Chương 39

    
au cả mười tám tiếng ngủ vùi không ngon lành cũng không mộng mị, ngủ bình thường, ngủ như con trẻ sau mùa thi, tối hôm sau tôi gọi cả hai thằng đến. Trước hết tôi bảo:
 Việc hôm rồi không phải lỗi các chú. Cả hai đã làm tất tật những gì có thể làm được mà là lỗi tại tôi, tại cái tính khí khốn kiếp của tôi để bây giờ ta trắng tay. Cả đời tôi chưa biết xin lỗi ai, giờ xin lỗi hai chú.
Cả hai đứa không nói gì. Riêng thằng bé đánh giày vẫn vô tâm quẹt mũi nhìn quanh quất như thể chuyện vừa rồi chỉ là một trò chơi như trò chơi nhìn qua miệng. Tôi nhét vào túi nó ít tiền:
 Còn hơn một triệu cháu đem về cho mẹ và đừng đi lang thang nửa, khổ cả đời, nói mẹ cho đi học tiếp. Sau này có duyên thi còn gặp lại.
Thằng bé ngơ ngác một chút rồi dãy nảy:
 Không, cháu không cầm tiền, cháu không về đâu, cháu đi với chú với anh Thư kia.
Tôi nghiêm mặt:
 Biết tao đi đâu mà đi? Nhỡ đi vào tù thì mày cũng đi à?
Thằng bé sững lại. Trước cái nhìn nghiêm lạnh của tôi, chắc nó đã hiểu bây giờ không còn là trò chơi nữa, quẹt mũi cái nữa rồi đành lủi thủi bước đi, vừa đi vừa sụt sịt. Nhìn sang thằng Thư tôi thấy mắt nó rơm rớm nhìn theo. Sống mũi tôi cũng cay sè, dù sao cũng qua mấy tuần trăng buồn vui sướng khổ có nhau và nó đã thực sự coi đây như một gia đình. Tôi phảy tay như phảy đi mọi yếu đuối không được phép tồn tại lúc này:
Thư!
 Chắc anh lại bảo em đi đâu đó vài ngày để cho anh rảnh tay làm cái gì đó như hồi ở Thái Nguyên?
Tôi im lặng. Nó nói tiếp, giọng rắn câng:
 Lần này thì không. Anh chẳng nên giở cái trò hiệp sĩ giả cầy, cùng đường rồi, sống chết có nhau.
 Được, vậy nếu tôi quyết đinh trừng trị thằng Hoạch, chú có đi không?
Nghĩ rằng nói cái đó ra nó sẽ ngăn cản như đã từng ngăn cản và nếu không cản được thì nó cũng sẽ không đời nào tham gia, ai dè nó lại gật đầu. Còn phun ra một câu mà thoạt nghe cứ tưởng không phải của nó, một thằng rất dị ứng với bạo lưc:
 Bố em bảo, phản bội lần thứ nhất có thể tha, lần thứ hai vẫn có thể tha nhưng phản bội đến lần thứ ba thì không tha được nữa.
Tôi bất giác cầm lấy tay nó, điều mà tôi rất ghét làm:
 Thư... Sau lần này chú nghe tôi về đi! Không ở nhà thì thôi, kiếm một việc gì đó nhàn nhàn mà sống. Con người chú không hợp với cuộc sống này đâu. Vẫn còn cuốn sổ năm chục triệu tôi có ý giữ lại cho chú khi tình huống xấu nhất ập đến, cầm về mà làm vốn.
Nó vẫn im lặng, chỉ nghe cái gì đó như một luồng xung điện từ người nó phóng nhanh sang tôi.
°
Để tìm được thằng Hoạch không khó. Dù thằng khốn đủ khôn ngoan để trốn biệt nhằm tránh sự trả thù của tôi mà nó đã quá biết cách trả ấy sẽ như thế nào nhưng nó lại quên mất một điều là tôi có rất nhiều chân rết trong các sới bạc, bởi nó chỉ có thể chui lủi vào những chỗ đó chứ không thể ở một chỗ nào khác.
Đến ngày thứ ba thì một trong những chân rết đó thông báo tối tối nó thường có mặt tại một ngôi nhà nằm khuất trong ngõ vắng bên kia sông, sang hẳn địa phận của Tuyên Quang. Tôi và thằng Thư nhảy xe khách tìm tới luôn. Ngồi trên xe, thằng Thư buột miệng nói một câu cảm khái mà sau đó nghĩ lại tôi cho là điềm gở đã được báo trước:
 Nhanh thật... Mới ngày nào anh em mình còn ngồi trên một chiếc xe như thế này đi tìm mỏ vàng mới...
