ÔNG và TÂY là hai ý niệm, hai phạm trù cực kỳ phức tạp, đa dạng và tương đối. Ý niệm Ðông và Tây cũng như ý niệm về Thời Gian, nó là một quy ước do con người đặt ra và được cụ thể hóa bằng hình ảnh mặt trời mọc và lặn, bằng tên gọi các nền triết học, bằng sự gán ép các đặc tính nhân chủng. NHỮNG Ý NIỆM TƯƠNG ÐỐI VỀ PHƯƠNG HƯỚNG. Người châu Âu gọi các nước châu Á như Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Ðộ… là phương Ðông nhưng ngày xưa thầy trò Ðường Tăng từ Trung Quốc sang Ấn Ðộ thỉnh kinh thì gọi chuyến đi ấy là TÂY DU và gọi Ấn Ðộ là TÂY TRÚC. Gặp một người Pháp, người Anh, Thụy Sĩ hay Ba Lan, Tiệp Khắc… chúng ta đều gọi một cách thân mật là “thằng Tây” nhưng đối với người Anh, người Pháp… thì Ba Lan, Tiệp Khắc, Bungary là ở phương Ðông. Trong tiểu thuyết của Kim Dung có hai nhân vật lớn của võ lâm đó là Ðông Tà (Hoàng Dược sư), Tây Ðộc (Âu Dương Phong) tượng trưng cho quyền lực của Ðông và Tây nhưng nếu các nhân vật này có dịp sang Pháp, Italia hoặc Tây Ban Nha hành hiệp thì chắc cả Ðông Tà lẫn Tây Ðộc cũng đều được các cao thủ võ lâm ở đó như Don Diègue, Spartacus hay hiệp sĩ Roland gọi là Ðông phương đại hiệp. Bây giờ ta đang đứng trên trái đất, ta quy ước với nhau rằng nơi mặt trời mọc là phương Ðông, nơi nó lặn là phương Tây. Nhưng đừng quên khi mặt trời đang mọc trên đất nước tôi thì nó cũng đang lặn trên đất nước của người ở bên kia bán cầu. Và nếu ta ở trong một phi thuyền không gian bay vào vũ trụ thì mặt trời, mặt trăng, trái đất và những vì sao… cũng chỉ là những vật sáng nổi trôi trên một bầu trời đen kịt, không hề có ý niệm gì về chuyện nó lặn hay nó mọc, nó đang ở đàng đông hay ở đàng tây. Những từ như VIỄN TÂY, VIỄN ÐÔNG, TRUNG ÐÔNG… cũng vậy. Chúng chỉ có tính cách quy ước, lâu dần thành thói quen và mỗi khi nghe nói đến từ VIỄN TÂY lập tức trong đầu người ta hiện lên chữ far-west cùng một lúc với tên tiểu bang Texas và chú cao bồi nổi tiếng Lucky Luke. Cũng vậy, từ VIỄN ÐÔNG được người châu Âu dùng để chỉ khu vực Ðông dương vì thế mới có người gọi Sài Gòn là HÒN NGỌC VIỄN ÐÔNG. Nhưng đối với người Nga thì viễn đông có nghĩa là vùng cảng Vladivostock, là những hòn đảo của họ nằm sát nước Nhật. NHỮNG KHÁC BIỆT VỀ NHÂN CHỦNG Ðây là một lãnh vực mà nhiều người vẫn cho là có sự khác biệt rõ nét nhất giữa Ðông và Tây: người phương Tây da trắng, người phương Ðông da vàng, người phương Tây thiên về khoa học kỹ thuật, người phương Ðông thiên về nội tâm, người phương Tây thực dụng người phương Ðông thiên về lý tưởng, người phương Tây thích những cái cụ thể còn người phương Ðông ưa những gì trừu tượng. Về tính cách, người ta thường cho rằng người phương Ðông trầm lặng, kín đáo, lễ giáo còn người phương Tây thì sôi