Năm đó chùa Tây Tạng ờ Bình Dương có một vị Phật tên gọi là Tỳ Lô Giá Na và một cô tiên nhỏ tên là Annie Phượng. Buổi tối khi các tín hữu đã xong lễ về nhà, khi thầy trụ trì và các sư sãi đã tụng xong bài kinh Kim Cang Đảnh, khi rừng cây đã im lặng, mái chùa đã chìm khuất trong màn đêm… thì ánh sáng của hai vầng hào quang tỏa ra, ôm lấy ngôi chùa. Một vầng sáng màu tím nhạt, ấm áp của đức Phật và một vầng sáng trắng tinh khiết của Phượng. Hào quang của Phượng tươi mới, rực rỡ như một khóm hoa lung linh trong sân chùa. Annie Phượng không phải là ni cô, không đi tu, nhưng hai mươi năm sau, khi theo Nguyễn Đức Sơn lên rừng, nàng đã hóa thân thành Bồ tát. Tôi chưa từng gặp Phượng thời con gái. Cũng chưa từng gặp Phượng năm nàng hai mươi tám tuổi dắt con theo chàng thi sĩ ngông cuồng lên rừng. Tôi chỉ gặp nàng khi nàng đã vượt qua chín tầng địa ngục, qua những cái chết, những cơn bệnh, những đám cháy rừng và những cơn đói. Nhưng tôi vẫn biết nàng rất đẹp. Trịnh Công Sơn cũng biết nàng rất đẹp. Nguyễn Đức Sơn thì nguyền rủa mọi thứ. Tôi nói: -Tôi đến đây để tìm một Nguyễn Đức Sơn “vĩ đại” nhưng tôi chỉ gặp một Phượng vĩ đại. Nếu không có người đàn bà này, ông đã chết rồi Sơn ạ. Sơn la hét. Và Phượng im lặng. Luôn luôn im lặng. Một cái bóng mảnh mai ngồi bất động trong hoàng hôn, trên mặt đất đầy lá khô và cỏ. Một khuôn mặt đầy nếp nhăn và một đôi mắt đẹp đầy những dấu chân chim. ° Năm 1972 Nguyễn Đức Sơn trốn lính, về tá túc ở Bình Dương, dạy Anh văn tại một tư thục. Nếu không gặp Phượng hắn sẽ chẳng có tác phẩm nào ra hồn. Phượng rọi hào quang của nàng vào cái đầu mê gái tơi bời của hắn và hắn được cô “độ” cho thành…thi sĩ. Tác phẩm “Đêm Nguyệt Động” ra đời từ dòng nước cam lồ róc rách tuôn ra từ nhục thể của “thánh cô” Annie Phượng. Và huyền thoại đã bắt đầu: Năm mười bốn có lần anh ngó thấy Em cởi truồng ngoe nguẩy cuối vườn trăng Hồn thảo dã trong đêm vừa thức dậy Khắp bầu trời ướt mượt cả lông măng ° Từ dạo đó xác hồn anh mất hết Một đêm nào trở lại cõi vô biên Đời anh đó đâu có bằng hạt cát Đã vô tình vương dưới gót chân em Từ đó chàng thi sĩ luôn trộn lẫn trần tục với bồng lai nên khi cô nữ sinh “tụt quần xuống đái” thì hào quang cũng rực sáng muôn trùng. Trên rừng vắng một mình anh hái trái Bỗng mơ hồ trông thấy quá nhiều chim Bên nương vắng em tụt quần xuống đái Anh thấy càn khôn rụng xuống trong tim Nhưng những vần thơ mê gái thượng thừa ấy cũng không lay động được Annie Phượng. Chàng khóc lóc, rên siết, quỳ lạy…cũng chẳng ăn thua, bèn dùng “khổ nhục kế”. Nếu như ngày nay thì chàng thi sĩ sẽ quấn chất nổ quanh mình rồi lao vào “đánh bom tự sát”, nhưng Nguyễn Đức Sơn thời đó đã trèo lên thành giếng và kêu lên: “Bớ Chúc Anh Đài! Ta chết đây!” làm Phượng hoảng hốt. Cuộc hôn nhân đã bắt đầu như vậy. ° Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, Nguyễn