Tôi lừ mắt cho nó im đi, đây không phải lúc lẩn thẩn hoài niệm. Nhưng cái vảy hoài niệm khó chịu ấy lại cộn lên ngứa ngáy trong ngực tôi. Tôi hiểu nó muốn nhắc lại cái kỷ niệm về vụ trấn cướp có vũ trang đầu tiên hôm ấy? Mà đúng là nhanh thật, nhanh nhưng mọi việc vẫn nguyên như cũ, nó vẫn là nó, ngơ ngơ và tôi vẫn là tôi, vẫn là con thú hoang đang bị cuộc đời săn đuổi.
Đến nơi, dĩ nhiên là chúng tôi không xộc vào nhà mà ngồi chờ bên ngoài, trong một chỗ kín nhằm tạo một tình tiết ngoại phạm. Đêm sâu dần. Gió lạnh hơn. Dòng sông dưới kia có ngọn đèn đánh cá nhà ai lầm lũi trôi qua trôi lại như một con mắt không ngủ. Trong một lúc tôi thoáng giật mình nhận ra giữa công việc tôi sắp làm đây và cảnh sắc muôn đời man mác ngoài kia sao lại khác biệt nhau nhiều thế, như muốn đẩy tôi ra, tách tôi khỏi cái ý định khốc liệt đang cháy lom dom trong đầu. Ngồi bên cạnh, thằng Thư có vẻ lạnh, đầu nó hơi so lại. Tôi tháo chiếc áo Bludong mang nhãn hiệu Nato khoác hờ cho nó. Nó ngước nhìn tôi, trong trời đêm cái nhìn của nó dịu mềm như cái nhìn của con Nết.
 Anh Hùng...
 Thư chứ. Tôi Thư anh, chú Thư em, một râu ria một nhẵn nhụi, huynh đệ tương tàn.
 Vâng, Thư. Anh Thư... Sau đây anh sẽ đi đâu?
 Không biết nửa. Đến đâu tính đấy, kệ cha đời.
Hình như nó nén một hơi thở dài. Rồi đặt nhẹ bàn tay nó lên tay tôi, tiếng nói hiền hiền như của người chị người em:
 Anh cố gắng đừng để xảy ra án mạng nhé!
Tôi cũng vỗ vỗ vào tay nó ý nói yên tâm đi, có chú bên cạnh tôi sẽ không làm liều đâu vả lại, với loại ký sinh trùng này dại gì án mạng cho lụy vào thân.
Gần bốn giờ sáng, khi hai đứa đã thay nhau chợp mắt được một giấc khá khá rồi, canh bạc trong kia mới lục tục giải tán. Ít nhất cũng phải tới trên chục đứa cả đàn ông lẫn đàn bà. Thằng Hoạch đi sau cùng, vẻ thắng lớn hay sao mà dáng đi của nó xem chừng phởn phơ lắm. Nó dừng lại vạch quần đái, ngay cả dòng nước đái khai mù của nó cũng có cái âm thanh reo reo của thằng được bạc. Chờ cho nó nhét cái của nợ vào quần xong, tôi mới bước ra đứng chắn ngay trước mặt. Nó ớ lên một tiếng định kêu thì tôi đã gí sát miệng vào tai nó: Im mồm nếu mày không muốn vỡ óc ngay bây giờ, đi theo tao! Hoàn toàn tê liệt, nó chỉ còn biết ngoan ngoãn làm theo như một con chó vừa bị thiến.
Bờ sông, chỗ vắng nhất, tối mờ mờ. Đã có thằng Thư đứng canh chừng ở mặt đê, tôi lấy mũi giày hất mặt nó lên:
 Nói! Tại sao mày chơi tao khốn nạn thế, chơi đến hai lần?
Nó gục mặt im lặng.
 Mày thừa biết nếu tao không cho người sang đúng lúc thì mày đã ra ma với cái dây thòng lọng của mày rồi chứ?
Nó ngẩng lên, mắt bạc phếch như chết rồi:
 Tôi biết cái mạng tôi rồi thế nào cũng có ngày rơi vào tay anh, tôi vẫn có ý chờ...
 Chờ? Chờ mà mày trốn như chó ấy hả?
 Không phải trốn anh mà tôi... trốn tôi.
