái đáng cười lại khóc, cái đáng khóc lại cười, tôi đã tự cảm thấy cái công việc này là rất không hợp tạng với mình. Tao hỏi thật, chú mày có đính dáng gì đến chuyện này không? Tùy anh hiểu. Sống kiểu đó, không người này thì người khác, trước sau gì rồi hắn cũng bị. Anh có rượu không? Uống mừng? Không, tống biệt hành. Tức là chú em quyết định đi? Không có chuyện này cũng đi. Chán đến tận cổ rổi, cứ như mình là một con người khác. Tới đây chú định đi đâu, làm gì? Chưa biết và không cần biết, cứ để mặc dòng đời nó cuốn đến đâu thì cuốn, nhưng thằng em nhất định không bại đâu. Nghe này, nếu chú còn chưa đến nỗi kinh tởm cái nghề buôn nước miếng này lắm thì tôi giới thiệu cho chú một hướng đi khác lúc này đang rất đắc địa... Hướng gì? Rắn Lệ Mật. Lại rắn? Thì có khác gì ở đây? Nhưng địa bàn Hà Nội thoáng hơn và cận kề các cửa khẩu trọng yếu hơn. Để suy nghĩ đã, dầu sao cũng cám ơn anh về tất cả. Thay mặt bà con buôn thú quý ở đây, tôi cũng cám ơn chú đã góp phần làm cho việc buôn bán này trở nên sạch sẽ hơn, ít nhất là cũng trong những ngày này. Lúc ấy đã gần sáng. Mắt rắn ra về, tôi vội gói ghém mấy thứ đồ đạc, tiền nong của mình rồi phóng ngay đến nhà thằng Hưng em. Cả nhà nó đang ngủ say. Không nỡ gọi sợ kinh động đến giấc ngủ quý hiếm đối với con bé đang chữa bệnh, tôi móc túi lấy ra một tệp tiền chừng hai chục triệu, gói vào một tờ giấy, ghi thêm mấy chữ: “Tao đi đây. Nếu có duyên thì còn gặp lại, bằng không, việc quan trọng nhất của mày lúc này là chữa khỏi bệnh cho con bé. Chào!’ Khi tôi ra đến bến xe đi liên tỉnh thì chiếc xe đầu tiên chạy đường Hà Nội, may quá, bắt đầu nổ máy.