31.Nguyễn Thúy Hằng từ miền đất xa lạ

    
ôi ngồi trong quán ăn và cô gái đến bằng taxi. Một cái “đầm” xanh rêu đậm, hơi kiểu cọ, nhưng đẹp. Cô ta là một họa sĩ, việc chọn cho mình một chiếc “rốp” không khó. Nhưng đó là lần đầu tiên tôi thấy cô ta ăn mặc chải chuốt. Ít nói. Giọng khàn đục. Bữa đó chúng tôi chỉ nói chuyện tào lao. Có vài phút nhắc đến bộ sách gồm 3 cuốn cô vừa mới xuất bản, mà tôi là người biên tập.
Cuộc gặp thứ hai diễn ra ở quán cà phê. Âm u như một cái chùa. Và Thúy Hằng trong lốt một ni cô, đầu trọc, không trang điểm. Mặc áo tràng nâu sồng. Người phục vụ quán cà phê này nhìn cuộc hẹn giữa gã sồn sồn và một ni cô trẻ với con mắt tinh quái. Nhưng buổi chiều đó cô gái rất buồn.
°
Không ai biết cô gái đó là ngọn núi lửa đang tự dập tắt mình. Dung nham không phun ra được. Nó bùng nổ bên trong. Phản ứng nhiệt hạch đang tàn phá các nơ-rôn, tìm đường giải thoát. Nhưng sự băng giá của tâm thức đã tràn ngập. Và lửa, khi rò rỉ ra trang giấy, chỉ còn là tro tàn.
Tác phẩm của Nguyễn Thúy Hằng là tro tàn. Là dòng nham thạch lạnh buốt ứa ra từ kẽ nứt của một ngọn hỏa sơn đang cố giấu cơn địa chấn trong lồng ngực của nó.
°
Cho nên có đôi khi tôi ngạc nhiên tại sao cô gái ấy lại biết nói tiếng người. Tại sao cô có thể nói thứ ngôn ngữ mà tôi đang nói. Trong khi, tôi biết, trong cái đầu cạo trọc kia đang chứa đựng những tế bào thần kinh khác, một bộ óc được lập trình theo một hệ điều hành khác. Và trên thực tế cô đã đến từ một hành tinh nào đó. Ngoài hệ Mặt Trời. Đó là bí mật chỉ có tôi biết. Và Nguyễn Thúy Hằng rất sợ điều đó.
°
Cô đã được thụ thai từ một cơn gió. Và lớn lên trong một ngôi làng huyền thoại. Hình như bố cô là ông già Noah trong Kinh Cựu Ước. Một ông bố và bốn cô con gái. Trận đại hồng thủy xô giạt năm cha con đến một miền đất không có gì ngoài gió.
“Gió” là truyện đầu tiên trong tập “Bởi từ lâu chúng ta không thể ngủ”
Nguyễn Thúy Hằng viết lại trận Hồng thủy trong Cựu uớc bằng ngôn ngữ hoang đường, khô rốc và lạnh. Những nhân vật sống và tàn héo. Chết đi và phục sinh trong trong hiu hắt. Một thế giới chỉ có gió và gần như không có ánh sáng. Một thế giới u ám nhưng lại tràn ngập những tiếng hú.
Đức Chúa Trời đã làm nên trận Đại Hồng Thủy để trừng phạt loại người, để mong khai sinh một loài người mới tốt đẹp hơn, và ngài đã không làm được, đã bó tay, đã thất bại thê thảm.
Nguyễn Thúy Hằng muốn thử bày ra một Đại Hồng Thủy mới, nhưng kết quả còn thảm hại hơn. Vẫn là sự “loạn luân” giữa Noah và mấy cô con gái, nhưng tình tiết lại rất khác lạ so với Kinh Thánh:
“Bỗng nhiên tôi nhận thấy đàng sau lưng ông từng đợt gió nổi lên và oằn xuống như chực chờ ông cúi đầu là nó có thể phóng tới táp vào mặt tôi. Nó cố đẩy ông ngã để chồm tới nhìn rõ khuôn mặt vàng như mướp bủng của tôi. Bố cúi xuống nhìn, huơ huơ tay và muốn kéo tôi lên giường. Khi ngón tay ông chạm tới tấm chăn cũng chính là lúc tôi thấy ông hiện nguyên hình là ngọn gió lớn, nồng nặc mùi cải chua và đất ẩm. Ông phồng mang trợn má và cố nuốt tôi vào bụng. Bằng bản năng duy nhất, tôi xô ông ngã, vùng tháo chạy, không quên vơ theo một bao tải dày và trong lúc đợi ông chạy ra khỏi nhà thì tôi đã nhanh chóng bắt được ông, cho vào bao tải và cột dây thật kỹ.” (trích “Gió” trang 15).