 Mẹ mày! sắp chết mà còn cầu kỳ chữ nghĩa à? Trốn tôi là trốn con mẹ gì?
 Thực ra tôi cũng không thiết sống nữa.
 Không thiết mà đêm nào mày cũng nhét tiền kễnh túi.
 Đê’ khỏi phải tự tử.
 Cái gì?
 Đáng lẽ đêm ấy anh đừng cứu tôi!
 Đúng, đáng lẽ cho mày chết mẹ mày đi. Khốn nạn, làm ơn nên oán?
 Không! Anh đã hại tôi hơn.
 Hại? Cho mày nói thêm một câu nữa, nói!
 Cái dây thắt cổ không giết tôi nhưng nó lại làm gia đình tôi tan nát. Nói, anh bỏ qua, sau lần ấy tôi không còn là một thằng đàn ông nữa, hoàn toàn liệt vị, con vợ tôi nó chán nó khinh rồi nó bỏ đi theo thằng khác, thằng con trai tôi chán nhà cũng bỏ đi bụi đời rồi sa vào hút hít, còn tôi, anh có biết trong người tôi đang mang một mầm bệnh gì không?... Đó là một lần do uất đời quá tôi đã quăng thân vào một ô điếm mà chẳng thèm phòng bị gì hết. Thế là... Đúng lúc ấy thì anh xuất hiện, tôi muốn anh cũng phải tan nát, khổ nhục như tôi, tôi hận. Tôi đã nói xong, giờ anh muốn làm gì tôi thì làm, tôi sẽ ơn anh nếu anh đừng gượng nhẹ.
Sóng sông rào lên. Gió thổi như khóc. Tôi rã rời cả người. Vậy có chán mớ đời không? Nhăm nhăm đến hỏi tội nó thì nó lại hỏi tội lại mình! Sùng sục muốn trừng trị nó thì nó lại xin được trừng trị nặng hơn. Giống quả bóng bị xì hết hơi, tôi ngồi xuống cắm vào miệng nó một điếu thuốc lá, tôi cũng một điếu, cả hai im lặng nhả khói vào sương, nhả cho đến hết, tôi phủi đít đứng dậy:
 Về đi!
 Tức là anh tha? - Nó hỏi bình thản.
 Mày đang tự tha cho mày.
Chết chửa, tôi lại nhiễm cách nói cầu kỳ của nó lúc nào thế này? Lần này thì nó nhìn thẳng lên tôi, cái nhìn thật buồn:
 Em (lại xưng em rồi) có hai đề nghị. Một, xin được bù lại anh một phần số tài sản mà vì em anh đã mất đi, em cũng chả dùng đến nó nữa. Hai, ngay sau đây anh phải đi khỏi vùng này, càng xa càng tốt vì tối qua, qua một thằng bạn làm hình sự trên huyện, công an họ đã biết anh là ai và hình như đã quyết định mở cuộc truy lùng cấp liên tỉnh.
Bỗng lạnh buốt sống lưng. Lâu lắm sống lưng không lạnh buốt thế này. Tôi đặt tay lên vai nó:
 Hoạch... Tao xin lỗi mày và cám ơn mày. Hẹn gặp lại nếu có thể gặp lại.
 Nhưng còn số tiền mà em... Anh phải cầm theo chứ?
 Không cần. Mày mang về lo chữa trị. Không chữa được thì để lo đám tang.
Để mặc nó ngồi lại, mỏng manh, cô độc, như một bức tượng đài oán thán, tôi phóng nhanh lên mặt đê. Thằng Thư nhìn tôi thảng thốt:
 Sao rồi anh?
 Xong.
 Chết à?
 Không, chúng ta sắp chết. Chú nghe đây và không được cãi, tung tích anh bị lộ rồi, giờ này cảnh sát cơ động chắc đang bủa vây, thít chặn tất cả các mối đường, bến xe, chú phải rời xa anh, về nhà ngay, sau này nếu mọi việc tạm ổn, anh sẽ đến tìm chú. Nhanh lên!
 Không! - Bất ngờ nó vênh mặt lên - Anh đi đâu em đi đấy, nói rồi, không thay đổi nữa.
 Tao không cho mày đi, tao không thích cho mày đi - Tôi đột nhiên nổi doá - Tao ngấy mày lắm rồi, cút! Cút cho khuất mắt!
