28.Lang thang trong mùa đông

    
êm ở Mantes La Jolie có một chút mưa nhẹ. Tôi ngồi chờ cô gái về.
Người ta báo trước với tôi rằng suốt ngày cô gái không thèm nói với ai một tiếng, nhưng vừa gặp tôi ở đầu cầu thang nó đã chào. Một cô đầm cao mét bảy, mặc măng tô đen, găng tay đen. Và tóc đen. Sự có mặt của tôi tại căn nhà này, vai vế của tôi, sơ yếu lý lịch của tôi cô gái đã biết trước cũng giống như tôi được báo trước về tính cách của cô gái.
-Hãy cho tôi biết về cha tôi.
-Tôi chưa gặp cha cháu bao giờ.
-Nhưng chắc chắn ông có nghe nói về cha tôi. Vì ông là anh ruột của mẹ tôi mà.
-Thực ra chính mẹ cháu cũng không biết ba cháu là ai. Ðó là một trong những bi kịch của chiến tranh tại Việt Nam.
Cô gái đứng lên, đi về phòng riêng.
Buổi sáng thức dậy trễ, vén rèm cửa thấy cảnh vật khác hẳn. Tuyết đã biến mất khỏi mặt đất và bầu trời bởi trận mưa lớn đêm qua. Trên mặt hồ phẳng lặng những con vịt nước trầm mặc. Phía bên kia hàng cây trụi lá là một chút ánh bạc của dòng sông Seine chảy qua Mantes La Jolie.
Chúng tôi đi Paris lúc hơn chín giờ sáng. Lái xe là một người đàn ông Việt Nam nhanh nhẹn. Anh ta vượt biên sang Pháp đã mười lăm năm, nói được tiếng Pháp, quốc tịch Pháp và thuộc lòng đường sá ở Paris. Vành đai périphérique đầy mưa, hơi nước bao trùm kính xe nhưng anh ta lái rất nhanh.
-Anh tưởng con Sylvie nó sướng hả? Ở đây đi làm không thể lái xe hơi được vì hay kẹt xe. Sáu giờ sáng nó phải dậy. Trời lạnh dưới không độ. Bảy giờ sáng nhảy lên tàu đi Paris. Mười giờ đêm mới về tới nhà. Có phải hôm qua nó về lúc mười giờ đêm không?
-Ðúng mười giờ.
-Ðấy, thấy chưa. Trẻ con Việt Nam sang đây mười đứa thì hết sáu đứa là đi làm công cho người ta. Bốn đứa còn lại thì hai đứa thất nghiệp, một đứa đi bụi đời, chỉ có một đứa là học lên tới đại học.
Mấy người Việt Nam đi vượt biên thường nói: ”Chúng tôi sang đây không phải để kiếm ăn mà để con cái chúng tôi được học hành đàng hoàng.“ Nói như thế là nói dóc.
Anh bạn hơi cay cú, có lẽ vì chính anh cũng đang thất nghiệp. Nhưng dẫu sao anh vẫn là người nói thật, những đứa cháu của tôi đều nằm trong số thanh niên mà anh mô tả. Sylvie làm thư ký hãng buôn, một thằng khác ở tù mới về, Cathérine hai mươi tuổi, đẹp, nhí nhảnh nhưng cũng thất nghiệp.
Tuy nhiên ở Vương quốc Bỉ, tại nhà một người bạn là giáo sư đại học, đời sống của anh và gia đình anh hoàn toàn khác. Một ngôi biệt thự nhỏ xinh xắn nơi khu phố yên tĩnh bên bờ hồ. Không một tiếng động cơ, không một tiếng nói lớn. Ðường phố sạch bóng. Bãi cỏ xanh. Buổi sáng đi siêu thị với chị bạn gặp một ông Tây trí thức, đạo mạo. Chị bạn nói: “Thầy giáo dạy kèm tiếng Hà Lan cho hai đứa con mình đó”. Buổi chiều đi phố với anh bạn gặp ba bốn cô cậu sinh viên da trắng cúi chào. Ðó là những học trò của anh.