Đức Sơn bỏ đời, đưa vợ con lên núi. Tuy ông không đến nỗi “dở hơi” như Bá Di và Thúc Tề không thèm ăn thóc nhà Chu, nhịn đói mà chết, nhưng ông cũng cực đoan đến nỗi cấm không cho các con học chữ. Lúc ấy hình như Phượng mới có ba đứa con: Nguyễn Đức Thạch, Nguyễn Đức Thảo và Nguyễn Đức Vân. Hàng ngày hai vợ chồng phải vô rừng bẻ măng, hái rau rừng, đào củ mài về ăn thay cơm. Sau đó họ trồng rau lang vừa để ăn vừa để bán. Buổi sáng Phượng thường dậy rất sớm. Chiều hôm trước mấy mẹ con đã cắt rau lang bó thành từng bó lớn để sẵn trong sân. Nguyễn Đức Vân giúp mẹ cột các bó rau lên chiếc xe đạp rồi vịn xe cho mẹ ngồi. Phượng đạp xe qua những lối mòn trong rừng để ra chợ. Nguyễn Đức Vân chạy yểm trợ phía sau. Mỗi lần lên giốc Vân đẩy phụ xe cho mẹ. Khi xuống giốc Vân phải rị xe lại, nếu không xe sẽ lao đi, ném Phượng xuống triền giốc. Hai mẹ con ra đến chợ lúc bốn giờ sáng. Trời còn tối mù, có hôm sương xuống dày đặc nhưng mồ hôi toát ra ướt áo. Vân trải tấm ny-lông xuống đất ngay trước cổng nhà thờ cho mẹ nằm. Phượng, nằm nghiêng, bó gối, thiếp đi. Khi tiếng chuông nhà thờ vang lên, hai mẹ con thức giấc. Lác đác đã có tiếng người và tiếng bước chân xôn xao quanh khu chợ nhỏ. Hai mẹ con đẩy xe rau đến đó. ° Ba anh em tìm được một vạt rau rừng tươi tốt. Hôm nay không có măng và củ mài cũng cạn kiệt, những con nhím đã đến trước và lấy đi hết. Ba anh em trở về với một gùi rau. Phượng đem rửa ngoài chái nhà và bắc nồi nước. Trong vò chỉ còn một lon gạo. Cả nhà xúm quanh nồi rau rừng. Mớ rau ấy mang những độc tố gì? Sau bữa ăn mọi người đều chìm vào một cơn mê ngủ. Hai vợ chồng và ba đứa con trai, tất cả năm người nhưng chỉ có 4 người thức dậy. Nguyễn Đức Thảo đã ngưng thở. Bệnh viện cũng không cứu được. Thảo chết có lẽ vì sau bữa ăn em còn uống thêm một bát nước rau luộc. Năm ấy em mười ba tuổi. Em nằm trên chiếc giường tre nhỏ, chiếc áo đang mặc trên người đã rách tả tơi, xơ xác đến nỗi không thể vá được nữa. Phượng ngồi bên giường. Giọt nước mắt mệt mỏi vừa ứa ra đã nhòe trên gò má nhăn nheo. Mấy anh em không ai có được chiếc áo lành để mặc cho đứa em bất hạnh. Phượng lục tìm trong mớ áo xống của mình, chọn được một chiếc tương đối lành lặn. Bà lấy kim chỉ, ngồi bên giường của đứa con trai, vừa vá lại những chỗ sờn rách vừa khóc: -Con ơi! Mẹ xin lỗi vì đã không có được một chiếc áo lành để che thân cho con lúc con ra đi. Hãy mặc tạm chiếc áo của mẹ. Nguyễn Đức Sơn thì bất động như một gốc thông già, lặng thinh như hòn đá nám khói. Ông chôn con mình trên đồi thông rồi ném cái cuốc xuống triền giốc. Ông ôm lấy nấm đất đen và khóc ngất. ° Cũng từ đó Phượng im lặng. Nguyễn Đức Sơn thắp ngọn đèn dầu, viết những gì ông nghĩ. Bôi xóa. La hét. Vò nát bản thảo, vứt bừa bãi trong xó tối, trên nền đất đen ẩm ướt. Phượng đi lại trong túp lều như cái bóng. Bà gom những tờ bản thảo