Nó sững lại, nước mắt lưng tròng. Dù lòng dạ tan nát nhưng không còn cách nào khác, để kệ nó đấy, tôi quay người phóng nhanh vào rừng. Chạy được một đoạn, thấy có tiếng gì lịch bịch đằng sau, quay nhìn lại, trời ạ, lại là nó, vẫn là nó, dính dấp thế này thì lộ hết còn gì. Mà hình như ngoài ngã ba đang có tiếng động cơ xe nổ đến thì phải. Tôi dừng lại, đỡ lấy tay nó, đẩy nhanh vào trong bìa rừng. Vừa lúc, ngay trên mặt đường ràng rạng sáng, có hai chiếc xe cảnh sát như hai con bò rừng vút đến, dừng lại ngó nghiêng sang hai bên một lúc rổi lao tiếp.
Chương 40
Cái đoạn trường trốn chạy trong rừng kéo dài gần ba mươi ngày ấy nó buồn và khổ đến nỗi tôi hoàn toàn không muốn nhớ lại, muốn kể lại. Nhưng lại không thể không kể
vì chính trong khoảng thời gian sống cuộc sống con thú dại đó tôi đã để mất đi một thứ quý giá nhất và cái mất đó đã quyết định thay đổi đời tôi.
Đó là thằng Thư.
Trong suốt những ngày ở rừng nó đã biến thành một thằng hoàn toàn khác. Tôi lồng lộn thì nó dịu dàng, tôi u uất thì nó khơi thông, tôi chán nản nó lại khích lệ, tôi rách rưới thì nó lành lặn, tôi muốn bỏ mặc tất cả nó lại chắt chiu giữ gìn... Trong cảnh huống hiểm nghèo, nó bỗng là chỗ dựa tinh thần, giá đỡ linh hồn cho tôi. Nó là cái phần thứ hai của tôi mà nếu không có nó, rất có thể ngay từ ngày thứ ba tôi đã trở thành một kẻ giết người tàn độc khi có một gã đàn ông đi lấy củi vô tình phát hiện ra chúng tôi và hô hoán tướng lên. Song cũng có lúc không chịu nổi cái phần thứ hai cứ luôn phản chiếu cái phần thứ nhất hung tợn của mình tôi đã mỉa mai nó, cay nghiệt với nó, thậm chí còn đổ tại vì nó mà chết giẫm ở đây. Những lúc như thế, nó chỉ nhìn tôi không nói lại một câu, cái nhìn lạ lắm, hun hút, nhẫn nại, chịu đựng đến vô cùng. Để rổi khi đêm xuống, tưởng giận, nó lại âm thầm nhóm lửa sưởi ấm cho tôi, tìm bắt cho tôi từng con muỗi. Và tôi cũng không hiểu bằng cách nào trong nó lại có nhiều sức chịu đựng cũng như nhiều kiến thức ở rừng đến thế. Ngoài khả năng có thể nhìn rêu, nghe tiếng động, đo ánh sáng để xác định toạ độ, phương hướng chính xác như một chiếc la bàn, nó có thể kể và tìm ra được hàng chục loại lá, hàng chục loại củ có thể nuôi sống con người, lá này tác dụng ra sao, lá kia phải nấu thế nào, củ kia nữa nếu không chà rửa cẩn thận đến bốn, năm lần ăn vào sẽ nôn mửa có khi ngộ độc chết luôn...
Tóm lại nó là một pho tự điển sống về rừng và nếu cuộc đời nó êm trôi, gia đình nó không gặp những trái ngang phi lý biết đâu nó sẽ trở thành một nhà khoa học tài năng, điều mà ở tôi không bao giờ có khái niệm.
Rồi nó ốm, ốm rất nặng. Ốm không phải vì thiếu thốn, đói khát trong rừng mà vì một buổi tối, thấy tôi vừa nhăn mặt vừa nhè củ báng mỳ chua loét ra khỏi miệng, nó đã giấu tôi lén tìm vào một nhà dân cách đó cả chục cây số. Gần sáng nó trở về, trên tay đầy gạo, mắm, trứng và cả một con gà béo múp nhưng dáng đi nó lại khập khiễng khác lạ. Hỏi tại sao nó không nói. Hôm sau thì nó sốt cao, kiếm một chỗ không có ánh nắng nằm bẹp, thỉnh thoảng lại co giật dữ dội, bọt mép đùn ra. Hốt hoảng, tôi tháo tung quần áo trên thân thể nó... Trời ơi! Tại chỗ bắp chân sưng vù, bầm tím còn in hằn ba vết răng chó.