Bỉ là một nước chỉ lớn bằng một tỉnh của Việt Nam nhưng nói nhiều thứ tiếng. Anh bạn tôi đi du học sang Bỉ đã gần ba mươi năm, đậu tiến sĩ và được mời ở lại dạy đại học. Ði với anh, nghe anh nói đủ thứ tiếng trong cùng một khu phố. Anh đặn tôi:
-Ở Louvain không nên nói tiếng Pháp vì cộng đồng dân ở đây không ưa người Pháp. Ði chợ nên nói tiếng Anh, vào ngân hàng, bưu điện thì nói tiếng Hà Lan, nếu không biết thì nói tiếng Anh. Chỉ khi nào đi Bruxelles thì mới nên dùng tiếng Pháp.
Bạn tôi có hai đứa con gái nhỏ học cấp một. Bảy giờ sáng các cháu đã dậy đi học. Ông bố nói:
-Các cháu đi bơi.
-Ði bơi?
Âm hai độ C! Nhưng hồ bơi có mái che và nước ấm.
Những đứa trẻ này lớn lên sẽ khác những cô cậu thanh niên Việt Nam mà tôi đã gặp ở Paris. Lớn lên sẽ thông thạo nhiều thứ tiếng, có học vị, biết chơi đàn piano và…
°
Bruxelles có những con đường hoàn toàn không xe cộ, những con phố hẹp đầy những hàng quán. Ðêm lạnh quá, chúng tôi thọc tay vào túi quần cắm cúi đi tìm một chỗ ăn. Thức ăn mắc gấp mười lần Việt Nam. Một miếng steak, một dĩa moules, một chén soupe cá nước đục ngầu và cay xè… bốn người ăn giá 3.500 francs Bỉ (tương đương một triệu bốn trăm ngàn đồng VN). Anh bạn nói:
-Tôi sẽ dẫn anh đi xem một bức tượng.
Bức tượng đồng được dựng trong hẻm tạc một người đàn bà ngồi đái.
-Tại sao vậy?
-Quậy chơi vậy thôi.
Giữa đường phố người ta còn tạc tượng một người thợ làm bánh mì. Có lẽ ở đây người ta biết ơn một người bán bánh mì hơn là một anh hùng.
Còn Louvain thì cổ kính mà thơ mộng. Nó có vẻ đẹp vĩnh cửu của những cổ tích, những dân ca… Nhà cửa lô nhô như đồ chơi trẻ con, tường gạch đỏ đen không trát hồ, không quét vôi, không sơn nước. Phố xá Louvain nhỏ hẹp và sạch, không rác, không ổ gà nước đọng, có thể nói là không có một hạt bụi nhưng lại có nhiều…cứt chó. Không sao, đừng vì thế mà lúc nào đi cũng phải cắm cúi, bởi vì trên phố có rất nhiều thiếu nữ đẹp.
Louvain chấp nhận sự cổ kính và muốn gìn giữ nó. Còn Paris là một người đàn bà quý tộc luống tuổi luôn chứng tỏ sự sang cả, trí tuệ và sức quyến rũ của mình.
Và mặc dù là thủ đô của mỹ phẩm thế giới nhưng Paris làm sao có thể xóa được vết tích của thời gian!
°
Khởi hành tại ga Paris Nord lúc chín giờ đêm, đi hơn một ngàn cây số đến Berlin chỉ để nhìn thấy bức tường ngăn đôi thành phố Bá Linh nổi tiếng. Người ta nói sau vụ đập phá, bức tường chỉ còn một đoạn dài chừng trăm mét. Có lẽ phải là một trăm mét hùng vĩ, được giữ lại như một di tích lịch sử bi thương và cảm động. Lái xe đưa tôi đến đó là một gã đàn ông người Ðức ba mươi sáu tuổi. Trước khi nước Ðức thống nhất anh ta sống ở đông Bá Linh, khi thanh niên Ðức đập phá bức tường thì anh cũng có mặt nhưng hôm nay anh ta đã phải chạy vòng vòng toát mồ hôi mới tìm thấy.
-Nó đấy.
Tôi mở cửa xe, nhảy xuống đường, mở ống kính máy quay phim.
-Nó đâu? Christian?
-Ngay trước mặt anh.
-Bên trái hay bên phải?
-Ngay trước mặt.
Ngay trước mặt tôi là những tấm bảng quảng cáo thuốc lá West, đồ điện tử của hãng Siemens và hình như có cả đồ lót hiệu Triumph… Những tấm pa-nô trùm lên bức tường thấp xỉn màu, lở lói. Rõ ràng là người dân Ðức chẳng ai thèm quan tâm đến cái chứng tích của một quá khứ chia cắt đau lòng.