bị vò nát, vuốt cho chúng thẳng ra, xếp lại theo thứ tự rồi ngồi lại cái bàn gỗ ọp ẹp, trước máy chữ. Bà đánh máy lại những tác phẩm của chồng. Xong việc, bọc theo mấy củ khoai và vác cuốc vô rừng. Bà gom lá khô lại, đốt thành tro rồi đem bón cho những gốc thông mà Sơn đã trồng mấy tuần trước đó. Bà dọn cỏ cho những luống mì, luống khoai. Lưỡi cuốc miệt mài. Hai bàn tay sạm đen, khô cứng. Mỗi ngày bà làm việc trong rừng tới khi tắt nắng mới về. Cơm nguội buổi sáng vẫn còn. Mấy con cá kho nhỏ như ngón tay. Trong bữa ăn không ai nói gì, cũng không ai than thở. Đời sống vật vã như cơn gió đang mắc kẹt trong rừng thông. Hoàng hôn che khuất dần mảng trời trước khung cửa. Hôm sau Phượng lại vác cuốc vô rừng. Buổi trưa, Phượng ngồi trên đồi thông, hát một mình những ca khúc thời con gái. Gió rì rào từ dưới lũng thấp thổi tới. Phượng vừa chợp mắt đã nghe nóng rát mặt. Gió hừng hực. Nó ập tới mạnh mẽ khác thường. Nó mang theo tiếng răng rắc của củi cháy. Phượng đứng dậy, dùng cuốc xúc đất vãi vào lửa. Nhưng lửa sỗ sàng. Khói cuộn lên như đám mây lớn. Những nắm đất nhỏ nhoi của bà trở nên vô nghĩa. Hơi nóng táp vào mặt. Lửa rừng rực, xồng xộc tới như bầy tê giác điên. Phượng sợ hãi nhưng không bỏ chạy. Bà cầm cây cuốc. Hai tay run bần bật. Lửa đã trùm lên cả một mảng rừng, Lửa đỏ trời, che khuất những đám mây. Phượng sợ quá nhưng không chạy được. Bà quỵ xuống, gãy gập như cây bắp khô. Vừa lúc Nguyễn Đức Vân chạy tới. Phượng đã bất tỉnh. ° Nguyễn Đức Sơn lấy cái mền, cột túm hai đầu, luồng một cành cây vào giữa. Cùng với Nguyễn Đức Vân, hai cha con cáng mẹ băng rừng ra phố. Vừa chạy vừa khóc. Gai tre và cành cây cào xướt mặt. Máu lẫn với nước mắt. Nhưng trời vẫn còn thương cha con chàng thi sĩ ngông cuồng. Phượng đã tỉnh lại. Ba hôm sau Trịnh Công Sơn từ Sàigòn lên, ghé bệnh viện Bảo Lộc. Sơn Núi hỏi: -Mày lên đây làm gì? Sơn nhạc sĩ đáp: -Thăm Phượng. Sao lại khổ đến vậy? Sơn Núi bỏ đi. Trịnh Công Sơn ở lại với các con của Phượng. Có lẽ hôm đó là một ngày của năm 1982. Tôi không biết, và các con của Phượng cũng không biết chính xác là ngày và tháng nào. Sau đó Phượng phải mổ não và Trịnh Công Sơn cùng bè bạn đã hỗ trợ hết mình cho ca phẫu thuật hiểm nghèo đó. Nó đã cứu Phượng, đã giành giựt Phượng khỏi tay tử thần. ° Cuộc rượu cũng tàn theo nắng xế. Nhưng những lời vung vít của chàng cuồng sĩ thì vẫn còn sôi nổi. Bóng tối đã tràn ngập rừng cây, đồi cỏ và những lối mòn. Phượng và mấy cô con gái tiễn chúng tôi về. Khi xuống tới cuối ngọn đồi, Phương Bối–cô con gái lớn của Sơn và Phượng– nói: -Chú ạ, ba con chửi đời và tỏ vẻ bất cần đời nhưng đó chỉ là để che giấu nỗi buồn, che giấu sự cô đơn của ông. Và trong thâm tâm, ông cũng biết là ông đã sai lầm khi đưa tụi con lên đây và cấm tụi con đi học. Đó là bi kịch của ông. Bi kịch của Sơn Núi. Bi kịch của Nguyễn Đức Sơn thi sĩ.