 Thư! Nói đi! Mày bị chó dại cắn rồi phải không?
 Em... em không biết - Nó thều thào - bị cắn xong em có thấy gì đâu... vẫn đi được kia mà.
Tôi mếu máo:
 Mày giết tao rồi Thư ơi! Ai bảo mày đi? Sao mày lại đi? Đáng lẽ mày phải nói để tao đi cùng chứ...
Nó co rút người giật lên một chập nữa rồi thả người nằm im, thở dốc, mắt nhìn lên tôi đờ dại! Nọc đã vào máu, bằng kinh nghiệm tôi biết tất cả đã muộn, có cứu chữa cũng không kịp nữa nhưng bằng tình thương còn hơn cả ruột thịt, tôi cứ cúi xuống ghé mồm mút thật mạnh vào vết cắn đó, mút nhổ, nhổ mút, đắng chát, tanh nồng, có cảm giác nọc độc đang qua miệng chạy thùn thụt vào ruột vào phổi vào khắp các tế bào mạch máu tôi. Kệ, tôi cứ mút, mút điên loạn, mút dù có chết cũng không sao, sẽ chết cùng nó, chết cả hai, sống thế này còn hơn chết. Nó lờ đờ tỉnh dậy, đẩy tôi ra, tiếng nói đã yếu lắm:
 Phải có lá... lá... nhưng rừng này không có... Anh đừng thế nữa, nọc dại nó truyền qua...
Rồi nó lại co giật, cái giật sau mạnh hơn cái giật trước, dãi rớt tiếp tục đùn ra trắng miệng. Đến nước này thì không cần nghĩ ngợi gì nữa, tôi xốc vội nó lên vai chạy thẳng ra phía cửa rừng, nơi mà gần ba chục ngày qua tôi không dám nghĩ đến. Cần phải đưa nó đến nhà thương hay trạm xá gần nhất, chỉ cần cứu được nó thì rồi tôi có bị bắt, có tù đày, có bị đứng cọc nơi pháp trường cũng xong.
Không ngờ đoạn đường ra cửa rừng, ra với cuộc đời xa đến thế, tôi chạy chắc phải tới hai tiếng rồi mà phía trước vẫn mờ mịt màu xanh. Màu xanh chó chết. Màu xanh khốn nạn! Xanh gì mà xanh mãi thế?
Tiếng nó chợt vang lên nóng hổi bên tai tôi, nóng lắm, nóng như than:
 Anh Hùng... Không kịp đâu... Anh để em xuống... em nói cái này.
Kệ, tôi cứ chạy. Còn nước còn tát. Dù không kịp nhưng thà để nó chết ngoài kia còn hơn chết ở đây, rừng hoang núi thắm, hồn không thoát được. Đúng lúc ấy, trên vai tôi, nó nấc lên một tiếng rất lạ rồi hai cánh tay đang ôm cổ tôi thõng xuống, hai mắt nhắm lại. Trời! Nó chết rồi ư? Nó đi thật rồi ư? Tôi quáng quàng đặt nó xuống, ghé tai vào ngực nó... Không, ngực nó vẫn nghe có tiếng đập, đập thật nhẹ, đập ngắt quãng nhưng vẫn đập. Cuống cuồng, tôi lay mạnh người nó:
 Thư em ơi! Tỉnh lại đi! Cố tỉnh lại đi... sắp đến rồi. Mắt nó từ từ mở ra, dưới hoa nắng tán rừng, mắt nó trong veo, nó mấp máy nói cái gì nghe nhỏ lắm, tôi phải ghé sát mới nghe được lõm bõm:
 Em đi rồi... anh ra ngoài kia... sống với mọi người nhé...
 Ừ, anh sẽ ra, sẽ sống với mọi người, sẽ... nhưng em phải sống, em không thể chết.
Tiếng nói nó càng nhỏ hơn:
 Hùng... ôm em chặt vào đi... chặt nữa... thế! Hùng ơi... em thương anh... nhiều lắm anh biết không?
 Anh cũng thương em...
 Hôn em... một lần thôi.
Tôi cúi xuống đặt nhẹ một cái hôn nhoà nước mắt lên đôi môi khô xác kia. Mắt nó từ từ nhắm trở lại, đầu ngật ra, ngừng thở, phảng phất một nét cười thanh lặng trên môi...