-Không sao, Christian nói, tôi sẽ đưa anh đi thăm Sans Souci Park ở Potsdam và tháp truyền hình nổi tiếng của Berlin.
Sans Souci là cụm cung điện của triều đại Frédéric II bao gồm những tòa lâu đài rải rác giữa khu rừng mênh mông bạt ngàn. Vào thăm cung điện phải mua một vé 12 marks và được phát cho một đôi hia to gấp bốn lần bàn chân của mình. Với đôi hia ấy du khách không thể nhấc chân lên được mà phải kéo lê trên sàn nhà lát đá cẩm thạch. Bốn mươi du khách đủ mọi quốc tịch biến thành bốn mươi người giúp việc, vừa đi tham quan vừa lau nhà. Chắc chắn không có cung điện nào như Sans Souci có thể bắt hàng triệu người từ khắp nơi trên thế giới đến để lau nhà mà không phải trả một xu.
°
Tôi vẫn thích tìm một bến sông ngồi nhâm nhi món ăn gì đó với một cốc rượu. Ví dụ như một nhà hàng nổi trên bờ sông Elbe chảy qua thành phố Dresden. Dòng sông nhỏ bé in bóng những lâu đài Zwinger: Bảo tàng nghệ thuật và bảo tàng chiến tranh nổi tiếng nhất châu Âu. Mặt sông gợn một chút sóng nhưng vẫn phẳng lặng. Những con hải âu thả mình cho dòng nước cuốn, và khi trôi gần đến cây cầu thì chúng lại bay ngược lên chỗ xuất phát, rồi lại thả mình xuôi dòng. Ðó là trò chơi của chúng, như trẻ con chơi cầu tuột.
Người bạn nói:
-Mùa đông, ngồi trên bờ sông Elbe không thể không uống Gluhwein.
Gluhwein là rượu vang lửa. Trước khi uống người ta hâm nóng lên. Hớp một ngụm hơi nóng lan tỏa trong cổ họng, chậm rãi, thấm đậm, ấm áp. Ðến Ðức và cả châu Âu có lẽ chỉ có bia và rượu, ngoài ra không là gì cả. Thịt cá, đồ nguội vứt đi hết. Thịt mua ở siêu thị tươi tốt cỡ nào khi nấu lên vẫn có một thứ mùi khó chịu. Xúc xích, dăm bông nhạt nhẽo, lạnh tanh. Sản phẩm của Mac Donald ăn đến lần thứ ba là chán ngấy.
Nhưng rượu và bia thì không. Ở Ðức có hàng trăm loại bia. Bạn mua ở siêu thị nguyên thùng thì giá chỉ có 0.5 marks (khoảng 3.000 đồng VN) một lon bia vào loại ngon nhất thế giới. Người bạn tôi là một trí thức ở Hà Nội nhưng sang Ðức anh có một kiosque bán rau quả. Anh bán tà tà mỗi tháng để dành được gần hai ngàn marks (khoảng mười triệu đồng VN).
-Về Việt Nam mình làm gì có mười triệu mỗi tháng. Nhưng mà chắc rồi cũng phải về. Ðời sống càng lúc càng khó.
°
Ở châu Âu người ta ăn Tết sơ sài. Trưa ngày 30 các cửa hàng vẫn mở cửa. Ðến hai giờ chiều lác đác đóng. Trời cứ âm u suốt ngày, không có ý niệm về thời gian, cho đến khi chợt nhận ra đi một mình trên phố vắng người, coi đồng hồ thì đã bốn giờ chiều. Những cơn gió từ dưới sông Elbe thốc ngược lên lạnh buốt.
Giao thừa không lạnh lắm, không có tuyết. Ðường phố vắng. Pháo nổ lác đác. Xe chữa lửa cứ chạy vòng vòng. Gần giao thừa pháo nổ nhiều hơn. Bên kia đường là restaurant của người Hy Lạp, họ bắt chước ai mà đốt dây pháo dài bốn năm thước. Thanh niên đốt pháo xòe, pháo hú, pháo thăng thiên. Pháo thăng thiên của người Ðức sản xuất, thấy bán ở siêu thị còn pháo đùng nghe nói nhập lậu từ Trung Quốc, từ Bình Ðà. Mấy cô đầm nhon nhon bịt tai và cười, họ hôn nhau ngoài đường phố, pháo xẹt và gầm rú như ma quỷ. Xe cứu hỏa lại đến. Bà cụ già mở cửa sổ, thò đầu ra ngoài chửi một tràng tiếng Ðức.