Và truyện “Gió” kết thúc như nắng cứ tắt dần, tắt dần trong hoàng hôn lạnh và câm nín: “Tôi không nhớ mình đã sống bao năm trong cái làng quanh đi quẩn lại chỉ toàn gió này. Trẻ con thưa thớt và khô cằn. Tôi ngồi như con cóc trên cây chạc ba, nhìn lại vùng đất mới năm nào chỉ là mảnh đất bé tẹo, méo xệch vì địa hình của nó, và từng chiều, những đứa lớn đột nhiên biến mất ngay cổng làng, những đứa nhỏ nhìn theo với con mắt đờ đẫn.”(trang 27)
Đó là cảnh của địa ngục. Một địa ngục đã hết hạn sử dụng. Một địa ngục đã mục nát, đã lạnh tanh những rác rưởi, mảnh vỡ và những cái bóng vật vờ…
Nhưng địa ngục ấy đang ở đâu vậy? Với Thúy Hằng, đừng nói tới “ẩn dụ”. Cô không thích cái trò ẩn dụ, cái trò hiện thực huyền ảo, cái trò “hậu hiện đại”… Cô viết như một con khùng. Cô vẽ ra một thế giới vô hồn, ảm đạm, hiu hắt của một ngàn kiếp trước, hay của một ngàn kiếp sau. Cái thế giới ấy nó vất vưởng đâu đó, trong xó xỉnh nào của những lỗ chân lông, trong hỗn mang của trí tưởng tượng, trong úa tàn của hoài niệm, hay trong một nghiệp chướng nào của thời ăn lông ở lỗ.
Thúy Hằng là con dơi nhỏ bé của một vương quốc xa lạ. Lạc mất nòi giống, lạc mất cội nguồn. Cho nên truyện của cô mang sự lạnh giá của nỗi lạc loài ấy.
Ở đâu đó trong tác phẩm có mấy dòng chữ run rẩy: “Cũng có thể tôi chẳng đi đâu xa xôi, tôi chẳng gặp ai, tôi chỉ nấp trong một bụi cây và quan sát mọi thứ: tôi là một con thú không móng vuốt, không lông vẩy, cụt đuôi và trùi trũi, tôi lẩn trong bùn cát đêm và ngày, tôi trồi lên, nấp trong bụi cây, tôi hít hà cuộc sống đang vẳng lại từ xa, tôi dùng ngôn ngữ riêng, một tiếng kêu kỳ quặc để đối phó với những ai vô tình nhìn thấy tôi…” (trích “Già nua trên đường phố…” trang 49)
Rồi con thú cụt đuôi, không móng vuốt ấy cũng lớn lên, tự ăn dần mình và trở thành một người già: “Phải chăng những người già, cho dù tắm rửa sạch sẽ đến mấy vẫn tỏa ra mùi da thịt sắp chết của họ? Cái mùi hôi hám không gì cứu vãn vì tuổi già – một liên tưởng không vui cho lắm, vì rằng, rồi đây, người-ta cũng sẽ cuốn xoay trong vòng tròn đó. Tôi cũng hốt hoảng tháo từng sợi tóc khỏi da đầu và nhìn chúng giãy giụa trong bàn tay.” (trích “Già nua trên đường phố…” trang 48)
Trong văn chương của Nguyễn Thúy Hằng không bày biện những cứt, đái, bộ phận sinh dục, không đeo lủng lẳng những bảng quảng cáo Coca Cola, hay băng vệ sinh Cotex có cánh… cô đứng một mình, khép nép, cô đơn, sầu thảm trong xó kẹt của kiếp người, rụt rè thảy ra những trang viết đầy bụi bặm và khét lẹt của mình. Không cần biết thứ văn chương của cô là văn chương gì, nhưng nó làm tôi rúng động, thảng thốt và gục ngã.