°
Chọn một chỗ cao ráo có nhiều ánh nắng nhất dưới gốc cây hồi già, tôi chôn nó xuống, đắp đất cao lên, phủ ít cành hoa dại, cắm một đoạn cây vát nhọn để làm dấu rồi đứng lặng hồi lâu. Nước mắt tôi bây giờ mới chảy ra, chảy ràn rụa, chảy như chưa bao giờ chảy tràn ra như thế. Rồi tôi khóc, khóc hu hu, khóc như hồi trẻ con bị bố đánh oan. Thế là nó đã mang theo một tình yêu khốn khổ và thầm lặng với tôi vào cõi vĩnh hằng. Khi còn sống, muốn cho tôi được yên ổn đầu óc, để cho tôi không phải phân tâm, cấn cái vì một cái gì đó khó nói, nó đã cố kìm nén phần người thực của nó để rồi cuối
cùng, trước khi ra đi nó mới nói thật lòng mình. Ngay cả cái đêm ra khỏi tổ quỷ của lão già chủ quán biến thái kia, khi con điếm từ phòng nó đi ra giơ ngón tay cái lên thì tôi đâu có hay rằng đó chỉ là kịch bản do nó dàn dựng để làm yên lòng tôi. Sao em khổ thế, Thư ơi! Đáng lẽ tôi không nên đi tìm em, không nên đưa em vào cuộc sống của tôi, cứ để mặc em sống với con người thật của mình thì đâu đã đến nỗi...
°
Đắp thêm lên mộ nó một cành hoa màu đỏ nữa, tôi đi thắng ra mặt đường, nhảy xe tìm đến nhà ông trưởng công an thị trấn. Nhìn thấy tôi ông không hề tỏ vẻ ngạc nhiên, thậm chí còn không thèm cả nhìn lên nữa:
 Tôi biết cậu sẽ quay lại. Cũng như ngay từ đầu tôi đã biết cậu là ai nhưng cứ mặc để cậu có dịp tự hoàn thiện trước khi tự bộc lộ. Giờ sao?
 Làm ơn nấu cho tôi cân gạo, để yên cho tôi ngủ một giấc rồi sáng mai cho người giải tôi lên tỉnh. Tôi xin đầu thú.
 Tôi chờ câu này của cậu từ lâu rồi.
Chờ! Chỉ vì chờ mà để cho tôi cơ khổ, cho thằng em thân thiết của tôi phải nằm thui thủi ngoài rừng một mình thế à? Đồng chí công an ơi, đồng chí tốt bụng và nhân đạo gớm nhỉ? Thú thật lúc ấy tôi muốn đấm cho ông ta một phát mặc dù từ ánh mắt đã đục cùi nhãn của ông, một cái gì đó như sự chân tình mộc mạc của lửa bếp đang lan toả nhè nhẹ vào giấc ngủ của tôi. Một giấc ngủ như chết kéo dài suốt hai ngày hai đêm liền.
Vài dòng trăng trối
Vâng, chuyện của tôi, chuyên của Hùng Ka rô, chuyện của tên cướp có vũ trang, gã hung thần của những vùng đào vàng, đá đổ có lẽ đến đây là không còn gì để nói nữa, đã đầu thú là xong, là gói gọn mọi điều, hết, nói thêm nữa chỉ vô duyên, rác tai thiên hạ. vả lại tôi cũng mệt lắm rồi, không biết ông trời ông ấy có cho tôi nói thêm được lời nào nữa không?
Dù sao tôi vẫn phải nói bởi nếu không nói thì tôi sẽ mang lỗi với nó, thằng Thư, bởi trước khi chìm vào hư vô giá lạnh, điều sau chót là nó tha thiết muốn tôi trở về sống trong thế giới con người.
Nhưng, chao ôi, để sống được trong cuộc sống con người đâu có dễ, dù gắng gỏi lắm, gắng gỏi đến kiệt quệ tôi vẫn không dung hoà nổi và cuối cùng, như một hệ quả tự nhiên, tôi đành phải trả giá bằng cái chết của mình. Tôi sắp chết, chết thật, chết theo đúng nghĩa đen mà không có hàm ý triết nhân triết lý bóng bảy gì ở đây cả.
Cho nên người kể tiếp câu chuyện này là vợ tôi, chính cô gái có đôi mắt lá dăm ba lần gặp trên xe và đã trở thành nỗi ám ảnh trong tôi suốt những năm tháng trước khi đầu thú.
Tôi xin nhường toàn bộ lời kể cho cô ấy.