ào Hiếu thuộc loại nhà văn trưởng thành sau 30 tháng 4. Văn Ðào Hiếu có hai giai đoạn khá tách biệt. Giai đoạn trước 1986 với những bước đi thận trọng, chậm rãi, “khuôn phép“ của: Bầy Chim Sẻ, Giữa Cơn Lốc, Qua Sông… Giai đoạn sau 1986, anh viết ào ạt, phóng túng, đa dạng: Vượt Biển, Vua Mèo, Người Tình Cũ, Hoa Dại Lang Thang…tưởng như đùa cợt, nhưng lại nghiêm túc. Bạn đọc, nhất là giới trẻ thích văn Ðào Hiếu ở cả cái anh muốn chiều người đọc và cả cái anh muốn ”ngoại tình“ trong mỗi tác phẩm một cách liều lĩnh. Phải chăng chất khôn truyền thống của người Bình Ðịnh đã thấm tới tận đầu bút của Ðào Hiếu: Con thuyền nào đi cũng tốt, miễn là qua được sông? Ðể bạn đọc hiểu hơn về Ðào Hiếu, VĂN HỌC VÀ DƯ LUẬN thực hiện cuộc trao đổi nhỏ với anh. 1) Là nhà văn quen thuộc với bạn đọc thành phố Hồ Chí Minh, xin anh cho biết ý kiến về người đọc và người viết thành phố? ÐÀO HIẾU: Trước đây, tôi có viết một số bài báo như ”Nhà văn hay nhà ăn“ (Báo TN), ”Viết, đọc và xuất bản sách“ (Báo TN), ”Văn chương minh họa“, “Chuyện nhảm nhí”, ”Những ranh giới trong văn học“ (Báo PN)… Xin tóm tắt mấy ý chính: Hiện nay, người biết đọc sách thì không đọc (vì không tiền, vì thờ ơ) người không biết đọc sách thì lại chịu đọc, nhưng chỉ đọc để biết cốt truyện hoặc đọc để tìm đồng minh chống tiêu cực. Còn người viết? Nhiều người ”chạy sô“ quá nên họ không để ý đến chất lượng. Khi nào họ yêu tác phẩm của mình thì có tác phẩm hay. Thí dụ như Trần Thanh Tâm thành công với LÃO MƯỜI BƯỜNG, Nguyễn Nhật Ánh với CHUYỆN CỔ TÍCH DÀNH CHO NGƯỜI LỚN, Ðoàn Thạch Biền có cuốn TÌNH NHỎ LÀM SAO QUÊN viết rất độc đáo. 2) Thời gian vừa qua, dư luận ồn ào về một số nhà văn và tác phẩm như là một sản phẩm của phong trào, như vậy là đề cao hay hạ thấp các nhà văn này? ÐÀO HIẾU: Phong trào hay không phong trào, thời sự hay không thời sự, chủ đề hay không chủ đề… điều đó không quyết định giá trị căn bản của văn học. Văn học là tính cách, là ngôn ngữ, bút pháp, là góc độ thể hiện… Nhà văn nào xoàng xĩnh trong các phạm trù ấy thì hắn viết con voi cũng thành con chuột nhắt, hắn có viết chuyện thời sự nóng bỏng cũng thành chuyện đã xưa rồi, hắn có viết chủ đề lớn cỡ nào cũng thành nhà quê, lẩm cẩm. Viết văn là đùa với ngôn ngữ nhưng lại không đùa. Giống như Lệnh Hồ Xung đánh kiếm vậy. Vô chiêu mà thắng hữu chiêu, muốn thu thì thu, muốn phát thì phát. Ảo diệu vô lượng. 3) Cuốn HOA DẠI LANG THANG có nhân vật Thằng Hề và chủ tịch quận làm cho một số người cho rằng anh chỉ định vào nguyên mẫu nào đó ngoài đời. Ý của anh? ÐÀO HIẾU: Chủ tịch quận trong HOA DẠI LANG THANG là nhân vật rất phụ. Tất nhiên cũng phải có nguyên mẫu trong cuộc đời. Nhưng ”mẫu“ với tôi chỉ là loại hình nộm, viết xong thì vứt đi, nên tôi không để tâm đến những lời dị nghị. Nhân vật chính mà tôi yêu mến nhất trong HOA DẠI LANG THANG là thằng hề. Nó “hề“ mà trí thức. Nó đã trải qua những cuộc chiến tranh, những chế độ chính trị, từng giết người nhưng cũng từng thất tình, từng say mê tôn giáo, triết học cũng như chính trị. Nó kết bạn với nhiều hạng người: giáo sư, nhà văn, chủ tịch quận, nhà sư, nhà kinh doanh… và nó hiểu tất cả chỉ là nhảm nhí. Nó không mong gì hơn được làm thằng hề giữa cuộc đời. 4 ) Ðọc sách của anh thấy khá rõ cùng