Tất cả chỉ kéo dài chừng một tiếng đồng hồ. Rồi thôi. Im lặng và lạnh. Chúng tôi lên nhà xem chương trình Tivi đêm giao thừa. Chỉ có thoát y vũ. Mông và mông. Ðủ màu sắc xanh đỏ tím vàng. Mấy người bạn uống rượu mạnh. Ða số họ là người miền Bắc vượt biên sang đây sau một hành trình cực kỳ gian nan từ Hà Nội đi Kiev sang Rumany, Hunggary, Tiệp Khắc trước khi xé rào qua Ðông Ðức. Tôi nằm lắng nghe, nhâm nhi chai Gluhwein không có mồi.
Ngày mồng một Tết đến một cách e dè. Trời xám. Những chuyến xe điện vẫn chạy qua phố, kiosque phở của một người đàn bà Việt Nam vẫn mở cửa. Một chút nắng vàng hanh lên đầu ngọn cây. Ông già người Ðức ngồi ăn phở bên cái bàn nhỏ kê trên bãi cỏ. Ông ta nói được chút ít tiếng Anh và hỏi tôi có còn bán thuốc lá không. Tôi không đính chính, chỉ cười. Ông già mời một điếu Marlboro. Ông ta khoe mình là đại tá phi công. Tôi hỏi:
-Bác là đại tá của ông Helmut Kohl hay ông Honecker?
-Ông Honecker.
-Thế khi nước Ðức thống nhất bác có phải đi học tập cải tạo không?
Ông già ngạc nhiên lắm:
-Tại sao? Thống nhất thì mọi người phải vui vẻ chứ. Ông Helmut Kohl vẫn cho tôi lãnh lương hưu.
Nhưng người dân Ðông Bá Linh và những miền phụ cận như Potsdam vẫn bỏ đi.
-Tại sao vậy, Christian? Nước Ðức thống nhất, sao lại bỏ đi?
Anh bạn trẻ người Ðức nói:
-Chính mẹ tôi cũng bỏ sang Mỹ. Nhiều người khác sang Tây Ðức.
-Nhưng Ðông Ðức bây giờ cũng là tư bản, có khác gì Mỹ và Tây Ðức?
-Khác chứ. Vì cũng còn lâu lắm mới đuổi kịp mức sống của Tây Ðức mà cuộc đời thì ngắn ngủi, người ta cần hưởng thụ. Anh cứ nhìn hai bên phố mà xem.
Ðây là con đường rất đẹp của Potsdam. Hai bên toàn biệt thự nhưng bị bỏ hoang nhiều quá. Những ngôi biệt thự như thế ở Sài Gòn giá có thể lên tới vài ba ngàn lượng vàng nhưng ở đây người ta bỏ hoang, cửa kính vỡ nát, bên trong tối om, lạnh lẽo. Potsdam, thành phố chỉ cách thủ đô Bá Linh có một cây cầu, thành phố với nhiều lâu đài, thành quách và viện bảo tàng nổi tiếng, thành phố đã từng chứng kiến cuộc hội đàm lịch sử giữa Staline, Truman và Churchill tháng 7 năm 1945 bàn về sự đầu hàng của Ðức Quốc Xã. Tại sao người ta lại bỏ một thành phố xinh đẹp và nổi tiếng như thế để ra đi?
Christian bảo tôi khoác thêm một chiếc áo khoác bằng da. Hắn nói:
-Thôi, đừng bận tâm đến những chuyện ấy nữa. Sắp đến nơi rồi, gió lạnh lắm đấy.
Ra khỏi rừng là hồ. Liên tiếp nhau. Xe ngừng lại. Mặt hồ rộng mênh mông, phẳng lặng, bát ngát.
-Cá nhiều lắm. Christian nói.
Tôi đã thấy những con cá chép tại khu ”Cộng” (khu người Việt) ở Bá Linh. Những con cá chép giống hệt cá chép trắng của xứ mình nhưng không có vảy.
Christian mở cốp xe và đưa cho tôi chiếc cần câu.