°
Tôi tự cho phép mình xem tác phẩm “Bởi từ lâu chúng ta không thể ngủ” là cuốn hồi ký quái gỡ của Nguyễn Thúy Hằng (không cần biết có đúng vậy không) bởi vì trong đó cô có nói về quê quán của mình là cái làng đầy gió tanh tưởi và gào thét. Cô có nói về bố mình là ông Noah đóng cái thuyền lớn chở theo 4 đứa con gái và gia súc…vượt qua trận Đại Hồng Thủy. Và cô cũng kể về tuổi thơ của một con bé có 55 cái răng chỉ dùng để… đớp mặt trăng.
Ngoài việc đó ra, cô bé chẳng biết dùng mớ răng lởm chởm ấy để làm gì, bèn nghĩ ra một trò chơi quái đản:
“Gã trốn mẹ. Cạy cục dưới gầm tủ và lôi ra một hũ sơn. Gã lấy dao nạy hộp sơn lên, màu xanh trong hộp vẫn còn tươi, sền sệt nhưng trên mặt sơn đã đóng một lớp váng mỏng. Gã ôm hũ sơn chạy ra giếng nước và bắt đầu quệt những chấm xanh lên từng chiếc răng.
Bây giờ cô ta có hàm răng xanh, nhìn dễ sợ như hàm răng ma.”
Khi bị tống khứ ra khỏi nhà, cô đã lớn lên như cỏ gai mọc trong sa mạc khô cằn. Thân thể tóp rộp, ốm tong teo. Tự gọi mình là “Mụ vú khô” và mụ ta đã sử dụng cặp vú ấy hết công suất:
“Gã, Mụ vú khô. Trong đêm hè khoan thủng hết bốn bức tường bằng đầu ngực, nuốt hết vụn vôi và xi măng vào dạ. Gã nhìn từng lỗ trên tường. Đốm sáng tiếp tục nằm trong các hốc khè lửa. Nhưng chính giữa đốm sáng lại có tròng mắt sáng rực, trắng dã nhìn lại gã. Một ngàn cái lỗ, một ngàn đốm lửa bao quanh một ngàn con mắt. Một ngàn gã và một ngàn vú khô thở rốc từng ngày, hít vào rồi thở ra, chạy vòng vòng quanh nhà. Một nửa hàm răng bị nghiêng vì nghiến trèo trẹo cả đêm. Nghiến dọa mấy con mối.
…Gã chải mớ lông bùng nhùng, xoắn xuýt đang cố nhoi lên khỏi chiếc quần lót, chúng càng cong tợn như lò xo làm bằng những sợi nhôm mảnh mai. Mớ lông của gã trông tợ nùi nhôm dùng rửa dầu mỡ, vết cháy khét bám trong nồi, ánh sáng hắt vào càng xanh biếc.
…Nói tóm lại tất cả bộ phận trên người đều chống lại gã - Mụ vú khô, và thêm một vật nữa, nằm dưới gầm giường chịu đựng cơn thịnh nộ, khi buồn thì đem ra cào cấu, khi vui thì vặt cho trụi lông. Hết đường chạy trốn.”
Cô gái cô độc ấy đứng trong xó xỉnh sân trường nhìn đám bạn sinh viên, giáo sư, lớp học, phòng thí nghiệm sinh học…của mình bằng con mắt lồi độc nhất trên trán của một người ngoài hành tinh. Trong đôi mắt ấy, ngoại giới trở thành những “huyễn tượng”
“Huyễn tượng một:
Cỏ bợ nứt ra từ bắp chân một người chết trôi. Nó mọc bình thản, từ tốn trên bắp chân Mụ. Tối. Các lá rũ xuống, Mụ cong lưng nhìn bắp chân mình. Mụ bấm thủng da, khơi rộng đường để chúng lớn nhanh hơn. Trong giấc ngủ này, Mụ thấy bào tử nang lớn đẻ ra nguyên tản cái và đực. Những đứa con này chớp lấy nhau nhanh chóng. Đôi khi từng cặp cái hoặc từng cặp đực quặp lấy nhau, không cần trưởng thành, không cần định hướng, tách rễ và từ chối sự dạy bảo. Chúng ngậm nhau, sinh sản hung dữ, hiền hoà, nhu nhược, phản kháng tràn lan trên bắp chân người chết.