lúc chú trọng tìm tòi nghệ thuật thể hiện, anh cũng muốn phấn đấu trở thành sách bán chạy. Liệu hai mục tiêu này có mâu thuẫn khi có nhiều ý kiến cho rằng hiện nay sách cao cấp thì bị ế, còn sách cấp thấp thì bán chạy? ÐÀO HiẾU: Cuốn TRONG VÒNG TAY NGƯỜI KHÁC của tôi là sách bán chạy, nhưng tôi rất hài lòng về chất lượng nghệ thuật của nó. Nhật Tuấn bảo nó có ”tầm cỡ quốc tế”. Có thể anh thương tôi, ”thổi“ một tí cho vui, nhưng thật sự nhiều bạn trong nghề cũng thích, và quần chúng bình thường cũng chịu đọc (tôi vừa tái bản và cũng bán hết). Trong khi đó VUA MÈO cũng được bè bạn khen hết lời nhưng bán vẫn ế. HOA DẠI LANG THANG cũng ế. Thật là quỷ quái! Có khi người ta mua chỉ vì cái tên sách, hoặc cái hình bìa! 5) Bạn bè, đồng nghiệp không hề đánh giá thấp các tác phẩm của anh, nhưng giới phê bình dường như không đả động đến anh. Ðiều này có ảnh hưởng đến sáng tác? ÐÀO HIẾU: Nguyễn Tuân rất ghét giới phê bình. Còn người Pháp thì nói: Khi rượu quá tồi thì nó biến thành dấm (avec le mauvais vin, on fait du bon vinaigre). Ý nói kẻ nào không biết viết văn thì làm nhà phê bình. Thực ra phê bình đòi hỏi trình độ cảm thụ tác phẩm, am hiểu nghề văn, đòi hỏi sự tinh tế của tâm hồn. Hiện nay ở ta có một số nhà phê bình thuê (giống như đi chửi thuê hay đi đánh ghen thuê) và những kẻ bè phái tâng bốc nhau vì mưu đồ cá nhân. 6) Anh cầm bút vì một thiên chức nào đó. hay vì nghề nghiệp, hay vì… sự trăn trở? ÐÀO HIẾU: Tôi rất ghét những từ như thiên chức, trăn trở. Tôi chẳng trăn trở gì ráo. Sắp già rồi, tôi hiểu tim đen của cuộc sống, thế thì có gì phải trăn trở. Tôi lang thang trong đời và viết những gì mình thích. 7) Xin anh cho độc giả biết đôi nét về mình? ÐÀO HIẾU: Cảm ơn anh đã cho tôi dịp để khoe khoang một chút: Tôi quê ở Tây Sơn, Bình Ðịnh. Tốt nghiệp cử nhân văn chương cách đây hai mươi năm nên bây giờ quên hết rồi. Coi như biết đọc biết viết. Nhưng chính “biết đọc“ và “biết viết“ là tôi nói dóc chứ hai thứ đó cực kỳ khó. Hồi trước, không có tiền xài, bung ra làm kem đánh răng, nấu nhôm, làm sành sứ, mở quán… nhưng cũng chẳng ra sao nên dẹp tiệm cả rồi. Có lẽ năm nay xoay qua viết báo. Trước giải phóng, tôi đã viết truyện ngắn và tiểu thuyết đăng trên Bách Khoa, Ðiện Tín… Từ năm 1975 đến 1986, in Giữa Cơn Lốc, Bầy Chim Sẻ, Qua Sông, Một Chuyến Ði Xa. Từ năm 1987 đến nay, tôi viết khá nhiều, viết giỡn chơi, khi khóc, khi cười, lảm nhảm: Vượt Biển, Vua Mèo, Người Tình Cũ, Kẻ Tử Ðạo Cuối Cùng, Trong Vòng Tay Người Khác, Hoa Dại Lang Thang, Thung Lũng Ảo Vọng… Anh có thể nói thêm đôi điều về kỷ niệm đời viết văn? ÐÀO HIẾU: Kể chuyện vui thôi. Hôm đi dự đại hội nhà văn ngoài Hà Nội, tôi có gặp anh Khuất Quang Thụy, anh nói: ông viết cuốn Vua Mèo lạ quá. Có đọc nhau mới gần nhau được. Lần ấy, lên Lạng Sơn, Gặp một anh xe thồ dẫn tôi sang biên giới Trung Quốc, không ngờ anh cũng đọc Vua Mèo rất kỹ, nhớ từng chi tiết. Ðó là những cảm tưởng của tôi về bạn văn và quần chúng ngoài Bắc. Anh Cung Tích Biền hôm rồi có đến quán bia tôi chơi. Anh nói trăm câu thì chín mươi chín câu ca ngợi Vua Mèo là ”một tác phẩm vĩ đại. Nhân vật Vua Mèo cực kỳ lớn”. Về sau tôi mới biết anh đi uống bia mà quên đem theo tiền. NGUYỄN MẠNH TUẤN thực hiện (Trích tạp chí VĂN HỌC VÀ DƯ LUẬN)