nổi, thẳng thắn, bộc trực hơn. Thực ra đó cũng chỉ là những nhận định tương đối. Tôi cho rằng sự phát triển của nền khoa học kỹ thuật và công nghiệp sẽ quyết định tính cách của một dân tộc chứ không phải yếu tố nhân chủng quyết định, càng không phải yếu tố PHƯƠNG ÐÔNG, PHƯƠNG TÂY quyết định. Ví dụ như người Nhật. Ðó là một dân tộc da vàng, châu Á và Phương Ðông nhưng lối sống của thanh niên Nhật ngày nay (cũng như Ðài Loan và Hongkong) giống hệt lối sống của thanh niên châu Âu châu Mỹ. Họ cũng sôi nổi, cũng thực dụng, cũng làm ra làm chơi ra chơi, họ cũng ăn Tết dương lịch, cũng đi như chạy trên đường phố, cũng chấp hành trật tự công cộng tự giác và nghiêm chỉnh. Tất cả những tính cách đó người ta thường gọi là tác phong công nghiệp. NHỮNG KHÁC BIỆT TRIẾT HỌC Ðây là sự khác biệt mà người ta nói nhiều nhất và quan trọng nhất. Phương Ðông có Lão Tử, Trang Tử, Khổng Tư, Thích Ca. Phương Tây có Platon, Socrate, Aristote…Vào thời đại ấy người ta đã thấy hai nền triết học có những điểm khác biệt rõ nét. Câu nói nổi tiếng của Socrate “connais-toi, toi-même” (hãy tự biết ngươi) cho thấy quan điểm lấy con người làm đối tượng nghiên cứu triết học. Trong khi đó Lão Tử ở phương Ðông thì thuyết giảng về cái Ðạo của trời đất, cái lẽ của tự nhiên: Ðạo thường vô vi, nhi vô bất vi…. Thái cực sinh lưỡng nghi, lưỡng nghi sinh tứ tượng, tứ tượng sinh bát quái…. Nhưng đến Trang Tử, Khổng Tử, Phật Thích Ca thì triết học đã dần dần pha mùi trần tục. Thập nhị nhân duyên của Thích Ca, Nam Hoa Kinh của Trang Tử, Tứ thư, Ngũ Kinh của Khổng tử…đã bắt đầu kéo triết học từ trên trời xuống đất, đã phân tích mổ xẻ về kiếp người, về lẽ tử sinh, về thiện ác… Ði xa hơn một chút, Khổng Tử còn muốn dấn thân vào đời để bình thiên hạ. Vì thế triết học Ðông phương và triết học Tây phương tuy có khác nhau về phương pháp, về cách thức biểu hiện… nhưng tựu trung cũng là nghiên cứu về thân phận con người. Dù nhập thế (engager) hay yếm thế (dégager) thì cũng chỉ muốn nói về kiếp người. Dù coi đời là bể khổ (Thích Ca) hay cho rằng cuộc sống là phi lý (Sartre), dù quan niệm ”sống là gởi, thác là về“ hoặc ”sống là lưu đày và chết là trở về quê nhà” (L’exil et le royaume /Camus) thì đó cũng đều là tiếng thở dài trong cõi nhân gian. Vì thế, xét về bản chất thì triết học Ðông phương và triết học Tây phương đều hội tụ về một mối, đó là sợi chỉ mỏng manh giăng qua vực thẳm mà con người hoặc khóc hoặc cười hoặc nhún nhảy bước qua. Cho nên dù ÐÔNG hay TÂY thì vẫn là con người. Những sự khác biệt trong nhiều lãnh vực thực ra chỉ là cái bề ngoài, cái lối biểu hiện, cái cách bày tỏ. Hướng mặt trời mọc hay hướng mặt trời lặn cũng chỉ là khoảng không đen của vũ trụ vô cùng. Ngoài ra không là gì cả.