Mụ đứng dậy. Lê bước ra đường. Vú khô dị hợm. Bắp chân lòi rễ và mặt bọn trẻ vừa sinh quết xuống đất. Lúc ấy, Mụ thấy gã đang hút thuốc ngay đầu ngõ.
Huyễn tượng hai:
Sử quân tử biến thành người đàn ông tàn tật mọc hoang ngay bờ cống. Ông đi đến đâu, gieo bệnh cho người đến đó. Đâu đâu cũng là một đám người ẻo lả, dựa dẫm và trèo lên nhau mà sống. Họ chồng lên nhau, tay người này quấn lấy chân người kia thành một đống cao ngất. Họ bò trên những cái xác dậy mùi phía dưới đáy và tiếng em bé khóc oe oe ở phía trên. Những cái đầu đỏ loe ngoe mọc giữa cánh hoa và đòi nước. Cái bóng khổng lồ, bệnh tật và đau đớn này cố bò ngang thành phố. Bỏ lại sau lưng là máu và xác người vo viên trên đường. Ruồi xum xoe trên viên thịt lớn. Gã vẫn đốt thuốc và ngồi im vào lúc tám giờ bốn mươi lăm phút sáng.” (trích “55 cái răng” trang 75-76)
°
Rất tình cờ cô gái gặp lại thằng bạn thời còn bắn súng nước và chơi lồng đèn. Hai đứa đánh nhau vì mối hận cũ. Cuối cùng cô gái viết cho hắn một bức thư tình dấm dớ. Và hỏi: “ông có chịu về ở chung với tôi?” Đáp: “tôi đồng ý.” OK. Hai đứa ráp lại trong một căn phòng đầy mùi cà rốt thối rữa.
Không thiếu những màn sex giựt gân: “Cô để yên cho hắn xem xét với sự thích thú. Hắn lần xuống ngón chân cô, bẻ tới bẻ lui xem độ cứng của nó. Hắn gãi gãi và bóc da thừa ở gót chân cô. Hắn còn lần xuống mắt cá sần sùi, bấu bấu vào vết chai của chúng. Hắn xoay xoay đầu gối cô. Làm nó trượt tới trượt lui. Hắn chơi với bộ phận của cô gái một lúc lâu, nhưng tuyệt nhiên vẫn không chạm vào Mụ vú khô.”
Sau cuộc làm tình, gã đàn ông bị đẩy vào gầm giường và chết dí ở đó vì nghạt thở.
Cuốn hồi ký kết thúc bằng một cái chết và một niềm vui tự do. Nhưng đó chỉ là một hạnh phúc nhỏ bé như cái vỏ ốc nhặt được trên bờ biển. Nguyễn Thúy Hằng còn trẻ. Cuộc sống chưa thể khép lại. Chỉ tạm nghỉ giải lao mười lăm phút. Rồi cánh cửa chắc chắn sẽ mở. Con dơi nhỏ bé của cái thiên thạch đầy gió gào thét ngày xưa lại vụt bay ra. Ngọn núi lửa lại chuyển dạ. Không biết lần kế tiếp dung nham có phụt ra được để bùng nổ?
°
Đêm qua tôi nằm mơ thấy mình là một nhà sư già lủi thủi đi một mình trong rừng tìm lá bối về chép kinh Phật. Bỗng nhiên nghe tiếng gọi:
-Bố ơi!
Ngửng lên, thấy Nguyễn Thúy Hằng đang ngồi vắt vẻo trên một nhánh xương rồng saguaros cao ngất. Da cô đã biến màu xanh. Tóc cũng xanh. Tôi bèn hỏi cái câu mà lâu nay tôi vẫn thắc mắc:
-Con từ hành tinh nào đến đây?
-Con sẽ nói cho bố biết con từ đâu đến, với một điều kiện.
-Điều kiện gì?
-Bố sẽ theo con đến ở trên thiên thạch ấy. Gió đã đi hết rồi. Và chúng ta sẽ tạo ra một loài người mới.
(nhân đọc tác phẩm “ BỞI TỪ LÂU CHÚNG TA KHÔNG THỂ NGỦ ” của Nguyễn Thúy Hằng – nxb Văn Học 2008)